Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
589
115.979.217
 
Chất Thơ Trong Lời Văn Miếng Ngon Hà Nội Và Thương Nhớ Mười Hai Của Vũ Bằng
Chế Diễm Trâm

 

Vũ Bằng (1913 - 1984) không những là một “nhà báo kiệt hiệt” (Tô Hoài) mà còn là một nhà văn lớn với nhiều đóng góp có giá trị vào nền văn học Việt Nam hiện đại. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông đã ghi nhiều “dấu” (từ của Vũ Bằng) độc đáo trên nhiều thể loại, nhất là truyện và ký. Nếu như giai đoạn đầu ký Vũ Bằng nghiêng về tự sự thì sau ông chuyển hướng sang loại ký trữ tình, càng về sau càng giàu chất thơ, định hình một phong cách viết ký độc đáo – ký trữ tình nội cảm – viết về những trải nghiệm máu thịt bằng những cảm xúc hoài niệm da diết, nồng nàn đến đắm đuối, tiêu biểu nhất là hai tập tuỳ bút Miếng ngon Hà Nội (MNHN) Thương nhớ mười hai (TNMH).

 

Đặc trưng cơ bản nhất của ký là thông tin sự thật, sự thật của sự kiện và sự thật của tâm trạng. Trong ký, tuỳ bút là thể tài đậm chất trữ tình nhất vì tuỳ bút là kiểu trần thuật bám sát vào mạch cảm xúc của cái tôi trữ tình bằng một lời văn giàu liên tưởng, “giàu xúc cảm, nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu”(1). Lời văn giàu chất thơ là phẩm chất nội tại của tuỳ bút nhưng có gia giảm mức độ tuỳ thuộc vào từng người cầm bút.

 

“Khái niệm chất thơ để chỉ những sáng tác văn học bằng văn vần hoặc văn xuôi giàu xúc cảm, nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu”(2) . Nói đến vai trò chất thơ để tạo hồn văn, nhà văn Trung Quốc Quách Mạt Nhược nói : “Trong tiểu thuyết và trong kịch nếu như không có chất thơ thì giống như rượu bia và nước hoa đã bay hết hơi hết mùi, giống như một xác ướp không có linh hồn”. Nhà lý luận Chu Quang Tiềm thì ví von chất thơ và cốt truyện trong tiểu thuyết giống như hoa và giàn hoa, cốt truyện chỉ như cái giàn ghép bằng những cành cây khô để cho chất thơ là những dây hoa mềm mại, mơn mởn, rực rỡ, ngát hương vươn lên(3).   

 

MNHN được Vũ Bằng viết tại Hà Nội năm 1952, sau đó sửa chữa và viết thêm tại Sài Gòn năm 1956, 1958, 1959; TNMH được khởi bút năm 1960, viết xong 1970 – 1971 tại Sài Gòn. Cả hai tập tuỳ bút là nỗi niềm sầu buồn của một người ly quê “lạc lõng ở Sài Gòn quanh năm chói chang nắng nhớ thương bốn mùa Hà Nội”(4). Vì vậy Vũ Bằng đến với hai tập tuỳ bút bằng một hồn văn ngây ngất cảm xúc hoài niệm với giọng điệu trữ tình mê đắm, lời văn giàu hình ảnh và dồi dào nhạc tính tạo nên chất thơ nồng nàn. Chất thơ như cái “dấu vân tay” của nghệ sĩ ký Vũ Bằng.

  

1. Từ ngữ, hình ảnh, câu văn… rất thơ

 

Lý do tồn tại của MNHN TNMH là bộc lộ cho hết niềm “thương nhớ” đối với một Hà Nội, một Bắc Việt ngời ngời trong tâm tưởng của kẻ “du tử” “mang nặng trong lòng bảy, tám biệt ly một lúc”. Bởi thế, tác giả đã truyền toàn bộ những xung động nội quan vào từng âm thanh, câu chữ, hình ảnh…tạo nên kiểu ngôn từ của thơ – ngôn từ giàu giàu xúc cảm, giàu hoạ tính, nhạc tính…

 

Hai tập tuỳ bút Vũ Bằng xoay trở trên niềm “thương nhớ” miên man, thiết tha đến chới với. Đó là trạng thái trữ tình thường trực và chủ đạo kiến tạo chất thơ cho tác phẩm. Trong khi ngôn ngữ văn xuôi rất ít lặp, nếu không muốn nói là tối kỵ, thì thơ ca lại lấy cái điều cấm kỵ ấy làm thủ pháp trữ tình. Vì vậy các thể loại trữ tình, trong đó có văn xuôi trữ tình, nói rộng ra là các văn bản biểu hiện, rất hay lặp. Vũ Bằng không ngần ngại lặp đi lặp lại hai từ “thương” và “nhớ” : trong MNHN  có 55 lần “nhớ”, 2 lần “thương”, còn trong TNMH, “nhớ” xuất hiện 258 lần, “thương” 116 lần với rất nhiều sắc thái và cấp độ (nhớ, nhớ thương, nhớ nhung, nhớ tiếc, sầu nhớ, buồn nhớ, nhớ day dứt, nhớ ơi là nhớ, nhớ sao nhớ quá, nhớ quá chừng là nhớ…; thương, thương thương, thương nhớ, thương yêu, thương mến, thương cảm, mến thương, buồn thương, thương không biết ngần nào là thương…).

 

Vũ Bằng xem sự bộc bạch “thương nhớ” là cứu cánh trong những năm tháng tư hương nên tuỳ bút của ông mang đậm thi pháp thơ, trong đó có cách nói lặp lại để biểu hiện cảm xúc. Tác giả đã viện đến một hệ thống từ láy (vì bản chất của từ láy là vừa điệp vừa đối), trong đó không hiếm những “díu ba, díu tư” hoặc cùng lúc ba, bốn từ láy dắt díu nhau, xô đẩy nhau để tâm trạng được bộc lộ. Một miếng bánh đúc đưa lên miệng “mát rời rợi” mang theo “một thứ mát dịu dàng, thơm tho, bát ngát như hít cả hương thơm của một vườn rau xanh ở thôn quê vào lòng”. Hay như một ngày, “nhà thơ” phát hiện : “Từ mùa đông qua Tết cho đến hôm nay, quần áo giấu mất hết cả thân hình đều đặn, núng nính, nõn nường của người vợ có đôi má đỏ hây hây mùi cốm giót”…

 

Nếu tuỳ bút Nguyễn Tuân có nhiều từ Hán - Việt, nhất là những từ lạ tai, thậm chí xa lạ với nhiều người thì tuỳ bút Vũ Bằng lại có khuynh hướng tìm về với sự ảo diệu của từ láy tiếng Việt, lớp từ thiên về sự biểu đạt trạng thái biến đổi tinh vi của cảnh vật cùng những cảm xúc mong manh, vi tế của giác quan, tâm hồn con người (lung linh, long lanh, óng ánh, óng a óng ánh, lóng lánh, rực rỡ, hơn hớn, mơn mởn, muôn muốt, mươn mướt, biêng biếc, hây hây, ngan ngát, ngào ngạt, dìu dịu, phiêu phiêu, se sắt, êm ái, tưng bừng, rạo rực…).

Nói như vậy không có nghĩa là Nguyễn Tuân không dùng từ láy và Vũ Bằng không sử dụng từ Hán - Việt nhưng nhìn tổng thể thì mỗi nhà văn có cảm hứng và sở trường ở một lớp từ vựng riêng biệt. Ý đồ sáng tạo không trùng nhau thì nhãn quan ngôn ngữ cũng thường khác nhau. Về điểm này, Vũ Bằng gần với Thạch Lam hơn qua lớp ngôn từ thuần Việt, giàu khả năng biểu cảm và đậm chất thơ. Trong Tựa cho Hà Nội băm sáu phố phường, nhà văn Khái Hưng viết : “nhiều đoạn văn xuôi của Thạch Lam trở nên những bài thơ kháu khỉnh”. Mượn lời Khái Hưng, ta hoàn toàn có thể nói rằng với lớp từ láy đậm thi vị, văn xuôi trữ tình - tuỳ bút Vũ Bằng đã có phẩm chất và hình hài của thơ.

 

Ngôn từ mang tính thơ của Vũ Bằng còn thể hiện ở việc nhà văn rất hay sử dụng các phương thức chuyển nghĩa đồng đẳng thông qua các biện pháp tu từ như ẩn dụ, nhân hoá, chuyển đổi cảm giác… độc đáo đến không ngờ. Chẳng hạn, trước cái đẹp rất gợi cảm của gánh cốm, nhà văn sáng tạo một hình ảnh làm sững sờ : “hàng nào cũng có một cái đòn gánh cong hai đầu, người bán hàng bước thoăn thoắt hai cái thúng đu đưa, trông thật trẻ và thật …đĩ !”. Cái vẻ tình tứ, rạo rực của những ngày lập xuân đất Bắc được nhà văn khái quát bằng một hình ảnh không chỉ tuyệt đúng mà còn tuyệt lạ : “…yêu nhất là những ngày giáp Tết, thời tiết sao mà đĩ thế, con mắt tấm lòng sao mà đong đưa thế, lời nói, tiếng chào sao mà duyên dáng tơ mơ thế”. Hai tập sách có vô vàn những hình ảnh ẩn dụ tinh tế như thế. Đó chính là những mã ngôn ngữ kiến lập thông tin mỹ học, đồng thời cũng làm cho tác phẩm mang đặc trưng hàm súc đa nghĩa của thơ, đem đến cho người đọc những liên tưởng thú vị.

 

Cùng với những ẩn dụ, Vũ Bằng sử dụng thủ pháp so sánh thường xuyên và liên tục, đặc biệt là những so sánh thiên về biểu cảm mang chất thơ đến cho lời văn. Điều dễ nhận thấy nhất là cơ sở so sánh của Vũ Bằng thường là vẻ đẹp của người phụ nữ, nhất là vẻ đẹp thanh tân của người thiếu nữ. Bánh đúc “mịn mặt như da thịt mát rợi của người đàn bà đẹp vừa mới tắm”. Cái màu xanh non của cốm “duyên dáng như cô gái dậy thì bỗng tự nhiên đẹp trội lên trong một buổi sáng mùa xuân tươi tốt”. Cái trăng tháng giêng “non như người con gái mơn mởn đào tơ”… Đây là điểm Vũ Bằng và Xuân Diệu gần gũi nhau. Thi sĩ Xuân Diệu cũng thường dựa vào tiêu chí so sánh gợi cảm như thế. Tuy nhiên, thiên nhiên ở Vũ Bằng không phải là thiên nhiên tình ái, gắn với khao khát chiếm hữu như nhà Thơ Mới mà là thiên nhiên văn hoá, trang trọng, tinh khôi, thanh lọc tâm hồn con người. Có thể nói, chính nhờ những “cấu trúc kép” đa nghĩa như thế, Vũ Bằng đã làm xuất hiện ý thơ, làm cho lời văn thấm đẫm chất thơ. 

 

Tuỳ bút Vũ Bằng có nhiều sáng tạo ở cấp độ câu. Dường như tiếng Việt có bao nhiêu kiểu câu thì có thể tìm thấy bấy nhiêu kiểu ấy trong văn ông. Tuy nhiên, Vũ Bằng đặc biệt tỏ ra ưu ái với kiểu câu phức và câu ghép, câu cảm và câu hỏi tu từ giàu nhạc tính… Ít thấy những câu đơn, câu rút gọn thành phần trong MNHN TNMH. Đây là điểm khác biệt giữa tuỳ bút và hồi ký Vũ Bằng. Trong hồi ký Cai, Bốn mươi năm nói láo…, câu văn thường ngắn, nhịp điệu gấp, là kết quả của sự thúc bách của cảm xúc, của nội tâm, muốn nói cho nhanh những sự kiện chất chồng trong ký ức. Tuỳ bút Vũ Bằng lại khác. Tuỳ bút của ông là dạng hồi ký trữ tình, ở đó sự kiện được giảm thiểu tối đa, chỉ còn là cái cớ cho cảm xúc thăng hoa nên câu văn dàn trải, trổ nhiều cành nhánh, phức hợp thành phần, tãi ra như cảm xúc miên man và nỗi nhớ bất tận. Những câu văn âm điệu hài hoà, nhịp điệu được bố trí đăng đối, mang dáng dấp biền ngẫu, vừa đưa lại phong vị cổ điển man mác vừa tạo nên những cung bậc ngân nga hợp với người lữ thứ : “Cái buồn mùa thu lê thê, cái buồn mùa thu tê mê, cái buồn mùa thu não nề nhưng không day dứt đến mức làm cho người ta chán sống”. Vũ Bằng không ngần ngại viết những câu rất dài, có nhiều “thì”, “”, “”… cốt để gây ấn tượng về một vẻ đẹp đa diện, vẻ đẹp “không tới đáy” của cố hương hoặc dùng kiểu câu có những cặp quan hệ từ hô ứng như “càng… càng”, “bao nhiêu… bấy nhiêu”, “đi… lại… lên… xuống” cũng không ngoài mục đích phô diễn cho hết nỗi nhớ thương đau đáu, thiết tha, chẳng hạn : “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt cả bầu trời mà nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phước, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống.”

           

Dễ nhận thấy khi đọc MNHN TNMH là nhịp điệu tình cảm bên trong của tác giả đã được ngôn ngữ chuyển tải và hình ảnh toả phát tạo nên dòng ngữ lưu giàu thi vị. Từ ngữ, hình ảnh, câu văn…điêu luyện, phong phú, giàu hình tượng và truyền cảm làm cho tuỳ bút Vũ Bằng tránh được cái điều mà Valentin Raxputin từng cảnh báo : “Tai hoạ lớn nhất của văn học là ngôn từ vô hồn”. Tình cảm nhớ thương của người xa xứ hướng về cố lý, cố nhân như những đợt sóng cuộn lên một cách dịu êm, mà mỗi câu, mỗi đoạn là một con sóng nhịp nhàng, mỗi chương là một khúc cảm tác, mỗi tác phẩm là một mê khúc với giai điệu trìu mến, tha thiết. Đó chính là “tâm trạng nhạc tính” (từ của M.Arnauđôp) của lời văn nghệ thuật MNHN TNMH.

 

2. Giọng điệu hồi cố thi vị

 

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, là một cách nói bằng ngôn từ. Gắn liền với cách nói là thái độ, là giọng điệu của nhà văn ẩn sau các mã nghệ thuật. Từ giọng nói người ta nhận ra người nói nên từ giọng điệu người ta có thể xác định được  “nhận thức, thái độ, lối sống và cả nội lực của nhà văn”(5). Giọng điệu “có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc”(6).

           

Viết MNHN TNMH, Tiêu Liêu Vũ Bằng đã chọn được cho mình một giọng điệu thích hợp để bộc bạch nỗi niềm hoài vọng về một khung trời thân thương ăm ắp kỷ niệm khó có cơ hội được trở lại, gặp lại. Đó là giọng điệu hoài cảm nồng nàn nhưng trang trọng, sâu lắng nhưng tha thiết. Đó là “những câu văn như có ma ám, từng dòng, từng dòng như bị một thế lực siêu nhiên vừa hành hạ, vừa chắp cánh cho tâm hồn, cho cõi lòng để bao nhiêu tài hoa biến thành niềm thương nhớ thấu trời thấu đất !”(7)

           

Đến với hai tập tuỳ bút của Vũ Bằng, người đọc dễ dàng nhận ra một giọng điệu man mác đến se sắt ngay từ những dòng đầu tiên. Lời đề tặng TNMH ngân nga âm hưởng thương nhớ vô hồi vô hạn : “Bắt đầu viết cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến câu cuối bài Tháng Chín thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn, Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu”. Cũng ngay dòng đầu MNHN, niềm thương nhớ đã bảng lảng, mênh mang : “Vào những năm tàn tháng hết, ở miền Nam nước Việt có những buổi tối đìu hiu lạnh như mùa thu đất Bắc (…) Người xa nhà đột nhiên thấy trống trải trong lòng. Lê bước chân trên những nẻo đường xa lạ, y thấy tiếc nhớ một cái gì không mất hẳn nhưng không còn thấy. Nhớ vẩn vơ, buồn nhẹ nhẹ. Cái buồn không se sắt, cái nhớ không day dứt nhưng chính cái buồn cái nhớ đó mới thực làm cho người ta nhọc mệt, thẫn thờ. Lòng người cũng như cánh hoa, chóng già đi vì thế.” Tác giả Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam cho “đó là giọng văn tràn đầy tình cảm, thiết tha, sâu lắng (…) giọng văn của Vũ Bằng là giọng văn của tâm tưởng, của những lời kể miên man cơ hồ kéo dài không dứt, đan xen vào nhau, chồng lấp lên nhau, thực và mộng cùng giao hoà mà vẫn trong trẻo, nhẹ nhàng”(8)

 

Khác với Nguyễn Tuân viết tuỳ bút bằng một giọng điệu khá cầu kỳ, kiêu bạc; và cũng khác với Hoàng Phủ Ngọc Tường sau này – người “đảm nhận cái gánh nặng tuỳ bút mà Nguyễn Tuân và Vũ Bằng trao lại” (lời Nguyễn Trọng Tạo)(9) với một giọng điệu trữ tình sâu lắng, trầm mặc, giàu suy tưởng triết luận – tùy bút “họ Vũ” nhất quán một giọng điệu tha thiết, đắm đuối, thổn thức đến nhói đau. Với những chất “giọng” khác nhau như thế, mỗi nhà văn đã chọn cho mình một “điệu” riêng khó lẫn. Hoàng Phủ Ngọc Tường là điệu slow rất chậm, rất Huế; “chàng Nguyễn” tựa điệu flamenco rất nhộn, bốc lửa; còn Vũ Bằng là điệu valse trang trọng, dìu dặt, “cuồn cuộn một cách êm dịu, đôi khi lại như nhảy nhót lên trong ánh sáng”. Mỗi người tài hoa và sang trọng theo mỗi cách khác nhau, dường như họ đã lãnh trọn sứ mạng làm nên một tam diện tuỳ bút cho văn học nước nhà. 

 

Ngợi ca say sưa đến sôi nổi, yêu thương đắm say đến mê mệt là giọng điệu xuyên suốt MNHN TNMH. Giọng điệu đó đã tìm tới lời văn đằm thắm, nồng nàn, “hầu như không có câu nào trong trạng thái miêu tả trung tính. Các câu văn nằm trong sự bao quát của một từ trường mạnh hút về phía trữ tình hoài niệm”(10).

 

3. Lời trần thuật của cái tôi nhiều vai đậm chất thơ  

 

Là “một biến thể của loại tự sự” (Gulaiep), trong ký cũng xuất hiện nhân vật trần thuật. Nhưng khác với nhân vật trần thuật trong truyện bao giờ cũng có “sự giúp đỡ của tác giả” (M.Gorki), là hình thức ẩn mình của tác giả, nhân vật trần thuật trong ký thường là tác giả. Nhà phê bình Nga Priliut có nói : “Thông thường, cái tôi trong ký là tác giả, mặc dù không trừ hình thức người trần thuật ước lệ”.

 

Với tuỳ bút – thể tài chủ yếu thông tin sự xác thực của tâm hồn – người trần thuật hiếm khi ở dạng ẩn tàng mà thường là người trần thuật lộ diện, vừa đóng vai trò nhân chứng vừa là một chủ thể bộc lộ cảm xúc trữ tình, nghĩa là cái tôi trần thuật và cái tôi trữ tình của tác giả đồng nhất làm một. Bởi thế, Nguyễn Tuân mới gọi tuỳ bút là “lối chơi độc tấu”. Chính bản chất “độc tấu” quy định tính chất đơn âm trong lời văn của tuỳ bút.

Người trần thuật – tác giả trong tuỳ bút Vũ Bằng “độc bạch” (từ của M.Bakhtin) bằng chính những kỷ niệm mịn màng, những cảm xúc thăng hoa, những rung động tinh tế chảy dọc tâm hồn ông suốt mấy mươi năm mơ màng “giấc hương quan” (từ của Nguyễn Du). Cái tôi nghệ sĩ của Vũ Bằng quán xuyến từ đầu đến cuối tác phẩm, giao tiếp với bạn đọc theo lối độc tấu những tâm sự, kể lể, giãi bày… riêng tư đẹp đến nao lòng : “Ở Tuyên thành bây giờ em có lần nào trở lại xem hội tung còn ngày trước nữa không? Phải chi én nhạn biết nói tiếng người như trong truyện thần tiên, thể nào ta cũng cậy chim, cậy cá nói nhỏ vào tai người yêu một câu thương nhớ và xin với nàng ghi dạ đừng quên…” Cái tôi ấy hiện diện trong từng câu chữ làm nên những lời văn có chủ và đưa đến sự xác tín cao độ của lời kế. 

 

Trong hồi ký, Vũ Bằng luôn để người kể chuyện đứng ở ngôi thứ nhất nhưng ở tuỳ bút, nhà văn với tư cách người kể chuyện xuất hiện rất linh hoạt và đa diện, tạo cho mình một “khuôn mặt” có nhiều “gương mặt” - kiểu độc tấu trên nhiều bè. Đầu tiên, người kể đứng ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi” và xưng “mình” rất gần gũi, thân thiết. Chủ thể của lời kể còn xuất hiện ở ngôi thứ hai – “anh”. Rất lắm khi tác giả tự xưng bằng rất nhiều dạng thức của ngôi thứ ba : “y”, “người chồng”, “ông chồng”, “người xa nhà”, “người đàn ông lạc phách”, “người khách tương tư cố lý”, “người lữ khách”, “người xa quê”, “người gối lẻ”, “người chồng cô chích”, “người mắc bệnh sầu thương cố lý”, “người mang trong mình bảy, tám biệt ly một lúc”… Lối kể tưởng rất khách quan như thế hoá ra lại có sức cảm nhiễm to lớn, dễ dàng gây ấn tượng “cùng một lứa bên trời lận đận” (thơ Bạch Cư Dị) của biết bao thân phận hát khúc ly quê.

 

Nhưng nhiều nhất, dễ thấy nhất là tác giả xuất hiện dưới hình tượng số nhiều, số đông “ta”, “chúng ta”, “người ta” : “Một buổi chiều trở gió kia, ngồi cúi xuống lòng để hỏi chuyện tim mình, ta cảm như có hàng ngàn vạn con mọt nhỏ li ti vừa rung cánh o o vừa đục khoét con tim bệnh tật”, “Người ta nhớ heo may, giếng vàng; người ta nhớ cá mè, rau rút; người ta nhớ trăng bạc, chén vàng.” Đó có thể xem là những “thủ thuật” lôi kéo độc giả nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm để có cùng tiếng nói, cùng một nhịp con tim, cùng dòng cảm xúc với người kể, để rồi thời gian xa xăm, không gian xa ngái được kéo ngược trở về, ranh giới giữa thực tại và hoài niệm được xoá nhoà.

 

Cùng với sự linh hoạt của hình tượng người kể, đối tượng nghe kể cũng liên tục thay đổi. Có lúc, người nghe ấy phiếm chỉ qua “ông”, “anh”, “bạn”, “cô con gái”, “các bà nội trợ”, “anh đi đường cái”, “người lãng tử”, “khách xa nhà…” (MNHN) hay “em”, “bạn”, “người em gái xoã tóc bên cửa sổ”, “người du khách đa xuân tứ”, “những người thiên lý tương tư”…(TNMH). Nhiều trường hợp, đối tượng hướng tới của lời kể có “địa chỉ” rõ hơn (“cô Ba Sa Đéc, cô Tư Cần Thơ, cô Năm Vĩnh Long, cô Sáu Mỹ Tho, cô Bảy Đồng Xoài”)… nhưng suy cho cùng đó cũng chỉ là những “giao tiếp tưởng tượng”, là cái cớ cho nhà văn lấy cảm hứng.

 

Những đối tượng cảm động nhất của cái tôi trần thuật Vũ Bằng là “Hà Nội ạ”, là “Bắc Việt mến thương ơi”, “mùa thu ở Bắc Việt xa xưa ơi”, đặc biệt là “Quỳ”- “người vợ tấm mẳn có đôi má hây hây màu cốm giót”… Những cuộc “trò chuyện giả vờ” ấy có khi cảm xúc dâng trào đến mức thiên nhiên tạo vật cũng là đối tượng hướng đến : “Trăng thu, mây thu, gió thu ơi…”, “Ới ơi trái vải của miền Bắc xa xưa”… Quả là nhà văn đã nhập hồn mình vào trời đất, cỏ cây, sông núi, người thương, kỷ niệm, sống với ý nghĩ thực, cảm xúc thực để thủ thỉ tâm tình với những gì thân yêu nhất của đời mình. Đồng thời, cái tôi tác giả cũng không còn xuất hiện với tư cách cá nhân nữa mà đã nhân danh cộng đồng, nhân danh lịch sử để ngợi ca, tôn vinh những giá trị nhân văn trường tồn bao đời. Người đọc cùng thổn thức, cùng tin tưởng những câu chuyện vang vọng đẹp như những huyền thoại mà tác giả đã chắt chiu qua bao tháng năm xa cách.

 

Như chính quy luật sự sống, từ một “cổ họng” (từ của Tuốcghênhep) nhưng có thể có nhiều kiểu nói và nhiều điệu nói, lời kể của cái tôi Vũ Bằng đơn âm nhưng không hề đơn điệu, phần nào mang tính phức điệu nhờ lời trần thuật đan xen đối thoại, độc thoại, chuyển giọng liên tục. Thử đọc đoạn về cốm Vòng – “món quà được Vũ Bằng ve vuốt bằng ngôn ngữ trang trọng nhất” (Tạ Tỵ), tác giả chuyển giọng rất duyên : “Ờ mà lạ thật, chẳng riêng gì mình, sao cứ đến đầu thu thì người Hà Nội nào, ở phiêu bạt bất cứ đâu đâu cũng nhớ ngay đến cốm Vòng?” (độc thoại), “Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước thương yêu mà biểu dương được tinh thần của những cuộc nhân duyên giữa trai gái như hồng và cốm!” (đối thoại)…Hoặc ta lẩy ra những câu mở đầu mười hai chương thương nhớ sẽ thấy rõ sự đan cài đối thoại, độc thoại, giọng kể, giọng cảm thán, giọng triết lý, bình phẩm…rất tài hoa của nhà văn. Tháng giêng : “Tự nhiên như thế : ai cũng ưa chuộng mùa xuân” (độc thoại bình luận). Tháng hai : “Đã lâu lắm chúng mình không được tin tức của nhau Quỳ nhỉ” (đối thoại). Tháng ba : “Nhưng đến tháng ba thì trời đất quả là kỳ ảo” (kể kết hợp bình phẩm). Tháng tư : “Chẳng biết ăn cái trứng nhạn vào thì có mát lòng mát dạ tí nào chăng, chớ thật tình ở miền Nam yêu quý, sang đến cái tháng tư này trời nóng quá, ăn gì vào miệng cũng không ngon” (kể xen đối thoại). Tháng năm : “Cảm giác của anh ra thế nào? Tôi không biết. Nhưng tôi biết là…” (đối thoại). Tháng sáu : “Thế thì con đỗ vũ là con quái gì mà lại ru người sắp ngủ vào những giấc mộng vàng son như thế?” (đối thoại giọng triết lý) v.v…

 

Những năm 1930 – 1945, Vũ Bằng là một trong những nhà văn có công thể nghiệm và bước đầu sáng tạo lối kể chuyện “tiểu thuyết đa thanh” (M.Bakhtin gọi là “tiểu thuyết phức điệu”) bằng cách pha trộn ngôn ngữ tác giả - ngôn ngữ người kể chuyện - ngôn ngữ nhân vật, mà sau này Nam Cao đã tiếp thu, phát triển và thành công rực rỡ. Vũ Bằng đã phát huy phương thức tự sự ấy trong ký, nhất là trong tuỳ bút. Cái tôi “độc bạch” của tác giả vẫn là độc tôn nhưng được đặt ở nhiều ngôi vị khác nhau. Song, dù người kể ở vị thế nào, đối tượng hướng tới là ai, ngữ điệu ra sao thì cũng chỉ có một chủ âm tạo thành một kiểu lời kể độc đáo của tuỳ bút Vũ Bằng - lời tự tình hoài niệm.

 

Một nhà thơ Nga có nói chất thơ không phải là cái thuần tuý đối lập hoàn toàn với văn xuôi, mà là cái toả sáng trên chất văn xuôi. Chất thơ của văn xuôi là một phạm trù có nội hàm rộng rãi nhưng trước hết là “những cảm xúc chất chứa, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ trong ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”(11). Lời văn nghệ thuật tuỳ bút Vũ Bằng toả sáng một chất thơ buồn nhẹ nhàng, thanh khiết và dịu êm.

Đúng như nhà văn Nguyễn Khải đã nói : “Tuỳ bút Nguyễn Tuân có cái hay riêng, tuỳ bút Vũ Bằng có cái hay riêng”(12). Nếu như tuỳ bút Nguyễn Tuân nghiêng về tính chất khảo cứu thì tuỳ bút Vũ Bằng đậm gắt chất trữ tình hoài niệm. Chúng ta hoàn toàn có thể trân trọng dành những cành hoa cho nhà văn Vũ Bằng, người dọn lối và làm đẹp thể ký trữ tình, ký nội cảm, ký hoài niệm - một kiểu thơ văn xuôi với âm hưởng say mê và da diết, góp phần làm nên sự hiện đại và phong phú của diện mạo ký Việt Nam thế kỷ XX.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

(1), (2), (6) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh.

(3) Theo Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 214.

(4) Tô Hoài (1991), “Vũ Bằng thương nhớ mười hai”, Tạp chí Văn học (số 1).

(5), (11) Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004), Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội.

(7) Triệu Xuân (2000), “Nhà văn Vũ Bằng, người lữ hành đơn côi”, Lời giới thiệu Tuyển tập Vũ Bằng (3 tập), NXB Văn học, Hà Nội.

(8) Vũ Tuấn Anh, Bích Thu (chủ biên) (2006), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (hai tập), NXB Giáo dục, Huế.

(9) Nguyễn Trọng Tạo (1998), “Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Một cõi tâm linh”, Báo Văn nghệ số 39 ngày 26/3/1998.

(10) Văn Giá (2000), Vũ Bằng bên trời thương nhớ, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.

(12) Nguyễn Khải, “Vũ Bằng bàn về nghệ thuật tiểu thuyết Truyện Kiều”, Báo Văn nghệ số 33 ngày 12/8/2000.

 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 3993
Ngày đăng: 07.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lá Diêu Bông, Chiếc Lá Huyền Thoại - Trần Thanh Hà
Trái Cấm - Vũ Ngọc Anh
Đuổi Theo Ngôn Từ Thông Qua Một Mê Lộ - David Orr - Cao Thu Cúc
Cà phê dưới góc nhìn xã hội học - Nguyễn Hoàng Mỹ Phương
Hai kẻ nòi tình - Nam Dao
Khoảnh-Khắc - Nguyễn Quỳnh USA
Quá Ðề Cao, Hoặc Một Chút Cười Cợt, Ðối Với Vua Chúa - Trần Văn Nam
Hữu Loan, Đèo Cả. 1916-2010 - Đặng Tiến
Ðời và Nhạc TRịNH CÔNG SƠN - Đặng Tiến
Kitô Giáo Tại Pháp: Tàn lụi hay chuyển mình - Nguyễn Đăng Trúc
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)