Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
600
116.875.250
 
Mây Cô Ban
Nguyễn Thị Kim Lan

 

( Kính tặng chị)

 

 

Ánh bắt xe buýt nhanh về quê, dù đang những ngày đại dịch. Cô ít khi phải đi công chuyện đại gia đình, việc này các em trai và mấy anh rể xưa nay lo cả. Đàn bà bắc từ thời xây dựng đời sống mới theo hướng xã hội chủ nghĩa thì được hưởng bình quyền cao. Việc này càng cao vút ở những gia đình công nông binh được giác ngộ, có giám sát của đoàn thể, có quán triệt của chi bộ. Rồi thì kiểm thảo, bình xét, khen thưởng, phê bình. Đó là thật mười mươi mà dù muốn khác đi không được, Ánh nghĩ thế, y như mẹ nàng hay bảo  cái gì ra cái nấy.

Nàng về  bốn chín ngày chị Dương. Chị mất vì đột quị, vào dịp trời đất âm u sau Tết. Chị là chị em con cô con cậu ruột với Ánh, xét về bề bậc. Nhưng chị chỉ kém mẹ Ánh chút tuổi vì mẹ Ánh là em gái út của bố chị. Nàng còn nhớ, ngày nhỏ, bố ra trận, chị tối  tối sang nhà chị em Ánh. Khi mẹ Ánh vào ca ba, chị ở lại, kể cho chị em Ánh nghe cơ man nào là chuyện cổ tích, tay quạt tay xoa lưng cho chị em Ánh ngủ. Ngày mẹ Ánh đổi ca, chị hay sang gọt củ quả, nhặt rau, gánh nước rồi ôm vòng từ đằng sau lưng mẹ Ánh, hai cô cháu nhìn vào gương, chị Dương bảo mẹ : Mình xinh vừa thôi, lúng liếng vừa thôi, kẻo chết cá vào ao của chú tôi, mà chú tôi nóng ruột. Biết là mình nhớ chồng rồi. Nhưng nhớ để trong bụng, đừng thở dài, đừng héo úa, con nó buồn, rồi đoàn thể người ta bảo tiêu cực. Để rồi tôi lại đi cùng mình vào thăm giai  quí. Lần trước mình đi mùa hè nhỉ, giờ đã ba năm. Lần đó tôi còn bé, gánh đỡ mình quà cáp chưa nhiều. Giờ tôi 17, tôi sẽ cõng mình khi mình mệt. Tôi con đàn, lại là chị thứ, nên tôi chấp khổ sở một mắt, không  như mình, mình nàng út, điệu rơi điệu rụng. Nên thương mình lắm. Mẹ Ánh nguýt chị, bảo :  nhân nhà chị, khẽ miệng thôi, kẻo bà nghe thấy, kẻo tụi trẻ nghe thấy, đánh giá chết. Phụ nữ ba sẵn sàng gì mà chỉ nói chuyện nhớ chồng. Ừ, sang tiết thu ta lại sang Xiêng Khoảng nhỉ. Đơn vị của chú có anh nào đẹp  giai, lính cậu thì chúng tôi gả cho. Lấy chồng chiến sĩ, lại chỗ đơn vị có cha chú giám sát, đảm bảo mà oách nhé. Thích chưa.  Rồi Ánh nhớ, mắt họ trong gương như thẫm đi, loang loáng như ánh sao đêm lúc đỉnh trời bắt đầu tắt trăng, mà còn xa lắm buổi mai mơi tới. Ánh mắt làm Ánh mỗi khi nhớ lại, cứ thắt lòng. Sau này, loáng thoáng, Ánh biết gì đó về bố mẹ, về những ai đó ngoài họ ra, anh Huy lính cậu viết cho chị bao nhiêu bức thư, còn cài một chiếc cặp ba lá lên tóc chị, rồi hôn lên vết sẹo nhỏ trên mắt chị, hẹn chiến tranh hết, sẽ xin em về làm dâu phố Hàn Thuyên. Về việc anh ấy chết bên Cánh Đồng Chum, do một quả tạc đạn đi lạc, trong lúc đang mài ngòi bút sắt để viết thư cho chị. Về anh chồng chị sau này, người có chiếc răng nạm vàng bên khóe miệng, làm đâu đó ở nhân hàng nhà nước, vì quá thấp bé nên không phải  đi bộ đội, rằng đám cưới xong, chị chạy về gục đầu vào lòng mẹ tôi “Mình ơi, ngấy hơn bát nước bùn. Ngấy hơn bát nước bùn mình ơi”. Mẹ Ánh lùa tay vào tóc chị, nước mắt chảy dài. Sao phụ nữ họ lại có thể biểu đạt phi ngôn ngữ lạ lùng thế. Ánh cứ nghĩ, mẹ chảy nước mắt còn vì bao điều xa xôi nữa. Cái xa xôi chưa tới. Về nhưng bông hoa ly, hoa huệ lại bị gió đưa hương vùi vào những vũng nước  không đâu vào đâu trên ngõ đời.và

 

2. Ánh về tới nơi, anh rể các con cháu và cả họ hàng đã sắp lễ đâu đấy. Họ làm  y như xưa nay có chị, chị làm cả. Ánh cắt hoa ly và loa kèn mẹ mua gửi về, cắm vào hai chiếc bình cổ chị giữ từ thời bà còn sống. Bà và mẹ chị mẹ chồng nàng dâu là một nhẽ, tân cổ giao duyên một nhẽ, còn kẻ mặt trời người mặt giăng, nên căng thẳng lắm. Chị luôn giấu mẹ chị, yêu bà nội, chăm bà nội, sà vào lòng bà nội. Ánh nhớ, chị rất hay luồn tay vào áo trúc bâu đầy hơi đàn bà góa bụa khi còn xoan của bà,  một lát, bà phát vào tay chị đen đét : con nỡm này, hư thế này, bà đánh cho mươi  roi bây giờ. Chị kêu lên: Ôi ôi, xinh gái quá  mẹ nội ơi, sáng như ánh sao, ngon như bánh bao, ấm như hơi trầu. Lêu lêu. Bố nội dưới  nhà âm tha hồ nóng ruột đợi mẹ nội à nha. Rồi bà nội, mẹ Ánh, chị,… họ rúc rúc rích rích y như kho tranh Đông Hồ ngày yên hàn no đủ vậy. Hai chiếc lọ độc bình này mẹ nội đội đi tản cư khắp nơi, là của hồi môn các cụ tặng con rể thợ thuyền nhưng tài tử tài hoa. Sau này chị Dương bê cả xuống tăng xê tránh máy bay, chị gánh theo khi đi sơ tán Đồng Phù, Vụ Bản. Một bên là em Hồng của Ánh, một bên là hai chiếc lọ, thúng đồ khâu. Chị bảo: Không gánh gồng theo mà mất hết hồn vía tổ tiên ư. Người đi đâu đầu lâu theo đấy chứ. Chị, chị đã gánh cả một đoạn tràng bao nhiêu phận số náu nương vào cành phả hệ mà có cớ trao nhau tình mênh mang vạn kỉ, tha nhân.

 

3. Ánh thắp nến, cắm  hương vào bát hương trước ảnh chị. Hôm chị mất, Ánh đang ở Singapo, đúng lúc dịch cúm dâng tràn. Cô không thể về kịp vì sẽ phải cách ly, nên cô không về nữa. Lúc này, đứng trước ảnh chị, Ánh lạ thay, cô không đau đớn như cô tưởng. Vì không rõ vì sao, cô không nghĩ là chị đã mất.  Nhìn nét hao gầy và nụ cười của chị, Ánh nhớ  năm cô mới ra trường, chị là nhân viên thương nghiệp, Ánh là trí thức tiền phong, nên Ánh tháng hai chưa có gạo tháng mười. Chị chờ anh rể đi làm, lẻn sang nhà Ánh, thoắt một cái, trút rá gạo vào thùng ; trút đon củi vào bếp nhà Ánh, nói khẽ:  tôi lạy dì, dì mà nói câu nào, dì mà trả lại là tôi cắn lưỡi tôi chết đó. Lão nhà tôi nó tốt thôi, nhưng cái giống đàn ông nó vẫn có cái hẹp bụng. Nên tôi phải ngặm nguội úi xùi. Dì thông cảm cho tôi, nhận cho tôi, tôi biết ơn dì. Rồi chị khép cổng, đi về. Gạo củi chị đã nuôi Ánh những ngày Ánh lên lớp dạy văn học sử thi cao cả, dạy mẹ Tơm, mẹ Suốt, dạy chủ nghĩa anh hùng. Chữ của nhà văn. Nhưng máu trong tim Ánh là của bà, của mẹ, của chị. Những ‘’ nhà văn” vô danh, chưa từng được đứng trên giảng đường, chưa từng bước vào bức tranh, chẳng vịn vào câu thơ nào.

- Dì ơi, dì khóc chị một tiếng đi. Chị  quí dì nhất đấy. Lúc sắp đi, cứ ngóng tiếng dì. Cứ có ý bảo: Do khách quan thôi. Chứ dì Ánh thế nào cũng về kịp.

Anh Đăng chồng chị bảo Ánh. Anh ấy mà nói thế là chị ấy đã thay máu cho anh đó. Khi xưa, anh nào biết động lòng ai, ngoài chính anh.

 

4. Khi Ánh nhìn sâu vào mắt chị, bỗng cô thấy một đám mây màu xanh cô ban sà xuống, trùm lên đầu. Và bỗng nhiên Ánh lạc trở lại ngày xưa, khi chị tắt đèn, trùm chăn kể chuyện ma hay chuyện cổ tích. Chị ngồi trước mặt Ánh, khoanh bằng tròn, lưng thẳng, giọng nửa nghiêm trang nửa đùa cợt, bảo: Hôm nay tôi sẽ kể cho dì vài việc, những việc mà người ta lẽ ra sống để dạ chết mang đi. Nhưng tôi  nghĩ tôi không  mamg theo làm gì. Xuống đó có bao người đợi mình. Mình phải vui vẻ cho họ sung sướng. Họ đã khổ vì nhớ chúng ta rồi. Vậy tôi kể nhé. Tôi xin kể chuyện thứ nhất. Đó là việc thày tôi ( bố chị) đánh mẹ dì và mời trưởng xóm sang kiểm điểm vợ bộ đội lại mời  đàn ông đến nhà ăn cơm là vi phạm thuần phong mĩ tục và chính sách hậu phương. Mẹ dì bị kiểm thảo tơi bời. Khóc sưng cả mắt. Hàng xóm chỉ trỏ, cơ quan ì xèo. Có dì, có mặt trời, bó bóng đèn, có cây trứng gà, có giá sách kì diệu của dì, có các con tôi, tôi xin thề, mẹ dì bị oan. Là mẹ dì muốn bảo vệ danh dự cho tôi. Hôm đấy là người yêu tôi đến( chị có lẫn không ?) tôi trốn lão Đăng sang hẹn với anh ấy. Tôi nợ anh ấy  một lời hẹn ngày anh trở về. Cũng là  đồng đội anh mang kỉ vật về thôi. Chứ mà anh bằng xương bằng thịt, tôi cũng trao thân cho anh. Người ta cũng một con người. Chết  hai mươi tuổi mà chưa được biết mùi vị đàn bà, hỏi còn gì là công bằng. Nhưng thày tôi nghiêm và nóng như sĩ quan, thời ấy coi  thân thể phụ nữ là con tin, coi ngoại tình là vô đạo… Tôi sẽ bị trói chân giường và thiêu chết bằng ánh mắt. Mẹ dì đã cứu tôi. Bố dì ngoài mặt trận, không rát mặt. Họ phải giữ bí mật để tiền tuyến an tâm, tội sẽ nhẹ hơn. Ánh thấy mặt cô ướt, nóng, măn. Mình ơi, chi mếu máo, cô ơi. Cháu ơn cô. Cháu cắn rơm cắn cỏ xin cô nhận một lạy của cháu. Kiếp sau cháu làm chồng cô, yêu thương cô bội vạn. Không phải vì cô đỡ tội cho cháu. Mà vì cô đã giúp cho vong người yêu tội nghiệp của cháu đỡ tủi. Ánh lại thấy mặt mình co giật nhẹ, mặn chát trong miệng.

Việc thứ hai chị muốn nói với dì, dì Ánh, chị lại cầm tay Ánh, giọng tươi hơn. Chị biết dì dã làm việc đó. Chị đúng lúc anh Đăng thiếu nợ ngân hàng, chết không được phải sống  vì nợ đen, vì điều tiếng. Chị  phải chõ xôi đầu phố che nón bán lấy nước gạo nuôi lơn, lấy xôi đáy chõ nuôi mình mà giả nợ đậy cho chồng. Đương  khi ấy có người mang tiền đến. Các dì các cậu còn  làm cả các thủ tục để chị có đất. Còn cho chị tiền chị cất nhà để ở. Nhà chị, chị bán. Nợ đỡ, anh ấy quay về làm ăn. Con cái chị bớt bàng hoàng. Nhà chị tai vơi nạn bớt.  Chị có được một ít ngày nhẹ ở ngực. Nhưng chị biết cả. Các anh chị em bên dì đã phải dồn cả vào cái nhà cũ chật hẹp, phải vay ngân hàng cả nhiều sổ lương. Mà vẫn giấu chị. Cứ đùa chị là các em trúng xổ số. Hôm chị đội nón qua nhà dì, đứng ngoài ngõ, thấy dì dặn bà sáng mai đừng mua bánh cuốn, con ăn bánh cuốn khó tiêu, dì vừa nói vừa đếm tiền lẻ trong ví, mặt thất thần. Tôi trải cảnh ấy, tôi hiểu cả. Các cậu các dì đã giấu ông bà,  giấu chồng vợ, giấu con cái để xẻ thịt cứu tôi. Tấm tình ấy tôi biết không ai cần tôi kể ra. Nhưng tôi mang đi sao được. Tôi thương yêu các con các cháu tôi, tôi kể, để các con gánh nợ ân tình. Nợ này, có phúc mới được mang. Rồi tôi đi, lòng tôi sẽ phong quang. Tôi không nghĩ con cháu tôi trả nổi. Nhưng chỉ cần nó tốt hơn là cũng không phụ tấm lòng các dì các cậu…Tôi vô phúc, làm khổ mọi người, tôi cắn rơm cắn cỏ xin các dì các cậu nhận của tôi một lạy. Ai đau để tôi đau đỡ. Ai buồn để tôi buồn cùng. Sau này gặp lại được nhau, nếu các dì cậu không chê, tôi lại xin được làm chị Dương của mọi người…

 Rồi chị khóc. Cứ khóc mãi. Ánh thấy cô tan chảy, chát mặn. Rồi cô đau đầu như bị rơi xuống biển dạo nọ, không nhớ gì nữa.

 

5. Khi Ánh mở mắt, cô thấy mình đang nằm trên chiếc giường chị Dương vẫn nằm, chiếc giường gỗ rẻ quạt, đã bạc, trải chiếu đậu, chiếc gối mây, trông ra cửa sổ có cây trứng gà bên bể nước và xa xa là giậu bìm bìm đang mùa hoa tím. Họng Ánh đắng ngắt, các chân tóc như có kim châm. Mọi người bảo chị đã nhập vào Ánh. Nghe chị, ai cũng khóc. Anh Đăng ôm mặt, người rung lên  từng cơn. Anh cứ kêu”” Mình ơi, mình ơi. Tôi có mắt như mù. Tôi có mình như tiên như phật mà tôi chưa một ngày xứng đáng, mình ơi. “. Ánh kể lại với mẹ, khi đó mẹ ốm mệt không về được, mẹ khẽ bảo : Thời nào cũng thế, dòng họ nào cũng thế, đều có một người con nhà trời, lạc đến. Họ không quản ngại mọi lao khổ để nối chúng ta lại với nhau. Xong việc, họ lại tiếp tục đi nơi khác. Chúng ta nông nổi chỉ thấy dịch bệnh và thói xấu lây lan  rồi hoảng sợ. Mà không thấy yêu thương và tốt lành còn lây lan mạnh hơn. Có điều, nó là tin lành ta được hân thưởng nên ta vì hân hoan mà nhẹ nhõm thôi. Mẹ  nói rồi mắt bỗng hơi dại đi. Ánh đoán mẹ nhớ chị. Chị đậm đà thế, đến chiếc lá ngoài cửa sổ, đon củi trong bếp, bộ ngực đói hơi chồng của cụ bà, anh lính mài bút chết trận,.. đẩu đâu, nảo nao còn yêu còn nhớ chị.

 Bất giác, Ánh nhìn màn hình điện thoại. Và tim nàng đập gấp khi thấy tên anh.

 

16.3. 2020

 

Nguyễn Thị Kim Lan
Số lần đọc: 936
Ngày đăng: 18.03.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bán chữ - Trần Yên Hòa
Phong thư tình - Hồ Đình Nghiêm
Điểm trang - Ngô Nguyên Dũng
Mặt đất vững chãi - Vân Hạ
Nhẹ rơi bồ công anh - Nguyễn Thị Kim Lan
Cho nhau một chút an lành. - Elena Pucillo Truong
Dáng lụa - Hồ Đình Nghiêm
Thầm lặng - Nguyễn Thị Kim Lan
Đỉnh trời gió bấc - Nguyễn Thị Kim Lan
Đơn thân - Hồ Đình Nghiêm
Cùng một tác giả
Trở lại (truyện ngắn)
Midi&Tidi (truyện ngắn)
Kiếp trước (truyện ngắn)
Tí ta tí tách (truyện ngắn)
Đỉnh trời gió bấc (truyện ngắn)
Thầm lặng (truyện ngắn)
Nhẹ rơi bồ công anh (truyện ngắn)
Mây Cô Ban (truyện ngắn)
Sau mù sương (truyện ngắn)
Dưới hàng gió bách (truyện ngắn)
Thoảng gió tháng Tư (truyện ngắn)
Hồ đào lá vát (truyện ngắn)
Chênh vênh (truyện ngắn)
Đêm tìm em (truyện ngắn)
Phóng xạ (truyện ngắn)