Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
773
116.645.489
 
Áo gấm đi đêm
Phạm Lưu Vũ

SCL giới thiệu Bộ truyện ngắn liên hòan có tên: "VẬT BÁU" của Vũ phong Lưu Trong đó "áo gấm đi đêm" là phần 1,chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tiếp bộ truyện ngắn liên hòan này và ghi rõ là Vật Báu 1 hoặc 2

 

Làng Cát thời hiện đại thay đổi từng ngày. Cứ xem con đường vào làng thì biết. Người ta bảo đi mãi thành đường đã đành, lại còn bảo đi mãi thành đường lớn. Thế mà con đường vào làng đi đã nghìn năm nay, vẫn chỉ đáng gọi là cái lối mòn. Cái lối mòn ấy mấp mô, phức tạp đủ các thứ dấu chân người, chân súc vật. Gặp những ngày trời mưa thì lầy lội, ngập ngụa những bùn đất trộn cứt trâu, cứt bò, mất vệ sinh kinh khủng. Nhưng bây giờ thì khác rồi, con đường đã được phủ nhựa phẳng phiu. Sở dĩ được như thế là vì làng có ông Dương Đức Phát, con cả cụ Dương Đức Trạch là một bậc có danh vọng cao. Ông Dương Đức Phát mỗi lần về quê bằng xe ô tô đời mới là lại nhăn mặt khó chịu. Bởi gặp phải những con đường như thế này thì sự sang trọng, phú quý cỡ nào cũng bị “xuống cấp” một cách thê thảm. Về sau, ông càng thăng tiến thì nỗi khổ về con đường vào làng càng trở nên bức bối, đến nỗi xấu hổ, mất cả thể diện. ấy là những dịp lễ tết, hay mừng sinh nhật cụ Dương Đức Trạch, từng đoàn xe lịch sự, bóng lộn kéo về làng ăn lễ cứ phải lồng lên, ngụp xuống như đi nhầm phải lối vào địa ngục. Thấy bề trên khổ sở như thế, các cấp bên dưới mới bàn nhau lập tờ trình, viết dự án... Dự án nhanh chóng được trình lên, nhấn mạnh hai chữ “làng Cát”. Tất nhiên cái sáng kiến ích nước, lợi nhà ấy cũng nhanh chóng được phê duyệt. Thế là có kinh phí. Kinh phí bổ vào đầu dân, vào những người hết đời này sang đời khác nối tiếp nhau dẫm đạp lên con đường. Kinh phí dồi dào đến mức con đường dài bốn cây số đã được tráng nhựa phẳng phiu rồi, mà vẫn còn đủ để làm một cái sân vườn rộng rãi có cây cảnh, non bộ, có vòi phun nước, có chỗ đỗ hàng chục ô tô... biến khuôn viên nhà cụ Dương Đức Trạch (mà làng gọi một cách tôn kính là Dương Phủ) thành ra đàng hoàng sang trọng, thành một thứ biểu tượng của làng Cát thời hiện đại mà không phải làng nào cũng may mắn có được. Từ đó ông Dương Đức Phát không còn lo mất thể diện nữa, dân làng Cát cũng được nở mày nở mặt, tha hồ hãnh diện với các làng xung quanh.

 

Nhưng sự thay đổi nhiều nhất của làng Cát phải kể đến số lượng các quán nhậu. Ê hề quán nhậu, đi một chốc lại gặp. Làng bé bằng cái vỏ đỗ trên bản đồ mà quán nhậu đếm không xuể. Đến nỗi không ai có thể tưởng tượng được rằng chỉ cách đây một thời gian không lâu, cả làng bói không ra một quán. Đó là chỉ nói đến những quán nhậu chuyên nghiệp ba mươi trên ba mươi ngày trong tháng. Chứ kể cả những “quán” nghiệp dư, đột xuất thì cả làng nhà nào cũng từng là quán nhậu, chí ít cũng dăm ba bận trong năm. Nói như thế chẳng ngoa tý nào vì ở đây, giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi... tuốt tuột đều được “đi” bằng phong bì hết. Cũng bố trí người ngồi thu tiền, cũng xắp xếp mâm nọ mâm kia, cũng hạch toán lỗ lãi... hẳn hoi. Thành ra được mời đi ăn đám... so với ra quán nhậu... thì cũng y chang nhau.

 

Lắm quán nhậu như thế tất nhiên làng lúc nào cũng nhiều người say, Có lúc cả làng say. Dân làng sáng, trưa, chiều đều uống. Đàn ông uống, đàn bà uống, già uống, trẻ uống. Uống như có gì cần phải quên, uống như muốn tiêu diệt kiếp người. Kẻ uống rồi say đã đành, kẻ chưa kịp uống cũng đã say sẵn... con nít lớn đến đâu chỉ thấy người lớn say đến đấy. Đến lượt chúng lớn lên lại uống... đời nọ truyền đời kia, thành ra cái say triền miên, làm cho say cũng thành tỉnh, tỉnh cũng thành say, say tỉnh lẫn vào nhau... tít mù đến nỗi người nơi khác trót lạc vào đây, cứ tưởng chính mình mới là kẻ đang say ngất ngưởng.

 

Thế nhưng nói cả làng say thì quả có hơi ngoa. Chí ít cũng có một nhà chẳng mấy khi say, trừ những dịp đặc biệt. Đó chính là nhà cụ Dương Đức Trạch. Nhà ấy là một nhà danh giá, phát đạt và bí hiểm mà bất cứ ai nhìn vào, cũng phải thèm rỏ dãi, thèm mà đố dám mơ. Ngoài ông con cả Dương Đức Phát là người có địa vị cao, các con cháu khác của cụ làm ăn khắp nơi, bất kể học hành ra sao, đều chọn được vào những chỗ trên người, vừa có quyền vừa có thế, làm gì cũng được nhân danh pháp luật, được pháp luật mở đường. Đó là những “nghề” mà không cần phải ăn cắp, vẫn kiếm tiền dễ như trở bàn tay... Chẳng biết phúc phận ấy có được là do không say giống dân làng hay nhờ cả làng say, nhà cụ mới được như thế.

 

Hôm đó là ngày làm lễ mừng thượng thọ (bẩy mươi) của cụ Dương Đức Trạch. Khách khứa, xe cộ nườm nượp vào làng từ sáng sớm đến chiều tối. Ông Dương Đức Phát và các con, cháu cụ chia vai vế, thứ bậc ra tiếp khách, nhận quà. Thật là một ngày tất bật, vui vẻ và phú quý nhất trên đời. Khi vị khách cuối cùng rời khỏi Dương phủ thì trời cũng bắt đầu nhá nhem tối. Ông con cả Dương Đức Phát cảm thấy hơi chếnh choáng, thần thái lâng lâng. Ông thong thả leo qua sáu vế cầu thang, lên hẳn sân thượng...

 

Dương Phủ thâm nghiêm, kín cổng cao tường tọa lạc vào chỗ đất cao ráo, toà nhà chính xây ba tầng, đứng trên đó như đứng trên nóc làng, cả làng đều thấp tẹt dưới chân. Gió quê mát đến rợn người. Bầu trời rắc đầy tinh tú chụp lấy bốn phương, gần như thể chỉ cần giơ tay ra là với tới. Trăng đã lên, lạnh lùng thả xuống cõi nhân tình một thứ ánh sáng bàng bạc, nhờ nhờ. Cả trời đất trùm một màn thanh khí lung linh. Làng ngủ sớm như thể chìm trong một cơn say. Ông Dương Đức Phát thong thả bước tới chỗ lan can phía tây. Chợt có tiếng động ở khu vườn hàng xóm bên dưới làm ông chú ý. Thấp thoáng bóng trăng, lẩn trong những tàu lá chuối, ông nhận ra một cặp trai gái đang dắt nhau lần mò tìm chỗ tâm tình. Mùi hương bưởi từ mái tóc đứa con gái bay tới tận mũi ông, ông mỉm cười và thấy lòng rạo rực, khuôn mặt bắt đầu nóng bừng lên. Ôi, cái thứ đồng quê mê ly tuyệt tác này, bao giờ cũng là niềm khát khao đối với những kẻ đã trải qua không thiếu thứ lạc thú thị thành nào như ông. Chúng nó sắp lăn đùng ngã ngửa ra để quần nhau cho mà xem. Ông háo hức như chuẩn bị được xem một cuốn phim cực kì hấp dẫn. Nhưng... lát nữa, đứa nằm ngửa tất sẽ nhìn thấy mình, như thế sẽ không tiện chút nào - Ông nghĩ bụng và quay người, thong thả bước về phía lan can đối diện.

 

Nhà hàng xóm phía đông dưới chân ông là nhà gã Nhâm híp. Ông cũng biết loáng thoáng về gia đình này. Gã Nhâm híp nghèo rớt mồng tơi, mới gần bốn chục tuổi đầu mà đã có tới bốn đứa con lốc thốc cả trai lẫn gái, được cái không đứa nào có cặp mắt híp giống cha. Trong nhà gã chẳng có giường chiếu gì, tối tối vợ chồng, con cái bạ đâu nằm đấy, la liệt dưới nền nhà. Thế mà vợ chồng gã cũng như cả dân làng, ngày nào cũng say. Giờ này chắc càng say lăn, say lóc. Ngôi nhà gã chìm trong ánh trăng, chìa lên trời cái mái lá nham nhở, bạc phếch và vô duyên. Chợt ông căng mắt chú ý tới một vật gì nửa đen, nửa trắng thò ra ngoài vách. Rõ ràng một cặp chân, hình như chân đàn bà?. Đích thị là chân đàn bà, ống quần lửng còn phơi ra nửa cặp đùi trắng phớ, ngồn ngộn dưới ánh trăng. Miệng ông bất giác nuốt nước bọt đánh ực một cái. Phía vườn bên kia, lẫn trong tiếng gió, ông nghe vọng lên rõ mồn một những tiếng rên cố nén, khi thì nấc lên như muốn phát khóc, khi lại ư ử, gừ gừ như tiếng của mèo cái lúc đi tơ. Cặp trai gái khi nãy chắc đang đến hồi cao trào, cái con giun hẳn đã đút sâu vào mồm con cá chép... - trong đầu ông tưởng tượng như thế và cảm thấy mặt càng lúc càng bừng bừng, trống ngực đập thình thịch, hơi thở đã trở nên gấp gáp...

 

Không kịp đắn đo, vạch kế hoạch kĩ càng cho một cuộc phiêu lưu kì thú, ông Dương Đức  Phát hấp tấp tụt khỏi sáu vế cầu thang, xuống hẳn dưới đất. Như một kẻ mộng du với hai đầu gối run lẩy bẩy, ông lập cập lần ra khỏi phủ, thận trọng mò sang phía vườn nhà gã Nhâm híp. Bây giờ thì ông đang đứng gần lắm rồi. Đúng là một cặp đùi vế đàn bà thò ra ngoài vách từ rốn trở ra. Cái nghèo, nát thì ra lại tạo nên một cảnh hớ hênh, lãng mạn đến thế. Thứ gọi là ngôi nhà của gã Nhâm híp thưng toàn bằng cót, lâu ngày bị mục thành ra ruỗng cả dưới chân, nằm trong nhà mà nhiều khi thò cả nửa người ra ngoài vách. Ông Dương Đức Phát nín thở bước tới bên cạnh, ngồi hẳn xuống cho đầu gối đỡ run, ông mở to mắt, thỏa sức ngắm nghía. Hai bắp chân tròn lẳn, khêu gợi. Một nửa cặp đùi trắng toát, lồ lộ dưới ánh trăng. Mùi đàn bà ngầy ngậy thoảng lên mũi làm ông ngây ngất. Ông run rẩy đặt cả hai bàn tay lên xoa nhè nhẹ, cảm giác qua lần vải mềm càng làm cho cặp đùi xoăn chắc trở nên hấp dẫn hơn. Sự ham muốn khám phá đã khiến thần trí ông mụ mị, không cưỡng nổi lòng mình. Hai tay ông cứ thế lần lên, lần lên cao hơn. Tới cái chỗ tuyệt đỉnh mê ly ấy, bàn tay ông úp lên một quả đồi căng phồng có vẻ cũng đang rung lên nhè nhẹ. Qua lần vải mỏng, ông cảm thấy có những gì mềm mại, đang lạo xạo dưới gan bàn tay làm cho hơi thở của ông bỗng nghẹn lại, toàn thân hầm hập như lên cơn sốt. Không thể chịu đựng thêm được nữa, như một cái máy, hai bàn tay run rẩy của ông lật đật lần tới chun quần người đàn bà, từ từ kéo xuống. Điều kì diệu đã xảy ra. Cặp đùi người đàn bà hơi động đậy, bộ mông to như cái giành tự động nhổm lên một tý, ưỡn cái chỗ tuyệt đỉnh mê ly lên gần sát mặt ông khiêu khích. Có tiếng rên khe khẽ như hưởng ứng, như một thứ phản xạ bẩm sinh từ phía bên trong vách, lẫn vào những tiếng ngáy pho pho của bố con nhà Nhâm híp...

 

Cụ Dương Đức Trạch hôm nay tuy phải ngồi suốt ngày nhận những lời chúc tụng song vẫn không đến nỗi mệt. Trời phú cho cụ cái sức khoẻ dài lâu, bẩy mươi tuổi vẫn còn mạnh mẽ, sáng suốt. Được như thế một phần cũng bởi đầu óc cụ lúc nào cũng thư thái vì họ Dương xưa nay luôn được dân làng kính cẩn, trọng vọng, con cháu phát đạt, đề huề. Nghĩ tới cái thú vui bấy lâu, cụ lại cảm thấy trong lòng rạo rực, hai mắt lim dim, miệng khẽ mỉm một nụ cười ý nhị. Các con cháu, người làm chắc đã ngủ say. Cụ đàng hoàng bước ra khỏi phủ, khép nhẹ cổng lại. Lúc này đêm đã gần khuya, bóng trăng loang lổ trên mặt đất, không gian càng trở nên mờ ảo một cách đầy khêu gợi, kích thích mọi vấn đề...

 

Với một sự thành thạo như đã thuộc lòng từng mô đất, bóng cây, cụ Dương Đức Trạch lẩn nhanh sang vườn nhà Nhâm híp, cố nín thở gần như tuyệt đối để không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Đêm vẫn lặng ro ro, yên tĩnh như muốn chiều theo lòng cụ giống y hệt mọi lần. Gần tới nơi, bỗng cụ giật mình phát hiện có một kẻ đang ngồi xổm, úp mặt vào vách nhà Nhâm híp, hai tay hắn chống xuống đất, đang mê mải nhịp lên, nhịp xuống cái phần dưới thân thể. Hai bên hông kẻ ấy, một cặp đùi đàn bà trắng mõm cứ mỗi lúc một dạng mãi ra...

 

Cụ Dương Đức Trạch kinh ngạc đến thừ người. Thận trọng mò tới gần, dưới ánh trăng khi mờ, khi tỏ, cụ lạnh toát từ đầu đến chân khi nhận ra kẻ ấy có dáng quen quen. Ai như anh cả Phát. Đúng anh ta rồi. Ôi Trời! - cụ than thầm trong bụng. Bất giác, một cảm giác tuyệt vọng như một kẻ thất tình chợt ào đến. Cái thằng chó này thế mà tinh ranh, nó đã tìm ra cái chỗ tuyệt thú này từ lúc nào thế không biết. Cứ như định mệnh xui khiến đến lúc phải như thế. Ai ngờ, rốt cuộc, nó đã “ăn hớt” cái món trời cho ấy của chính bố nó. Nhìn cái thân người anh ta đang lẩy bẩy giật lên từng nhịp, từng nhịp như thế kia, cụ biết “hắn” đang tới độ sung sướng mê ly, quên hết mọi sự xung quanh. Đành “nhường” cho “hắn” thôi. Mọi hưng phấn lúc này đối với cụ bỗng nhiên nguội lạnh, cảm giác về sự già nua, tuổi tác chợt ập đến. Cố nén một tiếng thở dài, cụ thận trọng lùi dần, lùi dần rồi mệt mỏi quay về phủ, đóng cửa đi ngủ.

 

Sáng hôm sau, Cụ Dương Đức Trạch không lấy gì làm ngạc nhiên khi ông con trai Dương Đức Phát tuyên bố sẽ nghỉ thêm ba ngày để ở nhà với cụ. Không những thế, ông hứa từ nay sẽ năng về thăm cụ nhiều hơn để chứng tỏ mình là người con chí hiếu. Ông điện thoại đến văn phòng, thông báo và nhắc nhở công việc, đồng thời hoãn mấy cuộc họp... Trông ông hớn hở, vui vẻ và trẻ lại rất nhiều so với cái tuổi năm mươi. Cụ Dương Đức Trạch thì ngược lại. Cụ bỗng thoắt trở về lọm khọm, già nua đúng với cái tuổi bẩy mươi của mình. Suốt đêm qua, cụ trằn trọc khó ngủ. Cụ biết không thể cưỡng lại được quy luật. Tre già thì măng mọc. Rằng đã đến lúc cụ phải nghỉ, phải rút lui khỏi tất cả, kể cả những thú vui... để nhường lại cho con cái.

 

Việc cụ Dương Đức Trạch vừa nghĩ tỏ ra rất hợp với quy luật đời cha ăn mặn đời con... ăn tiếp. Có điều, cụ còn chưa biết rằng, ông con trai Dương Đức Phát đêm qua cũng không ngủ. Ông cũng trằn trọc, nhưng là trằn trọc trong một niềm hứng khởi vô bờ. Cuộc đời ông cho đến nay, dù phải thi hành đủ trăm phương ngàn kế mới được như bây giờ, song vẫn có thể coi là mĩ mãn, là không có gì phải phàn nàn về cả hai đường danh và lợi. Thế mà có những điều tuyệt vời, tuyệt vời đến đơn giản mà ông chưa từng được nếm bao giờ. Càng nghĩ, ông càng thấm thía câu nói của người xưa. Rằng xuất thân tranh cạnh với cuộc đời, dẫu có làm nên công hầu khanh tướng mà không về quê, không được nhấm nháp hương vị quê kiểu như đêm hôm qua, thì cũng tựa như... áo gấm đi đêm mà thôi...

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3480
Ngày đăng: 14.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái tủ thờ - Trần Thôi
Ông chủ Mão hay truyền thuyết về loài mèo - Phạm Lưu Vũ
Hàng xóm - Nguyễn Đức Thiện
Góc vườn - Trần Thanh Giao
Người đàn ông đi tìm thần chú - Trần Thôi
Sông quê - Trần Thôi
Tiếng vọng ngàn xưa - Bùi công Ba
Bập bùng giai điệu - Hồ Tĩnh Tâm
Dòng sông tuổi thơ - Hồ Tĩnh Tâm
Có căn phòng sáng đèn - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)