Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
798
116.640.421
 
Ngón tay phật tổ
Phạm Lưu Vũ

Đình chùa làng sau thời gian dài biến thành gò đống, nay lại mọc lên mới mẻ, khang trang như có phép lạ. Không cần bản vẽ thiết kế, không cần tính toán... dân làng người góp công, người góp của, cái liên hợp thờ cúng ấy cứ thế dần dần hiện lên như thể nó vốn có sẵn từ  trong tâm linh của con người. Thế mới biết cái sự phá dỡ ngày xưa chẳng qua chỉ là ước lệ, tạm thời. Làng mở hội khánh thành to lắm. Lâu rồi mới lại có một hội làng như thế. Bên ngoài thì cờ phướn phấp phới, bên trong thì ông già, bà cả xúng xính khăn đóng, áo dài. Có cả bóng com lê - caravat tân thời làm cho không khí hơi có vẻ bát nháo cổ kim, lẫn lộn chân giày, chân đất. Song được cái ai cũng vui mừng trước sự yên ổn của cõi tâm linh từ nay lại bắt đầu có nơi, có chốn.

 

Một người đàn bà rách như xơ mướp, mặt dán đầy những mảnh giấy xanh đỏ tím vàng, vừa múa may vừa nghêu ngao ngoài đường:

 

 "Chẳng qua cũng một mình ta

Bao giờ cho đến con ma cuối cùng.

Bốn bề pháo nổ đì đùng

Mập mờ nhân ảnh mịt mùng núi sông..."

 

Đó là bà Tâm điên. Khách đã nghe về bà, về cái sự điên của làng này và cả những làng xung quanh. Truyền rằng trong vùng, làng nào cũng có một người bị điên. Tuỳ  từng làng, tuỳ hướng đình, hướng chùa mà mỗi nơi điên mỗi kiểu. Anh thì hiền lành vô hại, chỉ lảm nhảm nói cười, anh thì hung hăng bắt nạt trẻ con... Đời nọ nối đời kia, hàng bao năm nay không lúc nào người điên vắng bóng. Lạ một điều bệnh không di truyền, không bẩm sinh. Nỗi bất hạnh ấy có thể rơi vào bất cứ nhà nào, dòng họ nào như thể chỉ cần có sự... kế thừa. Trước khi bà Tâm phát cơn điên, dễ đến nửa năm cái sự điên của làng đứt đoạn. Đó là một việc bất thường. Những ngày ấy dân làng chới với. Ai cũng nơm nớp cái sự nghiệt ngã kia sẽ giáng xuống đầu mình. Trẻ con không dám ra đường, người lớn để ý dò xét nhau từng tý một, anh nọ chỉ mong anh kia điên trước cho mình... nhờ. Thỉnh thoảng có triệu chứng của một người nào đó, cả làng lại thấp thỏm mừng thầm. Giá như cái việc điên kia có thể gắp thăm, bầu bán được. Đằng này nó lại là tai hoạ của Trời. Thiếu một người điên trong làng xem ra gay go. Cái sự nhìn nhau nhiều khi lẫn lộn lung tung cả. Ban đầu người nọ cứ tưởng người kia điên, dần dần đến nghi ngờ cả chính mình, không hiểu mình đang điên hay là không điên đây. Tình thế ngày càng trở nên căng thẳng, mất thăng bằng, đến nỗi cả làng sắp sửa... phát điên thì bà Tâm lên cơn. Dân làng thở phào nhẹ nhõm. Ai cũng như trút được gánh nặng. Trẻ con lại ra đường nô đùa, người lớn lại nhìn nhau âu yếm. Mọi sinh hoạt lập tức trở về trạng thái bình thường. Bấy giờ, làng mới lại chắc chắn được một điều rằng trừ một mình bà Tâm điên ra, còn lại tất cả đều... không điên. Ngày ấy làng cũng mở hội ăn mừng. Nhà ít của thì mổ gà, mổ chó, nhà có của, đông con thậm chí mổ lợn, mổ bò. Không khí đình đám râm ran khắp làng, có cả khách thập phương tam đạo. Điều buồn cười là ngay cả bà Tâm, nay đã trở thành bà Tâm điên, người đã gánh thay cho dân làng nỗi bất hạnh ấy cũng ăn mừng. Bà cũng mổ gà, cũng cúng vái tứ phương, lại còn cố chèo kéo cho được mấy ông hàng xóm. Có vẻ như bà điên ấy là người duy nhất trong làng không biết rằng một nỗi bất hạnh vừa giáng xuống đầu mình, thậm chí ngược lại. Hình như  khái niệm về nỗi bất hạnh chỉ tồn tại trong thế giới của những người không điên. Thế là trong cái hội làng tưng bừng, náo nhiệt ngày ấy, một bên là bà Tâm điên, một bên là cả dân làng, hai bên cùng ăn mừng cho những lý do trái ngược nhau. Nếu có một triết gia chứng kiến cảnh ấy, chắc cũng phải lắc đầu mà than rằng không biết bên nào có lý, bên nào xứng đáng phải ăn mừng ở đây...

 

Đám đông xúm quanh một vật gì đó ở góc khu vườn hoang đầu làng. Xem ra nội dung này không có trong chương trình hội hè đang diễn ra dưới đình. Khách len lỏi vào tận nơi. Thì ra một con trâu vừa sụp xuống hố. Con trâu có vẻ đau đớn lắm. Quả nhiên khi tìm cách bẩy được nó lên thì người ta thấy một lỗ thủng sâu hoắm phía mông đít, máu me nhễ nhại. Dưới hố, cái vật thủ phạm lộ ra nhọn hoắt, đen sì. Mấy người hì hục đem thuổng, cuốc đào lên. Đó là một cái đe lò rèn thuộc loại to ngoại cỡ. Có tiếng nói trong đám đông: "bây giờ mới biết tại sao gọi khu vườn này là vườn lò rèn". Tự nhiên khách cảm thấy rùng mình như nghe một tiếng gọi xa xăm vọng về từ quá khứ. Chuyện chẳng có gì ầm ĩ nhưng cũng đủ truyền đi khắp làng. Trong một ngõ nhỏ tối tăm phía cuối làng, cụ giáo Khen - ông lão chín mươi tuổi già nhất làng nghe được tin ấy, giật bắn mình lẩm bẩm: "quá khứ không chịu nằm im dưới đất...".  Người vừa báo tin cho cụ kéo theo một đám người tới hỏi cụ về sự tích cái đe cho thỏa chí tò mò. Khách cũng có trong đám người ấy. Sau đây là câu chuyện của cụ giáo:

 

Khu vườn ấy nguyên là đất của họ Tống. Đó là một dòng họ khoa bảng trong làng. Hầu như đời nào cũng có người đỗ đạt, làm quan. Vào cuối thời Lê mạt, ngoài đời thì trộm cướp đầy đường, trong triều thì mua quan, bán tước công khai thành chợ búa. Họ Tống đời ấy vốn học giỏi, song chán cảnh đời không thèm thi cử, bèn trở về làng mở một cái lò rèn. Một bữa có đám người vác tới một đống sắt thép, đặt rèn hai mươi tám con dao to bản. Dao rèn xong xếp một đống trước cửa. Đêm ấy nghe có tiếng loảng xoảng phát ra từ đống dao, một làn gió thổi qua có mùi tanh tưởi như hệt mùi máu tươi. Họ Tống giật mình bủn rủn, chợt hiểu ra tất cả. Té ra mình vừa làm cái việc rèn dao cho kẻ cướp. Họ Tống định bụng sáng hôm sau sẽ đem chôn hết đống dao rồi đóng cửa bỏ trốn. Không ngờ vừa sáng, đám người kia do một tên chột dẫn đầu đã đến lấy hết mang đi. Tuyệt vọng và đau khổ bởi ý định mở lò rèn để rèn cho đời những cái tử tế, không ngờ lại rèn nên cái ác, họ Tống phẫn chí cạo đầu đi tu. Sau một thời gian trốn mình vào kinh kệ, họ Tống vẫn không sao thoát được tiếng loảng xoảng và cái mùi tanh tưởi kia. Vị sư cụ bèn gọi ra bảo:

 

- Ta xem tướng nhà thầy khó mà tránh được oan nghiệt. Biết đâu tìm đến giữa cái ác mà có duyên với việc trừ được nó, họa may thanh thản được phần nào.

 

- Bạch sư cụ - Họ Tống nói - bây giờ thiện ác khó phân, trắng đen lẫn lộn, người làm thiện không tránh khỏi ác, người làm ác lại nhân danh cái thiện. Con làm sao phân biệt bây giờ?

 

Sư cụ nói:

 

- Chính vì lẫn lộn thiện ác, trắng đen nên mới gọi là loạn. Còn như phân biệt thiện ác rõ ràng, thì đã là yên rồi. Chẳng qua loạn với yên chỉ khác nhau chỗ đó mà thôi. Chi bằng định được tâm mình, bền được chí mình thì mọi thứ cuối cùng đều có cơ may minh bạch cả.

 

Thế là họ Tống ra đi, lần theo dấu vết của băng cướp tên Chột. Hễ nghe tin chúng vừa gây án ở đâu là họ Tống lại tức tốc tìm đến. Tới đâu cũng thấy cảnh đầu rơi máu chảy, những thân thể đứt lìa, những vết chém ngang dọc, những sự đập phá tan hoang. Vết chém nào cũng mang dấu ấn lưỡi dao họ Tống như một sự oan nghiệt trớ trêu. Cứ thế hết ngày này sang ngày khác, cuộc săn đuổi biến thành sự chứng kiến tội ác trước sự bất lực của họ Tống. Bọn cướp luôn đi trước một bước. Cho đến một hôm, sau khi đánh cướp ở một làng nọ, bọn cướp không thèm chạy trốn. Chúng tụ tập phè phỡn, chia chác với nhau ngay giữa sân đình. Họ Tống cũng vừa kịp đến nơi. Tên Chột nhận ra bảo:

 

- Kia chẳng phải là phải thằng thợ rèn ngày trước đó sao? May quá, lũ dao nó rèn nay chém người đã quằn mẻ cả. Hãy lôi cổ nó vào nhập bọn, để nó tiếp tục rèn cho ta những con dao mới.

 

Họ Tống thân cô đứng giữa bầy sói. Thế là đành phải nhập bọn với sự đinh ninh rằng sẽ chờ cơ hội để ra tay. Chưa biết họ Tống sẽ ra tay bằng cách nào. Nhưng cứ xem cái việc bọn cướp đã vô tình nhập vào trong chúng một cái mầm thiện ấy, biết đâu lại là điềm báo rằng vận của chúng sắp tàn đến nơi.

 

Đoàn ác thú tiếp tục lên đường, lần này không phải hai mươi tám tên, mà là hai mươi tám cộng một. Chúng cảnh cáo họ Tống rằng không được hó hé xem chúng làm những trò gì trong đêm, nếu bắt được, lập tức sẽ bị giết ngay. Những cuộc cướp bóc lại tiếp tục diễn ra ngay giữa ban ngày ban mặt. Họ Tống lại chịu sự cực hình là chứng kiến tội ác diễn ra ngay trước mắt mình. Cho đến một đêm, lòng hiếu kỳ khiến họ Tống liều mạng theo dõi những việc làm bí ẩn của chúng. Tên Chột lấy từ trong cái hộp màu đỏ một vật cong cong đen sì, gã đặt lên đĩa rồi cả bọn rì rầm khấn khứa. Trong ánh sáng leo lét của mấy ngọn nến, gã khiến cho chiếc đĩa quay tít... Họ Tống đã từng nghe tới cái thần vật chỉ hướng đi ăn cướp của chúng. Đó là ngón tay trỏ của một người chết do bị sét đánh. Chính là cái vật cong cong đen sì kia. Trong lúc làm lễ, nó sẽ trỏ vào cái hướng an toàn cho bọn cướp để hôm sau, cứ theo hướng đó mà ăn cướp, chắc chắn chúng sẽ thành công. Có điều họ Tống chưa biết được rằng trong cuộc hành lễ quái đản ấy, những người chứng kiến phải tuyệt đối chung một ý chí. Cái ác cũng cần phải... nguyên chất. Nếu có sự chứng kiến của một người ngoài cuộc, lập tức ngón tay sẽ trỏ theo hướng ngược lại, hướng diệt thân.

 

Bọn cướp hùng hổ xông vào đám cưới con một nhà phú hộ trong làng. Chúng vung dao chém tới tấp vào đám người đang bỏ chạy tán loạn. Bất ngờ có người chống cự. Lần đầu tiên có người dám chống cự. Không phải một người, mà nhiều người đồng loạt ra tay. Họ bằng tay không với võ nghệ cực kỳ điêu luyện chống lại những lưỡi dao tàn bạo của bọn cướp. Số là thông gia với ông phú hộ hôm ấy chính là một viên tướng Tây sơn. Biết vùng này có nhiều trộm cướp, ông tướng Tây sơn ấy đã đem theo nhiều thuộc hạ, cải trang làm họ nhà trai đến dự đám cưới. Trong nháy mắt, bọn cướp bị trói gọn, trong đó có cả họ Tống.

 

Cả bọn hai mươi tám cộng một bị giải về phủ, không cần tra hỏi lôi thôi, viên tướng hạ lệnh chém hết. May sao trong đám nha lại, có người cảm thấy trong bọn cướp có điều gì không ổn. Ông ta gọi họ Tống đến bảo:

 

- Ta trông ngươi tướng mạo học trò, chắc cũng từng đọc sách thánh hiền. Cớ sao lại khuất thân theo giặc cướp như vậy.

 

Họ Tống sụt sùi kể lể những việc mình làm, không ân hận việc bị chém, chỉ xin đừng chôn chung với bọn cướp. Cũng may viên tướng Tây sơn là người có từ tâm, liền hoãn riêng việc chém họ Tống lại, sai người đi đón vị sư cụ ngày trước đến làm chứng cho những lời kể của họ Tống.

 

Được tha về, họ Tống chôn đe chôn bễ, bỏ nghề thợ rèn. Trở thành người chí thú làm ăn và dốc lòng làm việc thiện. Trải mấy đời con cháu, dòng họ ấy nổi tiếng là những người phúc đức. Tất cả đều toàn tâm, toàn ý cứu giúp dân lành như một lời nguyền từ thời ông Tổ. Dân trong vùng từ những kẻ lang thang cơ nhỡ, đến những kẻ khố rách áo ôm, ai ai cũng sẵng sàng được những người họ Tống ra tay tế độ. Song sự đời vốn quay qoắt trớ trêu. Có ai ngờ trong một dòng họ phúc đức dường ấy, đến lúc lại có cái mầm ác len vào. Năm ấy thiên tai, giặc giã giáng xuống khắp nơi, quá nửa làng, nhà nào cũng có người chết đói, người chưa chết thì ngắc ngoải cầm hơi. Họ Tống vốn là những nhà có của ăn, của để. Trước cảnh dân làng đói kém, tất cả họ đều dốc của ra cứu đói. Ngày nào cũng như ngày nào, từ sớm tinh mơ cho đến tận tối mịt, những người họ Tống chia nhau đi khắp làng và cả những làng khác trong vùng, mang cháo đi phát chẩn. Người chuyên nấu cháo đêm đêm là bà vợ ba ông trưởng họ. Nghe các cụ truyền rằng bà ta vốn là một con quỷ dưới âm phủ đầu thai làm người. Công việc của con quỷ này là chuyên nấu cháo lú cho những linh hồn sắp sửa đầu thai ăn cho quên hết chuyện kiếp trước. Nay thấy cái công việc phát chẩn của nhà mình làm cho kho thóc vơi đi trông thấy, có nguy cơ cạn kiệt đến nơi. Bà ta xót của bèn trộn đất sét với khoai dại băm nhuyễn... Đại khái có thành phần na ná như cháo lú trước kia. Những người họ Tống vẫn vô tình đem thứ cháo ấy đi bố thí khắp nơi. Thế là người sắp chết ăn vào chết ngay, người còn sức chỉ được vài hôm rồi cũng chết. Sự chết chóc do thứ cháo ấy gây ra cũng lẫn lộn vào những cái chết do đói, do bệnh tật... Do đó, một thời gian dài không ai phát hiện ra. Họ Tống vẫn tiếp tục gieo rắc thứ cháo ấy đi khắp nơi. Cũng có người do ăn ít mà thoát chết, song không ra điên, ra dại thì cũng mang cái mầm điên dại ấy truyền đến không biết bao nhiêu đời con cháu sau này...

 

Cho đến một hôm trời đổ mưa, vào sáng sớm, những người khiêng cháo đi qua một cái cầu ván trơn, trượt chân làm đổ cả vò cháo xuống ao. Chỉ mấy tiếng sau, cua cá trong ao nổi lên chết hết. Dân làng kinh ngạc, cả nhà họ Tống kinh ngạc. Cái ao ấy cho đến tận bây giờ cá vẫn không sống được. Ông trưởng họ họ Tống bấy giờ mới hiểu ra sự thật. Ông trở nên điên cuồng, đập phá toàn bộ cơ ngơi rồi bỏ làng ra đi. Họ Tống từ đấy tan tác, vài năm sau thì không còn ai ở lại làng nữa. Không biết bây giờ có còn ai phiêu bạt trong thiên hạ không, nếu có, cứ xem bả vai thì biết. Con trai họ Tống bao giờ cũng có một vết sẹo son hình ngôi sao được chạm bằng dùi nung đỏ từ lúc mới đẻ...

 

Khách xuống đến chùa thì hội làng đã vãn. Chỉ còn lại lác đác những người đang tất bật dọn dẹp và mấy ông nát rượu dựa cột lè nhè. Nghe nguyện vọng của khách, ông chủ tế của làng hăng hái chạy đi mở cửa chùa. Gian chùa mới cất ẩn dưới tán cây cổ thụ duy nhất còn sót lại từ ngày trước. Cửa vừa mở, Khách như bị lóa mắt bởi thứ ánh sáng vàng chóe hắt ra từ những pho tượng mới cáu đứng ngồi lố nhố bên trong. Trong sự xếp đặt rất có thứ tự, lớp lang ấy, nổi bật lên pho tượng Phật tổ uy nghi, đường bệ ngồi xếp bằng trên tòa sen kê chính giữa gian phòng. Một hồi chuông dóng lên lộng óc. Khách quỳ xuống, tay giơ bó hương khum trước trán, mắt lim dim, miệng lẩm nhẩm: "A di đà phật...". Không gian đặc quánh mùi hương trầm, lạnh lẽo và trang nghiêm đến rợn người. Khói hương bay lên thẳng tắp như những sợi dây dọi, tít trên cao mới hơi run rẩy một lát trước khi tan hẳn vào thứ ánh sáng mờ ảo, nhá nhem của trần nhà. Có vẻ như cả thế giới phật pháp đang lặng lẽ chứng kiến sự thành tâm của Khách, một kẻ tha phương tìm về đất tổ. Một thoáng rùng mình, Khách chợt cảm thấy toàn thân sởn gai ốc. Có một cử động nào đó vừa diễn ra nơi pho tượng Phật tổ uy nghi trên kia. Khách như bị hút hồn, nhìn trân trân lên pho tượng. Pho tượng mới tinh toàn thân dát vàng bóng loáng. Có gì đó vừa cử động, khách không chỉ nhìn thấy, mà còn cảm thấy rõ ràng. Chợt ánh mắt của Khách dừng lại nơi bàn tay phải của pho tượng, bàn tay đưa trước ngực có ngón trỏ và ngón cái chạm vào nhau. Khách nhìn rõ từng chi tiết, ngón trỏ ấy không được dát vàng như toàn thân pho tượng, nó cũng cong cong, đen sì... Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, Khách cố gắng trấn tĩnh, giữ mình cho khỏi khuỵu xuống. Có gì nóng bỏng phía bả vai, nơi có một vết sẹo nhỏ hình ngôi sao đang cắn nhoi nhói. Ngoài đường, tiếng hát của bà điên vẫn vọng về thoang thoảng: "bao giờ cho đến con ma cuối cùng..."

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3803
Ngày đăng: 18.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bia mộ - Lê Đình Trường
Quán rượu người câm - Nguyễn Quang Sáng
Dân chơi - Nguyễn Quang Sáng
Bạn nhỏ - Thanh Giang
Sự tích núi mồ côi - Phạm Lưu Vũ
Vẻ đẹp - Lê Đình Trường
Mộng xuất ngoại - Hoàng Thu Dung
Như có như không - Trần Thị Thùy Trang
Nhầm lẫn - Hoàng Thu Dung
Bông - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)