Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
863
116.667.274
 
Sự tích núi mồ côi
Phạm Lưu Vũ

Làng Viên xá nếu không có cái hình thể tròn như một cái nong thì cũng không có gì đặc biệt so với các làng quê khác. Không hiểu do tự nhiên hay có một bàn tay quy hoạch nào đó, tự bao đời nay, dù không ngừng phình to ra do nhân khẩu trong làng tăng theo cấp số nhân, nhưng làng thì cứ tròn vành vạnh như thể quay bằng com pa vậy. Đã thế, giữa làng lại lù lù độc nhất một quả núi cao ngất ngưởng. Thành thử trông xa giống như một chiếc oản khổng lồ đặt trên mâm cúng. Giá mà bay được tít lên cao nhìn xuống, chắc cũng vui mắt đáo để.

 

Phải kể đến cái tật nói ngọng của cả làng. Chẳng biết đó là do tập quán hay ngôn ngữ ở đây nó thế, mà già trẻ lớn bé, tất cả cứ ngọng líu ngọng lô, mặc dù cấu tạo của miệng môi, răng lưỡi... cũng y hệt như người trong thiên hạ. Có lẽ cái sự ngọng ấy nó cổ kính, lâu đời lắm cho nên làng còn có tên tục gọi là làng Ngọng. Du khách nghe người làng nói chuyện lắm lúc cứ tưởng đàn liếu điếu, phải căng tai, chú ý lắm may ra mới hiểu nổi câu được câu chăng. Được cái tất cả mọi người trong làng đều vui vầy, hiếu khách. Các chàng trai to khỏe, nhanh nhẹn lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ du khách khi cần. Các cô gái làng xinh đẹp, rực rỡ như hoa hồng, không cần phấn son mà khuôn mặt lúc nào cũng hồng lên như tôm luộc...

 

Ấy thế mà tất cả đều có sự tích hẳn hoi đấy. Du khách cứ chịu khó đi một vòng quanh làng, gặp gỡ các cụ già, nghe mỗi cụ kể một tý là có ngay cái thú rằng đã khám phá ra một sự tích như thể vừa đi một vòng thám hiểm quanh trái đất vậy. Câu chuyện đại khái như sau:

           

Nơi có quả núi ấy xưa kia vốn là một cánh đồng. Bấy giờ trong làng có một anh chàng lực điền khỏe lắm, chỉ phải cái tội hơi... dở hơi. Chàng lực điền này một khi đã dắt trâu ra đồng là cày liền một  mạch không bao giờ nghỉ, cày cho đến khi con trâu kiệt sức ngã gục mới thôi. Các vị phú ông trong làng thích lắm, tuy có hơi tốn trâu một tý nhưng được cái đỡ tốn cơm, lại không phải thuê nhiều người khó quản lý. Vì thế người ta xếp hàng tranh nhau thuê, chàng lực điền quanh năm không khi nào hết việc. Cũng vì cái sức khỏe kinh hồn ấy mà đám đàn bà, con gái trong làng cứ hau háu muốn thử xem sức mình liệu có hơn gì... những con trâu kia không?. Thế nhưng cô nào giỏi lắm cũng chỉ chịu đựng được dăm bữa nửa tháng là cắp quần áo trốn về nhà cha mẹ. Vậy mà điều đó vẫn không hề làm các bà, các cô khiếp sợ, trái lại nó càng làm tăng sự ly kỳ, hấp dẫn của chàng lực điền. Thế là hết cô này ra đi lại có cô khác ngấp nghé. Cả những bà sồn sồn chồng con sờ sờ ra cũng lăm le tìm đủ mọi cơ hội. Thôi thì công khai có, vụng trộm có... ai cũng thèm thuồng muốn "nếm" thử cái sức khoẻ kia xem nó cụ thể ra làm sao.

           

Kết quả của những sự "nếm náp" vô hồi kỳ trận ấy là dòng giống của chàng lực điền vung vẩy khắp làng, đời nọ nối đời kia, có khi còn truyền đến tận bây giờ. Lúc ấy cả cánh đồng giữa làng thuộc về một vị phú ông quyền thế. Phú ông có một cô con gái tuy không đẹp nhưng thuộc vào loại có thể bẻ gãy sừng trâu. Tất nhiên cô ả cũng mê chàng lực điền kia như điếu đổ. Cưới chàng ta về thì dễ rồi, cô nàng vừa có của nả lại dễ dàng gặp lúc chàng ở không. Nhưng độc chiếm riêng chàng, không cho ai ngấp nghé nữa mới là điều khó khăn nan giải. Chẳng phải vì chàng ta có bản chất trăng gió lả lơi gì cho cam, chỉ tại các bà, các cô cứ tranh nhau săn đón, mời chào. Mà chàng ta đã bảo phải cái tội dở hơi. Ai trách người dở hơi làm gì dù người đó có trót làm những điều mình không thích. Chỉ có cách làm thế nào giảm bớt cái sức vật trâu kia đi. Thế là bày mưu bày kế, cô ả bỏ tiền mua gom hết trâu của dân làng. Chàng lực điền vốn dở hơi nên cứ thấy trâu là... cày, con này gục lại thay ngay con khác. Chàng cứ thế cày liên tục từ ngày này qua ngày sau. Đến bữa ăn đã có người bỏ cơm vào cái giỏ đeo ở cổ, vừa cày vừa ăn. Chàng cày mãi, cày mãi, hết cày dọc lại cày ngang. Cả cánh đồng nát ra như cháo. Suốt ba bẩy hai mươi mốt ngày đêm như thế, đàn trâu đã gục ngã khắp nơi, cánh đồng đã sôi lên ùng ục. Rồi đến lượt chàng lực điền cuối cùng cũng phải gục xuống... Khi đó xuất hiện một sự lạ.

           

Lúc ấy vào cuối buổi chiều. Những người chứng kiến bỗng thấy sương khói đùn lên mù mịt khắp cánh đồng, tràn cả vào trong làng đến nỗi giáp mặt cũng không trông thấy nhau. Mặt đất dưới chân chao đảo, bầu trời nghiêng ngả, quay cuồng. Tiếng ầm ì vang vọng khắp lòng đất. Dân làng sợ quá chui hết vào trong nhà đóng chặt cửa lại. Cả những người bạo gan nhất cũng không ai dám hé mắt nhìn ra cánh đồng xem điều gì đang diễn ra. Suốt một đêm như thế, tiếng ầm ì vẫn không lúc nào ngớt. Sáng hôm sau, chờ cho sự yên tĩnh đã dần dần trở lại, người ta mới thận trọng lần ra khỏi nhà. Một cảnh tượng kinh dị bày ra trước mắt. Chính giữa cánh đồng, đúng cái nơi chàng lực điền gục xuống, bỗng đùn lên một quả núi ròng ròng bùn nước, sương khói vẫn bao phủ vật vờ. Ban đầu quả núi ấy còn nhỏ cỡ ngôi nhà ba gian. Sau nó cứ thế lớn lên, lớn lên, dần dần choán hết cánh đồng. Đúng chín chín tám mươi mốt ngày sau, nó dừng lại không lớn thêm nữa. Cây cối bắt đầu phủ xanh, chim chóc bắt đầu về làm tổ... Lâu dần nó cũng trở thành bình thường như bao quả núi khác, cho đến tận bây giờ.

           

Thời ấy, dân làng sợ hãi lắm, cho rằng đó là quả núi thiêng do trời giáng xuống, không biết để trừng trị hay để làm ngôi mộ cho chàng lực điền kia. Bèn đặt tên là núi Thiên Giáng và lập đền thờ suốt từ chân lên đến đỉnh núi. ấy là cái thời mê tín dị đoan nó thế. Chứ sau này, các nhà nghiên cứu cho rằng đó chẳng qua là một vụ động đất bình thường. Riêng việc hình thành quả núi thì có hơi bất thường một tý song cũng chỉ là sự vận động của những cơn sóng ngầm địa chấn tạo nên. Sau khi quả núi hình thành một thời gian, làng bỗng xảy ra nhiều điều kỳ quái. Mọi việc bắt đầu từ nhà cụ Bá Hữu, tiên chỉ của làng. Một hôm, bà Ba nhà cụ Bá bỗng dưng chỉ vào mặt cụ mà xỉa xói, mà lôi thông thốc những chuyện cụ ăn nằm với mấy mụ gái goá trong làng ra làm sao, rồi thì những lần cụ âm mưu cướp ruộng nhà này, đấm mõm kẻ kia... Cứ như thể bà ta đọc vanh vách những gì dấu kín trong bụng cụ Bá bấy lâu nay. Ban đầu cụ Bá há hốc mồm kinh ngạc. Những chuyện tày đình như thế, khi bụi nọ, xó kia, khi thì thào to nhỏ... chỉ có một hai người biết. Nay bỗng nhiên sao con mẹ nó biết mà lôi ra tuồn tuột thế kia?. Sau định thần nhìn lại, thì chính cụ cũng thấy, hoá ra cái con mẹ Ba lăng loàn này, chính nó cũng bao lần trốn cụ đi ăn nằm, hú hí với cái thằng lực điền nọ, chính nó cũng từng ăn bớt tiền cống nộp của dân làng, dấu diếm làm vốn riêng... Rồi chẳng riêng gì cụ với bà Ba. Cả đám dâu rể, con cháu trong nhà cũng chỉ mặt nhau mà lôi ra hết chuyện này đến chuyện khác. Thế là nhà cụ Bá đâm ra đại loạn, vợ chồng, con cháu đả nhau chí tử.

 

Dân làng lúc đầu vừa ngạc nhiên, vừa cười đến vỡ bụng. Sau đến lượt nhà ông lý Bôi, vợ chồng con cái cũng ầm ĩ kể tội nhau, choảng nhau chan chát. Rồi đến nhà ông chánh Nam, nhà ông hàn Biểu... dần dần lan ra cả làng, nhà nhiều của cũng như nhà ít của... cứ tự dưng vô cớ mắng chửi nhau như hát tuồng. Ngay đến cái nhà anh đĩ Mùa, hai vợ chồng với một lũ bẩy đứa toàn con gái nghèo rớt mồng tơi, tài sản chỉ có túp lều với mấy cái niêu đất. Thế mà cũng chỉ mặt hạch tội lẫn nhau. Không nhìn thì thôi, cứ động nhìn đến là rõ ngay bụng người khác như chính bụng mình. Thế là cả làng chẳng ai dấu diếm được cái gì trong bụng nữa, sự thật từ tam đại ba đời cứ tuôn ra ào ào, chỉ cần nhìn bụng nhau là biết hết. Làng trên xóm dưới nháo nhào. Nhà nọ nhìn nhà kia, bấy giờ những chuyện cũ từ con gà con qué, đến những vụ tranh lấn vườn tược của nhau, những vụ ngấm ngầm hại nhau... được phơi bày ra tuốt tuột. Những người xưa nay lương thiện, không tỳ vết thì không sao. Nhưng mà hiếm lắm, hình như chẳng có người nào thì phải. Anh nào cũng ít nhất không thói nọ thì tật kia. Nhất là những kẻ trộm cắp, bất lương... cứ gọi là như rắn mồng năm, không khảo không xưng thì dân làng cũng nhất tề rõ cả như ban ngày ban mặt. Rồi thì nhà này chồng lòi đuôi ăn chả, nhà kia vợ lòi mặt ăn nem... Hậu quả là nhà nào cũng sinh ra lục đục, chinh chiến với nhau như kiểu nhà cụ Bá trên kia. Đặc biệt những vụ dan díu với chàng lực điền ngày trước, bấy giờ phơi cả ra trước bàn dân thiên hạ. Đàn ông trong làng uất ức đến run rẩy cả tứ chi, các bà, các cô đỏ mặt tía tai đến mấy đời không trở lại nước da cũ, chỉ ước sao có lỗ nẻ mà chui xuống đất...

 

Làng cứ thế loạn xạ dễ đến hàng mấy tháng trời. Ban đầu chẳng ai hiểu đầu cua tai nheo ra sao mà xảy ra cơ sự ấy. Về sau mới biết đó chẳng qua vì cả làng tự nhiên ai cũng có khả năng "đọc" suy nghĩ của người khác mà thôi. Sau này các nhà nghiên cứu còn đặt ra hẳn một thuật ngữ để chỉ hiện tượng đó. Gọi là hiện tượng: "thông ý nghĩ". Nghĩa là ý  nghĩ  của người nọ thông sang ý nghĩ của người kia và ngược lại. Có gia đình tan đàn xẻ nghé, có kẻ phải bỏ xứ tha hương, có đứa trẻ trở thành vô thừa nhận... Phải làm sao lập lại trật tự thôi. Nhưng lấy ai đứng ra làm chuyện ấy bây giờ? Cụ tiên chỉ thì kiệt sức rồi, vừa xấu hổ lại vừa uất ức, cụ chỉ còn biết nằm thở hắt ra. Ông Lý Bôi cũng chẳng khá hơn gì, chân tay run rẩy đến nỗi không hãm lại được, mỗi khi di chuyển phải bò bằng cả bốn chân...  Cuối cùng lại chính cái nhà anh đĩ Mùa. Nhà cái gã nghèo ấy hóa ra lại êm ả nhất. Gã đứng ra khuyên bảo mọi người. Thôi bây giờ biết hết nhau rồi thì chín bỏ làm mười, mười bỏ làm trăm... người xấu đừng xấu nữa, người tử tế cứ tử tế như cũ... Dân làng tỉnh ra, làng xóm dần dần bình yên trở lại. Từ đấy mọi người già trẻ lớn bé, đàn ông đàn bà nói chuyện với nhau không cần phải mở mồm ra nữa, cứ nhìn vào bụng nhau là thấy hết. ấy thế lại mà hóa hay, chẳng phải mất công giải thích dài dòng mà chưa chắc người nghe đã hiểu. Tuyệt nhất là làng tiệt nọc cái giống bất lương, những kẻ chuyên làm điều xấu, bởi vì chỉ mới thoáng nghĩ đến là dân làng đã biết tỏng ra rồi, còn ai dám mơ tưởng đến làm điều ác dù chỉ trong ý nghĩ mà thôi. Cái ác, cái xấu té ra xưa nay toàn trú ngụ trong bụng người ta. Nay vì được phơi hết ra cho nên tự nhiên tiệt giống, tiệt từ những hạng ăn cướp chuyên nghiệp đến những anh bất lương đột xuất... Làng nước trong veo như liền một bụng, ăn ở với nhau chân thật như đếm đá suốt đời.

           

Nhưng mà cái việc cả làng biết tỏng bụng nhau ấy xem ra lợi bất cập hại. Bắt đầu là chuyện ngôn ngữ. Vì không cần phải nói nữa nên dân làng cứ câm như hến suốt ngày. Mà nói làm gì nữa cơ chứ khi chửa nói đã hiểu nhau rồi. Thế đâm ra càng nói càng thừa, càng nói càng xa cái điều... cần nói. Lâu dần ngôn ngữ tự nhiên biến mất, chỉ còn lại mấy tiếng gọi gà, gọi chó, mấy tiếng giục trâu, giục bò... bởi những giống vật ấy - lạy trời - không có khả năng "thông ý nghĩ" với con người. Rồi đến chuyện học hành, chữ nghĩa. Ngôn ngữ đã không cần thì chữ nghĩa để làm chi. Ông đồ vừa trải chiếu ra, chưa kịp dạy thì học trò đã đọc vanh vách bao nhiêu chữ chứa trong bụng ông đồ... Chán nhất là cái sự yêu đương, nhiều khi cần vụng trộm, nay lại cứ phơi bày ra như những tảng đá lát đường. Những người có đầu óc lãng mạn, có tâm hồn thi sỹ đâm ra ngơ ngẩn tiếc cái thời bí hiểm trước kia. Té ra đến cả  văn chương cũng trú ngụ trong cõi bí hiểm của mỗi con người. Các ngài xưa nay viết đến thiên kinh vạn quyển được chẳng qua cũng chỉ vì thiên hạ chưa biết đó mà thôi. Sự thật lại thành ra không có chỗ cho cái gọi là sáng tạo, lại thành ra khô khan như mái ngói mùa hè.

           

Và thế là lại có người phải ra tay. Số là có một người bỏ làng đi đã mấy đời, nghe nói làm ăn tận kinh thành. Con cháu học hành đỗ đạt, không biết đến bấy giờ là đời thứ mấy, có người đỗ trạng nguyên. Lục tìm gia phả, vị tân khoa mới hay mình quê gốc tại làng Viên xá, bèn mũ áo vinh quy bái tổ. Xe ngựa, võng lọng chói ngời, tiền hô hậu ủng. Vị trạng nguyên hết sức ngạc nhiên khi đi gần khắp một vòng quanh làng, thấy dân làng không những tỉnh bơ, lại nhất tề... cấm khẩu. Không phải họ sợ sệt hay thiếu đi phần nào lễ độ. Họ vẫn cười vui vẻ thế kia... Tìm hiểu mãi, vị trạng nguyên choáng người. Thì ra cả làng đã biết tỏng ngài từ khi vừa bắt đầu trông thấy. Biết từ ông tổ mấy đời đến cái bụng chứa đầy kinh sử của ngài. Thế thì còn gì là quý hoá, vinh hiển nữa. Công lao đèn sách cốt để hơn người của ngài có nguy cơ thành ra công cốc. Thế là ngài bỏ dở cuộc vinh quy, tót ngay về kinh làm bản tấu lên triều đình, tâu rõ thực hư. Triều đình cũng linh cảm có điều gì nghiêm trọng, bèn cử quan khâm sai, đặc cách tới tận nơi xem xét điều tra cho kỹ lưỡng mọi bề.

           

Bản tấu của quan khâm sai xem ra sự việc còn nghiêm trọng hơn nhiều. Riêng cái việc không ai có thể dấu nổi bất cứ điều gì trong bụng (gọi là "thông ý nghĩ") ấy được ngài trình bày chi tiết làm mấy quyển hẳn hoi. Tất nhiên ngài cũng không quên nhắc lại cảnh đả nhau loạn xạ của làng ngày trước, khi mới xuất hiện cái sự oái oăm kia. Rồi tới việc không cần đến ngôn ngữ, chữ nghĩa... toàn những thứ mà nếu chẳng may tuyệt chủng thì nền văn hiến đã trải ngàn năm này biết tựa vào đâu... Cuối cùng, ngài dựa vào hình thế, long mạch mà cảnh báo rằng làng ấy vốn hình tròn, có cái thế phình ra bốn phương tám hướng, lại có long mạch vững vàng... Nếu không kịp thời trấn yểm thì cái sự oái oăm kia sẽ lan truyền ra cả nước chứ chẳng phải chuyện chơi. Khi đó, thiên hạ đại loạn đã đành, mà dần dần, cả nước cấm khẩu hết thì buồn khác gì một... bãi tha ma.

           

Đích thân đương kim hoàng thượng lúc bấy giờ xem qua bản tấu mà toát cả mồ hôi. Đức Ngài tưởng tượng rằng nói dại nếu mọi chuyện từ cung đình ra đến ngoài thiên hạ bỗng nhiên vỡ lở ra hết thì đến cả Đức Ngài chắc cũng chẳng được yên. Phải tìm mọi cách trừ ngay đi mới xong. Đức Ngài lập tức đưa bản tấu xuống cho trăm quan bàn bạc. Các quan từ quan lớn đến quan bé, từ phẩm nọ đến phẩm kia xem xong bản tấu thì hoảng hốt đến lạnh cả người. Các ngài mặt cắt không còn hột máu, lập tức liên tưởng tới những hậu quả sẽ xảy ra một khi cái hiện tượng ở làng Viên xá lan ra cả nước. Có người hoảng quá són cả ra quần. "Thế này thì đại loạn, đại hoạ. - Bao nhiêu sự thật trưng ra hết, cả nước liền một bụng, cả nước thành cấm khẩu... thì sẽ ra sao? - Muôn  tâu Hoàng thượng - Phải cứu lấy sự riêng tư của mỗi người, cứu lấy chữ nghĩa, ngôn từ, văn tự, cứu lấy nền văn hiến... Cứ để cho sự bí hiểm của mỗi người ngự trị, ngự trị đến muôn đời..."

           

Kết quả triều đình xuống chiếu cầu thầy địa lý cao tay về trấn cho tuyệt cái long mạch oái oăm ấy của làng. Thầy địa lý các nơi được dịp lũ lượt kéo về kinh ra mắt khoe tài. Mỗi thầy một ý khác nhau, nhưng đại khái đa số cho rằng tất cả tội vạ đều do cái huyệt thông thái của làng vốn ẩn sâu dưới lòng đất, nay do quả núi bất ngờ đùn lên, đã đẩy cái huyệt ấy tới tận đỉnh trời. ở vị trí bốn hướng bao la, quanh năm gió thổi ấy, do không bị câu thúc, kiềm chế cho nên huyệt thông thái mới phát huy tác dụng... Nhưng đến cách trị yểm để cho nó tịt đi thì các thầy không ai chịu ai, cãi nhau ỏm tỏi. Có người đề nghị lấy máu chó mà rây, song công dụng chỉ được mấy ngày, cứ phải rây suốt năm này qua năm khác thì lấy đâu ra chó. Theo tính toán sơ bộ thì phải có số chó gấp ba lần số dân cả nước may ra mới đủ. Có người đề nghị đeo cho dân làng ấy mỗi người một chiếc bùa, cho húp cháo loãng và lấy băng bịt mắt quanh năm may ra... Cuối cùng, Hoàng thượng phán: "cho phép các khanh tuỳ nghi mà làm, cốt sao trừ được thì thôi."

           

Theo lệnh vua, các thầy địa lý chia thành từng toán kéo nhau về làng Viên xá. Nhưng kỳ lạ là có thầy vừa chạm tới cổng làng, đã phải chạy hộc tốc trở ra, có thầy cao tay hơn cố dấn thêm được mấy bước... Nhưng rồi tất cả đều dội ngược như thể bị tống thẳng ra khỏi làng mà không kịp thi hành tý bùa ngải nào. Theo lời các thầy thì tại long mạch làng ấy mạnh lắm, không thể nào mà trấn yểm cho được. Kỳ thực sau này theo dân làng kể lại thì chẳng qua vì vừa trông thấy, dân làng đã biết tỏng cả một bụng bịp bợm xưa nay chuyên loè thiên hạ để kiếm ăn của các thầy. Các thầy thấy phép chưa chi đã hết thiêng, cho nên bỏ chạy chứ long mạch long miếc gì.

 

Tình thế ngày càng trở nên gay go. Hiện tượng ấy chưa trừ được thì cả triều đình mất ăn mất ngủ. Không những thế, tin đồn về cái hiện tượng thông ý nghĩ tai hại kia của làng Viên xá đã truyền đi khắp cả nước. Bấy giờ cả nước náo động, thiên hạ nơm nớp lo âu. Đâu đâu cũng ra sức cầu khẩn các đấng thần linh, trời phật phù hộ cho cái sự Viên xá kia đừng lan tới địa phận của mình. Sự việc thế là động tới cả những đấng linh thiêng, không còn là vấn đề riêng của cõi nhân gian nữa. Các đấng gần thì là thành hoàng thổ địa, xa thì là thánh quân, thiên tào... xem ra cũng giật mình thon thót. Bởi xưa nay, chính các vị với nhau cũng không ít những sự tranh chấp, âm mưu. Đối với cõi nhân gian, các vị có khi cũng vì kiếm miếng xôi, miếng oản mà không ít lần làm qua quýt cho xong việc. Ai dám khẳng định rằng cái hiện tượng Viên xá tai hại kia sẽ không lan tới cả cõi linh thiêng?. Nếu sự thật được phơi bày ra hết thì có khi nguy đến cả trời chứ chẳng đùa. Thế là, may quá. Cái gì người không làm được thì thần thánh sẽ ra tay. Các vị bèn ứng vào mồm một đứa trẻ lên ba của chính làng Viên xá, bảo cho người ta biết cách yểm cái huyệt thông thái đầy bất trắc kia của làng.

 

Ấy là chôn tám con trâu bằng đá trên đỉnh núi theo đúng phương vị bát quái hậu thiên. Bên dưới tám con trâu đặt tám lá bùa làm bằng cái gì thì chỉ có trời mới biết. Quả nhiên long mạch lập tức hết thiêng, dân làng mặt mũi đang hoạt bát, tinh anh, đột nhiên ngây thuỗn, nhìn nhau ngơ ngác như đàn gà con mất mẹ. Đầu óc thoắt một cái ngô nghê chẳng còn nhớ gì đến cái sự đời. Bấy giờ mới lại gay go. Số là do mấy đời không dùng đến, ngôn ngữ tiêu biến đi đâu sạch, chỉ mấy người già nhất còn nhớ được lõm bõm, còn thì tịt hết cả làng. Thông thạo nhất chỉ còn mấy tiếng gọi súc vật, chẳng lẽ lại mang ra gọi nhau. Thế là triều đình phải cử quan về dạy nói lại từ đầu. Trẻ con còn khá, chứ người lớn thì... dạy mãi rốt cuộc cũng nói được, chỉ phải cái ngọng trếu ngọng tráo, ngọng không sao uốn nắn được, thành ra cái ngọng di truyền cho đến tận ngày nay...

 

Theo chân những sự tích, du khách đi theo một đường tròn xoáy trôn ốc, dần dần leo lên tới đỉnh núi. Giữa bao la gió thổi, tiếng chim hót, thông reo, du khách đang đứng giữa một khoảng đất rộng chừng trăm thước vuông. Chính giữa có một ngôi đền nhỏ, chắc để thờ cúng chàng lực điền ngày trước, một trong những tổ tiên của làng Viên xá ngày nay. Tấm bài vị lâu đời phủ bụi, lấp lánh thếp vàng đặt trên chiếc bàn đá cũng nhuốm bụi thời gian. Một chiếc giỏ đá đựng mấy nắm cơm có thật, chắc dân làng vẫn hằng ngày đem lên cúng xưa nay. Ai mà biết đã có bao nhiêu nắm cơm như thế? Bên cạnh bàn dựng một chiếc cày ngoại cỡ cũng bằng đá. Du khách bước ra ngoài đưa mắt nhìn ra bốn phía. Rải rác xung quanh quả có dấu vết tám con trâu vùi mình trong đất. Có con chỉ chừa lên một phần hông tròn như mu con rùa, có con còn thò lên một nửa cái đầu với chiếc sừng đen bóng...

 

Chợt nhớ mang máng hồi kết vĩ thanh của sự tích, rằng đời sau có người muốn chữa cho dân làng khỏi cái tật nói ngọng. Nhất thiết phải đào tám cái bùa dưới tám con trâu đá kia lên. Nhưng đụng đến quá khứ là một việc phải hết sức thận trọng, không thể hấp tấp, vội vàng. Bèn họp cả làng lại tham gia ý kiến. Bàn ra tính vào, kẻ nói đi người nói lại. Không bị ngọng nữa thì thích rồi nhưng e lại quay trở về tình thế của ông cha thuở trước, lại thông nhau ý nghĩ, lại chẳng dấu được gì trong bụng nữa thì sao. Chuyện ấy tự ngày xưa mà đã gây ra bao nhiêu rắc rối. Từ đó đến nay, mỗi người đã trở nên bí hiểm đối với nhau gấp bao nhiêu lần. Tự nhiên bây giờ huỵch toẹt ra hết có khi còn đâm ra loạn to. Biết nhau ít thôi may ra còn nhẹ nhõm, bình yên, còn có chỗ cho sự hấp dẫn, tò mò, có chỗ cho tình yêu, thi ca, văn tự... Lại còn cái sự nói năng, chữ nghĩa... chẳng lẽ một lần nữa lại không cần đến, lại cấm khẩu như thuở trước hay sao... Cân đo đong đếm mãi, cuối cùng làng quyết định thôi thì xấu tốt gì của ai cứ yên chí mà đào sâu chôn chặt. Tất cả nhất trí thà nói ngọng còn hơn lại cấm khẩu cả làng...

 

(Đã in trên báo Người Hà Nội)

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3486
Ngày đăng: 17.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vẻ đẹp - Lê Đình Trường
Mộng xuất ngoại - Hoàng Thu Dung
Như có như không - Trần Thị Thùy Trang
Nhầm lẫn - Hoàng Thu Dung
Bông - Kim Quyên
Đám cưới vùng sâu - Kim Quyên
Người bạn lính - Nguyễn Quang Sáng
Đạo Tưởng - Nguyễn Quang Sáng
Gà sanh đôi - Nguyễn Quang Sáng
Chuyện làng Kinh - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)