Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
915
116.619.418
 
Kẻ vô thừa nhận
Phạm Lưu Vũ

Tòa biệt thự của ông chủ Thắng tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi, có vườn cây, non bộ, có hồ bơi xanh ngắt quanh năm. Ông chủ dáng người trẻ khỏe, tươi tốt hồng hào, đôi mắt bé tí núp sau cặp kính cận dày cộp bốn phẩy bẩy mươi nhăm đi ốp. Sáng nào cũng vậy, sau khi thể dục xong, ông chủ Thắng lại dắt đàn chó của mình ra cổng cho chúng đi vệ sinh quanh mấy gốc cây trên hè phố. Đàn chó gồm năm con đen bóng và béo mượt, con nào cũng nhanh nhẹn, lừng lững như những chú bê con. Đó là giống chó quý ngoại quốc có tên gọi Yalơ. Ngoài cái dáng cân đối, to đẹp đến mức có người đã tặng cho bẩy chữ: “thiên hạ đệ nhất mĩ cẩu chủng” (giống chó đẹp nhất thiên hạ), chúng còn có cái cơ quan phát âm hoàn hảo và hiệu quả không chê vào đâu được. Chưa cần sủa, những con chó quý ấy chỉ hộc lên một tiếng, là đã đủ cho những kẻ yếu bóng vía phải táng đởm kinh hồn. Còn khi chúng cất tiếng sủa mới thật là kỳ vĩ. Cũng là thứ ngôn ngữ muôn đời của loài chó thôi, nhưng những âm thanh phát ra từ những cuống họng đặc biệt ấy, nghe như được tuôn ra từ những cống ngầm, cách xa hàng trăm bước vẫn có cảm giác nó dộng thẳng vào màng nhĩ, làm âm u cả đầu óc đến nửa ngày chưa tan.

 

Ông chủ Thắng yêu quý đàn chó của mình lắm. Cứ nhìn cái vẻ hớn hở, tự hào của ông mỗi khi đi giữa đàn chó thì biết. Cánh cổng vừa mở, đàn chó hồng hộc lao ra như những con ngựa xổng chuồng, vừa hung hăng nhìn người đi đường, vừa ngoái trông mặt ông chủ như chờ một mệnh lệnh. Ông chủ Thắng quỳ xuống một chỗ, kêu từng con tới gần, hai bàn tay ông nhẹ nhàng và thành thạo lần lượt bóp bóp, giải khai mấy cái huyệt nằm dưới háng chúng. Tại sao ngày nào ông cũng phải làm những động tác này? Bởi giống chó Yalơ vốn có nhược điểm hễ cứ ghếch cẳng sau lên là bị chuột rút, đau đớn không sao chịu nổi. Mà giống chó tính ưa sạch sẽ, bài bản, không ghếch được một cẳng lên thì chúng không đái được. Vì thế nhà nào nuôi giống chó Yalơ cũng phải học cách bóp huyệt như thế. Xong xuôi cái thủ tục vật lý trị liệu ấy, đàn chó chạy tản ra, mỗi con chọn một gốc cây, ngửi ngửi một tý cái chỗ ấy xem có xứng đáng không, đoạn đàng hoàng ghếch chân lên, ồ ồ tương ra như suối. Ông chủ Thắng đứng một chỗ, chỉ huy cái cuộc bài tiết tập thể ấy lẫm liệt như một vị tướng. Ông quan sát, nghe ngóng, thuộc lòng tính nết từng con. Đến nỗi chỉ cần nghe tiếng đái, ông cũng biết con nào khoẻ, con nào có triệu chứng trái gió, trở giời...

 

Chứng kiến tất cả những cảnh diễn ra hàng ngày ấy, phía bên kia đường, là một gã ăn xin nằm khoèo trên vỉa hè. Gã xuất hiện ở đó từ ngày nào không ai để ý. Chỉ biết rằng đó là một gã ăn xin đói khát, vừa rách rưới vừa hôi hám. Sáng nào gã cũng nhìn đàn chó bên kia đường bằng cặp mắt mê mẩn, không phải mê vẻ đẹp của chúng, mà là mê cái sự sung sướng ấy. Không biết từ lúc nào, gã đã thuộc lòng cả những sự sung sướng diễn ra bên trong ngôi biệt thự kia. Những con chó được nằm trong đệm mút êm ái, được tắm táp bằng thứ xà bông hảo hạng, có người chuyên lo chải lông, bắt rận, có người chuyên lo việc ăn uống. Những bữa ăn của chúng mới thật tuyệt vời. Mùa nào thức ấy, có khi là những miếng thịt bò bít tết thơm điếc mũi, có khi là những khúc giò heo trắng nõn nà. Riêng cơm thì chủ ăn gì, chó ăn nấy, cứ gọi là thả cửa, no đến kềnh bụng thì thôi. Từ khi làm ăn phát đạt, ông chủ Thắng không hề tiếc tiền cho những thú chơi sang, đặc biệt là chơi chó. Dân gian có câu: “dĩ hiếu vi sang” (lấy hiếu làm sang). Ông chủ Thắng cũng là người con chí hiếu, ông đón bố từ dưới quê lên, thuê hẳn một bà già lo săn sóc. Ông bố ngoài bẩy mươi tuổi nằm bệt một chỗ, ăn ỉa phải có bà già ấy nâng đỡ, quanh năm không được tắm rửa thành ra người hôi như cú. Cũng may mà căn phòng ông nằm khuất hẳn phía sau, nên cái mùi ấy không ảnh hưởng gì đến toàn cảnh sang trọng, thơm tho của ngôi biệt thự. Gã ăn xin đói khát chóp chép miệng thèm thuồng. Gã ước gì được sướng như những con chó kia. Gã đâm ra nghĩ ngợi vẩn vơ. Ôi, cái câu thành ngữ: “sướng như tiên” nếu quả có tiên thật, thì đây chính là một thứ tiên bốn cẳng đang hiện hữu trước mắt gã, cần gì phải tìm kiếm, tưởng tượng đâu đâu...

 

Có một điều mà những ông chủ của giống chó Yalơ như ông chủ Thắng trên kia không hề hay biết. Ấy là cái lai lịch, gốc gác ly kì của chúng. Phải lần ngược lại từ thời xa xưa, khi con chó Yalơ đầu tiên du nhập xứ này. Đó là một con chó đực cường tráng, lạ mắt và to đẹp đến nỗi, đứng bên cạnh nó, những con chó bản xứ đương thời trông mới nhỏ bé, xấu xí và thảm hại làm sao. Con Yalơ tân kỳ không hiểu vì bản chất ngông nghênh hay do chưa kịp “nhập gia tuỳ tục”, mà lại có một thói quen rất tệ hại. Nó cứ thích đứng ghếch một cẳng lên ngôi miếu nhỏ cạnh bờ sông mà đái, đái mãi làm sụt cả nền đất, khiến ngôi miếu đổ lệch về một bên. Ngôi miếu bé tí mỗi chiều không đầy bốn tấc, cao năm tấc, vừa đủ chứa một bát hương cắm mấy chân nhang xiêu vẹo và một cái đĩa sành sứt mẻ, chẳng có bài vị bài viếc gì ráo, ngay đến một nửa chữ cũng không. Chẳng ai biết ngôi miếu ấy thờ cái gì, nhân sự kiện gì mà lập nên. Cứ tưởng rằng đã là miếu, thì dù lớn nhỏ gì cũng tất có thần chủ, té ra không đơn giản như thế. Chỉ biết rằng lúc nó bị nghiêng thì tiếng chuyển nghe ầm ầm, cả một vùng xung quanh tưởng như có động. Thổ địa vùng ấy biết việc không thể xem thường, bèn lật đật tới tận nơi xem xét, mới hay con chó trứ danh kia làm bậy...

 

Điều khó tin nhưng có thật là đến cả thổ địa cũng quan liêu không biết thần chủ của ngôi miếu ấy là ai. Thấy nó toạ lạc gần bờ sông thì đoán chắc là thờ một vong hồn chết trôi nào đấy. Bèn giở danh mục chết trôi từ những năm tý, năm sửu... ra tra xét. Danh sách biên chép rõ ràng các loại chết trôi sấp, trôi ngửa, trôi vùn vụt, trôi lờ đờ, trôi do lụt lội, trôi do trượt chân... từng qua vùng này kể tới hàng ngàn. Song tất cả nếu chưa kịp đầu thai thì cũng đều có nơi, có chốn, tịnh không có vong hồn nào trú ngụ nơi đây. Lại giở các danh mục khác ra. Toàn những kiểu chết bất đắc kỳ tử, nào là chết do loạn lạc, bị tên bắn dao đâm, chết do đói khát, do chán sống hay oán hận vì tình, chết theo kiểu quăng xác nơi chợ búa, ngòi rãnh hay treo mình lủng lẳng trên cây... Những số này đông không kể xiết. Thế mà cũng tuyệt không lần ra manh mối. Cái miếu đó té ra để nguyên thì cứ tưởng là có chủ, đến khi bị nó đái đổ mới hay chẳng phải của ai. Tóm lại đó là một ngôi miếu hoàn toàn vô tích sự, do ai lập nên thì chắc chỉ người ấy mới hiểu rõ lý do.

 

Việc đến đây lẽ ra có thể xí xoá cho xong, con chó Yalơ ngoại quốc kia kể như vô sự. Song thổ địa ấy vốn có tính cẩn thận, chu đáo xưa nay, lại cảm thấy có gì không ổn, suốt ngày đêm cứ áy náy trằn trọc, tâm thần hoảng hốt không yên. Bèn làm sớ tâu đến thành hoàng. Vị thành hoàng quả nhiên sáng suốt cao minh, lại sẵn có chủ kiến rõ ràng, hơn hẳn những thổ địa kiến thức hẹp hòi, nông cạn. Miếu không có thần chủ thì là... miếu chung chứ sao. Ngay lập tức, thành hoàng xếp vụ này thuộc vào loại trọng án, sai lâu la áp giải linh hồn con chó Yalơ ấy tới xét xử. Lâu la một tay cầm chiếc rọ, một tay cầm quạt lông tới trước cổng nhà chủ khẽ phẩy một cái, linh hồn con chó rời khỏi chỗ nằm, nghiêng ngả lướt qua hàng rào, rồi mờ mịt chui tọt vào chiếc rọ. Lâu la đóng nắp lại, dùng ngón tay trỏ  nhấp nước bọt viết lên một chữ: “niêm” rồi mang về trình thành hoàng.

 

Bấy giờ vong hồn các xứ nghe tin có kẻ dám đái đổ miếu thờ, thì tất thảy đều nghiến răng căm giận, bèn rủ nhau rùng rùng kéo tới hò hét ầm ĩ, đòi thành hoàng phải xử thật nghiêm. Đến khi biết cái miếu đó vốn không phải của ai, mấy lâu nay hương khói lạnh tanh, chẳng khác gì những thứ vô tri vô giác vẫn tồn tại trên đời, thì lại bấm nhau tản đi hết mà không thèm quan tâm tới nữa. Con chó Yalơ kia quả không hổ là giống chó ngoại danh tiếng, ít nhiều có chút kiến thức học mót được từ nơi xuất xứ.  Nay thấy mình đột nhiên trở thành tội nhân bị đưa ra xét xử, nó lớn tiếng đòi phải có luật sư bào chữa, hay ít ra cũng có quyền tự cãi để bảo vệ cho mình. Cũng may bấy giờ nền luật pháp của cõi âm u cũng có nhiều tiến bộ, yêu sách của con chó nhanh chóng được chấp thuận. Cáo trạng dài ngót trăm trang quy con chó Yalơ phạm tội đái đổ miếu thờ, báng bổ thần linh, làm cho vong hồn mất nơi nương tựa, có nguy cơ xói mòn cả tín ngưỡng nhân gian... Việc ấy nếu cứ tiếp diễn thì không những cõi âm u mất nơi trông cậy, mà ngay cả cõi trần cũng khó bề yên ổn được tâm linh...

 

Cáo trạng tuy đanh thép, song còn có chỗ hớ, đó là không nêu được đích danh kẻ bị hại là ai. Con chó Yalơ láu cá vin vào chỗ hớ ấy, cãi lấy cãi để, lớn tiếng đòi được chất vấn kẻ bị hại kia. Thành hoàng xem ra đuối lý, liếc mắt nhìn tả hữu, mong có ai đứng ra tự nhận mình là người bị hại, tiếc rằng đám tả hữu lúc trước to mồm là thế, nay nhất tề ngoảnh mặt làm ngơ, vong hồn các xứ thì đã lảng hết cả rồi. Thật là trần sao âm vậy, những câu: “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại” hoặc: “cha chung không ai khóc”... lại đúng cả với cõi âm u. Thành hoàng cay đắng nhìn cái vẻ ngông nghênh của gã chó Yalơ kia mà sôi tiết, muốn quật cho nó hộc máu ra mà chưa biết phải xử trí thế nào, một kẻ dám báng bổ dường ấy, chẳng lẽ đành phải xử trắng án hay sao?...

 

Bấy giờ thành hoàng có một vị mưu sĩ họ Giả tên Sử, thường gọi là Giả Sử tiên sinh. Vị này vốn là một tay học trò có tiếng hay chữ, nhưng cứ động thi là rớt oành ọach. Có người đùa mới vỗ vào bụng mà bảo: “cái bụng lắm chữ này sao cứ thi rớt mãi như thế?”. Tiên sinh phẫn chí quá bèn lấy dao tự mổ bụng ra, tính moi hết chữ vứt đi cho hả giận. Ai ngờ mổ bụng rồi bới mãi, chữ đâu chưa kịp thấy thì hồn đã về chín suối. Thành hoàng thương là kẻ chết oan, lại thấy tay kẻ sĩ hụt ấy có vẻ đa mưu túc trí nên giữ lại làm cố vấn bên cạnh mình. Giả Sử tiên sinh thấy mọi người cố tình lảng tránh, trong khi thành hoàng đang hết sức tức giận, bèn tiến ra nói:

 

- Ngươi đã thừa nhận rằng đó là một ngôi miếu, thì dù không biết chủ của nó là ai, cũng không được phép đái vào. Đó có phải rõ ràng là báng bổ hay không? Huống chi ngươi từ nơi xứ lạ qua đây, chưa quen phong tục, không biết lễ nghi, những gì không biết thì lại càng không được động tới. Nay ngươi dám đem cái thứ luật pháp ngoại quốc nào đó ra, giữa nơi tôn nghiêm mặc tình la lối, thái độ nhơn nhơn, dương dương tự đắc, thật không coi kỷ cương, phép tắc ra gì. Chỉ nguyên tội ấy, cũng đáng phải xử ngươi trăm vạn lần...

 

Thành hoàng nghe nói mừng quá, bèn nhân đà nương theo mà quát tháo, sai lâu la rọ mõm con Yalơ lại, không cho cãi nữa, khép vào tội đem vứt trôi sông, án lệnh lập tức thi hành. Con Yalơ có vẻ vùng vằng không phục, song mõm bị cột chặt rồi, không làm sao cãi thêm được,  bèn lấy lại tư thế, tỏ ra coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, nó lừ lừ quay đầu theo lâu la, ra vẻ phớt tỉnh sự đời, cong cái đuôi lên, đường hoàng bước ra khỏi cửa.

 

Con Yalơ đi rồi, thành hoàng và đám tả hữu thở phào như vừa trút xong gánh nặng, nét mặt ai cũng có vẻ hả hê trông thấy. Chỉ có một người vẫn tỏ ra đăm chiêu. Chính là vị Giả Sử tiên sinh kia. Chợt nghĩ ra điều gì, tiên sinh vội nói:

 

- Không xong rồi. Án tuyên như thế, xem ra còn có chỗ hớ. Nó đã tỏ thái độ không sợ chết, thì ném trôi sông phỏng có ích gì. Chưa kể thế gian bây giờ còn nhiều mê lú, thấy xác chó chết trôi, biết đâu người ta lại vớt nó lên, có khi còn lập miếu thờ nữa thì thật là tai hại. Thế thì bản án lại thành ra một cách phong thần không công cho nó hay sao?

 

Thành hoàng và mọi người nghe nói ngớ ra vội hỏi

 

- Thế thì phải làm thế nào bây giờ?

 

Tiên sinh mặt vẫn đăm chiều, vừa ngẫm nghĩ đến đâu, vừa nói ra đến đấy:

 

- Nó đang sướng, bắt phải khổ, cho tiệt cái thói ngông nghênh. Nó đang có chủ, bắt phải vô chủ, đang mượt mà, bắt phải lở lói, đang no ấm, bắt phải đói rách, đang có nhà, bắt phải đi hoang... Thế thì chỉ có thể là lốt người, một lốt người sống kiếp ăn xin...

 

Thành hoàng lại mừng quớ lên. Vội vàng sai người đi gọi ngay gã lâu la kia đem con chó Yalơ về để xử lại, hoá phép cho nó phải mang lốt một kẻ ăn xin. Tại sao vừa mới xử xong lại có thể thay đổi ngay như thế? Chuyện bình thường ở cõi âm u. Cũng như những giấc mơ, cứ việc tha hồ thay đổi xoành xoạch mà có sao đâu. Con Yalơ đã bị trói túm bốn vó, chuẩn bị quẳng xuống sông. Người đi gọi may vừa tới kịp, bèn cùng gã lâu la kiếm đòn khiêng xỏ vào giữa bụng nó, lủng lẳng khiêng con chó về lại công đường...

 

Nói về nhà chủ của con Yalơ, buổi sáng hôm đó thức dậy, không thấy con chó quý của nhà mình đâu, lại thấy bên cạnh chiếc ổ bằng đệm mút vẫn dành cho nó, lù lù một gã ăn xin vừa lở lói, vừa rách rưới, ruồi nhặng bâu đầy người, hôi hám không sao chịu được. Cả nhà ấy hoảng hồn vừa kinh sợ, vừa ghê tởm, vội vàng vớ lấy gậy gộc, xua đuổi bằng được gã ăn xin kia ra khỏi nhà...

 

Về phía thành hoàng, từ khi xử lại bản án phạt con chó Yalơ biến thành gã ăn xin, thì có vẻ hả hê, đắc ý, cho là đáng đời cái thứ ngoại lai láo xược. Bất ngờ lại phát hiện vẫn còn một chỗ hớ chết người. Thì cũng lại từ vị Giả Sử tiên sinh kia. Tiên sinh đưa ra ý kiến, rằng bây giờ đang gặp thời loạn lạc, chính là lúc vật đổi, sao dời. Người ta sống ở đời vào những lúc như thế này, có thể lên voi, xuống chó không sao mà lường trước được. Dân gian có câu: “chó nhảy bàn thờ”. Gă ăn xin kia chắc gì đã cam chịu mãi kiếp ăn xin, lại vốn có chút kiến thức tân kỳ, biết đâu gã chẳng gặp thời mà lộn kiếp giống như khối kẻ khác, mà đổi đời làm nên công hầu khanh tướng, thì cái hình phạt kia chẳng hoá ra lại may mắn cho gã lắm hay sao...

 

Thành hoàng nghe bàn chợt tỉnh ngộ, giật mình đến toát cả mồ hôi. Bèn bấm đốt ngón tay, tính ra thì con chó Yalơ kia đã sống kiếp ăn xin được bẩy bẩy bốn mươi chín ngày. Lập tức truyền cho đòi linh hồn gã ăn xin tới, sửa lại bản án lần thứ hai. Đó là bắt trở về kiếp chó Yalơ như cũ, song yểm vào hai bên háng nó hai cái huyệt, để mỗi khi ghếch chân lên đái, sẽ bị chuột rút mà đau đớn toàn thân. Từ đó giống chó Yalơ phải mang cái hình phạt chuột rút ấy di truyền tới mãi tận con cháu sau này. Cũng may đó là giống chó quý, ai cũng mong có nó để làm sang, cho nên người ta đã nhanh chóng tìm ra phương pháp giải hai cái huyệt đó, thành ra không ảnh hưởng gì đến sự sinh sôi, nảy nở của nòi giống chúng sau này...

 

Từ con chó Yalơ đầu tiên du nhập ấy, truyền đến đàn chó năm con của ông chủ Thắng bây giờ tính ra phải đến mười lăm, mười sáu đời. Không hiểu sao gã ăn xin bên kia đường lại biết rõ cái gốc gác tổ tiên ấy của chúng. Đó là một bí ẩn không ai biết được. Gã đặc biệt ghi nhớ quãng thời gian ngắn ngủi bốn mươi chín ngày làm kiếp ăn xin của con chó Yalơ tổ tiên kia. Gã lại tiếp tục nghĩ ngợi vẩn vơ. Biết đâu trong bốn mươi chín ngày ấy, gã ăn xin - Yalơ kia cũng kịp để lại nòi giống thì sao? Nếu thế thì lại biết đâu gã chính là một trong số hậu duệ của nó? Nghĩa là gã cũng có họ hàng, bà con với đàn chó tiên cảnh bên kia đường(!). Nghĩ đến điều đó, gã cảm thấy sướng rơn người. Một hy vọng được đổi đời, đổi kiếp sống chợt loé lên, dần dần choán hết tâm trí gã. Mặc kệ, gã cứ tin chắc như thế, sống phải có niềm tin mới được, Gã đã có niềm tin, dù đang phải sống một kiếp đi hoang. Gã bắt đầu nhìn đàn chó Yalơ kia bằng ánh mắt của một kẻ họ hàng. Niềm tin của gã dần dần được củng cố. Đến nỗi một hôm, gã mơ gặp cụ tổ ăn xin ấy. Cụ cũng rách rưới và hôi hám bò đến xoa đầu gã mà bảo rằng:

 

- Mi đúng là hậu duệ của ta. Đến mi là đời thứ sáu. Vì mi có niềm tin, nên sẽ được trở về kiếp chó Yalơ danh tiếng. Cũng chỉ còn bốn mươi chín ngày nữa thôi. Có điều hãy tránh xa các ngôi miếu, dù đó là miếu hoang. Đừng bao giờ lặp lại cái tội lỗi của ta...

 

Gã ăn xin sướng đến mê ly. Gã mong cho chóng đến cái ngày ấy. Gã sẽ trở thành có chủ, có chăn ấm, nệm êm, được ăn uống no nê, sướng miệng, khỏi phải suốt ngày lê la nhặt nhạnh, chịu cái nhìn ghẻ lạnh của người đời. Từ hôm đó gã nằm bẹp ở một góc vỉa hè, sống bằng niềm tin, niềm hy vọng đang làm nở nang từng khúc ruột. Nụ cười tươi đã bắt đầu xuất hiện trên môi gã, làm sáng bừng khuôn mặt dúm dó, sáng bừng cả góc vỉa hè vốn tối tăm, ẩm ướt nơi gã nằm. Hiện tượng quái đản đó thỉnh thoảng làm người đi đường phải giật mình để ý. Người ta kháo nhau rằng chỗ đó hình như có ma, giữa ban ngày nó cứ nằm trông ra đường, vừa giương mắt nát người đời, vừa nhe răng cười nhăn nhở...  

 

Phía bên kia đường, năm con chó Yalơ vẫn vô tư hưởng những sự giầu sang, sung sướng dành cho chúng, vẫn hàng ngày tung tăng thăm viếng các gốc cây và thỉnh thoảng ra oai bằng những tiếng sủa làm rợn cả lòng người. Có vẻ như chúng không hề nhận ra rằng có một kẻ mới nhận ra mình có họ hàng với chúng, đang nằm dài đếm từng ngày, từng giờ, mong trút bỏ lốt người để được nhập vào cái đàn quý phái ấy.

 

Thế rồi thời khắc kì diệu mà gã ăn xin hằng tin kia cũng đến gần. Còn đúng một ngày một đêm, chính xác là không đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa, gã sẽ thoát khỏi cái kiếp người không nhà cửa, đi hoang, đói rách này, để trở lại làm kiếp chó Yalơ tiên cảnh kia. Gã sung sướng, hồi hộp đến lịm đi. Gã đâu biết rằng nguồn dinh dưỡng ít ỏi còn lại trong cơ thể gã, thực ra cũng chỉ đủ để duy trì sự thoi thóp của gã đúng bằng cái thời hạn ấy. Song điều đó cũng không sao, gã vẫn còn kịp chán. Miễn là đúng lúc ấy, gã được trở thành một chàng chó Yalơ, được nhập vào cùng đàn với những anh em máu mủ kia, thì sự no đủ, khỏe khoắn sẽ lập tức đến với gã ngay.

 

Thời gian cứ nhích dần, nhích dần. Chỉ còn vài giờ nữa... Gã cảm thấy “ông tổ ăn xin” lần trước đang bò đến gần. Dễ hiểu thôi, “ông” đến để chứng kiến cái giờ phút thiêng liêng, cái giờ phút gã trút bỏ lốt người... Chợt, gã bỗng phân vân tự hỏi: không biết nên trở về lốt chó từ đầu xuống trước hay từ dưới chân lên? Điều này trong suốt những ngày chờ đợi, gã không hề nghĩ đến. Như thế nào cho phải đây? Gã bỗng cảm thấy mình bị tách ra làm hai phần, đang chứng kiến cuộc tranh nhau giữa phần đầu và phần chân của chính gã. Phần đầu gã hung hăng:

 

- Phải biến thành chó từ đầu xuống mới công bằng. Chính ta đã lưu giữ cái gien di truyền kia từ suốt bao nhiêu đời. Ta đã chán ngấy cái lốt người, nay ta phải trở về lốt chó trước...

 

- Không được - phần chân gã gào lên - phải biến từ chân lên mới đúng. Để ta còn đủ sức phóng qua con đường này, chui vào trong biệt thự kia mà nhập bọn với đàn anh em của ta...

 

- Nếu ta không giao cái gien di truyền mà ta đang giữ đây, thì làm sao các ngươi trở về lốt chó được. Tại sao lại tranh nhau với ta - phần đầu cố gắng cãi.

                                              

- Ai dám đảm bảo rằng khi đã mang lốt chó, ngươi không quên chúng ta? Nhất là khi có được cái mũi thính của giống Yalơ danh tiếng, thì mùi thức ăn dù có ở cách xa đây vạn dặm, cũng đủ làm cho ngươi mê lú mất rồi. - Phần chân lập tức đáp trả.

 

- Ta chưa bao giờ trông thấy một con người mang cặp chân tay chó cả - phần đầu tiếp tục cãi - điều đó làm cho ta xấu hổ đến chết mất. Dù chỉ còn một khoảnh khắc mang cái lốt đầu người, ta cũng không chịu nổi. Vậy phải để ta biến thành chó trước cho xong.

 

- Thế chẳng lẽ chúng ta sẽ hãnh diện lắm khi phải mang trên cổ một cái đầu chó hay sao? - phần chân cãi lại - điều đó gây phiền phức cho chúng ta biết dường nào. Nhất là sẽ không biết lối mà đặt chân, tay vào đâu cho phải phép...

 

Cứ thế chúng cãi nhau, tranh nhau được biến thành chó trước. Phần đầu kiên quyết không nhường phần chân, phần chân cũng không chịu phần đầu. Thân xác gã ăn xin rốt cuộc cứ phải trơ mãi cái lốt người như thế. Thời gian đã nhích gần đến cái mốc cuối cùng. Sốt ruột vì cứ phải chứng kiến mãi cuộc tranh giành, “ông tổ ăn xin” của gã buồn bã lên tiếng:

 

- Xem kìa, tại sao lại tranh nhau. Thời hạn đã hết rồi, sự sống cũng không còn ở trong mi nữa. Bây giờ, dẫu có được trở lại lốt chó, thì mi cũng không đủ sức vượt qua con đường này, không đủ sức nhập vào với đàn chó bên kia. Rốt cuộc chỉ là một con chó chết mà thôi.

 

Nói xong, “ông tổ ăn xin” ấy quay lưng bỏ đi. Phần đầu và phần chân gã nghe ra lập tức tỉnh ngộ, chúng thôi cãi nhau, lại nhập vào làm một như cũ. Gã ăn xin cũng vừa tỉnh ngộ, vừa hoảng hốt thấy cơ hội không còn. Gã vội vã gào lên van xin, tiếng gào đã không còn chút sinh khí, tắt lịm lại giữa chừng:

 

- Tôi van người, tôi xin người, hãy cho tôi mang lốt chó Yalơ, dù chỉ còn là một cái xác...

 

Buổi sáng hôm ấy, đám đông dân chúng hiếu kỳ túm năm tụm ba đứng từ xa chỉ trỏ, một chiếc xe hòm đỗ lại cạnh chỗ gã ăn xin. Mấy người đeo khẩu trang từ trên xe nhẩy xuống, họ lôi ra từ trong thùng xe một chiếc hòm gỗ xấu xí, bỏ cái xác còng queo của gã vào, đậy nắp lại rồi dán lên phía trên một tờ giấy có ghi dòng chữ: “VÔ THỪA NHẬN”. Xong xuôi, họ ì ạch khiêng chiếc hòm gỗ lên xe rồi đóng sập cửa lại, chiếc xe rồ máy phóng đi. Đám đông cũng thôi chỉ trỏ, dần dần giải tán. Phía bên kia đường, cánh cổng lại mở như thường lệ, đàn chó năm con lại hùng dũng phóng ra, theo sát phía sau là ông chủ Thắng...

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3553
Ngày đăng: 11.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện những cô bé - Khôi Vũ
Hảo hớn miệt vườn - Khôi Vũ
Ngọn đèn- bếp Lửa - Trầm Hương
Dưới chân con là đất mẹ - Trầm Hương
Huynh đệ thần kê - Hồ Tĩnh Tâm
Xuất xứ - Phạm Lưu Vũ
Những giấc mơ không có - Thăng Trầm
Thư đi thư lại - Trần Kim Trắc
Nhà hiền triết - Trần Kim Trắc
Người dưng khác xứ - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)