Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
721
116.730.850
 
Người đàn ông đi tìm thần chú
Trần Thôi

 Năm Hưng là người cuối cùng bước ra khỏi phòng họp với cây tó khập khiễng lê bước ra về. " Nhà tình nghĩa là do Nhà nước ưu ái cất cho mình ở, sao lại đưa cái thứ trời ơi đất hỡi  đó vô!" .Những câu nói như vậy trong cuộc họp làm anh đau nhói nhưng không thể trách ai. Tới đầu hẻm vào nhà không hiểu sao hôm nay anh lại để ý  đến gã đàn ông cũng cụt chân như mình, hằng ngày vào tầm này, anh ta bắt ghế bố ra ngồi trước ngôi nhà lụp sụp che tạm bằng mấy tấm vải nilon, ngã lưng trên ghế, mắt lim dim đếm một đống tiền lẻ trong cái nón vải. Anh ta xếp đống tiền thành một xấp ngay ngắn rồi lấy dây thun nịch lại, đưa lên ngắm nghía một cách thỏa mãn rồi nhét vô túi áo. Ngó thấy Năm Hưng anh đưa tay ngoắt :

- Ê Năm Hưng, vô đây làm chút coi !

            Mấy lần trước thì Năm Hưng lắc đầu từ chối nhưng hôm nay buồn quá, anh muốn tìm rượu giải khuây.

            Gã đàn ông vẫn để nguyên tư thế nửa nằm nửa ngồi trên ghế bố, hất hàm chỉ vào chai rượu  trên chiếc bàn gỗ  xiêu vẹo :

- Rượu đó, mồi đó, làm đi, hết thì mua nữa, lo gì.

Không nói không rằng, Năm Hưng rót đầy ly rượu ngửa cổ ực cạn.  Anh lại rót tiếp và uống cạn ly thứ hai.

Thấy vậy gã đàn ông nói luôn:

Tôi đã nói với anh là lúc nào buồn thì ra đây, anh em mình lai rai. Sĩ diện làm mẹ gì,  thương binh cách mạng hay thương binh ngụy gì thì cũng một giò, cũng cần phải có tiền, cần kiếm cái ăn. Không có tiền thì dù là thương binh cách mạng hay thương binh ngụy người ta cũng khinh như nhau, đời mà !

- Nói năng kiểu đó nếu cách đây một hôm thì Năm Hưng đã hất đổ cái bàn của y, nhưng bây giờ anh lại thấy y có lý. Bởi dẫu sao thì y cũng chân tình hơn một số người mà anh gọi là đồng chí. Họ nói bóng nói gió, nói xa nói gần, nói móc nói nghoéo, nhức mình nhức mẩy  khi anh có điều gì khiến họ không vừa ý. Còn gã đàn ông này ít ra cũng vài lần y thật lòng bày cho anh cách làm lở loét cái chân cụt  của mình để đi xin tiền ở các bến đò bến xe. " Kệ mẹ, hơi đâu mắc cở. Mình là kẻ tàn phế, mình khổ mình mới xin chớ có trộm cướp ai đâu mà sợ nhục" - Gã nói vậy.

Tàn cuộc rượu Năm Hưng ngất ngưởng ra về và cũng không nhớ gã kia ba hoa tự đắc những gì. Trong ngôi nhà nhỏ của anh, trên chiếc giường tre ọp ẹp  một  phụ nữ mặc bộ đồ đỏ choé đang nằm ngủ, hai bàn chân của chị ta sù sì như hai củ gừng già. Mấy ngón chân to bè ghi dấu những ngày tháng lam lũ nơi ruộng đồng, những móng chân tróc nước sơn nham nhở ghi dấu những đêm ăn sương lăn lóc nơi hè phố, chợ đời. nhìn chị ta lòng Năm Hưng thấy thương xót pha lẫn bực mình. Thương xót là vì nhớ lại trong một đêm khuya anh uống say quằn quại ngã gục bên lề đường giữa cơn mưa gió lạnh lùng, chị ta kêu xe lôi đạp chở anh về cạo gió, thuốc men, cứu mạng anh trong cơn thập tử nhất sinh. Anh nằm liệt giường cả tháng trời nhờ chị bón cho từng muỗng cháo chén canh. Và giờ đây một hòn máu của anh đã cựa mình trong bụng chị … Bực mình là vì ngày hôm kia trong lúc anh vắng nhà chị cạy tủ lấy cái thẻ thương binh đi cầm để trả nợ chơi số đề, nếu không người ta xé xác.

 

Hòn máu trong bụng chị lớn dần lên giữa búa rìu dư luận cũng có, trong sự cảm thông của những tấm lòng nhân ái cũng có.

Hay tin chị có chồng, có nhà ở, gần một chục chủ nợ số đề, nợ cờ bạc đến bao vây đòi cào nhà, đốt xác. Anh phải năn nỉ lạy lục, hứa hẹn đến khô cổ họng họ mới chịu ra về.

Rồi đứa bé được sinh ra trong sự giúp đỡ của bà con khóm phố. Chị đặt cho nó cái tên màu mè như cách ăn mặc của chị : Lê Nguyễn Hoàng Sang. Hằng ngày anh ngắm nhìn đứa con trai trong niềm hạnh phúc khôn tả. Anh cứ xoa nắn hai chân nó, sung sướng như chính cái chân cụt của mình vừa được mọc ra. Cảm giác hụt hẫng, tật nguyền, tàn phế của anh  như biến mất khi nhìn đôi chân bé nhỏ khỏe khoắn của con trai quẫy đạp, lòng lâng lâng niềm khát khao, hi vọng, yêu đời.

 

Rồi Hoàng Sang bệnh nặng, vợ anh nay yếu mai đau, nợ nần chồng chất, nhà không còn thứ gì có thể bán được để mua thuốc cho con. Nghĩ đến cảnh nó có thể bị chết đi anh bỗng rùng mình ! Trong giây phút hoang mang lo sợ và cảm giác bất lực đó, anh chợt nhớ đến cái dáng ngồi ngửa trên ghế bố đếm những đồng tiền lẻ của gã cụt chân ở đầu hẻm. Niềm hi vọng đớn đau nhen mhóm trong anh. " Làm tất cả ! Phải làm tất cả vì con, rồi sau đó mình có trở thành giống gì cũng được !" - Anh nghĩ.

 

Anh thức dậy từ lúc 5h sáng. Mất nửa giờ để làm cho cái chân của mình lầy lở ra đúng như sự chỉ vẽ của gã cụt chân  ở đầu hẻm, rồi đạp xe ra khỏi nhà, đến một nơi xa. Sau đó gởi xe nhà người quen rồi khập khiễng chống tó ra bến đò lúc trời mờ sáng. Anh chọn chỗ ngồi nơi nhiều người qua lại. Bến đò lúc sáng sớm tấp nập kẻ xuống người lên. Anh cầm cái nón vải lật ngửa chuẩn bị đưa ra và nói một câu gì đó đã nhẩm tính trước nhằm  gieo sự thương hại vào lòng thiên hạ. Khổ thay, ba bốn lần dợm người định đưa cái nón ra  nhưng anh không tài nào đưa nổi, cảm giác như mình sắp bước qua một thế giới khác và trở thành một con người hoàn toàn xa lạ với chính mình. Tay anh run run, quay hàm cứng ngắt không bật nổi nên lời,  người như lên cơn sốt cả ngàn độ, đầu óc quay cuồng, mắt hoa đom đóm. Anh lập cập chống tó rời bến đò như bị ma rượt, mồ hôi vã ra như tắm. Một cơn gió làm anh ớn lạnh xương sống. Anh lấy xe ở nơi gởi vội vã đạp về nhà, lảo đảo như người say rượu. Bỗng có tiếng kêu ơi ới bên đường khiến anh sợ hãi vì hình như là tiếng kêu của ai đó trong cuộc họp vừa rồi, cảm giác như vừa bị bắt quả tang một hành động tội lỗi. Tiếng kêu lại tiếp tục cất lên to hơn. Lần này anh ngờ ngợ hình như tiếng của một người nào đó rất quen thân. Anh trấn tỉnh và quày xe lại. Một ngưới đàn ông mặc áo lính ngồi trong quán cà phê bên đường cất  giọng sang sảng :

-  Trời đất ơi, cái thằng, để tao kêu muốn hụt hơi !

-  " Trời ơi, anh Thêm !" - Năm Hưng kêu thầm một cách tha thiết và nhìn Tư Thêm bằng đôi mắt đỏ hoe. Anh dựng xe và kéo ghế ngồi đối diện với người thủ trưởng của mình năm xưa, tựa người lên chiếc bàn gỗ, mặt cúi  gầm xuống không nói không rằng khiến Tư Thêm chột dạ, e dè cất tiếng  hỏi :

- Mầy sao vậy Hưng ! Bộ có chuyện buồn hả, nói nghe coi !

Bất ngờ Năm Hưng òa khóc. Khóc như một đứa trẻ, khóc thoải mái như chưa bao giờ dược khóc.

Lát sau đến lượt Tư Thêm sụt sịt khóc khi nghe bạn mình kể lại những giây phút vừa trải qua. Anh không ngờ người bạn từng vào sanh ra tử với mình trong những năm đánh Mỹ nay lại lâm vào cảnh bi đát bi như vầy.

 

Mọi việc được thỏa thuận rất nhanh. Tư Thêm ứng trước cho Năm Hưng một triệu đồng đem về đưa vợ lo thuốc men cho con rồi về Cà Mau làm thủ kho kiêm bảo vệ trang trại nuôi tôm do Tư Thêm làm giám đốc, lương mỗi tháng năm trăm ngàn bao cơm nước.

Về làm việc cho Tư Thêm, năm đầu mỗi tháng Năm Hưng lái vỏ lãi ra bưu điện huyện gởi về cho vợ bốn trăm năm chục ngàn, còn lại năm chục ngàn anh hút thuốc và xài vặt, cuộc sống như vậy cũng tạm ổn. Tuy vậy đêm đêm Năm Hưng nằm thao thức nghĩ đến cảnh vợ con một nơi chồng một nẻo mà buồn. Lòng anh ấp ủ một quyết tâm mãnh liệt tìm ra con đường thoát khỏi cảnh nghèo túng triền miên này.

 

Cho đến một hôm anh vò trong tay tờ báo cũ rồi vào nhà vệ sinh. Trong giây phút thư thả anh mở tờ báo ra coi và giật mình khi đọc được dòng chữ :

" Bàn tay ta làm nên tất cả

   Có sức người sỏi đá cũng thành cơm !"

Hai câu thơ như luồng điện chạy rần qua người. Anh lẩm bẩm : " Cái nầy ! Chính cái này đang cần cho mình đây ! Mình phải ráng mới được !"  Anh lẩm nhẩm đọc lại hai câu thơ và cẩn thận xếp tờ báo cũ nhét vào túi áo mà cứ lo sợ nó bị vuột đi như lo sợ không giữ được sự quyết tâm cháy bỏng của mình.

Năm Hưng muốn giữ bí mật kế hoạch của mình cho đến giờ chót nhưng không thể không thố lộ với Tư Thêm vì anh cần sự giúp đỡ của bạn. Nghe qua, Tư Thêm liếc nhìn cái chân cụt của Năm Hưng mà không kềm nổi tiếng thở dài. Nhưng cuối cùng anh cũng đã cho bạn mượn ba triệu đồng và đồng ý để Năm Hưng rời trang trại ba tháng đi làm cái việc phiêu lưu của mình là nhận của Nhà nước hai  hecta đất rừng để khai phá. Thật lòng Tư Thêm chỉ thấy  thương  bạn chớ không hy vọng gì cho lắm.

 

Sáng hôm sau Năm Hưng cầm ba triệu bạc rời khỏi nông trường. Một tháng… rồi hai tháng… không ai biết anh ở đâu trừ Tư Thêm… Đến khi có người phát hiện ra thì hết thảy bàng hoàng không ai dám tin vào mắt mình. Anh một mình dọn trống và lên liếp, đắp bờ bao hoàn chỉnh khu đất hai hecta, sẵn sàng vào vụ nuôi tôm mới, chỉ còn thiếu con giống. Một công việc mà ba bốn người lành lặn trong cùng thời gian đó chưa chắc đã làm nổi huống chi anh là thương binh chỉ còn một chân. Anh kể lại, mỗi ngày anh làm 8 giờ, những ngày có trăng làm cả ban đêm. Mỗi nhát búa chém vào thân cây, mỗi nhát len cấm xuống lòng đất anh nghiến răng đọc câu thần chú : " Bàn tay ta làm nên tất cả …!" Anh lập đi lập lại câu đó hàng triệu lần, tay anh rướm máu, nước mắt trào ra! Mỗi khi nhớ lại cái dáng ghê tởm của mình run rẩy đứng nơi bến đò cầm chiếc nón vải sắp đưa ra trước mắt mọi người anh sợ hãi đến toát mồ hôi hột. Lúc đó anh vung búa chém vào thân cây như điên, môi lập bập đọc thầm :" Bàn tay ta làm nên tất cả! Bàn tay ta làm nên tất cả! . .."

 

Rồi những đêm nằm vắt vẻo trên chiếc giường bằng mấy nhánh đước gát tạm trong cái chòi nhỏ chơ vơ giữa rừng hoang gió lạnh, nhớ tới cảnh vợ con đói rách, bệnh tật không thuốc men đang sống thoi thóp ở quê nhà, anh nắm chặt hai nắm tay, nước mắt ứa ra và bỗng ngồi bật  dậy, xách búa xăm xăm ra rừng chém vào thân cây bằng những nhát búa hằn học như không hề biết mệt và cũng không hay hai bàn tay đã phồng rộm lên, tứa đẫm máu tươi từ lúc nào.

Sự cố gắng đến cùng cực, đến phi thường của Năm Hưng đã thuyết phục nhiều người muốn bỏ vốn ra cho anh nuôi tôm trên vuông đất anh vừa khai phá để sau đó ăn chia. Ngay cả trang trại của Tư Thêm cũng muốn hùn vốn vào. Người ta không thể không tin vào một con người có sự quyết tâm đến ghê gớm như vậy.

 

Ông trời không nỡ phụ lòng người siêng năng chịu khó. Năm Hưng thành công ngay vụ tôm đầu tiên. Trừ chi phí, tiền lãi chia cho bên ra vốn sáu mươi phần trăm, anh ra công được hưởng bốn mươi phần trăm, tổng cộng Năm Hưng được chia sáu mươi triệu đồng. Anh xây liền ngôi nhà tường lợp toll, nền lót gạch tàu hết mươi lăm triệu đồng rồi tất tả đón xe đò đi Vĩnh Long rước vợ con về mừng nhà mới. Ngồi trên xe đò lòng anh nôn nao nghĩ đến cảnh gặp lại vợ con. Rồi đây bằng chính đôi tay rắn rổi này anh sẽ tạo dựng một gia đình ấm êm hạnh phúc !

 

Đến nơi, vừa bước vào anh bắt gặp gã đàn ông cụt chân nơi đầu hẻm nằm trên chiếc ghế bố của y đặt ở giữa nhà mình, vẻ mặt thỏa thuê đếm những đồng tiền lẻ trong chiếc nón vải. Trông thấy anh gã giật mình nhổm dậy. Anh lặng thinh ngồi xuống trên chiếc giường tre kế bên. Một phút trôi qua, hai người vẫn lặng im. Hồi lâu, có lẽ chịu không nổi không khí quá căng thẳng, gã rụt rè mở lời:

Ông tự bỏ đi, bặt tin cũng lâu … chúng tôi tưởng ông đã chết rồi …

Nghe vậy, vợ anh từ dưới bếp bước lên và đứng sững giữa chừng … rồi bước thụt lùi vào trong.

Mấy giây đầu bị choáng váng nhưng sau đó Năm Hưng thấy lòng mình bình tỉnh và trống trải đến lạ lùng. Anh rơi vào trạng thái vô cảm. Không giận hờn. Không buồn. Không vui …

 

Nhớ lại, cách đây mấy năm anh ngã bệnh trong một đêm mưa gió lạnh  lùng, chị đưa anh về chữa chạy thuốc men, chăm sóc anh cả tháng trời. Vậy rồi chị được anh rước về, được che nắng che mưa dưới mái nhà tình nghĩa của bà con khóm phố cất cho. Hai người gá nghĩa vợ chồng, bữa cháo bữa rau nhờ vào số tiền chị đi đánh tứ sắc, bài cào bữa được bữa thua. Tối nào anh cũng ra đầu hẻm ngồi đợi chị về. Hai cái bóng liêu xiêu dìu nhau trên con hẻm nhỏ. Rồi đứa con trai kháu khỉnh ra đời. Những hạnh phúc gia đình pha với đủ thứ lời gièm pha đàm tếu đắng cay. Rồi những ngày khổ sở vì nợ nần chồng chất do chị gây ra, đẩy anh vào con đường bế tắc suýt chút nữa đã ngửa cái nón kết ra giữa bến đò! Anh đã vượt qua tất cả, vậy mà  …bây giờ!… Nước mắt anh bỗng ứa ra tràn mi. Anh thương cho thân phận của chị từ nay mãi mãi bám vào cái chân chùm gởi của gã đàn ông kia, thương cho đứa con sắp tới đây sẽ không có mẹ…Thấy anh khóc, gã đàn ông kia vội buông lời an ủi:

- Ông thấy đó, vợ con ông sống với tôi được no đủ đàng hoàng, tôi cũng thương con ông như con tôi … bây giờ chuyện đã lỡ vậy rồi, ông tính sao tôi cũng chịu…

- Hai người yên tâm, tôi đến đây không phải để phá đám đâu. Tôi chỉ xin bắt lại đứa con.

- Anh không có quyền! Con tui tui nuôi! - Trong buồng chị thét lên.

Gã đàn ông tiếp:

- Thân ông lo không xong, bây giờ mang theo thằng nhỏ lấy gì mà ăn? Cũng tại ông, chớ phải chi chịu theo tôi bây giờ đâu đến nỗi.

- Câm miệng!- Bất ngờ anh quắc mắt hét to khiến gã giật mình. Anh nhắc chân xuống bếp rút con dao mũi nhọn bước lên gầm gừ : Tụi bây tưởng có đủ tư cách dạy dỗ con tao hả? Con tao tao bắt đi, đứa nào cản trở đừng trách tao vô tình!

Anh lăm lăm mũi dao trong tay, bước tới hốt đưa con nách đi. Thằng bé khóc thét sợ hãi. Người đàn bà nấc lên: Trời ơi, con tôi! Con tôi !

 

Về Cà Mau, anh lao vào công việc để quên đi nỗi buồn. Anh bị cuốn hút vào những vụ tôm nối tiếp vụ tôm. Gặp lúc tôm xuất khẩu được giá, anh và số người hợp tác làm ăn phất lên vùn vụt. Hai hecta đất của anh trở thành trang trại bề thế. Anh sang thêm đất, xây nhà lầu. Hoàng Sang lớn lên phỏng phao, dáng oai vệ như con gà nòi trổ mã. Ngắm nhìn đứa con đẹp trai, khoẻ mạnh Năm Hưng quên hết bao nỗi nhọc nhằn. Hoàng Sang được cưng chiều hết mực. Mới học lớp mười nó muốn mua xe máy, có xe máy. Nay liên hoan họp mặt, mai sinh nhật, tiệc tùng, bữa kia picnic hao tốn vài triệu bạc anh cũng ráng chiều vì nghĩ con sinh ra trong cảnh nghèo khó nay anh làm tất cả để bù đắp cho nó. Vài người bạn có lần dè dặt cảnh báo với anh việc Hoàng Sang ăn chơi nổi đình nổi đám trên huyện. Anh chỉ nhắc khéo con và nghĩ nó ham vui chớ chưa đến nỗi nào. Rồi nó thường xuyên bỏ nhà qua đêm, anh lo sợ nhắc nhở, nó hứa hẹn ởm ờ. Đến lúc nó bỏ nhà đi vắng cả tuần, anh hốt hoảng lên huyện gặp thầy giáo chủ nhiệm mới hay nó bỏ học cả tháng nay rồi. Nó tụ tập bạn bè quậy phá không ai chịu nổi. Thầy chủ nhiệm gởi thư mời phụ huynh đưa cho Hoàng Sang đem về nhưng nó ém nhẹm.

 

Đứa con bỏ nhà đi biệt tích hơn tháng trời, Năm Hưng lặn lội tìm kiếm khắp nơi, đến một hôm kiệt sức ngã bệnh nằm liệt giường, những người láng giềng thay nhau chăm sóc.

Một buổi chiều có người đem tới bức thư của Hoàng Sang gởi về. Năm Hưng như kẻ hồi dương, bệnh mười phần bớt bảy, lập cập ngồi dậy, tay run run cầm thư, môi mấp máy đọc. Hoàng Sang cho hay bị mắc nợ mười triệu đồng, nếu Năm Hưng không đem lên kịp theo địa chỉ ghi trong thư  thì sẽ bị người ta lấy mạng. Năm Hưng lập cập thay quần áo, nịch chân giả vào, mướn vỏ lãi vọt băng băng ra chợ huyện, thuê xe du lịch chạy liền  lên Sài Gòn tới ngay địa chỉ trong thư. Tại đây anh nức nở ôm đứa con trai đầu bù tóc rối, trên vai trên ngực nó xăm đủ thứ hình vằn vện kì dị. Nó vồ lấy xấp tiền mười triệu trên tay anh rồi tìm cách đi liền. Anh ôm nó nước mắt lưng tròng, năn nỉ nó hãy về với anh. Ngẫm nghĩ một lát nó gật đầu, anh mừng khôn tả. Nhưng khi ra tới bến xe nó lẻn trốn mất. Anh bơ vơ ngơ ngác rão đi lòng vòng với cái chân khập khiễng. Đến tối, thân thể rã rời anh đành thất thểu bước lên xe tài chót về Cà Mau.

 

Một tháng sau, Hoàng Sang lại gởi về cho anh lá thư có nội dung tương tự và yêu cầu đem lên gấp cho nó năm mươi triệu đồng, nếu không nó sẽ bị bọn chủ nợ chặt lìa một cánh tay bỏ vô hộp giấy gởi về cho anh!

 

Năm Hưng lại lập cấp lắp chân giả, thay quần áo, kêu vỏ lãi  chạy nhanh ra chợ huyện, thuê xe bốn bánh tới ngay địa chỉ trong thư. Lần này Hoàng Sang hứa giải quyết xong công việc sẽ về ngay với cha. Hoàng Sang vừa an ủi vuốt ve vừa đẩy tấm lưng còm nhom của cha lên xe đò rồi vội vã quay trở lại.

Cái kịch bản cũ mèm cứ lập đi lập lại mỗi tháng một lần, và Năm Hưng mỗi lần nhận được thư của Hoàng Sang lại khắp khởi niềm hy vọng đứa con sẽ trở về. Nó chính là điểm tựa giúp anh gắng gượng đứng lên tìm được sức mạnh ý chí chống chỏi với bao sóng gió cuộc đời. Và quyền lực của Hoàng Sang nằm ngay ở lòng thương con vô bờ bến của người cha. Anh ta lạnh lùng khai thác một cách tàn nhẫn không nương tay, không thương xót một chút nào.

 

Lần này không nhớ là lần thứ mấy anh phải đem tiền lên cho Hoàng Sang, chỉ biết rằng anh không còn dư giả để thuê xe du lịch nữa mà phải ngồi xe đò. Ngồi trên xe rảnh rang không biết làm chuyện gì anh mượn tờ báo của người kế bên vừa đọc xong. Ah lướt mắt và dừng lại ở một bài viết về em bé Trần Thanh Chơn đang học lớp 10 tại một trường phổ thông thuộc huyện Cay Lậy, tỉnh Tiền Giang. Em Chơn là con thứ hai của một gia đình đông con, cha bị mù lòa, mẹ bệnh lao. Sáng sớm em đi bán bánh mì, tối đi rửa chén cho các quán ăn để kiếm tiền lo cho bốn đứa em và bản thân Chơn đi học. Sáu năm liền Chơn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Chơn là đứa con hiếu thảo, hết mực thương cha kính mẹ. Ước mơ của em là được vào đại học để sau này ra trường có việc làm hầu giúp cha mẹ đỡ khó khăn vất vả.

 

Năm Hưng dán mắt vào tấm hình của Chơn in trên báo. Nó là đứa bé ốm nhom, đang nê chiếc cần xé bánh mì bên hông. Hình như em đang cất tiếng rao: " Bánh mì đ..â ..y ..! " bất chợt Năm Hưng cảm thấy bực tức về đứa con của mình và nhận ra rằng nếu anh cứ tiếp tục đem tiền lên cho nó cũng chẳng khác nào đem muối bỏ biển. Hình ảnh cậu bé học sinh nghèo khổ tên Chơn đã giúp anh tìm được một điểm tựa trong việc chống lại tình cảm nhu nhược của chính mình, và anh chợt nhận ra mình đã mòn mỏi quá rồi, sức chịu đựng cũng có hạn. Anh không thể tiếp tục nuông chiều theo mệnh lệnh của Hoàng Sang được nữa. Anh như người sắp chết đuối quơ được cái phao để trấn an chính mình rằng anh không phải là kẻ ích kỷ, chỉ khư khư ôm lấy đồng tiền bỏ rơi con trai. Năm Hưng quyết định rất nhanh, xuống xe đò, đón xe khác quay về Cà Mau. Trên xe đầu óc anh căng thẳng và thấy như mình là kẻ có tội, kẻ ham tiền mà bỏ con trai bơ vơ trôi nổi giữa chợ đời. Nhưng anh lại tự khẳng định rằng mình không phải là kẻ ích kỷ chỉ biết khư khư giữ lấy đồng tiền. Tuyệt đối không phải vậy? Và hình ảnh em bé bán bánh mì anh đọc trên báo chợt hiện về. Để thoát ra sự mặc cảm mình là kẻ quá coi trọng đồng tiền, Năm Hưng liền xuống xe, kêu Honda ôm quay lại thị trấn Cay Lậy, tìm ngôi trường mà em bé Chơn đang học. Anh hành động một cách vô thức và chỉ có như vậy anh mới thấy tâm tư mình được yên ổn.

 

Gặp ông thầy hiệu trưởng, Năm Hưng nói rằng anh muốn giúp em Trần Thanh Chơn vào đại học theo ý nguyện. Anh xin được giấu tên và cáo từ.

Từ hôm đó Năm Hưng quyết định không làm theo yêu cầu của Hoàng Sang. Lâu lâu Hoàng Sang gởi thư về, anh nhét vào hộc tủ, không thèm đọc. Anh đã quá mệt mỏi với cái điệp khúc " Tai nạn, nợ nần" của nó và lờ mờ nhận ra tính nết Hoàng Sang rất giống mẹ nó, điều đó khiến anh càng thêm thất vọng

Nỗi hụt hẩng, dằn dặt lương tâm khiến Năm Hưng bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Anh xa lánh mọi người, không quan tâm gì đến trang trại, đến chuyện nuôi tôm, suốt ngày nằm thở thoi thóp trên giường. Đến một hôm vào giữa khuya, bỗng  nhớ  thương con đến thắt ruột thắt gan, anh bật dậy như lò xo, kéo hộc tủ lấy những lá thư của nó ra đọc ngấu nghiến  …Trời còn chưa sáng, mây đen vần vũ, vậy mà anh lật bật khập khiễng đi gọi đò dọc ra thị trấn. Dọc đường cơn mưa bất thần đổ ập xuống quật anh ngã quị. Cô bác láng giềng phát hiện đưa anh vào trạm y tế xã. Xã nói phải chuyển mau lên huyện, huyện chuyển liền lên tỉnh. Anh nằm bảy ngày đêm trong phòng cấp cứu hồi sức. Tư Thêm xưng là người nhà và được bác sĩ cho biết bệnh nhân Lê Văn Hưng bị cơn nhồi máu cơ tim, tiên liệu không được khả quan.

 

Giờ phút hấp hối Năm Hưng cứ thều thào gọi tên con mình trong nỗi tuyệt vọng khiến Tư Thêm cũng không cầm được nước mắt. Giữa lúc ấy cậu học trò Trần Thanh Chơn xuất hiện. Gặp Tư Thêm cậu ta liền nói :

-  Cháu lặn lội cả tuần mới tìm gặp nhà bác Năm, người ta nói bác bệnh nặng nằm ở đây!

Tư Thêm nghẹn ngào:

- Ừ, thôi vô lẹ đi cháu, kẻo không còn kịp nữa đâu!

Được phép của bác sĩ, Chơn bước nhanh vào phòng, thảng thốt kêu lên:

- Trời ơi!… bác Năm ơi, sao lại như vầy! Ráng tỉnh lại đi, bác Năm ơi!

Năm Hưng cố hết sức bình sinh, đưa tay xoa xoa lên mái đầu của Chơn, thều thào: Sang của ba!…Cuối cùng thì con cũng đã về…đã về rồi…! Con của…ba!…

Năm Hưng tắt thở trong niềm thanh thản, giọt nước mắt hạnh phúc ứa trên khóe mi, đôi môi hé mở vương vấn một nụ cười mãn nguyện…

 

Trại sáng tác văn học Bình Dương

Thủ Dầu Một, Tháng 10- 2005

 

Trần Thôi
Số lần đọc: 2227
Ngày đăng: 30.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bập bùng giai điệu - Hồ Tĩnh Tâm
Dòng sông tuổi thơ - Hồ Tĩnh Tâm
Có căn phòng sáng đèn - Nguyễn Đức Thiện
Hồi ức Xóm Nghĩa Địa - Ngữ Yên
Đêm đợi lũ - Hồ Việt Khuê
Xuân về, trên nhịp cầu Quay - Dương Ðình Hùng
Chuyện kể người đánh cắp tượng PHẬT THÍCH CA MÂU NI - Vĩnh Nguyên
Ban bè một thuở - Nguyễn Đức Thiện
Tấm kiếng rạn nứt - Nguyễn Đức Thiện
Dạ nữ - Dương Ðình Hùng
Cùng một tác giả
Hương bồ kết (truyện ngắn)
Sông quê (truyện ngắn)
Cái tủ thờ (truyện ngắn)