Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
820
116.679.239
 
Tiểu thuyết, sức trẻ và sự từng trải
Nguyễn Khắc Phê

-Rất nhiều nhà văn trẻ hiện nay đang từ địa hạt truyện ngắn chuyển sang viết tiểu thuyết, điều đó đương nhiên là có những thuận lợi riêng. Còn ông, hình như sau tập ký sự “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh niên, 1968), ông bắt tay ngay vào tiểu thuyết? Vì sao vậy?

 

NKP - Thực ra, tôi đã có vài truyện ngắn đăng báo trước khi in tập ký sự về đường Trường Sơn. Khi đó tôi đã gần 30 tuổi. Một số nhà văn đàn anh có nhận xét đại ý: Tập ký sự có “chất” để viết thành tiểu thuyết. Không phải vì vậy mà tôi viết tiểu thuyết. Điều chính yếu là do môi trường sống - nếu không ngại dùng chữ to tát thì đó là một cuộc sống lớn lao, vĩ đại của hàng trăm ngàn con người với tuổi tác, nghề nghiệp, số phận, tính cách khác nhau, không thể “trói” vào cái “khuôn” như kiểu một vài truyện ngắn tôi viết trong thời bình trước đó… Nói vậy là mới chỉ đề cập đến sự khác nhau giữa truyện ngắn và tiểu thuyết về mặt đề tài, dung lượng…

 

- Đó có phải là điểm chính để khu biệt truyện ngắn và tiểu thuyết không, thưa ông?

 

NKP – Vâng, một số người vẫn gọi tiểu thuyết là “truyện dài” mà! Trong khi truyện ngắn thì rõ là phải …ngắn, thường chỉ dăm mười trang. Tiểu thuyết thì ít ra cũng trăm trang và có khi dài đến hàng ngàn trang. Như tiểu thuyết bộ đôi và là tiểu thuyết đầu tay của tôi (“Đường giáp mặt trận” và “Chỗ đứng người kỹ sư”) cũng gần ngàn trang với mấy chục nhân vật. Còn truyện ngắn thường chỉ miêu tả một “lát cắt” của cuộc sống, của số phận một-hai con người, như truyện ngắn “Đêm mưa” chỉ tả cảnh và tâm tình một chàng kỹ thuật trẻ đêm đêm đến dạy văn hoá cho bác thợ già - truyện từng được giải ba cuộc thi viết về “Thầy giáo và nhà trường” năm 1961-1962; tôi còn nhớ cùng đạt giải lần đó có Nguyễn Quang Thân và chúng tôi được nhà văn Nguyễn Công Hoan trực tiếp trao giải thưởng! Vậy nhưng sau đó tôi ít khi viết truyện ngắn - không chỉ vì mình đứng trước một hiện thực lớn lao như trên tôi đã nói, mà còn vì tôi cảm thấy “tạng” mình, cách nghĩ của mình không thích hợp với truyện ngắn; nói thẳng ra là không có… tài viết truyện ngắn. Nhắc kỷ niệm thời trẻ mới cầm bút như vậy cũng là để nói rằng: truyện ngắn và tiểu thuyết đâu chỉ khu biệt về dung lượng, đề tài mà mỗi thể loại còn có một giọng văn (hay “hơi” văn) riêng, cách nhìn đời, nhìn sự kiện riêng. Điều này rất khó diễn đạt cụ thể, nhưng có thể nói người viết truyện ngắn “thông minh” hơn (và nhiều khi là có tài hơn) người viết tiểu thuyết, nhưng thua tác giả tiểu thuyết ở tầm nhìn bao quát, có tính lịch sử. Tất nhiên, tiểu thuyết công phu hơn truyện ngắn rất nhiều…

 

- Dù sao thì ông bắt đầu chủ yếu với tiểu thuyết cũng vì được sống giữa “một hiện thực lớn lao”. Các nhà văn trẻ hôm nay thì khác. Có phải vì thế mà tiểu thuyết của họ thiếu vắng những suy tư lớn?

 

NKP – Xin nói ngay rằng tôi không có điều kiện đọc nhiều tiểu thuyết của những nhà văn trẻ, nên không thể khẳng định nhận xét trên là đúng hay sai. Nếu như chỉ căn cứ vào tiểu thuyết đầu tay của một “tác giả 8X” là Vũ Phương Nghi (“Chuyện lan man đầu thế kỷ” – NXB Lao động 2006) thì không hẳn đã thiếu “những suy tư”. Còn chuyện “lớn” hay “nhỏ” thì còn do những quan niệm khác nhau…

 

Có điều rõ ràng là người viết trẻ hôm nay “xông vào” tiểu thuyết với một tâm thế, một hoàn cảnh khác xa với lớp nhà văn như tôi - họ được trang bị kiến thức đầy đủ hơn (trong đó có rất nhiều trường phái và khuynh hướng về sáng tạo văn học nghệ thuật từng thịnh hành ở nước ngoài), được tự do hơn - cần phải nói thẳng điều này - họ không còn bị trói buộc vào một “định đề” mà một thời nhiều người tưởng rằng đó là “chỉ thị” của Đảng: “Văn nghệ phục vụ chính trị ” (Sau này, chính ông Hà Xuân Trường, một chuyên gia về “đường lối văn nghệ” đã viết đại ý rằng ông cũng chưa hề thấy Đảng ra “chỉ thị” ấy bao giờ!) Do đó, họ tha hồ tung tẩy, muốn viết chi thì viết, chứ đâu cần phải ở nơi “mũi nhọn”, nơi hội tụ các anh hùng như tôi - miễn là không phạm vào các điều cấm! Tác phẩm của họ vì thế đa dạng hơn, cuộc sống hiện lên trang sách nhiều vẻ hơn, có đủ mơ mộng, ma quái, súc vật, đĩ điếm, đồng tính… Nhưng sự đời bao giờ cũng có hai mặt. Nếu nghĩ rằng chỉ có “hiện thực lớn lao” mới xứng với tiểu thuyết thì tác phẩm dễ khô cứng, nhà văn nô lệ vì sự kiện thì có khi viết về đề tài lớn nhưng không thể thành tác phẩm lớn; ngược lại, nếu “anh” chủ quan cho rằng nhà tiểu thuyết có thể sáng tạo cả “thế giới” chẳng cần gì phải lặn ngụp giữa cuộc sống nhiều chiến tích mà cũng lắm bi kịch của nhân dân thì rất có thể “anh” sẽ thích thú miêu tả “bọt bèo” vì tưởng đó là mầu sắc đa dạng của cuộc đời. Phải ra biển lớn mới bắt được cá to, chứ ngại sóng to gió lớn, quẩn quanh ven bờ thì thường chỉ nhặt được vỏ ốc hoặc rều rác. Đã đành, chuyện văn chương không hẳn như thế; một nhà văn có tài vẫn có thể viết nên được một tiểu thuyết xúc động lòng người, như “Người chậm” của nhà văn đạt giải Nobel 2003 J.M.Coetzee – nhân vật chính của tiểu thuyết chỉ là một nhà nhiếp anh bị tai nạn phải sống cô đơn; mà “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thì nhân vật chính chỉ là một… con điếm đó thôi. Ở trên, tôi có nói suy tư “lớn” hay “nhỏ” tuỳ quan niệm là vì thế. Nhưng xin nhớ là Nguyễn Du trước khi viết “Truyện Kiều” đã trải cuộc sống có thể nói là đau đớn, bầm dập với vô vàn trăn trở trong quãng đời từ lúc đi theo Lê Chiêu Thống, chống Tây Sơn do quan niệm “ngu trung” đến khi trở thành một kẻ sĩ triều Gia Long…

 

Tôi nghĩ, có thể không đúng, các nhà văn trẻ viết tiểu thuyết hôm nay thường có cuộc sống sung túc, nhiều sách vở, nhưng thiếu “suy tư” vì chưa có sự từng trải “đau đời” như Nguyễn Du. Suy cho cùng, phần lớn những tác phẩm để đời thường viết về những số phận bất hạnh - hình như một nhà thơ đã nói “nhà thơ đứng về phía nước mắt”…

 

- Với bản thân nhà văn, tác phẩm “Biết đâu địa ngục thiên đường”, cuốn tiểu thuyết thứ 9 của ông đang được dư luận chú ý, hẳn là do tác giả đã có “sự từng trải” và “đau đời”. Nhà phê bình Từ Sơn, khi nhận xét về cuốn tiểu thuyết này đã viết: “…Có thể không phải là quá lời khi tôi cho rằng ngòi bút của Phê đã rỉ máu, nước mắt và mồ hôi khi nhìn lại thân phận những con người thông qua sự chiêm nghiệm đầy trách nhiệm và đậm tính nhân văn từ những mẫu người có liên quan máu thịt đến cuộc đời mình…” Ông có điều gì cần chia sẻ thêm với các cây bút tiểu thuyết trẻ và độc giả của “Văn nghệ Trẻ”?

 

NKP – Như đã ghi cuối cuốn sách, tôi đã viết cuốn tiểu thuyết này trong 20 năm (1986-2006). Tất nhiên là không phải ngồi viết suốt 20 năm ấy chỉ một cuốn sách này, nhưng mặt khác thì tôi đã “thai nghén” tác phẩm này trước đó rất lâu, nhưng cảm thấy mình chưa đủ sức, chưa “chín”, nên chưa thể đặt bút. Thoạt đầu, tôi đã định viết tác phẩm này theo kiểu bộ ba tiểu thuyết “Những con đường đau khổ “ của A. Tônxtôi. Tôi đã viết tập I “Đàn chim lìa tổ”, nhưng qua bao nhiêu là trăn trở, suy tư, tôi bỏ, viết lại vì nghĩ rằng độc giả ngày nay chưa hẳn đã cần nghe nhà văn kể các sự tích đầy đủ theo kiểu tiểu thuyết “sử thi”; vả lại, viết dày ba tập, khoảng 2000 trang, ngay cả tác phẩm lớn của những văn hào, bây giờ liệu có mấy người dám bỏ thì giờ đọc lại, kể cả những thầy giáo dạy văn… Có thể là không ít cây bút tiểu thuyết trẻ hôm nay sẽ “khinh” sự rụt rè, “cẩn thận” của tôi. Vâng, các bạn còn nhiều thời gian, năng lực thì dư thừa, xin cứ mạnh dạn xông lên thử sức. “Thua keo này, bày keo khác”, việc chi mà phải đắn đo! Cho dù vậy, tôi vẫn muốn nói rằng: trong các thể loại văn học, không có thể loại nào cần sự chín chắn, cân nhắc nhiều mặt như tiểu thuyết. Nó như là một trận đánh lớn, một chiến dịch lớn trong quân sự, hoặc như là một bản “giao hưởng” trong âm nhạc. Nếu tác giả nghĩ vội, viết vội thì khó làm nên tác phẩm có sức thuyết phục nhiều người, nói chi đến những “suy tư lớn”.

Mùa Xuân năm 2009, trong tạp bút “tự kỷ niệm” mình tròn 70 tuổi (“Những nút số 9 trong đời tôi” - Tản văn chọn lọc, NXB Văn nghệ, 2009) tôi đã viết: “…Trong 9 tiểu thuyết, cũng có cuốn chín không đều, hoặc là do lâm vào tình trạng như bị tiêm thuốc kích thích, chín vội, trông thì phổng phao, nhưng chưa tạo được hương sắc đủ sức khiến người ta mê say…” Ngày trước, lớp chúng tôi, “thuốc kích thích” có thể là ý thức công dân trước đòi hỏi chính đáng của nhiệm vụ “tuyên truyền”; ngày nay, “thuốc kích thích” có khi còn nhiều dạng hấp dẫn hơn, ví như là muốn chơi trội, muốn khác người, chứng tỏ mình “sành điệu” thông thạo mọi “chủ nghĩa” và trường phái thời thượng trên thế giới… Tôi không dám tự cho rằng cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản của mình đã “chín”, nhưng có điều chắc chắn là với người viết tiểu thuyết, muốn tác phẩm chứa đựng những “suy tư lớn” thì càng sống từng trải, càng suy nghĩ chín chắn thì thành tựu sẽ lớn hơn…

 

-Nếu được hỏi ông có thích tiểu thuyết trẻ hiện nay không, ông sẽ chọn im lặng hay lên tiếng?

 

NKP – Tôi sẽ im lặng. Vì có lẽ khi nêu nhận xét như thế chỉ nên căn cứ vào một tác phẩm cụ thể mà thôi. Mặt khác, trong trường hợp này, có một cách trả lời khác – không phải là khẳng định hay phủ định, mà là hy vọng. Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng đều viết nên những tiểu thuyết để đời khi còn trẻ, huống chi những cây bút trẻ hôm nay được trang bị “chữ nghĩa” đầy mình, miễn là… Họ là một cái cây đang lớn, đang thay đổi. Chuyện văn chương không phải là thứ “ăn xổi ở thì”. Tôi chờ đợi và hy vọng…

 

Thu Huyền thực hiện

 

(Nguồn: Báo “Văn nghệ Trẻ” số 24 ngày 13/6/2010)

Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Khắc Phê, số 8 Xuân Diệu- Huế. ĐT: 054.3828399. Di động: 0989965409 hoặc 01658219697. Email: ngkphe@gmail.com

 

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 2121
Ngày đăng: 02.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn hải ngoại Lê Thị Diễm Thuý: “Tôi muốn hiểu hơn về đất nước nơi mình sinh ra...” - Lê Thị Diễm Thuý
Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là một giải thưởng trí thức - Inrasara
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: VĂN CHƯƠNG LÀ TÀI SẢN LỚN CỦA VĂN HÓA VIỆT - Nguyễn Phan Quế Mai
Nhà thơ Thanh Nguyên :hãy nghĩ mình đang cùng mọi người leo núi… - Thanh Nguyên
Nhà thơ Lê Khánh Mai: Khi viết tôi không nghĩ đến nữ tính - Lê Khánh Mai
Từ phê bình lập biên bản đến phê bình mở : Nói chuyện với nhà thơ - nhà phê bình Inrasara. - Inrasara
Cuộc Đời, Sự Nghiệp Trương Vĩnh Ký Qua Ngòi Bút Trần ThỊ Nim - Nguyễn Tam Phù Sa
Vùng đất khó dẫn dụ - Phùng Văn Khai
Trò Chuyện cùng Nhà Nghiên Cứu, Biên Khảo Đặng Quý Địch - Mang Viên Long
Nhân cách phải là yếu tố hàng đầu của người trí thức - Phan Hoàng
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)