Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
668
116.004.247
 
“Thế giới song song” và tính chất đa thanh trong tiểu thuyết “Đất trời vần vũ”
Nguyễn Khắc Phê

(Đọc “Đất trời vần vũ”, tiểu thuyết của Nguyễn Một, NXB Hội Nhà văn và Công ty Bách Việt, 2009)

 

Nhà văn có cái tên thật giản dị - Nguyễn Một - và hình như chưa nhiều người biết bằng bút danh Dạ Thảo Linh, do anh là tác giả của 5 cuốn truyện viết cho thiếu nhi được xuất bản trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2004 (“Hoa dủ dẻ”, “Năm đứa trẻ xóm đồi”, “Màu hoa trắng”, “Long lanh giọt nắng” và “Mùa trái chín”.) Từ năm 1996 đến năm 2008, anh còn xuất bản 3 tập bút ký, 2 tập truyện ngắn dành cho người lớn; năm 2002 anh có 2 truyện ngắn được chọn là “truyện ngắn hay” trong tháng đăng trên báo “Văn nghệ”. Như thế, xem ra Nguyễn Một đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng về nhiều mặt - trong đó có cái thường gọi là “vốn sống” (thực ra là sự từng trải, thấu hiểu nhiều cảnh đời) và “tay nghề” trước khi bắt tay xây dựng cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Có lẽ nhờ thế mà sách chưa ra “lò” đã có dư luận, được các cây bút vào loại có tên tuổi trong làng văn như Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đức Thiện, Phong Điệp, Trần Thu Hằng tán thưởng ngay trên bìa 4 cuốn sách. Cũng ở bìa 4, nhà báo Trần Đình Thu còn viết: “Một cuốn tiểu thuyết không dành cho người thần kinh không đủ mạnh, để tiếp nhận những nỗi đau khủng khiếp của nhân vật trong nhiều chiều không gian khác nhau. “Đất trời vần vũ”, sự ám ảnh khốc liệt về cái chết, chiến tranh, hận thù và tình yêu.” Được biết ĐTVV đã được vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2006-2009).

 

Nếu để “PR” cho cuốn sách thì chừng ấy là đủ, nhưng bàn về một cuốn tiểu thuyết đa diện, đa thanh, phức tạp, thực hư lẫn lộn đến “rắc rối” như  Đất trời vần vũ” (ĐTVV) thì không thể bằng một vài dòng - thậm chí một vài trang cũng chưa đủ.  

 

ĐTVV chỉ hơn ba trăm trang, sự kiện diễn ra chủ yếu quanh một dải đất “hư cấu” gọi là cù lao Dao, nhưng chất chứa bao nhiêu cuộc “bể dâu”, hưng phế trong suốt chiều dài lịch sử ba trăm năm tổ tiên chúng ta mở cõi về phương Nam. Có những họ tên thật, cả những trang sử cũ được tác giả dẫn ra như họ Mạc, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, các chúa Nguyễn, sự xâm lấn của vua Chân Lạp…, nhưng ĐTVV không phải là tiểu thuyết lịch sử, cũng không phải chỉ nói chuyện “ngày xưa” mà ngược lại, đầy ắp và tươi rói những sự kiện vấn đề của ngày hôm nay. Hãy nghe bà Năm Trầu nói với Tư Ngồng, một “ông quan cách mạng” khi người dân cù lao “cứng đầu” chống lại việc “đô thị hóa” hủy hoại môi trường đang bị chủ tịch xã dọa cho công an đến “gô cổ”:

 

“…Cánh đồng bên kia sông bay biến thành khu công nghiệp, chúng đổ nước thải ra đầy dòng sông…Ngày xưa, mày có nhớ không, nó xanh ngẳt, chỗ nào cũng có con tôm con cá. Hồi đó, đêm đêm tụi bay mò dề, tao dúi vào tay nải của tụi bay nào gạo, nào đường, nào cá tôm…Bây giờ chẳng còn gì, chẳng may có giặc trở lại, bay ăn cái gì để chiến đấu?”(*)

 

Chỉ là một chi tiết của tiểu thuyết, nhưng nó gợi nghĩ đến những vụ các nhà máy xả nước thải vô tội vạ đang dần giết chết các dòng sông mà báo chí gần đây đã lên án, điển hình là nhà máy bột ngọt Vedan ơ Đồng Nai.

Cho dù vậy, ĐTVV cuốn hút và để lại dư âm khá sâu xa trong lòng người đọc lại là số phận oái oăm và bi kịch của các nhân vật và cả của cái “cù lao Dao” bị dằng xé giữa các thế lực, giữa hai bờ thiện-ác, giữa cái cao cả và dục vọng thấp hèn. Nhân vật chính Tư Ngồng là vậy. Ông là hậu duệ của một dòng họ từng được Chúa (Nguyễn) cử vào cai quản vùng đất phía Nam - từ một người lính anh dũng “hồi còn ở trong địa đạo…ôm cây súng vọt lên bắn vào đám người nhảy từ trên máy bay xuống…” dần biến thành một vị “quan cách mạng” ăn chơi trác táng với một “triết lý” ghê sợ về sự máu mê chiếm đoạt của mình: “Kẻ chiến thắng phải được thụ hưởng những chiến lợi phẩm mà họ đã bỏ xương máu ra đổi lấy, đó là lẽ tự nhiên thôi, từ xưa đến giờ là thế, chế độ nào cũng vậy thôi…” Và Tư Ngồng đã “bể tim” mà chết, một cái chết kỳ bí và kinh khủng, ngay trang đầu tiểu thuyết - cái “cớ” để dân cù lao Dao và tác giả “ôn cố tri tân” về biết bao số phận cay đắng đã làm nên lịch sử 300 năm của rẻo đất này.

 

Nếu chỉ với Tư Ngồng - nhân vật tiêu biểu cho loại cán bộ có chức quyền tha hoá sau khi cách mạng thành công - thì ĐTVV không tạo được ấn tượng mới; nhiều tiểu thuyết và phim những năm qua đã khắc hoạ, bóc trần kỹ càng hơn những “tên tuổi” có chức vụ cao hơn, mức sa đoạ tệ hại hơn. Nói cách khác, rất may là tác giả đã không sa đà với sự tha hoá của Tư Ngồng, một chủ đề đã nhàm và có thể không “sinh động” và ghê gớm bằng thực tế cuộc sống đã được phản ánh phần nào qua báo chí và các vụ án. Trong ĐTVV, có một số nhân vật hư hư thực thực, như “nhà thơ” - người may mắn được ở chung nhà với cô Lụa “đẹp lộng lẫy như hoa hậu”, chủ quán cà phê bên bến đò Trạm -  lại có vai trò quan trọng vì ông như là nhân chứng của lịch sử, là tiếng nói của dân gian. “…Quán của Lụa đông người đến uống hơn kể từ lúc có nhà thơ. Họ thích thú với vẻ ngây ngô chất phác và dễ gần gũi của anh, họ cũng thích nghe anh đọc thơ, những bài thơ đầy sự ám ảnh khốc liệt của chiến tranh và tình yêu, họ thích nghe anh kể chuyện, những câu chuyện cổ kỳ lạ…Lụa cho anh tá túc, cho anh vay tiền mua chiếc thuyền, hàng ngày anh đi giăng câu và sưu tầm chuyện xưa đọc theo bờ sông Thanh Long hoang dại và hùng vĩ này…”

 

“Nhà thơ” xuất hiện ngay từ chương đầu của tiểu thuyết như thế, nhưng đến gần nửa cuốn sách mới biết ông có bút hiệu là “Miên Trường” và “sinh ra ở miền Trung Việt Nam, nơi nắng và gió hun đúc con người cô đặc như những gốc cây cổ thụ…”

 

Nếu như muốn “câu khách” bằng những pha “sex” như không ít tiểu thuyết và cả truyện ngắn gần đây, tác giả thừa sức tả những cảnh “mây mưa” hấp dẫn giữa “nhà thơ” và cô Lụa chủ quán xinh đẹp - thì căn nhà chỉ có hai người, lại có con thuyền rong chơi trên dòng sông “hoang dại và hùng vĩ” kia. Cũng may là Nguyễn Một không sa vào “mẹo tiểu thuyết” (chữ của ông Phan Ngọc) tầm thường đó. Anh cũng miêu tả Lụa “áo rộng hơi trễ tràng, bầu ngực căng cứng gợi cảm…”“đàn ông trong vùng đều nhìn cô với ánh mắt thèm muốn…”, trong đó, Bảy Tánh - một trung sĩ cảnh sát chế độ cũ, nay “làm nghề buôn bán heo bò, đôi khi kiêm luôn việc thiến heo và thụ tinh cho heo… đã có một vợ chính và ba người vợ lẽ, nhưng hễ thấy gái đẹp là híp cả mắt, đeo đuổi Lụa cả năm trời nhưng không có được chút cảm tình từ cô”; nhưng chỉ thế thôi, tác giả chuyển hướng chú ý sang Bảy Tánh - một nhân vật phụ tưởng như không lý do gì gắn kết với cốt truyện trong tiểu thuyết nhưng vẫn rất đáng nhớ vì có tính cách, là “con người này” - một thuật ngữ cổ điển khi bàn về nghệ thuật xây dựng nhân vật. Ví như diễn đạt thái độ Bảy Tánh khó chịu, ghen ghét với “nhà thơ” vi ông được Lụa ưu ái, tác giả đã viết: “Thoáng qua trong đầu y, một ý nghĩ tàn bạo, là cho gã nhà thơ này một nhát dao vào cuống họng, một nhát dao đâm xéo từ chỗ lõm trên cổ, xuyên tận tim, máu sẽ tuôn ồng ộc…” Đúng là giọng lưỡi của một tay đồ tể! Tuy vậy, tác giả không miêu tả nhân vật theo hai tuyến “tốt-xấu” rạch ròi đơn giản và ấu trĩ. Chỉ một đoạn sau, thì Bảy Tánh đã nghĩ là mình “không bao giờ làm được điều đó. Giết con vật thì dễ chứ giết một con người  là chuyện cực kỳ khó”. Và cho dù không tin vào quỷ thần và linh hồn, “mỗi lần cầm dao chọc vào cổ con heo là y khấn nguyện tất cả các đấng quyền năng xin phép hoá kiếp cho con vật bị loài người khinh bỉ này.” Khi bị người đời chửi, y tự an ủi với một ý nghĩ không hề tầm thường: “Dù sao ta cũng chỉ cầm dao giết heo, khối thằng đồ tể cầm dao giết cả người thì sao?” Chuyện Bảy Tánh trong trại “cải tạo” cũng khá độc đáo: Y thèm đường quá, may gặp anh bộ đội gác tù thương người, kiếm được đường ăn từ…hố xí, sướng quá, “vừa ăn vừa khóc một cách thoả thuê” rồi thét lên: “Đường là Thượng Đế!”; thế là lộ chuyện và anh bộ đội thương người bị kỷ luật vì “mất lập trường quan điểm, có quan hệ mật thiết với trại viên..”

 

“Truyện” trong tiểu thuyết ĐTVV “nhảy cóc” từ chuyện này sang chuyện kia như thế và tác giả - hình như có nhã ý dành quyền tưởng tượng cho người đọc, nên chỉ lựa chọn những thời khắc, những lát cắt đậm đặc có ý nghĩa nhất. Cũng vì thế, các chương trong ĐTVV thường rất ngắn - cuốn sách dày 340 trang mà có đến 40 chương - tuy cũng có một số chương tạo cảm giác vụn và nhạt. Nói cách khác, ĐTVV không có một cốt truyện thật gắn bó và hoàn chỉnh - mặc dù mở đầu và kết thúc cùng là cảnh quanh cái chết của Tư Ngồng, rồi cảnh “nhà thơ” và Lụa “hợp cẩn” - nhưng tác giả đã khéo gắn kết chúng quanh cái “cù lao Dao” - hiện thân của lịch sử, văn hoá, truyền thống một vùng đất trải qua mấy đời hưng phế, thịnh suy thấm đẫm máu và nước mắt.

 

Một nét khác biệt so với một số tiểu thuyết ôm trùm một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước vừa được xuất bản trong mấy năm qua, là ĐTVV có cái nhìn xa hơn về quá khứ và nhân vật không chỉ tập trung vào một hai gia đình, dòng họ. Vì cù lao là vùng đất mới khai khẩn, người từ nhiều nơi, nhiều dân tộc nhập cư đến. Nhờ thế mà ĐTVV là một tiểu thuyết đa dạng, đa thanh, phản ánh được nhiều góc cạnh của cuộc đời “lắm nỗi truân chuyên”. Cũng là bi kịch, nhưng khác với gia đình Tư Ngồng có vợ là Diệu Lan bỏ đi tu (sau khi đứa con trai từ nhỏ đã ám ảnh vì cảnh chém giết trong chiến tranh, rồi hóa điên và chết thảm) nhưng bi kịch cuộc đời Trần Đình - một người lính anh hùng, đồng đội của Tư Ngồng nhưng rồi bị chính Tư Ngồng xử bắn oan uổng -  “nhà thơ” Miên Trường và anh em Nguyễn Hữu Trí, Hữu Hà… lại ở một bình diện và cấp độ khác. So với cảnh Hữu Hà khi di tản dạt vào đảo hoang phải ăn thịt đồng loại thì cảnh thằng con Tư Ngồng ăn mọi thứ máu me dơ bẩn chẳng thấm vào đâu!...

 

Để có thể “nén chặt” cả núi sự kiện và nhân vật trong hơn ba trăm trang sách, cùng với nhân vật “nhà thơ” như là một người-kể-chuyện-dân-gian, tác giả đã sử dụng nhiều câu chuyện huyền thoại và dựng lên một “thế giới song song” - tức là thế giới cõi âm. Thủ pháp này, nhà văn Xuân Đức đã sử dụng trong tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ” (Giải thưởng Hội Nhà văn 2004) với linh hồn người lính anh hùng bị chết oan trở về gặp lại đồng đội; nhưng với Nguyễn Một thì “thế giới song song” đồng hành suốt tiểu thuyết - từ linh hồn những vị khai khẩn cù lao đến vợ con Tư Ngồng, anh lính bị chết oan Trần Đình … Với các huyền  thoại và “thế giới song song”, nhân vật có chiều sâu hơn và “sống” lâu dài hơn so với cuộc đời thực. Và cũng nhờ thủ pháp này, thời gian hiện tại của tiểu thuyết chỉ trong khoảng vài ngày (từ lúc Tư Ngồng chết đến đám tang của lão) nhưng đã tái hiện được số phận của một vùng đất với vô số kiếp người qua mấy thế kỷ.

 

Khi có nhà báo nhận xét “điều cốt lõi rút ra từ câu chuyện này là tình yêu – “tình yêu đã cứu thế giới này, tình yêu mới thực sự có quyền lực và sức mạnh”, Nguyễn Một đã tâm sự: “Theo tôi, cuốn ĐTVV không chỉ chứa đựng một thông điệp đơn giản như vậy, tôi tin bạn đọc sẽ cảm nhận nhiều hơn thế…”

 

Quả đúng như vậy. Cuốn tiểu thuyết nếu chỉ có một thông điệp về tình yêu như văn hào Đốt-tôi-ép-xki đã tuyên ngôn từ lâu thì có lẽ chẳng cần phải tồn thì giờ. ĐTVV bìa sách không đẹp, hai chương cuối không hay, nhưng là một cuốn tiểu thuyết có những tìm tòi về nghệ thuật thể hiện và cách nhìn hiện thực tránh được những lối mòn, rất đáng tìm đọc, nhất là với những độc giả đang viết tiếp lịch sử trên vùng đất phía Nam giàu tiềm năng – trong đó có tiềm năng sáng tạo văn học mà ĐTVV, tiếp sau “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, là những đột phá khởi đầu./.

 



(*) Những từ in xiên từ đây đều trích từ ĐTVV

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 2846
Ngày đăng: 22.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhận xét truyện dài: Một mối tình ngụ cư của Phan Huy Đường - Nguyễn Hồng Nhung
Bàn về cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của Ban Mai - Vũ Ngọc Tiến
Lòng tốt nẩy mầm từ tình yêu trong trắng - Nguyễn Khắc Phê
Đọc Miền Đất Ven Sông thử Tìm Hiểu Tiểu Thuyết Sử Thi của Hoàng Văn Bổn - Bùi Công Thuấn
Nhân nghe CD Kiều Ba Miền của Lệ Ba - Nguyễn Ước
Chất trữ tình tuổi già trong thơ Xuân Sách - Nguyễn Hồng Nhung
Để có những trang viết tươi ròng sự sống - Lê Khánh Mai
William Carlos Williams: Thơ cài trên tủ lạnh - Nguyễn Đức Tùng
Đọc Ru tình lưu lạc của Nguyễn Ước - Nguyễn Hồng Nhung
Sức nặng của một Tuyển tập Thơ - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)