Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
679
116.609.482
 
Sức hấp dẩn của “Diệt Tần”
Nguyễn Khắc Phê

(hoặc là: “Diệt Tần” – không chỉ là sách “chưởng” và giải trí)

(Đọc “Diệt Tần” Tập 1-2-3. NXB Văn học & Công ty sách Phương Nam 2008-2009)

 

Sau nhiều năm “đại gia” tiểu thuyết chưởng Kim Dung tung hoành trên thị trường sách, cầm mấy tập đầu bộ “Diệt Tần” (DT) của Long Nhân - một tác giả chưa quen tên, không khỏi nghi ngại. Nhưng rồi nghĩ: “Diệt Tần” hẳn phải có gì đặc sắc, “người ta” mới dảm bỏ tiền ra in, nhất là trong thời buổi thiên hạ đang phải tiết giảm chi tiêu. Và tên các nhân vật từng in dấu ấn rất đậm trong sử sách như Hạng Vũ, Hàn Tín, Trương Lương, Ngu Cơ, Lưu Bang…cũng tạo một sức hút đáng kể. Thế là chịu khó đọc và chỉ mới qua 3 tập (trong số 8-9 tập thì phải?), nếu nói thật gọn thì đó là ba từ: Rất đáng đọc!

Xin nói ngay, về tài bịa “chưởng” thì Long Nhân không sánh được với Kim Dung. Trong DT, tác giả thường miêu tả các hiệp đấu theo kiểu: “Lạc Bạch bỗng vung mạnh tay, thanh kiếm loé lên những tia kinh hồn như pháo hoa bỗng nở bung thành tấm lưới che kín trời chụp xuống toàn thân Kỷ… “Da…” Kỳ Không Thủ (KKT) gầm nhẹ một tiếng, cân lực nổ tung nơi bàn tay, một tia sáng lạnh ngắt khoá chặt toàn bộ không gian trong cái quán nhỏ… “Ầm…” cân khí trào dâng bốn phía, bàn ghế nổ tan tành, bát đĩa vỡ vụn, ngói trên nóc nhà bay dạt tứ tung…” Vũ khí của các “cao thủ” có thể khác nhau, nhưng “chiêu thức” của tác giả ít được biến hoá. Bù lại, Long Nhân đã sáng tạo nên một hệ thống nhân vật với các mối quan hệ phức tạp mà lý thú, với những bước ngoặt bất ngờ không ai đoán trước được. Đã gọi là tiểu thuyết thì “bịa” là phần nhiều, nhất là tiểu thuyết “chưởng”, loại nhân vật kỳ ảo, số phận thăng trầm như KKT thì 100% là “hư cấu”; tuy vậy, tò mò muốn biết tác giả “bịa” giỏi cỡ nào, tôi lần xem lại “Hán Sở tranh hùng” (NXB Trẻ, 1989), không ngờ có tên Không Thủ (tất nhiên, khác xa KKT trong DT); cả Triệu Cao, Hồ Hợi… bám theo vương triều Tần tàn bạo sắp sụp đổ, rồi chuyện Lưu Bang chém Bạch Xà dựng thành huyền thoại tôn sùng ông ta như là con của thần linh đều có. Hàn Tín trong “Hán Sở tranh hùng” cũng quê ở Hoài Âm, cũng là một kẻ “vô danh tiểu tốt” nhưng lắm mưu mẹo, về sau bị Lưu Bang nghi phản chủ như trong DT…, nhưng cái tài của Long Nhân là chỉ dùng các chi tiết vừa kể như là chiếc “đinh” để treo “bức tranh” hoành tráng, đa chiều, đầy sức cuốn hút mà ông tưởng tượng ra. Có lẽ tuỳ theo “tạng” của mỗi độc giả, nhưng theo tôi, DT cuốn hút người đọc ở cả 3 “chiều”: võ hiệp, thế sự và tình yêu.

Người thích võ hiệp thì đọc DT thoả sức theo đuổi những cuộc đấu của KKT biến hoá khôn lường, nhiều phen tưởng đã cùng đường, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng rồi lại thoát nạn. Con người trọng tình nghĩa, nên luôn gặp cứu tinh. Điều thú vị là KKT thoát nạn không chỉ nhờ các cao thủ trong làng võ lâm như Ngũ Âm tiên sinh cứu giúp mà có lần chàng được cứu sống nhờ một…con sói! Đó là lúc KKT bị Hạng Vũ “đánh ghen” bằng chân khí “Lưu Vân đạo” (do mỹ nhân Hồng Nhan mà y theo đuổi lại yêu thương KKT), khiến quả tim của chàng bị thương tổn ngầm, lại bị các cao thủ do Hạng Vũ sai đuổi theo ám hại, KKT lạc vào khu rừng hoang, gặp một con sói già bị thương sắp chết. “…Dù sao cũng là một sinh mệnh, trông thấy rồi lại không cứu sao được? Thôi, coi như ta làm việc tốt cuối cùng trên trần gian này.” KKT tự nhủ rồi xuống suối bắt cá cho sói ăn và khi chàng sắp chết thì chính con sói vừa hồi sinh đã sai khiến cả bầy khỉ kiếm lá rừng về giải cứu cho chàng!...

DT hấp dẫn còn vì có những mối tình thật đặc biệt. Mối tình mà Hồng Nhan dành cho KKT đã đẹp, nhưng cách tỏ tình của Ngu Cơ với KKT thì quả là xưa nay hiếm. Sử sách từng nhắc đến mối tình Hạng Vũ-Ngu Cơ, nhưng trong DT, con đường Ngu Cơ đến với Hạng Vũ thật là oái oăm. Thoạt đầu, “người hùng” lưu Bang mê Ngu Cơ, nhưng vì mưu đồ vương bá, để lấy lòng Hạng Vũ, Lưu Bang muốn “tiến dâng” Ngu Cơ cho danh tướng Hạng Vũ. Nhưng quyền lực và cả danh tiếng của “người hùng” từng có sức thu hút hàng vạn quân diệt Tần lập Hán cũng không sai khiến được trái tim của giai nhân. Vào lúc ấy thì nàng bất ngờ gặp KKT và “tiếng sét ái tình” giữa mỹ nhân và anh hùng bùng nổ. Trớ trêu là nàng cũng biết KKT đã có Hồng Nhan và chàng đang ở giữa vòng vây trùng điệp của Lưu Bang, Hạng Vũ, thế cùng lực kiệt. Nhưng bất ngờ hơn, khi Lưu Bang vung kiếm chém đầu KKT thì cứu tinh xuất hiện. Vị cứu tinh như là Trời sai xuống ấy chính là Ngu Cơ! Nàng cũng có võ nghệ cao cường sao? Không! Chỉ vì muốn có dịp được tỏ tình cùng KKT, Ngu Cơ chấp nhận thành hôn với Hạng Vũ; đổi lại, Lưu Bang phải tha chết cho KKT!...

Tình yêu của Ngu Cơ dành cho KKT làm người đọc xúc động bao nhiêu thì những mưu đồ tiến thân, tranh giành quyền thống trị thiên hạ của Triệu Cao, Lưu Bang, Hàn Tín làm chúng ta ngỡ ngàng và ghê sợ bấy nhiêu. Lịch sử thời Tần, Hán đã qua hàng ngàn năm, nhưng qua những mưu mô và hành vi tàn bạo khi con người có tham vọng tranh dành quyền bính trong DT, Long Nhân đã thể hiện một cách sâu sắc một vấn đề “gai góc” có tính muôn thuở của nhân loại: quyền lực làm tha hoá con người. Đây cũng là một yếu tố khiến DT thêm sức cuốn hút. Có ai ngờ được KKT có lần suýt chết không phải vì địch thủ mà chính vì người bạn kết nghĩa từ thuở hàn vi là Hàn Tín: ghen tức với bạn và muốn được chủ mới trọng dụng, Hàn Tín đã đâm sau lưng KKT trong một trận chiến gay go. Cả một người từng có tiếng nhân nghĩa như Lưu Bang, từng được KKT và Hàn Tín cứu thoát chết trong thời kỳ đầu dựng nghiệp, cũng không e ngại tiêu diệt hai ân nhân khi biết họ có thể làm hại cho mưu đồ vương bá của mình. “Muốn thành đạt việc lớn thì không câu nệ chuyện vặt, Hàn công tử đã vì tấm bản đồ Đăng Long mà giết cả người bạn thân nhất, chỉ một điều đó thôi cũng đã xứng đáng tranh bá thiên hạ…” Đọc lời bàn của “cao thủ” Uông Biệt Ly về hành vi ám hại KKT của Hàn Tín mà thấy ghê người! Tuy vậy, vẫn chưa “so” được với Lưu Bang khi ông ta không chỉ hy sinh tình yêu, không chỉ sẵn sàng thủ tiêu ân nhân…

Viết dài nữa, có khi làm người đọc mất thú, xin học theo kiểu sách Tàu đời xưa, tạm kết bằng một câu: Muốn biết Lưu Bang vì quyết làm bá chủ thiên hạ còn hành vi nào tàn bạo hơn, cũng như muốn biết Hạng Vũ có “chiếm” được Ngu Cơ ngay sau khi nàng giúp giải thoát KKT hay không, xin mời… xem Tập 4 DT sẽ rõ!   ./

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 4750
Ngày đăng: 29.08.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời Bàn tác phẩm Tây Sơn Ai Tư Vãn truyện - Trần Hinh
Lòng Mẹ và Tình Con Qua Hai Bài Thơ của Nữ Sĩ Minh Quân - Mang Viên Long
Đọc người giữ cầu bên sông tập truyện ngắn Mang Viên Long - Quỳnh
“Thế giới song song” và tính chất đa thanh trong tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” - Nguyễn Khắc Phê
Nhận xét truyện dài: Một mối tình ngụ cư của Phan Huy Đường - Nguyễn Hồng Nhung
Bàn về cuốn “Trịnh Công Sơn- vết chân dã tràng” của Ban Mai - Vũ Ngọc Tiến
Lòng tốt nẩy mầm từ tình yêu trong trắng - Nguyễn Khắc Phê
Đọc Miền Đất Ven Sông thử Tìm Hiểu Tiểu Thuyết Sử Thi của Hoàng Văn Bổn - Bùi Công Thuấn
Nhân nghe CD Kiều Ba Miền của Lệ Ba - Nguyễn Ước
Chất trữ tình tuổi già trong thơ Xuân Sách - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)