Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
853
116.684.005
 
Sức trẻ Hải Triều
Nguyễn Khắc Phê

Một ngày mưa cuối tháng 10/1996, cùng một số bạn nhà văn ở Huế- Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Võ Quê..., tôi lên viếng mộ Hải Triều, nhân dịp ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Mộ ông được đặt trong vườn cây yên tĩnh bên con đường dốc lên Đàn Nam Giao. Đây là phần đất của cụ Phan dành làm nơi yên nghỉ cho các danh nhân. Trong làn khói hương thơm ngát, một bạn viết trẻ cúi nghiêng mình đọc những dòng chữ trên tấm mộ chí và thốt lên tỏ ý tiếc là Hải Triều mất lúc tuổi còn rất trẻ. Phải, ông sinh ngày 1-10-1908, mất ngày 6-8-1954 tại một bệnh viện ở Thanh Hóa, khi chưa đầy 46 tuổi! Điều đáng nói hơn là hôm nay trước mắt chúng ta, Hải Triều vẫn trẻ, một sức trẻ đầy trí tuệ, can đảm, không ngừng vươn tới chân lý.

 

Từ năm 1930, lúc mới 22 tuổi, Hải Triều đã được cử vào Tỉnh ủy Thừa Thiên và sau đó mấy tháng, anh vào Sài Gòn  hoạt động, tham gia Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Trước đó, từ lúc chưa đầy 20 tuổi, Hải Triều với bút danh “Nam Xích Tử “ (Chàng Trai Đỏ) đã viết bài trên báo Tiếng Dân bàn về thời cuộc thế giới, dịch một phần bộ Tư Bản của Mác...Trước đó nữa , từ khi còn là một học sinh Quốc học Huế , anh đã hăng hái tham gia phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và thường đến nghe cụ diễn thuyết...

 

Tính cách can đảm, cương trực của ngòi bút Hải Triều thể hiện ngay trong thái độ đối với cụ Phan, cụ Huỳnh - hai chí sĩ mà anh rất kính trọng. Năm 1933, trên báo Đông Phương, chàng trai Nguyễn Khoa Văn 25 tuổi đã có gan “cãi” lại hai cụ với hai bài viết : “ Cụ Sao Nam giải thích chữ văn học thế là sai lắm” và bài “ Báo Tiếng Dân đứng giữa trời”. Chúng ta hãy cùng đọc đoạn tái bút cuối bài viết vừa nêu: “... Huỳnh tiên sanh lượng hiểu cho rằng tôi bao giờ cũng rất kính mến cái tư cách cá nhân của tiên sanh. Nhưng đó là một vấn đề riêng. Chớ trên mặt trận lý thuyết, tôi với tiên sanh nếu đã có chỗ không hợp thì cứ việc cãi. Xin tiên sanh nhận rõ cho thế “

 

Hải Triều còn nêu một tấm gương hoạt động không biết ngưng nghỉ, không nản chí vì tù đày. Cuối năm 1927, cậu học sinh Nguyễn Khoa Văn 19 tuổi bị đuổi khỏi Trường Quốc học Huế vì tổ chức bãi khóa thì năm 1928, anh đã vào Sài Gòn mở lớp huấn luyện cho công nhân; đầu năm 1930 ra Hà Tĩnh họp Hội nghị toàn quốc Đảng Tân Việt để cải tổ đảng thành Đông dương Cộng sản liên đoàn; giữa năm đó vào Tỉnh ủy Thừa Thiên, rồi lại vào Sài Gòn. Đầu năm 1931 bị bắt, đến tháng 7/1932 mới được trả tự do thì năm 1933, hàng loạt bài viết của anh đã xuất hiện trên báo Đông Phương. Trong thời kỳ “Mặt trận Dân chủ”, ngoài việc làm chủ bút báo Nhành lúa , anh viết bài trên hàng loạt báo như Dân, Đời Mới, Kiến văn, Tiếng vang, Hồn trẻ, Tin tức...và cho xuất bản sách Trả lời cho André Gide, Văn sĩ và xã hội, Chủ nghĩa Mác phổ thông...Năm 1940, Hải Triều lại bị đưa đi an trí tại Phong Điền; tháng 3/1945 mới được về nhà và tháng 8 anh đã tham gia cuộc khởi nghĩa ở Huế, cùng một số đồng chí treo cờ đỏ sao vàng trên cầu Trường Tiền...Có thể mượn hình ảnh Triệu Tử Long tung hoành giữa rừng gươm đao để hình dung những hoạt động của Hải Triều thời trẻ.

 

Ngày nay, chúng ta thường nhắc đến Hải Triều với hai cuộc bút chiến nổi tiếng “Duy tâm hay Duy vật“ và  “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh“. Hình như không ít người nghĩ rằng Hải Triều nổi tiếng nhờ thái độ chính trị, lập trường giai cấp kiên định, chứ ông ít quan tâm đến nghệ thuật và tự do sáng tạo của người viết. Thiết nghĩ, đó là một sự ngộ nhận. Đương nhiên và cũng là lẽ dễ hiểu, trong những bài ông viết từ thời ấy, có chỗ đến nay không còn thích hợp nữa. Nhưng xin hãy đọc ít dòng sau đây:

 

“Tôi nghĩ trong đời các bạn không có lúc nào bực bội chán nản bằng những lúc đọc nhầm phải một quyển tiểu thuyết mà tác giả của nó vì tuyên truyền đại với chúng ta những tràng lý thuyết này, với lý thuyết khác, buộc ta nên thế này, khuyên ta phải nên thế kia. Một nhà kỹ sư linh hồn phải dùng đến những phương pháp truyền giáo hay ra lệnh như thế không những đã kém nghệ thuật mà còn có vẻ một nhà giáo sư tự phụ và đạo mạo rất đáng ghét... Vì thế xưa nay, những tiểu thuyết luận đề (romans à thèse) những tiểu thuyết luân lý bao giờ cũng có vẻ nặng nề, sống sượng, nghèo nàn. Chừng như tác giả vì bị trói buộc theo luận đề của mình nên đã bỏ mất nhiều sáng kiến hay và mới, nhất là đã bỏ mất phương diện nghệ thuật đi nhiều lắm!”... (“Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương: những khuynh hướng trong tiểu thuyết” - Tạp chí "Tao Đàn" số 2 ngày 16/3/1939).

Ở một bài khác ông viết:

 

“Trông mong cho nhà văn đem ngòi bút bênh vực cho giai cấp thợ thuyền, tôi không bao giờ có cái ý nghĩ buộc nhà văn phải theo một khuôn khổ nào hết. Bao giờ và ở chỗ nào cũng thế, nhà văn cần phải có tự do mới có thể sáng tạo được những công trình bất hủ. Gạch ra một con đường buộc họ phải theo là một sự điên cuồng. Mặc dầu họ có gầy dựng một tác phẩm đúng như cái khuôn khổ đã định, thì tác phẩm ấy phần nhiều cũng có vẻ ngượng nghịu, cơ giới, không chút gì sanh sắc...” (Báo "Dân tiến" số 1 ngày 27/10/1938).

 

Đó là những dòng Hải Triều viết từ năm 1938-1939, lúc ông mới 30 tuổi. Hơn nửa thế kỷ đã qua mà tưởng như cây bút trẻ hăng hái nào đó vừa viết trong những năm đổi mới này.

Hải Triều mãi trẻ là vì thế.

 

(Báo "Thừa Thiên - Huế", Tháng 11/1996)

Trong Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ.NXB  Hội Nhà Văn-  2006

Nguyễn Khắc Phê
Số lần đọc: 3341
Ngày đăng: 14.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc thơ Trần Thị Nương - Nguyễn Trọng Tạo
Người tài danh- Bỏ em vào câu hát : Nhân đọc tập thơ Gió đang xoan của Trần Nhương - Đinh Nam Khuong
Vài lời cùng tập thơ “Rơi ngược” của Ngô Thị Hạnh - Lý Đợi
Ấn tượng Hoàng Cầm - Nguyễn Trọng Tạo
Thím Hai Vui- nỗi buồn đọng lại - Nguyễn Anh Nông
Quyết tâm … chụp mũ - Thanh Thảo
Nguyễn Huy Thiệp không thành công khi viết tiểu thuyết ! - Nguyên Trường
Phân tích – phê bình chuyên nghiệp : Thiếu vắng một cánh bay - Lê Chí
Cảm nhận nhỏ qua một bản trường ca - Trần Đương
Lương An: Không chỉ có "Cô lái đò” - Nguyễn Khắc Phê
Cùng một tác giả
40 năm ấy … (chân dung)