Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
450
117.038.385

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Văn học 2008: Chưa thấy dấu ấn
Nếu như những năm trước, văn đàn Việt Nam sôi nổi với những tác phẩm tạo dư luận như Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Paris 11 tháng 8 của Thuận, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng... thì năm nay vẫn chưa có một tác phẩm nào tạo được ấn tượng

Góp phần tạo nên dòng chảy văn học hôm nay có thể kể đến tên tuổi những cây bút trẻ như Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Song Khê, Phan Việt... Tác phẩm của họ xuất bản khá đều đặn và luôn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Một số tác phẩm được tái bản hoặc liên tục nằm trong danh sách best-seller, như: Oxford thương yêu, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình của Dương Thụy, Công ty của Phan Hồn Nhiên, Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thụy... Mỗi người một giọng điệu, một góc nhìn cuộc sống rất riêng, những người viết trẻ đã thổi một sức sống trẻ vào dòng chảy văn học hôm nay.

 

Chủ lực vẫn là những cây bút trẻ

 

Trở lại với tập truyện Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình, Dương Thụy đã làm một dấu gạch nối thật dài cho cả tác phẩm Oxford thương yêu (xuất bản vào năm 2007). Cùng thời điểm tập truyện mới ra mắt thì Oxford thương yêu cũng gần như “nóng” trở lại. Những câu chuyện tình yêu và trăn trở của tuổi trẻ trải dài qua những nơi chốn lạ trong tập truyện mới lôi cuốn độc giả tìm lại những nhân vật cũ, như là một cách so sánh giữa hành trình của nhân vật và hành trình tư duy của người viết.

 

Còn Phan Hồn Nhiên, sau truyện dài Công ty – tác phẩm nhanh chóng chinh phục độc giả với cách xây dựng những nhân vật trẻ có hoài bão và lý trí mạnh mẽ cùng những tình tiết đầy kịch tính – thì sắp tới, cây bút nữ này sẽ tiếp tục ra mắt một tập truyện mới, cũng lấy đề tài về giới trẻ có tên là Mắt bão.

 

Trong khi đó, Trần Nhã Thụy âm thầm ra mắt những tập truyện Lặng lẽ rừng mai, Thị trấn có tháp đồng hồ, Những bước chậm của thời gian... Tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước của anh cũng vừa được tái bản vào tháng 3-2008. Nhân vật trong tiểu thuyết này không có tên, chỉ là “anh, hắn, nhà văn trẻ, người đi câu, người bảo vệ, cô bóng rổ”... Những khuôn mặt không định hình, định dạng, những cuộc đối thoại ngỡ là bình thường nhưng lại khứa vào những nỗi đau rất người, rất đời. Chính vì vậy mà Sự trở lại của vết xước đã trở lại trong sự kiếm tìm của nhiều người, như tìm sự sẻ chia.

 

Tác phẩm của những người viết trẻ xuất bản khá đều đặn nhưng bao nhiêu đó vẫn không thể khỏa lấp được không khí vắng lặng đến buồn tẻ của văn học Việt Nam thời điểm này. Dường như vẫn thiếu những tác phẩm đủ sức mạnh tạo thành những cơn sóng lan tỏa, ngân dài.

 

Chờ những tác phẩm tạo được dấu ấn

 

Không thể phủ nhận rằng tác phẩm của những người viết trẻ luôn được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Mỗi tác phẩm đều là một góc nhìn cuộc sống theo những chiều khác nhau của người viết; mỗi câu chuyện đều tạo ra những cảm nhận khác nhau. Nhưng dường như sức mạnh của tác phẩm chưa đủ sức bung phá để tạo thành một dòng chảy mạnh mẽ.

 

Văn đàn 2008 không tránh khỏi cảnh im vắng khi những tên tuổi từng tạo nên những tác phẩm gây tiếng vang chưa thấy xuất hiện trở lại. Cuối năm 2007, cái tên Đoàn Minh Phượng xuất hiện ở hai tác phẩm Và khi tro bụi (đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam) và Mưa ở kiếp sau mang đến một phong cách viết mới. Lối kể chuyện như độc thoại của Đoàn Minh Phượng, cách chạm đến tận cùng nội tâm của nhân vật, những khoảnh khắc nghiệt ngã và những hình ảnh đau xót đến rã rời như một nốt trầm trên cung đàn cảm xúc. Hành trình của các nhân vật qua ngòi bút của tác giả kịch bản phim Hạt mưa rơi bao lâu cũng là hành trình tư duy của con người.

 

Nhưng cái tên Đoàn Minh Phượng không thấy trở lại, cũng như cái tên Nguyễn Ngọc Tư, sau tiểu thuyết Cánh đồng bất tận, gây xôn xao dư luận, cũng chỉ được nhìn thấy dưới những bài tạp văn. Tập tạp văn Ngày mai của những ngày mai của Nguyễn Ngọc Tư xuất bản sau đó nhưng cũng không tạo được dấu ấn nổi bật. Cây bút trẻ Ngô Thị Giáng Uyên tạo dấu ấn với tập ký sự châu Âu Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, đến nay, vẫn chưa đủ sức mang thêm một hương vị lạ đến với độc giả.

 

Sau sự im lặng, có thể sẽ là một sự thay đổi và làm mới mình nhưng đôi lúc im lặng cũng có nghĩa là lùi vào sự quên lãng. Cách nhìn của những nhà văn, những người viết trẻ trải dài theo thời gian sẽ có sự thay đổi trong cách nhìn cuộc sống, trong chiều sâu suy ngẫm. Người đọc vẫn mong chờ ở những nhà văn trẻ những tác phẩm tạo được dấu ấn như những nhà văn trước đã làm.

 

Ảnh : Tác phẩm của những người viết trẻ đã góp phần tạo dòng chảy văn học Việt Nam hôm nay 

TIỂU QUYÊN - NLD