Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
605
116.721.567
 
Bó Hoa Hồng Của Một Người Không Quen Gửi Đến
Nguyễn Trung Dũng

 

1.

Nghe tiếng chuông, Phượng ra mở cửa. Cửa vừa mở, đứng ở bực thềm, nàng thấy có một người đàn ông. Người đàn ông, tay cầm bó hoa, thấy nàng thì gật đầu chào. Chào xong, ông ta nhỏ nhẹ nói:

 

“Tôi mang hoa đến cho cô. Cô tên là Phượng”.

 

“Vâng. Tôi là Phượng”.

 

Thấy không cần hỏi thêm, ông ta trao bó hoa cho nàng, rồi quay ra.

 

“Khoan. Ông đừng đi vội”.

 

“Cô còn điều gì muốn hỏi tôi vậy”.

 

“Vâng. Tôi muốn ông xem lại địa chỉ và tên người nhận có đúng không đã. Thực tình, tôi không quen biết người gửi hoa tặng tôi, tôi đâu dám nhận”.

 

“Tên đúng là tên cô, địa chỉ đúng là đường phố và số nhà này, không nhận, cô làm tôi khó xử quá”.

 

“Có gì mà ông phải khó xử. Khách đặt hoa ở tiệm bán hoa của ông, nếu có hỏi, ông cứ bảo hàng đã giao tới người tới chỗ, nhưng người nhận không chịu nhận. Chỉ có thế thôi mà ông không giải quyết được hay sao”.

 

“Được thì được. Nhưng cũng phiền cho tôi đấy”.

 

Nói qua nói lại, thấy thái độ người đàn ông đi giao hàng vẫn không dứt khoát đồng ý đề nghị của Phượng đưa ra, thì Phượng không còn cách nào khác là đành phải miễn cưỡng nhận. Nhận rồi, trở vô nhà, cầm bó hoa, nàng cứ thắc mắc tự hỏi không biết người tặng hoa cho mình người đó là ai. Dù vận dụng trí óc để giải cho ra bài toán, nàng vẫn không thể tìm được cái ẩn số trong bài toán đó một cách dễ dàng.

 

Ngồi ở bàn, tay tì má, Phượng chợt nghĩ đến mấy người thanh niên cùng làm ở hãng, trong số mấy người thanh niên đó, biết đâu lại chẳng có một tay thầm yêu trộm nhớ Phượng, nên đã bầy ra cách tặng hoa để tỏ tình. Hải hay Thoại. Minh hoặc Thắng. Trong bốn anh chàng đó, một có thể đã si mê nàng, tặng hoa, gửi đến người đẹp, bằng cách đó để thay cho lời nói, nói ra nói không được. Chẳng phải vô cớ mà Phượng đem Hải,Thoại, Minh và Thắng vào câu chuyện, nếu đấy không là lý do, Phượng biết để truy ra ai là người đã gửi hoa đến nàng. Hằng ngày ở hãng, lúc làm việc hay vào giờ nghỉ giải lao, khi thì Hải hay Thoại, khi thì Minh hay Thắng, một hoặc cả bốn thường hay mượn cớ này cớ nọ để lân la đến bàn nàng ngồi, tìm cách tới gần nàng ở ngoài sân hãng, chuyện trò tán tỉnh. Chỉ vì lịch sự và xã giao hơn là có tình ý gì khác, Phượng có cử chỉ và thái độ vui vẻ với họ, nhưng từ đôi mắt nhìn, từ lời nói ra, từ nụ cười trên đôi môi, Phượng cảm thấy như bốn anh chàng Hải, Thoại, Minh, Thắng, một phần nào đó đã hiểu sai ý của nàng. Hiểu sai nên họ cứ tưởng Phượng có cảm tình với người này, thầm yêu với người kia, tự họ nghĩ và tin rồi suy ra cho là đúng.

 

Năm năm trời làm ở hãng, đàn ông và đàn bà, tuổi tác dù có chênh lệch, nhưng đã là đồng nghiệp, ai cũng quen và thân nhau. Nửa tiếng vào buổi trưa, nhân viên được nghỉ để ăn uống. Người ta có thể xử dụng những cái bàn kê trong phòng ẩm thực, cũng có thể ra ngoài sân dùng bữa trong xe riêng của mình.

 

Hình như đã quen giờ giấc, từ đâu đó, chim hải âu bảo nhau bay về, con đậu trên mái, con đáp xuống sân, con đánh cánh đảo vòng trên trời, đông lắm. Đôi khi, Phượng còn thấy trên những ngọn cây cao, cành trơ trụi vì không còn lá, đứng thi nhau gào, đó là những con quạ.

 

Với nhiều giờ ngồi cặm cụi làm việc trước cái máy dập những con “te-mi-nô” vào đuôi những sợi dây điện có vỏ bọc, Phượng phải chú tâm hết sức để cẩn thận làm sao những cái đuôi có sợi dây điện đó được hai cánh của con “te-mi-nô” khi máy mổ xuống, nó phải dính cứng sợi dây không được để tuột. Công việc xem ra không khó nhưng nếu sơ ý bất cẩn, hai cái cánh của con “te-mi-nô” không khép kín đầu sợi dây, sợi dây sẽ dễ dàng bung ra. Đầu óc phải luôn luôn chú ý, mắt phải luôn luôn theo dõi, sau mấy giờ ngồi đóng cả trăm cái “te-mi-nô” cho mỗi sợi dây, Phượng đã thấy mệt.

 

Đấy là lý do vào giờ nghỉ để ăn trưa, Phượng thích ra xe ngồi, để vừa ăn, mắt vừa nhìn cảnh vật, tai vừa nghe nhạc, mục đích giúp tinh thần được thoải mái, đầu óc bớt căng thẳng. Nhiều hôm, hồn đang thả theo tiếng nhạc, mắt lặng lẽ ngước nhìn đám mây trôi lờ lững trên trời, thì Hải hay Thoại, Minh hoặc Thắng, thấy Phượng ngồi một mình đã vội sáp lại, để gợi chuyện, để thả lời chọc ghẹo tán tỉnh. Minh lẻo mép. Thắng điềm đạm . Hải thâm trầm. Thoại lầm lì ít nói. Bốn anh chàng đó, người lầm lì ít nói nhưng qua nụ cười, qua ánh mắt, Phượng cảm thấy những bó hoa được người đưa hoa đến nhà nàng, mỗi sáng thứ bẩy, ngoài Thoại ra, không còn là ai khác được.

 

Bị quấy rầy trong những bữa ăn trưa ở ngoài xe như thế, đã xẩy ra hàng ngày, vì nể, vì không muốn làm họ buồn, Phượng đành phải miễn cưỡng tiếp chuyện, hơn là có thái độ cứng rắn, gây mất hòa khí và làm tổn thương đến tình đồng nghiệp.

 

Trưa nay, ngồi trong xe, đang vừa ăn vừa thả hồn theo tiếng nhạc, Phượng lại thấy Minh, Thắng, Hải, Thoại, kẻ trước người sau, đứng ở bên ngoài cửa kính, nhìn nàng cười. Để mặc bốn anh chàng thả sức trổ tài tán gái, đến lúc cảm thấy cần phải nói, Phượng mới nói:

 

“Khi muốn thổ lộ tình yêu của mình với một người con gái mà mình thầm yêu trộm nhớ, nhưng đứng trước mặt lại ngại không dám mở lời, bèn nghĩ cách đặt hoa gửi đến tặng người đẹp, nếu là các anh, các anh sẽ chọn hoa gì nhỉ”.

 

Minh vừa nghe xong, anh chàng chẳng cần mất công suy nghĩ đã láu táu đáp:

“Hoa penseé”.

 

Thắng lại bảo:

“Hoa cầm chướng”.

 

Hải ngần ngừ một lúc mới nói:

“Hoa cúc”.

 

Chỉ riêng Thoại, Thoại đáp:

“Hoa hồng”.

 

Rồi dài dòng dẫn giải ý nghĩa về hoa, Thoại lý luận hoa “penseé” biểu tượng cho tư tưởng, hoa cẩm chướng mang tính yêu đương quá cuồng nhiệt, hoa cúc không đủ diễn tả cái nhiệt tình nồng nàn thắm thiết, nên chỉ có hoa hồng là hoa tượng trưng cho tâm tư tình cảm của mình với người nữ hiểu được nỗi lòng.

 

Nghe vậy là đủ để Phượng biết người gửi hoa tặng nàng không ai khác là Thoại. Thoại

đã vô tình tự thú nhận mình là người mua hoa để bày tỏ tình yêu thầm kín của Thoại bằng cách đó mà không bằng cách ngỏ lời khi trực diện với nàng.

 

Đã hết giờ ăn trưa, câu chuyện giữa năm người ở ngoài sân buộc phải ngưng. Tất cả, họ đi về hãng để tiếp tục công việc.

 

Lại đến thứ bẩy, buổi sáng như thường lệ, bó hoa Phượng không có ý đợi vẫn được người giao hàng của cửa tiệm bán hoa đưa tới. Lần này, khác với những lần trước, Phượng vui vẻ nhận hoa mà không nại cớ để từ chối bó hoa từ tay người đàn ông giao hoa cho nàng. “Mình sẽ có cách …”. Cửa đã đóng, chân đã bước vào nhà, bó hoa cầm trong tay, đầu óc Phượng chợt nẩy ra ý nghĩ, ý nghĩ đó có thể  giúp nàng giải quyết vấn đề này một cách ổn thỏa. Dự định đã có sẵn, mỗi thứ hai đến hãng, Phượng lại đem bó hoa lén bỏ vào trong xe của Thoại. Thoại không ngạc nhiên vì biết bó hoa đó, người gửi cho mình không ai khác ngoài Phượng. Được Phượng tỏ tình bằng cách tặng hoa cho mình, Thoại sung sướng vô cùng.

 

Ở hãng, ngoài những bà đứng tuổi, Thoại thấy phái trẻ chỉ có vài người. Phượng là một trong số vài người đó. Với nụ cười có duyên, với cách ăn nói dịu dàng dễ thương, với khuôn mặt và mái tóc bắt mắt, Phượng đẹp và hiền hơn các cô khác. Bị mê hoặc bởi cái nhan sắc của Phượng, Thoại đã ngấm ngầm theo đuổi người đẹp từ lâu, nhưng bầy tỏ tình yêu một cách công khai thì chưa bao giờ dám một lần nói cả.

 

2.

 

Thường lệ mỗi cuối tuần, Đặng lại lái xe đến nhà Phượng. Đứng trước cánh cửa còn đóng, Đặng thấy một người đàn ông, tay đang cầm bó hoa. Ngạc nhiên, Đặng đưa mắt chăm chú nhìn người khách. Chưa đoán ra người khách với bó hoa cầm ở tay là ai, thì cánh cửa ngay lúc đó đã mở. Nhận hoa, Phượng cám ơn người đàn ông rồi cùng Đặng đi vào phòng khách trong nhà.

 

“Ông ta đến lại không vào mà chỉ đưa hoa cho em như thế là thế nào”.

 

Nhạy cảm, Phượng biết Đặng hiểu lầm và đang nghĩ gì về mình. Nên, Phượng vừa cười vừa phân trần:

 

“Ông ta chỉ là người giao hàng chứ không phải là khách của em, em cần gì phải mời ổng vô nhà”.

 

“À ra là vậy. Em không nói, anh lại đinh ninh ông ta là người đem hoa đến tặng em. Nhưng ai là người tặng hoa cho em thế nhỉ”.

 

“Thực ra, lúc đầu, em thấy ông giao hàng ở tiệm bán hoa đem hoa đến, em ngỡ ngàng không biết là ai. Sau này, phát hiện em mới rõ, người tặng hoa chẳng ai khác lại là cái anh chàng làm chung với em ở hãng. Kỳ cục thật, anh ta làm cái chuyện trời ơi đất hỡi như thế để làm gì. Mua hoa vừa tốn tiền vô ích, vừa làm phiền cho người nhận hoa không muốn nhận, hi vọng tình yêu của em phản hồi cho anh ta, thì em có để ý đến cái anh chàng này đâu mà mong em đáp lại. Khôi hài thật”.

 

“Khôi hài thật là đúng. Thời đại bây giờ, người ta yêu nhau nhanh như điện chớp, quen rồi cứ thẳng thắn ngỏ lời, đồng ý thì OK, còn không, mang trái tim rớm máu của mình đi

tìm chỗ khác để hàn gắn, anh nghĩ chẳng ai như cái anh chàng này, hoa với hoét bầy đặt làm gì cho thêm tốn tiền vô ích”.

 

Đến đây, Đặng ngồi im không nói nữa. Nhìn ngắm dung nhan của Phượng, Đặng thầm khen sắc đẹp của vị hôn thê hơn là nghĩ đến bó hoa và anh chàng lẩm cẩm vừa mới nhắc. Nhớ đến việc thực hiện đám cưới là chuyện quan trọng hơn, Đặng khẽ bảo:

 

“Thiệp anh đã cho in, nhà hàng anh đã đặt chỗ, hai cái cần làm trước, anh thực hiện đâu đấy xong xuôi cả rồi”.

 

Thay cho lời cám ơn, Phượng đưa mắt tình tứ nhìn Đặng, trên môi nở một nụ cười. Với mắt nhìn và nụ cười của Phượng, Đặng cho như thế là đã quá đủ.   

 

Nắng từ kính cửa sổ chiếu rọi vào nhà. Chẳng cần đến đồng hồ, nhìn những vệt nắng bò trên tấm thảm như những con rắn lóng lánh thủy tinh, Phượng cũng có thể biết là mấy giờ rồi. Đứng dậy từ cái ghế Phượng đang ngồi, Phượng vừa đi vào bếp vừa nói:

 

“Đã đến giờ ăn trưa, để em chuẩn bị cơm nước”.

 

“Mất công nấu nướng để làm gì. Ra tiệm có phải hơn không”.

 

“Có miếng thịt bò em mua ở Safe Way, em làm bí tếch cho anh ăn. Em biết anh thích bí tếch”.

 

Thấy Đặng đang cầm trên tay cuốn sách, Phượng cười bảo:

 

“Sách em mới mượn ở thư viện. Cuốn anh đang cầm đọc là cuốn gì vậy”.

 

“Anh Em Nhà Karamazov của nhà văn Dostoievky”.

 

Đang bận tay với miếng thịt bò trên chảo, Phượng im lặng không hỏi thêm nữa. Cuốn sách đã được mở, Đặng ngồi chăm chú đọc. Đọc được một lúc, Đặng bỗng ngẩng lên đưa mắt nhìn Phượng nói:

 

“Đoạn văn có tựa đề Đám Táng Của Ilyusha viết quá hay. Em có muốn anh đọc cho em nghe không”.

 

“Muốn”.

 

Chẳng cần hỏi thêm, Đặng đằng hắng để lấy giọng, rồi chậm rãi cất tiếng:

 

“Nhà thờ ở cách đấy không xa, độ ba trăm bước chứ không hơn. Trời sáng sủa và ấm áp, có chút ít nước đóng băng. Chuông nhà thờ vẫn kêu vang. Ông đại úy có vẻ tất bật và ngơ ngác, ông đi theo linh cữu, mình mặc chiếc áo ngoài mỏng quá không đủ ấm, tay cầm mũ nỉ vành thật rộng. Ông áy náy không biết cái gì làm ông áy náy, có lúc ông chạy lại nâng đầu cỗ quan tài làm cho người khiêng khó xoay sở, có lúc ông lăng xăng đi theo bên cạnh. Một bông hoa rớt xuống tuyết, ông chạy vội ra nhặt lấy làm như một việc hết sức quan trọng. Bánh mì. Quên bánh mì. Bất thần ông sợ hãi mà kêu lên như vậy, nhưng tụi trẻ nói cho ông biết rằng, ông vừa cầm miếng bánh mì bỏ vào túi. Ông lôi ra coi, thấy bánh mì ông mới yên tâm. Ông giải thích với Alexei: Ilyusha nó muốn như vậy, một đêm tôi ngồi bên giường nó, bất thình lình nó bảo tôi, ba ạ, đến khi chôn con rồi, ba bẻ nhỏ bánh mì rắc lên mộ để chim sẽ đến ăn, nghe tiếng chim kêu con sẽ vui vẻ, con không phải nằm đấy một mình. Hay lắm, thế thì phải mang bánh mì đến đây luôn. Tôi sẽ mang đến hàng ngày”.

 

Đặng bỗng ngưng không đọc tiếp. Hình như đến đó, Đặng nhẩy sang trang khác, rồi lại đọc:

 

“Đến lúc vĩnh biệt, người ta sắp đậy nắp áo quan, ông ôm ghì lấy như muốn ngăn cản, và hôn hít mãi hai môi con. Người ta khuyên can ông, khi ông đã bước xuống vài bực thềm, bỗng ông quay lại lượm vài bông hoa trên linh cữu. Ông ngắm mãi bông hoa, hầu như ông bận tâm với một ý nghĩ mới, lúc ấy ông lại quên mất điều chính yếu. Dần dần ông trở nên mơ mộng và ông không kháng cự gì khi người ta khiêng quan tài đi”.

 

Hình như đúng lúc Đặng ngưng là lúc có tiếng giấy sột soạt sang trang khác. Rồi sau đó, Phượng mới lại thấy Đặng đọc tiếp, giọng trầm trầm nhưng âm rất rõ và sắc:

 

“Sau khi hành lễ, phu đào đất cho hạ huyệt. Ông đại úy cầm bó hoa cúi gầm xuống cửa huyệt, tụi học sinh sợ ông nhào xuống bèn nắm lấy đuôi áo kéo ông lại. Nhưng hầu như ông không hiểu có chuyện gì. Khi đã lấp đất ông ra vẻ bận tâm với cái gì, lấy tay chỉ ngôi mộ và bắt đầu huyên thuyên, không ai hiểu gì cả, nhưng rồi sau ông cũng thôi. Người ta nhắc ông lấy bánh mì bẻ nhỏ ra rắc lên mộ, ông vội vàng lôi bánh mì ra vặt từng miếng nhỏ ném xuống mà lẩm bẩm: Chim ơi, Chim đáng mến. Bay lại đây”.*

 

“Anh có thể ngưng đọc được rồi. Bàn đã dọn. Món ăn đã đủ. Có khoai tây chiên, rau sống, bí tếc, đầy đủ cho một bữa ăn, em hi vọng sẽ làm anh vừa lòng”.

 

“Với tài nấu nướng của em, không những đã vừa lòng mà còn làm anh vui là đằng khác”.

 

Khi Phượng và Đặng, tay đã cầm dao nĩa trong tay, miếng bí tếc trên cái đĩa được đụng tới, cả hai ngồi im lặng ăn. Và lúc ăn, đám tang của đứa bé được cử hành ở ngôi nhà thờ rồi được hạ huyệt ở ngoài nghĩa trang với thời tiết của một ngày băng giá, ổ bánh mì cho chim ăn và những bông hoa trắng cài trên cỗ quan tài, đã đến lúc họ nhanh chóng quên ngay, nên không thấy ai nhắc đến nó nữa.

     

3.

 

Trước lúc bóng tối của buổi hoàng hôn chưa kịp kéo về, rời nhà Phượng, Đặng bước ra đường. Mùa Thu, cây cối hai bên vỉa hè phố, cành nhánh khô khẳng, trụi trơ, vì lá của chúng không còn. Đặng chẳng buồn bận tâm để ý đến cảnh vật chung quang, trong lúc chân đang rảo bước đi tới chỗ đậu xe, đầu óc chỉ nghĩ duy nhất về Phượng. Phượng nhỏ nhắn xinh đẹp của chàng. Phượng là người vợ dễ thương nhất trong tương lai.

 

“Đặng. Đặng”.

 

Phía vỉa hè bên kia đường, tai nhận ra có tiếng gọi, mắt nhìn chợt thấy tay của một người đang đưa lên cao vẫy, báo hiệu cho Đặng biết anh ta có quen với Đặng. Đặng chờ anh ta băng qua đường, nhưng không thấy anh ta có ý định muốn băng qua đường, vì với cây nạng gỗ kẹp nách chống đỡ thân, chắc hẳn anh ta đang cố ý đợi Đặng.

 

Bước qua đường, nhận ra người bạn học cũ, Đặng vội đưa nhanh tay ra bắt:

 

“Ủa. Khánh. Lâu quá mới lại gặp cậu”.

 

“Ừ. Lâu quá. Mấy lúc này, cậu làm gì và ở đâu”.

 

“Vẫn nghề địa ốc. Còn ở, mình ở Milpitas”.

 

Milpitas cũng không xa đây. Khủng hoảng kinh tế đang trầm trọng, ngành địa ốc bị ảnh hưởng, có đúng thế không ”.

 

“Đúng. Ảnh hưởng trầm trọng. Nhà khó bán. Thân chủ sút giảm. Cuộc sống của mình cũng mất thăng bằng. Tình trạng chung, cũng phải chấp nhận thôi”.

 

Thấy mắt Đặng chốc chốc lại nhìn xuống cây nạng, biết Đặng thắc mắc nhưng không tiện hỏi, Khánh cười gượng gạo vừa lạnh lùng nói:

 

“Mình bị tai nạn. Xe đụng, chân bị gẫy. Què rồi”.

 

“Sao lại vậy”.

 

“Còn sao nữa. Mới tháng trước, băng qua đường dành riêng cho người đi bộ, một thằng Mễ lái xe chạy ẩu, nó quẹo chẳng để ý nhìn trước ngó sau, nó đụng vào mình, người xây sát, chân bị gẫy. Thừa lúc đường vắng, nó phóng xe đi luôn”.

 

“Không chết là may rồi”.

 

Nghe Đặng an ủi, Khánh chỉ đau khổ cười. Cũng một câu đó, nhiều người đã nói với Khánh, nhưng trong thâm tâm, Khánh lại nghĩ khác. May như thế để làm gì khi cái chân, xương đã gẫy, đi đứng khổ sở với cái nạng gỗ, Khánh cho là tàn đời mạt kiếp rồi.

 

“À, nhà mình ở gần đây, cậu ghé chơi một chút có được không”.

 

“Để lúc khác. Bây giờ tớ có việc cần phải về”.

 

“Vậy cũng được. Có gì điện thoại cho mình biết trước để mình ở nhà”.

 

“Cậu tính đi đâu vậy. Sẵn xe, mình đưa cậu tới đó”.

 

“Tiệm bán hoa ở đầu phố gần đây. Cám ơn cậu đã có nhã ý giúp mình, nhưng mình chống nạng lê thân đến đó cũng được”.

 

Nghe Khánh nói đến tiệm bán hoa đặt mua hoa, Đặng có linh cảm những bó hoa được người đưa hoa đem đến nhà Phượng mỗi cuối tuần, lưỡng lự một lúc, Đặng mới hỏi:

 

“Cậu mua hoa chắc là để bày ở bàn trong nhà cậu. Phòng khách có được một lọ hoa ngồi nhìn ngắm cũng giúp cho tinh thần thoải mái. Hoa không biết nói nhưng thực ra hoa có ngôn ngữ nếu người thưởng lãm biết và hiểu tâm tư tình cảm của nó. Cũng như sách vậy, sách trong kệ sách có biết nói gì đâu, nhưng sách có tiếng nói của nó mà người yêu sách vẫn nghe thấy tiếng cười vui, lời thở dài than phiền của nó đấy”.

 

“Cậu để cho mình nói đã. Tính mình từ xưa đến nay, cậu là người bạn chơi thân với mình, chẳng cần nói cậu cũng biết mình có thích hoa thích hoét bao giờ đâu. Nói thẳng ra, mua hoa, mình mua chỉ để tặng cho một cô nàng mình thầm yêu trộm nhớ. Đơn giản là vậy”.

 

“Bạn bè tò mò hỏi nhau, người đẹp diễm phúc đó là ai vậy”.

 

Khánh đưa ngón tay trỏ chỉ về phía ngôi nhà bên kia đường, ngôi nhà nằm ở đầu dẫy phố. Nhìn theo hướng chỉ của ngón tay trỏ, Đặng thấy điểm tới đúng là nhà của Phượng thì chàng chỉ gật đầu mà không nói gì thêm cả. Đối đáp vài chuyện cho có chuyện để nói, Đặng đưa tay ra bắt tay Khánh rồi cáo từ.

 

4.

 

Đám cưới của Đặng đêm đó có cả Khánh tham dự. Nhận được thiệp mời, Khánh đã có ý từ chối. Khánh điện thoại chúc mừng cũng là để cám ơn người đã có nhã ý gửi thiệp cho mình. Lý do đơn giản Khánh không muốn tham dự chỉ vì, người con gái được Khánh tặng hoa lại là Phượng, người mà Khánh theo đuổi bấy lâu nay sẽ là cô dâu trong bữa tiệc cưới được tổ chứ ở nhà hàng ghi trong thiệp mời. Nhưng không đi không được, với điện thoại đổ chuông gọi đến, Đặng đã khẩn khoản tha thiết mời Khánh phải đến dự, nếu không, qua lời Đặng đe dọa, Đặng sẽ cắt đứt tình bạn bè. Đặng chẳng đừng, Khánh phải buộc lòng đến dự.

 

Ngồi ở cái bàn phần lớn khách không quen, câu chuyện đưa đẩy với người ngồi bên

trái hoặc bên phải chỉ nhằm mục đích trám cái khoảng trống của thời gian trong lúc chờ đợi buổi tiệc tân hôn chưa tới giờ chính thức khai mạc. Chờ đợi thức ăn được người phục vụ nhà hàng bưng ra và đặt lên bàn để kế đến là diễn tiến tuần tự theo chương trình sớm kết thúc, kết thúc là lúc Khánh đứng dậy ra về mà không bận lòng hối hận ăn năn khi đã hết lòng xử thế với bạn mình. Không phải hình như mà đúng với thực tế, cái chờ và mong cho thời gian qua mau thì tâm lý, cái chờ và mong đó nó lại càng dài và càng lâu dù khoảng cách thời lượng vẫn chỉ là thời lượng bất biến không lâu và dài hơn bao giờ cả. Với tâm trạng và tình huống khốn khổ đau tột cùng, ngồi rút mình nhiều khi có cảm tưởng co rúm thân thể trên cái ghế trong buồng lái của chiếc phi cơ, Khánh chỉ muốn tìm cơ hội vọt lên cao cái chỗ ngồi tù túng chật hẹp đó để rơi vào không gian với cái dù treo thân lơ lửng ở giữa bầu trời. Cuối cùng, Khánh đổ lỗi cho mình đã quá nể bạn để nhận lời đến dự, để rơi vào tình trạng khiên cưỡng khó xử như bây giờ.

 

Câu chuyện đang rôm rả giữa vị khách ngồi bên cạnh đã bị cắt đứt, đúng vào lúc khách đứng dậy xin phép để đi vào “restroom”. Trong khoảng khắc hẫng hụt vì không còn người để đối thoại, Khánh ngồi tì tay chống má ngó mắt xuống bàn, chai rượu hiện diện trên mặt bàn như có ma lực cuốn hút lấy Khánh, ý nghĩ nhắc Khánh, bàn tay Khánh đã đưa ra, cái ly đã được rót, rót rất đầy, Khánh làm một hơi uống cạn. Chất nước có hơi cay, nồng độ rượu bốc nóng như có lửa, đang đói vì chưa ăn gì, dạ dầy lép, chính vì thế, chỉ mười phút sau, mặt Khánh đỏ, mắt Khánh hoa, đó là lúc rượu ngấm gây ra say.

 

Say đậm. Dù vậy, nhìn lên bục sân khấu, váng vất  của hơi men, choáng váng của đầu óc, Khánh vẫn tập trung thị giác để thấy cô dâu, một cô dâu tuyệt đẹp trong đêm nay. Cô dâu tuyệt đẹp đó, kể từ nay, sở hữu chủ không còn ai khác ngoài Đặng.

 

Lại với bàn tay nắm lấy cổ chai rượu, rượu được rót vào ly, ngửa cổ, Khánh lại uống. Rượu bồi cú này, cái say ban đầu như ngọn lửa cháy chưa kịp lụn ngọn, được tiếp sức, nó đủ sức thổi bay cái cây rễ đã lung lay, để bật gốc, Khánh chắc sẽ ngã. Nhưng không, Khánh mới chỉ say, say thật đậm, còn ngã, Khánh chưa có thể ngã được.

 

“Khá lắm. Cậu là một bợm rượu khét tiếng xưa nay. Xin chúc mừng cho tụi này, hãy nâng ly làm một ly cho trọn tình tới bến”.

 

“Tới bến”.

 

Giọng nói đã líu, Khánh thấy Đặng và Phượng đang đứng ở phía sau, lại hứng khởi đứng bật dậy, tay cầm cái ly của mình, nghiêng cho Đặng rót. Đã uống rồi, Khánh đưa mắt nhìn Phượng, rồi lại nhìn Đặng, trong lời nói chữ nọ đá chữ kia, giọng Khánh hơi lè nhè:

 

“Đêm nay, cậu là người sung sướng nhất. Đêm nay, chị Phượng là người đẹp và hạnh phúc tột cùng. Xin có lời chúc trăm năm …”.

 

Trăm năm mà không có tiếng hạnh phúc đi cùng, vì đến đó, cái lưỡi của Khánh đã líu rồi. Dù vậy, Khánh cũng cố cúi xuống bàn, cầm bó hoa hồng trên tay, đưa cho Đặng:

 

“Xuýt nữa mình quên. Còn bó hoa hồng này, chắc chắn là bó hoa cuối cùng, cậu cho phép mình trao cho Phượng qua tay cậu. Và từ đây cho đến mãi mãi sau này, cánh cửa của ngôi nhà Phượng ở sẽ không còn ai quấy rầy đến gõ, người giao hàng của cửa tiệm bán hoa cũng không tới làm phiền người chủ của ngôi nhà, còn người mua hoa sẽ chẳng bao giờ mua nữa, mối tình câm từ đây rồi sẽ như mây bay về cuối trời.

 

5.

 

Đến màn cô dâu chú rể đi từng bàn để cám ơn quan khách, tới bàn có Khánh ngồi, Đặng nhận ra, Khánh đã không có mặt. Với ý nghĩ trong đầu, Đặng tự hỏi Khánh không có mặt thì Khánh đi đâu. Chẳng lẽ Khánh bỏ ngang bữa tiệc để về. Đặng chạy đến chỗ người bạn mà chàng nhờ đưa đón Khánh, thấy người bạn còn ngồi ở bàn, ăn uống vui vẻ với bạn bè. Như vậy, Đặng đoán Khánh có thể đã đi ra ngoài hàng hiên cho thoáng không khí, hay đi vào “restroom” không chừng.

 

Vào “Restroom”, trong đó, Đặng vẫn không thấy Khánh. Ra ngoài hàng hiên, ngoài hàng hiên chỉ có dẫy xe đậu còn người thì không. Lạ thật, Khánh làm gì và ở đâu. Hỏi thì có, nhưng câu trả lời thì không.Mắt ngước nhìn lên bầu trời, bầu trời tối đen như mực. Ngó con đường phố, dưới ánh sáng của những ngọn điện quang chiếu xuống vỉa hè, ngoài những giọt mưa rớt trên mặt lộ tạo hình những cái bong bóng nước, cái vỡ, cái phập phồng thoi thóp thở, ngoài ra, Đặng chẳng còn thấy Khánh ở đâu, dù chàng đã cố tâm tìm kiếm người bạn của chàng, nhưng vô vọng./.

 

*anh em nhà Karamazov, Vũ Đình Lưu dịch.

 

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1644
Ngày đăng: 13.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Net - Trần Yên Hòa
Sâu Thẳm Mắt Người - Phan Đức Nam
Nhân cách sống - Trương Quang Cảm
Thư không gửi - Nguyễn Đạt
Thành Viên Mới - Nguyễn Đình Phư
Mùi cam chín nẫu - Hoàng Mai
Nhà báo, nhà giáo & nàng dâu - Nguyễn Văn Ninh
Bản Nhạc Viết Lúc Không Giờ - Võ Anh Cương
Mần Ăn - Lê Văn Thiện
Người già buồn buồn... - Hòa Văn
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)