Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
593
116.533.945
 
Để vui lòng bố
Nguyễn Trung Dũng

 

 

M ỘT.

 

Cầm cái nĩa ba mũi, hắn xiên miếng thịt trừu. Đĩa của ông bố đặt trên bàn trước mặt ông. Cái đĩa phẳng nhẵn và rộng, miếng thịt trừu dầy cạnh, bản diện vừa bằng một bàn tay, được trải ra trên lòng đĩa. “Ăn đi bố, hắn nói trong khi tiếp tục ngồi nhai miếng thịt đã bỏ vô miệng. Cái món này con bảo đảm bố ăn rồi bố sẽ khen ngon. Thịt nấu mền còn thơm mùi trừu nữa đấy”.

 

Vẫn nhắm nghiền hai mắt, ông bố hắn ngồi chết trân. Ông không đáp lại lời mời của đứa con, đầu tựa trên cái tựa của ghế, nom ông như người đang ngủ. Lại tiếp, hắn lặng lẽ nói như kể lể: “Bữa nay, con biết bố rất hài lòng. Bố vui vì bố được đến những nơi đã quá lâu rồi bố không đến được. Từ ngày bố vào nhà dưỡng lão, bố sống cách biệt với thế giới bên ngoài, con biết bố chẳng thể vui được. Mà ở cái nơi đó, nơi của những người già cả, nơi ú ớ của những kẻ đầu óc lú lẫn, nơi những ông bà cụ ngồi trên những cái xe lăn, nơi như một nơi bệnh viện của những người khuyết tật và bệnh chứng tâm thần khùng điên dớ dẩn. Suốt một năm dài chịu đựng, ở cái tòa nhà cao ốc vây kín bởi những bức vách ván và cửa ngõ kín bưng, ở một nơi gần như xa cách và biệt lập với đời sống sinh hoạt bên ngoài, và cũng ở nơi đó chung quanh có những cây cối già cỗi cao ngọn mọc trong vùng đất trồng hoa kiểng, ghế đá ngoài khuôn viên, bồn cỏ phun nước, chim chóc hót, sóc đuôi cờ chạy nhẩy, và tiếng của gió thổi khi gió tìm đến những tàn lá lúc hoàng hôn nắng thoi thóp úa mầu.

 

Nếu bố hiểu, bố sẽ không oán trách con vì sao con phải đưa bố vào nhà dưỡng lão. Đơn giản là con phải kiếm ra việc làm. Đổi tiểu bang, như cá tìm nơi có nước mà sống, con cũng như cá cần nước như cần việc làm nên phải đổi tiểu bang. Nhưng bây giờ, con lại trở về ở bên cạnh bố. Ngôi nhà bố đang sống không phải là nơi dưỡng lão của những người già cả lú lẫn và lẩn thẩn. Ngày tháng thản nhiên qua đi. Qua trên đường bay của cánh chim. Bố hay bất cứ người nào khác, muốn níu năm của tuổi đời thì năm vẫn âm thầm lặng lẽ qua và tuổi đời cũng chất chồng trên đôi vai gầy của bố. Rồi đến một ngày, vâng, một ngày nào đó, bố sẽ vĩnh biệt thế gian hiện tại, và khởi hành trong một chuyến đi xa. Bố đi xa và đi vào cái cõi thật xa mà ở đó, chẳng ai biết cõi mình tới là cõi nào.

 

Nhưng bố cần gì phải bận tâm suy nghĩ vì sự lựa chọn lúc điều đó đến không còn thuộc quyền lựa chọn của mình. Đấy là cái chết. Ăn đã. Bố ăn và sẽ thấy món thịt trừu họ nấu thật ngon. Cái món này xưa nay bố vẫn thường nhắc đến và ước ao được ăn nó. Để con rót thêm cho bố rượu. Rượu Martin đậm mùi thứ bố thích uống đấy”.

 

Đứa con vẫn cứ nói, nhưng ông bố thì chỉ ngồi lặng thinh. Và ông đầu tựa lên cái ghế có cái tựa, mắt vẫn nhắm như ngủ. Đứa con thì dường như không quan tâm đến điều nó nói bố nó có nghe hay không, nên cứ thản nhiên độc thoại:

 

“Con biết chắc bữa nay bố thực sự vui. Bố vui bởi vì bố được đến cái thư viện nơi chứa đầy những sách vở. Con nhớ có lần bố bảo, chẳng có nơi nào bằng đến thư viện để ngồi. Ở đó, sách chứa tư tưởng của những người nay và người xưa, sách để lại từ nhiều thời đại lưu giữ tồn tại, tới nơi ấy chính là ta đã tới tư gia của họ và được ngồi đối diện chuyện trò. Họ có người đã tuyệt tích dấu vết xương cốt, có người còn sống như ta đang sống, nhưng qua chữ in trên giấy, trang đóng thành sách, thân thương và trân quí qua cái tình của bản văn họ để lại. Và sách đó, đọc, ta sẽ đi lùi lại thời gian, hiểu được quá khứ, thời đó mình chưa sinh ra hay đã sinh ra nhưng không xuất thân nhập cuộc. Đấy, bố lập lại lời bố nói, sự lợi ích trau dồi kiến thức, muốn biết những điều mình chưa được biết, đến thư viện ngồi chính là cái thích và lý do của bố thích đơn giản là vậy. Bố truy cứu tài liệu về nhiều vấn đề và bố ghi chép kỹ lưỡng những gì bố thấy cần ghi vào mỗi trang sổ tay bố có.

 

Thư viện con đã đưa bố đến rồi. Đây là công viên thành phố. Công viên rộng và lớn với cây cổ thụ già, những con đường nhỏ chạy giữa thảm cỏ xanh mươn mướt, những tảng đá lớn xếp đứng ở bờ một con suối nước, những cái băng ghế gỗ kê rải rác dưới gốc những cây sồi cành xum xuê lá, và kia, cây cầu đúc “ciment” nối tiếp bờ sông bên này, chân vắt sang bên kia một vùng đất gồm những khu chung cư dân ở. Bố kể rằng, đến thư viện mà thư viện chưa tới giờ mở cửa, thả bước đi một vòng trong công viên hay ngồi trên băng ghế đợi, lúc đó là lúc đầu óc thanh thản, trí óc thả trôi theo trời đất mà đi, mắt nhìn phong cảnh từ gần đến xa, tai đón nghe chim chóc líu lo hót, và nhìn những con sóc đuôi cờ nhẩy nhẩy hay ngồi nhìn nháo nhác với một trái quả ôm giữ khư khư trong tay.

 

Vào những ngày lập Đông giá lạnh, ngoài biển thời tiết đổi thay bất thường. Gió hú kéo mây và đổ xuống những trận sa mù ngậm nước. Rồi thì nước đó biến thành đá và bị sức cọ sát va chạm, đá vỡ vụn ném xuống bầu trời những mảnh sắc mà đấy chính là bụi tro của khối phiến thạch hay đấy là những mảnh tuyết trắng nhẹ và mỏng như cánh những bông hoa. Khi trên đỉnh những ngọn đồi và núi đã sáng mầu trắng của tuyết phủ, cây cối mà cành của chúng cũng chung số phận, thì biển đã vội vã đóng băng. Băng phẳng, nhẵn và dầy trên mặt. Muốn sinh tồn, loài sinh vật sống dưới nước phải lặn sâu xuống đáy để tìm vùng nước ở thể loãng. Bố bảo thế để dẫn chứng đến chuyện những con chim hải âu. Chim hải âu không thể kiếm ra mồi khi biển băng đã đóng, khi những bông tuyết thi nhau rơi, khi gió giá rét và lạnh thổi những cơn lốc xoáy, chim phải rủ nhau bay về phố thị. Buổi sáng, bố nói chúng đáp xuống những khu siêu thị, xuống các công viên mà ở đó, những mẩu bánh vụn ăn dư được vất ra cho chim bởi vài người vô gia cư sáng sáng ngồi ở băng ghế đá phất phơ rảnh rỗi. Họ thường đến khu công viên với cái xe bằng sắt có ba cái bánh bọc cao-su. Xe đó là xe của các chợ bán thực phẩm dành cho khách hàng xử dụng. Lấy để chở đồ đạc tư trang, vỏ lon, ve chai như thế, vài người chiếm và dùng nó đã phạm luật, nhưng biết hay không biết, họ cũng cóc cần. Buổi sáng, bố bảo, ngồi ở khu công viên nhìn những con hải âu bay quẩn trên bầu trời, đậu một bầy nơi mái cao ốc, đậu dưới sân bãi mà giành ăn những mẩu bánh thì thích mắt lắm. Luẩn quẩn loanh quanh cạnh những con chim biển lớn đó thường có những con chim sẻ, những con sáo đen rình nhặt nhạnh những vụn mảnh bột rơi vãi. Những con chim sẻ, chim sáo vốn nhút nhát và hiền lành nom tội nghiệp. Lại còn cả vài chú sóc thân thon thả, đuôi bông cờ cong vòng, hai mắt nhỏ và sáng như hai hòn bi, nhẩy nhổm hay ngồi chồm hổm với hai cái tay ôm cứng một quả táo rụng. Nào, bố cứ mải nói riết nên cái đĩa thịt trừu của bố, bố chẳng đụng tới. Ăn và uống cái ly rượu phần dành riêng cho bố đấy. Rồi chốc nữa đây, con sẽ đưa bố đến cái phòng triển lãm tranh ở trung tâm thành phố. Phòng triển lãm tranh đó bố đến hoài vì ở đó họ để nhiều bức danh họa mà con nhớ trong bữa cơm ngồi ăn với bố ngày đó, bố có nhắc đến những cái tên như Gauguin, Van Gogh, Manet, Cezanne, Renoir, Monet, Picasso và cả Modigliani. Những tài năng lỗi lạc lừng danh về hội họa đó đều có tranh trưng bầy trong tòa nhà triển lãm với những kiệt tác phẩm của họ để lại cho hậu thế những gì họ làm. “Le Grand Nu” của Modigliani vẽ khỏa thân ư. Tuyệt. Vẽ “Người Nhạc Sĩ Chơi Đàn Trung Hồ Cầm”, khuôn mặt nhăn nhúm hằn vết của người đánh đàn thể hiện qua cây cọ những nét ưu tư lúc gục đầu ngồi khảy. Manet với “Femme Assise Dans Un Jardin” thì mầu sơn xanh mát và dịu mắt. Bức tranh hiền và thiện tính. Cezanne vẽ tĩnh vật với “Verre et Pommes”, bất hủ. Van Gogh à, tranh ông chém phá ngang dọc góc cạnh nếu là lập thể hình họa học hay chói mù mắt với mầu pha thật bạo và dữ bằng sơn xanh gắt, vàng lóa thị, đỏ rực như máu tươi. Gauguin khó hiểu với những bức chủ đề tiềm ẩn tư tưởng như “Avant et Apres”, như “D'ou Venons-Nous”, nhưng “Le Cheval Blanc” thì dịu và đầm với con ngựa trắng đứng gục đầu gặm cỏ. Phía sau con ngựa đứng gặm cỏ, có một cô gái khỏa thân cưỡi trên lưng một con ngựa khác đang hướng về phía trước đi tới. Bữa cơm tối bố đã kể lại buổi tới phòng triển lãm xem tranh. Con ngồi nghe không hoàn toàn tin tưởng về khả năng nhận định và kiến thức của bố về môn hội họa. Nhưng, bố đúng như những người lính xung trận, mở trận đánh, đánh chiếm từng phần mục tiêu để lên tới đỉnh ngọn đồi, mỗi lời trình bầy của bố, mỗi nhận định của bố đưa ra, nó đã là những gì mà óc con bị thu hẹp và bị khuất phục bởi bố càng nói, con càng thêm sự tin tưởng ở sở năng về vẽ mà bố có. Nào, bố ăn đi rồi mình còn về. Từ đây đến phòng triển lãm tranh cũng khá gần, con sẽ đưa bố đến phòng triển lãm đó để bố thỏa thích thưởng lãm những bức danh họa trưng bầy ở nơi ấy. Bồi, bây giờ thì anh có thể mang cho chúng tôi cái giấy thanh toán được rồi đấy. Hết thẩy bao nhiêu thế nhỉ”.

 

Người bồi bàn nhận ra khách gọi bằng cách ra dấu một bàn tay đưa lên ngoắc và lời nói trên đôi môi mà khách kêu tính tiền, nên anh ta vội bước tới gần bàn. Đưa cái khay đựng miếng giấy kết toán chi trả món ăn, mắt người bồi nhìn ông già chăm chú đến nỗi khách đã để tiền lên đĩa vẫn cứ đứng lặng như vừa hóa gỗ hay hóa đá rồi. Lúc quay về quầy tính tiền, rõ ràng anh ta ghé tai thì thầm điều gì đó với ông chủ quán, và ông chủ quán đưa tay bốc cái ống điện thoại đưa lên nghe vừa mổ ngón tay trỏ trên nút mặt số gọi. Nhanh đến nỗi không ai có thể ngờ chỉ trong tích tắc, cái xe cảnh sát có còi hụ và đèn sáng chớp tắt gắn trên mui đã xuất hiện, đỗ sát vỉa hè đường trước quán ăn. Hai cảnh sát viên đẩy cửa bước thẳng vào gặp người chủ. Qua vài lời trao đổi giữa chủ và hai người cảnh sát viên, họ tiến ngay đến cái bàn của hai bố con hắn ngồi. Khi nghe một trong hai người cảnh sát hỏi, hắn đáp: “Ông đó là bố tôi”. Cảnh sát nói: “À, bố anh. Nhưng ông ấy có sao không mà nom như người đã chết vậy”. Hắn cười: “Các ông nghĩ bố tôi là người chết hả. Thì có sao đâu. Tối qua ông ấy lên cơn đau tim rồi đi luôn”. Cảnh sát trố mắt nhìn hắn xửng sốt kinh ngạc. Họ nói “Chúng tôi bắt anh” và họ tra còng sau khi bẻ quặt hai tay hắn rồi cài cái chốt khóa.

 

HAI.

 

“Ông phịa cũng phịa vừa phải thôi, chứ phịa quá trớn như cái truyện viết này thì bố độc-giả nào tin ông mà dám đọc truyện ông viết. Làm quái gì có cái sự thực nào xẩy ra như thế về đứa con đưa ông bố đã chết cứng đi rong chơi trong phố xá rồi ngồi quán uống rượu và ăn món thịt trừu như ông viết vậy. Phịa mà phịa quá đáng chứ còn gì nữa hả ông”.

 

“Để cho tôi nói đã. Ông và còn nhiều người khác nữa đọc nó cũng sẽ bảo như ông bảo mà thôi. Nhưng tôi có thể quả quyết đây là chuyện thực. Thực trăm phần trăm. Này, bản tin đăng rõ ràng trên cột báo đây nhé, ông cứ đọc đi rồi sẽ biết tôi phịa hay không phịa”.

 

“NGƯỜI CHỞ XÁC CHA ĐI DẠO LẦN CUỐI: Kopenhague. Một người Đan Mạch đã có quyết định mà chưa hề có ai làm trước đây là chở xác người cha mới vừa qua đời đi dạo chơi tại thủ đô bằng xe gắn máy tới những nơi mà người cha hay đến lúc còn sống. Người có sáng kiến giữ “kỷ niệm đẹp lần cuối với thân nhân” này đã bị tòa án phạt 2000 couronnes [tương đương 300 Mỹ kim].

 

Tòa án Frederikssund ở ngoại ô Kopenhaugue mở phiên xử ngày 14 tháng 1 năm 1999 đã tuyên bố phạt anh Flemming Petersen, 37 tuổi, nguyên do là hai ngày sau khi người cha của anh ta qua đời ở tuổi 86, anh đã mặc cho cha áo quần đâu đó, xong đặt xác cha lên ghế sau xe, bắt đầu lái dạo quanh thành phố của thủ đô. Cuối cùng, anh ta đưa cha ghé đến một quán rượu. Tại đây, đặt xác cha ngồi ở ghế đối diện ở một bàn ăn, nơi đó hồi sống Peterson biết cha mình thường năng lui tới. Anh ta đốt một điếu “xì gà” gắn lên môi người cha và đối thoại hàng giờ với người chết.

 

Sau đó, Peterson còn chở cha về gia đình ở Frederikssund, cách Kopenhague 40 cây số, chụp những bức ảnh cha ngồi trên xe gắn máy. Hoàn tất mọi việc, Peterson đã đến sở cảnh sát trình diện và bị tống giam. Trước tòa, Peterson khai với tính cách tự biện hộ cho mình là: “Mọi người đều có quyền từ giã người thân bằng phương pháp đẹp đẽ. Và tôi đã làm như vậy để thể hiện lòng hiếu nghĩa với cha tôi”. Nhưng trước hành động khác thường và biệt lệ không đúng với tập tục luật lệ qui định, Tòa đã nghị án và tuyên bố phạt Peterson về tội chở xác chết đi dạo với tiền phạt 2000 couronnes”.

 

 

3.1999

[Văn & Đêm Nghe Dế Gáy]

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1725
Ngày đăng: 08.03.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự nô lệ - Nguyễn Hồng Nhung
Còn đó những nỗi buồn - Nguyễn Phương
Blogger sợ chữ - Phan Trang Hy
Người treo cổ - Võ Công Liêm
Vì nó là bạn cháu! - Tuyết Linh
Ka ra ô kê - Võ Công Liêm
Cổ phần đêm 30 - Từ Sâm
Hoa trên sóng - Diệp Hồng Phương
Có một ngày gọi là ST-Valentin - Hồ Đình Nghiêm
Lang băm làm Quan đầu triều - Lê Huỳnh Thanh Tâm
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)