Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
686
116.726.321
 
Cái Nạng
Nguyễn Trung Dũng

 

Người ta sinh ra, lúc trong bào thai, hình hài do bà mụ nặn. Bà mụ khéo tay thì nặn ra đứa bé lành lặn xinh xắn. Bà mụ vụng về thì nặn ra đứa bé xấu xí tật nguyền. Lại cũng do bà mụ, một cục bột dư thì bà nắn ra cái vòi, rồi tiện tay cắm vào chỗ dưới, đấy là con trai. Trường hợp nặn xong hình hài mà hết bột, ở cái chỗ lẽ ra bà cắm cái vòi thì bà chẳng kiếm đâu ra bột nữa để cắm. Trẻ sơ sinh không có vòi thì chỗ đó phẳng và được gọi là đứa bé gái.

 

Cái thuở đầu óc người ta suy nghĩ quá nông cạn, tưởng tượng vẽ vời thiếu tính thực tế, thần thánh hóa ra mọi chuyện mọi vật, thì người ta tin rằng có bà mụ. Bà mụ của mỗi bào thai được bà tạo hình, đỡ đầu, trước khi sản phụ sinh ra đứa con.

 

Vào dịp bạn bè của mẹ đến chơi ngồi nói chuyện, Điệp đã nghe họ nói về bà mụ và vai trò của bà trong công việc bà nặn ra thai nhi rồi được các bà vin vào lời các cụ ta xưa bảo là như vậy. Khi nói đến bà mụ nặn hình thai nhi, họ đã quên nhắc đến sự có mặt của ông bố và bà mẹ, là hai người trực tiếp kết hợp để tạo ra cái bào thai từ con tinh trùng và trứng.

 

Nếu đúng là có bà mụ mà người ta tin tưởng tuyệt đối như thế, thì bà mụ quả là kẻ thù đáng ghét đối với Điệp. Lúc nặn ra hình hài nàng, bà mụ của Điệp đã vô tâm vô tính, đã lơ đễnh và quá vụng về trong lúc bà làm cái công việc này. Phải nhiều năm sau, lúc Điệp đã tròn 18, Điệp mới ý thức được điều đó khi nghĩ về bà mụ mà bạn bè của mẹ đã có lần nói đến. Đấy là bởi Điệp thấy bà mụ lo cho nàng đã chẳng những bất công mà còn bất tài khi bà nặn ra hình hài nàng. Này là cái mũi, bột đâu sao bà không nâng lên cho cao. Này là cái môi, cái môi sao không đủ dầy lại mỏng quẹt. Này là đôi mắt, đôi mắt sao không tròn như mắt bồ câu lại ti hí mắt lươn. Này là cái cằm, cái cằm thì lẹm nom vô duyên quá. Này là cái trán, cái trán lại gồ lên ở mức bất bình thường. Này là đôi má, bà có mù mới bôi màu quá đen lên đôi má nàng. Nếu nhận xét và phê điểm, nhan sắc của Điệp ở dưới mức trung bình. Trung bình còn đỡ khổ. Dưới mức trung bình thì thuộc loại con gái xấu òm. Từ khi tới tuổi biết soi gương ngắm mặt, Điệp đâm ra căm thù bà mụ. Từ cái căm thù đó, Điệp căm thù lây sang bố mẹ nàng. Có lần nàng tự trách bố mẹ, rằng thì là, thà đừng đẻ ra nàng còn hơn đẻ ra mà như thế. Nhưng mọi chuyện kể như đã rồi, kết quả sau những lần chung đụng xác thịt, bố đã để trong bụng mẹ một cái thai. Rồi tới tay bà mụ nặn cái khối thịt đó ra hình thù để đủ 9 tháng 10 ngày, nàng là đứa bé lọt khỏi lòng mẹ.

 

Nỗi buồn cộng nỗi khổ bắt đầu từ lúc Điệp biết thế nào là Xấu và Đẹp. Nỗi tủi thân, và nỗi trách phận cũng bắt đầu từ lúc Điệp đã qua cái tuổi dậy thì, để mỗi năm lại cộng thêm một cái tuổi đời cho mình già hơn. Cộng vào đó, cái sợ không có chồng đã khiến Điệp lo lắng dù biết rằng lo lắng cũng vô ích chẳng giải quyết được gì.

 

Một hôm, mẹ và con ngồi nói chuyện, bà mẹ của Điệp đã khôn khéo lựa lời ướm ý hỏi dò nàng rằng:

 

“Con đã 30. Ở tuổi này là tuổi gái có chồng, trai có vợ, đấy mới hợp lý. Mẹ sở dĩ hỏi là bởi mẹ thấy con cứ như thế này mãi, mẹ đâm ra hơi lo”.

 

Điệp nhấm nhẳng trả lời:

 

“Cái việc lấy chồng, con xét ra không đủ khả năng để làm gì hơn được. Mẹ hỏi con mà mẹ quên không nhìn thẳng vào sự thực là đứa con của mẹ như thế nào hay sao”.

“Con mặc cảm. Xấu với Đẹp chưa hẳn là cái quyết định tối thượng để đàn bà con gái không có được một người chồng. Đấy, có nhiều đám cưới, mẹ thấy cô dâu và chú rể hoặc ngược lại bất cân xứng, vậy mà vẫn tổ chức đám cưới cưới nhau. Cái lúc trai gái hợp mắt phải lòng, thì trái có đắng cũng thành ngọt, quả bồ hòn méo cũng ra tròn, mọi chuyện đều như thế đấy con ạ”.

“Mẹ nói là nói trên lý thuyết. Còn thực tế, mẹ chẳng hiểu thực tế nó lại khác với lý thuyết mẹ cho là vậy. Mấy cái đám cưới như mẹ nói,  con biết chắc họ lấy nhau vì đồng tiền hoặc vì cái bằng, còn chuyện xấu đẹp và tình yêu chỉ là ngoại lệ. Trường hợp đó rất ít có cơ may ở những người đàn ông hay con gái vô điều kiện nếu họ chẳng có tiền và cũng chẳng có bằng cấp như con. Điều này thì con biết rõ hơn mẹ vì con có cơ hội tiếp xúc với xã hội và con người bên ngoài”.

 

Thấy mẹ ngồi im, Điệp lại được trớn nói tiếp:

 

“Mẹ đi chợ, mẹ muốn mua thứ gì ưng ý thì dĩ nhiên mẹ phải chọn. Không bao giờ mẹ lại chọn một quả cam mặt ngoài đã nẫu, một bó rau lá đã úa, một hộp nước xốt đã rỉ sét, vậy thì đối với những người đàn ông nhìn một người đàn bà, trước hết là họ thấy nhan sắc của người đàn bà đó như thế nào đã. Đẹp, họ bắt mắt vừa lòng thì họ mê, rồi yêu và rồi lấy. Con tự biết con không đẹp, vì thế chuyện có người tình đã là chuyện khó, chưa nói đến người đó lại là người tình, người chồng”.

“Con không nên bi quan thái quá như thế. Cái duyên cái số chưa tới đấy thôi, chứ khi tới, lúc người ta yêu nhau rồi, xấu đẹp làm gì còn đủ ý thức để so sánh, để cân nhắc. Mẹ lại nhớ đến câu bà nội con thường nói, cái nết đánh chết cái đẹp, thế thì chưa chắc cái đẹp đã đè bẹp nổi cái nết của con đâu”.

 

Cuối cùng, bà mẹ của Điệp hí hửng kết luận:

 

“Mẹ có nhờ ông Kim xem số cho con, ông ấy bảo năm nay là năm  tuổi của con tốt nhất. Ở vào cung này, duyên đẹp, phận tốt, ấy là có cưới xin gả bán chắc chắn rõ ràng rồi. Nghe ông thầy nói, mẹ hi vọng chuyện hôn nhân của con sẽ có đấy con ạ”.

 

Một ngày chủ nhật nhằm rảnh rỗi, hai mẹ con tỉ tê tâm sự ngần ấy rồi thôi. Sau đó vài tuần, Điệp nhận được thiệp cưới của một người bạn. Lẽ ra với tấm thiệp đó, Điệp sẽ rất vui khi biết bạn đã lập gia đình. Nhưng cái vui của người lại là cái buồn pha lẫn cái tủi của riêng mình. Xưa nay, tính Điệp thường không mấy thích đến những nơi ồn ào đông người, vì đã có vài lần đến những nơi ồn ào đông người như thế, Điệp thấy mình lạc lõng cô đơn, đã buồn lại còn tủi. Là bởi vì ở những nơi đó, giữa những nhan sắc của mọi người, nhan sắc của Điệp vẫn rõ ràng thua xa những người khác. Và đấy cũng là kinh nghiệm và lý do làm Điệp luôn luôn tìm đủ mọi lý do để từ chối tham dự mỗi khi có ai mời tiệc tùng. Nhưng lần này, việc từ chối xem ra quá bất tiện, vì nếu từ chối, hậu quả chắc chắn sẽ làm mất lòng bạn. Bạn lại là bạn chí thân chí thiết. Vì thế, chẳng đặng đừng, đúng cái ngày giờ ghi trên thiệp, buổi tối Điệp đã phải đến nhà hàng. Mẹ Điệp tỏ ra rất vui khi thấy Điệp nhận lời mời và đi dự buổi tối đó. Đấy có lẽ bà nghĩ rằng, sự giao thiệp rộng rãi sẽ giúp Điệp có cơ hội biết người này người kia, và trong số người gặp gỡ, may ra Điệp sẽ có được một người để mắt nhìn đến.

 

Sáu nữ cộng với 4 nam được xếp ngồi chung một cái bàn tròn. Họ đều là bạn học và bạn đồng nghiệp của cô dâu. Sáu thì 4 cô nhan sắc xem ra rất được. Còn 2, một là Điệp, một là cô bạn ngồi đối diện với Điệp thì lại rất thường. Vì thế, mấy người đàn ông con trai thường hay đá mắt, đánh lông nheo và rất hào hứng gợi chuyện với 4 cô có sắc đẹp hơn là nhìn hay nói với Điệp và cô gái có đôi mắt xếch kia. Điệp rất nhạy cảm nên chẳng khó khăn gì để nhận ra ngay điều đó. Rồi bởi cái tính nhanh chóng nhạy cảm của Điệp, Điệp thấy không vui khi phải chứng kiến cái cảnh này. Cười gượng, cười góp, chỉ là những nụ cười giả tạo bề ngoài, còn bên trong lòng Điệp, nàng héo hon và buồn tủi. Những người đàn ông thì vô tâm nên thi nhau nói. Không thể gọi là nói mà là tán mới đúng với cái nghĩa cụ thể của nó. Giữa cái vui trong bàn tiệc, Điệp bỗng cảm thấy là mình thừa. Cô gái xấu kia thì vẫn tỉnh khô, ngồi rất thản nhiên và cười góp rất thoải mái.

 

“Cô sao không ăn. Ăn đi, chứ chẳng lẽ cứ ngồi mà không ăn gì cả à”.

 

Người nói câu nói đó là lời của người đàn ông mà cái ghế của ông ta kê sát bên cạnh ghế của Điệp. Từ lúc vào nhà hàng và được chỉ định chỗ ngồi, Điệp ít khi nhìn ngang nhìn ngửa nên không mấy quan tâm đến ông khách ở bên. Khi nghe ông ta nói, Điệp mới liếc mắt qua ông ta để thấy diện mạo của người ngồi gần sát cạnh mình. Cái ông này từ lúc vào đến bây giờ thường ít nói. Khác với mấy ông kia, họ lại nói gần như cướp lời nhau để làm vui lòng  mấy người đẹp. Có ông còn đem cả thơ ra đọc để chứng tỏ ông ta là người yêu văn chương chữ nghĩa. Có ông khoe việc làm ăn hái ra tiền như lá rụng mùa thu vì ông là nhà địa ốc chuyên mua bán nhà cửa. Có ông đích thực hành nghề bác sĩ thì bi ba bi bô cái chuyện bệnh tật và cách chữa chạy theo ông phải như thế này thế nọ. Một trận địa nổ ra khẩu chiến dù trong ôn hòa nhã nhặn đôi khi vẫn được coi là căng thẳng với một chủ đích rõ ràng là phô trương, khoe khoang, để cố chiếm đoạt cảm tình của phái người đẹp. Riêng ông này, cái ông ngồi gần Điệp, thì dường như ông chọn cách đứng ở bên ngoài lằn ranh, nghe bằng tai và nhìn bằng mắt, thỉnh thoảng chốc lát mới phụ góp một nụ cười. Đấy là một người hiền dễ thương theo như Điệp nghĩ.

 

“Tôi tên Kiệt. Xin lỗi, còn cô”.

 

Theo phép lịch sự, Điệp cũng phải xưng danh khi người khác đã tự xưng danh tánh của họ ra trước.

 

“Tên tôi là Điệp”.

“Ồ. Rất hân hạnh được gặp Điệp tối nay”.

“Điệp cũng xin được nói thế với anh. Sao anh không cho chị đi lại đi một mình buồn thế.”

“Tôi đâu không muốn đưa bà xã cùng đi. Nhưng chưa có bà xã thì mình lấy đâu bà xã mà đưa đi hả chị”.

 

Câu nói hóm hỉnh của Kiệt đủ để xác nhận Kiệt vẫn còn một thân một mình. Điệp nghe và hiểu được rằng, đó là tiếng của một con chim lẻ loi đang đứng trên ngọn cây cao chót vót hót gọi bạn. Hình ảnh đó gợi cho Điệp nhớ đến con chim mà nàng thường thấy nó bay đến trong vườn cây sau nhà, đậu vắt vẻo trên một cái cành khô, chốc chốc há mỏ nhả ra một tiếng kêu nghe như than vãn. Có lúc, Điệp đã đem con chim ví với phận mình, cái khác biệt giữa chim và người tưởng chừng như giống nhau y hệt.

 

“Điệp đang nghĩ gì thế”.

 

Nghe tiếng Kiệt hỏi, Điệp giật mình. Không tiện đem cái ý nghĩ của mình mới nghĩ nói ra với Kiệt, Điệp nhanh trí bắt qua chuyện khác để trả lời:

 

“Từ đêm nay trở đi, Loan chính thức đã có người bạn đời  chung sống cùng nhau. Và cũng từ đêm nay trở đi, trong số bạn gái của Điệp lại có một người từ bỏ cuộc chơi”.

“Rồi theo vòng quay, Điệp cũng như Loan sẽ lên xe hoa về nhà chồng”.

“Và anh cũng thế nữa chứ”.

 

Lúc đầu, cả hai nói năng vừa phải chừng mực trong tính cách thận trọng giữ kẽ, đến bây giờ, có lẽ đã bắt được tình thân và tin nhau, họ chuyện trò râm ran cởi mở và đậm đà thắm thiết hơn. Nghe xong câu nói của Điệp “và anh cũng thế nữa chứ”, thì Kiệt vỡ ra một tiếng cười. Anh ta chẳng cần phải suy nghĩ nên có câu trả lời ngay:

 

“Dĩ nhiên đúng là như vậy. Ngặt một điều tôi như một con bướm bay trên những bông hoa, mà thực tình chưa có một bông hoa nào muốn cho tôi đậu xuống”.

“Có thể giản dị là”, Điệp cười trong khi đôi mắt nhìn thẳng vào mắt Kiệt. “Chỉ có thể giản dị là anh kén chọn quá kỹ đấy thôi. Chứ hoa, có khối hoa trong thế giới loài hoa mà anh”.

“Đúng và không đúng như thế đâu. Hoa quả thật có nhiều, nhưng chọn được một bông hoa hay bông hoa ưng chọn một con bướm lại là chuyện khác đấy Điệp ạ. Chuyện đó xem ra dễ mà đôi khi không dễ như mình tưởng đâu”.

 

Đánh vòng vòng như quả cầu lông của cuộc đối thoại giữa hai người tung bắt cứ thế liên tục hết chuyện xa rồi gần. Hình như đó là sợi dây vô hình cuốn chặt hai người càng lúc càng khít chặt. Trước lúc bữa tiệc  đêm tân hôn kết thúc, và sau màn cắt bánh, bánh được bưng ra bàn, đấy là lúc đã có người đứng dậy ra về. Kiệt quá giang xe của một người bạn, thấy người bạn ghé tai nhắc nhỏ, chàng biết đã tới giờ rời nhà hàng, thì Kiệt vội vã quay sang Điệp nói:

 

“Đây là số điện thoại của tôi. Hi vọng sẽ nghe thấy tiếng Điệp trên đường dây nói nếu như Điệp còn muốn nhớ đến người trong buổi tối này”.

 

Kiệt lấy một tờ “napkin” để trên mặt bàn, móc túi áo lấy cây bút, rồi ngoáy lên đó những con số. Đưa cho Điệp xong, Kiệt nghiêng người xuống phía dưới bàn, tay mò tìm cái gì đó nhưng tìm mãi vẫn không thấy.

 

“Để Điệp giúp anh. Anh muốn lấy cái gì vậy”.

 

Ngần ngừ một lúc, Kiệt mới buông một câu ngắn và cụt:

 

“Cái nạng”.

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1612
Ngày đăng: 28.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Chuột Cống - Chu Trầm Nguyên Minh
Có ghế không bàn - Thái Quang Hy
Sau Cơn Mưa Rào - Đỗ Văn An
Ngày này, năm… - Nguyễn Đạt
Đêm Mùa Hè - Nguyễn Trung Dũng
Nhân Tính - Hướng Dương
Siêu nhân bé bỏng - Quế Hương
Con Nhồng Bù Đốp - Quế Hương
giàn mướp bên kia sông - Phương Trân
Trên đường - Nguyễn Đạt
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)