Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
790
116.640.750
 
Nói chuyện với người đã chết
Nguyễn Trung Dũng

 

 

Xe cũ nhưng máy còn tốt. Chạy mà không bị nằm đường, ông cho thế là được. Một trăm ngày của bạn, ông được tang chủ mời đến dự lễ giỗ cúng tại tư gia. Mười người ngồi ở cái bàn tròn là mười người bạn chí thân của kẻ quá cố. Ông là một trong số mười người đó. Bàn thờ, ba nén nhang đã không còn đỏ, lúc đó là lúc chủ nhà hạ mâm cỗ mời khách dùng bữa ăn trưa. Vườn cây qua cửa kính ra vào, lựu với mấy quả lựu mầu huyết dụ bám cành võng xuống. Ở nụ hoa cây chanh góc sân nhà, có một con chim thân nhỏ như hột vải, bay đứng với cái mỏ nhọn và dài cắm mũi vào tâm hoa. Cánh chim vỗ nhưng không thấy cánh. Nhịp vỗ quá nhanh cho nên hai cái cánh là hai thanh kiếm múa với ánh sáng loang loáng. Loài chim có tên Mỹ là Hummingbird. Hummingbird nghe hay hay và là lạ. Thời mới qua xứ người, nhận đi bỏ báo, ông lang thang trên những con đường phố dài và vắng vẻ, gặp chim Hummingbird bay đứng, mỏ cắm vào đài hoa, ông ngạc nhiên thấy chim bay không giống những loài chim khác. Con bói cá cũng bay đứng trên ao hồ. Quan sát mồi, nhắm chính xác cá đang bơi, lúc đó hai cánh khép lại, rồi như một mũi tên bắn đi, chim bổ xuống mục tiêu đã chọn. Hummingbird không bổ xuống nhưng bay vút lên cao như một viên đạn khi mỏ đã rút khỏi tâm hoa, biến mất.

 

“Anh Toại, sao lại ngồi chống mãi đũa thế. Anh ăn đi chứ. Ăn đi”.

 Vợ Bôi đứng ở đầu bàn nheo mắt hỏi.

“Cái ông này lúc nào cũng để hồn bất phụ thể. Ông ở đâu, ngồi với ai, nghe chuyện câu trước câu sau thì y như ông ấy nhập đồng cốt rồi”.

 

Thản vừa nói vừa cười một cách tự nhiên. Ông không giận lời nói và cái cười của bạn. Bông đùa rỡn vui giữa bạn bè với nhau, từ xửa từ xưa đến nay nó đã là thói quen hay cái tật rồi. Đũa vẫn chống, ông nhìn vợ Bôi bảo:

“Chỗ quen biết, chị khỏi cần mời mọc. Cứ từ từ, tôi sẽ ăn”.

“Vâng. Anh ăn tự nhiên cho. Đừng có khách sáo anh nhé”.

 

Thản ngồi không yên chỗ, ngứa ngáy như đít quần có dận. Bằng cách này cách khác, anh ta lại tìm cơ hội để luồn lách vào câu chuyện. Hỏi:

“Lúc nãy ông ngồi nhìn ra khu vườn, vậy chớ khu vườn ngoài đó có gì mà ông nhìn hoài vậy”.

“Chẳng có gì cả. Chim Hummingbird bay đứng ở bụi cây chanh, ước gì tôi hóa thân được làm loài chim đó.”

Thản cười lên hô hố:

“Tôi ngỡ ông ước cái gì chứ chỉ ước có thế thôi thì đúng là ông điên mất rồi. Sao không ước trúng cái vé số độc đắc cho nó sướng cái thân có phải thực tế hơn không. Cả mấy chục triệu một lần sổ, nếu mà trúng thì ông tha hồ phủ phê vung vít. Mua cái nhà trên núi để ở, mua cái xe đời mới để đi, mua đủ thứ ông muốn mua, quá đã. Ước cái ước đó đi rồi nếu được, ông thí bỏ cho tôi mười ngàn đô để tôi in một cuốn truyện. Một cuốn truyện dầy như một cuốn tự điển với bìa cứng có gáy, với chữ mạ vàng, ước thế mới nên ước ông ạ. Tôi còn biết có người chí thú nuôi tờ báo như nuôi chính mình, cần một số tiền kha khá để vực cho tờ báo của ông sống, đã phải húp cháo, ăn mì gói để đứa con tinh thần không bị chết yểu, vậy mà cái ước nhỏ nhoi cũng ước chưa được. Mấy lúc sau này, tôi thấy ông dở chứng điên điên mát mát là tại làm sao vậy”.

 

Để cho bạn xỉ vả đã chán, ông vẫn chỉ ngồi cười ruồi. Nụ cười khinh mạn trên đôi môi khô nứt của ông nó co rút như một bông nhài chưa nở đã săn cánh dưới thời tiết của mùa hè oi nồng, nóng bức.

 

Bữa tiệc mãn. Khách khứa đứng dậy chào chủ nhà. Người ra chót vẫn là ông. Ở ngưỡng cửa, vợ Bôi chặn chân lên tiếng hỏi:

“Ban nẫy tôi nghe anh nói anh cần một cái xe có phải không”.

“Vâng”, ông đáp.

“Vậy sao anh không lấy cái xe của anh Bôi bỏ ngoài vườn sau nhà lại đi mua làm gì cho thêm một món tiền”.

“Giả như xe đó chị bỏ không chạy, chị bán cho tôi thì tôi mua”.

“Bán thì tôi không tính bán. Cần, anh cứ lấy mà đi. Tiền bạc chỗ bạn bè chớ nên nhắc đến”.

“Tôi không thích nhận cái gì cho không cả. Vậy trả nửa giá tiền để mọi việc được phân minh đâu đó chị nhé”.

 Vợ Bôi gật đầu: “Anh muốn thế thì thế cũng được”.

 

 

2.

 

Từ đấy về sau, ông đi cái xe của Bôi đã chạy. Xe cũ, máy móc tốt, không bị nằm đường, ông cho thế là được. Làm ca đêm, xế chiều ông mới tới hãng. Nửa khuya, ông lại từ hãng về nhà. “Freeway” 237 ông chạy như ăn cơm bữa, riết rồi quá quen. Đổ xuống trục lộ rồi, ông nhắm hướng mà xả tốc độ. Đêm tối, xe ông bám đít xe trước, xe sau bám đít xe ông, đua nhau chạy thục mạng. Sáu mươi nhăm miles, tốc độ “Maximun” ấn định trên đường cao tốc, xe ông và các xe khác buộc phải cắm đầu mà chạy. Chạy ở “freeway”, nếu chạy không quen, tim nó đập mạnh, mặt nó nóng, có khi lỏng tay lái vì hoảng, xe lúc đó giống như con bò tót hung tợn, bạ đâu húc đó. Hồi mới sang, thử xuống ”freeway” đi cho nhanh, ông thường bị những cú “sốc” như thế, hãi khiếp rồi cũnng quen. Quen, ông nhận ra đi “freeway” vẫn hơn đi đường trong. Đã mau, không buộc phải ngừng ở bảng “Stop”, đỗ ở ngã tư đợi đèn xanh cho phép chạy.

 

Một đêm rời hãng, như thường lệ, ông vào “lane” đổ xuống 237. Đoạn đường có khúc xe đuôi nối đuôi, có khúc xe thưa thớt, dù ít hay nhiều xe, kim đồng hồ chỉ tốc độ trong xe ông vẫn là con số 65 “miles” một giờ. Ông ngồi lái xe có lúc tưởng như mình đang ngồi trong một cái hộp biết chạy. Thậm chí có người còn đùa bảo, chui vào xe ngồi lái là chui vào cỗ quan tài di động giữa nhũng ngặt nghèo hiểm nguy của sự chết chóc vô phúc xẩy đến. Chỉ cần lạc tay bánh, chỉ cần ngủ quên trong khi lái, chỉ cần mắt nhắm mắt mở nhận không ra chướng ngại vật, thì rầm một cái, xe nát bấy, người bầm rập, hồn lìa khỏi xác nhanh như chớp mắt. Đêm trên đường từ hãng về nhà, ông đôi khi nghĩ ngợi nhiều điều vớ vẩn, nhiều điều đúng ra ông không nên đẩy đưa óc não đi xa như thế hơn nữa. Đêm khuya khoắt với đoạn đường dài, ghế bên cạnh ông chỉ là một cái ghế trống, một mình mình trong xe, ông không có ai nói chuyện để khỏa lấp thời gian, chính vì thế ông đã đối thoại với mình. Hỏi đáp, tự ông đặt ra câu hỏi và cũng tự ông đáp câu hỏi ông hỏi. Một cái chấm chấm khởi đầu cho cái vòng tròn thì từ điểm xuất phát, đường vòng của cái chấm bắt buộc phải quay về điểm khởi nếu ta muốn vẽ một cái vòng tròn. Tròn thật tròn hay méo đi nữa, cái chấm đó đi từ đâu cũng sẽ đến từ đó theo hình thể của nó. Ở ông, bộ óc não nằm trong hộp sọ, khởi động suy nghĩ thì đúng ra suy nghĩ đó được phát ra bằng lời nói nói với một người ngồi đối diện đã không có người đối diện, cho nên điều ông suy nghĩ đã không thoát khỏi hộp vỏ não, nó tựa như vệ tinh con thoi phóng khỏi địa cầu rồi bay vòng quanh bầu khí quyển. Ông mắc chứng ẩn ức tình cảm như loài sên co rút trong cái vỏ cứng của loài sên.

 

Đêm nay thì không. Nửa đường xe nghiến bánh trên “freeway”, ông bỗng nghe bên cạnh ông có người lên tiếng hỏi:

“Đi làm riết, cậu có bao giờ thấy nản không”.

Vẫn nhướng mắt rõi đường xe nuốt, vẫn ôm cứng tay lái bám “lane”, vẫn nhấn chân “ga” cho cây kim tốc độ ở vạch 65 qui định, ông trả lời câu hỏi của người vừa hỏi ông:

“Nản. Nản đành chịu vì không còn cách nào khác”.

Vẫn tiếp tiếng nói lọt vào tai ông: “Bị vây hãm, sao cậu không phá vòng vây mà ra. Hôm ở nhà mình, mình nghe cậu bảo cậu ước hóa thân thành con Hummingbird. Một con chim thân hình nhỏ nhắn, bay đứng hút nhị hoa, con chim như thế đó không bằng con chim hồng hộc được. Hồng hộc bay cao và xa lắm, ước mà được thì ông ở chín tầng mây, sải cánh ngàn dặm dài, sướng bằng thích”. Ông gật gù đáp: “Ước thì ước thế thôi, chứ từ ước đến được chỉ là viển vông huyễn hoặc. Ông Trang Tử nằm mơ thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy, bướm vẫn là bướm, Trang Tử vẫn là Trang Tử. Ước hay mơ chỉ là điều người ta mong được thế, thực tế lại không thế bao giờ. Chẳng qua cuộc đời mình đang sống nó nản quá, mình có tư tưởng thoát đi, mình hoang tưởng để giải thoát cái bế tắc thế thôi mà cậu”. Vẫn tiếng nói của người ngồi ghế bên cạnh ông nói: “Chấp nhận đời sống phi lý là chấp nhận số phận tầm thường mình đã sinh ra. Mình gượng gạo chấp nhận nó nhiều năm trước đây thấy đã đủ rồi. Thêm nữa để làm gì với cuộc sống bất ưng bất xứng vô nghĩa này. Bơi qua sông, bơi mỏi tay chân đuối sức rồi, muốn bơi tiếp đến bờ thì sức đã kiệt, buông cho chìm thân xác vẫn hơn là cố mà bơi. Mình lúc sống giống như người đứng giữa hai lằn đạn. Vợ con hắt hủi, người tình ngoảnh mặt quay đi. Con thú chạy chối chết trước bọn săn thú cầm súng rượt đuổi, cộng thêm một bầy chó hung dữ sủa inh ỏi bám chân, mình là con nai cùng đường chạy, đụng cửa tử là cửa mình đút đầu vào. Cửa đó người đời thường rất sợ, nhưng sợ cũng không một ai tránh khỏi đâu cậu ạ. Trước hoặc sau, con người ta đều phải bước qua cái cửa đó để nhập vào cõi khác, để rũ sạch ô uế nơi thế gian đọa đầy”.

 

Tai vẫn nghe tiếng người ngồi bên nói, mắt vẫn nhìn hướng mũi xe chạy, vầng trăng phía trước sáng vẫn sáng, đèn pha của xe cộ trên “freeway” như đom đóm bay, ông im lặng bỗng buột miệng nói như la:

“Chết. Tôi lộn đường rồi”.

“Không. Cậu không lộn đường”.

“Lộn mà. Tôi chắc chắn là lộn”.

“Thì cứ chạy chạy tới có sao đâu. Cậu nhát gan chưa gì đã quýnh”.

 

Ông ngồi ôm tay lái thấy con đường lạ và vắng bắt đầu sợ. Chạy mãi, cái vắng và lạ ở “freeway” chưa một lần ông đi càng xa càng hun hút. Kim đồng hồ báo hiệu nhiên liệu đã trụt xuống vạch ngấn gần sát chữ End. Để chạy với số săng gần cạn, xe ông bắt buộc phải táp vào “lane” an toàn bên lề đường nằm đợi. Đợi trời sáng, đợi xe tuần cảnh xa lộ, đợi xe câu câu về. Vừa đúng lúc ông nghĩ như thế, đầu máy xe khựng lại không muốn chạy. Ông thừa hiểu ống dẫn săng đã không đủ săng mồi cho động cơ chạy, hết săng thì xe phải ngừng vận hành. Đủ để cập sát vào lề lòng đường, đúng lúc xe khọt khẹt rồi im re.

“Xui thật. Hồi chiều nếu đổ đầy săng thì đâu đến nỗi”.

Có tiếng người ngồi bên ông cười.

“Cậu bận tâm làm gì ba cái chuyện lẻ tẻ đó. Cứ nằm đây đợi sáng, sáng sẽ tính sau. Bây giờ mới quá nửa đêm, bốn năm tiếng nữa mới rạng đông cậu ạ. Ta nói tiếp câu chuyện đang bỏ dở được chứ”.

“Được”. Ông xuống một từ gọn lỏn.

“Về họa, lúc này cậu có vẽ được búc nào ưng ý không”.

“Mình buông cọ rồi. Chán đến độ không còn muốn đụng tay quệt sơn nữa”.

“Sao lại vậy”.

“Chẳng sao cả. Cuộc sống nó khô và đặc quánh như một thứ nhựa mủ đã queo lại. Còn gì hứng thú nữa mà sơn phết nó lên khung vải bố vừa vô ích, vừa tầm phào bậy bạ. Xưởng tranh với tranh mình đã vẽ chẳng cần giữ lại làm gì. Xé hết, xong ném bỏ thùng rác, mình chọn cách đó để chấm dứt một việc làm vô tích sự. Cậu biết không, đời với nhiều khổ đau túng quẫn, đất nước nhiễu nhương, dân tình đói khổ, áp bức đọa đầy, đề tài lớn nhất đã không viết ra vẽ được thì họa sĩ, nhà văn, họ đứng ở đâu, đứng chỗ nào. Nói theo cách nói của A. Solzhenitsyn: “Văn chương mà không phải là hơi thở của xã hội đương thời,không dám loan truyền những đau thương sợ hãi của xã hội ấy, không kịp thời cảnh cáo những nguy hiểm đang đe dọa xã hội và đạo đức, thứ văn chương như vậy không đáng gọi tên là văn chương, nó chỉ là cái mã bên ngoài. Thứ văn chương ấy đánh mất lòng tin của quần chúng, và các tác phẩm xuất bản được dùng làm giấy lộn thay vì được đọc”. Một hôm tình cờ mình đọc câu văn đó đăng trên báo, mình giật mình đem lời của Solzhenitsyn rà sát lại mình, thấy ông ta nói đúng quá. Xé, vất, buông cọ vẽ, cũng chính vì vậy mà xé, vất, buông”.

 

 Tiếng người ngồi bên cạnh ông bỗng thở dài: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa. Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh. Vũ Hoàng Chương có câu thơ viết ra thời ông ấy sống. Hóa ra những kẻ làm thơ viết văn, cầm cọ, thảy đều mang số kiếp của bọn chân đi không chấm đất. Những kẻ lượn vòng ngoài và rong chơi bên lề cuộc sống. Những kẻ không chấp nhận cuộc đời thực tế cho nên cuộc đời và con người thủ phận đã đá họ văng khỏi cái cõi tầm thường hay chính họ đã đi lên trên cuộc đời để tìm cách thoát. Mình, phá vỡ vây khốn lúc bốn bề tứ phía, nhìn đâu cũng chỉ thấy hận thù, mình đã phải chọn cho chính mình một lối thoát. Con người sinh ra đi vào bằng cửa vào, đấy là nhập. Đi ra bằng cửa ra, đấy là xuất. Bữa đó, mình lái xe lên núi. Núi có chùa. Sâm sẩm tối, nhìn xuống sườn dốc đứng thấy những ngọn cây già, nghe bên tai chim chóc hụ hót, nghe kinh nhật tụng của các sư sãi âm vang từ nơi chánh điện, nghe mõ gõ chuông thỉnh nhịp thưa nhịp mau, mình bỗng thấy mình như một hạt bụi. Hóa kiếp sinh ra là hạt bụi, sao mình không trở về với hạt bụi để lẩn vào đất. Ý nghĩ đó khởi đầu bằng một điểm sáng nhỏ rồi cứ thế lớn mãi, cuối cùng lòa khắp óc não mình. Bấy giờ, mình quyết định đi tới cái mốc phải tới đã thấy rõ. Ở trong xe, ống thuốc ngủ đã có sẵn, hơn mười viên thuốc dốc ra bàn tay rồi tọng vô miệng, uống xong, nằm ngả người trên tựa ghế, nằm đợi giấc ngủ và mơ thấy bụi. Nơi cái ghế cậu đang ngồi, cái ghế đó mình đã ngồi và chờ buồng phổi và quả tim ngưng hoạt động. Bây giờ, trời mỗi lúc mỗi sáng. Rạng đông rồi, mình đi đây”.

 

Ông không nghe cánh cửa xe mở và đóng như khi một người xuống xe mở và đóng cửa. Biết mình suốt đêm ngồi nói chuyện với ma, ông đã không sợ mà còn tiếc hồn ma không ở lại thêm nữa. Rừng đã thấy dáng dấp ở phía xa xa. Rồi ánh nắng khởi đầu thắp lên những tia lửa đỏ ửng, vàng rồi loãng sáng mé cây cối bìa rừng. Có con quạ đen hoảng hốt khua cánh bay trên cánh đồng cúc trắng. Nhả ra tiếng quạ, quạ.

 

 

3.

 

“Tôi có thể giúp ông được chứ”.

“Chắc chắn rồi. Xe tôi hư. Tôi đang đợi để được giúp đỡ. Ông hoặc bất cứ ai qua ngả này”.

“Máy còn đề được. Kim báo nhiên liệu báo đã hết nhẵn săng. Tôi biết có trạm đổ săng cách đây khoảng 5 miles. Năm “miles” xa quá với cái xe không thể chạy được”.

“Vậy bây giờ tôi phải làm sao”.

“Ông chỉ còn cách kêu xe cẩu tới cẩu”. Ông người Mỹ râu rậm xòe bàn tay ra bắt tay ông vừa chia sẻ bằng cách lắc đầu.

 

Rừng với cây rừng kéo nhau đến sát chân núi. Bay trên ngọn, ông thấy chim đánh cánh lượn vòng. Những cái cánh mầu trắng của lông, dang rộng, thả bơi theo gió. Đó là chim hải âu. Xa dưới tầm mắt nhìn, ông nhận ra mặt biển. Gần nhất nơi xe ông nằm ụ, trải ra hai bên con đường là đồng cỏ cói và cỏ đuôi chồn. Không một bóng nhà, không cả một bóng xe qua, quanh đây là vùng đất bị bỏ quên từ nhiều năm rồi. Đợi xe cẩu đến cẩu, người Mỹ râu rậm hứa sẽ giúp ông việc này, Cú điện thoại gọi nơi “tow” xe chắc đã tới, người lái chiếc xe đi kéo xe chết dọc đuờng đã đến chỗ xe ông nằm. Ngồi ở buồng lái bên cạnh gã tài xế, hỏi dăm ba câu chuyện cho có chuyện, rồi mắt nhíu lại, ông thiếp đi.

 

 

6.2001

 

Nguyễn Trung Dũng
Số lần đọc: 1950
Ngày đăng: 01.07.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện tổ quốc moving bất thành - Đỗ Quyên
Lớp học Tiếng - Nguyễn Hồng Nhung
Án văn - Trần Văn Bạn
Kịch - Trần Thái Hưng
VIP - Minh Thuỳ
Xóm Cô Hồn - Kha Tiệm Ly
Chị của Bố - Nguyễn Hồng Nhung
Sa ngã . - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Cô Ba - Bùi Thanh Xuân
Hay mình khóc một lần cho quên hết - Thiện Phạm
Cùng một tác giả
Kẻ đầu hàng (truyện ngắn)
Tàn Theo Khói Thuốc. (truyện ngắn)
Người Tình Cô Đơn (truyện ngắn)
Dọn Chết (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Ma Ở (truyện ngắn)
Người Tình (truyện ngắn)
Nỗi Buồn Của Mẹ (truyện ngắn)
Nhan Sắc Người Tình (truyện ngắn)
Đời Xin Có Nhau (truyện ngắn)
Bức Chân Dung (truyện ngắn)
Đêm Mùa Hè (truyện ngắn)
Cái Nạng (truyện ngắn)
Để vui lòng bố (truyện ngắn)
Đôi mắt (truyện ngắn)
Con nhện (truyện ngắn)
Tiền dâm hậu thú (truyện ngắn)
Chợt thấy mùa Xuân (truyện ngắn)