Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
683
116.700.389
 
Một kỷ niệm nhỏ về nhà thơ Yến Lan
Vũ Ngọc Tiến

Tôi thuộc thế hệ con cháu, nhưng có một kỷ niệm không thể nào quên với nhà thơ Yến Lan. Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, tôi còn là cậu bé tập tọng viết văn, làm thơ. Thú thật, trong 3 đứa bạn chơi với nhau thời mặc quần lủng đít ở phố nhỏ ngoại ô Hà Nội, tôi là đứa nghèo và tự ty nhất về văn chương, nghệ thuật so với Bích (nhạc sĩ THB, đài truyền hình Tp HCM) và Thắng (nhà biên kịch, đạo diễn NTT đã chết năm 2006). Song dường như tôi lại là thằng liều lĩnh dấn thân vào nghiệp văn sớm nhất, chỉ tại tôi yêu sớm mà bạn gái của tôi, nàng CK lại là con gái út của cố họa sĩ Công Văn Chung (mất năm 2003, hưởng thọ 95 tuổi). Ông là sinh viên khóa đầu trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh…, nhưng sau này ít vẽ, chuyên chú vào nghiên cứu lịch sử mỹ thuật phương Đông. Ngôi nhà tranh vách đất của cha nàng ở ngõ Văn Chỉ, phố Bạch Mai ngập đầy sách và tranh, tượng làm tôi choáng ngợp, lao vào đọc ngấu nghiến đủ thứ chỉ để chờ dịp hầu chuyện với cha và anh nàng cho đáng mặt nam nhi, thế thôi. Dẫu thế, máu văn chương ngấm vào tôi lúc nào không biết và tôi đã viết cả 1 tập thơ tình dày dặn, liều gửi đến Nxb Văn Học. Ở thời điểm ấy, cái bút danh Vũ Liên Châu của tôi mới chỉ duy nhất 1 lần xuất hiện trên báo, nhưng tác giả thì ngộ nhận mình sắp thành “vĩ nhân” đến nơi rồi!...

 

Hồi đó, cả nước chỉ có chừng 5- 7 Nxb và Nxb Văn Học thuộc hàng lớn nhất về văn chương nước nhà. Thông thường bản thảo gửi đến không được dùng đều cho vào kho, chờ đem xay thành bột giấy. Không hiểu vì sao, sau 3 tháng phấp phỏng chờ đợi, tôi nhận được giấy báo lĩnh bưu phẩm của bưu cục Chợ Bưởi. Tôi chưa dám mở ra xem, cả ngày mân mê, đêm không sao chợp mắt được. Sáng dậy, tôi ra bưu điện lĩnh bưu phẩm về mới vỡ lẽ đó chỉ là bản thảo có bút tích của nhà thơ Yến Lan thay mặt Ban biên tập Nxb Văn Học đã dày công sửa chữa, góp ý đỏ lòe- nát bét rồi gửi trả lại cái thằng tôi ngu ngốc, bất tài. Mắt nhòa lệ, vành tai đỏ dát, tôi đọc đi đọc lại từng chữ, uống từng lời của Yến Lan, chợt hiểu ra tôi không có tài làm thơ như Thắng, dốt nhạc và kém tài vẽ tranh so với Bích. Suốt mấy tuần tôi biếng ăn, quên ngủ, phờ phạc như kẻ mất hồn. CK tìm tôi động viên: “Anh đừng vội nản. Mình phải có cái gì đó mới khiến cho nhà thơ tên tuổi trong nhóm thơ Quy Nhơn tứ kiệt (Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên) bỏ công ngồi chữa bản thảo và góp ý chân tình thế chứ…”.

 

Rồi nàng khuyên tôi thử sức trong nghiên cứu triết học và viết văn xuôi xem sao. CK lần lượt khuân đến cho tôi những chồng sách triết học, mỹ học và tác phẩm văn xuôi quý hiếm trong tủ sách đồ sộ của cha nàng. Có nàng bên cạnh làm chỗ tựa, tôi bình tĩnh đọc lại những dòng chữ đỏ nhằng nhịt của Yến Lan, kính cẩn xem ông như người thầy nghiêm khắc và bao dung, sau đó lao vào đọc ngấu nghiến hàng chồng sách của cha nàng như kẻ đói khát gặp bữa ngon, ăn đến bội thực rồi lăn kềnh ra ốm. Khỏi bệnh, tôi bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết “Gia tộc thời lọan”, lúc nào cũng như kẻ nhập đồng. Nhớ lời khuyên của nhà thơ Yến Lan, “chỉ viết những gì mình trải, mình cảm, mình nghĩ tới mức không viết không chịu được hãy cầm bút”, tôi viết về gia tộc của mình từ ngày cụ nội tôi tức cụ Đồ Nho làng Bưởi mất (1928), gia tộc phân hóa: người theo cộng sản, kẻ theo quốc gia, người đi biệt xứ... Dự kiến tiểu thuyết chia làm 5 tập, khoảng 5- 7 năm viết xong 1 tập. Như vậy, lúc hoàn thành nó tôi đã ngoài 50 tuổi, bộ tiểu thuyết đủ sức phản ánh đất nước đầy biến động trong suốt chiều dài thế kỷ XX, thông qua một gia tộc tiêu biểu của người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tôi và Bích khoái nhất là chương mô tả cuộc tranh luận về triết học giữa nhân vật Thịnh (hình mẫu của chú Thảo tôi) với giáo sư Ác-nô trường Luật Hà Nội. Viết xong 6 chương của tập I- “Những đám mây mang bão”, khoảng 150 trang chép tay khổ giấy “năm hào hai” (gần bằng cỡ giấy A4 bây giờ) thì tôi kiệt sức, lăn kềnh ra ốm, sốt cao gần 39 độ. Bí mật của tôi và nàng CK vỡ lở. Cha tôi tá hỏa vì thằng con trai giời đánh của mình mới nứt mắt đã biết yêu, lại ngộ chữ, viết truyện sặc mùi tư tưởng thực dân đế quốc, chịu ảnh hưởng nặng các triết gia và nhà văn Âu- Mỹ. Cứ đà này nó sớm vào nhà đá như bạn bè của ông mất thôi. Người đã quá nhiều đau khổ, không thể chịu đựng nổi nếu con trai mình lại gieo họa tiếp. Cha tôi đòi tịch thu, đốt sạch tất cả những gì tôi đọc, tôi viết. May mà CK còn kịp tất tưởi đạp xe hơn 10 cây số lên nhà tôi, giấu nhẹm 150 trang của tập “Những đám mây mang bão” cùng với chồng sách tham khảo năn nỉ xin cha tôi với lý do đó là tài liệu nghiên cứu quý hiếm của cha nàng. Từ đó, cha tôi sai các em canh chừng, hễ phát hiện thấy tôi còn viết gì thì mách lại để Người thu và đốt sạch trơn trong tiếng nghẹn ngào khóc nấc thằng “nghịch tử”, không giống ai trong gia tộc họ Vũ Duy làng Bưởi vốn lấy đạo Trung Dung làm lẽ sống cả đời!…

 

Năm tháng qua đi, tôi tình nguyện đi lao động khai hoang tự “cải tạo” mình, rồi may mắn được xét đi du học ở Trung Quốc, về công tác tại một cơ quan nghiên cứu khoa học Địa vật lý thăm dò địa chất và dầu khí, cũng có đôi chút tiếng tăm trong giới khoa học. Song bản thảo tập thơ có bút tích sửa chữa của nhà thơ Yến Lan và 150 trang trong tập “Những đám mây mang bão” của bộ tiểu thuyết “Gia tộc thời lọan” bỏ dở vẫn theo tôi đi khắp mọi miền đất nước. Ngỡ đó chỉ là kỷ niệm một thời nông nổi, đam mê, ngộ nhận. Nào ngờ năm 1994, sau một tai họa khủng khiếp, tôi phải bán ngôi nhà số 34 Trần Quốc Toản, đối diện với tòa sọan báo Văn Nghệ để trả nợ và lo liệu thoát khỏi vòng lao lý, người vợ cũ của tôi khi dọn nhà đã đem đốt mất 2 tập kỷ niệm thiêng liêng ấy cho rảnh nợ. Tôi về nhà biết được, đau đớn khôn tả, như người ốm lửng suốt nửa năm trời. Lạ thay, chính vì sự cố ấy, từng lời góp ý, động viên của nhà thơ Yến Lan bỗng từ xa xưa trong quá khứ vọng về, hối thúc tôi cầm bút trở lại. Tôi vất bỏ sau lưng biên chế nhà nước “tiêu chuẩn Việt- Xô”, bỏ cả danh hiệu “Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học Địa vật lý” cấp quốc gia, mặc cho hạnh phúc gia đình tan vỡ, ngồi lỳ trong căn phòng thuê lại của người quen anh Hữu Ước ở phố Trịnh Hoài Đức viết văn, viết báo. Mấy bài ký, truyện ngắn đầu tiên của tôi được các bạn văn Phan Quế, Minh Chuyên, Tô Ngọc Hiến, Đoàn Thị Lam Luyến, Lê Thị Mây, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ…ủng hộ. Hai năm sau, tôi nhận giải khuyến khích cuộc thi ký – phóng sự báo Văn Nghệ 1996- 1997 với bài ký “Câu lạc bộ các tỷ phú”. Và từ đó tôi hoàn toàn sống thanh thản, tự do bằng ngòi bút của mình, có năm nhuận bút báo xuân hàng chục triệu đồng. Đến cuộc thi ký- phóng sự năm 2002- 2003 trên báo Văn Nghệ tôi lại nhận giải nhì với lọat bài ký vãng lịch sử thời Lý, thời Trần. Cũng năm này, tôi hoàn thành bộ ba tiểu thuyết “Ba nhà cải cách”, hàm chứa khá nhiều tư tưởng triết học trong Tam giáo: Nho- Phật- Lão. Nhớ lại chuyện xưa, tôi không khỏi bồi hồi tưởng nhớ nhà thơ Yến Lan, cảm phục và biết ơn nhà thơ lão thành, biên tập viên đầy trách nhiệm. Không có ông, có lẽ tôi sẽ còn ngộ nhận, không đủ kiến thức và bút lực viết nên những trang văn xuôi hôm nay…

 

Hà Nội 2/10/2008

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3691
Ngày đăng: 05.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hỏi chuyện nghề…Nicô huyền Trang - Nguyễn Hùng
Gương hiếu người xưa - Mang Viên Long
Sao gọi là Nguỵ Quân tử? - K.Nguyên
Đất nước còn quá nhiều Vedan - Nguyễn Hữu An
Phiếm luận về Ngụy quân tử - Thí Chủ
Phần thêm của Người không mang họ - Nguyễn Hùng
Về BLao - Minh Nguyễn
Chắt chắt - ngọt ngào và cay đắng - Minh Tứ
Đà Lạt trong tôi và những điều đã mất - Đinh Thị Như Thuý
Thú câu cá lóc miền quê - Xuân Sắc
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)