Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
489
115.984.846
 
Nguyễn Bính - một áng thơ Say
Vũ Ngọc Tiến

Ngày xuân ai chăng có chút say. Trước cảnh sắc tươi non, trong hương bay ngào ngạt, ai cũng nghĩ cảnh sắc ấy, hương thơm ấy là của vũ trụ ban tặng cho riêng mình. Ngập trong lời chúc của thân quyến, bạn bè, họ tự thưởng thêm cho mình một chút say.

 

Các thi sĩ là người sống hết mình, yêu hết mình và cũng say hết mình. Kể sao cho hết những áng thơ say tự cổ chí kim của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Petofi, Hainơ, Exênhin...

 

Trong lâu dài thơ mới của các thi nhân tiền chiến, có nhiều tài thơ còn lưu lại những áng thơ say trác tuyệt, ngân rung mãi trong lòng nhiều thế hệ Việt Nam.

Thơ say của Vũ Hoàng Chương dẫu có nhiều câu tuyệt bút nhưng tôi chỉ phục mà không thích. Đó là sự say của chàng "công tử Bạc Liêu", là sự say đập phá, bất cần đời, mang màu sắc triết lý Hiện sinh quá đà:

 

"... Say đi em cho nghiêng ngả ánh đèn

Say đi em cho điên rồ xác thịt..."

 

Lưu Trọng Lư có cái say của đấng tao nhân mặc khách. Một sự say thảng đến, chợt đi trên bước giang hồ, lữ thứ. Dưới cây bút tài hoa của Lưu Trọng Lư, nó như một tiếng đờn bầu bật lên ngân vọng giữa bao la trời đất:

 

"Ước gì ta có rượu say

Sông kia bên ấy, bên này của ta

Trời cao đất rộng bao la

Hiu hiu gió sậy, la đà dặm trăng.

Một mai bên quán ngập ngừng

Quẩy theo với rượu một vừng giai nhân..."

 

Nói đến thơ Nguyễn Bính, người đời thường ghi nhớ, truyền tụng nhiều bài thơ tình bất hủ của ông: Tương tư, Cô hàng xóm, Cô lái đò, Cô hái mơ, Lửa đò, Nhớ... Có lẽ ít ai biết bài thơ Cho tôi ly nữa. Bài thơ lúc đầu đăng trên báo "Tiểu thuyết thứ Năm", sau in trong tập "Tâm hồn tôi" (NXB Nguyễn Cường, 1940). Đó là sự say của một thi sĩ lớn, một tâm hồn lớn mang nặng nỗi đau đời. Cái hay, cái độc đáo là ở tứ thơ rất hồn nhiên, tình thơ phát triển theo từng cung bậc tâm sinh lý người say sau mỗi chén rượu. Lời thơ cứ nhẹ tênh tênh theo hơi men phảng phất mà sức chuyển tải tư tưởng rất nặng, rất đằm.

 

Bước vào cuộc say, thi sĩ còn rất tỉnh. Chàng nói lỡm cô chủ quán rằng, đừng nghĩ sớm, trưa, chiều, tối chàng có mặt là mê nàng, yêu nàng. Thi sĩ nói với cô và cũng tự nhủ, mình nghèo, có tiền bao nhiêu uống bấy nhiêu thôi:

 

"Chả biết là yêu hay chả yêu

Tình cô bán rượu sớm, trưa, chiều.

Tôi ưa say lắm, nhưng nghèo lắm

Có được bao nhiêu mua bấy nhiêu."

 

Vì rất tỉnh nên chàng bảo nàng rót một ly nhỏ thôi, để chàng trốn tránh giàu sang, tìm thú vui ở thiên nhiên muôn sắc, muôn hương, muôn âm thanh kỳ  ảo:

 

"Cô bán cho tôi ly rượn nhỏ

Của người ẩn sĩ trốn giàu sang.

Tôi say mơ thấy trăm vườn cúc

Một sáng mùa xuân mở cánh vàng"

 

Khi rượn đã vào ngà ngà hơi men, thi sĩ không còn là ẩn sĩ mà thành cuồng sĩ ghét công danh, căm thói đời đen bạc, khao khát tình yêu...

 

"Hãy chuốc cho tôi ly rượu nữa

Của người cuồng sĩ ghét công danh.

Tôi say mơ thấy đời đen trắng

Bụi đỏ... Ai người đôi mắt xanh."

 

"Thư sinh bất khả tam bôi". Chén thứ ba đã làm thi sĩ say thật sự. Chàng quên mình chỉ là gã nghèo đến ở trọ Tràng An. Theo gót cụ Cao Bá Quát, chàng coi khinh tất cả, bất chấp tất cả, đặt mình trên cả vua chúa:

 

"Hãy chuốc cho tôi ly nhỏ nữa

Của người thi sĩ trọ Tràng Yên.

Tôi say mơ thấy vì tiên trích

Vua gọi mà không chịu xuống thuyền."

 

Khi đã say đến mức cùng của sự say là lúc thi sĩ khóc cười, cười khóc nhớ người yêu, nhớ đến mối tình tuyệt vọng của mình. (Có thể là với nàng Tố Uyên em gái nhà văn Nguyễn Đình Lạp ở phố Bạch Mai chăng?) Và thế là thi sĩ không tự chủ mình được nữa, uống hoài uống mãi. Không có tiền trả, nếu bị lột áo đã có "áo mùa xuân". Nhưng người say đâu có chịu rằng mình nghèo hèn. Chàng bảo chàng giàu lắm: Giàu hồn thơ - Giàu nhân ái- Giàu gió trăng - Giàu tình yêu - Giàu tình bạn... Bạc vàng nào sánh nổi sự giàu ấy của chàng? Và chàng gõ bát ca:

 

"Cho tôi ly nữa, thêm ly nữa

Uống thực say rồi nhớ cố nhân.

Rồi nếu tiền tôi không đủ trả

Lo gì, tôi có áo mùa xuân.

 

Đừng lo, cô nhé, tôi giàu lắm

Này áo khinh cừu, ngựa ngũ hoa.

Mất hết ngàn vàng tôi lại có

Cho tôi ly nữa để tôi ca."

 

Hỡi ôi ! Đến mức này đố ai ngăn được thi sĩ đừng uống. Đố ai khuyên được thi sĩ đừng say. Ước gì được cùng Nguyễn Bính say một lần giữa xuân Đinh Sửu.

 

Hà Nội, Xuân Đinh Sửu(2000)

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 4051
Ngày đăng: 06.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử tính dục : Phần 2 ( trong chương năm - tiếp theo ) Vấn đề độc chiếm - Khổng Ðức
Thơ & Thơ Huế : đôi điều về dòng thơ mặc thị - Trần Hạ Tháp
Hòa bình vĩnh cửu - Nguyễn Hữu An
Giáng Sinh 2008 : nhân vị là trọng tâm của hoà bình - Nguyễn Hữu An
Tự do trong sáng tạo và xu thế hội nhập - Hoàng Vũ Thuật
Lịch sử tính dục : Chương năm : Nữ giới - Khổng Ðức
Mầu Nhiệm Nhập Thể và lễ Giáng Sinh - Nguyễn Hữu An
Lược Sử Thi Pháp Học Việt Nam - Phạm Ngọc Hiền
Thơ – Bí mật sự sáng tạo và cái chết - Nguyễn Nhã Tiên
Đông Nam Á trong tiến trình văn minh nhân loại - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)