Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
768
116.718.090
 
Chuyện tình trên đảo Khỉ -2
Vũ Ngọc Tiến

Suốt từ lúc chứng kiến đám ma khỉ và nghe Thân kể chuyện, Tôn về phòng nằm thao thức suy nghĩ. Anh đã phác thảo trong đầu một hướng mới cho đề tài nghiên cứu. Giờ đây, đứng trước cảnh bình minh tươi đẹp, rực rỡ của đảo khỉ lòng anh xốn xang niềm vui. Một nét đẹp trong tâm hồn của Thân vừa được phát hiện, khiến trái tim anh xao xuyến. Hơi thở phập phồng và những giọt nước mắt nóng hổi đêm qua, khi Thân gục đầu vào vai anh như còn để lại hương vị ngọt ngào. Hình như Tôn đã tìm được ở Thân những gì mà Phương Trang thiều hụt. Sau cái vẻ dịu dàng, kín đáo có phần cam chịu của Thân, anh bắt gặp từ trong khóe mắt ánh lên thứ tình cảm nồng cháy, mãnh liệt.

 

Mặt trời đã nhô hẳn lên khỏi biển, tròn như vành đĩa nhuộm hồng cả khoảng trời xung quanh. Những tia nắng đầu tiên của một ngày mới trên đảo lung linh nhảy nhót trên các vòm lá. Biển chan hoà ánh sáng, chạy đuổi theo những đợt sóng hối hả xô bờ.

- Anh thức dậy đã lâu chưa? – Thân đứng sau lưng Tôn tự bao giờ, nàng hỏi.

- Lâu rồi. Anh ra ngắm cảnh bình minh trên đảo. Giá lúc nãy khi trời còn nửa mờ nửa tỏ, có Thân cùng ngắm thì thật tuyệt.

- Ở đây bình minh hay hoàng hôn đều có nét đẹp riêng. Người có tâm hồn sẽ tìm thấy trên đảo Khỉ trăm buổi bình minh hay hoàng hôn có trăm vẻ đẹp khác nhau.

- Em nói chuyện cứ như thi sĩ hay hoạ sĩ ấy.

- Thỉnh thoảng em cũng tỷ mẩn làm thơ hay vẽ tranh.

- Thật thế ư?

- Vâng. Có những lúc nỗi niềm không biết tâm sự cùng ai, em ngồi vẽ tranh hay làm thơ, “thơ con cóc” ấy mà!

 - Từ hôm ra đảo anh phát hiện ra nhiều điều về loài khỉ và cả về Thân nữa. Hôm nay thêm một phát hiện ra em là thi sĩ.

- Em đã nói rồi.Thi sĩ gì em…

- Ở đảo quanh năm suốt tháng em không thấy buồn sao?

- Buồn vui ở tại tâm mình chứ đâu tại cảnh vật. Hơn nữa, hôm đầu gặp anh trong đoàn công tác của Bộ, em đã tình nguyện xin ra đây, hết lòng với đảo.

- Thú thực anh vẫn nghĩ em chỉ bồng bột nhất thời, sớm muộn gì em cũng xin về.

- Vậy thì anh chưa hiểu hết tâm sự của người bạn gái đồng nghiệp. Em thật lòng yêu súc vật, yêu bầy khỉ. Còn  một lý do thầm kín khiến em xin ra đảo, chưa từng thổ lộ với ai.

- Thân nói đi. Em còn lý do nào khác nữa?

- Em muốn lẩn tránh ông bố dượng loạn luân. Má em chính là con dâu cả của ông ấy. Ba em đi lính cho Pháp, chết ở Tây Nguyên. Một thời gian sau thì người Pháp ký hiệp định ngừng chiến. Lúc ấy, gia đình em còn đang tá túc bên họ ngoại ở cố đô Huế. Ông bố chồng đón má con em về chung sống ở Diên Khánh rồi một đêm ông cưỡng hiếp má em. May mà giữa ông và má em không sinh thêm được người con nào, em tránh được cảnh “con ông cháu cha”. Em được học bổng đi du học ở Mỹ là do thành tích học tập chứ chẳng nhờ cậy gì đến tiền bạc và thế lực của ông ấy đâu, anh ạ! Khi về nước, gặp buổi loạn lạc, em muốn ra đảo cho quên cảnh nhà lại sợ tụi lính hải quân say rượu đến đảo làm bậy. Vì vậy, khi nghe anh gợi ý, em mừng và biết ơn anh lắm! Ra ngoài đảo, gắn bó với bầy khỉ, em chợt phát hiện chúng không bao giờ loạn luân. Khỉ con khi trưởng thành tự tách khỏi gia đình, đi cặp với khỉ cùng thế hệ. Chưa bao giờ có chuyện khỉ đực bố giao cấu với khỉ cái con hoặc khỉ con giao cấu với khỉ mẹ. Hai con khỉ khác thế hệ dù không có quan hệ máu mủ, nếu giao cấu với nhau chỉ do cưỡng  bức. Thông thường, chúng lập thành gia đình chung sống giữa những con khỉ đực, khỉ cái cùng thế hệ và khác bố mẹ. Sống với bầy thú sao em cảm thấy dễ chịu hơn sống với con người. Mỗi ngày qua đi, càng gắn bó với bầy khỉ trên đảo em càng tìm thấy niềm vui, càng say mê nghiên cứu chúng.

- Xin lỗi? Anh đã gợi lại cho em chuyện buồn. Anh không ngờ gia đình em lại có cảnh éo le như vậy. Sao má em sau lần bị cưỡng bức không bỏ đi nơi khác.

- Đi sao được nữa, hở anh. Ông ấy giàu có, còn gia đình má em ở Huế rất nghèo . Chiến tranh với người Pháp vừa ngừng, lại tiếp đến chiến tranh hai miền Nam- Bắc. Má em cam phận sống chung với ông ấy để có tiền nuôi em ăn học.

- Nhưng chẳng lẽ em cứ giam mình sống mãi ngoài đảo. Em không muốn yêu và lập gia đình hay sao?

 

Thân nghe nói, nhìn Tôn thở dài. Mắt nàng hướng ra biển, đăm đăm dõi theo một cánh buồm. Đôi mắt đen láy bất chợt quay lại, nhìn sâu vào mắt Tôn rồi lại quay đi theo tiếng thở dài. Hồi lâu Thân nói:

- Có một người đàn ông đã hớp hồn em từ buổi đầu gặp gỡ, nhưng anh đã thuộc về người khác. Có lẽ suốt đời em không tìm được người nào như anh ấy... số mệnh anh ạ! “Người ta tuổi Hợi, tuổi Mùi – Sao em phải chịu ngậm ngùi tuổi Thân”.

- Chắc anh ấy phải là một người lý tưởng. Em quen anh ta từ khi học ở Mỹ à?

- Không anh ấy rất gần mà cách xa vời vợi...

 

Thân bỏ dở câu chuyện chạy về nơi làm việc. Tôn lờ mờ hiểu ra ngưòi mà Thân thầm yêu trộm nhớ bấy lâu là ai. Anh nhìn theo vóc dáng mảnh mai của nàng khuất dần sau rặng cây và khẽ mỉm cười. Bầu trời như cao thêm, rộng ra. Gió biển ào ạt thổi, lay động cả rừng cây trên đảo Khỉ huyền bí. Sóng biển dạt dào đập vào bờ, ngân lên bản tình ca. Tôn nhớ lại buổi đầu gặp nàng và cả những lần gặp thoảng qua sau đó. Anh đã vô tình hờ hững, đã để tuột khỏi tay một mối tình nồng cháy. Giờ đây ván đã đóng thuyền. Phương Trang là người vợ tần tảo lo toan, vun vén cho gia đình. Nàng đã sinh cho anh một hoàng tử và một công chúa, đã làm hết sức mình  để vận động ông bác giúp đỡ cho anh đi Nga làm luận văn tiến sĩ. Suốt ngày Tôn đi lang thang trên đảo, quan sát sinh hoạt của bầy khỉ mà lòng cứ vẩn vơ, suy nghĩ lung tung. Tối, Tôn uống rượu và đóng kín cửa phòng cố ghìm nén tình cảm trước những đam mê, thèm muốn vừa trỗi dậy trong ngày. Nửa đêm tỉnh rượu, như có ma lực nào xui khiến, thúc giục Tôn gõ cửa phòng Thân. Trong phòng vẫn còn le lói ánh đèn. Nàng hỏi khẽ:

- Ai đó?

- Anh đây, Tôn đây, mở cửa cho anh.

- Khuya rồi anh Tôn. Anh về nghỉ giữ sức kkỏe, mai còn làm việc.

- Em vẫn thắp đèn, thức ngồi đọc sách cơ mà. Mở cửa đi em.

- Không. Anh về đi. Em van anh – Nàng khóc...

- Đừng Thân ơi! Em hãy mở cửa, anh chỉ muốn ngồi tâm sự với em một lúc thôi.

Trong phòng vẫn im lặng. Ngoài cửa Tôn vẫn kiên trì đứng đợi. Thỉnh thoảng anh lay nhẹ chốt cửa. Hồi lâu Thân thở dài, run tay kéo chốt cửa. Tôn xô vào ôm chặt lấy Thân hôn như mưa lên môi, lên mặt. Nàng cố vùng vẫy, gạt Tôn ra thì thào nói:

            - Anh Tôn! Đừng làm thế. Buông em ra không em kêu lên đây này. Tôn sượng sùng buông nàng ra, mắt nhìn trân trối hồi lâu rồi lại nhào tới, ôm chặt lấy nàng.

            - Anh yêu em, Thân ơi! Hãy hiểu cho lòng anh.

            - Buông em ra rồi ta từ từ nói chuyện, anh Tôn!... Tối nay nghe nói anh uống nhiều rượu lắm phải không?...

           

Tôn ngoan ngoãn để Thân dắt tay kéo đến bên bàn, ấn vai anh ngồi xuống ghế. Nàng lấy khăn mặt ướt lau cho Tôn tỉnh rượu, rót nước pha trà nóng bắt anh uống. Tôn ngồi thiểu não trên ghế, mắt lờ đờ, tay xoay xoay chén nước trên bàn.

- Không phải anh say rượu mà say tình, Thân ạ! Tôn lầm bầm nói, vẻ mặt đau khổ, ngây dại.

- Anh với Phương Trang lâu nay vẫn hạnh phúc chứ? – Nàng hỏi.

- Phương Trang là người vợ tốt, nhưng cô ấy có lối sống lạnh quá, lý trí quá!

- Em vừa là bạn vừa giống như người chị của Phương Trang nhiều năm nay nên em hiểu nó. Phương Trang yêu anh, sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì anh. Nó là người vợ đảm đang, chỉn chu việc nhà, giao tiếp tế nhị ngoài xã hội. Anh còn đòi hỏi Phương Trang gì hơn nữa?

            - Anh không chê cô ấy. Anh chỉ thấy đối với chồng cô ấy quá rạch ròi tách bạch mọi thứ, nó cứ lành lạnh thế nào ấy, khô khan quá!

            - Nó thừa hưởng một nền giáo dục của ba má theo phong cách văn minh Âu - Mỹ. Điều đó em biết, nhưng Phương Trang hết lòng chung thuỷ và yêu anh. Đừng phụ lòng Phương Trang, anh ạ!

            - Vậy còn Thân thì sao? Em không yêu anh, tất cả những gì anh cảm nhận là hoang tưởng?

            - Em yêu anh suốt ba năm, kể cả sau ngày đi làm phù dâu cho Phương Trang. Sau đêm cưới của Trang, em về đảo khóc ròng, khóc mừng cho nó và tủi phận mình. Em tự biết mình và hiểu  rằng anh đã lựa chọn đúng. Em không hờn trách gì anh, chỉ ngao ngán cho mối tình một phía vô vọng.

            - Trời ơi! Sao em không nói sớm. Anh yêu em, chỉ yêu có mình em thôi. Hoàn cảnh đưa đẩy anh sống gần Phương Trang rồi yêu, rồi cưới vội vàng. Giá như anh sớm cảm nhận tình yêu của em. Chung quy chỉ tại anh quá ham mê với công việc, còn em thì ở xa và kín đáo quá.

            - Không phải là trong hai chị em, anh đã lựa chọn Phương Trang từ đầu rồi sao?

            - Lựa chọn vì công việc thì có, vì tình cảm thì chưa. Trong lòng anh vẫn còn phảng phất hơi ấm bàn tay của Thân trong buổi đầu gặp gỡ, nó lại bùng lên cháy bỏng khi đêm qua em ngả vào vai anh thổn thức, thương cho vợ chồng con khỉ đực 125H. Em mới là tình yêu đích thực của anh.

            Thân bắt đầu cảm thấy mềm lòng. Nàng cố chấn tĩnh lại gần, vuốt nhẹ lên mái tóc  Tôn, an ủi.

- Dẫu sao bây giờ anh đã có một gia đình. Phương Trang là người vợ hiền, người mẹ lý tưởng. Nghe em về nhà đi nghỉ đi, khuya rồi, anh Tôn.

- Bỗng Tôn vùng dậy bế thốc Thân lên giường. Anh hôn lên khắp người của nàng. Thân lúc đầu chống cự mãnh liệt nhưng nàng mệt, mềm lòng và khuất phục...

 

Một tuần trên đảo với Tôn là chuỗi ngày mạo hiểm điên cuồng chinh phục. Thân luôn lúng túng, bị động và chống đỡ một cách gượng gạo. Nhiều lúc nàng nằm bên Tôn khóc ròng, ân hận đã xen vào hạnh phúc của Phương Trang, phá hoại tổ ấm gia đình của người bạn mà Thân coi như em gái. Đôi lúc nghe Thân khóc, Tôn cũng chạnh lòng, thoáng gợn chút băn khoăn. Nhưng Tôn lại nghĩ, đàn ông ai chẳng tham lam, khao khát chinh phục. Bầy khỉ trên đảo cũng chẳng thể hiện nam tính bằng việc đa thê, một con khỉ đực cặp với mươi mười lăm con khỉ cái cơ mà. Tôn mỉm cười và ham muốn lại trỗi dậy, thả sức trút ào lên cơ thể của Thân đang mềm nhũn dần.

 

5- Cho đến bây giờ, nằm trong nhà khách của tỉnh, mái tóc đã điểm sương, đường đời đã trải, giáo sư Vương Đại Tôn mới chịu thừa nhận với lòng mình, lúc đó ông hoàn toàn lừa gạt và giả dối. Ông không hề yêu Thân mà chỉ tìm cách chiếm đoạt. Ham muốn xác thịt đã xui khiến những lời bịa đặt, lừa mị, giả trá cứ trôi tuồn tuột trên đầu miệng lưỡi. Thân đã tin vào những lời ấy, đã mềm lòng cam chịu để ông chiếm đoạt. Nàng không hề có lỗi với Phương Trang. Điều mà bây giờ ông mới cay đắng nhận ra rằng, Phương Trang đã  nhìn thấu tâm địa của ông từ lâu, hiểu và thông cảm với Thân khi bà nói với ông: “Chị ấy tốt quá! Chị ấy quên mình, vị tha quá! Còn anh...”. Nàng bỏ lửng hai chữ “còn anh” vì có lẽ  không nỡ nói những lời thoá mạ nhân cách ông. Tôn nhớ  lại khi nghe tin Thân có mang ông đã bối rối hoảng sợ mọi việc vỡ lở, ông sẽ mất Phương Trang, mất học vị tiến sỹ, mất nhiều thứ nữa. Chính lúc đó Thân đã an ủi, động viên ông cứ an tâm, mọi hậu quả cứ để mình Thân gánh chịu. Ông nghe Thân nói không hề có chút phản ứng, đã hèn nhát chấp nhận sự hy sinh của Thân. Có lẽ vì vậy mà Phương Trang càng thêm coi thường, ngấm ngầm khinh ghét ông. Ngay cả những đứa con ông từng nuôi nấng dạy dỗ, lúc này cũng đứng về phía mẹ phán xét, chê trách cha của chúng. Trước ngày bố mẹ ra tòa ly dị, con gái ông vừa khóc vừa nói:

- Bố mẹ chia tay nhau là cần thiết, là tốt  cho cả hai người. Phận làm con không cho phép chúng con can thiệp vào tình cảm bố mẹ, lên án phê phán bố. Con muốn bố hiểu cho nỗi đau khổ, sự chịu đựng âm thầm của mẹ suốt từ lúc con vừa ra đời đến nay con đã ngoài hai mươi tuổi. Nếu là con, chắc sẽ không làm được như mẹ. Chia tay với mẹ xong, bố không nên sĩ diện với cái chức Thứ trưởng làm gì. Bố nên tìm lại bác Thân và em tạ lỗi, làm tròn bổn phận với họ

           

Đứa con trai mạnh bạo và từng trải hơn em gái, nó đã nói thẳng tuột với ông:

- Bố ạ! Nghe chuyện bố với bác Thân con rất ngạc nhiên và đau khổ. Suy đi ngẫm lại con càng kính phục mẹ, càng thương bác Thân và oán giận bố. Việc chia tay của bố mẹ chẳng còn phải bàn gì nữa. Nó giải phóng cho mẹ và giúp bố có điều kiện nối lại với bác Thân, chăm sóc em của con. Cách đây mấy tuần con đã giấu bố mẹ vào thăm bác Thân. Cho dù bố có ngăn cản hay phản đối con vẫn sẽ còn vào thăm bác Thân, tìm bằng được đứa em cùng cha khác mẹ của con. Bác ấy đã già yếu nhưng vẫn yêu nghề và trung thành với lời hứa giữ trọn bí mật cho bố. Khi được con cho biết bố mẹ sẽ chia tay, bác ấy đã khóc, ân hận vì đã  phá hoại hạnh phúc của  mẹ. Người ta đã hy sinh cả cuộc đời mình, trải thảm lên bước đường thăng tiến của bố, sao bố còn sĩ diện, chỉ viết thư vào thanh minh vì điều kiện công tác chưa thể vào thăm hai mẹ con? Cho đến tận bây giờ bố vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn chỉ biết yêu có chính mình. Bố vẫn sợ gặp lại bác Thân người ta sẽ dị nghị về chức Thứ trưởng của mình. Vì cái danh, cái chức đó mà nấn ná, dùng giằng chưa chịu làm bổn phận con người chân chính thì làm sao bố nhận được sự thông cảm của mẹ, sự kính trọng của các con?

 

Mỗi lời nói của hai đứa con như dao cứa, muối sát vào lòng giáo sư Vương Đại Tôn. Ông thực sự quỵ ngã sau phiên toà ly hôn. Nửa năm nằm trong  bệnh viện ông vẫn được bà và các con chăm sóc tận tình, chu đáo. Nhưng ông biết đó chỉ là nghĩa vụ.  Đêm đêm, ông bị những cơn ác mộng dày vò. Có lúc ông mơ mình biến thành con khỉ chúa hung bạo và dâm dục trên đảo Khỉ, bị Thân và Phương Trang cầm gậy xua đuổi, bị các con ông ném đá chửi rủa. Ông đã viết đơn xin từ chức Thứ trưởng vì lý do sức khoẻ, nhưng tổ chức vẫn tế nhị đợi đến đợt trong bộ sắp xếp lại nhân sự mới giải quyết.Tuy vậy, khi nhận quyết định về hưu ông vẫn thấy hụt hẫng, buồn tê tái. Ông đã mất tất cả.

 

6- Bà Thân từ bờ biển tâp thể dục dưỡng sinh trở về phòng thấy người phấn chấn, tinh thần sảng khoái. Mấy năm gần đây căn bệnh thấp khớp theo hành bà. Có lúc bệnh chạy vào tim tưởng chết. Nhờ con trai mang tái liệu luyện tập khí công ở thành phố Hồ Chí Minh về, hướng dẫn bà luyện tập nên bệnh đã thuyên giảm đôi phần. Nó sắp tốt nghiệp đại học kinh tế quốc dân, giỏi tiếng Anh, tiếng Nhật nên có khả năng nhận được học bổng đi tu nghiệp ở TOKYO. Tội nghiệp thằng bé, không lúc nào nguôi nhớ mẹ. Nó định từ chối đi du học để ở nhà chăm sóc mẹ già. Bà Thân muốn an lòng con đã dày công luyện tập các bài hướng dẫn luyện khí công của Ấn Độ mà con trai sưu tầm  qua một vị cao tăng trong hội phật giáo thành phố. Điều thú vị là nhiều con khỉ già trên đảo cũng bắt chước các động tác của bà Thân lâu dần thành thói quen, sáng sáng người và khỉ luyện tập trên bờ biển thật hào hứng và vui nhộn.

 

Đảo Khỉ nay không còn là tài sản của viện nghiên cứu. Cơ chế thị trường sôi động nhịp sống thành phố biển, tràn cả ra đảo. Suốt nhiều năm liền đảo không được quan tâm đầu tư, đời sống cán bộ công nhân trên đảo quá thấp nên những công nhân lành nghề, giàu kinh nghiệm, theo bà từ ngày đầu ra đảo cứ lần lượt bỏ về đất liền. Số công nhân mới làm ăn chểnh mảng, tắc trách và luôn rình thời cơ bà ốm hoặc đi vắng là bắt trộm khỉ bán cho các nhà nấu cao khỉ hoặc xuất lậu qua biên giới phía Bắc. Một mình bà Thân dẫu trăm tay nghìn mắt cũng không thể quán xuyến, chèo chống cho đảo Khỉ  tránh khỏi cơn lốc của kinh tế thị trường. Một hãng nước ngoài có cơ sở kinh doanh ở Nha Trang đã thương lượng với ngành chủ quản, mua lại toàn bộ tài sản của viện nghiên cứu trên đảo. Lúc đầu bà Thân không tránh khỏi choáng váng, buồn tủi, nghĩ mình sẽ phải rời xa đảo, xa bầy khỉ. Nhưng họ đã sớm phát hiện ra bà chính là tài sản vô giá, lâu nay như kho vàng đắp chiếu giữa biển cả mênh mông. Họ tha thiết đề nghị bà ở lại hợp tác. Bà Thân được ông chủ hãng nước ngoài mời đi tham quan một số cơ sở nuôi khỉ của nước ngoài. Bà được toàn quyền chỉ đạo mọi công việc trên đảo Khỉ, được trả lương hậu, một ngàn Mỹ kim một tháng cho lương giám đốc đảo.

 

Có thu nhập cao, bà Thân rất an tâm vì có điều kiện chu cấp đầy đủ cho con trai học tập ở thành phố Hố Chí Minh. Nó là ước mơ, là niềm an ủi, động viên duy nhất trong cuộc đời cô đơn, bất hạnh của bà. Điều khiến bà Thân say sưa làm việc, dốc toàn tâm sức và kinh nghiệm vào sự nghiệp cuối đời của mình còn vì ông chủ hãng luôn tôn trọng, ủng hộ sáng kiến của bà. Khu vực nuôi khỉ giờ đây theo giấy phép của Nhà nước đã mở rộng thành ba đảo: Một đảo chuyên nuôi khỉ vàng là loại động vật quý, có trong sách đỏ của thế giới, giá xuất khẩu một con có lúc lên tới gần hai ngàn Mỹ kim. Một đảo chuyên nuôi khỉ sư tử là loại khỉ to lớn, có nhiều đặc tính sinh lý giống con người. Loại khỉ này chuyên dùng cho các thí nghiệm y học và bà Thân đã kiến nghị hội đồng quản trị phải ưu tiên cung cấp trong nước với giá thấp bằng nửa giá xuất khẩu. Đảo thứ ba, theo sáng kiến của bà Thân, người ta đã chọn ra trên đảo một số con khỉ đã miễn dịch, được huấn luyện tốt để xây dựng một điểm du lịch sinh thái trên biển.

 

Việc làm ăn trên đảo Khỉ từ khi có đầu tư của nước ngoài mỗi ngày thêm phát đạt. Nhiều lúc âu yếm chơi đùa với các chú khỉ con, bà Thân lại bần thần nhớ ngày bàn giao bầy khỉ trên đảo cho hãng nước ngoài. Những con khỉ khôn ranh như có giác quan thứ sáu. Chúng nhìn thấy hết đoàn này đến đoàn khác ồn ào ra đảo và linh cảm sẽ có sự thay thầy đổi chủ, nên cố tình lẩn trốn trong rừng, không chịu ra điểm danh mỗi bữa ăn. Con số bàn giao trên sổ sách luôn sai lệch với số khỉ điểm danh trên đảo rất lớn nên ông chủ hãng kiên quyết không chịu nhận bàn giao. Mọi người cảm thấy bất lực, chỉ còn biết chờ đợi sáng kiến của bà Thân. Chính vào lúc đó, bà Thân nhớ lại kỷ niệm đau xót về mối tình với giáo sư Vương Đại Tôn. Nếu không có đám ma khỉ vào cái đêm hôm ấy xui khiến bà gục đầu vào vai ông Tôn, có lẽ cuộc đời của bà rẽ sang ngả khác. Con khỉ đưc 125H giờ đây cũng đã theo vợ gửi hồn gửi xác trong hang đá trên đỉnh núi. Ông lão chia cơm cho bầy khỉ, người đỡ đầu bất đắc dĩ của con trai bà cũng đã qua đời. Theo nguyện vọng của ông, người ta mai táng ông gần hang đá có tên là “Hang Hồn Khỉ”. Con trai bà lần nào về thăm mẹ nó cũng lên đó thắp nhang. Nó bảo, cứ mỗi lần lên đó thắp nhang về là đêm nó mơ thấy ông lão dắt nó lên “Hang Hồn Khỉ”, xem đám ma của gia đình khỉ đực năm nào. Nó hỏi gì ông lão cũng lắc đầu, im lặng. Bà Thân quyết định tắm gội, ăn chay bẩy ngày rồi lên hang đá trên đỉnh núi thắp nhang. Bà cầu khấn ông lão chia cơm và những linh hồn khỉ trên hang đá, nếu có linh thiêng hãy về nhắn nhủ bầy khỉ trên đảo ra điểm danh. Bà thề với chúng, dù đảo có thay thầy đổi chủ vẫn sẽ suốt đời ở lại đảo, gắn bó với bầy khỉ chia ngọt, xẻ bùi. Sớm hôm sau, bà Thân tự tay đi khắp các lối mòn gõ kẻng, gọi bầy khỉ vào giờ ăn. Không hiểu vì hồn ma khỉ về bảo ban, nhắc nhở hay vì thương bà thân già lọ mọ leo núi gõ kẻng, lũ khỉ rủ nhau ra điểm danh không sót một con...

 

Kể từ buổi bàn giao đầy màu sắc huyền thoại, mối tình bao nhiêu năm đào sâu chôn chặt dưới đáy lòng bỗng nhiên khơi dậy. Hình ảnh giáo sư Vương Đại Tôn đôi lúc thoáng hiện lên ám ảnh tâm trí khiến bà Thân bồn chồn, đứng ngồi không yên. Bà có linh cảm ông Tôn đang gặp nạn hay gặp chuyện chẳng lành. Bao nhiêu nỗi hờn giận tan biến, bà chỉ thấy thương ông với tất cả niềm bao dung, vị tha của người vợ bị bỏ rơi. Nhưng bà không thể thổ lộ cùng ai. Đêm đêm, nước mắt bà trào ra ướt gối. Với con trai, bà không muốn làm xáo trộn niềm tin vào cuộc đời, trong tâm hồn trong trắng của nó. Bà muốn nó chỉ tin vào một người cha mà nó dự định trước khi lên đường đi du học ở TOKYO, sẽ về Khánh Vĩnh thăm quê nội. Với Phương Trang, bà đã ân hận nhiều năm, càng không thể làm tổn thương hạnh phúc của người bạn gái cùng quê...

 

Giữa lúc đó con trai của Phương Trang vào Nha Trang và ra đảo tìm bà Thân. Nó ôm bà khóc lóc, đau khổ, muốn gặp mặt đứa em cùng cha khác mẹ. Nó báo tin bố mẹ sắp sửa ra toà ly hôn, ông Tôn đang ốm nặng, nằm ở bệnh viện Hữu Nghị. Trong lòng bà Thân dâng lên niềm xót xa, ân hận vì có tội với mẹ con Phương Trang và cảm thấy thương ông Tôn vô hạn. Nhưng nghe theo lời cầu xin nó, ra thăm ông Tôn ở Hà Nội thì bà không thể...

 

Thường ngày sau giờ tập khí công buổi sáng bà Thân hay xem sách hoặc làm mấy vần thơ Đường luật dãi bày tâm sự lúc tuổi già. Sáng nay, bà thấy thảng thốt, đứng ngồi không yên. Hơn nữa mấy con khỉ mà bà thương quý nhất, sau giờ tập cứ lẵng nhẵng chạy theo, nhảy múa xung quanh là điềm báo bà sẽ có khách. Bà vẫn tin loài khỉ có giác quan thứ sáu. Lòng bà hồi hộp, ruột gan thấy bồn chồn. Vừa lúc đó, cô thư ký người ngoại quốc vào lễ phép báo tin bà giám đốc đảo Khỉ có khách.

 

Bà Thân theo cô thư ký lên văn phòng nhận ra ông Tôn đang ngồi đợi. Nom ông già và xấu đi so với những lần bà nhìn thấy trên ti vi. Tay ông run run chìa ra phía trước, nét mặt buồn rầu, tủi hổ khiến bà Thân không cầm được lòng, chạy xô đến nắm bàn tay, dìu ông ngồi xuống ghế.

- Em có khoẻ không? – Ông lắp bắp hỏi.

- Cám ơn anh! Em khoẻ. Anh mới vô?

- Anh vào Nha Trang hôm qua. Sáng nay mới có tàu đưa anh thăm đảo. Nhìn cơ ngơi khang trang và nghe nhiều tin về sự đổi mới của đảo Khỉ, anh thấy mừng cho em.

- Cũng may nhờ có đầu tư nước ngoài. Em chỉ là ngưòi làm thuê thôi anh ạ!

- Con chúng mình giờ đi học hay đi làm?

- Nó sắp nhận được học bổng tu nghiệp thêm ở nước ngoài.

- Cảm ơn em đã nuôi nấng dạy dỗ nó lên người. Thật lòng anh cứ nghĩ em đã phá thai nên vô tâm, thiếu trách nhiệm với con.

-Thôi bỏ đi, anh ạ! Em không hờn trách gì anh. Tại em ngoan cố giữ lại giọt máu cuả anh. Anh đừng tự dằn vặt mình sẽ không có lợi cho sức khoẻ. Em nghe anh bị bệnh, phải nằm viện vì chuyện gia đình cũng buồn lắm! Cái việc phải trả giá, chúng ta đã trả rồi. Nên vui lòng chấp nhận và sống thanh thản lúc tuổi già.

- Làm sao có thể sống thanh thản khi em không chịu trả lời những lá thư viết từ giường bệnh của anh?

- Anh nên tự hiểu là em không thể.

- Nhưng còn con chúng ta?... Nó cần biết cha thực sự của nó là ai. Anh cần được gặp nó và anh muốn làm một chút gì cho nó, dù có muộn mằn.

- Điều đó không nên, chưa cần thiết.

- Vì sao vậy?

- Em không muốn làm xáo động đột ngột đời sống của nó.

- Vậy anh sẽ phải đợi đến bao giờ?

- Đành phải kiên trì mà đợi thôi, anh Tôn ạ! Hãy để vòng quay của số mệnh an bài cho ngày cha con gặp nhau. Em cầu chúc cho ngày ấy mau đến, nhưng bây giờ thì chưa thể. Anh hiểu cho lòng em có muốn vậy đâu.

- Anh đã mất hết, mất tất cả. Giờ đây hy vọng gặp con chuộc lỗi với nó cũng mất nốt sao?

- Những gì anh có sẽ chẳng bao giờ mất. Hãy tin là như vậy, anh Tôn ạ! Chỉ đáng buồn là cái quý nhất, cần có ở  một con ngưòi là tình yêu thì anh chưa hề có, nên cũng chưa hề mất nó. Điều này phải đành chấp nhận, anh đừng quá thất vọng. Quanh anh vẫn  luôn nồng ấm một tình thương của Phương Trang, của em và của các con, thế chẳng đủ làm anh khuây khỏa hay sao?...

 

Giáo sư Vương Đại Tôn rời đảo nặng trĩu u buồn. Bà Thân đưa tiễn ông ra bến, thương ông mắt lưng tròng. Đứng trên cầu tàu, ông Tôn chợt nhìn thấy con khỉ chúa từ trên đỉnh núi rẽ cây ào ào đi xuống.Tiếng hú của nó vọng vào vách núi, lan theo gợn sóng con tàu đưa ông rời bến. Về đến khách sạn, ông nhận được điện của con trai báo tin vợ cùng các con sẽ vào thăm đảo Khỉ. Lòng ông nôn nao chờ đợi và hy vọng.

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3985
Ngày đăng: 16.08.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuống rún thiên thần - Bích Ngân
Lái gà - Lê Xuân Quang
Chưa kịp bình minh - Triệu Từ Truyền
Như là cổ tích - Nguyễn Một *
Xí bệt , xí xổm - Thai Sắc
Cô gái gọi mặt trời - Hồ Tĩnh Tâm
Chia đôi - Trần Huyền Trang
Kẻ phá thối - Lê Xuân Quang
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Tạm biệt quán Con nai vàng - Nguyễn Hồ
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)