Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
804
116.688.507
 
Tôi viết “Khói mây Yên Tử ”
Vũ Ngọc Tiến

(Tham luận tại Hội thảo về Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử  6/2001)

 

Lời tác giả: Tháng 6/2001, hiệp hội các tổ chức UNESCO tại VN tổ chức cuộc hội thảo về Thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử. Ông Trần Quán, GĐ Trung tâm UNESCO Phật học, họa sĩ Trịnh Văn và một vài vị trong Ban tổ chức gợi ý tôi đọc tham luận này. Gần đây, nhân vụ sao chép cuốn Quân sư Đào Duy Từ vừa xảy ra, tôi nhận được nhiều thư bạn viết, bạn đọc muốn tôi nói rõ thêm về cả 3 phần trong bộ tiểu thuyết “Ba nhà cải cách”(cuốn Quân sư Đòa Duy Từ thuộc phần III). Vì vậy tôi công bố tiếp bản tham luận này và xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến những ai đã quan tâm gửi thư đến tác giả.

                                                                        *

                                                                     *    *

Kính thưa chư vị sư tăng,

Thưa các quý ông quý bà,

Nhân loại vừa trải qua thế kỷ XX đầy biến động. Số phận lại đã đẩy dân tộc Việt Nam vào những nấc thang tột cùng của sự biến động đó. Năm nay, năm Tân Tỵ, thoắt rồi sẽ đến năm Ất Dậu (2005). Ngẫm theo Chu Dịch thì tròn một hoa giáp ấy (1945 – 2005), dân tộc Việt Nam bị cuốn hút vào một chu kỳ biến động long trời lở đất, ắt rồi sẽ tạo lập một thế cân bằng mới, một hoa giáp mới (60 năm) của hoà bình, thịnh vượng và phát triển. ( Khi nghiên cứu Chu dịch, tôi quan niệm rằng, từ 1885- 1945, sau Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1883) là hoa giáp nô lệ, mất nước; 1945- 2005 là hoa giáp lọan âm lọan dương, tất sang năm 2005 hoặc sau đó vài ba năm, theo luật Chu dịch, sẽ có thể có yếu tố nào đó mà tôi chưa biết đưa Việt Nam vào quỹ đạo hoa giáp của thịnh vượng và phát triển. Dịch học cho phép dự báo xa là vậy.) Theo đà của sự biến dịch gần 60 năm qua, thân phận mỗi người dân Việt Nam đều có biết bao xáo trộn, và đời sống tâm linh không khỏi có lúc vọng động, bất an. Riêng tôi, mỗi khi tâm mình bất an, tôi thường hướng về Yên Tử, lòng tự hỏi lòng, trong một hoa giáp (60 năm) buổi sơ Trần vào thế kỷ XIII, cái gì đã làm nên sức mạnh cho dân tộc Việt? Phải chăng những giáo lý uyên thâm của Trúc Lâm tam tổ, của những vị vua và đại thần sáng nghiệp triều Trần đã là cội nguồn sức mạnh từ trong sâu thẳm của tâm linh mỗi người dân nước Đại Việt thủa xưa ? Những câu hỏi ấy từ lâu đã thôi thúc tôi đi tìm trong nền “văn hoá ký ức” những tinh hoa tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm. Thật bất ngờ, càng đi vào cõi giới thiền định, tôi càng bị hút hồn bởi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hoá ra, loài người trong thế kỷ văn minh đang quay về những niềm hy vọng muôn thủa mà vua Trần Thái Tông đã từng bàn xét đến trong triết học của Thiền phái Trúc Lâm. Trong cuốn sách “Hy vọng mới về sự thay đổi thế giới” (1951), nhà triết học lừng danh của thế kỷ XX là Bertrand Russell đã viết: “Nhân loại vĩnh viễn thắc mắc về 3 sự xung đột căn bản, một là đối với thiên nhiên, hai là đối với người xung quanh, ba là đối với chính mình. Ba vấn đề ấy có thể đại khái quy về: con người thiên nhiên, con người xã hội và con người tâm linh.” Điều này từ thế kỷ XIII, khi chắt lọc tinh hoa Tam giáo (Nho, Phật, Lão), vua Trần Thái Tông đã phát hiện ra: Lão giáo bàn sâu về mối quan hệ giữa người và vũ trụ, Nho giáo bàn sâu về mối quan hệ giữa người với người trong toàn cõi nhân sinh, Phật giáo bàn sâu về mối quan hệ đa phức trong tâm thức mỗi người. Ngài đã thâu tóm những tinh hoa ấy vào trong triết học Thiền phái Trúc Lâm và bảo rằng:

Vi minh nhân vong phân Tam giáo

Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm

Nghĩa là:

Chưa sáng tỏ người ta lầm phân biệt ba giáo khác nhau

Hiểu thấu triệt thì cùng giác ngộ: chỉ có một Tâm

Từ cái tuệ giác minh mẫn phi phàm ấy, Ngài đã thống nhất Tam giáo vào trong một chữ Tâm và khởi xướng thuyết “Tu trong một kiếp”, nghĩa là xuất thế, thoát tục, “đốn ngộ thành Phật” rồi sẽ trở lại nhập thế, giáo hoá muôn người, kiến tạo thế giới đại đồng, kiêm ái, tương lợi. Tư tưởng này phải chăng có căn nguyên từ sự phát triển Phật học Thiền tông ở Việt Nam trong các thế kỷ trước đó? Phải chăng Phật giáo Thiền tông đến độ phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIII với phương châm “nhập thế”  đã là nền tảng tư tưởng cho các nhân vật kiệt xuất đời Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thủ Độ, Chu Bác Lãm, Lê Tần, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải ... ? Phải chăng xuất thế, đốn ngộ thành Phật rồi nhập thế, độ dân cứu khổ chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt đánh thắng giặc Mông – Thát ? ... Bao nhiêu câu hỏi cứ ám ảnh tâm thức tôi, giục tôi cầm bút viết cuốn tiểu thuyết “Khói mây Yên Tử”. Hôm nay, tại nơi địa linh Yên Tử, tôi xin tham góp thêm đôi điều về Phật học Thiền tông và Thiền phái Trúc Lâm qua các chương hồi của cuốn tiểu thuyết mà tôi tâm đắc.

 

I. Bối cảnh lịch sử và cơ sở Phật học của tiểu thuyết

 

Lịch sử đã từng xác nhận Phật học vào Việt Nam trước Trung Quốc chứ không phải ngược lại như nhiều người lầm tưởng. Pháp sư Đàm Thiên trả lời vua Cao Tổ nhà Tuỳ (Trung Quốc) rằng: "Cõi Giao Châu có đường thông sang Tây Trúc gần hơn ta. Khi Phật giáo chưa du nhập vào đất Giang Đông vùng Hoa Hạ, thì ở cõi ấy đã xây được 20 ngọn tháp, độ hơn 500 tăng sĩ, dịch được 15 bộ kinh rồi." Thời Bắc thuộc, nhà Đường đô hộ nước ta, đã có nhiều vị sư tăng từ Giao Châu sang tận cung vua nhà Đường giảng dạy kinh Phật. Lê Quí Đôn trong sách Thiền Dật có ghi lại bài thơ của thi sĩ đời Đường là Dương Cự Nguyên viết khi tiễn biệt pháp sư Phụng Đình rời Tràng An trở về quê Nam Việt:

Cố hương Nam Việt ngoại

Vạn lý bạch vân phong

Kinh luân từ thiên khứ

Hương hoa nhập hải phùng

Lộ đào thanh phạm triệt

Thần các hoá thành trùng

Tâm đáo Tràng An mạch

Giao Châu hậu dạ chung

Dịch là:

Quê nhà ngoài Nam Việt

Muôn dặm núi trắng mây

Kinh luân rời Trung Quốc

Hương hoa nhập biển khơi

Sóng biếc còn in dấu

Lầu trai lại hoá thành

Trường An mạch sầu nặng

Giao Châu chuông đêm thâu

Đời Võ Hậu nhà Đường (năm 685), thi sĩ Trầm Thuyên Kỳ đã từng lặn lội đến đất Thanh Hoá (Cửu Chân) để yết kiến Vô Ngại Thượng Nhân ở chùa Sơn Tĩnh, tự nhận mình là đệ tử của Ngài. Lúc về nước, thi sĩ còn để lại bài thơ dài tỏ lòng hâm mộ, kính phục sư phụ. Bốn câu mở đầu như sau:

Đại sĩ sinh Thiên Trúc

Phân thân hoá Nhật Nam

Nhân trung xuất phiền não

Sơn hạ tức Già Lam

dịch là:

Phật xưa sinh ở Tây Thiên

Mà nay xuất hiện tại miền Nhật Nam  

Thoát vòng phiền não cõi phàm

Thảnh thơi dưới núi Già Lam một toà.

Một vài cứ liệu lịch sử vừa nêu đủ cho thấy Phật giáo ở Việt Nam có từ rất sớm và ảnh hưởng khá mạnh đến sự ra đời và phát triển các Phật phái Đại Thừa ở Trung Quốc. Ngay như vấn đề tông phái Phật giáo, có nhiều học giả phương Tây lầm lẫn cho Thiền tông là sản phẩm riêng đặc sắc của Phật giáo Trung Hoa. Thật ra, vào đời Đường, khi Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh thì tông phái Duy Thức hay Du Già (Vijnanavala hay Yogacara) lấy triết học "Tam luận tông" hay "Trung quan" của Long thọ Bồ tát (Nagarjuna) làm nền tảng tư tưởng, mới là tông phái được Huyền Trang say mê, dụng công truyền bá vào Trung Quốc. Sau này, tông phái ấy phát triển theo 2 nhánh: Nghiêm hoa tông và Thiên thai tông, chủ yếu ở miền Hoa Bắc và Hoa Trung. Khu vực Hoa Nam (Trung Quốc) chịu ảnh hưởng khá mạnh của Phật giáo Đại Việt và vì thế, thiền tông có ở Đại Việt trước, sau mới truyền vào Hoa Nam và phát triển lên một trình độ mới về triết học "Chân Không", cô đúc trong "Pháp bảo đàn kinh" của đại sư Huệ Năng (năm 520). Thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam kể từ khi vua Trần Nhân Tông sáng lập ra trên núi Yên Tử vào cuối thế kỷ XIII đến nay đã trải 3 vị tổ. Tuy nhiên nếu xét đến lịch sử của các tông phái thì Phật học Thiền tông ở Việt Nam có vị tổ đầu tiên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi người Ấn Độ, vào Việt Nam khoảng từ năm 569 đến 582, trụ trì và giảng dạy Phật pháp tại chùa Pháp Vân. Kế tục và phát triển tư tưởng Thiền tông ở Việt Nam vào thời Bắc thuộc là sư Pháp Hiền rồi đến 2 vị pháp sư nổi tiếng Duy Giám và Vô Ngại Thượng Nhân đều ở đất  Thanh - Nghệ (Cửu Chân), và đến thế kỷ X sang đầu thế kỷ XI (932 -1011) là sư Ngô Chân Lưu tức Khuông Việt đại sư (triều Đinh) và sư Vạn Hạnh (triều Lý). Sách "Đại Nam thiền uyển tập lục" viết: "Sau khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch, Pháp Hiền vào Từ Sơn tập định. Thân hình như cây khô, vật ngã đều quên, giống chim bay đến thân mật, loài thú rừng quấn quít... Người bấy giờ mộ tiếng đến học đông không kể xiết. Ngài bèn dựng chùa dạy học, cư tăng lúc nào cũng hơn 300 người. Thiền tông phương Nam bấy giờ thịnh nhất". Muốn cho tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm bao trùm, toả sáng lên mọi suy nghĩ và hành động của các nhân vật kiệt xuất buổi sơ Trần, tác giả cảm thấy quốc sư chùa Phù Vân - Yên Tử thời đó chưa đủ tầm lãnh sứ mạng này. Vả chăng trong lịch sử, quốc sư chùa Phù Vân được mô tả rất mờ nhạt, lai lịch cũng chưa rõ ràng, vì vậy thay vào đó, tác giả đã xây dựng nên nhân vật Minh Luân đại sư. Để đúc rút kinh nghiệm từ các bài học lịch sử trong suốt 500 năm cuối của thiên niên kỷ thứ nhất, giúp cho Trần Thủ Độ và Trần Thái Tông thực hành cải cách, chấn hưng Đại Việt, nhân vật Minh Luân đại sư xuất hiện với tư cách là đại biểu cho tầng lớp thức giả dân gian, đứng ngoài lịch sử để quan sát và phán xét các nhân vật và sự kiện lịch sử. Mặt khác, Ngài là sự kết đọng mọi tinh hoa của Phật học Thiền tông Việt Nam qua nhiều thế kỷ, tác động trực tiếp vào việc hình thành nền tảng tư tưởng của các nhân vật kiệt xuất suốt 50 năm buổi sơ Trần như Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông, Chu Bác Lãm, Lê Tần ... Vậy nên Ngài vừa như có lại vừa như không có thật. Từ trong cõi giới vô hình, Ngài bước ra gỡ bỏ cái "vô minh" cho từng nhân vật của thiên tình sử bi tráng, rồi lại lặng lẽ trở về cõi giới vô hình, vô tướng. Xét về mặt triết học thì tư tưởng Thiền tông khá gần với triết học Lão Tử khi bàn về bản thể của vũ trụ, của con người. Tuy nhiên, về mặt triết lý nhân sinh của kẻ tu hành theo Thiền phái lại không giống Lão - Trang hay Mặc Tử, mà họ quan niệm xuất thế "đốn ngộ thành Phật" rồi sẽ trở lại nhập thế giúp đời, giáo hoá và giải thoát cho muôn người. Vậy nên nhân vật Minh Luân đại sư trong "Khói mây Yên Tử " quan niệm: trong các đạo hạnh của kẻ tu hành thì hạnh "tự giác - giác tha" là quan trọng nhất bởi có hạnh vô ngã, hạnh tinh tấn mà không quay nhìn vào cõi đời phàm tục dưới chân núi để giáo hoá kẻ khác phỏng có ích gì? Trong 6 nguyên tắc ứng xử của phép Lục hoà thì Ngài lại quan niệm thân hoà là quan trọng nhất. Có thân hoà sẽ có khẩu hoà, ý hoà, kiến hoà, giới hoà, lợi hoà. Phải chăng những tư tưởng và nguyên tắc hành xử ấy đã giúp cho Thủ Độ, Thái Tông giác ngộ và đoàn kết toàn dân thành một khối vững chắc để kiến quốc và giữ yên bờ cõi? Có thể nói nhân vật Minh Luân đại sư là sự chuẩn bị cho Trần Thái Tông viết "Khoá hư lục" và xa hơn nữa là sự chuẩn bị toàn diện cho vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm. Nếu không có nhân vật Minh Luân đại sư nghĩa là đã bỏ qua 6000 năm (từ thế kỷ VI – XII) phát triển rực rỡ của Phật giáo Thiền tông ở Việt Nam, cũng sẽ không giải thích được sự ra đời vào thế kỷ XIII của Thiền phái Trúc Lâm bất tử.

 

II. Những thông điệp tác giả nhắn gửi đến bạn đọc qua cuốn sách

 

Cuốn tiểu thuyết “Khói mây Yên Tử” (phần II của “Ba nhà cải cách”) kết cấu gọn trong 12 hồi, trong đó hồi thứ 9 tác giả để cho Minh Luân đại sư tịch và hoá Phật. (Tôi ưa con số 12 là chu kỳ vận động của trời đất và vận số con người, nhất là sau cuốn 12 Con Giáp, 2 phần khác trong bộ  tiểu thuyết lịch sử “Ba nhà cải cách” của tôi cũng đều 12 chương..)  Tuy nhiên, dấu ấn tư tưởng của Ngài đã khắc đậm trong cả 12 hồi của tiểu thuyết, đặc biệt ở hồi 1, hồi 9 và hồi 12. Toàn bộ hình ảnh của Ngài là nhằm đề cao Thiền phái Trúc Lâm và các vua, đại thần sáng nghiệp triều Trần.

v      Cuộc hội kiến giữa tam kiệt họ Trần (Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ) với Minh Luân đại sư trên núi Yên Tử ở hồi thứ nhất về thực chất là cuộc anh hùng tương ngộ để rồi hoà nhuyễn tinh hoa tư tưởng của Tam giáo (Nho, Phật, Lão) vào trong một con người Trần Thủ Độ, dưới ánh sáng bao trùm của Phật giáo Thiền tông mà Minh Luân đại sư là đại biểu ưu tú. Kể từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của Thủ Độ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của Ngài. Mọi thành công trên chính trường, trong cuộc cải cách chấn hưng Đại Việt, trong trận chiến năm Nguyên Phong thứ 7 đều có dấu ấn tư tưởng của Đại sư. Mỗi khi Thủ Độ gặp sai lầm do say khát quyền lực hoặc do tình thế chính trị bắt buộc đều có nguyên nhân sâu xa là ông đã xa rời tư tưởng "kiêm ái, tương lợi" của Mặc Tử và thuyết "Tam định" của Phật học Thiền tông" mà Minh Luân đại sư đã truyền dạy cho ông:

Ngoại ly tướng vi thiền, nội bất loạn vi định

Ngoại nhược trước tướng, nội tâm tức loạn

Ngoại nhược ly tướng, tâm tức bất loạn

Dịch là:

Ở ngoài rời khỏi hình tướng là thiền, ở trong không vọng động là định

Ở ngoài nếu chấp vào hình tướng thì trong tâm hiện vọng động rối loạn

Ở ngoài nếu rời khỏi hình tướng thì tâm liền an tĩnh

(Trích Đàn kinh của Huệ Năng thiền sư - Trung Quốc)

Trong các cuộc đàm luận về thế sự, dưới ánh sáng tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, tác giả cố gắng kín đáo lồng vào những thông điệp :

 

Thứ nhất, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, thánh nhân đặt ra đều nhằm giúp con người tu thân rồi tự giác - giác tha, rèn đức cho mình và giúp ích cho đời. Phải để cho tam giáo ấy đồng hành đi sâu vào trong tâm thức mỗi người, tranh biện và phản bác lẫn nhau. Giáo điều khư khư ôm lấy, tôn sùng một thứ đạo rồi bài xích các đạo kia là biểu hiện sự u tối, lầm lạc, xa rời chân lý. Điều này thể hiện rõ khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi Thái học sinh (1232) bắt buộc các sĩ cử phải thi cả Tam giáo. Nó còn thể hiện rõ hơn trong đoạn độc thoại của Trần Thủ Độ bên bờ đê sông Hải Triều ở hồi 2, trang 62 - 63 hoặc ở hồi 6, trang 152 - 153. (Bài học lịch sử 700 năm trước nhắc nhở ta hôm nay rằng không có một tổ chức, một hệ tư tưởng, một thuyết giáo nào được độc tôn tòan trị trong đời sống xã hội, tất yếu sẽ dẫn tới độc tài, lầm lạc.)

 

Thứ hai, khi Ngài phê phán vua Đinh Tiên Hoàng định chế triều nghi, đã cho tăng sĩ, đạo sĩ vào hàng quan văn là một sai lầm lớn, vô tình xui dân theo tà giáo, tà đạo. Hà cớ gì không để cho tăng sĩ, đạo sĩ ở lẫn trong dân, cùng dân tu nhân rèn đức?

"Tăng đạo là hạng người nào mà cũng phẩm trật cao, được có mũ vàng với áo đen lẫn bên hàng mũ vàng, đai bạc ở giữa triều đình?" (hồi 1, trang 33).

"Vua đã vô tình xui dân theo tà giáo, tà đạo, chỉ cần học mót đôi điều trong kinh Phật, nhai lại dăm ba lời của Lão - Trang là có thể lừa dân, dối vua, leo dần lên ngôi này phẩm nọ, trục lợi cho mình, ức hiếp dân chúng. Làm quan như vậy đứa lưu manh vô học nào chả làm được?" (hồi 1, trang 34).

Những lời như vậy của Minh Luân đại sư thực ra là tư tưởng của Ngô Thì Nhậm (thế kỷ XVIII, người được đời sau suy tôn là ông tổ thứ tư của Thiền phái Trúc Lâm vì cuối đời ông ăn chay, toạ thiền tại gia và viết nhiều trước tác về Phật học Thiền tông Việt Nam). Nhưng tư tưởng đó được tác giả dồn đọng vào triết lý chính trị cho nhân vật của mình. Sự xáo trộn này còn gặp ở nhiều hồi khác nữa, chỉ nhằm tạo nên một hình mẫu lý tưởng của nhân vật Minh Luân đại sư, mở đường cho sự ra đời của "Khoá hư lục" của Trần Thái Tông và cho sự xuất hiện về sau (không có trong tiểu thuyết) của vua Trần Nhân Tông, vị tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm. ( Hãy thử nhìn vào các quốc gia Đông Âu và Liên Xô cũ vừa sụp đổ ta sẽ thấy ngay có sự đóng góp của mầm họa này bởi suốt một thời gian dài người ta bổ nhiệm quan chức của bộ máy là những kẻ lưu manh, thất học ngòai đời, học lỏm dăm câu giáo điều của ai đó để chui vào tổ chức, kiếm chác cho bản thân, gia đình, dòng họ và đè nén bất cứ không cùng chính kiến. Tự họ đã biến chủ nghĩa của mình thành thứ tà đạo như thời Đinh – Lê mà thôi, chứ có cần ai xóa sổ nó.)

 

Thứ ba, việc Minh Luân đại sư phê phán vua Đinh Tiên Hoàng võ công hiển hách nhưng kém tài văn trị là một bài học lịch sử đáng ghi nhớ. Đời vua Đinh, cả nước có chừng 7, 8 trăm vạn dân mà quân số có tới 10 đạo, mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 lính, cả thảy 100 vạn. Bảy - tám người dân nai lưng nuôi một người lính là điều bất ổn, làm ta nhớ tới cuộc cải cách hành chính hiện nay. (Theo lời ông Hồ Tế trả lời chất vấn ở Quốc hội năm 1997: "Cả nước có 80 triệu dân mà có tới gần 8 triệu người ăn lương công chức và hưởng BHXH từ ngân sách. Nền kinh tế ấy làm sao cải cách tiền lương?")

v      Cuộc hội kiến trong am cỏ giữa vua Trần Thái Tông và Minh Luân đại sư là đỉnh cao tư tưởng nhập thế của kẻ tu hành, vô ngã, tinh tấn rồi phải tự giác - giác tha để cứu người thoát khỏi vòng bể khổ luân hồi. Ngài khuyên Vua quay trở về Thăng Long, nắm lấy ngai vàng, điều hành chính sự:

"Kẻ tu hành có hạnh vô ngã, hạnh tinh tấn rồi vẫn chưa đủ mà phải đem những hạnh ấy giáo hoá cho chúng sinh đang còn có nhiều người chìm đắm u mê trong sắc dục, lòng tham. Mặt khác, bần tăng cũng là con dân của nước Đại Việt nên tự thấy phải đem những đức hạnh nhà Phật ra giúp đời, giúp nước theo cách riêng của kẻ tu hành." (hồi 9, trang 239)

"Thực hành theo thiền phái đạo Phật là việc của cả đời. Trước mắt, chỗ hành đạo thiết thực của bệ hạ là ở ngai vàng. Bệ hạ nên quay về kinh đô, chấn chỉnh lại triều đình, hết lòng chăn dân, giáo dân, thân dân cho nước nhà hưng thịnh để phòng ngừa giặc Mông - Thát. Đó chính là điều hợp với đạo Trời, ý Phật, lòng dân." (hồi 9, trang 242)

 

Ở cuối hồi 9, khi vua Thái Tông Trần Cảnh nghe theo lời khuyên của Minh Luân đại sư dong buồm ngự giá trên sông Nhị Hà nhằm cứu Trần Liễu, cũng là cứu lấy một Trần Quốc Tuấn trong tương lai, Ngài cảm thấy mọi việc ở cõi phàm đã hoàn thành nên ung dung tọa thiền, hồn bay về cõi Phật. Tuy nhiên, đức hạnh và giáo lý Ngài để lại đã giúp cho Trần Thủ Độ về cuối đời (hồi 12) đã làm cuộc hành hương sám hối trên núi Yên Tử. Đoạn kết của thiên tình sử này được tác giả thông qua nhân vật Thủ Độ gửi một thông điệp về sự tương hợp giữa triết học Thiền tông Trúc Lâm với triết học về bản thể của vũ trụ, của con người trong sách Lão Tử. Trộm nghĩ, đây cũng là nét độc đáo trong triết học của Thiền phái Trúc Lâm mà các vua Trần đã phát hiện, đề cao nó. Cái hay là ở cách hành xử, người tu hành theo Thiền phái Trúc Lâm đã nắm bắt những tinh hoa tư tưởng của cả Nho giáo, Lão giáo. Nhưng họ không hành xử theo lối của Bá Di, Thúc Tề trốn tránh cõi người, xa lánh đời phàm. Họ nhập thế để độ dân cứu khổ và tự giải thoát mình khỏi mọi cám dỗ của quyền lực, bạc tiền để luôn hành xử theo nguyên tắc "kiêm ái, tương lợi". Cái chết của Thủ Độ trong sự sám hối về cuộc đời "công 7 tội 3" của ông đã nói lên nhiều điều cho các thế hệ mai sau.

*

*          *

Tóm lại, tiểu thuyết “Khói mây Yên Tử " là tất cả tâm huyết của người viết về Thiền phái Trúc Lâm, về mảnh đất địa linh Yên Tử. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có thêm những tiểu thuyết lịch sử không chỉ đơn thuần sao chép lịch sử, mà phải góp phần làm sống lại những tinh hoa của nền “văn hoá ký ức”. Muốn vậy, người viết cần có tri thức về Tam giáo (Phật, Nho, Lão). Đặc biệt khi viết về giai đoạn lịch sử từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIV thì tư tưởng Thiền tông và Thiền phái Trúc Lâm là cơ sở để xây dựng các nhân vật lịch sử. Mỗi người trong chúng ta, các nhà nghiên cứu, các nhà văn, các sư tăng có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy tinh hoa của hệ tư tưởng đặc sắc này cho con cháu mai sau.

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham dự Hội thảo và gợi ý cho tôi viết bản tham luận này.

Xin cảm ơn sự quan tâm của các quý vị.

                                                                                                              Yên Tử, 6/2001 (Tân Tỵ)

Ghi chú: Bài tham luận có tham khảo bộ sách “Lịch sử triết học phương Đông” của Nguyễn Đăng Thục gồm 5 tập, NXB TpHồ Chí Minh ấn hành 9/1991)

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 4367
Ngày đăng: 03.01.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày Tết nói chuyện Phúc Lộc Thọ - Nguyễn Tiến Văn
Tự truyện không hẳn là văn học - Triệu Xuân
Thông tin của Nhà văn Vũ Ngọc Tiến - Vũ Ngọc Tiến
Tôi viết “Quân sư ĐÀO DUY TỪ” - Vũ Ngọc Tiến
Hai cách đọc một bài thơ của Đỗ Mục - Hà văn Thùy
Người văn kêu cứu : nhà văn Vũ Ngọc Tiến kêu lên như thế. - Lê Anh Hoài
Không được phỉ báng tiếng mẹ đẻ ! - Triệu Xuân
Tử cung vĩ đại - Henry Miller
Tôi là Vũ Ngọc Tiến xin trân trọng thông báo một sự việc khẩn - Vũ Ngọc Tiến
KẺ SỸ: Cội nguồn cảm hứng sáng tạo & Xuất xử - Đặng Thân
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)