Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
848
116.690.005
 
Đổi mới tư duy từ một triết thuyết cổ
Vũ Ngọc Tiến

(Nhân đọc cuốn “Ngũ hành & Khoa học” của Nguyễn Thế Hùng ,Nxb Văn Hóa- Thông Tin 12/ 2007)

 

Nhiều nhà tương lai học trên thế giới dường như cùng thống nhất dự báo, thế kỷ XXI là sự trỗi dậy của châu Á mà điểm nhấn quyết định là hai quốc gia khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo này không chỉ xuất phát từ thực tế hai quốc gia đó chiếm già nửa dân số thế giới mà còn là kết quả nghiên cứu, tiếp cận những tinh hoa triết thuyết cổ xưa của hai nền văn minh sớm và rực rỡ nhất hành tinh chúng ta. Thật ra, từ nửa cuối thế kỷ XX, sau sự thần kỳ về kinh tế nước Nhật vào thập niên 60, tiếp đến sự xuất hiện 4 con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Sinhgapor) vào hai thập niên 70- 80, cả thế giới chợt bừng tỉnh nhận ra các quốc gia này đều nằm trong địa vực của văn minh Hoa- Ấn. Các học giả phương Tây đua nhau hướng về phương Đông tìm kiếm những tinh hoa tư tưởng làm nên sự thần kỳ kinh tế ở các quốc gia Đông Á nói trên và bây giờ là Trung Quốc - Ấn Độ đang trối dậy với những bước tiến phi mã. Là một quốc gia đông dân, nằm trong địa vực văn hóa Hoa- Ấn, Việt Nam không thể không tìm hiểu, gạn đục khơi trong các giá trị tư tưởng, văn hóa phương Đông để hoạch định cho riêng mình một bản lĩnh và hướng đi trên đường phát triển.

 

Đọc cuốn “Ngũ hành & Khoa học” (Nxb Văn hóa- Thông tin, 12/2007) của Thu San Nguyễn Thế Hùng, tôi giật mình về sự thông tuệ và những kiến giải sâu sắc của tác giả trước nhiều vấn đề nhạy cảm trong chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, giáo dục… từ một góc nhìn riêng mới đối với thuyết Âm dương- Ngũ hành được quy nạp vào xã hội Việt Nam hiện đại.    

 

Cảm nhận đầu tiên của tôi là cuốn “Ngũ hành & Khoa học” dẫu mỏng (123 trang) song hàm lượng tư duy thật lớn, đặc biệt là chương I – Những nguyên lý cơ bản (55 trang). Để có 55 trang sách ấy, có lẽ tác giả phải đọc hàng chục ngàn trang, từ đó cô đúc lại theo hướng tiếp cận của riêng mình. Tôi thường tâm đắc với cụ Hải Thượng Lãn Ông- Lê Hữu Trác rằng “Đọc sách đã khó, nhưng lý rộng ra ngoài sách lại càng khó hơn, không phải ai cũng làm được”. Ở đây, tác giả đi từ lý thuyết Big-bang  trong vật lý học hiện đại để so sánh, quy nạp về thuyết Âm dương- Ngũ hành cổ xưa rồi lại dùng phép biện chứng Âm dương soi chiếu các vấn đề của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong chu kỳ vận động Ngũ hành để xây dựng những nguyên lý cơ bản của sự phát triển. Coi mỗi hành chỉ là biểu tượng của một cung đọan hay nấc thang trong quá trình của một chu kỳ vận động Ngũ hành, tác giả thiết lập trình tự biện chứng của vận động: hành kim- hành thủy- hành mộc- hành hỏa- hành thổ. Mỗi hành mang một trạng thái vận động khác nhau, trong đó quan trọng là tích nạp ở hành kim và trình diễn, sáng tạo ở hành mộc. Bỏ qua một hành là trái quy luật, tồi tệ hơn nếu vận động theo Ngũ hành ngược (từ hành kim về ngay hành hỏa hoặc hành mộc)…Cái hay, nét độc đáo của 55 trang sách trong chương I còn ở chỗ tác giả đã “diễn nôm” một học thuyết huyền bí, thâm viễn, cao siêu bằng lời văn giản dị, lược đồ biện chứng và công thức toán học phổ quát mà vẫn dễ hiểu. Nó làm tôi liên tưởng đến cuốn “Kinh dịch- Đạo của người quân tử”, cụ Nguyễn Hiến Lê cũng viết bằng văn phong như vậy. Thì ra những người đọc nhiều, biết rộng, hiểu sâu thường có văn phong giản dị chứ không khoe mẽ, lòe người bằng khái niệm to tát, câu chữ mập mờ, bí hiểm.

 

Chuyển sang các chương II- Ngũ hành trong kinh tế, III- Ngũ hành và văn hóa  & IV- Ngũ hành trong giáo dục và khoa học, tôi lại thấy tác giả có vốn sống khá phong phú, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề vừa bác học lại vừa dân giã. Ở đây, ưu thế về tư duy logic của nhà toán học kết hợp với tư duy thực nghiệm nghiêm cẩn của nhà vật lý đã hỗ trợ tác giả rất nhiều trong ý đồ sử dụng các nguyên lý điều tra xã hội học vào trong công trình nghiên cứu của mình khá đắc dụng. Tôi đặc biệt hứng thú khi đọc phần “Kinh tế mặt tiền” hay phần nói về hành kim trong ngành đóng tàu để lý giải thành công khá ngọan mục của ngành này trong 10 năm lại đây thật tuyệt! Phần “xe ôm và nền kinh tế vĩ mô” hoặc “dòng vốn FDI và dòng ngân sách” cũng hay, rất có ý nghĩa cho các nhà quản lý vĩ mô… Tuy nhiên sách vẫn còn một vài chỗ hơi gợn, khiến tôi chưa hiểu hoặc muốn bàn góp thêm với tác giả:

 

Phần viết về chơi hụi liệu có hơi võ đoán? Theo tôi hiểu, khởi thủy của chơi hụi (chơi họ) là hình thức tín dụng dân gian ở nước tiểu nông, chưa có sản xuất hàng hóa lớn nên nó sớm hình thành trong giới tiểu thương, tiểu chủ ở đô thị là chủ yếu. Nó giúp cho mỗi dây hụi (thường là 12 người) hỗ trợ cho hành kim của một người trong dây hụi để triển khai một động thái kinh doanh nào đó. Chơi hụi chỉ bị biến tướng thành một tệ nạn xã hội trong điều kiện vô chính phủ, kinh tế thị trường bát nháo và cạnh tranh hoang dã ở Việt Nam khoảng 20 năm lại đây mà thôi. Lúc đó chủ hụi muốn nhanh về hỏa nên bất chấp mọi rủi ro, lập thật nhiều dây hụi; còn những người tham gia trong cùng một dây hụi thì lóa mắt trước tích kim ảo (lãi suất cao bất thường) của kẻ lừa đảo nằm trong dây hụi đưa ra nên mới nhanh vỡ hụi. Và vì thế, ở góc độ hành kim để phê phán tệ nạn này có lẽ tác giả nên tiếp cận theo hướng khác đi chăng?

 

Khi luận bàn về Ngũ hành trong xây dựng, giao thông, hình như có đôi chỗ tác giả tự mâu thuẫn với chính mình đã viết ở chương I, coi ngũ hành chỉ là biểu tượng của một quá trình vận động chứ không phải là cái vật chất cụ thể. Thế nhưng ở phần nói về xây dựng tác giả lại coi sự bất cập của tiêu thoát nước đô thị là hành thủy? Thật ra đó là hệ quả của hành kim trong xây dựng, khi con người chỉ hám lợi trước mắt, nhăm nhe tích kim vật thể (xi măng, sắt thép) mà không tích kim phi vật thể (kiến thức về quy hoạch và dự báo xa). Với lĩnh vực giao thông, nếu tác giả nghiên cứu kỹ xu thế chung trên thế giới đang đầu tư xây dựng đường cao tốc bằng vốn BOT thay vì dùng vốn ngân sách hoặc ODA chắc sẽ có những kiến giải thú vị về tích kim sơ cấp và tích kim thứ cấp. Theo đó, các tập đoàn kinh tế lớn trong nước liên minh với nhau để bỏ vốn đầu tư đường cao tốc (tích kim sơ cấp). Nhưng vì thu hồi vốn qua thu phí giao thông sẽ rất chậm bởi tổng vốn đầu tư lớn nên Chính phủ sẽ ưu đãi họ bằng thuế và quỹ đất dọc đường cao tốc để đẩy nhanh việc hoàn vốn và có lãi (tích kim thứ cấp). Tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Hà Nội gần đây, các chuyên gia trong và ngoài nước dự tính, Việt Nam từ nay đến năm 2025 cần 6000 Km đường cao tốc, trong đó nên có 40% đầu tư bằng vốn BOT. Hay khi mở một tuyến đường nội đô, nếu nhà quản lý coi vận động Ngũ hành bao trùm lên cả 2 lĩnh vực xây dựng và giao thông sẽ chấp nhận dễ dàng phương án đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thị trường, song đồng thời nới rộng quỹ đất vào sâu 50m so với hè đường để cho đấu thầu xây nhà cao tầng hiện đại. Như vậy Nhà nước tạo điều kiện tích kim cá nhân bằng tiền nên các hộ dân tạo điều kiện trở lại cho chủ đầu tư tích kim sơ cấp bằng giải phóng mặt bằng. Mặt khác, chủ đầu tư ngay lập tức có điều kiện tích kim thứ cấp bằng lợi nhuận xây nhà cao tầng; còn tuyến đường qua hành mộc, hành hỏa về hành thổ đã ổn định một dãy phố hiện đại làm tiền đề cho một chu kỳ vận động Ngũ hành mới.

 

Một vài luận điểm, đề xuất ở phần “Ngũ hành trong giáo dục” của tác giả cũng làm tôi lăn tăn một cảm giác dường như là không tưởng trong xã hội Việt Nam hiện tại… Bản thân tôi qua nhiều năm nghiên cứu, viết bài phản biện về giáo dục nên tôi muốn tác giả thông qua góc nhìn riêng mới về  thuyết Ngũ hành để bàn sâu hơn nữa, thuyết phục hơn nữa trong lĩnh vực có nhiều vấn nạn trên bước đường phát triển, hội nhập với thế giới của đất nước. Ở chương IV, phần viết về “Ngũ hành trong công tác cán bộ” lẽ ra có nhiều điều thú vị dưới góc nhìn biện chứng vận động của Ngũ hành, nhưng tác giả vì lý do tế nhị mà viết sơ lược qua chăng?...

 

Cuối cùng, trong phần nói về “Các vòng ngũ hành xã hội” thuộc mục “Tích kim của một vùng” của chương I, tác giả hình như đặc biệt hứng thú, coi trọng yếu tố Ngũ hành âm nhạc đối với phát triển. Tôi cứ phân vân tự hỏi: Tại sao dân ca Nam Bộ, nghệ thuật cải lương và hình thức sinh họat đờn ca tài tử… đều rất bi thương, ủy mỵ, giai điệu dề dà, rõ là đang ở thời hành thổ, nhưng người Nam Bộ từ nhiều thế kỷ nay lại rất năng động, táo bạo trong làm ăn kinh tế so với các vùng miền khác? Phải chăng tích kim của một vùng chịu sự tác động của tổng hòa các vòng Ngũ hành xã hội giao thoa trong nhau, trong đó tác nhân lịch sử, địa lý mới là quan trọng nhất?

 

Gấp cuốn “Ngũ hành & Khoa học” rồi lại lật mở nhiều lần, tôi cứ phân vân trước câu hỏi hóc búa của Giáo sư- Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, khi ông đọc bản thảo cuốn sách đã viết cho tác giả Nguyễn Thế Hùng: “Đồng chí đã nghiên cứu rất sâu sắc. Vậy có thể trả lời được bao giờ thì dân ta hết đói nghèo, nhân tài nở rộ; nước ta hiện đại hóa, công nghiệp hóa được hay không?” Ở phương Đông thời cổ đại, phát minh lớn tiếp theo, có tính kế thừa triết thuyết Âm dương- Ngũ hành là Kinh dịch, cho phép dự báo xa. Tôi hy vọng và chờ đợi những cuốn sách tiếp theo của Nguyễn Thế Hùng cùng nhóm các nhà khoa học tự nhiên thuộc Viện Vật lý và Điện tử trong đề tài nghiên cứu hấp dẫn này… 

 

Hà Nội ngày 31/5/2008

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3475
Ngày đăng: 05.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thúc Sinh và Nguyễn Du - Lê Vũ
Phan Nhiên Hạo lưu vong chuyên nghiệp ở thiên đàng bằng nhựa - Inrasara
Nhà Thơ MAI THÌN với Lặng Lẽ Xanh : Khúc ca bi tráng của dòng đời đang xanh - Mang Viên Long
Nguyệt Phạm – chấm hết phận ngựa trời - Inrasara
Đôi điều sau cùng với nhà thơ Inrasara ! - Mang Viên Long
Lê Ngọc Thuận : làm thơ và không làm thơ… - Võ Quê
Đôi điều phúc đáp nhà thơ Inrasara - Mang Viên Long
ĐÍNH CHÍNH ĐỌC NHANH RỒI… QUÊN. Về bài “Đôi điều phúc đáp…” của Mang Viên Long, - Inrasara
Tôi chỉ viết để trả nợ - Lý Đợi
Đọc Trần Dần qua thơ* - Đặng Huy Giang
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)