Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
376
116.792.186
 
Nguyễn Xuân Thâm – một tâm hồn thơ mến thương, hồn hậu (1)
Hoàng Thị Thu Thủy

Tôi đọc anh là để mến yêu anh”([2]

      Không biết bắt đầu từ đâu để bày tỏ cảm thức mến mộ trong tôi về nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm – một nhà thơ sinh ra ở Huế (1936), nhà thơ đã có nhiều bài thơ được đọc trên sóng đài phát thanh với nhiều bút danh (Dao Ca, Đỗ Hữu), rồi cuối cùng lấy đúng tên mình để bà con ở quê hương biết mình còn sống trong những năm chiến tranh ác liệt chia cắt hai miền Bắc - Nam; một nhà thơ từng vượt qua cơn bạo bệnh; một nhà thơ làm thơ khi mới 15 tuổi và ông cũng là nhà thơ với nhiều giải thưởng thơ của Hội Nhà văn, của các báo. Thơ ông hay, nhưng duyên với bạn đọc không nhiều: “Thơ có lắm bài hay, nhưng nào ai biết đến đâu” (Chế Lan Viên). Thật có duyên tôi mới có trong tay “Tuyển tập thơ” của ông, cùng tập thơ vừa mới xuất bản năm 2019, “Ơi gió ngang tàng”…

 

      “Chiếc lá như đôi môi/ Giữa khoảng trời xanh biếc/ Trong ánh sáng ban mai/ Hai người yêu tiễn biệt/ Chiếc lá rơi không tiếng/ Hai người yêu hai nơi/ Chẳng nghĩ về chiếc lá/ In dấu môi lên trời/ Chiếc lá khô gió cuốn/ Hai người yêu mãi xa/ Một chiều tôi ngược gió/ Nhặt chiếc hôn bất ngờ” (Chiếc lá, 1984). Đó là một bài thơ hay trong số những bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm. Thể thơ 5 chữ, được nhà thơ sử dụng khá nhiều trong sáng tác. Với thể thơ này, nhà thơ viết tự nhiên, giản dị mà ẩn chứa ý tứ sâu xa, ý thơ được chuyển tải qua tứ thơ chặt chẽ và bất ngờ. Giữa hai người tiễn biệt, chỉ chiếc lá là người làm chứng, và thật bất ngờ “tôi” nhặt được nụ hôn trong chiều ngược gió, dù không gian vật lý của hai người vẫn “mãi xa”. Hình tượng thơ lãng mạn, bay bổng nhờ cảm thức thơ bắt đầu từ hình ảnh quen thuộc “chiếc lá”.

      Đến với hành trình thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm, độc giả như đang cùng ông đi suốt dặm dài đất nước cùng cả những chuyến chu du trên đất nước bạn. Khi nói đến thơ người ta thường nghĩ đến cảm xúc chân thực trong thơ: “Nếu không có cuộc chia xa/ Em ơi chiều ấy chỉ là chiều thôi/ Ngô đồng từng lá cứ rơi/ Sông Seine cứ chảy dưới trời, em đi/ Hóa mình đang giữa Paris/ Thẫn thờ ngỡ mất cái gì nơi đâu/ Cuộn quanh nước chảy chân cầu/ Mắt em xanh đó, quay đầu hoàng hôn/ Biệt ly hằn một vết son/ Trên vai áo khoác đã sờn ngày đau” (Vết son, 1992). Nhà thơ đang ở nơi đâu? Paris hay Việt Nam, sao vừa có lá ngô đồng, vừa có sông Seine? Cảm thức thi nhận thật dồi dào thi tứ, văn hóa phương Đông và phương Tây hòa quyện. Xưa nhà thơ Cao Bá Quát trong bài thơ “Dương phụ hành” đã dồn nén cảm xúc trong 7 câu thơ đầu để miêu tả người thiếu phụ Tây phương cũng chỉ nhằm diễn tả nỗi khát khao hạnh phúc trong tình cảnh biệt li qua câu thơ “Khởi thức nam nhân hữu biệt li” – (Biết đâu nỗi khách biệt li này), sự giãi bày tâm trạng của thi nhân Cao Bá Quát đã bộc lộ vẻ đẹp nhân văn sâu sắc. “Vết son” trên “vai áo khoác đã sờn ngày đau” là thật, là biệt li, nhưng cái ngoái nhìn của thi nhân mới đáng trân trọng bởi “ngô đồng từng lá cứ rơi”. Càng chu du thiên hạ, tình cảm càng tri kỉ “Hóa mình đang giữa Paris/ Thẫn thờ ngỡ mất cái gì nơi đâu”. Tôi có thể nói đây là cảm thức của một thi nhân “rất Huế”, rất “cổ điển”, dù ông xa Huế từ khi còn rất trẻ, dù ông đi đây đi đó rất nhiều thì cái neo giữ, níu kéo ông chính là hình ảnh tượng trưng của “chiếc lá ngô đồng” “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ tận tri thu” – (Một lá ngô đồng rụng, cả thiên hạ đều biết là mùa thu); ngô đồng như một thứ “thuốc thử”, cho nên bài thơ không có từ nào nói buồn khi biệt li mà đọc lên lại thấy buồn sâu sắc, bởi cái nhìn thi nhân thật ân tình, không nỡ phụ sông Seine, cũng không nỡ quên “ngô đồng”. Cái dùng dằng, cái níu kéo, cái bất thần đã làm nên tứ thơ hay “vết son”.

      Mỗi bài thơ trong tuyển tập thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm như một nét vạch trên hành trình lao động không mệt mỏi của ông với cuộc đời và với nghệ thuật, và nét vạch đó đã hằn sâu trong tâm trí bạn đọc khi “thi ca là tinh hoa tối cao của ngôn ngữ, cái ánh ngời phi thường của nó, chỗ rách cảm động nhất của nó”.

      “Đêm cuối thu/ Lời ca nương cao vút/ Tiếng đàn đáy âm u/ Gọi về/ Gọi về phố phường kẻ chợ/ Những thi nhân/ Nhặt bóng đêm trong câu hát ả đào/ Gọi về ca nương vang bóng/ đế đô/ Đêm ca trù/ Đôi mắt buồn đẹp xa xăm/ Như tiếng hát/ Khổ thơ/ Nhịp phách, tiếng thời gian/ Nghe hát ca trù/ Chợt thấy mình cao sang/ Mê ngón đàn đáy” (Nghe hát ca trù – Ơi gió ngang tàng)

      Bài thơ chỉ 17 câu mà bút lực đủ sức gợi về một bộ môn nghệ thuật tổng hợp “Ca trù”; “thi trung hữu họa”, “thi trung hữu nhạc” là đây. Hình ảnh thơ đối lập giữa tiếng ca nương và tiếng đàn đáy như gợi, như tả về một loại hình nghệ thuật đã từng khiến bao khách đa tình say đắm trong nhiều thế kỷ. Phép so sánh giữa đôi mắt đẹp của ca nương với tiếng hát, với khổ thơ như khẳng định vẻ đẹp tinh túy của thơ ca và âm nhạc và rồi những câu kết của bài thơ thật bất ngờ - nghe ca trù chợt thấy mình cao sang – bản sắc văn hóa, nét vạch thời gian hiện hình trên mỗi câu chữ. Bài thơ như chạm, như khắc về loại hình nghệ thuật độc đáo ca trù và của cả tâm thức thi nhân khi thả hồn phiêu diêu cùng ca nương và nghệ nhân đàn đáy. 

      Tôi rất thích bài thơ “Ở Hy Lạp” của Thi nhân, bài thơ là minh chứng cho đặc điểm của thơ trữ tình là tuy không có cốt truyện, nhưng vẫn có sự vận động và phát triển của nội dung, tình cảm trong thơ là động lực chủ yếu cho sự chuyển động của hình tượng thơ. Đối tượng trữ tình là “em” đã xuất hiện trong bài thơ như vô tình mà hữu ý trong “ống kính tele” của thi nhân:

      “- Những cô gái nằm phơi nắng/ Chín thơm như những ổ bánh mì;

      - Thi sĩ Blaga Dimitrova yêu mến/ Câu thơ bà viết về Việt Nam từng dìu bước bao người/ Giờ bà vịn vai tôi để đến nhà hát cổ;

      - Những vỉa hè đặt nhiều giá vẽ/ Nhiều thiếu nữ đi qua/ Người nào cũng đẹp như hoa pensée/ Bạn tôi có thơ: “Những vỉa hè thơm mùi thiếu nữ”;

      - Bến tàu con đường vườn đá/ Mắt thiếu nữ màu biển cả/ Em dây nho thả xuống hồn tôi/ Mùi trái chín nỗi buồn sâu Hy Lạp/ Tay em nở bông hồng vàng đẹp…”

“Em cùng hành trình” (Thi sĩ Blaga Dimitrova), hay “em vô tình anh nhìn thấy” đều đẹp, thơm tho; với người con gái, người đàn bà đẹp nhà thơ không chỉ nhìn ngắm từ xa mà đã cảm nhận bằng mùi và màu, vừa quen và vừa lạ trong các tín hiệu nghệ thuật. Miêu tả và biểu hiện, tự sự và trữ tình hòa quyện trong bài thơ dài, mà càng đọc càng hào hứng.  Bài thơ có 8 khúc, mỗi khúc ghi lại dấu ấn thời gian, nét hằn văn hóa, thi nhân chu du trong miền thơ, tâm thức thơ bởi những rung động diệu kì trong những khoảnh khắc kì diệu khi bước xuống sân bay đã thấy “Trời xanh đến thế/ Xanh như màu biển Égée”.

      Có thể xem cuộc đời của ông là một đời “thỏa chí tang bồng”, không chỉ dọc ngang ở mọi miền đất nước, quê hương; còn phóng khoáng trong những chuyến đi dài trên đất bạn. Mỗi bước chân đi của ông để lại những vần thơ thương nhớ, trăn trở, đau đáu một niềm thương. Cách suy tư, nhìn nhận các địa danh, các tác gia qua thơ của ông vừa giản dị, vừa khúc chiết và lắng đọng tâm tư trong một số bài thơ: Quanh ấm trà mộc, Nửa đêm đọc Cao Chu Thần, Ghi ở Ăng-gô-la… (Ơi gió ngang tàng); Châu Phi, Paris của em, Ơi Italia, Bài thơ tình Hy Lạp, Người kéo đàn cò dưới cửa Nhà Đồ - Huế… (Tuyển tập)…

      Quê hương trong thơ ông vừa là hoài niệm (trong những năm chiến tranh), vừa là hiện hữu (trong những năm thời bình). Sau 20 năm được về nhà “Có đến hai mươi năm/ Con ngủ nhà một bữa/ Vườn quả đầy ánh trăng/ Cành me quệt ngang cửa/ Mẹ chỉ nhắc thế thôi/ Lặng yên như thể ngủ/ Ngoài thềm trái xoài rơi/ Vào kỉ niệm tuổi nhỏ…/Vẫn chiếu chăn nhà mình/ Sao lạ nhà khó ngủ/ Gà gáy ngoài bùng binh/ Lá xạc xào cuối ngõ” (Ngủ nhà), tôi cũng không hiểu sao khi đọc những câu thơ giản dị này của thi nhân, lại thấy sống mũi mình cay; vẫn thể thơ 5 chữ, cổ điển mà hiện đại, dòng cảm xúc của thi nhân vừa gợi vừa tả, nhắc nhở về kỉ niệm xa xưa. Nhân vật trữ tình như phân thân, tự độc thoại, đối thoại; hình ảnh mẹ và con đặt trong sự tương phản, đối xứng, và quy luật “con dù lớn vẫn là con của mẹ” thật chan chứa yêu thương: “Con đi quá nửa đời/ Mới một lần quay lại/ Thơ viết vài trăm bài/ Mà vẫn còn vụng dại

Trong mảng thơ ca kháng chiến của văn học Việt Nam, có nhiều bài thơ hay đã đưa vào giảng dạy ở nhà trường, nhưng ít ai biết rằng có một hồn thơ trữ tình, lai láng không kém, đó là thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm “Nắng ngút đường dài, hoa gạo bay/ Rừng sâu mấy bữa lạc sau ngày/ Đường xa nắng lửa chiều hun hút/ Quán đứng lưng đèo núi tiếp mây/ Thác đá sầu buông đường nắng trở/ Lưng trời khép chặt, những rừng cây/ Đèo cao gió thổi, chòi heo hút/ Dặm cũ chiều đi thương nhớ đầy/ Nắng đổ tràn lên đường lối cũ/ Đường dài hoa gạo đỏ rưng rưng/ Lá chàm bay lả trên vai rách/ Áo bạc hồng lên lớp bụi rừng/ Có phải hồn ngày trong núi thẳm/ Rừng xanh lá đổ lối mờ tuôn/ Đìu hiu khói cỏ chiều ai đốt/ Ngày dựng cô liêu giữa xứ buồn” (Nắng ngút đường dài, 1953). Thi pháp thơ ở bài này mềm mại, uyển chuyển; những hình ảnh: hoa gạo bay, hoa gạo đỏ rưng rưng cùng nắng đổ, con đường hun hút, chòi heo hút, đìu hiu khói cỏ… gợi lên vẻ hoang tịch, cô liêu, buồn mà đẹp đến nao lòng. Người lính thả hồn mình trong không gian hoang vắng, con đường rừng với dặm dài hành quân mải miết; và chính những dòng thơ đẹp này là cứu cánh cho ông, cho những đồng đội ông vượt trùng gian khó. Nét đẹp này là giá trị vĩnh cữu của thơ ca, người lính trên dặm dài hành quân, dù mệt mỏi, dù thiếu thốn – “Lá chàm bay lả trên vai rách”, nhưng cái nhìn của họ đã thể hiện một tâm hồn đẹp khi biết thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên qua màu sắc, đường nét, âm thanh.

Cùng với hành trình thơ của thi nhân là sự chuyển đổi của thi pháp thể loại, nếu như chặng đầu là thể thơ bảy chữ quen thuộc - ảnh hưởng thể thơ Đường luật, thì càng về sau thể thơ tự do đã hoàn toàn thắng thế. Những bài viết theo thể thơ ngũ ngôn của nhà thơ đọc lên rất hay, có lẽ đây là lợi thế của nhà thơ với thể loại này.    

“Thơ là phương tiện hoàn thiện nhất để sử dụng tiếng nói của con người”. Ông là nhà khoa học sáng tác thơ, nên ngôn ngữ thơ giản dị, dễ hiểu và gửi gắm vào tứ thơ cái tâm hồn mến thương, hồn hậu. Thơ ông không vặn vẹo câu chữ, mà cái dung dị chứa đựng cái tình ý sâu xa: “Một đêm xa nước đốt trầm nhớ/ Câu hát bay lên từ cánh đồng rạ/ Cái cò gày cực nhọc nuôi con/ Chiêm mùa mơ nong thóc vàng…/ Biết chia được với ai nỗi nhớ/ Tôi đốt lòng mình lên trong lặng im” (Tôi yêu đất nước tôi, Châu Phi, 1993). Cũng từ ngôn ngữ dung dị, mà giọng thơ ông thật riêng biệt “Anh luồn rừng Truồi ngậm ngải tìm em/ Em xa vắng mà trầm cũng vắng/ Anh ra sông thả lưới tìm em/ Gặp bữa động sông ngầu bọt trắng/ Hôm nay tạnh trời củi rều trôi về/ Biết không phải trầm anh gọi trầm ơi/ Anh đốt một ít gỗ khói bay lên trời/ Em bây giờ, anh ngậm ngải tìm đâu” (Tìm trầm). Đau đáu tìm em, mà giọng thơ không chua xót, trách móc; nhớ em đến ngậm ngải tìm em mà không hờn giận; cái tôi hồn hậu này dường như đi suốt hành trình thơ của thi nhân. Đọc thơ Nguyễn Xuân Thâm ta nhận ra một người lính có tâm hồn thơ mộng; một người thầy, một nhà khoa học có trí tuệ, có tâm; một nhà thơ có tâm hồn xao động trước cái đẹp của thiên nhiên và con người. Với các loại hình nghệ thuật khác, thơ ông thăng hoa: “Chiến tranh mới đi qua/ Lần đầu, chẳng ngờ lần duy nhất/ Gặp Trịnh Công Sơn/ Dáng hao gầy/ Nhà ai Khánh Ly hát/ Thảng thốt trời xanh trên mái nhà thờ/ Bữa ấy/ Tôi kịp nói trong tiếng còi tàu/ Nhạc Trịnh/ Nhạc của thiên đàng/ Lời Trịnh/ Đau đáu trần gian” (Con tàu ngày ấy). Câu thơ “Nhà ai Khánh Ly hát/ Thảng thốt trời xanh trên mái nhà thờ” thật có hồn, mang nét riêng của thi nhân gốc Huế, khó lẫn với thơ của bất cứ thi nhân nào. Nghe nói, có người nhớ mãi Nguyễn Xuân Thâm khi ông đọc những câu thơ này bằng giọng Huế.      

Dù tôi đã đọc thơ đến mòn cả trang giấy: “mỗi ngày một chút cảm nhận, nhìn lại hóa ra đã đi qua một chặng đường dài với nàng thơ “đỏng đảnh”, rồi nhận ra mình đang bước vào miền “hoang vu” trong niềm “hoan lạc” vô bờ” ([3]); thì khi đọc thơ Nguyễn Xuân Thâm tôi vẫn thấy mình bối rối trước một tâm hồn thi nhân lai láng, với những vần thơ giàu tính hiện thực, tính nhân văn; ở đó tỏa ra sức sống diệu kì từ một tâm hồn mến thương, hồn hậu.

                   Huế, 29/7/2019

                                                                              

     



(1) “mến thương, hồn hậu” – trong câu thơ của Mai Quốc Liên “Một tâm hồn mến thương, hồn hậu” – Đọc thơ Nguyễn Xuân Thâm

([2]) Đọc thơ Nguyễn Xuân Thâm – Mai Quốc Liên

 

([3]) Từng giọt khoảnh khắc, từng giọt thơ, Hoàng Thị Thu Thủy, Nxb Đồng Nai, 2010

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 1449
Ngày đăng: 22.11.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc tập thơ « Huế và Em « của tác giả Trần Hồng Tâm - Hoàng Thị Bích Hà
“Viết từ một khúc dân ca” của Sơn Trần đến với trái tim người mẹ - Ninh Giang Thu Cúc
“Chở gió” của Nguyễn Văn Phương - Ninh Giang Thu Cúc
Trường ca “Phồn Sinh” của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu - Nguyễn Văn Vịnh
Tản mạn về nhà thơ Du Tử Lê - Phan Trang Hy
Đôi dòng cảm nhận bài thơ “Tình mộng của Lê Giao Văn” - Nguyên Bình BRVT
Bình thơ: KIỀU NỮ của tác giả Trần Dzạ Lữ - Hoàng Thị Bích Hà
Nỗi đau Chí Phèo - Hoàng Thị Bích Hà
Đôi dòng cảm nhận cánh cửa hiện sinh (Nguyễn Thụy Sơn) - Nguyên Bình BRVT
Đọc tác phẩm Ngón tay mặt trời (Phạm Đức Mạnh) - Nguyên Bình BRVT
Cùng một tác giả