Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
354
116.791.796
 
Áo em mùa lụa mỏng – khúc tự tình của nhà thơ Bùi Đức Ánh
Hoàng Thị Thu Thủy

 

 

            Tôi có ấn tượng về nhà thơ Bùi Đức Ánh bắt đầu từ những truyện ngắn anh chuyển tải lên Internet và tôi thường bất ngờ khi đọc những bài thơ của anh, bất ngờ với hình ảnh và tứ thơ, và tôi thật sự đã bị văn chương của anh cuốn hút. Khi anh lấy tên tập thơ mới xuất bản từ tiêu đề của một bài thơ: “Áo em mùa lụa mỏng”, tôi có cảm giác như những rung động, xao xuyến, suy tư nằm trong chính cái tiêu đề đa nghĩa này.

            Với một nhà văn đa tài trên nhiều lĩnh vực, lại có đến 37 đầu sách xuất bản riêng và chung, với bề dày sáng tác như nhà thơ Bùi Đức Ánh tôi chỉ dám viết về “khúc tự tình” trong tập thơ “Áo em mùa lụa mỏng, bởi nơi đó tôi thấy nhà thơ có nhiều bâng khuâng, nhiều thương nhớ và cũng thật nhiều tiếc nuối. Khi tìm về cái đẹp, người ta thường trải qua các cung bậc của cảm xúc để cảm nhận cái đẹp, và khi đọc những câu thơ: “Anh gặp một nỗi nhớ, Trong chiếc lá vàng khô, Anh tìm một câu thơ, Áo em mùa lụa mỏng” hẳn độc giả sẽ nhận ra những nỗi niềm, tâm trạng của thi nhân trong nhiều tiếc nuối: “Anh ngắm sao đếm tuổi mình nuối tiếc, Như vì sao lạc lối ngỡ ngàng, Dẫu rong rêu có phủ cả thời gian, Kí ức trăng nguyên tiêu, em vẫn là nỗi nhớ” (Trăng nguyên tiêu).

            Khi bắt gặp tứ thơ “Chuyển mùa rồi ư? Em như mây bay qua thương nhớ, Ta ngồi đây dưới gốc phượng ngày xưa!” (Chuyển mùa), tôi có cảm giác như niềm tiếc nuối, thương nhớ trong anh không chỉ là gió thoảng, mây bay, mà chứa đầy cả một bầu trời kỉ niệm. Âu đó cũng là kí ức đẹp của một thầy giáo từng đứng trên bục giảng rồi vô thức xuất hiện những vần thơ gợi nhớ thuở học trò: “Em đã mười năm không ngoảnh lại, Gió bãi trăng ngàn mịt mù giăng, Cánh phượng học trò phai sắc đỏ, Mối tình câm lặng phía xa xăm!” (Ngoảnh lại tuổi học trò). Mùa hạ đi về trong thơ anh như là nhung nhớ, như là tình yêu, như là tiếc nuối: “Tiễn nhau đi lưng chừng phố vắng, Tuổi học trò mơ mộng còn đâu, Cái vẫy tay âm thầm ngày ấy, Chỉ còn lưng chừng giấc chiêm bao” (Vẫy tay bên mùa hạ). “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” trong thơ Bùi Đức Ánh gợi lại cho biết bao độc giả cái dư vị của mối tình đầu, cái dư vị mà nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết: “Và bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về”, nhà thơ Bùi Đức Ánh không lặp lại cái ý tứ quen thuộc mà đã làm mới nó về cái tình học trò trong hoài niệm xa xăm: “Em có nhớ tình tôi, Bên cây bàng cành khô tuổi trẻ, Lá thư nào cũng viết vội vã, Gửi một niềm riêng không dám nói với nhau” (Trong mùa nắng hạ); “Em còn ngày xưa áo trắng, Sân trường phai mờ dấu chân, Anh giờ âm thầm tóc bạc, Nhớ từng cánh phượng bâng khuâng” (Bên thềm mùa hạ cũ). Viết về mùa hạ gắn với kỉ niệm tuổi học trò, nhà thơ đã trẻ hóa tâm hồn mình và kéo mình gần với thế hệ trẻ. Bởi đã đọc thơ, độc giả bao giờ cũng đọc thơ tình, mà cái tình thuở học trò thường là ấn tượng nhất với mỗi người khi bắt đầu biết yêu, cái tình yêu ấy mới khiến người ta đau đáu tiếc nuối, để rồi khi đọc thơ Bùi Đức Ánh, người ta tìm được sự đồng cảm, và đó là khúc tự tình da diết xuyên suốt mạch thơ của anh.

            Với tuổi đời, tuổi văn của nhà thơ, khi đã bước qua ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”, anh đã nhận ra mọi sự tiếc nuối thường bắt đầu từ những câu chuyện còn dang dở. Đó có thể là cuộc tiễn đưa “không có em”: “Phi trường không có em, Chỉ có gió chênh chao đưa tiễn… Xa em… Xa em… Chỉ còn tháng ngày, Ngọt ngào và cay đắng” (Phi trường rộn ràng màu nắng). Một cuộc đưa tiễn nào đó có thể là thật, là tưởng tượng, nhưng cái tứ thơ đưa tiễn vốn có từ lâu trong thơ ca sẽ gợi về nỗi nhớ, gợi về kỉ niệm và sự tiếc nuối trong nhau.

Đó cũng là khúc giao mùa, giữa đổi thay của đất trời, bất chợt, anh nhận ra vùng kỉ niệm trong anh cũng đang tiếc nuối: “Chào vườn cũ hoa xuân đang phai sắc, Như tình mình ngắn ngủi phía mùa đi…” (Khép lại tháng giêng). Câu thơ “Em và ta đã lạc mất nhau rồi!” trong bài thơ “Tìm lại mùa thu” như là dấu chấm hết cho một cuộc tình, mà niềm tiếc nuối thì âm thầm trong những tứ thơ “Giá có thể níu lại chút hương cũ, Thoảng gió mơ hồ đủ sớt chia nhau, Nghe nổi buồn rêu phong bên thềm nhớ, Để cõi người bất chợt ngóng chiêm bao!” (Thoảng gió mùa đông). Cái tình nhớ thương, bỗng trở thành da diết, khi nhìn lại những tháng năm kỉ niệm: “Anh tóc bạc nghe đời xa thẳm, Vẫn nghe mùa tình cũ chưa phai” (Trong nắng tháng tư).

            Nhà văn hơn những con người bình thường khi họ viết ra những gì trải nghiệm bằng chính hình tượng văn chương. Và để trải nghiệm nhà thơ Bùi Đức Ánh đã đặt chân đến mọi miền của đất nước, vừa cảm nhận và ghi lại cảm xúc của mình, về thiên nhiên, về những địa danh, và miền Trung quê anh cũng không ngoại lệ, khúc tự tình của anh trở về với miền Trung từ những ngày chớm đông: “Đã nghe con sông tràn bờ, Đã nghe gió bấc bơ vơ tuổi mình” (Chớm đông) anh gặp lại sông quê Trà khúc của mình, và cái tôi trữ tình của anh đã dồn dập nhớ thương qua điệp ngữ “tôi gọi”: “Tôi gọi ngày nao em đi vắng, Tôi gọi chiều nao sóng xô bờ, Tôi gọi vầng trăng không hò hẹn, Chỉ đành ngơ ngác một câu thơ!”. Hình tượng con sông quê bỗng trở thành nhân chứng cho anh – thi nhân – cái tôi tình yêu – cái tôi tự tình gợi nhớ, nhắc nhở, khắc sâu những kỉ niệm thuở anh còn sống ở quê hương, để lúc trở về cùng hoài niệm, chợt lòng nhà thơ cảm nhận cái cô đơn của con người xa quê “Chỉ đành ngơ ngác một câu thơ!”. Thơ ca là vậy, nhiều khi cả bài thơ chỉ cần một từ, một câu mà người đọc giải mã mãi không xong. Câu thơ “Chỉ đành ngơ ngác một câu thơ!” vừa chạnh lòng người xa quê, vừa chạnh lòng người ở lại. Dù không nói là nhớ mà thấy nhớ, dù không nói cụ thể về một mối tình, nhưng “ai đó” đã từng có “vầng trăng hò hẹn” chắc cũng xót xa. Con sông Trà khúc vừa là nhân chứng, vừa là cái cớ để nhà thơ giãi bày nỗi nhớ quê, nhớ em. Nhớ quê nên nhớ em, vì nhớ em mà nhớ quê, bởi cái tình học trò, cái nuối tiếc tuổi học trò lô lộ trên mỗi trang thơ của nhà thơ Bùi Đức Ánh.

            Cái nhìn thi nhân về cuộc đời thật đẹp, mượn em làm đối tượng trữ tình, nhà thơ đã bộc bạch tất cả nỗi khát khao về tình yêu và cuộc sống: “Em đẹp quá, giữa lụa là xuân sắc, anh say men ôm vạt nắng xuống bên thềm, Em xõa tóc mượt mà hương phảng phất, Vòng tay này ôm cả dáng xuân em” (Dáng xuân). Đọc những vần thơ này, dẫu bạn có nhiều áp lực bởi cuộc sống với biết bao bộn bề lo toan đi nữa, thì cũng hãy mỉm cười, bởi trái tim tình yêu của thi nhân đang mời gọi, thiết tha với mùa xuân và cuộc sống. “Mặt trời lên hay tim anh rực lửa? Nghe dậy thì qua ngưỡng tóc hoa râm, Em vẫn thế, bận yêu anh hơn thế, Rất nồng nàn ấm áp mùa đông sang” (Tình yêu ngoan ngoãn). Tôi nhớ có một người tình khi trả lời với cô tình nhân bé bỏng, khi tuổi hai người chênh nhau quá nhiều rằng: Em đừng nghĩ đến tuổi anh, tuổi có thể làm trán anh nhăn, nhưng với tình yêu thì trái tim anh không có nếp nhăn. Nhà thơ Bùi Đức Ánh khi viết về tình yêu đã bộc lộ cảm xúc mãnh liệt khi chọn sự đối lập giữa “tóc hoa râm” và “tuổi dậy thì”: “Nghe dậy thì qua ngưỡng tóc hoa râm”. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ viết nhiều, viết khỏe về các loại đề tài, hồi ức nhà thơ vẫn trữ tình da diết. Cái hay trong thơ anh chính là tứ thơ, thường những câu mở đầu mỗi bài thơ dung dị, như tự sự, tự tình, thế rồi tứ thơ đột ngột chuyển tông sang những vần thơ trữ tình, khiến cho cả bài thơ như có hồn, linh hoạt. Đó cũng là lý do mà người đọc thích đọc thơ anh, bài thơ hết mà ý tình chưa hết, đọc xong rồi còn thao thiết, bâng khuâng. Bài thơ “Áo em mùa lụa mỏng” là như thế, bắt đầu là cái nhìn từ thiên nhiên: mưa, gió, chiều, thu… chuyển sang nỗi nhớ và ý tứ vô cùng giản dị, thơ cũng bắt đầu từ “bồng bềnh mây trắng”, từ “lãng đãng niềm thương” và đó cũng là duyên cớ để anh viết, miệt mài với văn chương dù tuổi đời khi “tóc đã hoa râm”, thì với thơ và tình yêu anh vẫn đang ở “tuổi dậy thì”.

                                                                                                            Huế ngày 24/8/2018

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 2337
Ngày đăng: 02.09.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cõi trần ai và dòng sữa ngọt lành trong tập truyện ngắn “Vàng trên biển đá đen” - Nguyễn thị Liên Tâm
Trao đổi từ cuộc hội thảo kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ - Tuấn Giang
Yêu thương trao lời… - Phan Nam
Khái quát văn học Bình Định 43 năm (1975 – 2018) Diện mạo & Thành tựu. - Mang Viên Long
Người thức qua cuộc đời nhìn tình yêu. Một kỷ niệm với nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình - Nguyễn Anh Tuấn
Tính dân gian trong thơ Phạm Ngọc Thái - Phạm Ngọc Thái
Chuyến đi dài tới mùa thu của Phan Thanh Bình - Hoàng Thị Thu Thủy
Từ lục bát Miên Di, tới thơ siêu thực Bùi Minh Vũ - Du Tử Lê
Khi cây trái vào mùa - Nguyễn Thánh Ngã
Thơ của một người Quảng… - Phan Nam
Cùng một tác giả