Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
496
116.790.743
 
Vượt qua nghèo khó “Nghị lực phi thường của một con người bình thường”
Hoàng Thị Thu Thủy

 

 

            Tôi chỉ biết rất ít về anh trong 4 năm học đại học, bởi lớp chúng tôi lúc đó rất đông, 108 người, tôi vẫn nói đùa là “những anh hùng Lương sơn bạc”. Tôi ở Huế, ở ngoại trú, anh ở nội trú, càng không thể có chung những bữa ăn cơm ở kí túc xá. Tuổi tôi và anh xấp xỉ nhau, nên những trang kí ức về chiến tranh không xa lạ với tôi. Nhờ cuốn truyện của anh, tôi biết thêm về anh, một con người, một học sinh, một sinh viên, một thầy giáo, một người lao động; tôi biết thêm về vùng biển Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, Quảng Trị; biết thêm về K8; về những ngày đói khổ thời bao cấp… tôi cũng từng trải qua như thế, nhưng không khốc liệt bằng anh, không dữ dội như anh và nói chính xác là tôi chưa phải ngày nào khổ như anh đã từng khổ.

            Tôi đã đọc anh và nhận ra để viết truyện ký, trí nhớ phải rất tuyệt vời. Trí nhớ của anh cực kì tuyệt vời, anh lại có năng khiếu văn chương nên câu chuyện kể tỉ mỉ mà không vụn vặt, cụ thể mà không tự nhiên chủ nghĩa. Đọc chuyện của anh, ta tự thấy mình trên mỗi trang văn.

            Truyện có 273 trang với 6 chương, chương nào cũng kết cấu chặt chẽ, rất ít khoảng trắng trên trang văn, chuyện này chồng lên chuyện khác, trùng trùng điệp điệp. Nhân vật chính là “hắn” – đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít. Hắn thời đạn bọm, hắn thời đi K8, hắn thời về quê nhà, hắn trên đất Huế và hắn bây giờ đang ở Buôn Mê Thuột. Khi đọc 3 chương cuối của cuốn truyện, tôi nhận ra mình còn quá vô tình và ích kỷ,  suốt ngày chỉ loay hoay với những chuyện vụn vặt với bản thân và sinh tồn. Tôi cũng nhận ra mình quá may mắn, những năm tháng “hắn vừa là giảng viên vừa là người nông dân, người đi buôn; thì lúc đó mình đang được học hành một cách tử tế, nghiên cứu, dạy dỗ một cách tử tế, chưa phải lo đói, lo thiếu ngày nào, chưa phải gánh trên vai mình bất cứ gánh nặng nào từ em út đến gia đình.

            Hắn đi qua bom đạn như “hạt gạo trên sàng”, bom nổ nơi này, hắn chạy nơi kia, cách kể của hắn thật hấp dẫn, chiến tranh không xa lạ gì với lứa tuổi của chúng tôi, vậy mà đọc văn hắn thấy cứ sống động từng chi tiết một. Ở đây không nhằm đề cao chủ nghĩa anh hùng, hay lý thuyết về chủ nghĩa nhân đạo, chỉ nhận ra một điều để sinh tồn, con người phải thật may mắn mới tránh được bom rơi đạn lạc.

Giọng kể của hắn bình thản, nhưng đằng sau giọng kể đó ẩn chứa một nỗi đau, một sự chịu đựng, một nghị lực phi thường. Cái cảm giác đói triền miên trong cuộc đời hắn đã ám ảnh tôi, khiến tôi thấy trong mình xuất hiện một vùng đau mới.

Trong lớp hắn nhỏ thó, không cao to, sạm đen, mặt thì lầm lụi, tôi đâu có biết trong hắn có cả một lò lửa của sự sinh tồn. Hắn phải có lò lửa đó thì mới vượt qua những năm tháng đói khát, nhọc nhằn khi đi K8, người cho hắn ở nhờ không ác, nhưng cái ác xuất hiện khi hắn mang tiếng là ăn nhờ ở đậu. Và hắn, chênh vênh trong cái cảm giác “cửa nhà người cao lắm khó bước qua”.

Tuổi thơ của hắn không được học hành đầy đủ như thời nay, nhưng sao hắn lại là một thầy giáo dạy văn có tên tuổi, tham gia các kì luyện thi học sinh giỏi, tham gia dạy luyện thi, kiếm tiền từ lao động chân tay chuyển sang trí óc chứng minh hắn có tài. Cái tài đó là bẩm sinh, sinh ra vốn là giỏi văn. Văn chương mà học để giỏi là rất khó, phải có chút năng khiếu mới có thể bứt lên làm chủ môn học của mình.

Như tôi đã nói, vì hắn có trí nhớ, trí nhớ tuyệt vời, nên câu chuyện kể thật đến từng chi tiết trong tất cả các sự kiện liên quan đến cuộc đời hắn, liên quan đến bạn bè, liên quan đến vợ con.

Hắn có lãng mạn không? Rất lãng mạn, nếu không lãng mạn sẽ không tồn tại và có cả bề dày vốn sống đến hôm nay. Những câu chuyện tình của hắn kể ra không nhiều, nhưng đọc lên cũng biết trái tim đó đã nhiều lần đau, đau cũng chỉ vì quá nghèo khổ. Cái nghèo khổ bắt đầu từ gia đình. Một gia đình thuần ngư, bố và anh vụng về, làm nghề gì mà vụng về cũng là khó, nghề ngư mà vụng về càng nghèo khó. Nhà có đông anh em, vậy là khổ rồi. May mà vào học nghề Sư phạm mỗi tháng có mười mấy đồng tiền học bổng, chứ học ngành khác chắc hắn phải “nửa đường đứt gánh tương tư”. Nghe hắn kể chuyện đôi mắt của mẹ vì không có tiền mà mù hẳn, đau như ai cứa từng khúc ruột của mình. Nghe hắn kể “một bữa no” mà tôi thương cái thằng người trong hắn. Chẳng qua vì đói, vì thiếu; đói, thiếu lâu ngày khiến con người phải làm liều. May mà hắn không sao cả. Tôi nhớ có lần mùa đông rét mướt, đứng trên bao lơn tầng 4 của khu nhà A, trước lớp học, anh Quang học trong lớp rét run lập cập, tôi hỏi: anh rét lắm à? Anh Quang trả lời “bụng đói, cật rét” em à. Thời đó, ai cũng đói, nhà tôi cũng đói, nhưng buổi sáng ba mẹ tôi vẫn cố cho chúng tôi một cái bánh mì mỏng dính, để đến lớp không phải đói đến như thế. Nghĩa là, tôi chưa đói đến mức như hắn dám ăn thách đến 20 cái bánh sắn, hay ăn hết 6 lạng đường. Càng đọc, tôi càng thích, càng nể và càng phục anh, anh chưa bao giờ là sự hấp dẫn với tôi về ngoại hình khi học trong một lớp. Tôi và anh càng ít nói chuyện cùng nhau. May mà mấy năm gần đây chúng tôi đi họp lớp cùng nhau, tôi mới có dịp đến nhà anh, biết thêm về vợ anh, một phụ nữ khiêm nhường, chu đáo, tận tình, niềm nở, một người phụ nữ dễ mến, dễ gần… Văn anh viết về chị cũng thật từ tốn, không lên gân, không ngợi ca, xem như kỉ niệm có gì thì viết ra vậy; nhưng phải có tấm lòng trân quý người mình yêu thương thế nào mới viết được những trang văn chân thật, có hồn, minh chứng cho một tình yêu khắng khít, đồng cam cộng khổ đến như thế. Con hơn cha, nhà có phúc, các con anh đều trưởng thành và có vị trí xã hội đáng nể trọng.

Tôi phục cái tài miêu tả và kể chuyện của anh, khi viết về lớp chúng tôi, về ngành học, về môn học và các thầy cô giáo, chỉ với 50 trang truyện, tất cả đều hiển hiện như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng tôi. Gần gũi, rõ ràng, tinh tế và thật đến mức khó chối cãi. Tôi cũng rất vui khi thấy tên mình được nhắc đến hai lần, không phải vì muốn nói về mình, mà vì ngỡ anh không để ý đến tôi, mà anh vẫn biết về tôi rất rõ.

Điều đáng trân trọng ở anh, là khi đã bắt đầu hưởng an nhàn, là khi anh cho ra mắt tập truyện ký này. Tâp truyện ký in không nhiều, chỉ 300 bản, chắc chưa đủ để tặng bạn bè. Nghĩa là anh đã bỏ ra một khoản tiền để xuất bản một tác phẩm văn chương tri ân cuộc đời, và những bạn bè như chúng tôi có diễm phúc được anh tặng, được đọc truyện của anh và cảm thấy như trong cuốn truyện này có cả hình bóng mình trong đó, dù đậm nhạt ở mỗi chi tiết, mỗi sự kiện nhưng tiếng nói tri âm chính là thành công của cuốn truyện.

Viết tự truyện là viết về chuyện một cá nhân, nhưng khi đọc xong cuốn “Vượt qua nghèo khó” bạn sẽ nhận ra, đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân mà là câu chuyện của cả cộng đồng, của cả một thế hệ trong những giai đoạn lịch sử khó quên: chiến tranh ác liệt, hòa bình lập lại, kinh tế thời bao cấp, kinh tế thị trường… Nghề giáo viên trong từng giai đoạn, lúc khó khăn, lúc bị rẻ rúng, lúc được tôn vinh…. Một ngôi trường trọng điểm của Buôn Ma Thuột – CĐSP Đắk Lắk hiện lên rõ mồn một trên từng trang văn của anh. Tên người, tên đất, thời gian, sự kiện nối tiếp nhau cụ thể đến từng chi tiết, rõ ràng đến mức như nhìn thấy… tất cả đều làm nên giá trị văn chương, giá trị hiện thực và trên hết vẫn là giá trị nhân văn. Từ giọt nước nhìn ra biển cả. Từ sự nghèo khổ đến khốn khó của một con người, đến hôm nay anh đã vượt qua nghèo khó đã chứng minh một chân lý trường tồn, chính lao động đưa con người đến với những giá trị đích thực của cuộc đời. Và con người – hai tiếng ấy mới thiêng liêng làm sao. Trước đây tôi quý mến anh, giờ tôi càng trân quý anh hơn, bởi anh chính là CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa đẹp nhất trong tôi.

Huế 17h ngày 4/3/2019  

 

 

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 2318
Ngày đăng: 23.08.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tiếng kêu “Thầy” (Bài 2) - Phạm Nga
Người đàn ông đi về phía biển - Lê Hứa Huyền Trân
Dọc đường văn nghệ ( phần 38) Nguyễn Minh Nữu – nhà văn của niềm đam mê cháy bỏng - Trần Dzạ Lữ
Một tiếng kêu “Thầy” - Phạm Nga
Sa Pa Du Ký - Giang Hiền Sơn
Vẫn Chuyện Trên Tàu - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Bữa cơm bình dân đường phố - Phạm Nga
Dọc đường văn nghệ (phần 37) Từ Hoài Tấn – ngày xưa và bây giờ - Trần Dzạ Lữ
Tản mạn về thú chơi thư pháp ở Sài Gòn - Phạm Nga
Người mất bóng - Vương Kiều
Cùng một tác giả