Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
430
116.793.125
 
Nam Bộ trong ký ức tôi
Hoàng Thị Thu Thủy

 

                                                                                               

Từ năm 2000, tôi bắt đầu đi dạy cho Trung tâm đào tạo từ xa Đại học Huế, và tôi gọi những nơi tôi từng đến là “Nơi ấy – một tình yêu!”. Ký ức 14 mùa hè ùa về trong tôi với biết bao hình ảnh, biết bao tâm tư, tôi đã đi qua hầu hết các tỉnh miền Trung (trừ Bình Thuận), các tỉnh Tây Nguyên (trừ Kon Tum), các tỉnh Nam bộ (trừ Vũng Tàu), những nơi chưa ghé qua âu cũng là cái duyên để giành cho những chuyến du lịch cùng người tri kỉ.

 

Có lần tình cờ tôi vào trang facebook của nhiếp ảnh gia Kiều Phương Nguyễn ở Sóc Trăng, với bức ảnh bông hoa điển điển và lời chú: “Nước nổi về, điên điển lại trổ bông”, có người còn comment: “Vớt cá linh về nấu canh chua”… Tôi nhớ lần đầu đến Nam Bộ, bữa cơm có canh bông điên điển, bông súng… Chao ôi, lúc đầu không biết ăn, ngồi nhìn, nhưng trên bàn ăn chỉ có một nồi canh, bên cạnh là mấy đĩa bông điên điển, bông súng, cùng mấy con cá kho tiêu, thôi thì ăn thử, ăn cho biết, ăn để có sức mà đi dạy. Quả thực lúc đầu không mấy thích thú, nhưng ở thì lâu, ở cả tuần, có khi gần hai tuần, nên phải ăn thôi. Ăn quen rồi đâm ghiền, đâm nhớ, lại tò mò hỏi các em sinh viên: bông điên điển nở hoa quanh năm phải không, các em trả lời giản dị: đến mùa nước lũ bông điên điển trổ bông cô à… Tôi đã từng đọc tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi từ thời còn bé, thấy đất Nam Bộ màu mỡ phù sa, cá tôm có sẵn, vẫn chưa hình dung hết độ mỡ màu, giàu có ở nơi đây…

 

Phải đi qua Đồng Tháp, An Giang mới cảm nhận được đặc sắc của món ngon Nam Bộ. Câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Bảo Định Giang) khi đọc thấy thân quen là vậy, thế mà khi về dạy ở Đồng Tháp, tôi cũng không nhớ ra, cho đến một hôm, sinh viên – là những cô giáo tiểu học, mời tôi ra công viên gần khách sạn ăn món chè hạt sen, do chính em nấu. Em đi cùng với một nhóm bạn, công viên thật nhiều cây xanh, thoáng đãng, rộng rãi, cô trò ngồi trên ghế đá vừa chuyện trò vừa ăn chè. Thâm tâm tôi thì nghĩ rằng, nếu là chè hạt sen ở Huế mới ngon chứ, hạt sen hồ Tịnh Tâm có tiếng, vừa thơm vừa bở, vừa ngon… nhưng vì lời mời, vì tình cảm cô trò, nên tôi xem như chuyện ăn chè hạt sen là nghi thức xã giao. Ai dè vừa ăn miếng đầu tiên, tôi cảm nhận hạt sen tan chảy trong miệng, rồi mùi thơm, rồi nấm tuyết và vị ngọt thanh của đường phèn. Chao ôi là công phu, em nói thêm, thưa cô chiều nay đi học về chúng em tự nấu để mời cô đấy ạ. Từ lúc này tôi cảm nhận thêm, hạt sen Đồng Tháp ngon chi lạ. Cũng đợt dạy đó, đúng ngày mồng năm – ngày Tết Đoan Ngọ, người Huế chúng tôi, thế nào cũng có vịt, có xôi, có chè kê… đi dạy xa nhà, biết làm sao. Các em dặn tôi, trưa nay cô cắt cơm ở khách sạn cô nhé, tôi ngần ngừ, vì suất ăn của chúng tôi đã định sẵn rồi… Thế rồi, khoảng chừng 10 giờ, lớp đang học, thì tôi thấy em xin phép về trước, tôi nghĩ, chắc em có việc bận đột xuất, nên cho em về. Buổi trưa, chúng tôi vừa xuống nhà hàng, nhân viên chưa kịp dọn cơm ra, thì em và một số bạn khác xách vào cho chúng tôi cơ man nào là bánh xèo, bánh xèo đủ cho đoàn giáo viên chúng tôi gồm 10 người, tất cả chúng tôi ồ lên kinh ngạc, vừa xúc động, vừa biết ơn, vừa ấm lòng. Xa nhà mà không lẻ loi. Các em giải thích, quê em ngày mồng năm ăn bánh xèo cô à, không ăn thịt vịt. Và đây là quán bánh xèo ngon nổi tiếng ở Cao Lãnh, chúng em phải sắp hàng từ lúc 10 giờ đó cô ạ. Tôi về Huế vẫn nhớ mãi em cùng lớp học của em là các cô giáo, thầy giáo ngành Tiểu học với tấm lòng thơm thảo, cư xử lễ độ. Thế mà, lần đầu khi tôi vừa đến Đồng Tháp, dọc đường đi cứ sợ nhầm chỗ, vào khách sạn đã hơn 2 giờ chiều, các thầy cô đi dạy hết, chỉ mình tôi trong phòng khách sạn, buồn quá, bật hết các kênh ti vi để xem, kênh nào cũng cải lương, vọng cổ, thầm nghĩ rằng: ở đây lâu chắc buồn lắm đây. Thế nhưng cảnh vật, con người nơi đây đã khiến tôi không thấy buồn chỉ thấy nhớ khi xa các em.  

 

Khi dạy ở An Giang, tôi được sinh viên đưa xuống tận khu di tích Bác Tôn Đức Thắng, nơi đây những cây tùng, cây bách xanh tốt, cao thẳng đẹp, tôi nhớ lại đồi thông Thiên An ở Huế rồi so sánh: ở Huế, hàng chục năm mới có cây tùng cao quá đầu người, còn nơi đây chỉ mới hơn 10 năm mà xanh tốt gấp nhiều lần, đúng là mảnh đất màu mỡ phù sa. Lúc về, các em cứ nằng nặc mời vào nhà các em ăn lẩu mắm cá linh, phần vì nể, phần vì không còn cách nào từ chối, tôi đành vào nhà cùng ăn với các em. Mới nhìn nồi lẩu lòng tôi cứ thấp thỏm, sao ăn lẩu mà nồi lẩu nhỏ thế, rau thì mấy rổ, nồi nước lẩu thì quá ít. Lúc đầu các em đòi lấy bún, lấy rau, lấy mắm cho tôi, tôi cứ nghĩ như thế là phiền cho các em, thế là tự mình lấy bún, lấy rau, lấy mắm… Và đó sẽ là kỉ niệm nhớ đời với tôi, cứ nghĩ như ăn lẩu Thái, lẩu chua cay, lẩu thập cẩm, nên chan luôn một vá nước lẩu vào chén, và ôi thôi, mặn ơi là mặn, thế là thêm bún, thêm rau, thêm đến mấy lần mà vẫn không hết mặn… Thêm vào nhiều mà không ngán, không bỏ chén xuống vì mắm cá linh nó béo, nó ngậy, nó thơm, nó ngọt… Con cá linh phần lớn từ biển Hồ Campuchia trôi về đến An Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, người dân chỉ mang lưới ra vớt về làm mắm, đúng là của trời cho…

 

Lần dạy ở An Giang đó, tôi may mắn quen nhà văn Võ Diệu Thanh học trong lớp Đại học tiểu học. Tôi mới vào lớp, chào các em, thì có em nhanh nhảu giới thiệu: Thưa cô, lớp này có nhà văn của tỉnh An Giang, tôi cũng tự hào khoe luôn, nếu có nhà văn mà được học môn Lý luận văn học với tôi thì quá may mắn, vì tôi dạy môn này hay lắm. Sau một ngày rưỡi, thì chính em Võ Diệu Thanh đã đứng dậy thay mặt lớp cảm ơn tôi, và em xin được gặp gỡ cùng tôi trao đổi về văn chương, em đưa truyện ngắn của em nhờ tôi đọc. Tôi đọc những truyện ngắn đầu tiên của em, trao đổi với em… lúc đó tôi đã tin là em có năng khiếu văn chương bẩm sinh. Giờ này, tôi không nhớ nổi mình đã đến An Giang dạy mấy lần, chỉ biết là đã mấy lần gặp gỡ nhà văn và có lần nhà văn cũng mời tôi ăn tối, tôi hí hửng rủ thầy Nguyễn Đức Sĩ Tiến (dạy cùng trường với tôi), vì nghĩ rằng thầy Tiến có viết văn, gặp nhà văn nói năng cho dễ. Lần này tôi lại bị sốc về văn hoá ăn uống của người Nam Bộ. Nghe em mời nằng nặc, tôi hí hửng tưởng là đến một nhà hàng nào đó, ít nhất là để biết thêm về văn hoá ẩm thực Nam Bộ, ai dè em dẫn chúng tôi đến khu nhà trọ em ở, vẫn là lẩu mắm cá linh, nhưng lần này món lẩu có thêm những con cá rô béo ngậy. Ngồi xuống ăn, mới giật mình, lẩu mắm mà không có ớt, em đi quanh khu nhà trọ cũng không tìm ra ớt. Tôi và anh Tiến cố gắng ăn, nhưng người miền Trung trong món mắm mà không có ớt thì thà nhịn còn hơn. May mà lúc ăn tráng miệng có món bưởi da xanh, đỡ đi cái cảm giác khó chịu khi ăn mắm mà không có ớt. Em giải thích: người Nam bộ chúng em quý khách thì phải tự mình nấu món ăn mời khách, chứ không phải ra nhà hàng. Tôi biết ơn em, vì từ lời mời của em tôi đã có cái nhìn so sánh về văn hóa vùng miền; với chúng tôi hễ tiếp khách là ra nhà hàng, tùy vào quan hệ thân sơ, quan hệ công việc, quan hệ xã giao mà chọn lựa nhà hàng cho phù hợp; còn với người Nam Bộ là phải tự nấu, mời khách đến nhà mới quý nhau, hôm đi về khu lưu niệm Bác Tôn Đức Thắng cũng thế, trong đoàn đã cử một em ở nhà nấu lẩu chờ chúng tôi về.

 

Tôi nhớ thời gian đó nhà văn Võ Diệu Thanh được đăng truyện ngắn “Lời thề đá” trên báo Tuổi trẻ, một buổi sáng chúng tôi cùng ngồi uống cà phê ở quán bên đường (cũng nói thêm là tại Thành phố An Giang mà tìm ra một quán cà phê với phong cảnh hữu tình như ở Huế thì thật khó) thì có một thầy giáo người Hà Nội đi qua, thầy là Tiến sĩ toán học, phu quân của nhà thơ Phi Tuyết Ba, chúng tôi mời thầy vào cùng uống cà phê. Khi tôi giới thiệu với thầy đây là nhà văn Võ Diệu Thanh, thầy tròn mắt kinh ngạc, thầy còn nói thêm, nhà văn bây giờ mà viết được cũng là giỏi. Biết thầy từng ở nước ngoài về nên tôi hỏi thêm thầy: Vì sao tôi đọc hai cuốn tiểu thuyết: “Chuyện kể năm 2000” và “Đêm giữa ban ngày” có nội dung na ná nhau, câu chuyện của thầy khiến tôi nhớ mãi, vì ngày đó thầy ở cùng chỗ với tác giả “Đêm giữa ban ngày” tại Nga, và sau sự cố mất cái ổ cứng có chứa cuốn tiểu thuyết viết sắp xong thì nhà văn đó đã đi khỏi nước Nga…

 

Duyên nợ với nhà văn võ Diệu Thanh tính ra cũng đã nhiều năm; năm em được giải Nhì văn học tuổi 20, tôi đã viết bài báo về văn của em đăng ở báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh: “Nét riêng trong văn của Võ Diệu Thanh” (Văn nghệ số 131/14/10/2010). Vào năm 2013, tôi lại được về dạy An Giang vài ngày, em lại bắt xe đến thăm tôi, em còn mời nhà văn Nguyễn Đức Phú Thọ đến gặp gỡ tôi, lúc đó An Giang có những cơn mưa bất chợt, tôi nhìn trời lo lắng, em Phú Thọ đã về văn phòng Hội nhà văn lấy cái dù mang ra tặng tôi, để ban đêm tôi đi bộ khỏi bị ướt đầu… Chao ôi, là kỷ niệm, chỉ với một địa danh mà tôi không chỉ có học trò, còn có bạn, có những người ân tình đến như vậy. Và rồi duyên văn chương đã theo mãi chúng tôi cùng năm tháng, để rồi bài báo của tôi viết về nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ “Nguyễn Đức Phú Thọ, những vần thơ lay động tinh tế” đã hoàn thành sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi vào mùa hè năm nay, 2018…

 

Từ văn hoá ẩm thực Nam bộ, tôi nhận ra, ở những vùng đất Nam Bộ này nếu đi du lịch chỉ là lướt qua, chỉ là nhìn ngắm, nhưng là đi dạy khi đã ăn dầm ở dề 5, 7 ngày, có nơi ở hết cả đợt 15 hay 20 ngày, thì văn hoá này thấm sâu vào tâm khảm của mình, không thể gọi là “cưỡi ngựa xem hoa” được. Nói về văn hóa học tập, nhiều khi tôi thấy lạ, có em học xong rồi mà mấy năm sau mới lấy bằng tốt nghiệp, không phải em đó thi trượt mà đi thi trễ là về, là chờ năm sau. Tôi so sánh với sinh viên miền Trung chợt nhận ra là, sinh viên miền Trung đi thi trễ vài phút thế nào cũng nằng nặc xin xỏ, khóc lóc; nhưng sinh viên Nam bộ thì không, họ bình thản trở về chờ đến năm sau. Họ thật thà, giản dị, không biết đãi bôi, không biết che giấu tình cảm của mình. Có lần tôi dạy trong một lớp Đại học tiểu học ở An Giang, thấy một cô sinh viên cứ nhìn mình chằm chằm, tôi rất ngại, rồi đột nhiên gặp tôi em nói một câu giản dị: thưa cô, em thích học môn văn, nghe xong lòng mình thấy lâng lâng một niềm vui, thế là đã có người mê văn chương. Sinh viên Nam bộ nói chuyện cũng mộc mạc, chân thành, có em hỏi tôi: Cô ăn cá ba sa không, em cho… Có lần tôi đang đi giữa sân trường có em đưa cho tôi một cái can nước màu vàng sánh, mà nói: Em cho cô. Tôi từ chối, vì còn đi nhiều nơi, không thể tha theo được, em nói tỉnh queo: Mật ong rừng U Minh đó, hôm qua em về nhà em lấy cho cô. (Thú thật, lúc đầu nhìn can nước cứ nghĩ đó là nước mắm).

 

Tây Ninh, Bình Phước, Bạc Liêu, Cà Mau… mỗi nơi được đặt chân đến là mỗi lần chúng tôi học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, lúc thì làm thế nào để đi và đến nhanh, tiện và rẻ… Hễ gặp nhau là chúng tôi hỏi nhau: ở đây rồi còn đi đâu nữa không? Nếu đi thì đã biết chuyến xe nào nhanh nhất không? Các số điện thoại của các hãng xe được các thầy cô lưu đầy trong di động, mỗi người như một pho từ điển sống về các chặng đường đã đi qua và đã đến để dạy dỗ. Chúng tôi vẫn gọi đùa những chuyến đi dạy là những chuyến du lịch có tiền…

 

Có 2 địa danh khiến tôi nhớ mãi. Địa danh Bến Tre là nơi mà khi mới cầm hợp đồng, tôi đã hoảng sợ. Trời ơi, chưa bao giờ biết Bến Tre làm sao mà đi đây, tôi đứng thập thò ở phòng Đào tạo, chờ xin đổi địa điểm, ai dè nghe lỏm được là những người vào phòng thầy Trưởng phòng là đều xin đổi địa điểm và thầy đều từ chối. Thế là tôi sợ, không dám xin nữa, âm thầm trở về lo lắng chuẩn bị cho chuyến đi dạy xa với tâm trạng bất an. Nhưng, đường ở miệng mình, xuống sân bay Tân Sơn Nhất là tôi bắt đầu hỏi, đường đi không khó, chỉ khó là khi đi qua phà…. Nỗi nhớ của tôi về nơi này là sinh viên ngồi học cứ như người ta đi nhà Thờ nghe giảng Thánh kinh. Quá xúc động, giờ ra chơi tôi hỏi các em về chế độ đãi ngộ đối với nghề giáo ở đây. Các em nói rằng chưa bao giờ được nhận một bông hoa vào ngày 20 tháng 11, đi dạy còn mất tiền mua tập (vở) cho học sinh, mới cho hôm nay, ngày mai đã làm mất rồi, giáo viên vừa cho sách vở, vừa đến từng nhà động viên các cháu đi học. Người Nam bộ cho rằng một thúng chữ không bằng một thúng thóc… Thế đó, nghề nghiệp không ưu đãi họ, nhưng sự hiếu học thể hiện trên từng khuôn mặt, từng ánh mắt, và cách cư xử của các em với chúng tôi. Giờ nghỉ giải lao giữa cô trò thường ngắn ngủi, vì những câu chuyện của chúng tôi là bất tận. Nơi đáng nhớ thứ 2 là Đồng Nai, ai đi Đồng Nai trước đó cũng nói rằng nơi này không có gì để nhớ. Thế mà tôi rất may mắn đến nơi này 3 lần, lần nào cũng nhớ, cũng thương. Thương nhớ những sinh viên lễ phép, thật thà, có những lớp tôi không dạy, khi đi qua họ đều cúi đầu chào. Có những lớp chưa dạy đã có sinh viên gọi điện, nhắn tin xin vào trễ, xin vắng một buổi thôi. Dạy xong, thì các em đứng dậy cám ơn.

 

Miên man kiểu này tôi đâm ra nhớ Cà Mau, nhờ có đi dạy cho Đại học Từ xa Huế, tôi mới đến được điểm tận cùng của Tổ Quốc. Vừa đặt chân đến đó, tôi đã thấy hạnh phúc tràn trề, nơi xa nhất mình cũng đã đến được rồi. Những ngày dạy ở đó đọng lại trong tôi thật nhiều kỉ niệm. Giờ ra chơi, có em ngồi ôm chân tôi, tôi hỏi đùa, sao có gì mà ôm chân cô rứa? Em sinh viên nữ cúi đầu mà khóc, nói rằng em đi học chồng em không cho nên đã bỏ mặc mẹ con em, thế là em phải ôm con về nhà mẹ, chừ làm sao đây cô? Thấy em thật thương, biết làm sao, tôi không khuyên nhủ những lời sáo rỗng được, tôi nắm tay em thật chặt và nói rằng: cố lên em ơi. Về Huế mà lòng mình bất an, tôi thường nhắn tin hỏi han, động viên em… mãi đến 2 năm sau em sung sướng báo tin: chồng em đã trở về vì đã hiểu và thông cảm cho vợ. Thế là nhẹ lòng. Có lần, dạy ở Bạc Liêu cũng thế, có một sinh viên nam xin gặp riêng tôi và hỏi một câu: Cô ơi, sao vợ em bỏ em vậy cô?… Trên mỗi chặng đường như thế, tôi đã hạnh phúc được gặp những con người hạnh phúc, tôi cũng đã khổ đau khi gặp những con người khổ đau – họ đều là sinh viên trong những lớp mình đang giảng dạy, giờ ra chơi, họ tìm đến mình, hỏi bài vở thì ít, mà hỏi cuộc đời thì nhiều…

 

Đi dạy cho Trung tâm đào tạo từ xa Đại học Huế ở Nam Bộ không chỉ là du lịch, là hiểu biết, mà còn thành thơ, thành văn, thành kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đi đường, càng hiểu thêm câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan” (Đi đường mới biết đường đi khó)… trang ký ức đẹp trong tôi về vùng đất Nam Bộ vẫn đọng lại trong mấy chữ: Nơi ấy – một tình yêu!

                                                                       

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 2044
Ngày đăng: 24.12.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi trường thời thơ ấu - Trần Trung Sáng
Dọc đường văn nghệ (phần 34) Những kỷ niệm khó quên với nhà văn Trần Doãn Nho - Trần Dzạ Lữ
Nhớ Thầy tôi – Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng - Phan Văn Thạnh
Màu mắt em trong như cõi người vốn là - Nguyễn Hàng Tình
Chị Hiền - Nguyễn Đại Duẫn
Hà Nội như mảnh ghép tạng của chính tôi … - Phan Văn Thạnh
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 31) Trần Áng Sơn, cuối cùng anh tắm gội mình bằng thơ - Trần Dzạ Lữ
Kể chuyện làm thơ - Phan Tấn Uẩn
Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường (II) (tiếp theo) - Nguyễn Đức Tùng
Cỏ biếc - Yến Nhi
Cùng một tác giả