Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
778
116.789.815
 
Đi như là ở lại : ngược dòng ký ức cùng nhà văn Lê Vũ Trường Giang
Hoàng Thị Thu Thủy

 

 

      Tôi cầm tập bút ký “Đi như là ở lại” của nhà văn Lê Vũ Trường Giang và thử lượng sức mình, sẽ đọc và cảm nhận được bao nhiêu trong hành trình chữ nghĩa dày dặn của anh, 266 trang sách với 15 bài viết theo thể bút ký. Đây là thể loại văn học cơ động, linh hoạt, nhạy bén trong việc phản ánh hiện thực ở cái thế trực tiếp nhất, ở những nét sinh động và tươi mới nhất.

 

Lịch sử văn học thế giới có nhiều tác phẩm kí góp phần xứng đáng với sự phát triển chung của văn học (Tạp văn của Lỗ Tấn), trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, các tác phẩm kí có một vị trí đặc biệt quan trọng (Việt điện u linhThượng kinh kí sự, Vũ trung tùy bút…). Thế kỷ 20 không ai là không biết đến nhà văn viết ký nổi tiếng Nguyễn Tuân, chưa nói là nỗi sợ hãi của thí sinh khi thi vào đại học mà đề thi có liên quan đến tác phẩm Người lái đò sông Đà của ông, bởi vì tác phẩm càng hay, việc phân tích, bình giá càng khó. Kí có nhiều loại, trên tác phẩm, nhà văn Lê Vũ Trường Giang đã định danh, loại bút kí; loại này có đặc điểm tái hiện con người và sự việc khá dồi dào, qua đó biểu hiện khá trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả. Bút kí, do đó mang màu sắc trữ tình, những yếu tố trữ tình xen kẽ vào sự việc rất dễ phát triển thành tùy bút.

 

Trong lời mở đầu của cuốn sách, nhà văn khiêm tốn viết rằng “tôi mơ hồ trong hành trình “đi tìm thời gian đã mất” của hoài niệm, của lãng quên, của suy tàn” (tr.6)… Viết vậy, nhưng không phải vậy, bởi mỗi nơi nhà văn đã đi qua, rồi quay lại để đào xới cái quá khứ, cái kỉ niệm, cái cảm nhận của mình – như là ở lại nơi đó, thì rõ ràng nhà văn đã tôn trọng thể loại ở việc tái hiện cụ thể, chi tiết, chân thực từng địa danh, từng khoảng thời gian mà nhà văn trải nghiệm, còn phần bay bổng, hay lắng sâu trong tâm hồn lại là phần hư cấu đúng nghĩa của thể loại bút kí – đậm chất trữ tình.

Đọc xong bài kí Mênh mông Trằm, 18 trang, tôi chợt nhận ra, đến bây giờ mình mới hiểu về tên gọi về một “vùng đất có sự xen kẽ giữa núi đồi xanh thẳm, đồng bằng màu mỡ là vùng đất cát sâu trong nội đồng… đất đai trù mật” (tr.16) – Trằm; tôi phải cảm ơn nhà văn Lê Vũ Trường Giang; bởi vì tôi sinh ra ở Lệ Thủy, Quảng Bình, quen đi củi dương cùng chúng bạn ở xã Thanh Thủy, vùng biển, và đã đi đến mòn chân – đôi chân trẻ thơ qua những vùng đất giao điểm đó; rồi về Huế - quê ở biển Điền Hải của huyện Phong Điền – cũng đi qua những vùng đất như nhà văn miêu tả, mà vẫn không biết tên gọi, giờ thì gọi danh: Trằm. Nhà văn đã khoanh vùng, định danh rất rõ – xã Thủy Châu, Hương Thủy, mang đặc tính của một vùng thung lũng, nơi đó thật là yên tĩnh; nhưng chỉ nhìn về hướng Đông là có ga Hương Thủy, tiếng còi tàu nơi ấy gợi lên biết bao cái xốn xang cho những cuộc chia ly. Cái tài của nhà văn là ở đó. Dùng cái động để tả cái tĩnh, dùng tiếng còi tàu gợi cảm thức chia ly để liên tưởng về một vùng đất mà nếu không có tiếng động của còi tàu sẽ êm đềm, nhưng cái êm đềm của nỗi buồn nơi vùng đất chỉ là điểm tiếp nối giữa thành thị và nông thôn. Nỗi buồn này đã từng được nhà văn Thạch Lam miêu tả trong tác phẩm Hai đứa trẻ.

 

Cái nhìn của nhà văn bắt đầu từ mảnh vườn nhà với dưa, rau, đậu, cà… rồi ong, bướm, những dòng văn trôi chảy trong tâm thức, tiềm thức và ý thức, ngọt ngào như những con suối len lỏi trong các động cát của vùng Trằm. Tập trung bút lực miêu tả ruộng dưa vào mùa, canh trộm, rồi đêm tối hay đêm trăng, mỗi một khoảnh khắc của không gian và thời gian là những suy tưởng đậm tính nhân văn của nhà văn. Cái nhìn thân thương, gan ruột chiếm trọn những dòng văn xuôi mượt mà, hấp dẫn. Không nhìn những kẻ trộm dưa như những kẻ trộm manh động bây giờ, cũng không nhìn nơi vùng quê yên tĩnh này với nỗi buồn yên ắng, mà sôi động, gần gũi từ trong niềm vui xóm giềng. Cùng với nó là vùng đất trải qua 4 mùa với những khoảng thời gian khắc nghiệt: gió Lào, mưa dầm, bão tố… nhưng rồi, tất cả chỉ là kí ức, vì “Trời kia xui khiến sông nên bãi, Ai khéo xoay ra phố nửa làng” (Vị Hoàng hoài cổ - Tú Xương); “Giờ tôi đứng giữa đất Trằm, hẩng hụt một mình giữa hoàng hôn. Trằm không còn nguyên vẹn như xưa, người ta đã quy hoạch nó thành đô thị” (tr.32). Âu đó cũng là quy luật. Và thay vì bạn thẫn thờ tiếc nuối, bạn đã viết về nó – về Trằm, như là cố nhân, để người ở, người đọc còn biết thương nhớ một vùng đất xưa gần phố thị.

Cũng vẫn lối viết tỉ mỉ, từ tốn, cẩn thận từng chi tiết, anh đã cho người đọc biết về một Bạch Mã quanh năm mây trắng bay trong bài Mây phủ linh sơn thật tuyệt vời. Tiếng là ở Huế từ năm 1975 đến giờ, mà tôi chỉ lên Bạch Mã đúng một lần, cách đây chừng 4 năm, đi như “cưỡi ngựa xem hoa”; biết rõ hơn về nơi đây qua một vài bài thuyết trình của sinh viên, và tôi cũng biết những bài thuyết trình đó, nhiều khi tư liệu lấy trên Internet nhiều hơn cả hiện thực. Ấn tượng của tôi về Bạch Mã là từ năm 1984, khi gặp Võ sư Karate Nguyễn Văn Dũng tiễn một võ sinh người Hà Nội cùng đi chuyến tàu với tôi, sau lần đó, tôi cứ nghĩ phải là Võ sư, phải là người có thể lực kiên cường mới lên Bạch Mã. Vậy mà, với nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang thì Bạch Mã đã là cố nhân. Nào mây, nào núi, nào chùa, nào quần sơn, nào đường mòn, ngũ hồ, rồi gà lôi, hoa đỗ quyên… nghĩa là phải lên xuống nhiều lần, lưu luyến vấn vương, phải đọc rất nhiều tư liệu về sử học, văn hóa học mới có những trang văn viết tỉ mỉ đến như thế. Về mây thôi mà có “những đám mây như đàn ngựa trắng chờ chủ đón về”, nên tên núi Bạch Mã cũng ra đời từ đó “núi như mọc ra từ mây, mây khoác tên lên núi, mây núi quyện vào nhau bất khuất đất trời” (tr.49). Vừa miêu tả mây núi, vừa gọi tên địa danh, danh tích “Bạch Vân Tự” được tác giả kể ra có ngọn có ngành, tỉ mỉ, cụ thể mà không kể lể, bởi chất trữ tình thấm đẫm trên mỗi dòng chữ. Tri thức về địa lý, về lịch sử tự nhiên trên trang viết, gợi về những vùng đất thiêng như núi Yên Tử, núi Thúy Vân… Quét cái nhìn theo lịch sử, nhà văn đã chỉ ra sự thăng trầm, sự lãng quên Bạch Mã cho đến thời Pháp thuộc vào khoảng năm 1925, và Bạch Mã bắt đầu được khai thác thành khu nghĩ dưỡng phồn hoa vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX; rồi 139 công trình kia lại trở thành hoang phế khi người Pháp bỏ cuộc ở Đông Dương. Tôi có cảm giác như nhà văn khi viết những trang văn này đã hòa trộn “văn – sử - triết” vào nhau – lối viết của những nhà Nho tài tử thời Trung đại. Vừa liệt kê tên gọi mỗi địa danh, vừa miêu tả, vừa gợi về những giá trị về khí hậu, thổ nhưỡng, địa lý của Bạch Mã. Đọc đến đâu, hình dung đến đó, tôi lại háo hức muốn trở lại nơi đây nhiều lần nữa. Thảo mộc và cầm thú phong phú, núi rừng có nhiều địa điểm đẹp, có sẵn những công trình của Pháp để lại, rồi khi Huế vào mùa nắng nóng, gió Lào 38 - 40 độ C; lúc này Bạch Mã chẳng khác gì Đà Lạt, Sa Pa, nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời cho người dân miền Trung. Bài viết đánh thức cả một tiềm năng du lịch lớn cho Thừa Thiên Huế, như lời mời gọi sự đầu tư, khai thác và tận dụng vùng đất kì thú Bạch Mã.

 

Cùng với Bạch Mã, đèo Hải Vân (Vén mây quá Hải Vân quan) trong ký ức của anh thật sống động (tr.153, 154), nào đèo, sương bạc trắng, những đóa hoa rừng trên những hẻm núi ngát màu xanh, cánh cò trắng lả lướt, suối khe hòa quyện trong những tán rừng nghi ngút khói sương… chao ôi chốn “bồng lai tiên cảnh” được miêu tả bằng ngôn ngữ thật gợi hình gợi cảm. Ai đi qua đây cũng đều dừng chân chụp một tấm hình giữa non nước trời mây đẹp đến nao lòng, nhưng mỗi loại hình nghệ thuật có sức mạnh riêng của nó, với văn chương thì ngôn từ có sức mạnh vạn năng, bởi trong văn có họa, trong văn có nhạc, trong văn có cả hồn người viết nên nó.

 

Thời này, văn hóa du lịch lên ngôi, nhiều người đến với những tour du lịch theo mùa ở những đất nước xa xôi; còn anh, Lê Vũ Trường Giang, đi quanh tỉnh Thừa Thiên Huế đã có biết bao nhiêu cảnh đẹp, bao nhiêu chỗ nhìn ngắm, bao nhiêu điều suy tư, chiêm nghiệm. Đi như là ở lại, đi mà ngập ngừng, đi mà ngoái lại, có khối điều hay. Nào đầm Cầu Hai, Vinh Hiền, cửa biển Tư Hiền, rồi núi Thúy Vân… (Quẩy gánh tang bồng nơi hải khẩu) hiện ra với vẻ đẹp của non nước hữu tình, của lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông; bất giác tôi hình dung kẻ lữ thứ - nhà văn Lê Vũ Trường Giang đang tìm lại chính mình trên từng bước chân nhỏ trên bãi cát mênh mông, trên núi cao vực thẳm; vì anh đã ghi lại, đã miêu tả, đã cảm nhận mỗi nơi mình đi qua thật tỉ mỉ, cẩn trọng; dù không nói ra thì tình yêu quê hương, đất nước đã thấm đẫm trên từng trang văn. Biển Điền Lộc, Phong Điền vào trang văn của anh như Khúc phong cầm trên cát, bởi cái nhìn bao quát, gắn bó với biển, với sông Ô Lâu, phá Tam Giang, với con người, phong cảnh cứ ngồn ngộn trên từng trang viết. Cái nhìn của nhà văn quét hết những vùng đất màu mỡ, những đầm phá thiên nhiên tuyệt vời của đất Thừa Thiên Huế. Dường như “khúc phong cầm” chưa thỏa chí tang bồng, anh lại viết tiếp Dặm dài căng gió Tam Giang. Tôi thích cách cắt nghĩa của anh về câu ca dao: “Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”, cũng như cách giải thích tên địa danh Sịa – Quảng Điền; cách miêu tả các con đường về đến vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á này. Thử hỏi, nếu là khách du lịch, khi bạn đặt chân đến vùng đất này, bạn đọc trước những trang sách viết như gợi, như tả, như kể, như lý giải về một địa danh, một tài nguyên, một thiên nhiên kì thú thì chuyến du lịch của bạn không chỉ là ngắm, là nhìn, mà còn cảm và nhận. Cũng như khi tôi đến Thủ đô Tokyo của nước Nhật, tôi từng đọc câu văn của một sinh viên Lào: em thấy Thủ đô rất sạch, sạch đến mức mà muốn tháo giày ra để đi chân đất giữa thủ đô, câu văn đó khiến tôi đã chú ý độ sạch sẽ trong cả chuyến đi công tác của mình.

 

Nói về biển, hơi thở thời đại phả vào trang văn của anh trong bài viết Lời nguyện cầu cho đại dương, có những câu văn mà đọc xong ta sởn gai ốc, ta tự hỏi, biển đau như thế, lương tâm ta để đâu, làm người nhất định phải truy vấn bản thân mình như nhà văn đã viết: “Đứng trước biển, ta rúm ró trước sự bao la vô bờ bến của biển và hổ thẹn cho cái lương tri bé mọn, ích kỉ của ta…” (tr.116). Nếu ở thể loại truyện thì những dòng văn này không hẳn là hay, bởi viết theo lối luận đề; nhưng với thể bút ký thì thật hay, bởi đó là những suy tư chân thật từ trái tim của nhà văn.

Trong nhiều giai thoại về vị trí tọa lạc của lăng Gia Long, anh đã tìm về nơi đây, đắm mình trong phong cảnh hữu tình, gọi tên các giá trị văn hóa của một vùng đất danh tiếng “cảm nhận cả cuộc đất Định Môn, gió núi Thiên Thọ, nước sông Hương thấm mênh mang đầu lưỡi” (Giấc ngủ lâm tuyền, tr.92). Thiết nghĩ, những chuyến du ngoạn của du khách đến vùng đất này sẽ thêm thơ, thêm nhạc khi đọc những trang văn viết tỉ mỉ, cẩn trọng như thế của nhà văn Lê Vũ Trường Giang. Dòng Hương cũng đi vào văn của anh, nhưng đã có một bút ký nổi tiếng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường Dòng sông ai đã đặt tên, thì anh chọn một cái nhìn khác, cái nhìn về Nỗi niềm Hương Giang. Từ ấn tượng của cậu học trò năm 12 tuổi về những cư dân trên vạn đò, đến nhận thức của nhà văn trẻ về hình ảnh con đò “chở thi ca, chở văn hóa Huế và chở cả những cuộc đời ba chìm bảy nổi đi vào lòng cố đô… ” (tr.164, 165) và cùng với sự đổi thay là sự tiếc nuối của nhà văn: “Một sớm mai thức dậy trên đất thôn Vỹ, cũng đã lâu lắm rồi tôi bâng khuâng nghĩ về điều quá vãng. Dòng sông không có bóng con đò nào, lịch sử đã quay về buổi hoang sơ… tôi đi tìm con đò mộng” (tr.172). Chúng ta từng phân tích nỗi cô đơn của thi nhân Huy Cận khi viết những câu thơ “Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật” trong bài thơ Tràng giang; vậy mà khi đọc những dòng văn hồi cố này của nhà văn Lê Vũ Trường Giang lại không một chút cô đơn, mà gợi về một sự yên bình như cái làng trong Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm, êm đềm, yên bình và trong lành.

 

Mỗi nơi anh đặt chân đến đều để lại những trang bút ký tuyệt vời về địa danh, phong cảnh, con người và tâm trạng của nhà văn: Mùa xuân Târ-Coong, Bên cầu soi bóng linh xưa, Ruộng bậc thang lên đến tầng trời, Những mùa xuân lữ thứ… Đến với những trang bút ký của anh ta như đọc được cả lịch sử, văn chương và văn hóa. Tôi vẫn thích những bài bút ký của anh cùng những dấu chân ở lại của anh trên đất Thừa Thiên Huế: là trằm, là sông, là núi, là đèo, là biển cả… nơi nào cũng lưu luyến, nơi nào cũng vấn vương và hơn hết là cái tâm, cái tình của người viết. Nhà văn Lỗ Tấn từng viết: Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi; nếu đi như cách của nhà văn Lê Vũ Trường Giang thì không chỉ thành đường mà còn thành nơi tri kỉ, chúc cho anh “chân cứng đá mềm” trên con đường vạn dặm cùng văn chương.

             Huế ngày 7/11/2018

                                                                 

   

 

 

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 1569
Ngày đăng: 14.05.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nét duyên thầm trong “Lục bát tôi” của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh - Hoàng Thị Thu Thủy
Người Mẹ trong thơ Vũ Trọng Quang - Nguyễn Thị Tịnh Thy
Thơ Trần Dzạ Lữ: thơ viết cho vợ khi ở bãi biển Vũng Tàu - Hoàng Thị Bích Hà
Lưu Quang Vũ, càng thương yêu càng không vừa ý - Nguyễn Đức Tùng
Đọc: Rét Bân nhớ mẹ - ngày 8 tháng 3 - Đặng Xuân Xuyến
Xuân với thơ, thơ với xuân - Đỗ Quyên
Vài suy nghĩ khi đọc “ Thuyền theo bến lạ” của Phúc Toản - Đặng Xuân Xuyến
Ngữ ngôn của thi ca - Võ Công Liêm
“Áp tai vào đất” Những cảm xúc mới lạ của nhà thơ trẻ Lê Quang Trạng - Hoàng Thị Thu Thủy
Thi nhân của “Thế giới phằng” – Phan Thanh Bình - Hoàng Thị Thu Thủy
Cùng một tác giả