Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
538
116.856.795

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Âu lo cho Huế : Câu chuyện đồi Vọng Cảnh của Huế lại nóng lên trên các phương tiện thông tin đại chúng .
Câu chuyện đồi Vọng Cảnh của Huế lại nóng lên trên các phương tiện thông tin đại chúng suốt hai tuần qua. Một khu resort không lớn lắm nhưng đã làm tốn quá nhiều giấy bút của báo chí (hơn 40 tờ báo) và tâm trí của các nhà khoa học trong suốt cả năm qua; cũng như tốn quá nhiều công sức của chính quyền địa phương và nhiều bộ ban ngành, cùng nhiều tiền bạc của nhà đầu tư.

“Chỉ với hai cái khách sạn mà Huế đã làm náo động cả nước!” (cái còn lại là khách sạn Tân Hoàng Cung) - KTS Nguyễn Trọng Huấn đã thốt lên như vậy trong cuộc hội thảo về Vọng Cảnh đầu tháng tư năm ngoái tại Huế. Sự náo động không đáng có đó, theo KTS Huấn, là do Huế thiếu trầm trọng một điều kiện căn bản: qui hoạch!

 

Vì vậy, không phải đợi đến dự án Vọng Cảnh, mà mười năm trước Huế cũng đã làm cho cả nước âu lo, khi chính quyền quyết định cho phép xây dựng một khu nhà nghỉ bên bờ nam sông Hương (chỗ Bảo tàng Hồ Chí Minh bây giờ) cho các chuyên gia nhà máy ximăng liên doanh với Hong Kong; tiếp đó là một nhà hàng nổi trên bờ bắc sông Hương, ngay trước kinh thành; tiếp đó nữa là bờ kè dựng đứng ở công viên 3-2.

 

May mà chính quyền đã kịp sửa sai bằng cách hủy bỏ và chỉnh sửa. Dù phải tốn kém khá nhiều tiền của và mất mát không ít niềm tin của dân chúng, nhưng có vẻ như bài học của những sai lầm đó vẫn chưa được lưu tâm. Bởi vậy, mới xảy ra tình trạng sa lầy ở đồi Vọng Cảnh.

 

Qui hoạch phải đi trước một bước! Nguyên lý đó đã được nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều cuộc họp của tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đời chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mễ cho đến chủ tịch Nguyễn Xuân Lý bây giờ. “Từ nay, các công trình xây dựng cơ bản ở Huế phải tiến hành thám sát khảo cổ dưới mặt đất trước khi xây dựng!” - cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Xê đã nhấn mạnh như thế sau khi phát hiện một tháp Chàm ngay dưới một hố khai thác quặng titan ở bờ biển huyện Phú Vang vào mùa hè 2001.

 

Phải hết sức thận trọng như thế, bởi vì Huế là vùng đất di sản, mang trong mình quá nhiều di tích văn hóa - lịch sử quí giá của quốc gia; những thứ của nả vốn rất mong manh, chỉ cần một quyết định không chính xác là có thể mất đi vĩnh viễn.

 

Cái kho của đó nhiều đến mức một vị lãnh đạo tỉnh đã từng thốt lên: “Đụng đâu cũng di tích thì làm sao mà phát triển?”. Quả là không phải cứ cái gì rêu phong đều là di tích, và không phải di tích nào cũng là của quí. Vấn đề là phải điều tra, phân loại, đánh giá và xếp hạng để biết rằng cái nào cần bảo tồn, cái nào cần phải phá dỡ nhường chỗ cho cái mới. Đó chính là công việc được gọi tên là: qui hoạch.

 

Và không chỉ có di tích, Huế còn có một hệ cảnh quan thiên nhiên với sông ngòi, đồi núi, rừng cây, đầm phá; Huế còn có phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, phố Tây ở bờ nam sông Hương, và những làng mạc ở ven đô... Tất cả hòa hợp thành một “kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị” như cách gọi của cựu tổng giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’bow.

 

Cũng vì vậy, Huế là vùng đất nhạy cảm của VN, cả về lịch sử, văn hóa lẫn trong cuộc phát triển kinh tế hôm nay. Và sông Hương chính là vùng nhạy cảm của Huế! Vậy nên chỉ cần một tác động, dù nhỏ thôi, vào đó cũng đã làm cho cả nước giật mình.

 

Con sông mà Nguyễn Du đã cảm nhận: “Hương Giang nhất phiến nguyệt/Kim cổ hứa đa sầu” (Sông Hương như một mảnh trăng/Người xưa nay đều sầu nhớ). Và trong qui hoạch tổng thể xây dựng đô thị Huế đã được Thủ tướng phê duyệt hai lần (1996 và 1999) cũng đều nhấn mạnh: đó là trục cảnh quan chính của đô thị Huế.

 

Mới đây, hôm cuối tháng hai vừa rồi, một chuyên gia của UNESCO - KTS Laurent Rampon - đến thị sát cuộc bảo tồn văn hóa Huế cũng đã nhắc lại với Bộ Văn hóa - thông tin: “Sông Hương là một bộ phận cấu thành di sản Huế!”. Đó như là một sợi chỉ, kết chuỗi những hạt ngọc là hệ thống cung điện, đền đài, lăng tẩm, miếu mạo, chùa chiền của Huế - những thứ đã trở thành di sản nhân loại.

 

Nếu không có sông Hương thì các “hạt ngọc” kiến trúc triều Nguyễn sẽ mất đi vẻ đẹp toàn bích của nó. Việc UNESCO đề nghị VN lập hồ sơ sông Hương và cảnh quan đôi bờ để bổ sung vào danh mục di sản nhân loại tại Huế và công nhận lần thứ hai cho di sản Huế, chính là vì những giá trị đó của dòng sông.

 

Cần một qui hoạch cho di tích, di sản văn hóa Huế cũng như cần phải có một qui hoạch chi tiết cho sông Hương để không phải chỉ giữ gìn nó, mà chính là để khai thác kho của quí đó một cách hiệu quả nhất. Đó là một công việc căn cơ đòi hỏi phải tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc, nhưng sẽ giúp Huế hòa giải được cuộc tranh chấp quyết liệt từ suốt bao năm qua giữa bảo tồn và phát triển; giúp cho Huế khỏi phải tai tiếng như những gì đang xảy ra.

 

Điều đáng nói là trong khi chưa xây dựng qui hoạch chi tiết cho sông Hương thì UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại quyết định cho xây dựng những khách sạn, resort ngay bên bờ sông với những kiến trúc “rất nhạy cảm” với Huế (hiện đại, cao tầng), ở những vị trí cũng “rất nhạy cảm”. Khu du lịch Vọng Cảnh vẫn đang nóng hổi tranh luận, thì cách đây mấy ngày chính quyền tỉnh lại tiếp tục đưa ra một khu khách sạn năm sao ở cồn Dã Viên, một hòn đảo trên sông Hương vốn là yếu tố “hữu bạch hổ” của hệ thống kinh thành Huế.

 

Cũng trong tuần qua, báo chí còn đưa tin về một khu thương mại sắp khởi công ở phía bắc cầu Trường Tiền với một khối kiến trúc to và cao ngay bên bờ sông Hương. Một khu du lịch khác trên cồn Hến cũng đã được xúc tiến để xây dựng trên hòn đảo vốn là yếu tố “tả thanh long” này. Và với đà phát triển đó, sẽ còn rất nhiều dự án, nhiều công trình xây dựng khác nữa tiếp tục mọc lên bên hai bờ sông Hương...

 

Rầm rộ chuyện phê duyệt dự án, nhưng vẫn chưa nghe bàn bạc gì đến việc thiết lập cho con sông linh hồn của Huế một bản qui hoạch căn cơ lâu dài. Rồi đây chính quyền sẽ giải quyết như thế nào, khi cảnh quan thiên nhiên của sông Hương không chấp nhận sự có mặt của những công trình đã xây dựng đó?

 

Và như thế sẽ tiếp tục xảy ra một tình huống cực đoan khác: hễ đụng vào sông Hương là bị phản đối, dù con sông này không phải là từ chối tất thảy mọi việc xây dựng ở hai bờ; nhưng xây ở đâu, xây cái gì và xây như thế nào, thì không ai trả lời được.

 

Với cách làm ngược đời (xây dựng trước, qui hoạch sau) đó, e rằng những cuộc tranh cãi từ Huế còn lâu mới chấm dứt. Và, dư luận cả nước vẫn không hết âu lo cho Huế!

MINH TỰ - TTO
Tin tức khác
Nhớ Chóe (08.03.2006)