Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.411 tác phẩm
2.747 tác giả
522
116.856.594

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhân 92 năm ngày sinh Bình Nguyên Lộc (7/3/1914-7/3/2006): Nhà văn của nỗi nhớ quê hương
Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7-3-1914 tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Bình Nguyên Lộc bắt đầu sáng tác từ những năm ba mươi của thế kỷ XX. Trong suốt gần một thế kỷ sáng tác, Bình Nguyên Lộc đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ: 53 cuốn tiểu thuyết và trên dưới 1.000 truyện ngắn. Ngoài ra, ông còn làm thơ, viết biên khảo và sưu tầm ca dao. Với số lượng trên dưới 1.000 truyện ngắn, ở nước ta, số nhà văn đạt được con số đó quả thật rất hiếm hoi. Cho đến nay, truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc vẫn còn được bạn đọc hoan nghênh đón nhận, vì sự đồng cảm và chia sẻ đối với những gì mà ông gởi gắm trong đó.

Có thể nói, nỗi nhớ quê hương là một chủ đề nổi bật trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc. Vốn xuất thân trong một gia đình nông nghiệp ở miền quê của tỉnh Biên Hòa trước đây nên mọi sinh hoạt của cuộc sống thôn quê, từ gốc cây, ngọn cỏ, con ốc, con cua, giăng câu, thả lưới... đều đã trở thành những ám ảnh khôn nguôi trong tâm thức của Bình Nguyên Lộc. Chẳng thế mà, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tuy sống giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội nhưng Bình Nguyên Lộc vẫn đau đáu nhớ về chốn thôn quê. Đó là một sự trở về nguồn, là một phản ứng trước cuộc xâm lăng ồ ạt của văn hóa Mỹ vào những vùng tạm chiếm, nhất là ở các đô thị. Trong sự trở về nguồn này, Bình Nguyên Lộc lần theo những bước chân Nam tiến của tiền nhân trong cuộc khai hoang mở cõi, ông trở về với quê cha đất tổ- nơi đó, mỗi con người có một “cuống rún chưa lìa”. Chính cuống rún đó là sức mạnh, là thành trì vững chắc cho văn hóa Việt Nam vượt qua thử thách để trở về đúng với bản sắc văn hóa của mình. Tập truyện ngắn “Cuống rún chưa lìa” và một số truyện ngắn khác thể hiện rất rõ tư tưởng chủ đề này của Bình Nguyên Lộc.

 

Bàng bạc trong các truyện ngắn này là một nỗi nhớ quê hương- nhớ đến da diết, dù đối tượng để nhớ đôi khi chỉ là những thứ “vớ vẩn”, nhỏ nhặt, thậm chí đối với người khác nó là thứ chẳng ra gì. Như: nhớ đất, nhớ ốc gạo, nhớ mùi hành... Nhưng những thứ “vớ vẩn” đó đối với Bình Nguyên Lộc mới là những thứ đáng nhớ. Sài Gòn thời tạm chiếm trong mắt Bình Nguyên Lộc thật kém mùi thơ và nó không đáng để cho người ta nhớ. Điều đáng nhớ đối với Bình Nguyên Lộc đó là quê xứ đích thực, là những rung động từ sâu tận đáy tâm hồn của mỗi con người đối với quê hương làng xóm mình, chứ không phải những luồng văn hóa ngoại lai. Cái nỗi nhớ ấy đôi khi làm người ta đến bị khủng hoảng tinh thần, không thuốc thang gì chữa được. Truyện “Căn bệnh bí mật của nàng” kể về một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Pháp, sau đó sang Pháp ở. Vì quá nhớ quê hương nên bà phát bệnh tâm thần. Nhiều bác sĩ giỏi nhất ở Pháp, kể cả châu Âu đều bó tay trước căn bệnh của bà. Cuối cùng căn bệnh của bà cũng tự khỏi do gặp một quân nhân người Pháp từng tham chiến ở Việt Nam, nhắc đến hai tiếng Việt Nam. Bí mật căn bệnh của bà được khám phá, bà mắc bệnh không phải vì ẩn ức tình dục, mà vì “miền Nam của nước Pháp ve nhiều quá, và sở dĩ tôi mang bệnh có lẽ tại nhạc ve của mùa này, nó gợi nhớ không thôi, xứ sở của ta” (1).

 

Cũng là nỗi nhớ quê hương của người xa xứ, truyện “Chiêu hồn nước” cho ta thấy nỗi nhớ về một cái tết được sum vầy. Truyện kể về một thi sĩ tên Hà và một người đàn bà lấy chồng Tây. Anh gặp bà lang thang trên phố đêm, ngỡ bà là gái ăn sương, hay chỉ là một mụ me Tây. Cuối cùng anh mới hiểu bà đang đi tìm một chút linh hồn của quê cha đất tổ trước ngày theo chồng rời xa đất nước, có thể là vĩnh viễn: “Không thể nào anh tưởng tượng nổi sự thèm khát quê hương của một kẻ lìa xứ vĩnh viễn không hy vọng trở về như em. Thèm như thèm một món cá nướng chấm mắm nêm, thèm hương bưởi, thèm tiếng chuông chùa ngân nga vào buổi hoàng hôn, thèm cảnh cấy mạ vào đầu mùa lúa. Thèm chết đi được là vào lúc gần tết, tức là khoảng đầu năm Dương lịch. Nhớ tết như nhớ nhà, nhớ nước, bởi vì tết là sum họp gia đình” (2).

 

Trong tư tưởng nghệ thuật của Bình Nguyên Lộc, nỗi nhớ ấy không đơn giản là một biểu hiện tâm lý thường tình, mà nó còn có một ý nghĩa lớn lao khác, đó là hiện thân cho giá trị con người. Trong truyện “Hương hành kho”, Bình Nguyên Lộc đã chứng minh tư tưởng nghệ thuật này của mình. Truyện kể về cuộc cầu hôn của hai chàng trai- chàng Tập người Việt, nhưng sinh trưởng, lớn lên và học tập tại Ba Lê (Paris) và chàng Côn, người Xiêm (Thái Lan), nhưng sinh ra và lớn lên tại Việt Nam - với cô Thúy, ái nữ của ông bà Vĩnh Xương. Cuối cùng, chàng Côn, một người dị tộc lại là người chiến thắng. Chỉ vì chàng Tập tuy là người Việt nhưng là kẻ đã bị bứng ra khỏi cội nguồn, nhìn thấy cái mái cong của một ngôi chùa, chàng thấy nó “cong quớt một cách kỳ dị”. Còn chàng Côn, tuy là người Xiêm nhưng chàng lại thấm đẫm tâm hồn Việt Nam: “Những sợi khói trắng mỏng, tiếng chuông chùa và nhứt là mùi hành kho, ba thứ ấy xuất hiện cùng một lúc gợi cho cháu nhớ thời thơ ấu của cháu quá. Thời ấy, sau nhà dưỡng phụ của cháu cũng là một xóm nghèo, ở dưới trũng, với ngôi chùa cổ danh tiếng là chùa Hội Khanh”(3). Và đây là lời kết luận của ông Vĩnh Xương: “Ấy, bà không biết mà! Chính cái thằng Xiêm ấy mới là Việt Nam (...) nó có một quê hương nhỏ để mà thương, mà nhớ. Quê hương nhỏ của nó lại nằm trong quê hương lớn là nước Việt Nam. Vậy nó sẽ thương quê hương lớn bao bọc quê hương nhỏ thân mến của nó.

 

Còn quê hương nhỏ, với chơn trời quen thuộc, thân yêu của thằng Tập là một xóm ở Ba Lê. Thằng Tập sẽ yêu nước Việt Nam đúng y theo sách vở nói, chớ không yêu bằng tấm lòng như thằng Xiêm đâu”(4).

 

Hàng loạt các truyện ngắn kể trên có chung một chủ đề: Đó là nỗi nhớ quê hương, nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. “Nếu dân thương hồ sống trên mặt nước thì nhớ đất, nhớ làng; dân thị thành sống trên đất, nhà xi măng, gạch bông... thì nhớ mùi lửa đốt bằng than, bằng củi, mùi rơm rạ ở quê lúc xưa; me Tây, me Mỹ cho đến con nhà văn, nhà học thì nhớ mai vàng, dưa hấu, thịt heo, bánh tráng... nướng. Dân quê lên sống tạm bợ ở đô thành hoặc bên trời Âu Mỹ thì đến mùa nước nổi lại nhớ sông rạch, ốc gạo, cá rô kho tộ, canh chua cá lóc... Trái lại dân đi khai hoang lập ấp thì nhớ xoài, nhớ mận, nhớ chè, nhớ đường...”(5).

 

Không phải ngẫu nhiên nỗi nhớ ấy cứ lặp đi lặp lại trở thành nỗi ám ảnh, thôi thúc Bình Nguyên Lộc hình thành nên tác phẩm, mà đó là cả một tấm lòng của ông, tình cảm của ông đối với quê hương bản quán mình. Nỗi nhớ ấy đã ăn sâu vào huyết quản của ông. Đó còn là những suy tư về đất nước, văn hóa, về mối quan hệ giữa mỗi con người đối với dân tộc mình.

 

Chính vì những con người có gốc rễ bền chặt như vậy nên họ không bị văn hóa ngoại lai đồng hóa, không bứng họ ra khỏi cội nguồn của dân tộc được, dù cho lịch sử có bao thăng trầm. Truyện “Những đứa con thương của đất mẹ” thể hiện rõ tư tưởng này của nhà văn. Tuấn, một trí thức Tây học, hứa hôn với nàng Lucie Minh, cũng Tây học như chàng. Cuối cùng, cuộc tình của họ tan vỡ, vì Tuấn nhận ra cô Lucie không còn là người Việt nữa, nàng “không đủ khả năng thực hiện ý chí ký thác truyền thống dân tộc lại cho con cái của chàng!”. Trái lại, những cô me Mỹ mà chàng gặp trong một lần đi nghỉ mát ở Vũng Tàu, vì sinh kế và vì cuộc đời xô đẩy phải đi làm vợ hờ cho lính Mỹ, nhưng họ vẫn là những tâm hồn Việt trăm phần trăm. Tuy sống một cuộc đời dơ bẩn, nhưng họ ý thức rõ điều ấy. Mỗi ngày họ vẫn ngửa tay nhận những đồng đô-la từ lính Mỹ, mà rốt cục họ vẫn chỉ nói được 4 tiếng Mỹ: Yes, No, Dollar và OK. Những tiếng nhạc đinh tai nhức óc, những món đồ hộp vô hồn chỉ để thỏa mãn cái đói..., tất cả những thứ ấy không những không thể làm họ quên những bài ca vọng cổ, những cái bánh xèo với nước mắm chanh ớt, mà còn khiến họ tìm về với quê hương da diết hơn. Bởi vì “những cô me Huê Kỳ này nguyên trước kia là những cô gái cắt cỏ, những cô thợ cấy, thợ gặt, những cô gánh nước thuê, nên trí và lòng họ hoàn toàn bưng bít với những gì ở ngoài vào, và có ăn ở với những ông Huê Kỳ hai mươi năm nữa, chắc họ cũng không chịu được nhạc Jazz. Họ là người Việt Nam một trăm phần trăm, trước kia, bây giờ, và mười năm nữa”(6).

 

Hết nhớ quê, Bình Nguyên Lộc lại trở về với tiền nhân thời khai hoang mở cõi. Ông thấy được công lao khó nhọc của các bậc tiền bối, phải hy sinh máu xương mình cho mảnh đất Nam bộ này được màu mỡ như ngày nay. Từ đó ông càng yêu quê hương đất nước mình hơn. Truyện “Rừng mắm” tả một gia đình nghèo đi khai hoang nơi tận cùng đất nước- Cà Mau. Tại đây họ đốt tràm, bẫy chim, lấn biển, vật lộn với thiên nhiên mong kiếm từng thước đất. Suốt một thời gian dài với bao cực nhọc, phải quần quật giữa thiên nhiên với muỗi mòng, rắn rít mà vẫn thiếu ăn. Trong cảnh nghèo đói ấy khiến thằng Cộc thèm đủ thứ, từ miếng đường, lóng mía, trái xoài, trái ớt... Có lúc nó còn thèm... bóng người. Vì vậy, nó buồn bực, nó tâm sự với nội nó. Và nội nó đã giải thích với nó rằng: “Ông với tía con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là đời tràm, chơn vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau...

 

Đời mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu họ hưởng (...) Tràm sẽ hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất đã thuần”(7).

 

Nhờ những “Rừng mắm” ấy mà ngày nay ta có được một vùng đất Nam bộ mênh mông trù phú. “Rừng mắm” đã mở ra một phương trời mới, một quê hương mới cho con cháu thằng Cộc sau này vui hưởng, và sau đó sẽ chung sức khai phá để làm giàu cho Tổ quốc...

 

Truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc thường có cốt truyện đơn giản, dễ đọc, mạch văn chậm rãi, giọng văn nhẹ nhàng như thủ thỉ tâm tình với người đọc. Đặc biệt, Bình Nguyên Lộc thường hay sử dụng những từ địa phương của chính quê hương mình nên đã tạo cho ông một phong cách riêng khá rõ nét. Tất cả, cùng với tư tưởng chủ đề là nỗi nhớ quê hương da diết đã làm cho người đọc cảm thấy thích thú khi tiếp xúc với văn chương của ông.

 

----------------------------------

(1) Nguyễn Q. Thắng: Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập II. NXB Văn học- 2002. Tr. 917.

(2) Nguyễn Q. Thắng: Sđd. Tr. 945-946.

(3) Nguyễn Q. Thắng: Sđd. Tr. 1062.

(4) Nguyễn Q. Thắng: Sđd. Tr. 1064-1065.

(5) Nguyễn Q. Thắng: Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập I. NXB Văn học- 2002. Tr. 40.

(6) Nguyễn Q. Thắng: Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập II. Sđd. Tr. 1051.

(7) Nguyễn Q. Thắng: Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập I. Sđd. Tr. 491.

 

TRẦN PHỎNG DIỀU - Báo Cần Thơ
Tin tức khác
Nhớ Chóe (08.03.2006)