Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
694
116.783.368

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Một hiện tượng văn học Pháp hiếm thấy : Lối kể “ngày xửa ngày xưa…” vẫn còn tương lai
Cuốn sách phát hành ngày 13-6 vừa qua, chỉ sau ba tuần lễ đã bán sạch 345.000 bản in lần đầu và đang được in thêm. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong nền văn học Pháp đương đại, vì cuốn sách đang ăn khách này không phải là tác phẩm trúng giải này giải nọ, cũng không phải của một tác giả ngôi sao thời thượng nào đó.

Có thể so sánh nhà văn Pháp này với hiện tượng Joanne Kathleen Rowling, tác giả bộ Harry Potter ở Anh, hay Dan Brown, tác giả cuốn The Da Vinci Code ở Mỹ, tuy ba trường hợp nói tới ở đây hoàn toàn khác nhau về phía độc giả.

 

Độc giả của J.K. Rowling chủ yếu là thành phần niên thiếu, của D. Brown thuộc lớp người đầu óc tò mò, còn của nhà văn Pháp thì là loại độc giả thích nghe kể những chuyện có thứ tự lớp lang, có đầu có đuôi, mạch lạc, dễ hiểu và dễ theo dõi.

 

Bỏ nghề cũ để theo đuổi nghiệp mới, đó là ý nguyện của nhà văn Pháp này từ bốn năm qua. Vào tuổi tứ tuần (ông sinh năm 1961), nay ông mới thôi hẳn nghề thầu khoán từng nuôi sống gia đình mình, dành trọn thời gian cho việc viết lách.

 

Ông tình cờ bước vào làng văn năm năm trước, nhờ có cô em gái biết "đánh hơi", nhanh nhẩu tự động gởi bản thảo ghi vội câu chuyện ông kể mỗi tối để ru ngủ cậu con trai, cho một nhà xuất bản lớn.

 

Chuyện rằng ngày xửa ngày xưa có một con ma hiện thân cho một cô gái núp trong hốc tủ, đêm đêm mò ra quyến rũ anh chàng chủ nhà khiến cho chàng ta mê mẩn si tình.

 

Chuyện chỉ có vậy, không dè in trên trang giấy mang tựa là Et Si C’ÉaitVrai... (Chuyện thật mà! - NXB Robert Laffont, 2000) lại bất ngờ lôi kéo độc giả tới mức trở thành bestseller ngay lập tức và vẫn còn đang bán chạy: đến nay, tính có hơn ba triệu cuốn. Đã được dịch ra 33 thứ tiếng trên thế giới và nhất là đã được hãng DreamWorks bỏ ra tới hai triệu USD mua quyền chuyển thể, phim sẽ ra mắt khán giả ngày 16-9 sắp tới ở Mỹ và ngày 23-11 ở Pháp.

 

Xem đó, thì việc tác giả lấy quyết định bỏ nghề cũ để kiếm ăn bằng ngòi bút đâu phải là chuyện bốc đồng.

 

Sau tác phẩm đầu tay nói trên, mấy thiên truyện tiếp theo cũng do NXB Robert Laffont lần lượt ấn hành mỗi năm, là các cuốn Où Es-Tu? (2002), Sept Jours Pour UneÉternité (2003) và La Prochaine Fois (2004), cuốn nào cũng đều thu hút hơn một triệu độc giả bỏ tiền túi ra mua.

 

Còn cuốn thứ năm nhan đề Vous Revoir, phát hành ngày 13-6-2005 vừa qua như đã nói ở trên, thì chắc cũng sắp phá kỷ lục như các cuốn trước.

 

Khiêm tốn

 

Vậy mà tác giả vẫn tỏ ra rất mực khiêm tốn, khiêm tốn thật tình, chứ không làm bộ giả vờ.

 

Trong các cuộc trả lởi phỏng vấn gần đây, ông chẳng ngại thú nhận rằng mình may mắn được độc giả ưa chuộng chỉ là nhờ ở lối viết thủ công của mình, chứ đâu ở kiểu cách văn chương.

 

Một thủ pháp truyền thống (truyền thống là gì, nếu không phải đã được thời gian chứng nghiệm?), cộng thêm chút ít lãng mạn, chẳng mới mẻ gì về mặt hình thức, cứ thế mà tuần tự diễn tiến trong câu chuyện kể có thứ tự lớp lang, có đầu có đuôi, mạch lạc, dễ hiểu, dễ theo dõi.

 

Ông không coi mình, hay đúng hơn, chưa dám cho mình là một nhà văn có thể sánh ngang hàng với các cây đa cây đề hiện hữu trong nền văn học Pháp đương đại: “Tôi không nghĩ rằng mình đã thật sự là một nhà văn, nhưng có tham vọng trở thành nhà văn. Chỉ sau này mới có thể hãnh diện, nếu như tôi nhận thấy mình đã học được nhiều điều có lợi cho nghề viết văn nhờ ở kinh nghiệm trải qua bao nhiêu năm tháng. Mỗi lần khởi sự một cuốn tiểu thuyết mới, mối bận tâm hàng đầu của tôi là làm sao tách mình ra khỏi cuốn trước, đừng nhại giọng cũ. Và cố gắng tránh mọi công thức và khuôn mẫu sáo mòn”.

 

Trở lên trên là sự nghiệp còn ngắn nhưng đã phá kỷ lục trong số sách bán chạy nhất ở Pháp hiện nay của nhà văn Marc Levy, tuy ông không nhìn nhận như vậy.

 

Nhưng dầu muốn hay không, Marc Levy vẫn cứ xuất hiện dưới mắt giới nghiên cứu và quan sát văn học ở đây như một hiện tượng hiếm thấy, lần đầu tiên xảy ra cho một nhà văn không trúng giải này giải nọ, không ký tên một siêu sao lừng lẫy để câu khách. Và nhất là cho một nhà văn không hề có ý hướng cách tân đổi mới, mà còn khai thác thuật kể chuyện cổ điển - một nhà văn đã, đang (và chắc sẽ còn) thành công rực rỡ, theo nhận xét gần đây của tuần báo chuyên ngành Livres Hebdo.

 

Mới hay truyền thống cố hữu trong thuật kể chuyện đời xửa đời xưa quen thuộc, tương lai vẫn còn dài.

Ảnh :Marc Levy

Trần Thiện Đạo (Paris) - Thể thao và Văn hóa