Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
641
116.785.416

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thêm một cây bút Nam bộ
Khi nhà văn Đoàn Giỏi mất, giới văn học tiếc thương và lo lắng làng văn học Nam bộ thiếu đi một tính độc đáo, đặc sắc. Người ta quan tâm đến nhà văn Sơn Nam âu cũng là chuyện tự nhiên. Đoàn Giỏi “thanh niên tiền phong” có “Đất rừng phương Nam” thì Sơn Nam “trí thức miệt vườn” có “Hương rừng Cà Mau”… Cả hai ông đều là những nhà văn tạo nên những nét đẹp độc đáo cho văn học Việt Nam nói chung, văn học Nam bộ nói riêng.

Văn học Việt NamNam bộ vẫn còn đó những tên tuổi như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Lê Văn Thảo, Trần Bạch Đằng, Minh Quân… Bên cạnh đó văn học khu vực Sài Gòn-TPHCM nói riêng và Nam bộ nói chung có sự đóng góp tích cực của các nhà văn từ mọi miền quê khác sinh sống và trưởng thành tại Nam bộ.

 

Gần đây, sau niềm vui với sự góp mặt của Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn nữ tận miệt Cà Mau, bạn đọc nồng nhiệt đón nhận sự xuất hiện của một cây viết trẻ - Mạc Can khi ông bước vào tuổi 60. Đầu tiên là tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao” mang âm hưởng giai điệu buồn chấp chới bài vọng cổ, tiếp theo là tập truyện ngắn “Tờ 100 đôla âm phủ” rổn rảng chuyện trong nhà ngoài phố và truyện tranh thiếu nhi “Cuộc du hành của kiến Tí Nị” lý lắc tinh quái phố thị… và không rõ… ông… nhà văn trẻ Mạc Can còn tung ra những chiêu thức ngoạn mục nào nữa.

 

Bởi vì ông Mạc Can vốn là nghệ sĩ ảo thuật xiếc, tấu hài có hạng và được yêu mến. Viết văn, ông nhà văn Mạc Can có vẻ nghiêm túc hơn, nhưng tính nào… tật nấy, ông cứ làm mọi người thích thú, tò mò. Đọc Mạc Can, người ta bắt gặp một đặc sản văn hóa phố thị Nam bộ, chất mộc mạc của công việc khẩn hoang có mua bán, chất giang hồ sơn thủy và chất tấu hài tưng tửng của bác Ba Phi…

 

Mạc Can nói: “Tôi sinh ra trên ghe, bồng bềnh cùng sông nước. Gánh hát của ba má tôi dừng ở đâu tôi chạy đến trường làng, đứng ngoài cửa học theo. Đêm nằm ngủ miệng lảm nhảm học đánh vần, nhiều bữa bị đòn”. Hỏi ông tại sao ông… bỗng nhiên chuyển qua nghề viết văn, ông nói: “Tính tôi vốn buồn. Buồn thiệt. Những người buồn hay thích tấu hài vui vẻ. Nhiều tuổi hơn thấy mình dốt, viết văn cũng là một cách tự học. Nếu sách của tôi viết ra được bạn đọc thích, thì là nhờ bà con cô bác quê tôi, nhờ nhà xuất bản và vì bạn đọc ưa Mạc Can…”.

 

Hề Mạc Can, ảo thuật gia Mạc Can, nghệ sĩ hài Mạc Can, phó nháy Mạc Can… và nhà văn Mạc Can. Mạc Can là một nét duyên văn học lý thú và đáng trân trọng!

 

Ảnh : Nhà văn Mạc Can

Đôn Thuận - SGGP
Tin tức khác