Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
833
116.689.477
 
Nhà Văn Hải Ngoại Hồ Trường An
Nguyễn Vy Khanh

 

Ông tên thật Nguyễn Viết Quang [theo HTA; nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ thì cho biết vì trùng tên người nhà nên trên giấy tờ ghi là Nguyễn Viết Quâng]. Sinh ngày 11-11-1938 tại xóm Thiềng Đức, làng Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long; nguyên quán làng Hương Thủy, Thừa Thiên. Năm 1967, đang học Dược khoa Đại học Sài Gòn bị động viên, khoá 26 trường Sĩ quan Trừ-Bị Thủ Đức. Biến cố 30-4-1975 xảy ra khi ông đang làm sĩ quan Thông tin Báo chí của Quân Đoàn III tại Biên Hòa.

 

Tham gia sinh hoạt văn nghệ, cộng tác với nhiều tờ báo xuất bản tại Sài Gòn trước 1975. Các bút hiệu khác: Đào Huy Đán, Đinh Xuân Thu, Đông Phương Bảo Ngọc, Hồ Bảo Ngọc, Người Sông Tiền, Nguyễn Thị Cỏ May, Đoàn Hồng Yến, Đặng Thị Thanh Nguyệt.

Định cư tại Pháp năm 1977; từ 1981 cư ngụ tại tỉnh Troyes, vùng Champagne. Tổng thư ký toà soạn các tập san Quê Mẹ (Pháp, 1977-1981),  Làng Văn (Canada, 1987-1997) và cộng tác với các tạp chí: Bút Lửa, Lạc Hồng, Viên Giác, Hồn Nước, Lửa Việt, Nắng Mới, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Hợp Lưu, Thời Tập, Sóng Đẹp, Việt Chiến, Hải Ngoại Nhân Văn, Cỏ Thơm,...

Tác phẩm đã xuất-bản ở hải ngoại khoảng 60 tác phẩm gồm 23 truyện dài, 11 tập truyện ngắn, 22 tác phẩm biên khảo và 2 tập thơ:

- Truyện dài: Lớp Sóng Phế Hưng (viết xong ngày 10-6-1983; Phong trào Thanh niên Hành Động Xã hội, Paris Pháp, in roneo 1983; tb, Tủ sách Cành Nam, Hoa Kỳ, 1988), Nửa Chợ Nửa Quê (PTTNHĐXH in roneo 1985; tb, Nam Á, Paris, 1987), Phấn Bướm (Việt Publications, Toronto, 1986), Hợp Lưu (Văn Nghệ, CA, 1987), Đêm Chong Đèn (Văn Khoa, CA, 1988, 1991), Lúa Tiêu Ruộng Biền (Viên Giác, Đức, 1989), Ngát Hương Mật Ong (Văn Lang, Toronto, 1989), Còn Tuôn Mạch Đời (Nam Á, Paris, 1990), Lối bướm đường hương (Đại Nam CA, 1991), Tình trong nhung lụa (Đại Nam,1991), Ngát thơm hoa bưởi bông trà (Nam Á, 1992), Tình đẹp đất Long Hồ (Đại Nam, 1993), Trang trại thần tiên (Đại Nam, 1993), Vùng thôn trang diễm ảo (Đại Nam, 1994), Chân trời mộng đẹp (Đại Nam, 1995), Thủa sen hồng phượng thắm (Đại Nam, 1995), Bãi gió cồn trăng (Làng Văn, 1995), Bóng đèn tà nguyệt (Minh Văn, Virginia, 1995), Mùa thục nữ vu quy (Cành Nam, 1998), Chuyện ma đất tân bồi (Đại Nam, 1998), Tình Sen Ý Huệ (Tân Văn, Nhật Bản, 1999), Hiền như Nắng mới (Văn Khoa, CA 2001), Chiếc Quạt Tôn Nữ (Tân Văn, 2002), Màn nhung đã khép (Tân Văn 2003), Đàn trăng quạt bướm (Làng Văn, 2005), Trở Lại Bến Thùy Dương (Làng Văn 2009).

- Tập truyện: Tạp Chủng (Làng Văn, 1991), Chuyện Quê Nam (Làng Văn,1991), Hội Rẫy Vườn Sông Rạch (Miệt Vườn,1992), Chuyện miệt vườn (Đại Nam,1992), Đồng không mông quạnh (Đại Nam, 1994), Gả thiếp Về vườn (Làng Văn, 1994), Đêm Xanh Huyền Hoặc (Làng Văn,1994), Tập truyện Ma (Tân Văn, 2001), Quà ngon đất quê Nam (Tân Văn 2003), Trăng Xanh Bên Trời Huế (Làng Văn, 2009), Truyền Kỳ Trên Quê Nam (Làng Văn, 2009).

- Thơ: Thiên Đường Tìm Lại (Nhận Thức, 2002) và Vườn Cau Quê Ngoại (Cỏ Thơm, 2003).

- Ký sự, bút khảo, bút ký: Giai Thoại Hồng (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1989) về 31 nhà văn thơ nữ trước 1975, Thông Điệp Hồng (Viên Giác, Đức, 1990), Cõi Ký Ức Trăng Xanh (Toronto: Làng Văn, 1991) bút ký về người và nhóm một thời văn-nghệ ở miền Nam trước 1975, Chân Trời Lam Ngọc (Minh Văn, 1993) về Bình Nguyên Lộc. Võ Phiến. Thanh Tâm Tuyền. Vi Khuê. Võ Đình. Kiệt Tấn. Nguyễn Ngọc Ngạn. Hàn Song Tường. Võ Kỳ Điền. Hoàng Du Thụy. Trần Long Hồ. Trần Thị Diệu Tâm, Chân Trời Lam Ngọc 2 (Minh Văn, 1995) về các văn-nghệ sĩ Viên Linh. Phạm Thăng. Nguyễn Văn Ba. Lê Quang Xuân. Huỳnh Hữu Cửu. Nguyễn Tấn Hưng. Hồng Lan. Trương Anh Thụy. Mai Thảo. Trần Văn Tích. Trần Thị Nhật Hưng. Việt Phương. Bích Xuân. Hứa Hoành. Xuân Vũ. Thụy Khanh, Sàn gỗ Màn nhung (Đại Nam, 1996), Cảo Thơm (Fall Church VA: Minh Văn, 1998) về 6 nhà văn thơ nam và 4 nữ ở hải-ngoại, Theo chân những tiếng hát (1998), Tác Phẩm Đẹp Của Bạn (Cỏ Thơm, 2000) về 8 nhà văn thơ ở hải-ngoại, Chân Dung Những Tiếng Hát (Tân Văn, Tokyo, 2000-2003) về diện mạo và tiếng hát của khoảng trăm ca sĩ tân và cổ nhạc thuộc nhiều thế hệ, Lai Láng Dòng Phù Sa (Hoa Ô Môi, 2001) về Xuân Vũ, Phạm Thăng và 7 khác, Thập thúy Tầm phương (Hoa Ô Môi, 2001), Chân dung 10 nhà văn nữ (Tân Văn, 2002), Tập Diễm Ngưng Huy (Santa Ana CA: Hoa Ô Môi, 2003) về 4 nhà văn nam và 3 nữ, Bẩy sắc Cầu vồng (Gió Văn, 2004), Giai Thoại Văn Chương (Cỏ Thơm, 2006), Náo Nức Hội Trăng Rằm (Cỏ Thơm, (2007) về 7 tác-giả: Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Bình Nguyên Lộc, Vi Khuê, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Bích San và Nguyễn Thị Ngọc Dung, Thắp Nắng Bên Trời (Garden Grove CA: Văn Học, 2007) về các nhà thơ văn hải-ngoại như Nguyễn Thị Thanh Bình, Vĩnh Hảo,..., Quê Nam Một Cõi (Hoa Ô Môi, 2007) về 14 nhà văn miền Nam lục tỉnh, từ Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam đến Lê Xuyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Tiểu Thu, Giữa Đất Trời Giao Hưởng (Houston TX: Gió Văn, 2008) gồm những bài “bút khảo thi văn và phỏng vấn” 3 nhà văn nữ và 4 nam, Núi Cao Vực Thẳm (Tiếng Quê Hương, 2010) viết về 9 tác giả: Nguyễn Ngọc Bích, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Thụy Khuê, Vũ Tiến Lập, Võ Phiến, Ðặng Phùng Quân, Trương Anh Thụy và Thanh Tâm Tuyền, Ảnh trường Kịch giới (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2012), Trên Nẻo Đường Nắng Tới (Gió Văn, 2013), về Nguyễn Ngọc Bích, Thụy Khuê, ĐP Quân, DN Mậu, TT Tuyền, Vĩnh Hảo, HS Tường, Võ Đình, NT Hoàng, NT Thụy Vũ, Cảo Thơm Lần Giở (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2015), Cây Quỳnh Cành Dao (2016), Mười Khuôn Mặt Văn Chương (2018).

*

Hồ Trường An qua hơn 20 tác phẩm biên khảo và ký sự, nhận định văn học nghệ thuật - một kỷ lục ở hải ngoại, đã chứng tỏ đi xa và chi ly trong nhận xét, phê-bình dù chủ quan dễ nhận ra. Có thể nói Hồ Trường An là chủ soái của thể-loại này. Từ trước 1975 dưới nhiều bút hiệu, ông đã điểm sách và tổng kết tình hình văn-học cuối nhiều năm cho các tạp-chí Tin Sách, Văn Học, … Ra hải-ngoại ông đã viết về khá nhiều nhà văn thơ và xuất-bản thành tập ông thường gọi là “ký sự văn-học“ và có người được ông viết đi ký lại hơn một lần. Nói chung các ký sự của ông giúp độc-giả biết nhiều khía cạnh cuộc đời và sáng-tác của nhiều văn-nghệ sĩ, tuy vậy sự lựa chọn của ông có thể dễ dãi khi viết về những vị đời văn ngắn ngủi hoặc chưa được biết đến. Trong một số các truyện dài ngắn, Hồ Trường An cũng đưa hình ảnh, hành trạng cùng tác phẩm của một số nhà văn thơ dưới một số tên khác, đủ để gây thích thú, tò mò đồng thời khiến cho các truyện thêm thành công và có độc giả. 

 

Hồ Trường An có thể xem như là nhà văn của “miệt vườn” chân quê lẫn kiểu cách, mộc mạc và kiêu kỳ. Ông gọi các tác phẩm là “truyện dài đồng quê”. Những chuyện về con người, phong tục, sinh hoạt ngày trước được nhớ lại và hiện lên trang chữ như những bức tranh cố hoàn chỉnh, như bài ca vọng cổ đủ 6 câu. Trong hành trình đi tìm thời gian đã mất, ông chứng tỏ có một trí nhớ đặc-biệt về người và biến cố, nhưng khi trình bày, mô tả, ông đã hoa hoè biến thành một thực thể mới: Nam-kỳ chân quê của Hồ Trường An! Ngôn-ngữ nói mà dài dòng như của ca ngâm, ca hát!

Bài thơ Khai Từ Cho Một Quyển Sách mở đầu “truyện dài đồng quê” Lớp Sóng Phế Hưng cũng là sáng tác dài hơi đầu tay của Hồ Trường An, có thể xem như tâm tình, ý nguyện của ông trao đặt khi sáng tác:

“Đã mất trong khung trời ký ức

Bóng hình thân mến một miền quê

Đường xa còn đợi chân lưu lạc

Đất cũ dường như khép lối về.

   Quê cách trùng dương, khuất khói sương

Bên kia chung cuộc: tháng năm buồn

Trải dài lịch sử bao hưng phế

Đất nghẹt oán thù, ngập máu sương.

   Ngẫm lại từng ngày thân chiến bại

Mà nghe hờn oán dậy đêm đêm

Phương trừi lận đận, không đôi lứa

Giấc mộng ngày xa cũng úa mềm.

   Bỗng tiếng thổ ngơi xưa nhắn nhủ,

Trong chiều hoang vắng, giữa lòng đêm:

Từng phen gục ngã, từng phen chết

Xin ngẩng đầu lên, hãy đứng lên...”

   Hãy nhớ mảnh ao, dòng nước mát

Hãy yêu vườn rộng, rẫy xanh tươi

Có nghe vết cháy hồn đau cũ

Ngời vết soi trang điểm cuộc đời?

   Tươi mãi trong lòng bóng khóm tre

Vàng hanh kỷ niệm buổi trưa hè

Ngát thơm ký ức mùa xôi cốm

Sớm nắng còn say lắng tiếng ve

   Nuôi mãi niềm tin qua đất cũ

Để còn gốc rễ bám quê hương

Ngẩng đầu, thế kỷ huy hoàng đón,

Dẫu đã chồn chân mấy dặm đường” (bản 1988, tr. 13-14)

 

Qua hơn 30 sáng-tác đã xuất bản, chuyện miệt vườn với Hồ Trường An đã là một trường thiên tiểu thuyết, trong đó các nhân vật và các tác phẩm tiếp nối nhau, các chuyện tình, ghen tương và những khung cảnh gia đình miệt quê cũng như tỉnh lỵ, thủ đô. Ông chứng tỏ đã sống và biết nhiều, hơn nữa sinh trưởng trong một gia đình văn nghệ – thân sinh là nhà thơ Mặc Khải (Nguyễn Viết Khải), tác giả Sông Nước Cổ Chiên, Phấn Nội Hương Đồng,...; một người Cô là thi sĩ Phương Đài và chị là nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ (Nguyễn Thị Băng Lĩnh). Ngoài ra, đời lính, đam mê phim ảnh, sân khấu và làm văn nghệ của ông trước 1975 đã giúp ông không ít trong việc sáng tác và biên khảo, chủ yếu từ khi sống tị nạn ở Pháp.

 

Từ những tác phẩm đầu tay Lớp Sóng Phế Hưng, Phấn Bướm, Hợp Lưu, Nửa Chợ Nửa Quê, Đêm Chong Đèn, Lúa Tiêu Ruộng Biền, Ngát Hương Mật Ong, Bãi Gió Cồn Trăng,... đến những tiểu thuyết sau này như Mùa Thục Nữ Vu Quy, Trang Trại Thần Tiên, Vùng Thôn Trang Diễm Ảo, Chân Trời Mộng Đẹp, Tình Sen Ý Huệ  và các tập truyện ngắn Tạp Chủng, Chuyện Miệt Vườn, Chuyện Quê Nam,..., Hồ Trường An đưa người đọc trở về và sống lại với miền đất đồng bằng sông Cửu Long như Mỹ Tho, Trung Lương, Vĩnh Long, Rạch Giá, ...,  với đủ hạng người, dân quê, nửa quê nửa thành thị, người Minh Hương, dân ruộng rẫy, thương hồ, trốn nợ, đào kép cải lương, trẻ già, ... chung đụng trong một không khí mát lành của đồng quê mà cũng hâm hấp dục tình, tự nhiên như thời tiết, như con nước phù sa, ... Người đọc cũng được nhìn thấy sinh hoạt thường ngày và những cảnh đẹp miền quê, những căn nhà lợp bằng lá dừa nước, những mảnh đời sống của các thập niên 1940 đến 1970 cũng như thời thuộc Pháp.

Ngoài ra ông cũng có sáng-tác truyện miền Đông Nam phần cũng như miền Trung - như Trăng Xanh Bên Trời Huế, Trở Lại Bến Thùy Dương và trong truyện dài Ngát Hương Mật Ong qua nhân vật “bà nội”, ông đưa vào món ăn, phong tục, tập quán của người Huế “chung đụng” với người miền Nam như thế nào...

Hơn 20 truyện dài, nhưng chỉ có một số là đáng kể. Chúng tôi thử đi vào một vài truyện có thể xem là tiêu biểu và đặc sắc. Lớp Sóng Phế Hưng là “truyện dài đồng quê” đầu tay, sớm tuyệt bản khi in roneo lần thứ nhất năm 1983, Hồ Trường An đã cho báo Xây Dựng ở Houston, Texas đăng lại từng kỳ năm sau, 1984, và được Tủ Sách Cành Nam tái bản năm 1988. Lớp Sóng Phế Hưng đáp ứng được sự mong đợi của người đọc từ khi một số truyện ngắn của ông vừa xuất hiện đã gây ấn tượng và đáp ứng một số nhu cầu thương nhớ xứ sở quê nhà của người Việt lưu vong. Các truyện này gợi lại khung cảnh thôn quê lục-tỉnh ra đến giữa Paris xứ người - như trong truyện Tên, Thứ, Hỗn Danh thú vị – chuyện cậu Ba Thiềng Đức gặp lại người cùng quê giữa lòng Paris hoa lệ! Truyện dài Còn Tuôn Mạch Đời viết về nếp sống người Việt ở Paris xứ người khó khăn về hội nhập và ý chí bảo tồn phong hóa dân tộc. Các truyện ngắn Bà Già Trầu Cảm Khái và Giấc Mộng Bà Già Trầu - trong tập Gả Thiếp Về Vườn, ông kể chuyện một bà già quê mùa chất phác sống tị nạn ở Pháp – cũng vì truyện này (và Lớp Sóng Phế Hưng) mà Hồ Trường An có biệt danh “Bà Già Trầu”. Bà già này hay than thở với chị Tám: “Chèn ơi, chị Tám! Không hiểu mồ mả ông nội của hai con Ngọc có bị trâu dẫm, bò đạp, heo chó phóng uế hay không mà mả bị động khiến lũ cháu gái mất nết hư thân. Con Giên tuy không dám loã thể trên sân khấu nhưng nó chế ra cái áo giống như cái áo lá, để chừa một khoảng bụng lòi cái lỗ rún thật sâu đựng cỡ một muổng cà phê nước mắm. Cái quần của nó thiệt lạ đời: xì-líp không ra xì-líp, quần cụt không ra quần cụt. Quần bằng nhung đen, thêu con dơi bằng kim tuyến ngay chỗ giữa cặp đùi. Quên nữa, cái áo hở bụng của nó cũng bằng nhung đen, ôm tròn cặp vú, thêu từng vòng tròn ở chỗ lồi của vú. Mèn ơi, áo quần mà thêu kiểu đó có khác nào réo gọi khán giả rằng: "Mấy người hãy coi đây!". Ngộ hén! Ca sĩ trình diễn là để mời khán giả thưởng thức giọng hát chớ có lý đâu mời họ nhìn và tưởng tượng mấy thứ bửu bối của đờn bà nằm dưới con dơi và những vòng tròn thêu kim tuyến đó!

Con Giên vừa ỏng ẹo bước ra, lũ choai choai thôi huýt sáo, rít tu hít từng tràng dài. Tui nhục nhã biết để đâu cho hết, chị Tám! Khi hát nó ưa xoay lưng lắc lắc cái mông thiếu điều dện vô mặt khán giả. Rồi khi quay mặt lại là nó nẩy người lên, chàng hảng chê hê coi thiệt là tục tĩu, vô phép tắc. Vậy mà lũ trẻ coi bộ thích lắm, hoan nghinh như sấm. Tui và bà bạn già bỏ ra về, ở coi cho hết chương trình càng thêm nhục!...”.

 

Lớp Sóng Phế Hưng xảy ra ở một địa danh quê mùa thuộc Hậu giang. vùng Hóc Hỏa, quận Hỏa Lựu, tỉnh Rạch Giá “đất Hóc Hỏa nầy, dân tứ xứ, cùng kẻ lang bạt kỳ hồ tới đây, mạnh ai nấy đốn rừng tràm , khẩn đất cho mình. Người nào siêng thì có nhiều đất. Ngoài ra đều là rừng tràm dầy bịt, ngăn một phần nào gió biển thổi về. Qua thời gác kèo nuôi ong lấy mật, họ trồng khoai; giờ đây họ trồng lúa. Trái với người Tàu thích du canh; người Việt lại thích định cư. Dân chúng phần nhiều thất học. Cuộc sống của họ lam lũ, tăm tối, quanh quẩn trong chốn bùn lầy nước đọng, chưa hề nghe nói tới xe ô tô, xe lửa, đèn điện, nước đá, cà phê, sữa hộp...”.

   Câu chuyện xoay quanh đời sống của một gia đình có 5 người con đang đến tuổi dậy thì (Hai Cường, Ba Kiểm, Tư Diễm, Năm Nhan, Út Biên) và bà Bếp Luông, một bà mẹ quê góa phụ cứ phàn nàn “Thằng lớn thì vào Sóc để ve vãn mấy con đầu gà đít vịt [gái Miên], hai đứa con gái lớn mượn cớ đi đây đi đó để bẹo dạng bẹo hình với tụi con trai. Người ta có phước đẻ con nhờ con cậy, còn tui nghiệp dầy đức mỏng, đẻ ba thứ sấu bắt hùm tha, chằn ăn trăn quấn. Phải dè, tui đẻ ra hột gà hột vịt, luộc ăn còn bổ ích hơn…” (tr. 15)

   Người dân quê ở đây đàn ông thì nếp sống thường tứ chiếng, thương hồ; đàn bà thì hay ngồi lê đôi mách và chửi lộn – họ quen chửi lộn có vần có điệu, tuy bản chất chân thật. Những lời rủa sả chửi bới thô lỗ, ngọt ngào, có vần có điệu có cung có giọng, nghe thì thô lỗ nhưng nghe sâu vào mới thấy ngọt ngào. Làm như không chửi bới thì họ ăn com không ngon miệng - tiếng chửi rủa thô lỗ bị chê là “như chằn tinh, gấu ngựa” như nhân vật Sáu Quyên góa chồng mà Hai Cường theo chọc và cuối cùng lấy anh ta và cùng có hai đứa cháu nội sinh đôi đưa về xin được má chồng cho phép cưới hỏi:

   - “Mầy dám nói vậy hả thằng Thiên Lôi? Qua đây mặc sức mà bồng, mà hun. Mầy mà không qua thì tao vác dao qua liền”.

   -“Đồ ăn nói luông tuồng,đồ trời đánh thánh đâm! Ma Da không rút mầy dưới đáy sông thì quỷ La Sát bắt mầy xé téc hai. Gặp mặt mầy là tao có nước trào máu họng” (tr. 29).

   Như bà Bếp Luông la hai cô con gái Ba Kiểm và Tư Diễm:

   - “Hai con đĩ Hà Bá nầy tới bây giờ sao chưa chịu ngủ để sáng mai đi buôn đi bán vậy hả?

   Hai Cường đêm đêm nhớ tưởng Sáu Quyên: “Chàng ao ước được ôm Sáu Quyên một lần để nựng cái cầm xinh xinh của chị, để cắn lên đôi môi mỗi khi hé ra là có tiếng chửi bới và rủa sả đó.

   Lúc mười chín tuổi, đã một thời Hai Cường yêu cô Chín Điều ở ngoài Vàm. Nhưng thuở đó,chàng cảm thấy mình cần phải yêu. Yêu là nhu cầu tình cảm của người con trai mới lớn. Nhưng khi gặp Cấm Dục rồi chàng mới biết trước đó mình lầm và mình chưa thật sự bước vào vòng yêu đương. Chín Điều không phải là kẻ mà chàng yêu với tất cả tâm hồn.

   Đêm nay, không biết tại sao chàng lại ít nghĩ về Cấm Dục mà lại nghĩ nhiều về Sáu Quyên? Mình có yêu chị ta không? Hay chỉ vì ánh trăng ở đây ve vuốt quá,mông lung quá,làm chàng nghĩ tới cảnh vai kề má tựa với bất cứ cô gái, đàn bà nào xấp xỉ tuổi chàng” (tr. 47)

   Sáu Quyên, “từ Vịnh Trà Bay, chị ta trôi nổi qua đây lập quán,như trốn tránh một kỷ niệm nào đó. Chị ta chăm chỉ làm ăn,chăm sóc nhà cửa,chăm sóc quần áo,tóc tai. Chị ta tuy đẹp thua Ba Kiểm và Tư Diểm, nhưng chị biết cách chưng diện, lúc nào cũng đi guốc, biết xức dầu bông lài, biết cười duyên,biết liếc truyền ý, biết nhấn vuốt giọng nói để giọng đôi lúc mơn trớn, đôi lúc như than vãn. Lại nữa, chị có dáng đi uyển chuyển, khêu gợi. Đã bao lần nhìn trộm chị, chàng cảm thấy thân thể mình bứt rứt, lòng dạ mình bâng khuâng,khó diễn tả”.

   Hai Cường si chị Sáu Quyên, “Trai đa tình nào cũng mê đàn bà góa ráo trọi. Đàn bà góa như cá nấu canh. Đã có bỏ hành,còn thêm tiêu ớt”.

   Đối đáp cưa cẩm :

   “Hai Cường gọi:

   -Sáu Quyên !

   Sáu Quyên tru tréo:

   -Ai cho phép mầy hài tên tao ra vậy? Nhờ mầy mà thiên hạ biết tên tao đó mà.

   -Sáu Quyên,chị đừng có dối lòng chị nữa.Hai đứa mình mê nhau. Ở đời,thiếu gì trai tơ mà mê cảm,mê điên gái góa. Chị coi,hồi xưa, bác Bảy Hương trai là trai mới lớn lấy bác Bảy Hương gái là gái một con. Đàn bà goá ví như cây đờn kìm, có khảy nhiều lần thì tiếng càng thanh tao. Chị coi, vậy mà hai bác cũng gầy dựng nên cửa nên nhà.

   Sáu Quyên phì cười:

   -Ai dạy mầy ăn nói như mấy thằng cha o mèo trong tuồng cải lương vậy hả? Hôm nay mầy thấy tao...dễ tánh, mầy gáy lảnh lót quá mà.

   -Ai dạy cũng được,miễn là chị thấu cho lòng tui thì thôi.

   Sáu Quyên ứ hự,ngồi buồn hiu,nước mắt rưng rưng. Hai Cường tiến lại chị,nắm chặt tay chị,ngó sâu vào mắt chị. Chị hoảng hốt xô chàng ra,nước mắt tuôn như suối.Hai Cường dịu giọng:

   -Nếu chị thật bụng thương tôi,thì mình dắt nhau đi xứ khác làm ăn. Chừng có con cái rồi mình về lạy bà già chịu lỗi cũng được. Bà già tui tuy hay chửi, hay rủa, nhưng lại dễ tánh, chửi đó rồi quên đó...” (tr. 111-112).

   Hai người rủ nhau trốn đi sống chung làm ăn ở Vịnh Trà Bay. Vài năm sau họ trở về xin bà Bếp Luông tha thứ và nhận dâu, nhận cháu:

   “Chàng quì xuống lạy. Còn Sáu Quyên thì ngồi bẹp xuống đất vừa lạy,vừa khóc rống,miệng xổ một hơi:

   -Lạy má, xin má thương anh Hai,thương hai đứa cháu mà cho phép tụi con về đây phụng dưõng má, để má hủ hỉ với hai thằng cháu nội. Tụi con đã ăn ở quấy,làm má rầu buồn, tức giận nên ngày đêm tụi con ăn năn, đau đớn lung lắm. Má mà không thương thì vợ chồng con biết nương tựa vào đâu? Tụi con về đây hủ hỉ với má để chuộc tội bất hiếu.

   Bà Bếp Luông nạt:

   -Thôi đi cô. Ai dám nhận cô là dâu chớ? Cô là oan gia của tui,tui sợ cô lắm mà. Thằng con tui hiếu hạnh,cô dụ dỗ nó làm nó mang tiếng bất hiếu.Nay cô còn bày chước gì nữa đây? Tui mời cô đứng dậy để tui lạy cô,xin cô đừng theo tui báo oán nợ tiền kiếp giữ cô với tui nữa.Thấy mặt cô là tui sợ rợn tóc gáy,muốn ngã lăn ra chết giấc.Cô không đi,tui la làng cho cô coi...

   Bà Bảy Hương nói:

   -Thôi mà chị. Bề nào tụi nó cũng đã ăn ở có hai mặt con rồi. Chị nhận lời nó đi, uống miếng rượu, ăn miếng trầu cho vợ chồng nó mừng. Tuy tụi nó không đợi cưới hỏi, lại chim chuột ngang xương. Nhưng tụi nó ăn nên làm ra,xu tiền rủng rẻng, gẫm lại bằng mười cái thứ có cưới hỏi rỡ ràng, mà vợ chồng xung khắc, mần ăn tàn mạt. Chị nghe lời tui, uống miếng rượu, ăn miếng trầu cho thấm miệng, rồi nựng cháu.Hơi đâu mà giận cho tổn sức, để sức mà hun hai thằng cháu nội có hơn không” (tr. 145).

   Nhờ bà Bảy Hương can ngăn mà bà má nguôi ngoai và nhờ đó mà cả nhà vui vầy trở lại.

 

Phấn Bướm kể chuyện một gia đình phải bỏ nhà hương hỏa ở Vĩnh Long dọn về làng Đạo Thạnh gần Ngã Ba Trung Lương (Mỹ Tho) lập nghiệp; vào thập niên bốn mươi, năm mươi và cuộc kháng chiến chống Pháp. Người dân thời đó chưa bị lối sống Tây phương vật chất sau này ảnh hưởng khiến phải mất đi những nét riêng. Con người ta sống hòa đồng với thiên nhiên, hàng xóm; nhà thì mái lợp bằng lá dừa nước bên những “bãi dừa nước được gọi là xẻo lá, doi lá”. Về vùng kinh rạch đó, bà má sanh thêm được ba cô gái đặt tên là Lệ Phỉ, Diễm Lăng, Mỹ Cần - sau Phương Tần sanh trước ở Vĩnh Long. “Bốn chị em đều có tên bốn thứ rau để kỷ niệm thời má sửa sang vườn tược và gây dựng sở rầy. Tần, Cần, Lăng là rau ở quê hương. Ba bảo 'Lăng' tức là củ ấu, còn 'Phỉ' là một loài rau thanh đạm ở bên Tàu” (tr. 5). Nhà không con trai nên nhận Cảnh nuôi trong nhà. Các nhân vật của Phấn Bướm lớn lên, đi học lên và đường tình trươn tru có mà khủng hoảng cũng có. Phương Tần đính hôn với Cảnh, Mỹ Cần mê Cảnh và gặp Hạo Minh. Diễm Lăng cũng mê Cảnh, lại bồi hồi khi ngắm Tùng ngủ trưa.

Nhưng rồi chiến tranh khắp Đông Dương. Người cha bị ép vô bưng Giáp Nước của Việt Minh, má con có lúc vào “ở chơi” cả tháng. Tình cảnh nhà sa sút như trong thơ Phương Tần viết cho Cảnh: “gia đình em đã gặp tai nạn mấy năm nay. Ruộng đất của ông nội em bị Việt Minh sung công. Bác Hai em yểu mệnh, ba em bị giam cầm...” (tr. 231).

Lệ Phỉ luôn mơ mộng trở về mái nhà xưa nhưng tạm theo nghiệp hát. Mỹ Cần viết văn đăng báo “Ngày Xanh”. Diễm Lăng thêu thùa - như chị  Phương Tần nay sống với Cảnh ở Xóm Tre. Tất cả bị thời cuộc bứng khỏi nhà hương hỏa rồi cả vùng “xẻo lá, doi lá”!

 

Ngát Hương Mật Ong: Hồ Trường An đưa độc giả trở lại quê nhà Vĩnh Long của ông. Ông kể chuyện “ba cô Phương [Đạm Phương, Hằng Phương, Thấm Phương], ba cậu Ngọc [Tường Ngọc, Lương Ngọc, Tuấn Ngọc], hai cô Minh [Bình Minh, Tuyết Minh] và Hạo Minh bắt đầu trưởng thành vào lúc cuộc chiến giữa Pháp và Việt Minh gần tàn, ở một nơi xa tầm ác hiểm của chiến tranh. Đó là vùng ngoại ô tỉnh Vĩnh Long, nằm bên hữu ngạn con rạch Long Hồ gần vàm sông Cổ Chiên” (tr. 174).

Chuyện của họ, và người cha với ba bà vợ cộng thêm chị vú tằng tịu nhưng không có con tự bỏ đi tu sau khi gả em gái út của mình làm dì ghẻ đám trẻ nói trên và sinh thêm hai người con khác – Thấm Phương và Tuấn. Chuyện có nét đơn thuần cũng như đầy rắc rối, cốt nói lên hương thơm mật ong thường trực quẩn quanh chốn đồng quê nhưng mấy ai dễ nhận ra. Tên và cảm tình hay ghét bỏ bắt nguồn từ các tên gọi, người thích hương bông này kẻ thích mùi hay màu bông kia. Nhân vật Mãn Đường Kiều - giang hồ, sành đời và từ năm 14 tuổi “tôi đã bị cánh tay chủ nghĩa trói buộc. Tôi được phe kháng chiến gài vào công-tác dân vận nội-thành”, được đưa vào như nhân tố kích thích các nhân vật khác cùng diễn tiến câu chuyện. Cô này mê trồng hoa, cây kiểng cũng như rau cỏ, và có kinh nghiệm: “Kỳ lạ, vào những hôm trời nóng như hôm nay, tôi có cảm tưởng mỗi bông hoa tiết ra một ít mật. Hương mật ong trộn với hương thơm riêng biệt của từng loại hoa. Nhưng mình phải lắng sâu vào không khí, vào hương thơm, nhất là lúc yêu đời, mình mới cảm nhận được mùi mật ong...

Tường Ngọc hít hít không khí vào lồng phổi rồi nhăn mặt:

- Tôi... không cảm nhận được hương mật ong như bồ nói.

   Mãn Đường Kiều nắm lấy tay Tường Ngọc:

   - Làm sao bồ cảm nhận được? Vì trong giây phút nầy, tâm hồn bồ còn dư sót hương vị mật đắng của cuộc đời.

   - Tôi sẽ bắt chước bồ

   - ?

   - Tức là phải lắng sâu vào không khí, vào hương thơm để tìm hương mật ong...” (tr. 114).

Tường Ngọc thành công làm nghệ sĩ sân khấu nhưng lại làm “đĩ đực” cho các bà thừa tiền rững mỡ, anh và Mãn Đường Kiều vẫn yêu mê nhau có lẽ vì cả hai phải sống nhiều mặt. Cô Kiều cuối cùng mở mắt về kháng chiến khi nhận thư tuyệt mệnh cha cô viết trước khi tự sát bảo phải tránh xa “lũ cuồng tín” Việt Cộng. Đạm Phương theo đuổi ca hát, yêu và được Thẩm Kỳ tỏ tình. “Đạm Phương tóc xõa như gái Huế, mặc áo xanh, tai đeo bông nạm kim cương, cườm tay đeo vòng ngọc thạch. Hằng Phương mặc áo màu hoàng yến, cổ áo gài con bướm bạc, tay đeo vàng, bông tai cũng nạm kim cương. Mèn ơi, Hằng Phương sao hồi nào đẹp chói lên, má hồng, da mịn, mắt đen và sáng loang loáng. Bên cạnh nét tươi thắm đoan trang của chị, vẻ rạo rực, nồng nàn của Hằng Phương nổi bật lên...” (tr. 304). Hằng Phương theo đuổi nghiệp văn vào cái thời tiểu thuyết tâm lý xã hội, kiếm hiệp, sách báo, truyện và phim ảnh tràn ngập nơi đô thị; người yêu là Huy Đán theo tập kết về Bắc.

Hạo Minh tự chuốc mặc cảm tội lỗi lánh mặt Thấm Phương chỉ vì nghe lời bạn rủ rê “đi hành lạc ở một căn nhà thổ xóm Lò Tương gần Cầu Lộ (…) Chàng biết mùi gái từ hôm đó (…) Chàng đang sức lớn, thể xác cường tráng. Những lúc động tình, chàng cũng nghĩ về Thấm Phương. Nhưng cái hôm viếng xóm Lò Tương đó, trong lúc nằm trên giường với người đàn bà lạ mặt , rõ ràng chàng quên mất Thấm Phương. Cái hành động “tội lỗi” đó, khi ôn lại, ác nghiệt thay, chàng vẫn thấy thích thú, thân xác bừng nóng bởi ngọn lửa nhục cảm đê mê”. Hành động chàng nghĩ là phản bội đó, Thấm Phương lại xem là … chuyện nhỏ: “Tưởng chuyện gì! Thì ra … là vậy ().  Anh ngốc nầy sao ưa vẽ ác mộng để rồi chui vào quá!” (tr… 306, 307). Và họ lấy nhau, nàng “vẫn còn là một xử nữ”.

Hơn một lần, tác giả đã để các nhân vật kéo nhau ra vườn tìm hương hoa: “Khu vườn sau trận mưa như mới hẳn, lá bóng loáng. Những cành mận đơm hoa trắng nõn. Cây chiết, cây điều bừng nở lá non màu nâu ửng hồng. Cây đọt lụa điểm lá non màu lục nõn. Chuối xoè túm lá rộng bản, dưới gốc những chồi chuối con lớn cỡ chày đâm tiêu. Ổi cũng đơm hoa trắng. Hương hoa ổi trộn với hương hoa mận thơm dìu dịu. Hai thứ hương nầy chỉ tỏa nồng vào sau cơn mưa hay lúc hừng sáng, khi thời tiết mát dịu...” (tr. 281).

“Những cây trứng cá đơm đầy trái chín mọng và đỏ như san hô. Những cây mận sai trái; mận hồng đào tô né hồng vui tươi và xán lạn trên nền lá lục sẫm, mận trắng như đúc bằng sáp ong, mận xanh như những khối ngọc thạch được đẽo gọt khéo léo. Chen giữa những trái mận non là những chùm hoa trắng tỏa hương thơm ngát” (tr. 329).

Bình thường người ta nghĩ hương cuốn theo chiều gió hoặc chờ đợi  hương bay tỏa ngược chiều, ít ai chịu khó lắng đọng để hưởng mùi hương nhất là thứ hương quyện mật ong. Cũng vậy, lối vào ra luôn ở cùng chỗ; chính con người ta quên lối hoặc đường đi đầy cỏ dại – như lời một bà tu hành tướng hao hao một bà bà khách mà Tuyết Minh đã quen, báo mộng cho nàng.  

Truyện ngưng khi Pháp phải rời Đông Dương, mở màn cho chế độ đệ nhất Cộng hòa, các giáo phái lần lượt phân rã hoặc về với chính phủ quốc gia. Và tương lai hãy còn ở trước mặt với đám trẻ: “Một cơn gió thổi tới phơi phới. Những khóm thổ lan và cẩm nhung mềm mại rung rinh. Trong hồn mọi người như choáng rợp những cánh diều bay lồng lộng, đuôi diều uốn lượn uyển chuyển trên nền trời xanh mây trắng” (tr. 334).     

*

Nói chung, các “truyện dài đồng quê” với đề tài phong tục, văn hóa miền đất mới của Hồ Trường An có đặc thù của riêng ông, ở cách kể chuyện khá sống động, ở ngôn từ đối đáp, ở cảnh tình, diễn biến – khi đọc truyện ông, nếu đọc lớn tiếng và phát âm giọng miệt vườn nhà quê thì càng hấp dẫn (mà các băng đọc truyện chỉ làm được phần nào)! Truyện đồng quê miền Nam lục tỉnh của ông đã rời xa những Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Phi Vân ở kỹ thuật truyện, ở miêu tả tỉ mỉ, và hình ảnh, ngôn ngữ sử dụng,… cũng như khai thác tối đa tiếng nói thường ngày, bình dân, của con người ở vùng đất mới, đã tạp chủng, pha trộn. Đa phần trong hơn 20 “truyện dài đồng quê” có thể gộp chung và xem như là “đại trường thiên tiểu thuyểt” hay những “truyện dài đồng quê” nhiều tập – hay “siêu liên văn bản” nói theo thời gần đây. Tuy vậy, đọc Hồ Trường An dễ thấy cái hoa hòe trãi rộng của ông có khi làm người đọc bối rối, lạc lỏng, không phải như trong câu chuyện dài tình tiết của Xuân Vũ, hay dài cố ý của phim bộ, mà là ở chi tiết, hình dung từ, cái trang điểm thêm khi đã đủ tươm tất, nhất là khi độc giả xem các tập truyện gần nhau!

Truyện Hồ Trường An có những đặc biệt bất ngờ như lời tả “Chị Marie có tấm nhan sắc trung bình, có cái thân hình cao lớn bốc lửa, có cái miệng tục tĩu duyên dáng”.

Có lẽ vì cái miệng vậy cho nên chị Marie lấy Tây này thường “rên la thống thiết” khiến “ông thợ câu neo xuống gần đó câu tôm, hoặc mấy cô đi gánh nước từ cầu nhủi sát hông nhà chị” đều nghe rõ:

“- Thằng chó đẻ, mày đâm, mày ngoáy tao. Quỉ ơi, tao sung sướng mà chết đây!

- Ông bà ông vải ơi, thằng thiên lôi này giết tôi đây!

- Thằng khốn nạn, muốn giết tao thì đâm tao lút cán đi. Cứ nhấp nhứ hoài làm tao muốn phát điên. Tiên nhơn tổ đường ơi, thằng mắc dịch này bày vẽ nhiều trò dễ ghét quá!

Tóm lại, đây là hạng đờn bà dở... chịu khoái lạc” (Mùa Thục Nữ Vu Quy)

Cách đặt tên nhân vật lại là một đặc điểm khác của ông. Trong vài tác phẩm, tên đặt cho nhân vật quá đẹp không hợp với hoàn cảnh địa lý thôn quê thường dùng tên cục mịch hơn, "dân gian" hơn. Chỉ lấy thí dụ cuốn Phấn Bướm, nhân vật nào là Diễm Lăng, Lệ Phỉ, Phương Tần, Mỹ Cần, mà ngay thú vật, bồ câu được gọi là Xuyết Cẩm, Ánh Tuyết, Như Băng, Hoàng Hạc, ngựa thì Đạm Lớn, Đạm Nhỏ, Bích, Huyền Ô, ...

Tả sắc đẹp, nào “dung nhan tuy không lộng lạc hực hỡ đến độ huê nhường nguyệt thẹn, song cũng duyên dáng, mặn mòi lắm”, so sánh “Cặp mắt cô Ba sáng ngời loang loáng ánh thu ba thì mắt cô Năm là cặp mắt lá răm và xếch như mắt phụng, êm dịu tỏa ánh hiền từ”, … Một người như bà út Túy Huệ “đã 42 tuổi, nhưng còn non nheo nhẻo như đờn bà 30 tuổi. Cho nên bà út ăn diện theo gái tân thời, tóc chải chín lượn, mười mồng trên đầu rồi bới cái bí bo dẹp dẹp tròn tròn như cái bánh tiêu sau ót. Hễ bước ra khỏi nhà là bà tô son giồi phấn hực hỡ, mặc áo dài bợ ngực bó eo, đeo nữ trang rườm rà choáng lộn”. Một chị tên Marie Phô Mai “mặc chiếc áo bà ba bằng mousseline đen in bông huệ hường và huệ vàng, quần sa teng tuyết nhung đen. Tóc chị cuốn tay rế, giắt lược đồi mồi có nạm trân châu ở sống lưng. Tai chị đeo bông hột xoàn, cổ đeo xâu trân châu, đôi cườm tay lồng trong đôi vòng huyết ngọc”, …

Hồ Trường An có khá nhiều nhân vật viết văn, viết báo, như trong các truyện dài Vùng Thôn Trang Diễm Ảo, Trang Trại Thần Tiên, Ngát Hương Mật Ong,...

Tên món ăn dù không cao lương mỹ vị vẫn được tác giả âu yếm bác-học đặt tên! Mỗi khi tả món ăn thường Hồ Trường An khá chi tiết: “Cô Ba Diệm Quang trổ tài làm bánh nướng như bánh nem, bánh con đuông, bánh gai, bánh phục linh, bánh petite madeleine có thể để dành lâu khi đựng trong những ngăn quả sơn son thếp vàng. Bánh men cô lớn cỡ khu tô được bắt bông đường màu tím, màu hường trong khóm lá lục thấy đẹp nên không ai nỡ ăn. Bánh phục linh của cô trắng như phấn, mịn như thạch cao được in trong khuôn gỗ nên có hình vuông, hình quả chám viền răng cưa và nổi bông mai, bông cúc, bông sen, bông huệ. Bánh gai và bánh con đuông của cô nướng chín vàng ấm áp, không một vết cháy. Còn bánh petite madeleine của cô xốp như bông đá, cũng không có vệt cháy vì nướng già lửa...” (Mùa Thục Nữ Vu Quy)

Trong tác phẩm của ông có những biến cố lịch sử, xã hội trải dài từ thời Nam-kỳ Pháp thuộc đến trước 1975, nhưng thường là đời sống bình nhật, quê có, tỉnh có, sang có, hèn có, có kẻ phong lưu trí thức cũng như sa cơ mạt vận, ... với những tiếng nói lanh lảnh, ngọt ngào, kiêu kỳ, hèn hạ, và cả những tiếng chửi có vần du dương, dài đến bất tận, người nghe thích khoái nhưng cũng có khi đau điếng gây hận thù đến mấy đời...

Có một số từ ngữ và tiếng nói dân giả, đồng quê ít thấy dùng thời sau này như “lu câm” [mờ?], “vụt chặc, lanh chanh”, trái “lôm chôm” [chôm chôm], “lá lưỡi cọp”, kết quả thi cử “xệ xuống”, “thằng nghiệt súc, thằng dâm tặc”, “non nheo nhẻo”, v.v. Những cây cỏ, món ăn lạ đối với dân thành thị (và hải ngoại) như bồn bồn nhổ về làm dưa (LSPH), trái phù quân (NHMO), ...

 

Trích đoạn tiếng than khóc của một cặp thương hồ ở một truyện ngắn:

"- Hồi đó tui biểu anh đi tập hát cải lương, anh không nghe; anh nghe lời ông bầu gánh Rương Đen, đi theo nghề hát bội. Giờ đây hát bội hết thời, không ai thèm coi. Gánh Rương Đen rã tại chợ Lách, may mà tui còn chút đỉnh tiền mua chiếc ghe để về đây vớt phân thiên hạ. Vớt ba cái thúi tha hoài, rồi chẳng biết ngày nào về quê quán đây! Năm cùng tháng tận rồi mà mình chưa mua được chai rượu, con vịt để dành ăn Tết.

Tiếng người đàn ông lè nhè:

- Tao biểu mày nín. Số tao là số bần cùng, dẫu có đi theo cải lương, thì cái giọng thùng thiếc bể chắc gì tao được làm kép chánh đâu. Nghề hát bội là nghề ông cha tao nuôi các cô, các chú, anh chị em tao đã hai đời rồi, lẽ nào tao phụ nó? Bộ mày tưởng hễ ai đi hát cải lương rồi cũng ngang hàng với Bảy Nhiêu, Năm Châu, Tư Út hết hay sao? Có nhiều gánh cải lương đi hát ở miễu đình, gặp lúc trời mưa thưa khách thì sáng hôm sau họ đi bắt cóc nấu cháo.

   - Thịt cóc coi vậy mà thơm tho, nói cho anh biết.

   - Ấy, mình với cứt sanh nhai chớ có ăn cứt đâu nà. Dầu sao đi nữa, mình cũng đắp đổi qua ngày nhờ nghề vớt hạ tiện này. Mày chê nó thì mày ngu như ăn cứt..." (Bèo Bọt, Tạp Chủng, tr. 18).

*

Tính dục trong các truyện của Hồ Trường An có khi thường trực, như cái bản năng, có khi lại như là tác động của tiềm thức, của quá khứ. Nói chung đó là cái gì tự nhiên, bộc phát, không dồn nén, không “đạo đức giả”, như hơi thở, như ăn uống, như cái thú sống ở đời. Đặt trong khung cảnh đồng quê ngày trước – mà nay đã trở nên lạ lẫm một cách kỳ thú!

Chuyện giáo dục sinh lý và công dung ngôn hạnh cho con gái sắp về nhà chồng được ông viết hẳn một truyện dài -  Mùa Thục Nữ Vu Quy, đặc biệt về chữ dùng và cách dạy. Bà út Túy Huệ dạy cháu Năm Thể Tần [giả bộ chưa biết gì]:

“- Chị Hội Đồng đã ngỏ ý cô dạy hai cháu chuyện giao hoan hiệp cẩn để hai cháu biết cách chiều chuộng chồng. Chỉ phàn nàn rằng con Ba vốn không được thâm trầm kín đáo. Hễ ai rờ nhẹ nó, nó cũng nhảy thót lên la oải oải. Vào đêm tân hôn, thằng Thế Mạnh mà xung bức phá trinh nó, nó chịu đau không nổi hét rùm lên thì thiên hạ sẽ cười cho sượng mặt. Rồi đó, khi mà vợ chồng nó mặn chuyện ái ân rồi, giữa lúc loan điên phụng đảo biết đâu nó sẽ không tự chế nổi cái gay gắt của lạc thú. Đáng lẽ nó ngậm miệng sò khép miệng hến để tận hưởng khoái lạc thì nó lại ré lên nói sảng quàng, rên rỉ huyên náo, người ngoài mà hay được chắc chồng nó sẽ đội quần thiên hạ. Hai cô cháu nhà này giống tánh nhau, vốn dở chịu đựng. Mấy chuyện mà cô nói vừa rồi, thiệt ra là chuyện cô đã từng làm, từng trải quạ Cho nên cô phải khuyên nhủ con Ba lẫn con Năm nên tránh là hơn. (…) Cô chỉ khuyên bây một điều: đờn bà con gái phải giữ vẻ thâm trầm, không nên bộc lộ tình cảm sa đà quá trớn như cô chầu xưa. Đờn bà mà sướng rên, khổ rên, ngạc nhiên rên, hoảng sợ rên là thứ đờn bà bộc tuệch như cái nhà trống trước hở sau, làm sao mà giữ gìn của cải, cầm chơn được chồng, dưỡng nuôi được con cái? Chèn ơi, cứ coi con Ba ăn xoài tượng chấm mắm ruốc giã tỏi ớt! Lúc khoái khẩu nó rên rỉ suýt soa, khi cắn nhằm miếng ớt quá cay, nó rít the thé làm như lưỡi nó rát phỏng thiếu điều thụt tuốt vô trong cuống họng. Mai kia mốt nọ, nó sẽ gặp nhiều chuyện mà nó chưa từng nếm qua, nó sẽ phóng thanh rùm beng, chắc lưỡi hít hà, suýt soa ỏm tỏi, ai mà chịu nổi?”

Nhân vật nữ trong truyện này vô địch về chuyện “nói tục, nói trây” và “ăn nói trặc trẹo”!  Đến đoạn kết thì quả là quá … lành: “Hạnh phước vốn có thiên hình vạn trạng bộ mặt. Nhưng với tấm lòng thành thiệt, thì chúng ta cũng có thể tìm gặp cái chơn hạnh phước. Đừng có mang mặt nạ đạo đức, đừng có hổ thẹn không đúng chỗ, thì cái chơn hạnh phước kia đến với chúng ta mau lẹ”.

 

Trong Chân Trời Mộng Đẹp, tác giả viết về những kiếm tìm hạnh phúc, dĩ nhiên không thể bỏ ra ngoài chuyện gối chăn. Trọng Khang và Ngọc Hảo lấy nhau rồi xa nhau rồi tìm lại nhau qua thú vui nhục dục tìm thấy trở lại: “Ngay đêm ân ái lần đầu tiên trong cuộc tái ngộ, chàng có cảm tưởng mình động phòng với một Ngọc Hảo nào khác. Cái thể xác tươi rộ lên của nàng trước khi đi vào thời kỳ lệch lạc và bệu nhão theo tuổi tác sao mà kích thích chàng một cách bất ngờ! Chàng ôm nàng thật chặt, thọc sâu vào nàng như đi vào một thiên đường vừa khám phá, chàng nhún nhẩy cọ mài vào vùng nhạy cảm với khoái lạc của nàng một cách miệt mài để tìm lại những mảnh vụn ký ức về thú giao hợp vào thuở cả hai đi hưởng tuần trăng mật ở Vũng Tàu. Lúc chàng tưới tẩm chan hòa vào nàng, chàng có cảm tưởng mình rót vào nàng những sinh lực tươi mới và rót vào nàng một niềm phục vụ tha thiết về mầm mống hạnh phúc bắt đầu hồi sinh ở trong nàng. Cuộc ân ái đêm hôm đó làm cho cả hai có cảm tưởng là cùng ban ân sủng cho nhau để vớt vát lại những ngày hạnh phúc đã lỡ đánh mất. Khi tan cuộc, chàng còn nằm trên thân thể nàng một lúc và khi cả hai nằm nghiêng thì chàng vẫn còn ôm nàng, vùi mặt mình vào tảng ngực mềm mát của nàng để gây lại nguồn lử nhục cảm mới và bắt đầu cuộc làm tình kế tiếp...” (tr. 70).

 

Bãi Gió Cồn Trăng là “truyện dài đồng quê” nhiều về những câu chuyện tình dục “tạp pí lù” nhất: trăng gió, ngoại tình, khổ dâm, dâm dục thả dàn đủ cả, từ thằng ngu cu đen, bác sĩ, quan chức đến bà này con kia, ta có, tây có, thoải mái với đủ hạng người trong xã hội thời thực dân:

Cô Ba ngoe ngoảy bỏ vào buồng dành cho cô. Nơi đây nệm drap trắng tinh, thoảng mùi long não. Cô cởi áo dài máng lên móc rồi vào giừng nằm nghỉ. Cô tính nằm chơi, ai dè ngủ hồi nào không hay. Bỗng một chiếc cằm lám nhám gốc râu chạm vào đôi má mịn màng của cô, rồi cặp môi ấm áp đè lên cặp môi cô. Cô mở mắt ra thì thấy Thierry đang nằm bên cô, thân thể không mảnh vải che. Cô siết chặt tấm thân hắn, làm bội hỏi:

- Ai? Ai vậy?

Tên Pháp kiều rên rỉ:

- Kiếm được dịp tốt để đến đây khó quá! Anh nhớ em lắm!

Hắn hun hít cô, rồi cả hai nhẩn nha vuốt ve nhau cho đến lúc tên gian phu không chịu nổi lửa dục nữa, bắt đầu giao hoan với cô. Cô nhắm nghiền mắt hửng ứng, quên phứt đi tấm vách có một lỗ nhỏ để cặp mắt cô Sáu Bạch Huệ theo dõi, chờ lúc họ mê man nhục dục sẽ ra tay”.

Bang biện Hưỡn như tên gọi, suốt ngày chỉ có mỗi bận tâm bệnh hoạn “làm thế nào ăn nằm với vợ Cai tuần Hạp, tá điền của ông. Chị đang có chửa bốn tháng. Ông chỉ cần ăn mằm với chị vài lần rồi sẽ trả chị ta về với chồng, để ông kiếm một mụ đờn bà có chửa khác … Ông chỉ thích ăn nằm với đàn bà chửa từ ba tháng tới năm tháng. Cái thai lớn vừa phải thì ông ham nhưng cái bụng bự chang bang của đàn bà mang bầu từ bảy tháng sắp lên thì ông không hứng thú chút nào .... Ông thích thông dông với thứ đàn bà chửa nhưng chồng còn sống hơn. Đờn bà góa có chửa không kích thích ông nhiều bằng. Theo ông, còn gì thích cho bằng vừa tráng men đứa hài nhi vừa cặm một cặp sừng cong vút lên đầu thăng tía bạc phước của ông”. Hắn gạ gẫm để "núp gò mối đâm heo", sau thím Bảy Bảnh là lén lút với vợ Cai tuần Hạp đang mang thai, cuối cùng bị hồn ma cô Út Thoại Huê trừng phạt:

Ông ồm chầm lấy chị ta, vuốt ve cái bụng chửa lùm lùm của chị, hun hít. Mà ủa lạn, sao mình mẩy chị ta lạnh ngắt. Ông hỏi:

- Sao mình mẩy em như ướp nước đá vậy?

Vợ Cai tuần Hạp háy ông bằng cặp mắt có đuôi:

- Thì em phải tắm rửa sạch sẽ để tiếp ông. Ngặt vì lóng rầy em yếu trong người, gặp nước lạnh về chiều nên da thịt mới như vậy. Ông úm em một đỗi thì em ấm lại liền!

Ông tiếp tục hun hít, ấp ủ người đàn bà. Quả nhiên da thịt chị ấm lại dần. Nhưng khi ông muốn bóc hết lớp quần áo che thân chị thì chị đề nghị:

- Ngoài sau vườn em có một cây rơm, chỗ đó quanh năm suốt tháng chẳng ai lai vãng. Đêm nay có trăng, tụi mình ra đó gẫm có thú vị hơn không?

Ông Bang biện Hưỡn khoái quá, gật gù khen ngợi:

- Thiệt qua không ngờ em... cao kiến như vầy, hiểu chuyện phong lưu tao nhã lắm. Vậy thì mình cùng đi!

Cả hai sóng bước ra ngoài nhà sau. Quả thiệt có cây rơm bên cạnh cái ao. Ven ao là cây gừa, Đom đóm bám vào từng chiếc là, ánh sáng chớp tắt liên hồi. Trăng bây giờ lên cao, thu nhỏ lại, sáng như phiến gương làu làu nước thủy. Quanh ao tiếng vạt sành kêu râm ran. Chốc chốc có tiếng cá ăn móng.

Ông Bang biện Hưỡn bước cạnh người đờn bà, chốc chốc lại quay qua nhìn chị cười mơn. Bỗng ông lạnh mình. Ô hay! Người đàn bà đi cạnh ông rõ ràng là cô Út Thoại Huê. Ông buốt miệng kêu: "Trời ơi!" rồi đưa tay dụi mắt. À thì ra ông nhìn lầm, vợ Cai tuần Hạp chớ không ai khác. Người đờn bà gặng ông:

- Ủa, sao ông kêu trời vậy?

Ông Bang biện Hưỡn nói lảng:

- Không, có gì đâu! Tại qua thấy em đẹp nên buột miệng vậy mà!

Vợ Cai tuần nhìn ông đăm đăm như thôi miên:

- Thiệt không đó? Hay ông tưởng em là cô nào khác?

Ông Bang biện cười dã lã:

- Thôi mà em, em nói chi chuyện tầm phào cho mất vui!

Người đờn bà khi tới gốc cây rơm, nằm dài ra, giọng ỏn ẻn thẽo thợt:

- Mình ơi, em đây nè. Mình có chiên xào, kho nấu em cách nào, em cũng vui lòng hết.

Chị lột hết quần áo ông, ôm sát vào người chị rồi bất ngờ siết thiệt chặt làm ngực ông muốn vỡ vụn. Chị ta cười hăng hắc, sắc lạnh như từng gáo nước dội lên mặt, lên sống lưng ông. Ông Bang biện sững sờ nhìn chị. Trời ơi, rõ ràng là Út Thoại Huê đây mà! Quả nhiên người đờn bà the thé:

- Con quỉ dâm dục, con quỉ súc sanh từng làm nhơ các thai phụ để họ phải chịu nhục nhã vì ô danh xủ tiết! Cả nhà Cai tuần Hạp đã vì mầy mà lìa quê lìa quán, đem thân cầu thực xứ người! Bọn họ đi Bạc Liêu từ hai hôm rồi, tao phải giả dạng chị vợ để răn dạy mầy!

Nói tới đây, cô Út Thoại Huê thổi một làn hơi lạnh buốt lên mặt ông bang biện Hưỡn khiến ông lịm đi.

Sáng hôm sau, mấy người đờn bà hái rau dại trong xóm phát giác ông Bang biện Hưỡn nằm im lìm bên mộ cô Út Thoại Huê, liền tri hô lên. Mấy lực điền xúm lại, lấy chiếu đắp lên thân thể trần truồng của ông, rồi hơ lửa cạo gió, xức dầu... Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, ông bắt đầu thở thoi thóp”.

Cậu Hai Luyện, con trai ông ta cũng dâm dục không thua, nhưng lại  “ưa phá trinh con gái hơn. Cậu chỉ giống tánh cha thích ăn nằm với đàn bà có chồng. Thím Bảy trắng trẻo, mình dây, cặp giò dài, cặp mông tròn hoay, bộ ngực cao và săn chắc, cặp mắt thiệt lẳng, cặp môi thiệt tươi. Uổng cho thím lấy nhắm ông chồng thiệt thà, chỉ biết lo làm ăn, lo cưng vợ mà không biết đua đòi cách sống hào huê.

Cậu Hai Luyện gặp thím như mèo gặp mỡ, như rồng gặp nây, chinh phục thím tuy khó khăn nhưng rồi nước chảy hoài thì đá cũng hao mòn.

(...)  Cậu Hai Luyện đi chùa Sơn Thắng để ve vãn các cô đi chùa dưng hương ngầy rằm, tình cờ gặp chỗ dung thân mới của vợ chồng người tá điền cũ. Nhờ ở trong quán tối ngày nên da dẻ thím Bả hồng hào. Tuy thím mặc quần áo vải bô, hai bàn chơn to phè nhưng cậu đã thấy trong cái đẹp thiên chơn ấy một ngọn lửa kích dục hào hứng. Cậu tìm cách ve vãn, hứa cho thím một chiếc vòng cẩm thạch và một sợi dây chuyền vàng. Chiếc vòng tặng chỉ là chiếc vòng mã não tuy xanh lặt lìa nhưng ửng ánh vàng nghệ. Còn sợi dây chuyền tặng bằng vàng tám, miếng mề đay hình trái tim nhỏ xíu chớ không phải là sợi dây chuyền bằng vàng mưới, miếng mề đay lớn cỡ đồng xu lá bài in hình chữ phước như thím hằng ao ước.

Tuy nhiên, người đàn bà quê mùa kia một khi đã sa chơn vào chuyện phong tình nguyệt trái rồi thì đâm ra ghiền cái mùi đờn ông thị thành. Chồng thím dù có tinh lựa như sói cọp nhưng vẫn là kẻ quê mùa, không rành chuyện gối chăn. Khi cậu Hai Luyện ngỏ ý đưa thím cho cha cậu hú hí một đêm thì thím làm mặt giận. Ông Bang biện tuổi tuy năm mười mà da mặc chưa dùn, thân vóc còn dẻo, tóc chỉ điểm vài sợi hoa râm. Vả lại mặt mày ông cũng khá khôi ngô. Đã lỡ hư thì thím cho hư luôn. Khi ông Bang biện nhét vào tay ghím chiếc cà rá cẩm thạch cắt hình hột dưa thì thím chịu tiếp ông ở cái tổ quỉ của cậu Hai bên cầu Kinh Cụt..

Sau khi hú hí đã đời với thím Bảy Hành, hai cha con theo đuổi mục đích riêng. Cậu Hai Luyện chuẩn bị đi Mỹ An để đo đất và cậu đã sai thằng tớ trai tâm phúc tên Yêm dò la kiếm gái trinh, mặt xinh đẹp để cậu dụ dỗ. Còn ông Bang biện Hưỡn thì muốn mua bộ divan bằng gỗ cảm lai đã giồi bóng lộn. Bộ divan đó mà đặt trong cái tổ quỉ của thằng con trời biển của ông, để ông đưa vợ Cai tuần Hạp lên nằm và "núp gò mối đâm heo" thì thập phần khoái lạc!...”.

Cha nào con nấy, tha hồ lộng hành, kể cả cùng người đàn bà đã có chồng! Dân quê còn tin là ma quỷ, thủy quái cũng … dâm không thua gì mấy “dâm tặc” ở những vùng hẻo lánh:

“Bà Năm Tảo bảo:

- Có kiêng có cữ thì việc dữ hóa lành. Đất nước mình mới khẩn huâng lập ấp mấy trăn năm nay nên có đủ thứ yêu tinh, ma quỉ, tà quái. Làm gái xinh tốt càng phải giữ kỹ hơn. Bây mặc quần áo trắng đứng bên mé nước thì bọn Giang long, Hà bá, Thủy quan, Thủy quái thấy đít, ngực, hông, nách bây ráo trọi, tránh sao "họ" khỏi động lòng dâm dục, phựt ngọn lửa tình. Cho nên có đi xuồng, đi ghe, đi dạo trên bờ sông nhớ bận quần áo màu sậm, nhứt là nên bận đồ đen cho chắc ăn, vì màu đen có thể che mắt "họ".

Ông Năm Tảo thêm vô:

- Tụi con gái chớ nên soi kiếng chải đầu ban đêm. Bởi mặt kiếng lánh như mặc nước lúc lặng sóng nên "họ" thường ẩn trong mặt kiếng ban đêm vì ban đêm thuộc giờ âm, giờ của cõi âm, giờ của dưới nước lên trần tác oai tác quái”.

Dâm dục “thái quá” cũng là lý do để bị “mộc đè”, như chuyện cậu Hai Luyện với cô Bảy Cẩm Thạch - “vốn là nhơn tình cũ của cậu, từ khi hóa [goá] chồng cứ thậm thụt ăn nằm với cậu hoài”:

Sau hai hiệp mây giăng mù mịt mưa rớt dầm dề, cô Bảy Cẩm Thạch vụt cảm thấy bào xào xao xuyến với một cảm giác khó hiều. Cô vụt chổi dậy mặc quần áo và bảo tình nhơn:

- Không hiểu tại sao em hồi họp quá, chắc ở tiệm có chuyện gì xảy ra. Thôi để em về. Tối nếu anh rảnh, tới tìm em.

Cậu Hai Luyện vẫn nằm dài thây trên chiếc divan cẩm lai. Cậu thấm mệt vì hai keo ân ái nên chỉ muốn nằm một mình ở đây đánh một giấc trưa, không có con đờn bà nào lằng nhằng vương vấn bên cạnh cậu. Cậu liền nói đẩy đưa:

- Ừ, nếu em cảm thấy bất an thì cứ về.

Mí mặt cậu nặng chĩu. Con lười biếng bạc nhược làm thể xác cậu mềm nhũn. Cô Bảy Cẩm Thạch liếc qua cậu, kín đáo trề môi nguýt háy rồi mở bóp lấy hộp phấn hồng tô lên má, lấy thỏi son thoa cặp môi. Khi cô trang điểm xong thì cậu Hai Luyện đã ngáy lảnh lót. Xời ơi, đờn ông gì mà... thiếu tế nhị. Nó chơi mình xong là lăn kình ra ngủ, không biết ve vuốt mình, không biết ngọt bùi gì ráo! Nó coi mình như con điếm, một món đồ chơi không bằng. Chiều nay mà nó xách đít tới tiệm may, tui sẽ đạp đít nó đuổi ra cửa rồi hốt gạo muối vãi vô nó như đuổi phong long, đuổi tà.

Cô Bảy Cẩm Thạch vùng vằng mở cửa bước ra ngoài, cuộc bộ một khúc đường mới tìm được xe lôi để về nhà.

Trong tổ quỉ, cậu Hai luyện chìm trong giấc ngủ nặng như chì. Tay chơn cậu như đóng đinh vào mặt gỗ. ngực cậu nặng chĩu nhưng cận vẫn ý thức được cậu đang bị mộc đè, chỉ cần có người khua động bên tai là cậu sẽ ra khỏi cơn nửa mê nửa tỉnh đó. Bồng một khuôn mặt đờn bà già nua xấu xí nhăn nheo gớm ghiếc áp gần mặt cậu. Mụ hét:

- Quân dâm dục dắt gái về đây xỏ lỗ làm dơ nhớp thân tao. Tao sẽ vả cho mày trẹo quai hàm.

Cậu Hai Luyện hét lên và tỉnh dậy, nghe đau buốt cả hàm. Cậu bước lại kiếng soi mặt thì thấy một bên cằm mình sưng vù và đỏ ửng, nhưng may miệng cậu không méo và quai hòm không trẹo”.

Cô nhân tình Bảy Cẩm Thạch cũng mơ bị bà … hành cho mà phát bịnh:

“Trong chiêm bao em thấy một mụ già cùng hung cực ác đến hăm he em rằng: "Mầy và thằng quỉ dâm cục kia dám lên thân tao bày chuyện gió trăng, tao sẽ hành cho mầy bị huyết trắng hoặc sa tử cung cho đã tức". Khi tỉnh dậy, em ớn lạnh khắp mình mẩy, sẵn cảm gió say nắng, em phát bịnh rồi anh ạ”.

Hoang dâm, cho nên Cậu Hai Luyện không ngừng ở đó,“Giao hoan với hạng gái dễ dãi như cô Bảy Cẩm Thạch làm sao cậu hào hứng cho được! Cậu lại nghĩ tới thím Bảy Bảnh. Ái ân với đàn bà có chồng bất hạnh kia, điêu đó làm cậu như được dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy thú vị. Do đó mà thằng Yêm cứ phải làm môi giới đưa thím Bảy Bảnh lên tổ quỉ của cậu ở cầu Kinh Cụt. Nhưng nếu cậu Hai tạm hài lòng vui thú với vợ người ở tổ quỉ thì tai họa đâu tới nỗi giáng xuống đầu cậu như một cú sét. Một hôm cậu ngỏ ý với thím Bảy Bảnh:

- Tui ăn nằm với mình ở đây tuy có sướng thiệt, nhưng tui vẫn ao ước ân ái với mình tại nhà mình kìa!

Thím Bảy Bảnh ngạc nhiên:

- Sao lạ vậy? Đường bằng phẳng mà mình không chịu đi, lại chọn đường đầy dẫy chông gai hầm hố làm chi không biết!

Cậu Hai Luyện cười trơ trẽn:

- Tánh tui kỳ lạ lắm! Hễ gặp chuyện dễ ột tui không nhớ dai. Phải giặp chuyện khó khăn, đòi hỏi lao tâm tổn trí, phải đem mưu mẹo ra đối phó thì tui mới nhớ đời đời. Mình có thiệt bụng yêu thương tui thì nên dàn xếp các nào để tui được hú hí với mình trên cái giường của mình thì tui mới có hứng”.

Phải ngoại tình trên giường ngũ của vợ chồng người ta thì mới hứng thú... bất kể người đàn bà sau đó bị tai tiếng đủ điều...

 

Hồ Trường An là một người đồng tính (ông dùng chữ “dị tính luyến ái”) và không che giấu giới tính của mình. Năm 1983, ông cho đăng truỵện dài Hợp Lưu trên tạp chí Văn (nhà Văn Nghệ xuất bản năm 1987) viết về khuynh hướng đồng tính luyến ái của ông. Ông cho biết: “tôi tung ra quyển Hợp Lưu trong đó có nhân vật gay tên Quế phản ảnh đôi chút tâm trạng của tôi. Trước tôi vào năm 1967, bạn tôi tên Ðỗ Quế Lâm có viết tiểu thuyết tự truyện có tựa là “Vết Hằn Rướm Máu” do chính chị Thụy Vũ tôi viết lời tựa. Sau đó ở hải ngoại vào năm 1979 thằng bạn khác của tôi tên Lucien Trọng, một kỹ sư thủy lâm có viết quyển “L’Enfer Rouge, Mon Amour” do Seuil xuất bản. Sau đó nó dịch ra “Hỏa Ngục Ðỏ, Mối Tình Tôi” kể lại mối tình của nó với một chàng trai bụi đời tên Hải trong thời gian hai đứa bị Cộng Sản giam cầm. Ðúng như cô Vân nghĩ, hình như những cây bút gay như Ðỗ Quế Lâm và Lucien Trọng không dám diễn tả huỵch tẹt như Hồ Trường An, không mô tả cuộc làm tình tỉ mỉ và tới nơi tới chốn như Hồ Trường An. Tôi diễn tả chuyện giao hợp giữa cậu trai Việt và anh chàng gay quý tộc Pháp khá táo bạo và khá đậm đà...” Chính nữ ca sĩ Quỳnh Giao thuở thập niên 1980 bảo rằng đây là quyển sách mà Quỳnh Giao thích. Song song cũng có nhiều độc giả chửi tôi khá nặng. Họ gọi điện thoại xài xể anh Mai Thảo vốn là người chủ trương tờ tập san văn chương Văn tại sao có thể đăng từng kỳ những chương sách dơ dáy nhớp nhúa của quyển Hợp Lưu?” (HTA. “Giới Tính Trong Văn Chương Nghệ Thuật”).

 

Hồ Trường An đặc biệt quan tâm và đề cao sắc đẹp. Các nhân vật nữ đa số danh tính mỹ miều, diễm lệ và thân dáng “sắc nước hương trời”; các nhân vật nam tiêu biểu thường được ông trau chuốt mình vóc không cường tráng thì cũng hấp dẫn chất người. Trong một phỏng vấn, ông cho biết: “Tôi dệt ra những cảnh giao hợp bỏng cháy, tôi nhập vai vào các nữ nhân vật, còn nam nhân vật tuy có tên Việt như Cảnh, Hạo Minh, Tường Ngọc, Huy Châu v.v…, nhưng tôi mường tượng qua các chàng kép có thân vóc cường tráng mỹ lệ. Bao giờ cũng vậy, khi viết tiểu thuyết không bao giờ tôi dám giết những nhân vật đẹp trai dù các đương sự cùng hung cực ác đi nữa. Tôi chỉ dám giết những nhân vật già nua từ 80 tuổi trở lên (cho họ chết vì già yếu chớ không dám cho họ chết vì bịnh hoạn). Lại nữa, các nhân vật đẹp trai được tôi xe duyên chỉ thắm với những nữ nhân vật nếu không kiều diễm thì cũng duyên dáng mặn mòi. Nếu các cô lỡ có chửa với người chồng bô trai ngó hoài…vẫn thích ngó của họ, thì ở chương áp chót của quyển tiểu thuyết, tôi cho họ xổ bầu đập chum để họ có cái eo thon đẹp, để họ diện áo đẹp đi rước đèn, đi bát phố cùng chồng. Còn nam nhân vật đẹp trai nếu rủi bị bịnh ung thư hay bị bịnh AIDS thì nếu không nhờ thuốc men hiệu nghiệm thì cũng được Đức Thánh Đồng Trinh Maria của thành phố Lourdes hay Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ dùng phép lạ mà giúp họ lành mạnh” (https://damau.org/974/nha-van-ho-truong-an-song-theo-cai-duc)

*

Nếu nhìn kỹ, toàn bộ tác phẩm của Hồ Trường An có thể nói có nhiều phần cái thế giới của cái giống thứ hai (deuxième sexe), có nữ tính, ẻo lả, màu hồng; ở những không khí, tâm lý dịu dàng hoặc sôi xục ở bên trong, ở cái hồn nhiên, thật thà dễ tin người, ở những đam mê đắm đuối không thể thắng, ngừng, ở những món ăn, cách ăn cách mặc, ở y phục, ở những dáng điệu, bộ tướng, bộ đi, ở cái không khí đào hát, cải lương, đời như kịch tính, ở cách đặt tên nhân vật, v.v. Tóm, của màu mè, của mùi và lẳng! Khi tả những tiếng hát, có thể "quỉ khốc thần sầu", có thể vô danh, Hồ Trường An tỏ ra không khác gì một bác sĩ chuyên viên chăm sóc dây gân hay thanh đới, thanh âm của người ca sĩ! Nếu truyện và thơ Trân Sa toát một "nam-tính" thì toàn thể tác phẩm của Hồ Trường An mang một "nữ-tính" rõ rệt, bao trùm – ít ra là một không gian lạ lẫm, hấp dẫn người đọc vốn quen thứ văn chương cổ điển, nhà trường, nhẹ nhàng!

Hồ Trường An có thể viết nhanh và ít khi xem lại như ông từng cho biết, nên trong một vài tiểu thuyết đã sai thời gian tính, như khi để một bà già đầu thập niên 1950 lý luận ăn nói như sau 1970. Cả về y phục, kiểu cách, ... vì chi tiết, mỹ hóa, kỹ xảo quá có thể khiến người đọc đâm nghi ngờ đọc tiểu thuyết hơn là chuyện phong tục miệt vườn! Dĩ nhiên, đã là truyện, là tiểu thuyết... và với ngọn bút của ông thì phải hiểu đây là “thế giới văn chương” của Hồ Trường An – kể cả khi ông phóng tác  Chiếc Quạt Tôn Nữ (2002) theo cốt chuyện phim The Fan / Chiếc quạt, chuyện của phu nhân Windermere. Nhưng cũng nhờ trí nhớ tốt, trong cả chi tiết, do đó không lạ khi ông là người thành công nhất ở hải ngoại viết về cuộc đời sự nghiệp các danh ca, đào cải lương, tài tử phim ảnh, hoặc giới văn nghệ sĩ, báo chí, v.v. với Cõi Ký Ức Trăng Xanh, Chân Trời Lam Ngọc, Giai Thoại Hồng, Theo Chân Những Tiếng Hát , ...! Và rõ rệt là ông chịu ảnh hưởng truyện bình dân Tàu như Phấn-Trang Lầu, ... và truyện "nghĩa hiệp", "ái tình tiểu thuyết" như của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức, ... Cả một truyền thừa nhiều biền ngẫu, nhạc tính! Dĩ nhiên Hồ Trường An cũng không thể tránh đưa chuyện tu hành và giáo lý, tư tưởng nhà Phật vào truyện và tiểu thuyết của ông, như trong tập truyện Đêm Xanh Huyền Hoặc.  

Nhà thơ: Ông cũng làm thơ và đã xuất bản hai tập thơ. Thơ ông tiếp thừa truyền thống dân gian (thương hồ, miệt vườn), và cũng như thơ của Bình-Nguyên Lộc, Kiên Giang,..., đó là thể loại cho tình ý đơn sơ, bình dị chân quê, nghĩ sao thì sáng tác vậy – tức là không kiểu cách, làm khó độc giả.

Xin trích bài Lối Vào Trang Sách làm tin:

Thuở nào trải một mùa xuân

Trên từng trang sách, trên từng bước đi

Hỏi người đã viết những gì

Trong cơn gió bụi kinh kỳ mênh mông?

   Nghìn sau giai thoại vẫn hồng

Người sau còn đọc, tấm lòng chép ra

Ngọn đèn, xấp giấy, tách trà

Nâng niu từng bóng ngày qua dịu dàng

   Từng trang sách cũ, từng trang

Giữ thơm một giấc mơ màng cố hương

Gửi lòng ra khắp muôn phương

Từng chương sách mới, từng chương đậm tình

   Nghe chuông giục bước đăng trình

Nghe chim đưa ánh bình minh trở về

Mực còn tươi thắm hồn quê

Hình sông, dáng núi, câu thề nhớ chăng?

   Ra đi bạn có nhủ rằng:

“Ao người trong mát sao bằng ao ta?

Điêu linh một cõi sơn hà

Bóng đêm khi cuối canh gà phải tan...”

   Tạ từ lòng thắp nén nhang

Chuyện xưa sống lại trên hàng mực trôi

Từng dòng lệ, mỗi nụ cười

Lòng ta, ý bạn quê người gặp nhau”

(Ngát Hương Mật Ong - Phụ Lục Thơ Hồ Trường An, tr. 8)

 

 

4-2019

(Trích Nguyễn Vy Khanh. Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại. San Jose CA: Nhân Ảnh, 2020)


                                                  

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 1022
Ngày đăng: 07.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Du lịch cùng thi ca Huế - Võ Quê
Mai Văn Hoan – Hồn thơ nồng nàn và đa cảm - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyên Sa: Thơ thời hải ngoại - Nguyễn Vy Khanh
Những cái “tôi” và tiếng lòng của Trần Bảo Định - Trương Văn Dân
Về cách-tân tiểu-thuyết - Nguyễn Vy Khanh
Hoa Nhài và những vui buồn quanh hoa Nhài - Nguyễn Anh Tuấn
Trò chuyện với thiên thần, Lắng nghe. Dừng lại và Suy ngẫm - Elena Pucillo Truong
Đặng Đình Hưng, đời của thơ… - Đỗ Quyên
Tư tưởng - Võ Công Liêm
Khoa học và tôn giáo - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)