Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
667
116.546.010
 
Võ Phiến những năm 1960
Nguyễn Vy Khanh

Về mỗi tác giả, người đọc và cả "nhà phê bình" vẫn thường có thái độ tổng quát hóa, như Nhất Linh là tác giả Đoạn Tuyệt, Nguyên Sa chỉ là nhà thơ tình yêu, Thanh Tâm Tuyền nhà thơ tự do, Võ Phiến (sanh năm 1925) là nhà văn "chẻ sợi tóc làm tư", v.v. Tuy nhiên, một sự nghiệp văn chương trong thực tế không thể chỉ là một hào quang cũng không thể đóng nhãn, đóng hộp. Văn chương và con người của một tác giả nếu sự nghiệp lâu dài về thời gian, đều có những thay đổi, những thăng trầm, biến động, nếu không như lửa với nước thì cũng như những tiếng sóng. Thanh Nam và Lê Tất Điều chẳng hạn sau khi ra khỏi nước đã có những tác phẩm khác biệt hẳn những gì họ đã xuất bản trước 1975. Tìm cho ra cái động trong một sự nghiệp đòi hỏi nhiều công phu, tuy nhiên việc điều nghiên từng tác phẩm đặt trong khung cảnh thời gian, cũng có thể giúp hiểu biết hơn về tác giả đó. Trong chương này, chúng tôi xin thu hẹp vào một giai đoạn viết của Võ Phiến, với những tác phẩm của ông xuất bản trong suốt thập niên 1960.  

 

Miền nam vĩ tuyến thứ 17 sau 1954 vốn quen với hai luồng văn học từ hai thủ đô văn nghệ, một mới, Sài Gòn và một cũ, Hà Nội, đã ngạc nhiên đón nhận một nhà văn từ miền Trung là miền đến lúc ấy vẫn nổi tiếng về thơ hơn là văn: nhà văn Võ Phiến gây chú ý ngay từ những tập truyện ngắn đầu tay xuất bản ở Qui Nhơn vào đầu nửa cuối thập niên 1950:  Chữ Tình xuất bản năm 1956 và Người Tù một năm sau đó. Lúc đó ông cộng tác thường xuyên với tạp chí văn chương Mùa Lúa Mới ở Huế và gửi bài đăng trên Bách KhoaSáng Tạo ở Sài Gòn. Hai tập truyện ngắn Chữ TìnhNgười Tù ra đời hợp không khí chính trị những năm đầu của nền đệ nhất cộng hòa, về văn chương không có mới lạ, có thể nói bình thường, hơi quê, văn theo tiêu chuẩn chung, chưa đặc sắc.

 

Không khí văn chương trong các "tác phẩm" xuất bản sau ngày chia đôi đất nước là của thời kháng chiến chống Pháp trước đó, không khí đấu tranh chính trị, tâm tình người dân yêu nước, cuộc sống khó khăn. Võ Phiến từng sống và tham gia cuộc kháng chiến đó, ở liên khu V, nhưng ông cũng đã từng ly khai và bị tù tội vì bất đồng quan điểm. Một nền cộng hòa dân chủ mới được thiết lập ở miền nam. Trong bầu không khí chính trị mới, văn chương Võ Phiến, cũng như của Đỗ Tấn, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ,..., những con người từng theo kháng chiến, đã gặp cả ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"! Văn chương đó đã góp phần xây dựng chính trị miền đất mới trong giai đoạn đắp nền của thời đệ nhất cộng hòa.

 

Tác phẩm của Võ Phiến đã đáp ứng những chờ đợi của con người thời đó. Những đấu tranh chính trị với cộng sản, những nhân vật như đồng chí Thọ, cán bộ Lung, Hạnh, Dung, v.v. Những chuyện xảy ra ở Bình Định và liên khu V, đã cũng như ở các liên khu kháng chiến khác. Đấu tranh con người và chính trị là một! Con người trong Chữ Tình Người Tù là những con người bị thời cuộc lôi kéo và "con tạo" cán nát. Những con người sống trong tù hãm, tâm hồn muốn được bình thường đã phải bị động, xô đẩy theo phe, phải có thái độ. Lê Nọ giết người, Huỳnh Thiện Thủ già nua vụng dại như con trẻ, Linh mơ mộng được in sách, Hoè có vẻ hơn những con người trong nhà tù nhưng lại bị tình yêu vây hãm và vẫn phải bám sự sống còn. Võ Phiến đã cho người đọc thấy sự ưu thời mẫn thế của ông!

 

Các truyện trong hai tập đầu Võ Phiến lấy đề tài và chất liệu trong những biến cố chính trị xã hội tác giả từng sống qua, chứng kiến, kể cả việc đấu tố, lao tù. Từng thủ thế, từng "biết" sống với một kẻ thù cực kỳ nguy hiểm, khi đặt bút viết, Võ Phiến đã cho thấy có một cái nhìn thông suốt, có "bùa chú" đàng hoàng.  Những cảnh đời quá khứ gần, những nhân vật và tình tiết được đào sâu, tỉ mỉ và nhà văn thường lộ nụ cười hóm hỉnh, tỏ lộ một số đặc điểm của địa phương, rất địa phương, một địa phương "mới" cho văn học Việt Nam cho đến đó. Các tác phẩm sau này của Võ Phiến sẽ xác nhận thêm địa phương tính này của ông với đủ chi tiết và cách nhìn. Đặc điểm này ông liên tục bận tâm, qua mỗi lời nói, nhân vật và khung cảnh câu chuyện, và qua nhiều tác phẩm nếu không muốn nói là hầu hết.

 

Vì an sinh của miền Nam cộng hòa, nơi tập hợp mới là những viên gạch không thể thiếu trong hoàn cảnh. Nhiều biến cố dồn dập đến từ miền Bắc như Cải cách ruộng đất, như vụ án Nhân văn giai phẩm (3-1956, nhưng 1-1960 mới xử) xuất từ chiến dịch Trăm hoa đua nở ở Trung quốc, và cả từ thế giới như biến cố tân bí thư đảng Liên xô Khruschev tố khổ Staline, rồi dân chúng Budapest (Hung Gia Lợi) theo làn gió "xét lại" nổi dậy tháng 10-1956 bị chiến xa Liên xô đè bẹp một tháng sau đó: bức màn sắt buông xuống một phần nhân loại. Quách Thoại giương cao ngọn cờ dân chủ :

 

"Đến lúc phải tỉnh thức

(...) Hỡi các lực lượng dân chủ

Chúng ta phải gây lại sức mạnh hùng cường

Vì độc tài thì vô lượng

Âm mưu, lý thuyết, tổ chức, thủ đoạn

Hành động thì dã man vô lường

Ôi chao! đau thương không thể tưởng

Hỡi các lực lượng dân chủ

Hãy thận trọng đoàn kết và dũng mãnh bước lên đường"

(Hỡi Các Lực Lượng Dân Chủ)              

 

Doãn Quốc Sỹ thì dứt khoát vai trò của người trí thức, đề cao dân tộc tính và tình người khi còn có thể. Tháng 10-1956, tạp chí Sáng Tạo ra mắt. Trong bài “Sài Gòn, Thủ Đô Văn Hóa” mở đầu, Mai Thảo đã mạnh mẽ lên tiếng: "Sài Gòn, thủ đô văn hóa Việt Nam. Không phải là một danh từ, một câu nói suông nhạt. (...) Sài Gòn đã đứng vào vị trí, đã nhận nhiệm vụ mình, sau khi Hà Nội đã từ bỏ nhiệm vụ của Hà Nội. Lửa văn hóa vượt tuyến đã sáng lên ở đây hôm nay. Sự tê liệt, sự hủy diệt, sự đổ ngã một nơi nào đẩy những sức sống trẻ mạnh về Sài Gòn, hợp làm một với những sức sống trẻ, mạnh sẵn có. Thành phố hòn ngọc của châu Á, tinh hoa của đất nước - đã chứa đựng cái sắc thái của một mảnh đất màu, trên đó đua nở những cỏ hoa tươi tốt của một mùa văn hóa, mà những thành tích, kết quả cụ thể đang được thu lượm dần dần, đang được sắp thành biểu đồ hệ thống" (Sáng Tạo, 1, 10-1956, tr. 1 &2). Khẳng định của Mai Thảo là một diễn dịch khác của một cơ cấu xã hội và chính trị bị-động, phải đối phó tức thời với kẻ thù. Đảng Cần Lao được tổ chức như cơ cấu của kẻ thù, đòi hỏi hy sinh và một lòng, một mục đích. Với những phương tiện tương đương. Sáng Tạo không đi ra ngoài quỹ đạo đó! (Về lý thuyết và hoàn cảnh chính trị lúc bấy giờ, tổ chức đảng phái như đảng Cần Lao là đúng ).

 

Như Mai Thảo đã viết, "những cỏ hoa tươi tốt của một mùa văn hóa (...) thành tích, kết quả đang được thu lượm dần dần, đang được sắp thành biểu đồ hệ thống", trong đó có Võ Phiến với Chữ Tình, Người Tù rồi Mưa Đêm Cuối Năm. Tập Mưa Đêm Cuối Năm do nhà Tự Do xuất bản ở Sài Gòn năm 1958, được giải thưởng Văn chương toàn quốc 1959-1960 đã xác định vị trí của ông đối với người đọc lúc bấy giờ.

 

Miền Nam đến cuối thập niên 50 đã có được những cơ cấu chính trị và xã hội nền tảng của một chế độ dân sự hiện đại. Nhưng từ năm 1960, đã bắt đầu có những tiếng nói khác nhịp với chính quyền. Nhóm Caravelle (4-1960), rồi đảo chính ngày 11-11-1960, rồi hai phi công thả bom dinh Độc lập  2-1962, những nỗ lực chính trị của một số người của chế độ muốn cứu nền đệ nhất cộng hòa không kết quả, bàn cờ domino khiến "đồng minh" Hoa Kỳ thiếu kiên nhẫn muốn đi nước cờ theo ý mình, bèn cấu kết đưa đến đảo chính 1-11-1963, rồi chỉnh lý, biểu dương chính trị, tôn giáo, v.v. Miền Nam bốc lửa, nếp thanh bình tương đối của thời ngưng chiến sau 1954 dần mất. Nhà văn cũng như bao người dân khác, bị thời cuộc xáo trộn, phải đối phó. Sinh hoạt văn hóa cũng bị biến cố thời thế ảnh hưởng, và ảnh hưởng nặng nề. Những Sáng Tạo, Hiện Đại, Thể Kỷ Hai Mươi, ... đề xướng văn nghệ "hôm nay" thì sau 1960, những tạp chí Văn Nghệ, Văn Học, Nghệ Thuật, Văn, v.v. đã "hiện đại" mạnh mẽ hơn! Rồi sự góp mặt của một thế hệ nhà văn trẻ hơn như Lê Tất Điều (Khởi Hành, 1961), Nguyễn Đình Toàn (Chị Em Hải, 1961), Dương Nghiễm Mậu (Cũng Đành, Gia Tài Người Mẹ, xuất bản cùng năm 1963). Người hiểu biết sẽ thấy khi chế độ đệ nhất cộng hòa bị lật đổ, chống Cộng sẽ hết còn dễ dàng. Và một tuổi trẻ năng động trong hành trình trí thức và tâm cảm, nhiều khắc khoải, ưu tư, nhưng họ lại có thể không cùng kinh nghiệm kháng chiến hay chống Cộng.

 

Vẫn tiếp tục chống độc tài, áp bức nhưng khởi từ cuộc sống mới của thập niên 60, Võ Phiến sẽ đi sâu vào những phân tích tâm lý và con người phổ quát qua con người của quê hương Bình Định của ông. Năm 1959, ông vào ở hẳn Sài Gòn, xuất bản Đêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà, v.v.

 

Đến Đêm Xuân Trăng Sáng, xuất bản năm 1961, tập truyện ngắn đồ sộ về số trang (370 trang, sau tách thành hai cuốn ĐXTS và Về Một Xóm Quê khi tái bản), Võ Phiến được người đọc nhìn như một tác giả điêu luyện, có tính chất "thời đại" với những phân tích tâm hồn và quan sát con người rất tinh tế. Nhân vật của ông thêm sức mạnh và "bản lĩnh"! Đêm Xuân Trăng Sáng gồm 8 truyện ngắn Lẽ Sống, Tâm Hồn, Anh Em, Đêm Xuân Trăng Sáng, Thị Thành, Thác Đổ Sau Nhà, Về Một Xóm Quê, Tuổi Thơ Đã Mất đến với người đọc như một đảm bảo văn tài của tác giả Võ Phiến. Nhìn chung, qua các truyện ngắn này, Võ Phiến chứng tỏ tài quan sát và phân tích tâm lý con người, tận cùng sâu thẳm của con người, tài xây dựng nhân vật vừa điển hình vừa đặc thù. Các nhân vật  sống động với bề mặt diện mạo cử chỉ và bề sâu tâm tình xúc tích. Họ là những người dân quê, là những ông phó lý, chủ tịch Liên Việt, những quân nhân hay ông tướng Hùng Sơn hoang đường.

 

 

Võ Phiến, một cây viết mới và "khác", ông chẻ sợi tóc làm tư, viết những chuyện như "cái chạy loanh quanh của một con kiến vàng trên cái tay đầy những sợi lông măng của nàng", hay truyện một anh cán bộ bị "phục viện" vì sốt rét ngã nước. Nằm một chỗ tình cờ anh nhìn thấy một hạt thóc vương vãi đã nẩy mầm và cái lá non nhỏ đã nhú đang bay phe phẩy. Trong truyện Băn Khoăn, con người kháng chiến cũ ngồi ôn lại "quãng đời đầy buồn thảm, gớm ghiếc" vừa qua đó của mình. Nơi kháng chiến, những cán bộ ở rừng như Lung (MĐCN) đạo đức khả nghi, đời sống sinh lý quá phóng túng, bất thường. Thác Đổ Sau Nhà là một kết cuộc tự nhiên của Hạnh bỏ chồng vì anh đã bị vong thân chỉ nghĩ đến lợi dụng! Đêm Xuân Trăng Sáng là một tập truyện ngắn đúng nghĩa, xúc tích về bề dày, về nghệ thuật viết của tác giả. Cái tinh tế từ ba tập truyện đã xuất bản nay thành cay chua tàn nhẫn hơn. Chủ nghĩa hoài nghi trở nên thường trực hơn qua các dòng chữ. Như S.A. Kierkegard từng sống vớị ám ảnh trọn đời theo đuổi, Võ Phiến không muốn tin để khỏi mất mát, cứ hoài nghi để tiến xa trí thức, nhất là chống những sự thật chủ quan đóng khuôn. Con người hiện hữu là cái cớ để tương phản, đau khổ và lo âu tự do hoành hành. Cứ bi quan thì sẽ khỏi bị cuộc đời chơi phổng tay trên. Võ Phiến, con người từng nếm mùi tù cộng sản, từng nếm những tranh luận hơn thua liên hệ đến sự sống còn mà không là những tranh luận trí thức suông! Võ Phiến đã nhìn thấy rõ tâm hồn của con người, ít ra là qua những nhân vật quen thuộc của ông, ông đã thấy cả những bế tắc và phức tạp của cuộc đời. Nhân vật Thảo chẳng hạn ngoại tình thường trực dù luôn tự kết án là "Bậy! Bậy vô số!".

 

Tâm sự tha hương bắt đầu rõ nét. "Tôi muốn kể chuyện dâu bể của xóm tôi. Nhưng quả rằng xóm quê tôi tầm thường chẳng phải là nơi linh địa. Cho đến những điền dâu bể cũng tầm thường nhạt nhẽo, chẳng thành chuyện ra hồn. Chỉ nghe một cái gì buồn rả rích từng giọt từng giọt của trận mưa dai dẳng kéo dài, kéo dài qua ... qua cái gì? Qua suốt mười mấy năm dài chưa dứt sao? (VMXQ. Một số truyện ngắn trong tập này như Anh Em, Tuổi Thơ Đã Mất đưa người đọc vào một thế giới hoang đường rùng rợn. Trong Tuổi Thơ Đã Mất, nhân vật Bành mới bốn mươi hai tuổi đời đã khoác hình dong già nua mà lại đầy mặc cảm ám ảnh về sự héo hắt của mình. Con ma quấy rầy đeo đuổi có thể là chính ông ta, ma sẽ cho ông lại xúc giác và sống lại dĩ vãng với người yêu và tuổi thơ. Truyện Anh Em gây khiếp hãi về một thế giới hoang đường mơ hồ, qua một ngôi nhà ma và thời buổi chiến tranh, trong khung cảnh tình cảm anh em họ. Ma quỷ đến quấy nhiễu gia đình người chú đang gặp vận đen, khiến quên cả lo cho con cái. Con ma phải chăng vẫn tiếp tục khấy phá tâm sự nhân vật "tôi" như "một bàn tay thóc mách từ dĩ vãng đưa về", dai dẳng, qua cái cảm giác "rêm rêm" "như còn rung đến da thịt" và trong trí tưởng, "hình ảnh một cổ tay trắng tròn" của em Hạnh?

 

Giã Từ (1962) là truyện dài đầu tay của Võ Phiến. Nhân vật "tôi" muốn dứt khoát với quá khứ, đã chôn sâu quá khứ trong lòng đất quê hương, thị xã Qui-Nhơn, để bỏ đi đến một nơi thật xa làm lại cuộc đời.  Một bữa tiệc chia tay, có nhiều người bạn và có ông Ba Thê Đồng Thời. Câu chuyện xoay quanh ông Ba Thê Đồng Thời, gia đình với vợ ông ta, hai thằng con tên Toàn và Phong và đứa con gái tên Loan. Ba Thê Đồng Thời choán hết chỗ. Ông này cũng như ông bác Đại Cuộc cùng giỏi nói dai nói nhiều, từng hoạt động cho phía bên kia. "Tôi" ẩn khuất nhưng đẩy đưa câu chuyện. Giã từ quê hương, "tôi" đi lính vì Loan, người yêu, đi làm cứu thương, ra chốn trận mạc, lại gặp Toàn con ông Ba Thê Đồng Thời về sau chết trận. Rồi các con ông Ba Thê Đồng Thời mỗi người một ngả, Loan bồng con theo chồng tập kết, vợ Toàn chắp nối với một hàng binh Lê-dương, Phong làm kẻ cướp giật. "Tôi" hóa ra trơ trọi, trở về sống với những người già cũ quen xưa: ông bác già và (lại) vợ chồng Ba Thê Đồng Thời, suốt ngày cứ rỉ rả chuyện quê nhà và cuộc đời. Ông bác Đại Cuộc về già hay lẫn, vui như trẻ nít, quên cả quá khứ. Chị Toàn biệt tăm bên Áo quê chồng - "thêm một người nữa trong bọn dứt khoát giã từ quá khứ"."Tôi nhìn từng vết thương trên cây cối, từng dấu tích tàn phá sửa đổi trong vườn cố đoán ra những hoạt động xảy ra trong những năm tôi vắng mặt, lòng bùi ngùi". "Tôi" chán họ, những kẻ cũ già hoặc "bỏ đi", muốn sống một giai đoạn mới, thoát khỏi "thời buổi bây giờ"! "Quá khứ của chúng tôi gầy đi nhiều quá" Thôi đành phải giã từ! "Tôi tưởng như mình cũng đang cúi hôn trên cái dĩ vãng gồm toàn những chuyện đau lòng ngớ ngẩn. Vừa hôn vừa ngạc nhiên không hiểu tại sao mình làm như thế". Năm 1959, Võ Phiến cũng đã giã từ Qui Nhơn vào sống ở thủ đô.

 

Thương Hoài Ngàn Năm (1962) gồm 3 truyện ngắn với khung cảnh làng quê An Quí : Thương Hoài Ngàn Năm, Viết Thư Buổi Trưa, Đến Khi Ma Chết. Chuyện những con người bình thường, tầm thường là khác, nhưng họ sống những thảm kịch lớn và những đời sống nội tâm sôi nổi. Thương Hoài Ngàn Năm kể chuyện yêu đương không bình thường của Bạch, có lẽ vì nàng là đứa con thật của ông bà Nghĩa trong khi ba cô chị của nàng là con do lang chạ của bà mẹ với ông lý trưởng. Viết Thư Buổi Trưa là chuyện tình sôi nỗi qua thư từ hơn là qua gặp gỡ. Đến Khi Ma Chết thì chính con ma chuông cũng muốn yên mà không được, sau khi đã quyết theo vợ chồng Hải Thọ lên chốn thị thành để quấy phá trả thù.

 

Ở những năm đầu thập niên 60 này, Võ Phiến đã thành công bắt người đọc theo ông vào những ngõ ngoắt của nội tâm con người, những chỗ u ẩn nhất. Bằng những chi tiết cuộc đời, những mảng tâm linh huyền hoặc. Bằng khả năng biểu tỏ những cảm thức của mình trước sự vật và biến cố. Bằng tính bi quan như cố hữu của mình. Bằng cách đả động đa phần đến những khía cạnh hoặc sự việc tiêu cực, tầm thường.

 

Thư Nhà (1963) gồm những chuyện mà "hình ảnh những nhân vật rầu rĩ lố lăng, không hứa hẹn một vinh dự gì cho chỗ quê hương (LTN), nhưng thêm một lần tác giả trải bầy tình yêu quê hương làng An Quí của ông cũng như thị xã Qui Nhơn hình thù như "hình quả tim rất xinh" - nơi ông trãi qua tuổi học sinh. Truyện thứ nhất, Ngày Xuân Êm Đềm, tả đời sống ở thị xã Qui nhơn, chuyện những người láng giềng thân thiết. Những tình cảm quê mùa nhưng tha thiết, hội nhập. Một cuộc sống địa phương, ngày nay khó tìm thấy. "Nghe kỹ mà xem. Vui biết chừng nào, tiếng nước rụng từng giọt rả rích". Đến Thư Nhà là chuyện Qui Nhơn và Sài Gòn : dĩ vãng, cũ, xưa. Ở trong ni lạc lõng nhớ ngoài tê xa lắc, qua những lá thư trao đổi, lòng yêu quê hương làng mạc thắm thiết, đã đi mà không xa vì xa mà chưa chắc đã "lẫm liệt"!

 

Lại Thư Nhà đặc sắc hơn cả, "mắm cua chua" được dùng làm đầu câu chuyện để tác giả viết về quê hương Bình Định, xoay quanh anh nông dân Bốn Thôi người xấu trai nhưng có đến sáu đời vợ trong đó bốn bà bỏ nhà trốn đi vì ông bất lực về sinh lý. Chị Lộc người vợ thứ hai có tài làm mắm cua chua, chị chịu đựng cảnh có chồng như không, nhưng chị chết sớm vì mụn nhọt độc trên mặt. Người vợ cuối thì chịu ở chung nhưng ngoại tình và có con với người khác. Tác giả tả chị Lộc "Trên thân người nở nang ấy, mọi hình nét đều có vẻ rộng rãi, dịu dàng. Ngững tầm mắt lên một thân người như thế người ta cảm thấy một cảm tưởng yên ổn trong tâm trí. Mặc dù khoảng ngực của chị có thể mở rộng và đầy, người nhìn thấy không hề bị khích động mà chỉ cảm thấy một thích thú thoải mái như là nghỉ ngơi. Trong âm thanh của tiếng nói, trong cái ngước mặt chậm chạp mà chắc chắn không ngập ngừng có một vẻ gì vừa hiền dịu vừa nhẫn nại, vừa vững chải vừa ổn định..."

 

Một người nữ dịu dàng hiền lành hiếm hoi, có thể đem lại hạnh phúc cho bất cứ người đàn ông nào, thương chồng dù bất lực, khiến anh Bốn Thôi "lần hồi tin cậy ở cuộc sống". Tình vợ chồng - dù sao đi nữa- càng rõ nét hơn khi chị Lộc chết , anh Bốn Thôi đã đêm hôm khuya khoắc vác cuốc đi thăm nước ngoài đồng, nhìn con đom đóm bay lập lòe rồi "gõ ngón tay vào cán cuốc kêu loong coong" mà hát ngêu ngao nho nhỏ một mình hiu quạnh - anh là người vẫn hay lẫn trốn cô đơn với thói vặt lông mũi như một cách "lặng lẽ tự xóa mình", cũng là lúc anh có thể mơ mộng triền miên.

 

Rồi chiến tranh, anh Bốn Thôi tầm thường trở thành biểu tượng. "Trong đời anh đã trầy lên trật xuống, nhục nhã nhiều phen vì vợ con, rốt cuộc là để gầy ra cái tập thể nhỏ bé trong đó anh cảm thấy yên tâm không cần biết đến cuộc sống mênh mông. Thế rồi mãi anh ta vẫn không được yên. Ngót hai mươi năm trời rồi, gần như hồi nào anh cũng cầm vũ khí trong tay; anh né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ... và anh cũng lại đánh trả nữa. Và nét mặt anh thì lúc nào tuồng như cũng rầu rầu, nguội lạnh như một người ngoại cuộc..." Trời, làm sao anh Bốn Thôi ở ngoài cuộc chiến được, một cuộc chiến tranh ác ôn, mà ác ôn nhất vẫn là ở chốn nhà quê! "Vậy mà hoạt động của anh đã làm ra tình hình của xứ sở (...) Ở khắp các nơi trên thế giới, người ta theo dõi anh, bàn tán về anh...". Đáng chớ, vì Bốn Thôi chiến đấu và bị thương. Võ Phiến mỉa mai cay độc thời đại của ông, cuộc sống của ông: "Mà như vậy mới phải chứ, việc anh làm là nằm trong khuôn khổ cuộc tranh chấp giữa những lý thuyết lớn lao và cao đẹp mà (...) Thời kỳ này quan trọng. Công việc của những người như Bốn Thôi có ảnh hưởng tới mai sau. Nói một cách văn hoa, anh ta đang làm lịch sử đấy chứ; lâu nay anh ta vẫn rầu rầu làm ra lịch sử với một vẻ hững hờ, nhẫn nại". Võ Phiến tiếc rẻ một người Nho học như ông tú Từ Lâm uống cà phê theo cách uống trà: "Trông hai bên Đông Tây gặp nhau tình cờ ở nơi cái già nua lẩm cẩm, ở những ngày tàn rất tiêu điều của ông tú Từ Lâm, người ta nghĩ thà rằng nó đừng gặp gỡ nhau lại hơn". Một Khổng Ất Kỷ (Lỗ Tấn) Việt Nam tàn lụi với thời thế, ở đường cùng, hành cử tồi tệ đến đáng thương hại! Võ Phiến  còn đi xa hơn nữa, nghi ngờ cả cuộc đời, đạo lý, thấy Bốn Thôi phải nuôi lũ con ngoại tình của bà vợ thứ sáu, ông phán "Không hẳn là vui vẻ sung sướng", và khi thấy vợ Bốn Thôi đi ăn hàng nhưng chối là đi xin nước bún về cho con: "Kỳ thực ai cũng biết chị đã mất rất nhiều tiền lúc vào lò bún, mà không phải để uống nước cho khỏe. Bởi nước bún chẳng ai bán bao giờ".  

 

Đấy là thế giới của "bà tôi", của kỷ niệm, của thế giới lờ mờ của dĩ vãng, của thế giới "mọi lần". Tập Thư Nhà chấm dứt trong bi quan, chậm chán, có cười thì cũng đắng cay: "Chiều vẫn còn mưa nữa trời. Những con én chiều bay lẻ đã lặn mất vào bóng tối". Đêm, bóng tối, cũng như mưa, những cơn mưa dài ngắn, được Võ Phiến liên tục dùng đến khi viết cũng như những ám ảnh và tâm sự của kẻ tha hương bàng bạc trong nhiều tác phẩm của ông. Thôn làng An Quí và thị xã Qui nhơn, những nơi tác giả đã sống, trải dài trong nhiều tác phẩm của ông, truyện, tiểu thuyết cũng như tạp bút.

 

Cho đến khi Võ Phiến xuất bản Thư Nhà, miền Nam thanh bình, Võ Phiến bằng lòng với chế độ chính trị và xã hội, do đó ông hăng say về văn hóa, làm văn chương, đưa vào tác phẩm mình "một" sứ mạng văn chương nào đó; tuy nhiên không ồn ào như các nhà văn nghệ thuộc nhóm Sáng Tạo Quan Điểm! Từ đầu thập niên 60, Võ Phiến đã chứng tỏ văn chương trưởng thành, tinh tế và điêu luyện. Và cũng từ thời gian này, ông nghiên cứu các trào lưu văn nghệ hiện đại mới ở các nước Âu Mỹ, cả Nga Sô; ông viết Tiểu Thuyết Hiện Đại (1963) và dịch nhiều tác phẩm hiện đại trong số có truyện của S. Sweig, ..   với bút hiệu Tràng Thiên cũng như mở nhà xuất bản Thời Mới. Và người đọc chứng kiến một Võ Phiến mới, rõ nét hơn. Nếu tìm ảnh hưởng của việc nghiên cứu này vào nghệ thuật viết của ông thì chỉ thấy ông phân tích tâm lý kỹ hơn, quá kỹ là khác và bi quan dai dẵng hơn. Cò thể nói khó tìm thấy những tâm tình, cảnh vật và nhân vật hiện sinh trong tác phẩm của ông, khác với nhiều nhà văn đồng thời. Lối tả tỉ mỉ "lẩm cẩm" những vật tầm thường có thể hiểu như lối tả của Jean-Paul Sartre trong Buồn Nôn (La Nausée), thật ra gần với tâm tính con người Bình Định của ông hơn! Ông có bi quan, lạnh lùng nhưng thực chất tha thiết, có hậu, không như nhiều nhà văn theo khuynh hướng "tiểu thuyết mới" hay hiện sinh. Những năm cuối thập niên 60, Võ Phiến có hai ám ảnh: một văn chương và một thời đại. Về văn chương, ông ngưng viết truyện ngắn, xoay qua viết tùy bút hoặc nặng tùy bút như Ảo Ảnh, Phù Thế, Thư Nhà. Về thế sự, ông viết những nhận định về xã hội, văn hóa mà ông gọi là "tạp bút" (Tạp Bút 1,2,3).

 

Một Mình (1965) là tiểu thuyết được viết vào năm 1963 nhưng xuất bản 2 năm sau, được coi như đánh dấu quặt văn nghiệp Võ Phiến. Khung cảnh địa lý Sài Gòn thay vì làng An Quí và thị xã Qui Nhơn quen thuộc, và không khí tiểu thuyết nặng nề khó thở như cuộc sống của Hữu, nhân vật chính. Con người trở thành đối tượng của ngòi bút Võ Phiến. Một con người cuộc đời tầm thường công chức nhưng sống xa lạ một phần như anh chàng Grégoire Samsa trong Métamorphose của F. Kafka, phần khác như anh chàng A. Roquentin trong La Nausée của Jean-Paul Sartre và Meursault trong L'étranger của Albert Camus. Những cử động tầm thường của mỗi ngày trong công sở, những đợt xếp mới xếp cũ. Mỗi cử chỉ, mỗi đồ vật được Hữu gán cho đủ mọi lý luận và quan sát, nhất là từ những người đàn bà của đời chàng như Yến, Thúy Mẫn, Cúc, những người yêu công khai và lén lút, như Quỳnh, người vợ, như Châu, "cô bé", con ông ký Ngà, người bạn già, mà chàng yêu, cứ tưởng hết yêu rồi có lúc thấy như hãy còn yêu, như Nga, gái đĩ. Con người cuối cùng ra là bất khả cảm thông, kẻ này là "địa ngục" cho kẻ kia. Với Nga, Hữu "loay hoay vô ích" tìm cách "xông vào cuộc sống của kẻ khác. Dù nỗ lực thế nào chàng vẫn loanh quanh bên ngoài, trong sự lạnh nhạt. May lắm, là trong một thái độ lạnh nhạt ôn tồn, phải chăng, như của Nga đối với chàng (...) Nàng vẫn dễ dãi, buông thả, tử tế - mà dửng dưng, hờ hững, lãnh đạm, bất khả xâm phạm, bất khả kích động. Nàng vẫn cứ nguyên vẹn (...) nguyên vẹn mãi như nàng là khoảng không". Nhưng hình như trong trí tưởng, khi tâm hồn Hữu hạnh phúc, hân hoan thì chàng cũng đã cảm nghiệm rõ sự cảm thông "giữa chàng và người và cảnh xung quanh có một cảm thông tin cậy, có một hòa đồng khắng khít". Những giây phút ấy không nhiều, nhất khi chàng đã ra đời và bắt đầu bệnh hoạn, yếu đuối. "... bây giờ thì chàng tha hồ quấy động... vẫn không có tiếng vang dội nào. Lạnh lùng, im ỉm. Giữa chàng và bên ngoài, và người chung quanh, chỉ còn có những liên hệ vụ lợi, thực tế, cần thiết". Nhiều đồ vật ngày nhỏ, hột mụn nặn được ở vành tai, vết thẹo nơi xương bả vai cô đĩ, v.v. với Hữu, đều là "những kỷ niệm thân thiết lạ lùng"! Chàng, một con người quen "lặng lẽ chuẩn bị chu đáo", quen "thiết tha đeo dính vào cuộc sống, không chịu lỏng tay buông rời"! Một mình và cái tôi đáng sợ như câu nói của Jean Cau mà tác giả trích ở đầu tiểu thuyết : "Je suis seul et j'ai peur de moi. De moi! De moi!".

 

Đến giai đoạn cuối của thập niên 60, thời của trực diện, có các tạp chí Đất Nước (11-1967), Tin Văn (6-1966), Đối Diện (7-1969), Trình Bày, Vấn Đề, Tiếng Nói, v.v. Nguy cơ đang đến với miền Nam khi chiến tranh đang lún sâu vào bế tắc và thất bại với một đồng minh ngày càng lộ thâm ý dùng miền Nam như một con cờ tráo bán. Võ Phiến chuyển sang viết nhiều tạp bút và tùy bút nghiêng hẳn về chính trị và cộng tác với đài Mẹ Việt Nam. Xã hội đang thay đổi nhiều, văn hóa đang mất giá trị, Võ Phiến phải lên tiếng. Nhà văn và giới trí thức hoang mang, bối rối trong một cuộc sống buồn vì chiến tranh triền miên không lối thoát, không khí buồn thảm của những cái chết, người dân ở thôn quê phải bỏ làng mạc chạy lên đô thị hoặc vào các trại tị nạn. Rồi đồng đô la của đồng minh tràn ngập xã hội miền Nam khiến đời sống và văn hóa phải đảo lộn, xáo trộn. Không lối thoát, mất tự tin. Thảm kịch của con người trí thức đứng trước con đường một chiều, không U-turn, cũng không thể chạy trốn thực tại, sai trái với "thiên chức" của mình.

 

Đàn Ông (1966): Thế giới đàn ông qua những người đàn bà Lê, Thục. Thường trực bị "sự đè nặng của cá tính đàn ông lên cuộc đời mình", chị Lê bỏ Qui Nhơn theo chồng tên Khảo, vào sống ở Sài Gòn, rồi có thai với nhân tình, rồi cặp với nhân ngãi khác. Chị luôn bị đàn ông ám ảnh; những cử chỉ thân mật hay một chi tiết nhỏ nhặt trên thân thể một người đàn ông cũng làm cho chị lo trước một chân trời mới và định mệnh của mình. Biết phải mất cuộc sống tự chủ nhưng lại thích bị khuất phục, thu hút. Cuối cùng vì quá tin cậy và thụ động trước số mệnh, vả lại thường bị dĩ vãng ám ảnh, chị rơi vào tay "vụng về" của ông tú Từ Lâm người làng chị cũng tìm vào đô thành. Chị bị ông làm "chuyện không đẹp, đáng giận" như bao đàn ông khác cuối cùng đều đi đến đó, nhưng ông tú già và dở, "không có gì cả, không có được chút gì... Sự cố gắng thất bại, cố gắng để tạo một mối liên quan gần gũi thực sự với kẻ khác". Thục, bạn giang hồ của chị Lê thì khác, vì đàn ông, Thục tự tử nhiều lần, tự tử như xúc máy vì sau mỗi lần, nàng như sống lại. "Đàn ông có thất bại chăng chỉ là sự nghiệp đổ vỡ, danh dự lem luốc: bề ngoài cả. Còn họ (đàn bà), mỗi lần họ thất bại là mỗi lần con người họ bị tổn thương, tâm hồn họ ê chề đau đớn; thân xác họ bị xúc phạm tới chỗ kín đáo nhất, thâm thiết nhất, trọn vẹn hồn và xác họ bị mất mát". Thân phận đấy chăng? 

 

Ảo Ảnh (1967) gồm 7 bản văn được tác giả gọi là "đoản văn". Xem Sách lướt qua cuộc đời của một thi sĩ già với những chi tiết tầm thường của cuộc đời như mất người yêu, bút chiến nhưng tác giả đã ngừng lại lâu ở nơi "an tâm" của nhà thơ bên tủ sách. Khắc khoải trong một không gian lạnh lẽo nhưng có những cái mờ nhạt nhất của sự sống, gây phấn khởi nơi con người . "Giã từ cái dạ non của mẹ để ra ngoài đời, con người vẫn luôn luôn mơ hồ nhớ về cái quê hương nguyên thủy của mình, nơi mình đã trải qua một thời cô đơn trong ấp ủ ấm áp. Một nghệ sĩ già, thỉnh thoảng ngắm nghía mấy nhúm tóc bạc óng ánh như cước của mình, cần được ngắm nghía trong khung cảnh an toàn như thế chứ. Một nghệ sĩ già không vợ, không con, không còn cha mẹ, không còn liên hệ nào với làng quê của mình nữa. Một nghệ sĩ già sau ba mươi năm vất vả với nghững cảm nghĩ của chính mình, những đòi hỏi của kỹ thuật thể hiện, những khen chê của đời... Gian phòng, hãy tối lại một chút cho gần với cái ấm cúng trong lòng mẹ thủa nào...".

 

Người Chồng Bất Thường vì hình như thừa hưởng tính của tổ tiên hay nghen tương quá độ, ghen có thể vũ phu khiến gia đình tan vỡ. Thảm kịch qua người vợ, bỏ chồng xong lại thấy cuộc đời mình mất ổn định. "Những cái tát ấy làm cho tôi thấy trên đời có một ý chí xác quyết không phân vân. Ngày nào còn sống bên chàng, bên cạnh sự hung tợn dữ dội lôi cuốn của chàng tôi có cảm tưởng thế giới quanh tôi có vẻ vững vàng ổn cố. Bao giờ chàng cũng đi quá mức một chút, thật đáng tiếc. Phải chi chàng đừng chém, đừng có ý định giết tôi, tôi sẽ vui lòng ở mãi với chàng". Vì "Sự đe dọa của một ý chí, không đáng lo hãi bằng sự đe dọa của trống rỗng, của cái khoảng không, không chiều hướng, không ý chí trước mặt mình". Võ Phiến đã hiểu tâm lý những bà vợ bị chồng đánh nhưng vẫn vui sống bên cạnh! Truyện Cái Còn Lại là một đào sâu quá khứ và vô thức, để tìm thấy và nhận chân những cái vụn vặt rườm rà tạo thành sự sống và nó thường nằm lẫn lộn đâu đó tưởng đã khuất trong khi có thể là ngọn đèn vàng cạch tầm thường, khuất lấp trong cái thường nhật vô danh như thế, vẫn sáng đâu đó nơi chàng suốt ba mươi năm". Nhưng tác giả đang triết lý "vụn" bỗng vội vàng nói đến những chuyện quan trọng của đời người : "Bây giờ là ba mươi năm sau ... bây giờ mẹ chàng đã qua đời trên mười lăm năm, tóc trên đầu chàng, mười phần bạc đến bảy tám... sau khi chàng có người vợ thứ hai, người này gian díu với một thằng bạn khiến chàng nhúng tay vào một vụ sát nhân". Năm Ba Lá Thư là những lá thư tình được hờ hững đọc lại, như cuộc đời buồn bã, không ý nghĩa. Truyện Ế Ị  đưa người đọc đến với thế giới âm thanh lạc lõng một buổi trưa trong xóm nơi đô thị vốn ồn ào. Đó là tiếng rao mơ hồ, "giọng của một người xẩm, trong trẻo... Nó cất lên giữa khu phố như tiếng con chiền chiện ngoài đồng nọ. Cả hai đều làm cho trời thêm xanh, nắng thêm sáng, mây bạc phiêu phiêu thêm cao". Tiếng rao khiến anh công chức tên Đỗ cảm động và đồng thời nhớ đến sự thoải mái tươi mát của làng quê xưa, quá khứ đang "tiếp tục sống trong lòng hiện tại". Nhưng theo tác giả, "chờ đợi tiếng rao ngân nga nọ, như là đang vuốt ve một ảo tưởng thanh bình". Truyện Hội An khoác vẻ vừa nghiên cứu vừa triết lý, cũng là một khởi điểm để con người lắng nghe tiếng thở dài của thời gian và những xao xuyến của thời đại.  Đoản văn cuối, Giọt Cà Phê, gây nơi người đọc nhiều cảm xúc tột cùng. Chỗ ngồi nhìn phin cà phê nhỏ giọt là "chỗ u cốc ẩn cư tư tưởng của người đô thị". Và những giọt cà phê "rụng chậm" như là cái cớ để "chàng" nhớ dĩ vãng và cả những điều "nhảm nhí". Marcel Proust "đi tìm lại thời gian đã mất" khởi từ mẩu bánh quả bàng (madeleine) thời tuổi nhỏ. "Chàng" ở đây, từ những giọt cà phê chảy chậm nhớ lại những kỷ niệm, cả cuộc đời và cậu Bảy nghệ sĩ hay "nói" Vân Tiên, khiến chàng dù không sợ chạm trán với cái chết đã đi đến kết luận không thể "ghét bỏ cuộc đời này (...) Đó là chỗ nhược căn bản của con người (...) Mai sau khi chàng đã nằm kỹ dưới ba tất đất, áo quan lâu ngày - dù là thứ áo quan tốt của cửa tiệm danh tiếng bên kia lề đường - sẽ mục rã, chàng nằm yên tiếc rằng từ ngày chàng rời mặt đất sự chuyển biến trong thân thể chỉ xảy ra có một chiều, ngày mai mềm đến hai môi, ngày kia sập mất cái mũi... Cứ thế. Chán quá đi mất. Suốt mùa khô ráo thời gian dài bất tận, không có bình minh, hoàng hôn, không có đêm ngày, không có gì nhắc nhở đến cuộc sống trên kia. Thế nhưng khi mùa mưa đến thì khác. Nước mưa thấm vào đất, âm thầm len lỏi qua nhiều lớp đất, như qua một cái phin vĩ đại. Cuối cùng đến mặt áo quan, nó dừng một chút, lưỡng lự, ngập ngừng, thăm dò. Nhưng áo quan đã mục: nó được phép. Bèn có những giọt nhỏ xuống: một giọt bên phải, một giọt bên trái, một giọt... Thôi, đúng rồi! đúng vào cái nơi trước kia vốn là trái tim của chàng". Ý thức sáng suốt lẫn với hoang mang đau đớn của thân phận làm người. Như vậy ở cuối tập Ảo Ảnh, Võ Phiến tỏ lộ lòng tha thiết yêu thương con người, vì tình yêu đó mà ông đã không bỏ qua những chi tiết dù nhỏ nhặt của cuộc đời, những kỷ niệm dù kỳ quặc của kiếp người. Giọt cà phê mà lại soi sáng thấy rõ cái kiếp người!      

 

Với Phù Thế (1969), Võ Phiến đi sâu chuyện thế sự và thể văn tùy bút mà xa lần thể truyện ngắn hay tiểu thuyết thông thường. Những đoản văn xen lẫn những suy tư miên man về những vấn đề hôm nay, về cuộc đời bị động, mơ tỉnh trộn lẫn với quá khứ và những hy vọng, chờ đợi cho ngày mai. Trong Một Ngày Để Tùy Nghi là suy nghĩ từ những tiếng động của chiến tranh và mưa rơi không dứt. Lúc Dừng Nghỉ khởi từ cuộc đời quay cuồng cũng phố xá ồ ào và chiến tranh, đưa tư duy đến những quan hệ với người khác, quan hệ như một ám ảnh thường trực. Một Chỗ Thật Tịch Mịch cần đến để lắng nghe cuộc đời đang tàn tạ, cái tàn tạ cũng là để dĩ vãng vùng lên, để những khắc khoải của tâm hồn day dứt. Thao thức trong vắng vẻ, một trực diện với mình "không nồng nàn". Không tha nhân, mà vật thì vô tri, xa vời!

 

Nụ cười dí dỏm, lối nói duyên dáng và con mắt tinh tế chính trị của nhà văn Võ Phiến buổi đầu văn chương, đến đầu thập niên 60 đã biến thành cay chua một cách sáng suốt và hài hước hậu ý giáo dục như Socrate ngày xưa khi bị chế độ xử án đã dám "làm hỏng" thanh thiếu niên. Sáng suốt nhìn thẳng, nói thẳng, đối đầu với vấn đề trước mặt, đi tới cùng tinh túy của sự thật. Từ châm chọc, bông lơn đưa đến bi quan tột độ chuyện thế sự, nhưng mà một bi quan có văn hóa, thâm trầm, không lộ liễu. Năm 1968, sau vụ tấn công tết Mậu Thân, ông viết hai bài tạp bút gây chú ý : Bắt Trẻ Đồng Xanh cảnh cáo hiểm họa kẻ thù vì nhu cầu chiến tranh sẽ bắt cóc trẻ con trong Nam đưa ra Bắc huấn luyện rồi gửi trả về chiến trường miền Nam. Bài Tiếng Cú cảnh giác cách giải quyết chiến tranh của miền Nam sẽ đến từ áp lực và công luận mệt mỏi. Cộng sản với Võ Phiến là một ám ảnh đời, một kinh nghiệm sống chết của riêng ông và vì thế ông biết là thảm họa chung.           

 

Võ Phiến muốn thuyết phục bằng lý luận và chi tiết của sự việc hơn là bằng tuyên truyền và khẩu hiệu của các chính trị gia. Thâm trầm, tinh tế nhưng bi quan và hoài nghi thường trực, đồng thời đôi khi cũng từ bi, khoan dung với kẻ thấp và khinh miệt, uy dũng, lãnh cảm với kẻ cao. Và đến một lúc nào đó không thể đồng lõa với chính quyền - ông là một công chức cao cấp, ông đã lên tiếng : ngày 5-3-1969, cùng một trăm văn nghệ sĩ khác, ông đã ký kiến nghị yêu cầu chính phủ bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản. Hậu quả ông đã bị bãi chức chánh-sự-vụ ở bộ Thông Tin. Võ Phiến, một nhà văn không tai tiếng, cần mẫn với văn chương, một công chức gần trọn đời, một giám khảo các Giải thưởng văn nghệ toàn quốc và hội viên Hội đồng văn hóa giáo dục trước và sau đó. Lên tiếng vì Võ Phiến nghi ngờ cái tuyệt đối, tuyệt mỹ. Cái đẹp đối với ông là những cái bình thường. Võ Phiến tiêu biểu cho con người bất mãn, với những kẻ tàn độc trong kháng chiến, trong cuộc sống; tóm, ông bất mãn với thực tại. Anh Bốn Thôi tầm thường, xấu trai, bất lực sinh lý, chỉ mong có được một cuộc sống bình thường mà không được, anh không theo thời, cuối cùng anh vẫn bị lôi kéo, cho nhập cuộc, nhập phe! Thao thức, ước vọng, hay Võ Phiến góp tiếng nói trách nhiệm của mình! Trong một hoàn cảnh bi đát, đã trễ!

 

Đọc Võ Phiến không dễ, vì đọc ông không phải để cho qua thì giờ. Đọc xong thường người đọc bàng hoàng, nghi ngờ, có thể ý thức mệt mỏi, lo hơn, dằn vặt hơn: những cuộc đời quê mùa, những kẻ bình thường nhưng sao phải khốn cùng, khắc khoải? Nhân vật của Võ Phiến là những con người cục mịch, quê mùa, với những cái tên gợi hình như chị Bốn Chìa Vôi, anh Bốn Thôi, Ba Càng Cua, Ấm Sứt, Hai Mỏ Gẫy, Tư Huệ Héo, gợi cảm như ông tú Từ Lâm, anh Nam Hà, Thập Tam,... Họ, nhiều người nét mặt "rầu rầu, nguội lạnh như một người ngoại cuộc", một rầu rầu bình thản hoặc rầu rầu vì lạc loài, phải sống âm thầm nhưng tâm hồn thì sôi sục đây khắc khoải, khát vọng thường cũng rất bình thường, có khi là một nỗi cô đơn hiu hắt, có khi là những mất quân bình đáng thương hại. Họ sống cho kỳ vọng của mẹ cha hoặc sống vì người khác. Võ Phiến không dựng những nhân vật lạc quan hoặc có cuộc sống hạnh phúc từ đầu đến cuối. Không chiến tranh thì cũng ai đó trong gia đình dòng họ xóm làng làm rối cuộc đời lặng lẽ. Mà cái lặng lẽ này cũng đầy nghi ngờ vì ngầm chứa những oán thù, nợ nần, truân chuyên... chỉ đợi lúc bùng vỡ. Làm người dân thường như những nông dân của Võ Phiến cũng không dễ, mà những nông dân cục mịch đó cũng ngày càng biến dạng trong văn chương Việt Nam và ở ngoài đời họ cũng đô thị hóa tại chỗ với TV, ca nhạc, vật dụng thường nhật và y phục. Nhưng tâm hồn họ ? Trong tình cảnh lưu vong của nhiều người Việt hiện nay, nhất là lưu vong dứt khoát không ỡm ờ, đọc chuyện nông dân của Võ Phiến lại càng thấm thía hơn, một thâm thía trong bất lực, như một dĩ vãng đã quá tầm tay với!

 

Cái bi quan của Võ Phiến, cái không khí buồn tột cùng hay bất lực trong tác phẩm ông, như đã lây đến thế hệ viết văn trẻ hơn ông như Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Ngọc Tuấn, Trần Thị NgH., v.v. Ở hải ngoại sau 1975, Võ Phiến sẽ đẩy cái bi quan khi nhẹ khi mạnh thời trong nước thành một loại bi quan bi đát, ông cười cợt cả số mệnh mà hình như ông cũng ở trong cái đối tượng cười cợt đó. Và bảo thủ như chưa từng! Ở đường cùng, tối tăm, bơ vơ, bức tường đã chắn, như thân phận thật sự "lưu dày". Quá đau khổ chăng, tuyệt vọng chăng ?

 

Phải chi Võ Phiến tiếp tục dùng tài điêu luyện tâm linh và bén nhậy để viết về con người hôm nay ở những năm cuối một thế kỷ, khi mà âm khí nặng nề và tâm linh thể hiện dưới nhiều hình thức và ảnh hưởng nhiều đến người Việt nhất là ở hải ngoại! Những chị Lộc, chị Lê, Hữu, Khảo, anh Bốn Thôi, ông tú Từ Lâm, ... cũng nhiều mà những Trần Hùng, Trần Kỳ Vỹ, Phùng Văn Nước, Hoàng Gia Lộc, bác Đại Cuộc, ... cũng không thiếu! Nhưng đa số nay mặc đồ lớn, thắt cà-vạt, lái xe hơi, mà nếu có lâm vào tình trạng như chị Lộc cũng đã có trả lời sẵn của ... xã hội ! Võ Phiến là một nhân chứng của thời ông và là một nhân chứng can đảm và bi quan. v.v../.

 

9-9-1998

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 2840
Ngày đăng: 16.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Văn-Ảnh Có Chất Thơ Trong Triết Học - Trần Văn Nam
Cái Chết trong Văn-Chương: từ Siêu Hình, Lãng Mạn đến Kinh Dị và Trinh Thám - Nguyễn Vy Khanh
Xã Hội Học Của Sự Cô Đơn - Hamvas Béla
Cộng-đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau - Nguyễn Vy Khanh
Nhà văn trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Brueghel - Hamvas Béla
Hồn phố qua những con đường trong nhạc Trịnh Công Sơn - Trần Hoài Anh
Văn Học Miền Nam Tự-Do 1954-1975 - Nguyễn Vy Khanh
Tại Sao Ta Ít Nhớ Thơ-Nhạc Thời Mới Khởi Phát Chiến Tranh - Trần Văn Nam
Lịch Sử Hiện Đại Hoá Thơ Việt Trong Mắt Một Nhà Thơ - Hoàng Hưng
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)