Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
739
116.542.804
 
Tiểu thuyết hay truyện kể ?
Nguyễn Vy Khanh

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, quỷ vương đã đến New York và thủ đô nước Mỹ bá vương, Apocalyse Now ngay trên đất Mỹ; Mỹ Lai, Khe Sanh, Teheran, .. đã là quá khứ ! Cậu bé Harry Potter đến sau, trong mùa Giáng Sinh 2001, nhưng phim dựa theo truyện Harry Potter and the Philosopher's Stone của Joanne K. Rowling đã đem đến nhiều hy vọng và giao động cả giới làm văn. Phim truyện này cũng như cả bốn cuốn truyện nói là dành cho trẻ em đã xuất bản đã thu hút nhiều độc giả thuộc mọi lứa tuổi. Làm sống dậy một thị trường sách vở đang suy thoái trước những xâm nhập của Internet và đời sống điện toán. Vì câu chuyện chú bé phù thủy mồ côi đối đầu với quỷ sứ Voldemort đã thỏa mãn những nhu cầu vừa thơ mộng vừa trí thức. Người xem (và người đọc) được sống lại cái không khí của những truyện thần tiên như Cô bé quàng khăn đỏ, Cô bé lọ lem, Bạch Tuyết bảy chú lùn, ... Nhiều huyền thoại được đề cập đến một cách khéo léo qua những cảnh những bầy chim cú tống thư vô nhà cha mẹ nuôi, cái gương Rised thỏa mãn ước vọng cả thầm kín nhất, con chó ba đầu Touffu, người gác giữ chìa khóa Poudlard ở nhà Charon, cuộc cờ với những vật thật. Cả phân tâm rồi mặc cảm Oedipe cũng ẩn hiện đâu đó với cha mẹ của Harry, v.v. Phụ quyền xuất hiện dưới nhiều khuôn mặt: Dumbledore, Voldemort,...  Mồ côi, tang tóc, Harry Potter trở thành phù thủy vì không chấp nhận quỷ vương, độc tài, tự định nghĩa bằng sự tự do lựa chọn tuyệt đối - cứ như không khí tiểu thuyết của Jean-Paul Sartre, hoặc của Nguyễn Bá Học "đường không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông!".Một tổng hợp xưa và nay, huyền thoại và đời thường, với những kỹ thuật hôm nay lẫn phim chưởng Á-đông! Trở thành hiện tượng nhanh chóng.

 

Kể chuyện phải chăng là một cách thể hiện văn chương, làm văn chương hay ngược lại, dùng văn chương để kể chuyện ? Đây nằm trong hiện tượng với những tác phẩm của Milan Kundera, Kensaburô Oe, Salman Rhusdie. Claude Simon, ... đều là những tác phẩm tổng hợp, không thuần chỉ là tiểu thuyết, triết lý,... mà là một tổng hợp siêu tiểu thuyết, mập mờ biên giới tiểu thuyết và tự truyện, văn xuôi với thi ca, một biến thiên không ngừng về kỹ thuật kể chuyện, hành động, đối thoại, ... Từ khi có tiểu thuyết mới, thế giới tiểu thuyết và văn chương nói chung đã biến động không ngừng. Vào thời đó nhiều nhà lý thuyết văn học Tây phương đã tiên đoán cái chết của thể loại tiểu thuyết, cứ xem qua tựa các sách lý thuyết văn học đủ rõ, nào The Death of the Novel (R. Sukenick, 1969), The Curious Death of the Novel (LD Rubin, 1967), ... lan ra đến văn chương nói chung, The Death of Literature (Alvin B. Kernan, 1990). Nhà văn nữ Natalie Sarraute vận động cho tiểu thuyết mới có tuyên bố tiểu thuyết đã chết ! Ở Mỹ, cái chết của tiểu thuyết đến với sự ra đi của những cự phách Ernest Hemingway (1961), W. Faulkner (1962), ... Don Passsos mất năm 1970 nhưng tác phẩm chính của ông đã ngưng từ thập niên 1930. Một thế giới mới nặng về kỹ thuật và văn hóa bị thương mại hóa. Truyền hình, ciné-parc và xe hơi thay thế thú đọc sách. Và những tác giả mới thác loạn và tình dục buông thả: V. Nabokov (Lolita, 1955), W. Burroughs (The Naked Lunch, 1959), ... Mỹ học mới ! Tiểu thuyết chết thì truyện giả tưởng sống dậy. Truyền thống cổ điển, cô đọng, hàm xúc, trở nên lỗi thời. Làm mới là những Jorge Luis Borges, .. tiêu biểu cho một loại tiểu thuyết của dang dở, đang thành. Văn chương là cái đang trở thành thay vì là cái phải bảo trì, tiếp nối ! Với Beckett, Nabokov, văn chương trở thành tìm kiếm, được gọi là biến tiểu thuyết, siêu tiểu thuyết, phản tiểu thuyết, xuyên tiểu thuyết,... sau được gọi chung là hậu hiện đại. Tiểu thuyết muốn quậy làm mờ đục truyện kể và ngôn ngữ, tái thiết kế việc đọc văn chương để việc đọc này hết còn là hành cử tột cùng của một văn hóa bác học mà trở thành một điều kiện thiết yếu của nắm bắt. Các thể loại pha trộn, rồi liên văn bản, Internet,.. Ròi chính trị và lịch sử bị lôi kéo vào văn chương!

 

Nhưng nay một số nhà lý thuyết lại không tin văn chương tiểu thuyết đã chết. Như Guy Scarpetta viết L'âge d'or du roman (1996), đã phân tích tiểu thuyết Pháp suốt thập niên 1980 và lạc quan kết luận rằng thể loại đang ở vào thời vàng son. Và một trở lại không thể không nói đến của những cây bút tổng hợp văn hóa như G. Garcia-Marquez, Unberto Eco, Jose Saramago, Salman Rushdie, Kensaburo Oe, V.S. Naipaul,... Văn chương trở nên hoàn cầu, ảnh hưởng đến nhau một cách nhanh chóng!

 

Thật ra từ nhiều thập niên qua, không riêng gì thể loại tiểu thuyết bị rêu rao đã chết mà hang loạt bao giá trị khác cũng lâm vào cùng tình trạng, như Thượng đế bị F. Nietzche rồi J-P Sartre và thuyết vô thần tuyên án chết, rồi con người, ý thức hệ, lịch sử, hội họa, âm nhạc, và cả tác giả cũng bị kết tử như sẽ trình bày phần sau. Chuyện gì xảy ra khi một truyền thống văn chương cạn dòng và khi một truyền thống văn hóa lâu dài bị đổ vỡ ? Thái độ, ứng xử, tuỳ không gian và hướng nhìn, xem như mất hết, chết hết hay phấn khởi làm mới quá khứ ! Nhất Linh, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Huy Thiệp, ... là những thí dụ. F. Nietzsche ngoài việc hô to Thượng đế đã chết còn kết án Platon, con người siêu nhân bước đi thênh thang; nhưng hình như thế giới hiện hữu trước khi tuổi trẻ đến và khi không có văn hóa, gia tài, tuổi trẻ sẽ già và mọi sự sẽ rơi vào quên lãng! Và không phải tuổi trẻ nào cũng là Nietzsche, đành rơi vào cô đơn và hoang mang, hụt hẫng!

 

Tiểu thuyết, truyện giả tưởng bị ngờ đã chết, sách xuất bản cũng đang nghi ngại sẽ chết từ khi có Internet và điện toán, e-book. Văn học gắn liền với sách in từ nhiều thế kỷ qua ! Rồi với đà bành trướng này, nguyên bản, truyền thống cũng sẽ bị thương tổn, xô đẩy, bản gốc nhiều khi trở thành thứ-yếu, bản dịch đã đủ! Tiểu thuyết chết ít nhất đã hai lần! Lịch sử cho biết rằng ở Tây phương, thế giới giả tưởng của tiểu thuyết đã đến với người đọc khi Walter Scott xuất bản Ivanhoe năm 1819.

 

*

Nghệ thuật kể chuyện là nguồn gốc của văn chương, là nguồn hứng khởi, thu hút, khiến người đọc tra vấn, ngưng đọc để suy tư, thẩm thấu. Toà nhà do những người thợ là tác giả và nhân vật của hắn xây lên như lý lẽ hiện tồn, nhưng một khi hoàn thành, truyện  đã hết và nay thuộc về Lịch sử viết hoa. Tác giả cấu trúc thành tác phẩm nhưng ý nghĩa, dụ ngôn nếu có là do người đọc khám phá, với những chìa khóa riêng tư. Khi người đọc có cử chỉ đó là tác giả đã biến mất, đã chết ! Tác giả bị xét lại và kết án tử. Vấn đề vai trò người đọc và tác phẩm là sợi dây trung gian. Văn bản không hiện hữu nếu không có sự kiện có người đọc. Nếu tác giả không còn đó thì người đọc hiện hữu, sống thật ! Roland Barthes là người đã đầu tiên nói đến trong một bài viết năm 1968, "La mort de l'auteur" (1). Theo Barthes, sự biến mất của tác giả trở thành thực chất của tác phẩm, văn chương được định nghĩa như một diễn văn không mạch văn, tác giả có thể là một yếu tố quan trọng nhưng rốt cùng chỉ là một yếu tố của mạch văn. Phân tích cơ cấu luận thay ý niệm tác giả bằng ý niệm người kể chuyện. Đến với tác phẩm quên tác giả là cách tốt khác để tiếp nhận tác phẩm ? Truyện Kiều của Nguyễn Du, bản nôm Chinh Phụ Ngâm hoặc thơ nôm của Hồ Xuân Hương, những bài thơ tình của T.T. Kh. là những thí dụ điển hình. Tác giả đã để lại tác phẩm cho đời. Họ chết nhưng tác phẩm sống mạnh cho đến đời sau. Văy, đi tìm tác giả T.T. Kh. cũng như Hồ Xuân Hương nào thật giả để làm gì? J.D. Salinger, tác giả Bắt trẻ đồng xanh (Catcher In The Rye) có lúc quyết định ngưng viết và xuất bản cũng như đã từng cắt đứt liên hệ với thế giới bên ngoài muốn giữ kín đời tư phải chăng vì muốn tác phẩm là tác phẩm tự tại, không muốn tác giả có vai trò hay ảnh hưởng? Bên Canada có nhà văn Réjean Ducharme nổi tiếng từ hơn 35 năm nay nhưng không một người đọc nào có thể biết về đời tư  ngay cả không biết tác giả này có thật không - chỉ có nhà xuất bản biết nhưng lại phải giữ bí mật hành tung tác giả !

 

Tác giả là một ý niệm đơn giản nhưng có lúc bị xem là giả tạo và đưa lên bàn mổ tranh cãi. Marcel Proust, tác giả bộ tiểu thuyết À la recherche du temps perdu, đã viết Contre Sainte-Beuve để chống thuyết phê bình của Sainte-Beuve. Sau đến Foucault, Barthes như đã nói trên và những nhà hậu cơ cấu luận. Lý thuyết của Foucault và các nhà cấu trúc Pháp đến thời hypertext sẽ trở nên ứng nghiệm. Ý niệm tác giả - chỉ có từ khi có máy in, không còn cần thiết và cả không còn nữa với những sáng tác tập thể như Chủ nhật của nhóm Saomai.org. Văn học chữ nôm ở ta có nhiều tác phẩm vô danh, người sau viết lại thêm bớt và sửa chữa khiến vấn đề văn bản khá trầm trọng đối với người nghiên cứu ! Thời Trung cổ ở Âu châu, người sao chép biên tập quan trọng hơn là tác giả và các tác phẩm thời đó thường là những tuyển tập nhiều tác giả và ý niệm bản quyền  cũng chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XIX.

 

Với thể loại đa văn bản hypertext, tác giả văn bản vừa là người viết vừa là người đọc, trở thành author-reader. Hơn nữa, nền văn chương này có nhiều "người đọc-người viết" - những người có thể  đến với văn bản đó một cách kỹ thuật và có phương tiện! Chia xẻ và đa tăng, đa văn bản  là một đơn vị gia giảm bất thường do đó gán cho nó một tác giả là điều phi lý và ... lỗi thời ! Đối với ấn bản, vấn đề nhất thống của tác phẩm không phải đặt ra. Ý niệm này các ông Nguyễn Quảng Tuân, Trần Văn Tích, Hồng Huy, ... khi bàn về Truyện Kiều, hay Hoàng Xuân Hãn, Đào Thái Tôn, Nguyễn Ngọc Bích,... về thơ Hồ Xuân Hương phải đặt ra rồi tranh luận vì muốn giải quyết vấn đề tác giả ! Với đa văn bản, dù sáng tác theo dòng ý thức tập thể (!), dễ gì còn nhất thống, vì hai yếu tố đa nội dung và liên cá tính đã là những đặc tính, cũng như tính lưu động, luân chuyển và biến đổi. Người nào vào Internet trên nguyên tắc cũng có thể là author-reader và thêm thắt những hình ảnh, âm nhạc, liên hệ, v.v. nghĩa là có thể khác cái ý tiên khởi, nghĩa là trắng nhưng cũng là xám hoặc đen và tự mâu thuẫn. Kỹ thuật hypertext chứng minh vấn đề nhất thống văn bản chỉ là giả tạo. Nhưng trong vũ trụ đa kỹ thuật hấp dẫn của đa văn bản, tạm bợ, mâu thuẫn,.. cũng sẽ từ đó sinh ra!

 

Cuối cùng tác giả đồng nghĩa với cảm hứng và kỹ thuật dàn dựng truyện. Ý niệm tác giả trở lại nhưng xuyên qua huyền thoại mà tác giả thành công dựng nên về mình, huyền thoại ảnh hưởng đến tác phẩm - tác giả chính là tác phẩm !  Nói gì thì tác phẩm bất hủ, sống lâu, có nghệ thuật tự nó có thể sống, điển hình và đặc thù. Không phải sống nhờ tên tác giả đã nổi tiếng như những tiểu thuyết của Nhất Linh vào cuối đời, feuilleton của Mai Thảo đăng báo, ... hoặc nhờ phê bình quảng cáo đề cao.

 

*

Văn học Việt Nam thế kỷ XX  nhìn chung là một nền văn học nặng truyện kể hơn là sáng tạo ! Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản kể chuyện có thể đã xảy ra và cho người đọc suy nghĩ về tâm lý và hành động của nhân vật. Tản Đà kể những Giấc Mộng Con, Giấc Mộng Lớn. Rồi đến những truyện của buổi giao thời mới cũ như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt,... trong Nam và Tố Tâm, Đoạn Tuyệt, Cô Giáo Minh,.. ngoài Bắc.  Chuyện về một Hà Nội lầm than với Trọng Lang, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng,... Khi đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh,.. kể chuyện bỏ Hà Nội di cư vào Sài Gòn, cuộc đổi đời và hành trình để lại nhiều dấu ấn trong hồi ức đã được kể lại. Thế hệ lưu vong với những truyện kể của Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Tấn Hưng, Võ Kỳ Điền,.. Miêng, một nhà văn nữ hải ngoại mới xuất hiện gần đây, đã có lần tự nhận "chỉ là một người kể chuyện" (2). Rồi Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp kể những chuyện gian dối, bạo tàn của người đối với người. Từ các trại cải tạo địa ngục trần gian xuất hiện những truyện kể của Hà Thúc Sinh, Tạ Tỵ, Lâm Chương, ... và của những người thoát  sau cùng như Thảo Trường! Chưa đủ, mới đây Bùi Ngọc Tấn lại phải đem Chuyện Kể Năm 2000 tâm tình tự sự muốn đến với người đọc. Riêng  các bộ truyện chưởng của Kim Dung, tính cách kể truyện đã quá hiển nhiên ! Mở ngoặc để nói rằng thi ca cũng đầy tính truyện kể, từ Tống Biệt của Tản Đà qua Xuân Diệu, T.T. Kh., Hữu Loan, Hoàng Cầm,... đến Nhất Tuấn kể Truyện Chúng Mình kéo dài nhiều tập cứ như phim ảnh Hoa Kỳ, và Hà Nguyên Du gần đây tiếp tục kể chuyện tình qua đủ thể loại thơ ! Mà thời lịch triều, Nguyễn Du đã viết hàng ngàn câu thơ cũng là để kể chuyện nàng Thúy Kiều (tâm sự có không nay có người ngờ), bà Đoàn Thị Điểm rồi Phan Huy Ích tiếp nhau dịch Nôm Chinh Phụ Ngâm cũng để kể chuyện con người thời chinh chiến ! Mặt khác, truyện chưởng Kim Dung trở thành hiện tượng vượt ra ngoài biên giới Trung quốc, hiện tượng vì tác giả chúng đã tài tình xử dụng kỹ thuật truyện kể cộng với tất cả vốn liếng triết lý nhiều thiên niên kỷ của người Tàu!

 

Như vậy tính chất truyện kể  bao trùm văn học sử và truyện kể dù hay hoặc dở, dù trải qua bao thăng trầm, biến động lịch sử, vẫn sẽ là yếu tố trung tâm của đời sống con người , một bạn đồng hành vừa bí ẩn vừa không có gì thay thế được !

 

Tiểu thuyết đã tàn, chết ? Không, nếu định nghĩa tiểu thuyết là một thể loại văn chương luôn biến thể, hình thành - cũng như thơ. Tác phẩm sống nếu đi với thời đại và văn chương thật là văn chương lúc bị khủng hoảng! ./.

 

Chú-thích:

 

1. Oeuvres complètes. Tome 2. Paris : Seuil, 1994. Sau ông, Foucault viết "Qu'est-ce qu'un auteur?" (1969, in lại trong Dits et écrits. Paris : Gallimard, 1994) dưới một viễn tượng khác Barthes nhưng cùng tra vấn về tác giả

2. Trả lời phỏng vấn Triều Hoa Đại. Văn CA, 41, 5-2000. Tr. 55. Dĩ nhiên nhiều nhà văn vốn vẫn hay khiêm tốn!

 

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 2100
Ngày đăng: 07.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tính hiện đại và Bản sắc dân tộc không phải là cái áo khoác trong Thơ . - Yến Nhi
Phương Thức Lặp Lại Và Nghệ Thuật Xây Dựng Chủ Đề Trong Tiểu Thuyết Sông Côn Mùa Lũ Của Nguyễn Mộng Giác - Nguyễn Thị Kim Oanh
Chuyến lữ hành tạo bản sắc - Lê Hải*
Mỹ Học Ẩm Thực Vũ Bằng Qua Hai Tập Ký Miếng Ngon Hà Nội Và Thương Nhớ Mười Hai - Chế Diễm Trâm
Từ Cốt truyện đến Bản sắc - Lê Hải*
Võ Phiến những năm 1960 - Nguyễn Vy Khanh
Những Văn-Ảnh Có Chất Thơ Trong Triết Học - Trần Văn Nam
Cái Chết trong Văn-Chương: từ Siêu Hình, Lãng Mạn đến Kinh Dị và Trinh Thám - Nguyễn Vy Khanh
Xã Hội Học Của Sự Cô Đơn - Hamvas Béla
Cộng-đồng người Việt ở ngoài nước 30 năm sau - Nguyễn Vy Khanh
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)