Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
730
116.716.365
 
Phạm Chu Sa
Phạm Thanh Chương

 

 

“.. Công danh sự  nghiệp nửa vời

Đời ta một nửa nụ cười buồn tênh.PCS.”

                  Lần đầu tiên tôi gặp Phạm Chu Sa vào năm 1973 tại Vũng tàu, tuy đã trên 40 năm nhưng ấn tượng lúc ban đầu mãi còn trong ký ức.Anh là một người hoạt bát, năng động, vui tính và lúc nào cũng có thể làm cho người đối diện phải bật cười. Phạm Chu Sa giao thiệp rộng rãi và theo chỗ tôi biết, hình như nhân vật nào trong lĩnh vực văn học nghệ thuật anh cũng am tường.

      Anh là thư ký tòa soạntuần báo Tuổi Ngọc do nhà văn Duyên Anh làm chủ nhiệm, nhà văn Đinh Tiến Luyện làm chủ bút cùng với sự cộng tác thường xuyên của các nhà văn viết cho tuổi mới lớn : Từ Kế Tường, Mường Mán, Hoàng Ngọc Tuấn…

      Tuổi Ngọc là “Tuần báo của tuổi mới lớn ”, sau đổi thành “Tuần báo của yêu thương”. Môt tập san văn chương dành cho thanh thiếu niên miền Nam trước năm 1975 với tiêu chí :“…Dòng văn chương đẹp, thơ mộng và lãng mạn của những tháng năm đẹp nhất đời người”

    Năm 1973 tôi từ Vũng tàu lên làm việc tại Sài Gòn, ở căn phòng nhỏ trong thành Ô ma góc đường Cống Quỳnh – Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi). Nơi mà Phạm Chu Sa, Vũ Hữu Định, Hạc Thành Hoa thường ghé lại. Khi ấy Phạm Chu Sa, Vũ Hữu Định đang trốn lính, đi lại rất khó khăn vì phải lẩn tránh cảnh sát. Anh có thuê một căn gác nhỏ gần chợ Thái Bình kế rạp ciné Khải Hoàn ở chung với một người bạn là họa sĩ trình bày nhật báo Hòa Bình,nhưng phần lớn thời gian anh ở chỗ tôi, lúc đó Hạc Thành Hoa đang dạy tại trường Trung học Lương Văn Can bên Quận 8 lại được hoãn dịch vì lý do sức khỏe nên anh là người đi lại “thảnh thơi” chứ không “cực nhọc” vừa đi vừa tránh cảnh sát như Phạm Chu Sa và Vũ Hữu Định.

   Hơn bốn mươi năm rồi nhưng tôi không bao giờ quên buổi tối hôm Phạm Chu Sa bị cảnh sát “ốp” đưa về giam ở bót quận nhì rồi sau đó chuyển thẳng lên trung tâm huấn luyện Quang Trung.

  Khi biết Phạm Chu Sa (tên thật Phạm Đình Thống) hết hạn hoãn dịch vì lý do học vấn (anh là sinh viên Đại học Vạn Hạnh). Vũ Hữu Định là mộtnghệ sĩ lang bạt,  anh quen biết giao du với mọi giới trong xã hội nên dễ dàng tìm ra chỗđể cho Phạm Chu Sa mua giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Là một người ưa bay nhảy mà bị “trói buộc”không dám ra đường,Phạm Chu Sa không thể nào chịu được.

     Rồi “chuyện gì đến sẽ đến”, một buổi chiều Vũ Hữu Định mang tờ giấy hoãn dịch lại chỗ tôi nhờ gọi Phạm Chu Sa đến lấy. Quen biết đã lâu nhưng chưa bao giờ tôi thấy Phạm Chu Sa tươi tắn, rạng rỡ như chiều hôm đó, anh rối rít cám ơn Vũ Hữu Định, rồi về tắm rửa, ăn bận chải chuốt và mượn chiếc Lambretta của người bạn ở chung phòng chạy lại nói với tôi và Vũ Hữu Định :

  • Mai gặp lại, “moa” có cái hẹn phải đi ngay.

Anh vừa chạy đến đầu đường Bùi Thị Xuân – Cống Quỳnh thì gặp ngay cảnh sát ( chỉ cách chỗ tôi ở chừng ba, bốn trăm mét). Anh bị bắt vì lý do sử dụng giấy hoãn dịch giả.

   Hơn một tuần sau gặp lại Vũ Hữu Định trước tòa soạn Văn ở đường Phạm Ngũ Lão, tôi nói với anh tin Phạm Chu Sa bị bắt, Vũ Hữu Định nổi giận :

  • Tao nói với Phạm Chu Sa rồi, đó là giấy giả,“lận” theo nhưng ra đường phải “né” cảnh sát, tại nó ỷ y quá!

     Tôi nói với Vũ Hữu Định :

  • Giấy giả thì mua làm quái gì!

    Vũ Hữu Định nói như hét :

  • Làm gì có giấy thiệt mà mua…

      Vừa lúc đó có xe cảnh sát hụ còi chạy qua, khi quay lại tìm tôi chẳng thấy Vũ Hữu Định đâu cả.

Vũ Hữu Định là một thi sĩ tài hoa và cũng là một “gã giang hồ” chính hiệu. Anh tính tình phóng khoáng, hào sảng và sống đầy tình nghĩa với bạn bè. Sau ngày Phạm Chu Sa bị bắt, Vũ Hữu Định buồn bã nói với tôi : “ Biết vậy tao đâu mua giùm nó làm chi cho tiền mất, tật mang

   Sau năm 1975, Phạm Chu Sa cũng như những người trong giới văn nghệ, trải qua những tháng ngày rất bấp bênh, anh phải bươn chải ra vỉa hè bán thuốc Tây ở chợ trời kiếm sống. Năm 1982 Phạm Chu Sa cùng với bạn bè mở một nhà thuốc  “Hợp tác kinh doanh” trên đường Trần Hưng Đạo ở quận 5. Thời gian này thỉnh thoảng anh ghé lại thành Ô Ma tán dóc với  tôi và Nguyễn Tùng, một nhạc sĩ đa tài nhưng mệnh yểu.

Năm 1991 khi vào làm ở tòa soạn Áo Trắng tại Nhà xuất bản Trẻ, tôi rất vui mừng gặp lại Phạm Chu Sa, thấy anh tất bật tập hợp bản thảo, tìm minh họa, biên tập, trình bày chuẩn bị cho ra mắt tờ Tuổi Hồng, một tập san văn học và giáo dục ra theo từng chủ đề dành cho tuổi mới lớn.

Anh đã trở lại lĩnh vực cũ sau một thời gian dài lận đận trong cuộc mưu sinh. Tuổi Hồng được các em đón nhận nồng nhiệt như một cơn gió mát cùng với sự cộng tác của những nhà văn, nhà thơ tên tuổi. Sau một thời gian gần 3 năm, vì giá giấy, công in, phát hành cũng như chi phí các công đoạn đều lên giá mà Tuổi Hồng không có nguồn tài trợ nào ngoài …một tấm lòng, nên Phạm Chu Sa “phải hoàn thành nhiệm vụ” một cách nửa vời trong niềm luyến tiếc của nhiều bạn đọc “nhí” cũng như của các bậc phụ huynh đã đặt niềm tin vào sự trong sáng cũng như tính cách giáo dục của Tuổi Hồng.

  Với lòng đam mê và trong một quá trình hơn bốn mươi năm lăn lộn trong lĩnh vực báo chí, Phạm Chu Sa sau khi rời Tuổi Hồng anh cộng tác với các tờ báo lớn, uy tín.  Nhưng gắn bó mật thiết hơn cả là tờ Thanh Niên, tại đây với những bài viết về văn hóa văn nghệ, bình luận sắc sảo của anh xuất hiện liên tục và đều đặng đã gây tiếng vang cũng như  hiệu ứng xã hội mà anh đã viết bằng cả lòng nhiệt tình và tâm huyết.

     Ngoài lãnh vực văn học, trong giao tiếp Phạm Chu Sa là người bặt thiệp, lịch sự và rất “ga lăng” với phái đẹp nên được bạn bè gọi anh là “kẻ đào hoa” nhưng tôi muốn thêm vào cụm từ này hai chữ nữa, Phạm Chu Sa là “kẻ cực kỳ đào hoa” mới chính xác.  Với bạn bè anh sống chan hòa và khiêm tốn, tôi có cảm tưởng “dường như vấn đề gì trong lĩnh vực nào anh cũng biết rõ” nhưng anh không bao giờ tỏ ra mình là người am hiểu. Gặp nhau nhiều lần nhưng chưa bao giờ anh nói với tôi về cháu Phạm Đình Nguyên, con trai đầu của anh, một doanh nhân thành đạt đã bỏ ra số tiền lớn để mua thị trấn Buford của Mỹ năm 2012 – sau đổi tên thành “Thị trấn cà phê” Phin Deli Buford, mà tiếng tăm lan tỏa người nào cũng biết.

           Chúng tôi hẹn nhau ở quán cà phê một người quen trên đường Ngô Thời Nhiệm để cùng đi Biên Hòa dự đám cưới con gái của Đinh Tiến Luyện, anh chu đáo nhờ Phạm Chu Sa thuê một chiếc xe để đưa, đón chúng tôi, dù chỉ có 4 người, khi vừa đến nơi, tôi thấy Đoàn Thạch Biền đã ngồi đó, anhnói :

  • Còn thiếu Mường Mán, chắc bị kẹt xe

Đoàn Thạch Biền lúc nào cũng đúng giờ, luôn tỏ ra tác phong nghiêm túc của một nhà giáo.

 

     Trên chuyến xe 16 chỗ chỉ có bốn người, cứ lan man từ chuyện này sang chuyện khác, tôi yên lặng ngồi nghe Mường Mán kể lại những mẫu chuyện kinh hoàng mà khi đó anh là phóng viên chiến trường tại miền Trung mới thấy cái khốc liệt của cuộc chiến tranh quả là ghê gớm.

    Buổi chiều trên đường trở lại Saigon, Phạm Chu Sa ghé thăm một người bạn cũ, gia đình  bạn anh tiếp “đoàn” của chúng tôi hết sức ân cần. Chủ nhà đưa chúng tôi đi xem vườn cây ăn trái. Phạm Chu Sa nói với tôi :

-Thôi mình về sớm kẻo bị kẹt xe.

    Nhìn dáng Phạm Chu Sa dong dỏng cao với mái tóc lấm tấm bạc dưới nắng chiều, vẫn con người lịch thiệp và hào hoa đó nhưng dường như thời gian đã làm anh “thấm mệt” và chẳng còn tha thiết với điều gì.

 

Saigon, tháng V, 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                                             

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Thanh Chương
Số lần đọc: 2076
Ngày đăng: 08.06.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ : Nhà văn Sơn Nam “Ông vua đi bộ” - Trần Dzạ Lữ
...Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết (tiếp theo) - Phạm Thanh Chương
…Vài kỷ niệm với những văn nghệ sĩ tôi quen biết - Phạm Thanh Chương
Gửi chiều Đông nào nhung nhớ ! - Phan Văn Thạnh
Với quê nhà yêu dấu ( Nhật Ký Hành Trình ) - Trần Dzạ Lữ
Hoa ôm - Phạm Nga
Thầy Văn và Thơ - Nguyễn Thanh
Con Người Và Hành Trình Miên Man Của Lòng Tham - Nguyễn Hàng Tình
Nhà thơ Yến Lan và sự hâm mộ : Trích Hồi ký “Người thi sĩ của Bến My Lăng” - Lâm Bích Thủy
Dọc đường văn nghệ (phần 22) - Ở Đà Lạt mênh mang sương khói cuộc tình - Trần Dzạ Lữ