Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
661
116.670.198
 
CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 1975
Võ Quê

HUẾ TRONG LÒNG HÀ NỘI

 

 

     Sau một năm ở tù Côn Đảo, tôi được tổ chức đưa lên chiến khu Thừa Thiên Huế rồi ra thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 12 năm 1973. Thời gian học tập, an dưỡng trên đất Bắc tâm tưởng tôi lúc nào cũng hướng về Huế dấu yêu. Nơi đó có anh em bạn bè từng một thời gắn bó, tâm huyết sống chết giữa lòng dân cùng kiên cường đấu tranh trên mặt trận đường phố. Càng nhớ, càng thương trông, khát vọng hoà bình thống nhất đất nước trong tôi ngày một lớn. Tại Hà Nội tôi may mắn được gặp nhiều người Thừa Thiên Huế tập kết hoặc ra Bắc từ nhũng năm 1960 đến 1968, 1969.1970…Họ là các vị lãnh đạo, văn nghệ sĩ, dân phong trào, sinh viên học sinh được sinh ra và trưởng thành từ lòng đô thị. Tình cảm của những người cùng quê thật sâu nặng, chứa chan. Tất cả đều gắn bó, đùm bọc nhau, thương yêu trong từng năm tháng. Chính nhờ được tiếp xúc, sinh hoạt, gặp gỡ trò chuyện với những con người ấy mà tôi có cảm giác như đang dược sống giữa Huế thân yêu.

     Tôi không bao giờ quên được lần nhà thơ Tố Hữu đã cho xe lên Sơn Tây đón anh Nguyễn Đắc Xuân và tôi về nhà riêng của nhà thơ tại đường Phan Đình Phùng, Hà Nội để thăm hỏi, động viên, nhắn nhủ như một người anh lớn của quê nhà. Cuộc gặp gỡ  đó đã để lại cho tôi ấn tượng đẹp về một con người Thừa Thiên Huế có một phẩm hạnh, nhân cách lớn, thôi thúc nuôi dưỡng tình yêu quê hương trong mỗi tâm hồn tuổi trẻ chúng tôi; đồng thời nhen lên trong chúng tôi ngọn lửa chiến đấu, khát vọng hoà bình, đất nước không còn chiến tranh, nhân dân mình hết khổ đau dưới làn bom đạn Mỹ.

     Có một cộng đồng tuổi trẻ học đường Huế tại Hà Nội mà tôi, anh Nguyễn Hữu Ngô, Ý Nhi, Hoài Thu thường lui tới viếng thăm là tập thể các em học sinh Huế đang theo học tại trường Chu Văn An. Các em thoát ly từ mùa Xuân 68 và được ra Hà Nội học tập theo kế hoạch đào tạo của tổ chức. Được nhìn thấy những gương mặt trẻ trung đầy sức sống của các em Công, Lào, Gái, Thông, Thuỷ, Xê... được trò chuyện và hát ca hồn hậu với các người em cùng xứ sở trong những ngày tháng ấy, tôi có niềm vui thầm lặng với niềm tin có một ngày cùng các em sớm trở lại quê nhà trong niềm hân hoan thống nhất đất nước.

     Ở Hà Nội tôi cũng thường ghé Đài Tiếng Nói Việt Nam ở đường Quán Sứ,Tiểu ban Văn nghệ Miền Nam, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Tại hai nơi đây tôi được gặp thêm nhiều người Huế. Đó anh Nguyễn Hữu Ngô, anh Hồ Tính Tình,  chị Tôn Nữ Ngọc Trai, chú Lê Bối rồi nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Trần Phương Trà, vợ chồng nhà báo Hồ Đắc Nga…Ngoài những người Huế, tại Tiểu ban cũng có rất nhiều người thương yêu Huế như nhà thơ Bảo Định Giang,  má Khánh-mẹ nhà thơ Lưu Quang Vũ-, anh Doãn Triều…mỗi thành viên ở đây thường mang lại cho chúng tôi những nguồn tin quý báu từ đô thị miền Nam và nhất là tại đây chúng tôi được may mắn đọc, xem một số tác phẩm văn học ngệ thuật yêu nước từ vùng địch tạm chiếm và văn học nghệ thuật cách mạng của các chiến sĩ giải phóng từ các mặt trận miền Nam gửi ra Bắc. Nguồn tư liệu quý giá này cộng với nguồn tin tức trên hệ thống thông tin đại chúng tại Hà Nội đã giúp chúng tôi vững tin trước cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cuờng; giúp chúng tôi thấy miền Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế gần hơn bao giờ hết. Và nhất là cho chúng tôi khẳng định: Ngày giải phóng Miền Nam đã đến gần!

   

    Từ những ngày đầu tháng 3 năm 1975 tin chiến thắng ở miền Nam cứ dồn dập tới. Thời điểm này, tôi đang dược theo học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ khoá 7 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Quảng Bá. Một địa danh đẹp cạnh Hồ Tây thơ mộng. Cùng dự khoá học, bên cạnh các anh chị văn nghệ sĩ ở miền Bắc như Lý Biên Cương, Hồng Ngát, Lê Phương Liên, Nguyễn Khoa Đăng, Phong Thu, Vĩnh Nguyên, Vương Ân…còn có một số anh chị em từ miền Nam ra như Nguyễn Quang Hà, Trương Quốc Khánh, Tư Thái…Lớp học đông vui đã trở thành một tổ ấm trong tâm thức, tinh cảm tôi. Các thầy Xuân Diệu, Bàng Sĩ Nguyên, Phan Xuân Sanh…luôn dành cho chúng tôi niềm ưu ái đáng trân trọng. Tôi còn nhớ cái đêm anh Nguyễn Quang Hà và tôi được nhà thơ Xuân Diệu mời dên nhà thăm và được nhà thơ cho nghe đĩa ca Huế do hãng Asia sản xuất từ những năm 30 qua giọng ca của cô Nhơn, một nghệ nhân ca Huế nổi tiếng của xứ Huế. Đêm ấy tôi cứ nhớ hoài lời  nhà thơ Xuân Diểu nói “ tối nay cho Nguyễn Quang Hà và Võ Quê thưởng thức mắm ruốc Huế “.

     Khi tin giải phóng Tây nguyên được loan truyền, những người Huế chúng tôi cứ nôn nao chờ đợi một ngày giải phóng Huế. Từ anh Phan Nam,Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân…nhũng người cùng ở K10, Gia Lâm với tôi đến các anh Trần Phương Trà, Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình, chị Ngọc Trai, Trần Vàng Sao… bên Hà Nội đều có chung một tâm trạng tiếc là mình không được có mặt trên thành phố Huế để  sát cánh chiến đấu cùng chiến sĩ, nhân dân Huế; để được sung sướng, hân hoan trong ngày thắng lợi mùa Xuân 1975.

     Ngày 26.3.1975, tôi và những người Thừa Thiên Huế đang ở trên đất Hà Nội lồng ngực như muốn vỡ tung vì sung sướng. Nhiều anh chị em trong lớp viết văn trẻ đến ôm choàng hoặc siết bàn tay tôi thật chặt. Những nụ cười rạng rỡ, tinh khôi dành cho Thừa Thiên Huế. Thừa Thiên Huế! Huế! Huế giải phóng rồi! Huế giải phóng rồi! Tôi nhớ hôm ấy, tôi, anh Nguyễn Hữu Ngô, Ý Nhi, Hoài Thu mua thật nhiều hoa, những bông hoa tươi thắm của thủ đô Hà Nội. Gặp ai trên đường chúng tôi cũng đều vui mừng chạy đến tặng hoa với những nụ cười tươi hết cỡ. Thật không có bút mực nào lột tả hết nguồn hạnh phúc đang trào dâng lên tâm hồn những người con xứ Huế đang ở nơi xa xôi. Những người Hà Nội được chúng tôi tặng hoa niềm vui cũng chứa chan không kém. Họ siết chặt tay chúng tôi xúc động không nói trọn lời chúc mừng Huế có hạnh phúc lớn

     Trong ngày Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng, tôi may mắn được tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam đăng bài thơ Nhớ Bửu Chỉ bên kia song sắt. Và hôm nay anh Buuwr Chỉ không còn bị giam hãm cực hình trong lao ngục nữa rồi. Anh đã hết cái cảnh “Tranh anh đỏ máu đêm tù. Sợ tranh anh chúng trả thù tay anh. Mặc cho điện, lửa cực hình. Quên đau, anh quyết vẽ tranh chống thù...” May mắn hơn nữa là cũng trong thời điểm này, báo Nhân Dân đã chọn đăng bài thơ Huế sống tuyệt vời cùng Trường sơn giữ đất của tôi. Khát vọng, uớc mơ một ngày hòa bình, thống nhất Tổ quốc đã trở thành hiện thực. Mùa Xuân 1975 đang nở hoa chiến thắng trên trái đất này, đúng như nguồn cảm xúc tôi kính dâng tặng Thừa Thiên Huế, quê hương tôi yêu dấu:

                               Mỗi tên đất, mỗi tên đường tha thiết

                               Mỗi con người Huế một mặt trời quay

                               Lao thẳng vào đêm thắp sáng lại ngày

                               Cung đàn độc lập vang bay       

                               Bài ca yêu nước hồng say môi người

                               Ta về bên Huế Huế ơi

                               Trướng sơn tiếp biển sông dài tự do...

 

  

                                                                                                                         Huế,15.8.2004

Võ Quê
Số lần đọc: 4382
Ngày đăng: 20.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vùng đất đổi màu xanh - Nguyễn An Cư
Huyền thoại trên sông Tiền - Đậu Viết Hương
Ngọn sóng Rạch Gầm - Hoài Giang
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến với bạn đọc 120 nước như thế nào? - Huỳnh Hùng Lý
Bò Ba Tri - đủng đỉnh nên giàu - Từ Phạm Hồng Hiên
Sống lại những làng dừa - Phan Lữ Hoàng Hà
Số phận con gái của một bà mẹ Việt Nam anh hùng - Trầm Hương
Người ở mom sông - Trầm Hương
Người đàn bà điên - Trầm Hương
Vượt biển (1) - Thanh Giang
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)