Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
948
116.653.753
 
Huyền thoại trên sông Tiền
Đậu Viết Hương

Đại tá - anh hùng lực lượng võ trang Hồ Bé ngừng kể, tôi vội phóng bút ghi ngay cái tựa đề vừa nghĩ: Cổ tích trên sông Tiền rồi sẵn đà mở đầu câu chuyện vừa nghe theo lối chuyện cổ:

 

“Ngày xửa ngày xưa!

 

Trên sông Tiền, đoạn gần ngã ba Rạch Gầm-Xoài Mút, có một con quái vật khổng lồ vô cùng tàn bạo và hung ác. Nó hút đất, cát từ dưới lòng sông thổi lên lấp kín ruộng đồng, vườn tược, tàn phá cuộc sống yên bình của bà con nông dân. Nó khạc lửa thiêu rụi xóm làng, nó giết những người đàn ông trai tráng, nó bắt đàn bà, phụ nữ hãm hiếp dã man, nó…”.

 

Thoáng nhìn qua, anh Hồ Bé cười: - Chuyện xảy ra chưa tới bốn chục năm sao gọi là cổ tích. Huyền thoại thì đúng hơn, Huyền thoại trên sông Tiền, rất ý nghĩa mà đúng là huyền thoại thật. Một tiếng nổ như trời long, đất lở làm “thành phố nổi” vụt biến mất trên mặt sông. Có lẽ cho đến tận bây giờ, người Mỹ vẫn không thể hình dung, tưởng tượng bằng cách nào, Việt cộng lại đưa được một lượng chất nổ lớn như vậy áp sát vào thân tàu Jamaicabat!? Nhưng chú mầy cứ viết đi, biết đâu lớp con cháu sau này, chúng sẽ thêu dệt thêm, thành ra chuyện cổ tích. Mà, tính bữa nào đi gặp Mười Tý vậy?

 

- Mai, ngày mai đi có được không anh? Tôi sốt sắng.

 

- Mai hả? Cũng được! Lâu rồi chưa gặp, không biết hồi này Mười Tý làm ăn ra sao. Đánh giặc giỏi chưa chắc làm kinh tế giỏi, nghe đâu Mười Tý làm ăn cũng không được khá.

 

Trời ui ui, gió lành lạnh, ngó bộ bữa nay mưa dầm dề. Tôi đang đưa tay xin đường quẹo xe vào bến phà Rạch Miễu, anh Hồ Bé ngồi sau hỏi: “Có mang theo áo mưa không? Coi chừng qua bển lại ướt như chuột lột”. Tôi cười: “Lính mà! Mưa gió chút đỉnh ăn thua gì. Hồi trước ngâm mình dưới nước hàng chục ngày có sao đâu”. “Bậy nà! Trước khác, giờ khác, lẹ lên xuống phà rồi tính”. Coi vậy chớ trời chưa mưa. Phà rời bến lướt sóng băng băng. Lũ về muộn nhưng triều lên, sóng đánh dập dồn. Tôi đưa mắt nhìn sông Tiền mênh mông sóng nước, thả hồn mường tượng cảnh đánh tàu ngày trước.

 

Lịch sử ghi lại trận đánh này như một huyền thoại bởi tàu Jamaicabat là một chiếc xáng hút khổng lồ, lớn thuộc vào loại nhất nhì nước Mỹ, được đưa sang xây dựng căn cứ Đồng Tâm. Nó có nhiệm vụ đào sâu đáy sông Tiền thổi đất, cát lên lấp bằng 400 hecta ruộng, vườn để xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ. Ngoài ra, chiếc xáng còn là nơi vui chơi, nhảy nhót của hàng trăm tên Mỹ sau những cuộc càn quét, bắn phá hủy diệt xóm làng Việt Nam. Chiếc xáng nằm sừng sững giữa dòng sông Tiền như một chiến hạm. Thân tàu rộng đến 75m, dài 210m, cao ba tầng, có cả sân bay trực thăng túc trực thường xuyên 3 chiếc và một giàn pháo 18 khẩu từ 105mm đến 155mm. Tàu được canh phòng nghiêm ngặt, 12 tiểu hạm luôn luôn tuần tra canh gác cùng với 1 tiểu đoàn bộ binh Mỹ bảo vệ trên bờ. Cứ 5 đến 10 phút, địch lại ném lựu đạn ra xung quanh đồng thời dùng máy hút cực mạnh rà sát mạn tàu để đề phòng đặc công Cộng sản tấn công. Mọi sự nghi ngờ kể cả lục bình trôi đều bị bắn nát. Đèn điện, đèn pha sáng rực cả một khúc sông. Không một người lạ và thuyền bè nào được bén mảng tới gần, người dân gọi nó là “con quái vật khổng lồ”, có khi lại gọi là “thành phố nổi”.

 

Quyết không để cho bọn Mỹ ngang nhiên xây dựng căn cứ quân sự Đồng Tâm, nhiệm vụ tiêu diệt chiếc xáng này được giao cho Đại đội đặc công 332 của Quân khu phối hợp với biệt động Mỹ Tho thực hiện. Từ căn cứ Tân Lèo, giáp biên giới Tây Nam, Đại đội 332 được đưa về Thiên Hộ huấn luyện. Sau một thời gian dày công luyện tập và qua một kỳ kiểm tra sát hạch nghiêm ngặt, ba chiến sĩ ưu tú Nguyễn Văn Chịu, Huỳnh Văn Tý, Nguyễn Văn Đực được chọn làm tổ đánh tàu. Tổ đánh tàu hồi đó, giờ đây chỉ còn một mình anh Huỳnh Văn Tý (Mười Tý).

 

Căn nhà anh Mười Tý đơn sơ, nằm lọt thỏm giữa vườn nhãn thuộc ấp 9, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Chỉ có mình anh Mười Tý ở nhà. Khi cái dáng cao cao của anh Mười Tý bước ra ôm chầm lấy anh Hồ Bé, tôi kịp đưa máy ảnh lên bấm liền hai kiểu. Vừa chụm củi đun nước, anh Mười Tý vừa phân trần: “Sắp nhỏ đứa đi làm, đứa đi học, còn bả đi chợ trưa mới về. Bữa nay, tụi mình phải làm chủ lực vậy”.

 

Khô cá sặc, mắm thái trộn đu đủ, chuối chát, khế chua cùng với ly rượu thuốc càng làm cho câu chuyện đánh tàu thêm sôi nổi, lôi cuốn. Tôi được dịp hỏi phăng tới, anh Mười Tý lúc trầm ngâm, lúc bồi hồi nhớ lại: “ Một tháng trời ở xã Bàn Long, Phú Phong thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi vẫn không làm sao tiếp cận được mục tiêu nên xin chuyển hướng sang Bến Tre. Lại hơn một tháng lúc thì ở xã Phú Túc, Phú Đức lúc ở An Khánh cũng đành bất lực vì phần thì địch canh phòng nghiêm ngặt, phần ở xa mục tiêu. Cuối cùng, chúng tôi đành quay lại Tiền Giang, liều xin trên cho bám trụ tại cù lao Thới Sơn.”

 

Có nghe anh kể những ngày gian nan, cực nhọc và vô cùng nguy hiểm ở Thới Sơn mới thấm thía mấy chữ “ liều xin trên”. Hồi đó Thới Sơn có hai đồn dân vệ kết hợp với bọn thám báo, biệt kích Mỹ thường xuyên lùng sục, rình rập liên miên. Chỉ cần một sơ hở nhỏ, chúng đánh hơi được là kế hoạch đánh tàu khó lòng thực hiện. Anh kể tiếp: “Có lần tụi tôi bị du kích mình bắt mà không dám phân bua, phải chờ anh Ba Cường, Bí thư chi bộ xã đến nhận về. Không chỉ giữ bí mật với địch mà còn phải giữ bí mật với cả đằng mình. Gần một tháng trời, ba anh em tụi tôi cứ chập tối là ra đi cho đến mờ sáng mới về. Ngày nào cũng ngâm mình dưới nước không dưới 10 tiếng đồng hồ.

 

Cảm giác lần đầu tiên khi tiếp cận mục tiêu ư? Khó nói lắm, cứ nghĩ mình sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Nó to lớn quá, canh phòng nghiêm ngặt quá. Phải mất 21 đêm, tụi tôi mới tìm được hướng vào tiếp cận mục tiêu để quan sát cách bố phòng và quy luật hoạt động của địch. Và, phải mất thêm 2 đêm luồn lách trong nguy hiểm để đo đạc thân tàu về báo cáo với Quân khu tính toán khối lượng chất nổ. Thật lòng khi  nghe đến khối lượng 3 tấn thuốc nổ, tôi đã hoảng hồn. Làm sao mà đưa được một núi chất nổ như vậy vào sát thân tàu trong sự canh phòng nghiêm ngặt của địch? Phải nhớ rằng, không một thuyền bè nào được bén mảng trong vòng 500m. Lệnh của trên là khó khăn thì phải khắc phục, nhưng khắc phục như thế nào là cả một vấn đề nan giải, lòng tôi ngổn ngang trăm mối tơ vò. Nhiệm vụ của chúng tôi lần này là đánh theo yêu cầu của Quân khu chớ không còn đánh theo khả năng như những lần trước. Lúc bấy giờ tôi đang còn là một đảng viên dự bị. Tổ Đảng họp ra quyết nghị bằng mọi giá phải đánh chìm chiếc tàu xáng này cho dù phải tổn thất, hy sinh. Tuy không nói ra bằng lời nhưng thiệt tình, chúng tôi đều có chung một suy nghĩ trận đánh này hy sinh là điều không thể tránh khỏi. Cái chết không làm chúng tôi bận lòng, thiệt đó. Lo lắng nhất của chúng tôi là làm sao đưa được 3.000 ký chất nổ áp sát vào thân tàu. Đến lúc đó thì dù có phải hy sinh, chúng tôi cũng đều mãn nguyện. Cứ thử tưởng tượng xem, một tiếng nổ như trời long đất lở và “thành phố nổi, con quái vật khổng lồ” vụt biến mất trên mặt sông. Sung sướng biết chừng nào và tự hào biết bao nhiêu! Cái chết của chúng tôi dù phải đánh đổi, cũng tợ như lông hồng”.

 

Ba tấn thuốc nổ! Tôi không dám tin ở tai mình, đành hỏi lại: - Anh bảo phải sử dụng hơn ba tấn thuốc nổ ư?

 

Anh cười: - Chú mầy không tin? Cũng chẳng có gì lạ. Ngay chính anh, cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại vẫn còn nghĩ rằng, mình vừa qua một giấc mơ. Anh kể tiếp: “Nhìn khối lượng vật tư được chuyển đến mà phát ngợp. 1 tấn thuốc nổ C4 cực mạnh (tương đương với 2 tấn thuốc nổ TNT), 2 tấn thuốc nổ đen Xen-đít, 3.000 kíp nổ các loại, 1.800 cục pin hiệu con mèo, gần 2.000m dây điện, 1.000m dây dù, 50 cái ruột xe lam, ván dầu, tấm thiếc, bao bố, ni-lông… thôi thì đủ cả, không thiếu một thứ gì đơn vị yêu cầu mà Quân khu không đáp ứng. Và, để vận chuyển khối lượng vật tư khổng lồ này về đến địa điểm tập kết, 1 đoàn dân công hỏa tuyến gần 300 người đã phải vất vả nửa tháng trời, vượt qua không biết bao nhiêu đồn bót địch.

 

Thêm một tháng bắt tay vào công tác chuẩn bị. Hàng chục phương án tác chiến được đưa ra bàn cãi, tính đi, tính lại đến rạc cả người. Cũng may có anh Bảy Chịu, dày dạn kinh nghiệm trong việc đánh mìn trên sông nước. Những phương án anh đưa ra được đúc rút dần để trở thành phương án tối ưu nhất. Nhớ lại mà thương ảnh. Hơn tháng trời ảnh chưa lúc nào ngủ tròn một giấc. Thức để mà chi chú biết không? Trong cuốn sổ tay của ảnh ghi không sót mực nước từng giờ của từng con nước thủy triều lên xuống. Bọn Mỹ không thể ngờ đặc công Việt cộng lại lợi dụng sức nước thủy triều để đưa hàng ngàn ký thuốc nổ lững lờ trôi qua trước mặt bọn chúng, rồi cũng nhờ chính dòng nước thủy triều nhẹ nhàng đẩy 3 tấn thuốc nổ áp sát vào mạn tàu.

 

Kế hoạch được Quân khu chấp thuận, 3 khối thuốc nổ mỗi khối 1 tấn gấp rút được hoàn thành, công phu và tỉ mỉ còn hơn cả bác thợ kim hoàn. Ngoài việc chống thấm, chống va đập còn phải gia giảm lượng trấu trong các bao bố, lượng hơi trong các ruột xe lam sao cho khối chất nổ chỉ được phép  lững lờ chìm cách mặt nước chừng 0,5m.  Mọi việc hoàn tất, chỉ chờ con nước lớn. Tôi không thể nào quên được giây phút thiêng liêng hôm đó. Những cái bắt tay siết chặt như không muốn rời. Những lời chúc thắng lợi, thành công âm hưởng vang vang mà không át được tiếng thở dài cố nén. 20 giờ ngày 1 tháng 10 năm 1966, chúng tôi được lệnh xuất kích. Nguyễn Văn Thượng và Bé Năm (đặc công Mỹ Tho) hỗ trợ chúng tôi đưa 3 khối thuốc nổ qua sông. Nước thủy triều đang bắt đầu lên. Đêm đầy mây và không một ánh sao. Ba khối thuốc nổ mỗi khối dài 2,5m, rộng 1,2m, cao 0,6m, nặng 1 tấn dập dềnh theo con nước thủy triều từ bờ sông Thới Sơn lặng lẽ xuôi dòng sang bờ sông Bình Đức. Thượng và Bé Năm xong nhiệm vụ đã quay về, chỉ còn ba chúng tôi: Bảy Chịu-tổ trưởng, Mười Tý-tổ phó và Đực-tổ viên. Từ đây, mọi đường đi, nước bước đã được tính toán chi li đến từng chi tiết nhỏ nhất. Những ký, ám hiệu phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Thủy triều dâng cao, nước chảy mạnh. Phải chịu biết bao vất vả, khó khăn chúng tôi mới điều chỉnh được ba khối thuốc nổ vượt lên trước mũi tàu nơi có đường ống dẫn cát lên căn cứ Đồng Tâm. Đường ống thiệt khổng lồ. Còn nhớ những ngày đi trinh sát, chúng tôi đã chui vào ngồi trong những ống nằm không trên bờ làm nơi trú ẩn và quan sát. Mỗi ống dài 50m, đường kính khoảng 1,2m, đi phải cúi lom khom chớ ngồi thì rất thoải mái. Từ bờ sông ra đến trước mũi tàu, chúng bắc 12 ống (600m) nổi trên mặt nước. Cứ cách 2 ống, chúng lại đặt một trạm gác nổi. Tiếp đến là một cái co dẫn 2 ống (100m) chìm dưới mặt nước đến đầu mũi tàu. Đến giờ phút này, lúc nào chúng tôi cũng nằm trong vòng canh gác của địch vừa vặn 100m. Theo quy luật, 5 đến 10 phút chúng lại ném một loạt lựu đạn ra xung quanh. Đây là loại lựu đạn hơi (MK3) có sức ép rất mạnh. Vì vậy, chúng tôi chỉ được phép vượt qua từng trạm trong vòng 5 phút. Và, phải tính toán sao cho khi ra đến cái co trước mũi tàu, là vừa vặn lúc nước thủy triều đang bắt đầu xuống. Sớm hay muộn so với thời khắc quan trọng này, đều ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của trận đánh. Nói như vậy để chú biết, đầu óc của chúng tôi phải căng ra tính toán một cách căng thẳng như thế nào. Cái chết của chúng tôi lúc đó không còn nghĩa lý gì. Chúng tôi chỉ sợ mình không hoàn thành nhiệm vụ. Biết bao công sức của đồng đội, đồng chí, bao niềm tin, hy vọng của lãnh đạo, chỉ huy, của nhân dân đang trông chờ vào những giây phút quyết định này.

 

Thủy triều chững lại, nước đứng. Chúng tôi bắt đầu vượt qua các cửa ải tử thần. Một…hai…ba…chúng tôi đã vượt qua 5 trạm gác một cách an toàn, trót lọt. Không khác gì ngày xưa Quan Công vượt qua 5 cửa ải. Khác chăng là chúng tôi không chém tướng mà chỉ để nhấn chìm hàng trăm tên cướp Mỹ xâm lược cùng với các phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại nhất của chúng xuống tận đáy sông Tiền, con sông lịch sử đã từng nhấn chìm hàng trăm chiến thuyền quân Xiêm xâm lược.

 

Nước bắt đầu chảy nhẹ dưới chân. Sau khi kiểm tra lại ống kỹ thuật cá nhân và chờ cho địch ném một loạt lựu đạn xuống, chúng tôi phụ với dòng nước đẩy 3 khối thuốc nổ theo đường ống chìm tiến thẳng tới trước mũi tàu. Tại đây, theo kế hoạch đã phân công, anh Bảy Chịu và Đực đưa 2 khối thuốc nổ áp vào hông tàu phía Bình Đức, tôi đưa khối thuốc nổ còn lại vòng qua áp vào hông tàu phía Bến Tre. Sau gần một giờ thao tác, cài đặt và kiểm tra lại đường dây điện, cả ba chúng tôi đều có mặt tại điểm hẹn đầu mũi tàu. Tin hay không tùy chú, chớ ba anh em chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau mà khóc dưới mặt nước.

 

Tôi là người hạnh phúc nhất khi được phân công ở lại điểm hỏa. Tháo dần từng vòng dây điện rời xa mục tiêu, lòng tôi cứ lâng lâng một niềm vui khó tả. Vinh dự và tự hào lắm chú ơi! Và thú thiệt, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nó chỉ thoáng qua nhưng ám ảnh tôi một cách ghê gớm. Trong lòng vừa hồi hộp, vừa xen lẫn một chút lo âu, lỡ như có một chút trục trặc nào? Dây điện vẫn còn và tôi biết mình đang ở trong vòng nguy hiểm. Mặc, lòng tôi như đang có lửa đốt. Nhô đầu lên nhìn mục tiêu lần cuối, tôi thấy nó vẫn sừng sững giữa sông. Không còn do dự được nữa, tôi cầm hai mối dây điện nhích lại gần. Đồng hồ tay chỉ 4 giờ 30 phút, tôi ghì chặt hai mối dây điện vào nhau. Không nghe tiếng nổ, tôi chỉ kịp nhìn thấy một ánh chớp sáng lòe và một cột nước dựng cao, sau đó là sức ép và sóng nước đánh dạt tôi đi. Toàn thân tôi ê ẩm, ngực tức, tai ù, nhức đầu và khó thở một cách kinh khủng.

 

Tôi không nhớ mình đã về đến điểm xuất phát bằng cách nào. Chỉ còn mang máng nhớ mọi người ùa ra đón tôi vừa cười, vừa khóc. Vì ai cũng nghĩ rằng, tôi đã hy sinh”.

 

Hết chuyện đánh tàu, đến chuyện làm ăn, nghe anh kể mà lòng tôi rưng rức, cuộc đời anh bình dị đến không ngờ. Chiến tranh kết thúc, anh chuyển qua công tác rà phá tháo gỡ bom, mìn, sau lại được điều về làm Bí thư xã Tân Long. Xã Tân Long lúc bấy giờ chưa có chính quyền, không một đảng viên, phải điều lực lượng quân sự qua. Xây dựng, củng cố xã xong, anh mới thôi cuộc đời làm lính. Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, cho đến giờ phút này, anh vẫn chưa được một giây phút nào ngơi nghỉ. Hết làm công an ấp, lên làm cán bộ thông tin xã, rồi Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, rồi ủy viên Hội đồng nhân dân kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Chất lính ngồn ngộn cứ cuốn hút anh đi, không nề hà một khó khăn nào, không có nhiệm vụ nào Đảng giao mà anh từ chối. Từ năm 1995 đến nay, anh là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành. Dọc đường về, tôi nói với anh Hồ Bé: “Dũng sĩ đánh tàu của ta đâu còn thì giờ để làm kinh tế, không khá là vậy. Trọn cuộc đời lúc nào cũng vì dân, vì Đảng, ở thời buổi kinh tế thị trường này, cũng đáng được coi là một huyền thoại, phải không anh?”

Đậu Viết Hương
Số lần đọc: 2683
Ngày đăng: 24.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngọn sóng Rạch Gầm - Hoài Giang
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến với bạn đọc 120 nước như thế nào? - Huỳnh Hùng Lý
Bò Ba Tri - đủng đỉnh nên giàu - Từ Phạm Hồng Hiên
Sống lại những làng dừa - Phan Lữ Hoàng Hà
Số phận con gái của một bà mẹ Việt Nam anh hùng - Trầm Hương
Người ở mom sông - Trầm Hương
Người đàn bà điên - Trầm Hương
Vượt biển (1) - Thanh Giang
Thời cầm súng - cầm bút - Thanh Giang
Sông Rồng lắng sóng đất Thăng Long - Thanh Giang