Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
723
116.601.307
 
Sống lại những làng dừa
Phan Lữ Hoàng Hà

Phóng sự

 

Nhiều năm qua, nông dân miệt vườn Bến Tre luôn đứng trước ngã ba đường là trồng cây gì cho bền vững. Gần đây, nhờ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng từ dừa, giá trị đích thực của trái dừa đang dần được xác định, mở ra tương lai đầy triển vọng cho người trồng dừa. Nhưng lúc này đây, bài toán nguyên liệu đang đặt ra thật gay gắt với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa.

 

CÒN ĐÓ CƠN SỐT DỪA

 

Trả lời câu hỏi của tôi : vì sao những vườn dừa ở Bến Tre đã qua rồi thời điểm dừa treo trong năm (tháng 6,7,8) thế nhưng những nhà máy sản xuất, chế biến dừa tại tỉnh hiện vẫn đói nguyên liệu dừa để hoạt động ?  Ông Hà Vĩnh Hoà, Giám đốc Công ty sản xuất-kinh doanh-xuất nhập khẩu Trúc Giang(TREXIMCO)-một đơn vị đầu đàn của ngành dừa Bến Tre-cho biết : “Cuộc chiến’’ giữa những nhà sản xuất cơm dừa nạo sấy xuất khẩu liên doanh tại Bến Tre và sản xuất sữa dừa tại Trung Quốc (chủ yếu ở Hải Nam) vẫn diễn ra quyết liệt, gay gắt. Đây là nguyên do chính của những nguyên do góp phần đẩy giá dừa lên cao, nó giúp cho nông dân trồng dừa đang có lợi nhưng ngược lại thì các doanh nghiệp chế biến dừa phải chạy nứơc rút mới mong có đủ nguyên liệu để sản xuất.- ông Hà Vĩnh Hoà thổ lộ- Từ tháng 10-2003 đến tháng 1-2004, 3 nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy của TREXIMCO liên doanh với  Tập đoàn Silvermill (Sri Lanka) phải tạm ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu và hiện nay ( tháng 5-2004) các nhà máy vẫn chạy cầm chừng. Nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy Malaysia và trên 10 doanh nghiệp lớn nhỏ khác nữa tại địa phương cũng lâm chung tình trạng thiếu nguyên liệu tương tự- ông Hoà nhấn mạnh- Trái dừa đang lên ngôi. Cây dừa quê nhà đầy triển vọng. Song bên cạnh niềm vui đó, để trái dừa giữ ngôi mãi, vấn đề là làm sao có đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dừa xuất khẩu tại nội địa phát triển sản xuất. Nghĩa là, làm sao cho dừa khô bớt chạy sang Trung Quốc mà người trồng dừa vẫn có lợi từ giá bán dừa. Đây là bài toán bức xúc đang đặt ra cho ngành dừa không chỉ riêng Bến Tre.”

 

Hiện nay, diện tích dừa ơ nước ta khoảng 170.000 ha, tổng sản lượng khoảng 700 triệu trái, trong đó diện tích vườn dừa tại Bến Tre được trồng tập trung với trên 35.000 ha, sản lượng hàng năm trên 230 triệu trái. Có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa tại Bến Tre vừa xuất dừa khô nguyên trái sang Trung Quốc, lại vừa “ la làng’’thiếu nguyên liệu dừa để sản xuất. Tôi hỏi giám đốc TREXIMCO, ông Hà Vĩnh Hoà, theo ông, ông muốn giữ dừa lại để sản xuất, chế biến ra nhiều mặt hàng ngay tại địa phương hay xuất dừa thô sang Trung Quốc, lấy tiền đồng gọn hơ ? Ông Hoà giải bày : “ Giữ lại để sản xuất, càng nhiều càng tốt. Vì lẽ, hiện một trái dừa loại 1 (1,1 kg) giá bán cho các tàu xuất sang Trung Quốc là 1.870 đồng, trong khi đó, nếu một trái dừa được chế biến tối đa tại chỗ sẽ nâng giá trị toàn diện trên một trái dừa là 6.000 đồng. Những mặt ấy trước mắt gồm : Cơm dừa để sản xuất cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, kẹo dừa (…); xơ dừa làm chỉ xơ dừa xuất khẩu-một mặt hàng đang xuất chạy như tôm tươi; gáo dừa dùng sản xuất than thiêu kết, than hoạt tính, làm hàng thủ công mỹ nghệ dừa-loại hàng phục vụ du lịch, hiện được du khách rất ưa chuộng; mụn dừa làm đất sạch trồng cây; nước dừa làm thạch dừa và nhiều mặt hàng khác nữa. Đó là chưa kể vấn đề giải quyết lao động tại địa phương- ông Hoà tiếp lời - Chỉ riêng TREXIMCO hiện giải quyết 3.000 lao động có việc làm ổn định, 3 nhà máy của công ty liên doanh với Silsermill (Sri Lanka) với trên 400 lao động (thu nhập khá). Và trên toàn tỉnh Bến Tre, ngành sản xuất, chế biến dừa đang thu hút trên 30.000 lao động, đặc biệt phần lớn là người nghèo ở nông thôn…’’. “ Vậy tại sao công ty của ông vẫn xuất dừa thô sang Trung Quốc và nghe phong thanh đâu vừa qua xứ dừa(Bến Tre) lại nhập dừa ?”-tôi hỏi ông Hoà. Ông Hoà nói, nếu công ty ông không xuất thì các công ty, doanh nghiệp khác tại Bến Tre vẫn xuất dừa sang Trung Quốc. Còn ngoài tỉnh, ví như Công ty Trà Bắc (Trà Vinh), Công ty Dầu thực vật Tiền Giang…họ vẫn xuất dừa. Cơn sốt nguyên liệu dừa vì vậy cứ nóng dần lên. “ Xứ dừa nay lại nhập dừa’’ ? Thật ra đó chỉ là nhập thử nghiệm (cuối năm 2003) để sản xuất cơm dừa nạo sấy. Số lượng dừa nhập  nói trên không lớn, chỉ 25.000 trái, từ Sri Lanka. Tuy nhiên qua sản xuất thử, việc nhập dừa không mang lại hiệu quả kinh tế cao vì cước phí vận chuyển xa, tỷ lệ dừa hao hụt cao, chất lượng của dừa nhập về không cao so với dừa tại Bến Tre. Tóm lại, nhập dừa không phải do Bến Tre thiếu nguyên liệu nhưng vào thời điểm đó giá dừa nội địa lại cao hơn so với giá dừa tại Sri Lanka, Indonesia (do Trung Quốc ăn hàng dừa Việt Nam quá mạnh)…’’.

 

Nguồn nguyên liệu dừa cung cấp cho sản xuất tại chỗ(chủ yếu sản xuất cơm dừa nạo sấy) và xuất sang Trung Quốc (chủ yếu sản xuất sữa dừa) đang diễn biến như sau :  Chỉ 3 nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy của TREXIMCO liên doanh với Silvermill hiện hàng năm cần đến trên 100 triệu trái dừa, các nhà máy lớn nhỏ khác cần thêm khoảng 80 triệu trái nữa, tổng cộng : khoảng 180/ 230 triệu trái dừa của Bến Tre/ năm. Dừa khô xuất sang Trung Quốc : hàng năm Bến Tre xuất  từ 80 -100 triệu trái (không kể xuất sang Hàn Quốc), cộng khoảng 100 triệu trái dừa ngoài tỉnh ( Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long…) “ quá giang’’vào Bến Tre để xuất sang Trung Quốc. Như vậy, số dừa xuất thô đang ngang ngữa với số dừa sản xuất, chế biến tại chỗ. Với mặt hàng cơm dừa nạo sấy-một mặt hàng đang mở rộng được nhiều thị trường trên thế giới- giá cả tuỳ thuộc vào thị trường thế giới. Còn mặt hàng sữa dừa, tuy không “ ồn ào ’’như cơm dừa nạo sấy nhưng người dân Trung Quốc rất ưa thích sữa dừa, thị trường lại trên một tỷ dân, cho nên sức tiêu thụ sữa dừa thật bao la. Do đó, nếu các nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy tại nội địa mua dừa giá 1.500- 1.600 đ/ trái như hiện nay thì các tàu ăn hàng dừa xuất sang Trung Quốc sẵn sàng nhích lên 1.700- 1.800 đ/ trái.

 

NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ ?

 

Nông dân trồng dừa cho rằng do có cạnh tranh trong thu mua nên nguyên liệu dừa mới lên cơn sốt  và nhờ vậy mà nông dân bán dừa được giá. Và, hiệu quả nhãn tiền là nông dân đang trở lại gắn bó với vườn dừa mà có thời nhiều người đã đành đoạn đốn bỏ để trồng loại cây khác (!)Một chủ vườn dừa thổ lộ : “ Nông dân có dừa bây giờ…rành sáu câu. Vầy nhé, nếu bán dừa khô cho Trung Quốc, người ta tước hết, lấy lại hết phần xơ dừa để bán cho các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu chớ đâu “đẩy hết’’ vừa trái vừa xơ như trước đây. Hiện xơ dừa cũng đang có giá. Cái này góp gió thành bão nghen…’’. Ngược lại, các doanh nghiệp chế biến dừa thì có ý kiến là nên hạn chế việc xuất khẩu dừa khô bằng cách đánh thuế xuất khẩu dừa. Các doanh nghiệp trình bày : Không có hoặc không đủ nguyên liệu cho các nhà máy chạy, nhà máy ngưng hoạt động, ngành sản xuất, chế biến dừa nội địa tê liệt; lúc đó các tàu mua dừa xuất sang Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường thu mua dừa (ý nói độc quyền) và rồi họ sẽ quay lại ép giá nông dân, mua dừa 500- 700 đ/ trái như trước đây. Với suy luận trên, hầu hết  nông dân trồng dừa phản đối, họ bộc bạch : “ Sao mấy ổng (doanh nghiệp) không nói ngược lại, tức khi mấy ổng nắm nguồn nguyên liệu, thì nông dân sẽ bị khống chế giá dừa từ 1600 đ/ trái trở xuống do chẳng còn ai cạnh tranh mua dừa !’’.

 

Rõ ràng nếu nguyên trái dừa được sản xuất, chế biến ra nhiều mặt hàng ngay nội địa, giá trị trên một trái dừa sẽ được nâng lên rất cao. Đó là chưa kể ngành dừa góp phần giải quyết số lớn lao động nghèo tai địa phương có công ăn việc làm. Có điều, ở ta, hiện các khâu sản xuất, chế biến dừa đều riêng rẻ nhau;  mỗi đơn vị, nhà máy sản xuất một mặt hàng nên không thể mua dừa đúng giá trị đích thực của nó, thành ra giảm sức cạnh tranh trước nguồn nguyên liệu dừa chạy sang Trung Quốc. Ngược lại nếu chúng ta có được nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất, chế biến dừa với qui mô lớn, liên hoàn khép kính từ khâu sản xuất chỉ xơ dừa, mụn dừa, ván ép dăm chỉ xơ dừa…; thạch dừa; than thiêu kết, than hoạt tính (từ miễng gáo dừa); hàng thủ công mỹ nghệ dừa; cho đến sản xuất cơm nạo sấy hoặc sữa dừa, hẵn nhiên yếu tố cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu dừa sẽ được nâng lên, sẽ không sợ chi cảnh dừa khô…lăn qua biên giới nữa.

 

Hiện nay, cây dừa đang có thế đứng đầy triển vọng -ông Hà Vĩnh Hoà nói - Tại các hội nghị về dừa do Hiệp hội Dừa châu Á-Thái Bình Dương tổ chức, để tuyên dương cây dừa, các nước dự hội nghị đều có riêng thuật từ  biểu cảm cho dừa. Đó là : “ cây triển vọng’’, “ cây của sự sống’’, “ cây phát triển’’, “ cây của sự thịnh vượng’’ và cây dừa là một “ siêu thị của thiên nhiên ’’. Với Bến Tre- tỉnh có diện tích và số lượng dừa thu hoạch hàng năm lớn nhất nước - để những vườn dừa phát triển bền vững, thiết nghĩ trước hết cây phải được đưa vào danh sách cây công nghiệp quốc gia; các cơ sở sản xuất các mặt hàng từ dừa được miễn, giảm thuế, được vay vốn ưu đãi cho sản xuất; các mặt hàng từ dừa xuất khẩu được hưởng chính sách thuế ưu đãi của Nhà nước. Phần khác, Bến Tre cần thành lập Hiệp hội Dừa để qua đó nông dân được đầu tư chiều sâu trong nâng cao chất lượng vườn dừa và Hiệp hội cũng sẽ là đầu mối giữa nhà doanh nghiệp với người trồng dừa nhằm điều phối nguồn nguyên liệu để cùng nhau phát triển. Trước mắt, ông Hà Vĩnh Hoà cho biết, tháng 6-2004, Công ty liên doanh dừa Phú Hưng(TREXIMCO)-SILVERMILL(Sri Lanka) sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất cơm dừa nạo sấy chất lượng cao thứ 3, nâng nhu cầu dừa cho sản xuất từ 50 triệu trái lên 100 triệu trái/năm. Để bảo đảm cho 3 nhà máy hoạt động lâu dài, Công ty đang gắn kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu trái dừa trên diện tích 15000 ha tại Bến Tre; qua đó Công ty sẽ hỗ trợ phân bón cho người trồng dừa, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn dừa tạo năng suất cao. Đồng thời Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao, tránh cho nông dân khi bán sản phẩm phải qua nhiều trung gian như hiện tại. Được biết, hiện nay, qua trung gian thì mỗi trái dừa bị “chặt”mất từ 300-400 đồng!..Một tin vui khác chúng tôi vừa nhận. Đó là ngày 11-5-2004, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành chính sách ưu đãi đối với ngành chế biến dừa. Theo đó, các cơ sở sản xuất, chế biến sử dụng nguyên liệu chính từ thân dừa, trái dừa sẽ được xem xét hỗ trợ vay vốn tín dụng trong sản xuất, vốn đầu tư trang thiết bị, công nghệ; hỗ trợ đào tạo tay nghề cho người lao động; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất hộ gia đình tạm thời sẽ được miễn thuế…/

Phan Lữ Hoàng Hà
Số lần đọc: 2988
Ngày đăng: 19.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Số phận con gái của một bà mẹ Việt Nam anh hùng - Trầm Hương
Người ở mom sông - Trầm Hương
Người đàn bà điên - Trầm Hương
Vượt biển (1) - Thanh Giang
Thời cầm súng - cầm bút - Thanh Giang
Sông Rồng lắng sóng đất Thăng Long - Thanh Giang
Đêm trăng non Gò Tháp - Thanh Giang
Mẹ tôi - Thanh Giang
Bông Huệ đỏ - Thanh Giang
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy