Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
727
116.007.220
 
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đến với bạn đọc 120 nước như thế nào?
Huỳnh Hùng Lý

Người ta thường nói: Lịch sử không bao giờ lặp lại. Nhưng thật vô cùng kỳ thú là trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân ta đã hai lần đánh to, thắng lớn, đè bẹp kẻ thù xâm lược, buộc chúng phải cuốn cờ tháo chạy nhục nhã với bao thất bại về quân sự, chính trị, ngoại giao. Đó là trận đại thắng Điện Biên, kết thúc số phận của chủ nghĩa thực dân cũ mà Pháp là tên đế quốc đứng đầu và chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, làm tan rã chủ nghĩa thực dân mới và Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ. Cả hai chiến dịch đều bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 5, đều có lịch trình chiến đấu trong thời gian hơn 55 ngày: Điện Biên Phủ từ 11-3 đến 7-5-1954 (57 ngày đêm), chiến dịch Hồ Chí Minh từ 4-3 đến 1-5-1975 (58 ngày đêm). Trong 57 ngày đêm, quân và dân ta đã tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm cực kỳ kiên cố của quân đội Pháp ở Điện Biên, một điểm chốt chiến lược của quân xâm lược Pháp để từ đó đánh ra, lấn chiếm bất cứ nơi nào trên cả ba nước Việt - Miên - Lào. Trong 58 ngày đêm, dân và quân ta đã tiến quân thần tốc, với cả thiết giáp, xe tăng, trọng  pháo và sau cùng với cả máy bay, cả ba thứ quân: Chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích, kết hợp với lực lượng nổi dậy của quần chúng ở các vùng tạm bị chiếm, các thị trấn, đô thị..., giải phóng hoàn toàn các tỉnh từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Trung và Nam Trung bộ, tất cả các tỉnh Nam bộ từ miền Đông, miền Trung và miền Tây với tất cả hơn một ngàn hải đảo lớn nhỏ. Qui mô, tiến trình và hiệu quả của hai trận chiến có khác nhau nhưng âm vang thì dù ở hai thời kỳ khác nhau đều vẫn lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đều được các nhà quân sự trên thế giới coi là "chuyện thần kỳ ở thế kỷ 20", là "một phát minh mới của thời đại".

Trong cuộc đời làm báo hơn nửa thế kỷ qua, tôi đã được theo dõi và phản ánh cả chiến dịch Điện Biên trên các trang báo Nhân dân miền Nam, cơ quan của Trung ương cục miền Nam, mà tôi là Thư ký Tòa soạn và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trên các trang báo đối ngoại của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng báo miền Nam Việt Nam chiến đấu xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh tôi là Tổng Biên tập.

 

Trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã giới thiệu với bạn đọc các trang báo tuyên truyền cho chiến thắng lẫy lừng ấy trong bài: "Cách đây 50 năm, lừng lẫy Điện Biên trên báo Nhân dân miền Nam xuất bản ở rừng U Minh". Riêng trong bài này, tôi xin điểm lại các trang báo Miền Nam Việt Nam chiến đấu (Sud Viet Nam en lutte - South Viet Nam in Struggle) xuất bản ở chiến khu đã tuyên truyền ra nước ngoài, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn nửa nước từ sông Hiền Lương đến tận Mũi Cà Mau.

 

Khác với báo Nhân dân miền Nam phải ra 30 trang khổ nhỏ (24 x 16)  in trên giấy xấu, báo Miền Việt Nam chiến đấu ra hàng tuần, mỗi số 8 trang in trên giấy tốt, rất trắng và mỏng, khổ (16 x 40) rất tiện lợi cho việc phát hành đến hơn 120 nước, khu vực trên thế giới với số lượng hơn 100.000 tờ/mỗi thứ tiếng Anh, Pháp/mỗi kỳ. Riêng trong thời gian chiến dịch Hồ Chí Minh, từng số chúng tôi đều phải tăng trang lên 10 đến 12 hoặc 16. Số đầu tiên tuyên truyền cho chiến dịch Hồ Chí Minh là số 294 ra ngày 31-3-1975. Ngoài các chuyên mục thường kỳ như: trang quốc tế, trang Lào, Miên, trang Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số trang còn lại đăng Thông cáo về chiến thắng Tây Nguyên, bài Thành phố Buôn Mê Thuột giải phóng, ảnh nhân dân Tây Nguyên múa hát mừng chiến thắng, bài xã luận: Những chiến thắng có tầm cao chiến lược, bài Tây Nguyên giàu có và anh hùng, bài Giở lại các trang tội ác của Mỹ Thiệu ở Tây Nguyên. Bên ngoài bìa đăng bản đồ của cả miền Nam Việt Nam với các trận đánh ở tất cả các địa phương với những dòng tựa lớn: Thắng lớn của các lực lượng vũ trang giải phóng:

 

+ 7 tỉnh hoàn toàn giải phóng.

 

+ Hơn 120.000 quân địch loại khỏi vòng chiến đấu.

 

+ Hơn một triệu dân nổi dậy giành chính quyền.

 

Các số báo ra sau số 294 kế tiếp phản ánh các chiến thắng dồn dập của quân và dân ta ở Trung bộ. Với hình ảnh cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang phất phới trên cột cờ Cố đô Huế, dưới những dòng tít lớn "Huế và Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng", số báo 295 đăng ở giữa 2 trang ảnh quân và dân Huế chiến đấu, nổi dậy và chiến thắng, trên những chiếc xe tăng của ta và xe cướp được của giặc reo vui, tay phất cao cờ, vượt qua cầu Tràng Tiền, vượt dòng sông Hương. Bên cạnh bản đồ các trận đánh Thành phố Huế, Thành phố Đà Nẵng... trên trang 4, dưới tựa đề "Chiến thắng vang dội ở Trung bộ":

 

- Giải phóng hoàn toàn các Thành phố Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang.

 

- Các tỉnh: Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Đức, Quảng Đà, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng và Khánh Hòa.

 

Tiếp đó là cuộc tiến quân vào giải phóng Ninh Thuận với các bài: Huyện Tiên Phước kiến lập cuộc sống mới, Cảng Cam Ranh và tin Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập trên số báo 297 ra ngày 21-4-1975.

 

Ngày 28-4, trong số báo 298, báo đã đăng tin tỉnh Bình Thuận và Xuân Lộc được giải phóng và hai trang ảnh hoạt động của quân và dân các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong cuộc chiến tranh giải phóng và xây dựng nếp sống mới. Báo còn đăng bài của Nguyễn Thành Trung, trung úy phi công quân đội Sài Gòn trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Giải phóng nói rõ vì sao ông đã ném bom Dinh Độc Lập và phản ánh hoạt động của quân và dân ta ở các vùng vừa được giải phóng.

 

Số báo 299 ra ngày 5-5 với 16 trang đã in ở trang bìa những dòng chữ lớn màu đỏ. Đến 1-5, miền Nam Việt Nam đã được hoàn toàn giải phóng. Bên dưới là ảnh xe tăng quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập với lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang được giương cao với dòng chú thích: Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Quân giải phóng đã tiến vào Dinh Độc Lập. Số báo đã giành các trang tường thuật cuộc ném bom Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ Ngụy ở sân bay Tân Sơn Nhất, cuộc tháo chạy của quân Mỹ với 60 máy bay lên thẳng, 18 máy bay vận tải C.130 và 40 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 trong 4 ngày.

 

Trên trang 6 là bản đồ trận tiến công vào thành phố Sài Gòn dưới những dòng tít lớn: Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.

 

- Thành phố Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn giải phóng.

 

- Đúng 11 giờ 30, cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phất phới bay trên nóc Dinh Độc Lập và khắp các phố phường Thành phố.

 

Ở các trang sau, báo đăng tiếp: Nhận lệnh của Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam; Chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở những vùng mới giải phóng; bài Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trên cả 2 trang liền.

 

Báo cũng đăng Thông báo của Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời về tài sản của chính quyền Thiệu ở nước ngoài, về các cơ quan ngoại giao của chính quyền Thiệu ở các nước.

Trang 7 và 8 số 301 - 302 báo đăng tường thuật Lễ mừng chiến thắng trước Dinh Độc Lập với sự có mặt của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... cùng lễ mừng chiến thắng ở Hà Nội tại sân vận động Hàng Đẫy với sự có mặt đông đủ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn... và hơn 700.000 nhân dân Thủ đô.

 

Sau ngày giải phóng, quân dân ta và các Ủy ban Quân quản còn bao nhiêu việc phải làm để ổn định tình hình. Tất cả các hoạt động đó đều được phản ánh đầy đủ trên báo "Miền Nam Việt Nam chiến đấu" từ số 300 đến cả mười số về sau. Đặc biệt trong số 301 - 302 ra ngày 19-5, báo đăng bức ảnh Bác Hồ đang tưới cây vú sữa với lời chú thích: "Miền Nam luôn trong trái tim tôi".

 

Ngày 19-5 là ngày sinh nhật Bác Hồ nên ngoài các bài về cuộc chiến đấu và nổi dậy giải phóng miền Nam Việt Nam của quân dân ta như: Lịch trình diễn tiến của chiến dịch Hồ Chí Minh, mục tiêu: Sài Gòn của Nguyễn Trần Thiết, Cuộc ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, Niềm vui giải phóng Sài Gòn ở quê hương Bác,... báo còn đăng nhiều bài về Bác Hồ như: Một cuộc gặp khó quên (về cuộc gặp giữa Bác Hồ và bác sĩ Phùng Văn Cung). Những lần được gặp Bác của bà Nguyễn Thị Định, lúc bấy giờ đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp PNGP miền Nam Việt Nam và Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam; Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam Việt Nam; bài của đồng chí Hoài Thanh: Miền Nam Việt Nam trong trái tim của Bác...

 

Báo "Miền Nam Việt Nam chiến đấu" có bộ phận phát hành riêng ở bên cạnh cơ quan Phái đoàn thường trú của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hà Nội. Thư từ giao dịch với bạn đọc trên khắp năm châu đều qua địa chỉ: HT 1217-SVN-C% Dazimina 19 Hai Bà Trưng - Hà Nội.

 

Báo rất được bạn đọc ở nhiều nước hoan nghênh. Chúng tôi cũng có một số cộng tác viên ở các nước Xã hội Chủ nghĩa, ở thế giới thứ 3, ở cả Anh, Pháp, Mỹ, Canada... như Lon Luce (Mỹ), Logos Laszlo (Hunggari), CH.Natsagdorj (Mông Cổ), Fran Hellens (Bỉ), Stern Mehren (Na Uy), Rafael A Berti (Tây Ban Nha)... Thư từ, bài vở của họ cũng qua địa chỉ trên.

 

Làm báo trong các thời kỳ có chiến dịch đánh to thắng lớn như chiến dịch Hồ Chí Minh thì thật là kỳ thú hơn bất cứ lúc nào. Chúng tôi luôn luôn bận rộn, có khi vừa viết xong bài, đã cho dịch sang cả tiếng Anh và tiếng Pháp thì lại phải gác lại, vội vàng chuẩn bị tin bài, ảnh cho mấy chiến thắng khác lớn hơn. Có khi ma kết đã bố trí bài ấy ở trang bìa, sau phải đưa vào trang trong, nhường chỗ cho tin hoặc ảnh khác quan trọng hơn, thời sự hơn. Trong thời gian làm các số báo trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiều lúc chúng tôi không thể về nhà ăn cơm, chỉ qua loa một khúc bánh tét hay tô bún cho xong bữa. Để đảm bảo tính thời gian cho các số báo, nhiều lúc chúng tôi phải làm việc cả ban đêm, có khi thức cả đêm để theo dõi sửa mo-rát cho báo in đúng hạn, kịp thời phát hành đúng lịch vì báo phải phát hành bằng máy bay đi các nước.

 

Làm báo ở những lúc ấy rõ ràng là rất vất vả, cực khổ căng thẳng nhưng từ già đến trẻ, nam cũng như nữ từ cán bộ biên tập đến anh chị em nhà in, phát hành không thấy ai có phiền hà về bất cứ việc gì. Nhờ vậy công việc của chúng tôi luôn luôn đảm bảo đúng thời gian nên rất được bạn đọc ở các nước rất hoan nghênh. Nhiều độc giả đã gửi thư khen chúng tôi, góp ý với chúng tôi, có bạn còn gửi ủng hộ tiền hoặc gửi cả quà tặng.

 

Làm báo như vậy thì quả là tâm đắc và kỳ thú.

Huỳnh Hùng Lý
Số lần đọc: 3160
Ngày đăng: 19.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Số phận con gái của một bà mẹ Việt Nam anh hùng - Trầm Hương
Người ở mom sông - Trầm Hương
Người đàn bà điên - Trầm Hương
Vượt biển (1) - Thanh Giang
Thời cầm súng - cầm bút - Thanh Giang
Sông Rồng lắng sóng đất Thăng Long - Thanh Giang
Đêm trăng non Gò Tháp - Thanh Giang
Mẹ tôi - Thanh Giang
Bông Huệ đỏ - Thanh Giang
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy