Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
668
116.004.229
 
Ngày này, năm…
Nguyễn Đạt

 

Tặng tôi một thuở, và…

 

Tôi xin thề với mọi người, chả có gã điên khùng nào lại không tự cho rằng mình chả điên khùng gì hết…, Đăng nói. Anh ta thề thốt với mọi người như vậy, quanh bàn cà phê có cả thảy ba hoặc bốn người. Nói bốn người, nếu tính gộp anh ta, và cả tôi nữa. Tôi cho rằng anh ta có dư tư cách để nói vậy. Cái thời đi lính ấy mà, anh ta từng được hay bị đưa vào chữa bệnh ít nhất một hai năm ở một trại tâm thần; dĩ nhiên trại tâm thần của quân đội. Hết thảy những gã điên khùng trong Trại Thần Kinh Tâm Lý của Tổng Y Viện Cộng Hòa đều điên khùng một trăm phần trăm; có gã nào nhẹ nhất cũng phải điên tới chín mươi phần trăm, quarante-vingt-dix-pour-cent. Đăng nói tiếp. Anh ta nói rõ ràng rành mạch; duy cái tật của anh ta, là ưa phụ chú tiếng Tây.

 

Một người trong bàn hỏi: “Thế hồi đó bạn có tự cho rằng mình không điên; rằng mình vẫn bình thường như mọi người?” “Tôi ấy à, tôi chả điên gì hết, kể cả bây giờ lẫn hồi đó. Chú tôi, nhà văn lừng lẫy thuở đó, vốn quen thân với lão trưởng trại tâm thần; ông xin cho tôi vào đó để được ra khỏi quân đội, nghĩa là được giải ngũ. Điên mà còn đi lính cái quái gì nữa.” Nói xong, Đăng tới cái xe hiệu Spacy, mở cốp xe lấy ra một quyển vở học trò. Anh ta chìa quyển vở lật sơ mấy trang trước mặt các bạn: “Tôi có ghi chép những ngày sống trong trại tâm thần khỉ gió ấy, trong quyển vở học trò này…” Tôi hỏi mượn quyển vở; anh ta liền mang ra tiệm photocopy gần quán cà phê; chụp lại đủ ba bản, mang về tặng mỗi người một bản.

 

Tôi ghi chép ở dưới, nguyên văn nội dung trong quyển vở; hy vọng có thể xem đây là bằng chứng của một người hoàn toàn bình thường. Một người từng sống trong trại tâm thần tới một hai năm, được hay bị chứng nhận là một kẻ chẳng bình thường; hơn thế nữa, một gã điên khùng. Tâm thần phân liệt. Système nerveux schizophrénique.

 

*

Ngày này, năm…

 

Bệnh viện rộng rinh: những lối nẻo, khu trại, nhà nguyện, quầy thuốc, quầy hàng ăn uống… Bệnh nhân không được đi lại tùy tiện; ít nhất, theo tôi biết, những bệnh nhân trại tâm thần. Ấy tuy nhiên anh chàng nằm giường số 10 vẫn thoát ra, ngang nhiên đi lại dưới những vòm cây, đọc thơ tân-hình-thức và, cuối cùng rình rập gì đấy ở khu vực nhà-vĩnh-biệt.

 

Tôi cũng thoát ra, rình rập trước cửa quầy hàng ăn uống. Những chàng trai phong nhã, những cô gái xinh đẹp ra vào tấp nập; họ là những thân nhân của người bệnh. Và khi ở quầy hàng ăn uống đi ra, họ gặp tôi bất ngờ; hoặc tôi đưa bàn tay đẩy cây tăm vào sâu trong miệng họ, hoặc tôi rút chúng ra liệng xuống đất. Họ, ít ra là một số đáng kể trong họ, luôn luôn ngậm cây tăm trên miệng khi bước ra khỏi quầy hàng ăn uống; thủng thẳng bước ra và còn đi dong dạo trên những lối nẻo đầy tàng cây bóng mát của bệnh viện. Tôi vẫn tự hỏi, họ còn tiếp tục ngậm cây tăm đến bao giờ, nếu họ không gặp tôi hoặc nếu tôi không hành động?

 

Thường họ phản ứng dè dặt, thậm chí không có phản ứng. Có thể họ cho rằng tôi điên khùng nên họ không thèm chấp nhất; hoặc họ quá ngạc nhiên sao có gã điên khùng như vậy, ngạc nhiên tới mức không phản ứng gì được. Tôi quên nói, trên ngực áo bệnh nhân tâm thần đều có ghi tên tuổi, khu trại. Tôi hành động như vậy ngày này qua tháng nọ mà chỉ bị phiền phức đôi ba lần. Đôi ba lần đó, họ kháng cự: tát, hoặc đấm trả vào miệng tôi.  

 

Chuyện đó sớm muộn cũng tới tai ông bác sĩ trưởng trại tâm thần; chính xác là Thiếu tá Hoàng Cầm, trưởng Trại Thần Kinh Tâm lý - Tổng Y Viện Cộng Hòa. Thưa ông chuẩn úy Đại Đội Hắc Báo Nhữ Văn Đăng, sao ông điên khùng đến vậy? Lão thiếu tá trưởng trại tâm thần mà cung kính với tôi dường nào; tôi buộc phải trình bày lý do tôi hành động như vậy (chứ chẳng phải tôi điên khùng như lão đinh ninh là vậy): “Thưa thiếu tá bác sĩ Hoàng Cầm, tôi cần cho họ bài học rằng, ngậm tăm mãi trên miệng sau khi đã sử dụng xong cây tăm là vô giáo dục.” “Chỉ ngậm tăm thôi, mà anh bảo họ là vô giáo dục ư?” Tôi gật đầu, nói: “Thưa thiếu tá, đúng như vậy; thứ nhất, cây tăm chỉ để xỉa răng. Nó không thể tại vị mãi ở cửa miệng. Nó chả sạch sẽ gì nữa, vì nó đã tiếp xúc với những thứ cặn bã trong kẽ răng. Thứ hai, phải hiểu rằng, về cái khoản ăn sáng, điểm tâm của họ, nhiều người không thể có; họ chả nên khoe ra cái điều kiện hơn người của họ, qua trung gian là cây tăm trên miệng.”

 

Ông bác sĩ nghe tôi giải thích xong, nói với cô y tá: “Bệnh nhân bị dị ứng kỳ quặc, cụ thể là cây tăm.” Tôi phản đối: “Thưa bác sĩ, tôi không dị ứng với cây tăm. Tôi có phản ứng với những ai cứ ngậm mãi cây tăm, phải nói chính xác như vậy.”

 

Sau lần gặp bác sĩ trưởng trại, tình hình có khó khăn hơn; nhưng tôi vẫn thoát ra được khỏi trại khi tôi muốn. Có lúc tôi chán ngán tuyệt vọng, tự nhủ: chả thay đổi gì được họ, những vị ngậm hoài cây tăm. Họ rất lì lợm, bảo vệ cái mà họ cho là đức tính ấy. Nhưng dù sao tôi cũng phải thoát ra vài ba giờ trong ngày. Tôi sẽ điên lên nếu suốt ngày cứ gặp các bạn cùng trại; mặc dù cũng có gì đấy gọi là mối cảm thông giữa tôi với một hai người trong số đó. Tôi không thể ghét bỏ anh chàng nội-tạng-bùng-cháy nằm giường số 1 ở ngay cửa ra vào.

 

Anh ta nhập viện đã gần một năm; ngày nào trong nội tạng anh ta cũng có đám cháy. “Nước! Nước!” Anh ta cầu cứu van nài dọa nạt tùy theo mỗi trường hợp; hết thảy bệnh nhân trong phòng ai mà chẳng phải ra vào qua cái cửa phòng, đưa nước cho anh ta; nói chung là đưa chất lỏng, những dung dịch nước để anh ta chữa cháy. Duy có tôi thì anh ta không kêu đòi gì cả. Tôi chỉ có thứ chất lỏng duy nhất: những chai cồn 90 độ trong túi áo. Anh ta chẳng điên gì đưa thêm vào nội-tạng-bùng-cháy, chất sẵn sàng bùng cháy đó. Hoặc giả anh ta có mối cảm thông đặc biệt với tôi, cũng như anh ta, một thứ bệnh hoang tưởng.

 

Thật ra tôi bị những con vi trùng ám ảnh. Lúc nào tôi cũng phải sát trùng bằng cồn 90 độ, bôi lên khắp những chỗ quần áo không che được. “Sao anh không đeo khẩu trang?” Cô y tá hỏi tôi. Tôi nói với cô y tá, cái đó khá vô ích. Nếu nó ích dụng thật sự, tôi sẵn sàng vứt bỏ cảm giác khốn khổ phải mang nó trên mặt; nó khá giống cái băng kinh nguyệt của đàn bà có kinh mỗi tháng… “Anh chỉ ăn nói bậy bạ…,” cô y tá đỏ bừng hai tai, “mang khẩu trang để phòng chống ô nhiễm

chứ.”

 

Có thể vì chuyện dị ứng với cây tăm, một thời gian không lâu sau đó tôi được xuất viện. Các bác sĩ đủ lý do cho rằng, ngoài chứng bệnh hoang tưởng, tôi còn có mầm mống nổi loạn, vượt ngoài phạm vi điều trị của trại.

 

Đêm cuối cùng trong trại tâm thần, tôi không thể ngủ; đi lại nhìn ngó các thứ ở đây, những gì tôi sẽ chẳng còn gặp lại được nữa: những chàng điên khùng, cái giường sắt hoen gỉ, bàn ghế, cái tủ sắt cũng hoen gỉ, những tảng đá nhẫn nại lặng lẽ ngoài vườn, những cô y tá áo blouse trắng toát, tất cả.

 

Nửa đêm, anh chàng đọc thơ tân-hình-thức và luôn rình rập gì đấy ở khu vực nhà-vĩnh-biệt trở về trại, đập cửa ầm ầm phòng trực có cô y tá đang ngủ gà ngủ gật, hối hả kêu lên: “Có bệnh nhân mới nhập viện!”

 

Trước mặt cô y tá vừa thoát khỏi cơn ngái ngủ, bệnh nhân mới không nói năng gì, nằm cứng đờ như xác chết, vì đích thực hắn là một xác chết. Cô y tá chỉ có phản ứng duy nhất: chạy vào phòng trực, đóng chặt cửa. Tôi tự biết mình không có trách nhiệm, liên can gì, ngoài việc đứng ngó anh chàng đọc thơ tân-hình-thức hành sự. Anh chàng hì hục lôi cái xác chết vào phòng, vừa nói vừa ngó tôi: “Này chàng Oscar Wilde, đừng mải lo làm đẹp thế giới, chỉ phát khùng mà thôi,”  tiếp tục lôi cái xác, đưa lên nằm trên giường số 10. 

 

Anh chàng nói với cái xác chết đã được phủ mền từ đầu tới chân: “Ông bạn nằm đây thay thế tôi; còn tôi không thể nằm đây như một cái xác chết.” Anh chàng giường số 8 lên tiếng, trong khi anh chàng giường số 9 vẫn ngủ: “Ta hóa điên lên rồi.” Anh chàng đọc thơ tân-hình-thức thản nhiên nói: “Cũng tốt thôi, hóa điên lên rồi thì sẽ không phải hóa điên lên nữa.” Tôi nghe câu nói quen quen, hình như giống câu nói của chàng Hamlet, hoàng-tử-Đan-Mạch.

 

Ra viện, trở lại với cộng-đồng-xã-hội, hòa nhập với các thứ, tuân theo những chuẩn mực phức tạp và mơ hồ, tôi thật sự bối rối, gần như khủng hoảng. Thân nhân của tôi ai cũng mừng tôi “khỏi bệnh”. Tôi nghĩ, cũng may những người thân thuộc, chắc cùng một “gen” với tôi, không ai ngậm hoài cây tăm; đặc biệt đứa em khật khùng của tôi, mười tám tuổi, không từng nhìn nhận sự hiện hữu của cây tăm trong đời. 

 

Tôi bị đập tới nhừ tử, nằm bất động gần một buổi ở ga xe lửa có quán ăn khá sang trọng. Lúc tỉnh dậy, sao mà tôi ao ước được trở về nơi chốn cũ. Hình như nơi đấy, những chàng điên khùng, cái giường sắt hoen gỉ… nơi đấy tôi mới có được trạng thái yên ổn, bình tâm của một thành-viên-trong-gia-đình.

 

*

Hai người bạn đọc xong mấy trang ghi chép trong quyển vở của Đăng, dĩ nhiên họ đọc qua bản photocopy, đều lắc đầu bảo anh chàng Đăng điên khùng đứt-đuôi-con-nòng-nọc. Nhà phê bình văn học Huỳnh Phan Anh, không hiểu đọc những ghi chép của Đăng ở đâu đó, cho rằng cái anh chàng Đăng cay độc, “gì mà căm thù những người ngậm cây tăm!” Đến như ông Nguyễn Hoà vcv chủ trì báo mạng Văn chương Việt, con người vô cùng khả kính khả ái, hòa nhã hết mực; ông ấy bảo: “Điên thì cũng tốt thôi. Nhưng ông Đăng điên vì phụ nữ thì uổng quá…” Hóa ra ông Nguyễn Hòa biết câu chuyện của anh chàng Đăng, với thiếu phụ ở Thị Trấn Sương Mù.

 

Tôi chẳng biết chuyện này của anh chàng Đăng; nếu có thì cũng chẳng thể bàn luận gì. Tôi cho rằng nếu Đăng có điên, thì cũng điên như các chàng nghệ sĩ; và các chàng nghệ sĩ cũng điên như những người tình đích thực. Luôn luôn có chút điên khùng trong tình yêu, đại triết gia Nietszche đã nói như vậy./.

 

B’Lao, tháng X-2012

    

Nguyễn Đạt
Số lần đọc: 1663
Ngày đăng: 21.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm Mùa Hè - Nguyễn Trung Dũng
Nhân Tính - Hướng Dương
Siêu nhân bé bỏng - Quế Hương
Con Nhồng Bù Đốp - Quế Hương
giàn mướp bên kia sông - Phương Trân
Trên đường - Nguyễn Đạt
Tham kiếm - Thái Quang Hy
Tên con là Hòa Bình - Từ Nguyên Thạch
Bức Chân Dung - Nguyễn Trung Dũng
Giấc mơ lân - Hòa Văn