Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
746
116.718.565
 
Tự Thú 2
Đỗ Tư Nghĩa

 

CHƯƠNG 6

 

 

Trong cuộc truy tầm của tôi, tìm kiếm những câu trả lời cho câu hỏi về cuộc sống, tôi cảm thấy y hệt như một người bị lạc giữa một khu rừng.

 

Tôi đến một khu rừng thưa, leo lên một cành cây, và có một tầm nhìn  rõ ràng về cái khoảng không gian vô tận xung quanh tôi. Nhưng tôi có thể thấy rằng không có ngôi nhà nào và rằng không thể có ngôi nhà nào; tôi đi vào nơi rậm nhất của khu rừng, vào trong bóng tối, nhưng một lần nữa, tôi không thể thấy ngôi nhà nào – chỉ có bóng tối.

 

Tôi lang thang đó đây như thế trong khu rừng của kiến thức con người. Ở một phía của tôi, là những khu rừng thưa của toán học và khoa học thực nghiệm, phát hiện cho tôi những chân trời rõ ràng, minh bạch; nhưng tôi không thể thấy một ngôi nhà nào ở bất cứ hướng nào. Ở phía bên kia, là bóng tối của những khoa học tư biện, nơi mà mọi bước chân  tôi đi, càng dìm tôi xuống sâu hơn vào trong bóng tối, và sau cùng, tôi xác tín rằng không thể có lối nào thoát ra.

 

Khi tự buông mình vào cái ánh sáng rực rỡ của kiến thức, tôi chỉ đang hướng mắt tôi trệch ra khỏi câu hỏi đó. Cho dẫu những chân trời mở ra với tôi có thể rõ ràng và cám dỗ tôi thế nào chăng nữa, dù việc lặn chìm vào cái vô hạn của cái kiến thức này có cám dỗ tới đâu chăng nữa, chẳng bao lâu tôi nhận thức rằng, cái kiến thức này càng rõ ràng bao nhiêu, thì tôi càng ít cần đến nó bấy nhiêu, thì nó càng ít trả lời cho câu hỏi của tôi bấy nhiêu.

 

“ Ờ,” tôi tự nhủ, “ Tôi biết mọi thứ mà khoa học rất muốn biết, nhưng lối đi này sẽ không dẫn tôi tới một câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của đời tôi.” Trong lãnh vực của khoa học tư biện, tôi thấy rằng, mặc dù – hay chính xác hơn,  bởi vì – sự kiện rằng cái kiến thức này được thiết kế để trả lời câu hỏi của tôi, cho nên không thể có câu trả lời nào khác ngoài câu trả lời mà tôi đã trao cho chính mình: “ Ý nghĩa của đời tôi là gì? “– Nó không có ý nghĩa nào. Hay: “Cái gì sẽ xảy đến cho đời tôi ?” – Không có gì cả. Hay: “Tại sao mọi sự đang tồn tại lại tồn tại, [1] và tại sao tôi tồn tại?” – Bởi vì nó tồn tại. [2]

 

Từ một ngành của kiến thức con người, tôi nhận được một số lượng vô tận những câu trả lời chính xác cho những câu hỏi mà tôi đã không hỏi – những câu trả lời liên quan đến sự cấu tạo hóa học của những tinh tú, sự chuyển động của mặt trời về phía chòm sao Hercules, nguồn gốc của những chủng loại [3] và của con người, những hình thể của những nguyên tử cực vi, và sự rung chuyển của những phân tử ether cực nhỏ và cực nhẹ. Nhưng câu trả lời được cung cấp bởi ngành kiến thức này cho câu hỏi của tôi về ý nghĩa đời tôi chỉ là như vầy: bạn là cái mà bạn gọi là đời bạn; bạn là một sự kết hợp ngẫu nhiên, tạm thời của những phân tử. Bạn được dẫn tới cái được nói đến như là đời bạn – cái ấy chỉ đơn giản là sự tương tác và biến đổi [4] của những phân tử này. Sự kết hợp này sẽ tiếp tục trong một giai đoạn thời gian nhất định nào đó; rồi sự tương tác của những phân tử này sẽ ngừng lại, và cái mà bạn gọi là đời bạn sẽ chấm dứt, và với nó, tất cả những câu hỏi của bạn. Bạn là một mảnh nhỏ bé của một cái gì đó mà dính lại với nhau một cách ngẫu nhiên. Cái mảnh này phân hủy. [5]  Sự phân hủy của cái mảnh này thì được biết đến như là cuộc sống của bạn. Cái mảnh đó lại rã ra từng phần, [6] và như thế sự phân hủy kết thúc, cũng như tất cả những câu hỏi của bạn. Cái phía rõ ràng, minh bạch của kiến thức trả lời như thế, và nếu nó tuân thủ một cách chặt chẽ những nguyên tắc của chính nó, thì không còn gì để mà nói nữa.

 

Tuy nhiên, hóa ra một câu trả lời như thế không cấu thành một lời đáp cho câu hỏi đó. Tôi phải biết cái ý nghĩa của đời tôi, nhưng nói rằng nó là một phân tử của cái vô hạn, nói như vậy không những đã bỏ qua, không đem lại  cho nó bất cứ ý nghĩa nào, mà còn tiêu diệt hết mọi ý nghĩa khả thể.[7]

 

Cái phía thực nghiệm, chính xác của kiến thức có thể tạo ra một sự nhất trí mơ hồ nào đó với cái phía tư biện, khi nói rằng, ý nghĩa cuộc sống nằm trong sự phát triển và trong những đóng góp của con người vào trong sự phát triển này. Nhưng một nhận xét thiếu chính xác và tối tăm như thế không thể được xem là một câu trả lời.

 

Bất cứ khi nào nó bám sát vào những  nguyên lý của chính nó trong việc trả lời câu hỏi đó, cái phía tư biện của kiến thức luôn luôn gặp phải cùng một câu trả lời tương tự đã lưu truyền hằng bao thế kỷ: vũ trụ là một cái gì đó vô hạn và không thể thông hiểu được. Cuộc sống con người là một phần bất khả phân của cái toàn bộ bí ẩn,  khôn dò này. [8] Một lần nữa, tôi để sang một bên tất cả những sự nhất trí đã đạt tới được giữa cái kiến thức thực nghiệm và tư biện, những nhất trí này đã cấu thành toàn bộ cái trụ cột[9], làm chỗ dựa cho những bán khoa học – những khoa học được mệnh danh là những khoa học về pháp lý, chính trị, và lịch sử. Trong những khoa học này, một lần nữa, chúng ta được dẫn đến một khái niệm sai lầm về sự phát triển và sự hoàn hảo, với một khác biệt duy nhất là trong một lãnh vực, chúng ta có sự phát triển chung của mọi sự, và trong lãnh vực kia, sự phát triển của riêng con người. Sự sai lầm thì tương tự trong cả hai trường hợp: sự phát triển và sự hoàn hảo không thể có mục đích nào trong cái vô hạn, nó không có phương hướng, và do vậy, nó không thể cung cấp câu trả lời nào cho câu hỏi của tôi.

 

Bất cứ nơi nào kiến thức tư biện là chính xác và có thể được gọi là triết học đích thực, chứ không phải là cái mà Schopenhauer nói đến như là “ triết học chuyên nghiệp”[10], chỉ có mục đích duy nhất là chia tất cả những hiện tượng đang hiện hữu thành những cột báo triết học với những cái tên mới; bất cứ nơi nào triết học không quay mặt khỏi câu hỏi cốt tủy này, thì câu trả lời luôn tương tự với câu trả lời đã  được cung cấp bởi Socrates, Schopenhauer, Solomon, và Đức Phật.

 

Socrates nói [11]  khi ông chuẩn bị cho cái chết:

 

“ Chúng ta càng di chuyển ra xa cuộc sống bao nhiêu, thì chúng ta càng di chuyển đến gần chân lý bấy nhiêu. Chúng ta, những người yêu chân lý, chúng ta phấn đấu cho cái gì trong đời ?  – Để thoát khỏi thể xác và tất cả những cái xấu ác [12] do sự sống của thân xác mang lại. Nếu đúng là như vậy, thì làm thế nào mà chúng ta lại không hân hoan khi cái chết tới gần ?

 

“ Kẻ hiền nhân tìm kiếm sự chết suốt đời mình, và vì lý do này, sự chết thì không kinh hãi đối với vị ấy.”

 

Schopenhauer nói, “ Nếu chúng ta chấp nhận cái yếu tính nội tại  [13]  của vũ trụ như là ý chí, và nếu chúng ta chấp nhận tính khách quan của cái ý chí này trong mọi hiện tượng – từ những làn sóng cồn vô ý thức của những sức mạnh tối tăm của thiên nhiên cho đến hoạt động hoàn toàn có ý thức của con người – thì  chúng ta không thể tránh cái kết luận rằng, tất cả những hiện tượng này biến mất trong sự phủ nhận và sự tự hủy diệt – có tính tự do – của ý chí [14]; sự phấn đấu thường trực, cái khuynh hướng không mục đích và không ngừng nghỉ hướng về phía tất cả những mức độ của khách quan tính vốn tạo thành vũ trụ sẽ biến mất, và cái đa dạng của những hình tướng[15] nối tiếp nhau sẽ chấm dứt; và khi hình tướng biến đi, thì tất cả những hiện tượng của hình tướng cũng vậy, bao gồm cả không gian lẫn thời gian, cho đến khi cái nền tảng tối hậu của hình tướng – cái nền tảng của chủ thể và khách thể – sẽ sau cùng biến mất. Nơi nào không có ý chí, không có sự xuất hiện của những hiện tượng, thì không có vũ trụ. Cái duy nhất còn lại trước mắt chúng ta, dĩ nhiên, là hư vô. [16] Nhưng cái vốn chống đối sự di chuyển này – sự di chuyển vào trong hư vô – cái ấy là bản chất [17] của chúng ta, cái ý chí muốn sống [18] của chính chúng ta, bởi nó mà chúng ta được cấu thành, như vũ trụ của chúng ta được cấu thành. Cái sự kiện rằng chúng ta quá kinh hãi trước hư vô, hoặc, cái sự kiện  rằng chúng ta quá muốn sống, chỉ có nghĩa là, chính chúng ta chỉ là cái dục vọng muốn sống [19]  này; và những sự kiện đó có nghĩa là, ngoài cái dục vọng này, chúng ta không biết cái gì cả. Bởi vậy, khi cái ý chí này bị hoàn toàn hủy diệt, thì tất cả những gì còn lại với chúng ta – những kẻ được thành tựu [20] bởi cái ý chí ấy – dĩ nhiên, là hư vô; nhưng về mặt khác, đối với những người mà ở họ ý chí này được chuyển hóa và từ bỏ, thì cái vũ trụ này của chúng ta, (tuy nom có vẻ.ĐTN) quá thực,  với tất cả những mặt trời và những thiên hà của nó – chính cái vũ trụ này  cũng là hư vô.”[21]

 

Solomon nói, “ Hư vô trong những hư vô,[22] hư vô trong những hư vô, tất cả đều là hư vô! Một người có thể thu lợi được gì từ tất cả những lao động vất vả của y dưới mặt trời? Một thế hệ đến, trong khi một thế hệ khác qua đi, nhưng trái đất vẫn cứ tồn tại mãi. Cái đã và đang tồn tại, sẽ tồn tại [23], cái đã được làm sẽ được làm; và không có gì mới dưới ánh mặt trời. Có một cái gì mà về nó người ta có thể nói, “hãy nhìn, cái này thì mới?” Không, nó đã từng hiện hữu trong những thế kỷ đến trước chúng ta. Không có hoài niệm [24] nào về những cái xưa cũ; và sẽ không có hoài niệm nào về cái mà sẽ đến với những kẻ hậu sinh sau này. Tôi, Kẻ Rao Giảng, là Vua trị vì Israel tại Jerusalem. Và tôi để hết tâm hồn vào việc truy tầm và tìm kiếm qua minh triết tất cả những cái hiện hữu dưới mặt trời – cuộc theo đuổi khó khăn mà Đức Chúa Trời đã ban cho những đứa con trai của con người [25], để chúng nó có thể được rèn luyện trong đó. Tôi đã thấy mọi thứ vốn được làm dưới ánh mặt trời, và hãy nhìn xem, tất cả là hư vô, và một sự héo mòn của tâm thức [26]  … Tôi nói thầm trong tim, rằng, “hãy nhìn xem, tôi đã được tán tụng như thế nào và bằng cách nào mà tôi đã đạt tới nhiều minh triết hơn tất cả những ai vốn đã từng trị vì Jesusalem trước tôi. Và trái tim tôi đã nắm giữ nhiều minh triết và kiến thức. Và tôi hiến trái tim tôi cho việc nhận biết sự minh triết, sự điên rồ và cái dại dột nực cười [27] ; tôi phát hiện rằng cái này cũng là một sự héo mòn của tâm thức. Vì trong nhiều minh triết là nhiều sầu muộn, và kẻ nào gia tăng minh triết, cũng gia tăng nỗi sầu muộn.

 

“ Tôi nói trong tim mình, rằng, ta sẽ cho mi thử nếm trải sự vui thú, và mi sẽ tận hưởng những lạc thú của những điều tốt đẹp; nhưng cái này nữa, cũng là hư vô. Về tiếng cười, tôi nói: “Nó là sự khờ khạo” [28]; và về sự vui thú : “ Nó làm cái gì?” [29] Tôi nghĩ thầm: hãy làm sảng khoái thể xác mình với rượu,  và dù trái tim tôi được dẫn dắt bởi minh triết, tôi nghĩ : hãy cứ bám vào sự khờ khạo cho đến khi tôi có thể thấy cái gì tốt cho những đứa con trai của con người và khám phá ra cái gì mà chúng nên làm dưới bầu trời trong những ngày ít ỏi của đời chúng. Tôi đảm đương những công trình vĩ đại: tôi dựng những tòa nhà và trồng những vườn nho cho chính mình. Tôi dựng những khu vườn và vườn cây ăn quả đủ loại cây; tôi làm những hồ chứa nước để tưới những vườn cây ăn quả, để cây có thể lớn nhanh. Tôi thủ đắc những tôi tớ và tỳ nữ, và có những tôi tớ được ra đời trong nhà tôi; tôi cũng có gia súc, lớn và nhỏ, nhiều hơn bất cứ ai đã từng hiện hữu tại Jerusalem trước tôi; tôi thu được vàng bạc và những kho tàng từ những vị vua và từ những vùng khác; tôi thu thập cho tôi những ca nhân  và những phụ nữ biết xướng ca, những nhạc cụ đa dạng; thu góp về cho tôi mọi hoan lạc mà những đứa con trai của con người có thể thu góp được. Và tôi trở nên vĩ đại hơn và giàu sang hơn tất cả những người đã trị vì Jerusalem trước tôi; và sự minh triết của tôi vẫn lưu lại với tôi. Bất cứ cái gì mà mắt tôi thèm muốn, tôi muốn sở hữu chúng, tôi cũng không cấm trái tim tôi bất cứ hoan lạc nào. Và tôi nhìn quanh vào tất cả những việc làm mà hai bàn tay tôi đã thực hiện, và nhìn vào những lao khổ đi kèm với những việc mà tôi đã làm; và hãy nhìn, tất cả đều là hư vô, và một sự héo mòn của tâm thức, và không có lợi lộc gì từ chúng dưới ánh mặt trời. Và tôi quay mắt nhìn ra xung quanh để nhìn lên sự minh triết,  sự điên khùng và sự khờ khạo. Nhưng tôi thấy một số phận độc nhất đổ xuống tất cả chúng. Và trong trái tim tôi, tôi nói: một số phận tương tự sẽ đổ xuống tôi như nó đổ xuống kẻ khờ khạo – vậy, tôi đã trở nên quá khôn ngoan minh triết như thế để làm gì? Và tôi nói với trái tim mình : cả cái này nữa, cũng là hư vô. Bởi vì sẽ không có cái ký ức vĩnh cửu nào về bậc hiền nhân hay kẻ khờ khạo; vào những ngày sẽ đến, tất cả sẽ bị lãng quên, và than ôi, bậc hiền nhân sẽ chết cái chết tương tự như cái chết của kẻ khờ khạo ! Và tôi đi tới chỗ ghét cuộc sống, bởi vì tất cả những công trình được làm ra dưới mặt trời, đã trở nên gớm ghiếc [30] đối với tôi; bởi vì tất cả là hư vô, và là một sự héo mòn  của tâm thức. Và tôi đi tới chỗ ghét bỏ nỗi vất vả trong việc lao động của tôi dưới ánh mặt trời, bởi vì nó phải được để lại cho cái người sẽ đến sau tôi. Bởi vì một người sẽ có gì từ tất cả cái lao khổ của y và những âu lo của trái tim y qua sự lao động vất vả của y dưới ánh mặt trời ? Bởi vì tất cả những ngày tháng của y là buồn phiền và việc lao động của y là sầu khổ ; ngay cả ban đêm trái tim y cũng không biết đến sự bình an. Và cái này nữa, cũng là hư vô. Không có cái gì tốt cho một người hơn là ăn, uống và để cho tâm hồn y tìm thấy hoan lạc trong lao  động của y…

 

“ Mọi sự  xảy đến giống nhau cho tất cả mọi người; một số phận độc nhất đổ xuống trên kẻ công chính và kẻ độc ác, trên người thiện và kẻ ác, trên người trong sạch và kẻ ô uế, trên kẻ hy sinh và kẻ không hy sinh; giống nhau cho kẻ đạo hạnh và kẻ tội lỗi, cho kẻ thề thốt, và cho kẻ sợ hãi một lời thề. Đây là một điều ác giữa tất cả những thứ được làm dưới ánh mặt trời : một số phận độc nhất đổ xuống tất cả, và, trái tim của những đứa con trai của con người thì đầy sự ác, và có sự điên rồ trong trái tim và trong cuộc sống của họ; và sau cái kiếp sống này, họ sẽ đi nhập bọn với những người đã chết. Bất cứ ai còn sống đều vẫn có hy vọng, bởi vì thà là một con chó đang sống còn tốt hơn một con sư tử đã chết. Người sống biết rằng họ sẽ chết, nhưng người chết thì không biết gì, họ cũng không có phần thưởng nào, bởi vậy ngay cả cái ký ức về họ đã bị chìm vào trong sự quên lãng; tình yêu của họ, sự thù ghét của họ, và sự ghen tuông của họ, đã biến mất, và sẽ không có thêm sự tôn vinh nào dành cho họ trong tất cả những cái mà đã được làm dưới ánh mặt trời.[31]

 

Solomon – hay là kẻ đã viết những lời này – đã nói như thế. Và đây cũng là cái mà một hiền nhân Ấn Độ đã nói.

 

Thích Ca Mâu Ni [32] – một hoàng tử trẻ và hạnh phúc, bị che giấu khỏi bệnh tật, tuổi già và sự chết – một hôm đi ra ngoài dạo một vòng và thấy một cụ già rụng hết răng, mũi dãi lòng thòng, và nom dễ sợ. Vị hoàng tử – mà cho tới lúc ấy đã bị che giấu khỏi tuổi già – bị bất ngờ và hỏi người đánh xe điều này có nghĩa gì, và tại sao người đàn ông này đã đi tới một tình trạng đáng thương, kinh tởm và gớm ghiếc như thế. Và khi chàng phát hiện ra rằng, đây là số phận chung của tất cả mọi con người; rằng chàng, một hoàng tử trẻ tuổi, cũng sẽ tới tình trạng này, chàng không thể tiếp tục đi với người đánh xe và ra lệnh cho y trở về nhà để có thể suy tưởng về điều này. Và chàng tự giam mình trong phòng và suy ngẫm về nó. Chắc hẳn chàng nghĩ ra một cái này hay cái nọ để tự an ủi mình, bởi vì một lần nữa, hạnh phúc và vui tươi, chàng lại ra ngoài dạo một vòng. Nhưng lần này chàng gặp một người bệnh hoạn. Chàng thấy một người đàn ông hốc hác, yếu ớt, run rẩy, với đôi mắt mờ. Vị hoàng tử – kẻ bị che giấu không cho thấy bệnh tật – ngừng lại và hỏi điều  này có thể có nghĩa là gì. Và khi chàng phát hiện ra rằng đây là bệnh tật – đổ xuống tất cả mọi người – và rằng ngay cả chàng, vị hoàng tử khoẻ mạnh và hạnh phúc, cũng có thể ngã bệnh ngày mai, một lần nữa cái tinh thần vui tươi rời bỏ chàng; chàng ra lệnh cho người đánh xe trở về nhà, nơi mà chàng lại tìm kiếm sự bình an của tâm hồn. Và chắc hẳn chàng tìm thấy nó, bởi vì lần thứ ba chàng ra ngoài dạo một vòng. Nhưng lần này chàng thấy một cảnh tượng mới khác; chàng thấy vài người đang khiêng một cái gì đó. “Đó là cái gì?” – “Một người chết.” “Chết nghĩa là gì?” hoàng tử hỏi. Và chàng được cho biết rằng, trở thành một người chết có nghĩa là trở thành cái mà người đàn ông này đã trở thành. Hoàng tử đi tới bên người chết, lật tấm vải che, và và nhìn vào ông ta. “Và bây giờ cái gì sẽ xảy ra với ông ta?”  – hoàng tử hỏi. Và chàng được cho biết rằng người đàn ông này sẽ được chôn xuống đất. “Tại sao?” – Bởi vì ông ta sẽ không bao giờ sống lại, chỉ có cái mùi hôi và những bọ giòi sẽ xảy đến với ông. “Và đây là cái số phận của mọi con người ư ? Và nó cũng sẽ xảy đến cho ta nữa? Họ sẽ chôn ta, và một mùi hôi sẽ bốc lên từ ta, và bọ giòi cũng sẽ gặm nhắm ta?”

 

Vâng. “ Hãy quay về! Ta không muốn đi dạo, ta sẽ không bao giờ đi dạo nữa.”

 

Thích Ca Mâu Ni [33]  không thể nào tìm thấy sự bình an trong đời. Chàng  quyết định rằng cuộc sống là một điều xấu to lớn, và chàng huy động tất cả sức mạnh của linh hồn chàng để giải thoát chính mình và những người khác ra khỏi cuộc sống, giải phóng họ như thế nào đó, để  sau cái chết, sự sống sẽ không bao giờ bị tái sinh, và cái gốc rễ của sự sống sẽ hoàn toàn bị hủy diệt. Tất cả những hiền nhân của Ấn Độ đều nói như thế.

 

Như vậy, chúng ta có những câu trả lời trực tiếp mà sự khôn ngoan minh triết của con người có để cung cấp khi nó trả lời câu hỏi về cuộc sống.

 

* “ Sự sống của thân xác là một điều xấu và một sự dối trá.[34] Và bởi vậy, việc hủy diệt sự sống của thân xác là một phúc lành, và chúng ta nên mong ước điều đó ,” – Socrates nói.

 

* “ Sự sống là cái mà nó không nên là, một điều xấu; và một sự di chuyển vào trong hư vô [35] là cái phúc lành duy nhất mà cuộc sống có để ban tặng,” –Schopenhauer nói.

 

* “ Mọi sự trên thế gian – cả sự rồ dại lẫn sự khôn ngoan, sự giàu sang và sự nghèo khó, niềm vui và nỗi sầu – tất cả đều là hư vô và sự trống rỗng. Một người chết đi và không có gì còn lại.Và điều này thì phi lý,” – Solomon nói.

 

* “ Thật không thể nào sống được, khi biết rằng sự đau khổ, sự hư nát, tuổi già và sự chết là tất yếu; chúng ta phải giải thoát chính mình ra khỏi sự sống [36] và ra khỏi tất cả mọi khả tính [37] của sự sống,”  –  đức Phật nói.

 

Và cái điều mà đã được thốt ra bởi những trí óc hùng mạnh[38] này, chính điều ấy đã được nói lên, suy nghĩ, và cảm nhận bởi hằng triệu người giống như họ. Tôi cũng đã suy nghĩ và cũng đã cảm nhận một cách tương tự.

 

Những chuyến lang thang của tôi như thế giữa những lãnh vực của kiến thức đã không những không dẫn tôi ra khỏi cơn tuyệt vọng của tôi, mà càng làm gia tăng nó. Một khu vực của kiến thức không trả lời câu hỏi về cuộc sống; ngành kiến thức còn lại, thì quả thật có trả lời – nhưng nó chỉ càng củng cố thêm cơn tuyệt vọng của tôi, và cho tôi thấy rằng, cái điều (mà) đã đổ xuống tôi, thì không phải do một sai lầm về phía tôi, hay là một trạng thái bệnh hoạn của tâm thức. Trái lại, cái khu vực kiến thức này xác nhận cho tôi cái sự kiện rằng, tôi đã và đang suy nghĩ một cách đúng đắn và trùng hợp với những trí óc hùng mạnh nhất đã từng được nhân loại biết đến.

 

Tôi đã không thể bị đánh lừa. Mọi sự đều là hư vô. Hạnh phúc thay cho kẻ nào chưa từng được sinh ra; cái chết thì tốt hơn cuộc sống; chúng ta phải loại bỏ sự sống ra khỏi chính mình. [39]

 

 

CHƯƠNG 7

 

Đã thất bại trong việc tìm thấy một giải thích trong kiến thức, tôi bắt đầu tìm kiếm nó trong cuộc đời, hy vọng tìm thấy nó trong những người xung quanh tôi. Và do vậy, tôi bắt đầu quan sát những người giống như chính tôi, để xem họ sống như thế nào, và xác định cái mối quan hệ mà họ có với câu hỏi mà đã dẫn tôi đến cơn tuyệt vọng, xem nó thuộc loại nào.

 

Và đây là cái mà tôi đã tìm thấy giữa những người mà hoàn cảnh của họ thì giống hệt như hoàn cảnh của tôi về phương diện giáo dục và cách sống.

 

Tôi đã thấy rằng, đối với những người cùng giai cấp của tôi, thì có 4 cách để chạy trốn [40] cái tình huống khủng khiếp mà trong đó tất cả chúng tôi thường rơi vào.

 

Cách chạy trốn thứ nhất, là cách chạy trốn của sự ngu dốt. Nó gồm có việc không nhận thức được và không hiểu rằng cuộc sống là xấu xa và vô nghĩa. Phần lớn những người trong phạm trù này là phụ nữ, hay là những chàng trai rất trẻ, hay là những người đàn ông rất ngu xuẩn; họ vẫn chưa hiểu vấn đề của cuộc sống mà đã khởi lên với Schopenhauer, Solomon và Đức Phật. Họ không thấy con rồng đang chờ đợi họ, cũng không thấy những con chuột đang gặm vào cành cây mà họ đang bám vào; họ chỉ đơn giản liếm những giọt mật. Nhưng họ chỉ liếm những giọt mật này trong khi chờ đợi; một cái gì đó sẽ xoay hướng sự chú ý của họ sang con rồng và những con chuột, và việc liếm mật của họ sẽ có một kết thúc.  Tôi không học được nơi họ một cái gì, bởi vì chúng ta không thể ngừng biết cái mà chúng ta biết.

 

Lối chạy trốn thứ hai là lối chạy trốn của chủ nghĩa khoái lạc. Ý thức một cách đầy đủ về sự tuyệt vọng của cuộc sống, lối chạy trốn này bao gồm việc tận hưởng – trong hiện tại – những phúc lành mà chúng ta đang có mà không nhìn vào con rồng hay những con chuột; nó nằm trong việc liếm càng nhiều mật càng tốt, nhất là trong những nơi chốn có nhiều mật nhất trong bụi cây. Solomon mô tả sự chạy trốn này theo thể cách sau đây:

 

“Và tôi ca ngợi sự vui thú, bởi vì không có gì tốt hơn cho một người dưới ánh mặt trời hơn là ăn, uống, và vui chơi; đây sẽ là cái rường cột nâng đỡ cho sự lao động vất vả của y qua những ngày của đời y,  mà Thượng đế đã ban cho y dưới ánh mặt trời.

 

“ Vậy thì hãy đi và ăn cái bánh mì của bạn với niềm vui và uống rượu của bạn trong sự vui mừng [41] của trái tim bạn … Hãy tận hưởng cuộc đời với một người đàn bà mà bạn yêu qua suốt những ngày của cuộc sống hư vô của bạn, qua tất cả những ngày tháng hư ảo [42] của bạn; bởi vì đây là số phận của bạn trong cuộc đời và trong những lao khổ của bạn dưới ánh mặt trời … Hãy làm bất cứ cái gì mà bạn có thể làm với sức mạnh của bàn tay bạn, bởi vì không có công việc nào để làm trong cái nấm mồ nơi mà bạn đang đi tới, không có sự suy tưởng, không có kiến thức, không có sự minh triết.”

 

Phần lớn những người thuộc giai cấp của chúng tôi theo đuổi cách trốn chạy thứ hai này. Cái tình huống mà trong đó họ rơi vào,  là một tình huống cung cấp cho họ nhiều những thứ tốt lành trong đời hơn là những thứ xấu xa; sự ngu dốt về đạo đức của họ khiến cho họ quên rằng, tất cả những thuận lợi của cái địa vị của họ là tình cờ, rằng không phải tất cả mọi người đều có thể có một ngàn người đàn bà và những cung điện, như Solomon đã có; họ quên rằng, cứ một người đàn ông với một ngàn người vợ, thì lại có một ngàn người không có vợ; rằng cứ mỗi cung điện, có một ngàn người xây nó với mồ hôi trên trán họ; và rằng, cùng một sự tình cờ mà đã biến họ thành một Solomon hôm nay, sự tình cờ ấy ấy cũng có thể khiến cho họ trở thành người nô lệ của một Solomon ngày mai. Cái trí tưởng tượng nghèo nàn của những người này khiến cho họ quên đi cái mà đã không để lại cho đức Phật chút bình an nào : sự tất yếu của bệnh tật, tuổi già, và cái chết, mà nếu không hôm nay thì ngày mai , sẽ hủy diệt tất cả những lạc thú này. Sự kiện rằng, một số trong những người này cứ cho rằng sự nghèo nàn của họ về tư tưởng và trí tưởng tượng là triết lý tích cực, theo ý tôi, thì sự kiện ấy không phân biệt họ với những người liếm mật mà không thấy cái vấn đề. Tôi không thể bắt chước những người đó, bởi vì tôi không thiếu trí tưởng tượng và không thể giả vờ rằng tôi thiếu. Giống như mọi con người sống chân thực, tôi không thể quay mắt khỏi những con chuột và con rồng, một khi tôi đã thấy chúng.

 

Cách chạy trốn thứ ba qua sức mạnh và nghị lực. Nó bao gồm việc hủy diệt sự sống một khi người ta đã nhận thức rằng cuộc sống là xấu ác và vô nghĩa. Chỉ có những người cực kỳ mạnh mẽ và nhất quán về mặt logic mới hành động theo cách này. Đã nhận thức tất cả sự ngu xuẩn của cái trò đùa (mà) đang được chơi trên chúng ta, và thấy rằng, những phúc lành của những người đã chết thì lớn hơn những phúc lành của những người đang sống, và thấy rằng  rằng không hiện hữu thì tốt hơn – họ hành động và chấm dứt cái trò đùa ngu xuẩn này; và họ dùng bất cứ phương tiện nào để làm việc đó: một sợi dây thừng xung quanh cổ, một con dao đâm vào tim, một nơi sông nước, một chiếc xe lửa. Mỗi lúc càng có nhiều người thuộc giai cấp của chúng tôi đang hành động theo cách này. Phần lớn những người thực hiện hành vi này thì đang ở ngay trong tuổi thanh xuân, khi sức mạnh của linh hồn đang ở đỉnh điểm của nó và khi những thói quen vốn  ăn mòn lý tính con người chưa đến tiếp quản đời họ. Tôi thấy rằng đây là cách trốn chạy xứng đáng nhất, và tôi muốn áp dụng nó. [43]

 

Cách trốn chạy thứ tư là cách trốn chạy của sự yếu đuối. Nó bao gồm việc tiếp tục kéo lê một cuộc đời xấu ác và vô nghĩa, biết trước rằng, không có gì có thể xảy ra với một cuộc đời như thế. Những người trong phạm trù này biết rằng cái chết thì tốt hơn đời sống, nhưng họ không có nghị lực, sức mạnh để hành động một cách hợp lý tính và nhanh chóng chấm dứt cái ảo ảnh lừa dối bằng cách tự kết liễu đời mình; thay vào đó, họ dường như đang chờ đợi một cái gì đó xảy ra. Đây là lối trốn chạy của sự yếu đuối, vì nếu tôi biết cái gì là tốt hơn và có nó trong tầm tay của mình, vậy thì tại sao lại không tự hiến mình cho nó? Chính tôi thuộc về phạm trù này.

 

Những người thuộc giai cấp của tôi tự cứu mình thoát khỏi một mâu thuẫn khủng khiếp bằng một trong bốn cách này. Cho dù vận dụng những quan năng tri thức [44]  nhiều tới đâu chăng nữa, tôi vẫn không thể thấy có cách chạy trốn nào khác ngoài 4 cách này. [45] Một cách chạy trốn nằm ở chỗ không nhận thức được rằng cuộc sống là vô nghĩa, hư ảo, và xấu ác, và rằng không sống thì tốt hơn. Tôi không thể nào không biết điều này, và một khi tôi đã khám phá ra chân ly đó, tôi không thể nào nhắm mắt trước nó. Một cách chạy trốn khác nằm ở chỗ tận dụng tất cả những gì cuộc sống có để ban cho mà không nghĩ về tương lai. Và tôi không thể làm điều này. Giống như Thích ca Mâu ni, [46]tôi không tìm thấy lạc thú trong cuộc đời một khi đã đi tới chỗ biết cái cái gì là tuổi già, sự đau khổ và sự chết. Trí tưởng tượng của tôi quá năng động. [47] Vả lại, tôi không thể vui hưởng những lạc thú phù du mà đã tình cờ đến lối đi của tôi trong một khoảnh khắc. Cái lối trốn chạy thứ ba nằm ở chỗ biết rằng đời là xấu ác, phi lý, và chấm dứt nó bằng cách quyên sinh. Tôi hiểu điều này, nhưng vì lý do nào đó, tôi đã không tự vẫn. Cách trốn chạy thứ tư nằm ở chỗ biết rằng cuộc sống là cái mà Solomon và Schopenhauer đã mô tả nó, biết rằng nó là một trò đùa ngu xuẩn đang được chơi trên chúng ta, và thế nhưng, vẫn tiếp tục sống, tắm rửa, mặc quần áo, ăn, nói chuyện, và thậm chí, viết những cuốn sách. Một vị trí như thế thật đáng kinh tởm [48] và đau đớn đối với tôi, nhưng tôi vẫn cứ lưu lại trong nó như thường.

 

Bây giờ tôi thấy rằng, nếu tôi đã không tự kết liễu đời mình, là bởi vì tôi có một khái niệm mơ hồ nào đó, rằng những ý tưởng của tôi đều hoàn toàn sai lầm. Cho dẫu cái dòng tư tưởng của tôi và của những bậc hiền nhân – những ý tưởng mà đã  dẫn chúng tôi đến chỗ khẳng định cái sự vô nghĩa của cuộc đời – cho dù chúng có vẻ thuyết phục và bất khả vấn [49] đến đâu chăng nữa – tôi vẫn có một sự nghi hoặc mơ hồ nào đó về cái điểm xuất phát của những suy tưởng của tôi.

 

Sự nghi ngờ của tôi được diễn đạt trong cách này: tôi, có nghĩa là, lý tính[50] của tôi,  tuyên bố rằng đời là phi lý. Nếu không có cái gì cao hơn lý tính (và không có cách nào chứng minh rằng có cái gì cao hơn nó), vậy thì lý tính là cái sáng tạo ra cuộc sống cho tôi. Nếu không có lý tính, thì đối với tôi, sẽ không có sự sống. Do vậy, làm thế nào mà cái lý tính này lại phủ nhận sự sống khi chính nó là cái sáng tạo ra sự sống ? Hay, nói cách khác, nếu không có sự sống, thì lý tính của tôi cũng sẽ không hiện hữu. Bởi vậy, lý tính là con đẻ của sự sống. Sự sống là tất cả. Lý tính là hoa trái của sự sống, và thế nhưng cái lý tính này lại phủ nhận chính sự sống đó. Tôi cảm thấy rằng có một cái gì sai lầm, không ổn ở đây.

 

“ Cuộc sống là một điều xấu phi lý, không có gì phải nghi ngờ điều này,” – tôi nhủ thầm. “ Nhưng mà từ trước tới nay tôi đã sống, và tôi vẫn còn đang sống; và tất cả nhân loại đã sống và vẫn tiếp tục sống. Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra? Tại sao con người sống khi mà họ có đủ khả năng [51] để chết ? Phải chăng chỉ có Schopenhauer và tôi là những kẻ duy nhất đủ thông minh  để nhận thức rằng đời là vô nghĩa và xấu ác ?”

 

Hiểu được cái hư ảo [52] của cuộc sống không phải là quá khó, và ngay cả những kẻ mộc mạc  nhất cũng đã hiểu điều đó từ lâu; thế nhưng họ đã sống và tiếp tục sống. Làm thế nào mà tất cả họ đều tiếp tục sống và không bao giờ suy nghĩ để mà nghi ngờ tính hợp lý [53] của cuộc sống ?

 

Cái kiến thức được thủ đắc của tôi, được củng cố bởi sự minh triết của những người khôn ngoan nhất, đã tiết lộ cho tôi rằng mọi sự trên thế gian, cả hữu cơ lẫn vô cơ, đều được sắp xếp với sự thông minh khác thường; chỉ riêng cái quan điểm của tôi là phi lý. Nhưng mà những kẻ khờ khạo này, đám quần chúng khổng lồ bao gồm những con người thô mộc, không biết gì về sự sắp xếp hữu cơ và vô cơ của thế giới này, và thế nhưng họ sống, và trong mọi lúc, họ tin rằng cuộc sống được sắp xếp trong một cách thức rất hợp lý!

 

Bỗng nhiên tôi thấy rằng, có lẽ vẫn còn có một cái gì đó mà tôi không biết. Dù nói gì đi nữa, thì sự ngu dốt hành động (act) trong thể cách này –  chính xác trong thể cách này. Sự ngu dốt luôn nói y hệt những cái mà tôi đang nói. Bất cứ khi nào nó không biết một cái gì đó, nó nói rằng bất cứ cái gì mà nó không biết, cái đó là ngu xuẩn. Quả thực, sự việc tựu trung là như vầy: tất cả nhân loại đã sống và tiếp tục sống như thể họ biết cái ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì nếu không biết ý nghĩa của cuộc sống, thì họ đã không thể sống; nhưng tôi đang nói rằng, toàn bộ cuộc sống này là vô nghĩa và rằng tôi không thể sống.

 

Không ai ngăn cản chúng ta phủ nhận cuộc sống, như Schopenhauer đã làm. Vậy thì hãy tự vẫn, và bạn sẽ không phải lo lắng về điều đó. Nếu bạn không thích cuộc sống, hãy tự vẫn. Nếu bạn sống mà không thể hiểu ý nghĩa của cuộc sống, hãy chấm dứt nó; nhưng đừng quay mặt và khởi sự nói và viết về việc như thế nào mà bạn không hiểu cuộc sống. Các bạn có mặt trong một đám người lạc quan mà đối với họ, mọi sự đang tiến hành tốt, và tất cả họ biết họ đang làm cái gì; nếu bạn thấy chán và khó chịu, thì hãy cứ bỏ đi.”

 

Nói gì đi nữa, nếu chúng ta xác tín về sự cần thiết [tất yếu] của việc tự vẫn, mà lại không thực hiện điều đó, vậy thì bạn là cái gì, nếu không phải là những kẻ yếu đuối nhất, thiếu nhất quán nhất, và, nói cho thật lòng, là những kẻ ngu xuẩn nhất trong tất cả mọi con người, nhặng xị om sòm giống như những đứa trẻ ngờ nghệch với một đồ chơi mới?.

 

Nói gì thì nói, sự minh triết của chúng tôi [54], dù có thể chính xác tới đâu chăng nữa, đã không cung cấp cho chúng tôi một sự hiểu biết về ý nghĩa của cuộc sống. Thế nhưng hằng triệu người – vốn tạo thành cái tổng số của nhân loại – tham dự tham dự vào  cuộc sống mà không hề nghi ngờ cái ý nghĩa của cuộc sống.

 

Quả thật, từ thời cổ đại, khi cuộc sống của con người bắt đầu xuất hiện – một cuộc sống cổ xưa mà về nó tôi thực sự có biết chút ít – từ thuở ấy, những người biết những luận cứ liên quan tới cái hư ảo của cuộc sống, những luận cứ mà đã tiết lộ cho tôi cái vô nghĩa của nó – những người ấy vẫn sống, mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa của riêng họ. Từ cái thời khi mà người ta bắt đầu sống một cách nào đó, thì cái ý nghĩa của cuộc sống này đã có mặt với họ, và họ đã dẫn cái cuộc sống này tới thời đại của chính tôi. Mọi thứ vốn ở trong tôi và xung quanh tôi, đều là kết quả của kiến thức của họ về cuộc sống. Chính những công cụ của tư tưởng mà nhờ đó tôi phán đoán cuộc sống và kết án nó, những công cụ ấy đã được sáng tạo ra, không phải bởi tôi, mà bởi họ. Chính tôi được sinh ra, được giáo dục, và đã trưởng thành nhờ vào họ. Họ đào đất để lấy sắt, dạy chúng ta cách đẵn gỗ, thuần hóa gia súc và ngựa, chỉ cho chúng ta cách gieo những vụ mùa, và sống cùng nhau; họ mang đến trật tự cho đời sống chúng ta. Họ dạy tôi cách suy nghĩ và cách nói. Tôi là hậu duệ của họ, được nuôi nấng, được giáo dục bởi họ, được dạy dỗ bởi họ; tôi suy nghĩ theo những tư tưởng của họ, lời nói của họ, và bây giờ tôi chứng minh cho họ (thấy) rằng tất cả mọi thứ  đó đều là vô nghĩa !  “ Có một cái gì sai lầm, [55] không ổn ở đây,” tôi tự nhủ, “Chắc hẳn tôi đã phạm một sai lầm ở một nơi nào đó.” Nhưng tôi đã nhìn đi nhìn lại, và không thể thấy cái sai lầm đó nằm  ở chỗ nào.

 

CHƯƠNG 8

Tất cả những nghi ngờ này – mà bây giờ tôi ở trong một vị thế phải diễn tả,  một cách ít hay nhiều rõ ràng hơn – thì lúc bấy giờ tôi đã không có khả năng diễn tả chúng. Tôi chỉ cảm thấy rằng, cho dù những kết luận của tôi về cái hư ảo của cuộc đời có thể đã là tất yếu đến mấy đi chăng nữa về mặt logic; cho dù chúng đã được xác nhận bởi nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong các nhà tư tưởng – cho dẫu như vậy, thì cũng có một cái gì đó sai lầm với chúng. Cái sai lầm này nằm ở cái tư duy của tôi hay ở sự công thức hóa [56] của tôi về câu hỏi đó, tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ cảm thấy rằng, dù cái lý tính của tôi có xác tín đến đâu chăng nữa, thì điều này cũng chưa đủ. Tất cả những luận cứ này không thể thuyết phục tôi theo đuổi sự tư duy của tôi tới tận cùng logic của nó, có nghĩa là, tới việc tự kết liễu đời mình. Tôi sẽ không đang nói sự thật nếu tôi phải nói rằng, chính là nhờ lý tính mà tôi đã đi tới cái điểm này [57] mà không tự vẫn. Lý tính đã làm việc nhưng có một cái gì khác cũng làm việc nữa, một cái gì đó mà tôi chỉ có thể gọi là một ý thức [58] về cuộc sống. Cũng có một lực đang làm việc, mà đã dẫn tôi đến chỗ tập trung sự chú ý của tôi về cái này thay vì một cái khác; chính cái lực này đã mang tôi ra khỏi tình huống tuyệt vọng của tôi, và nó đi theo một hướng hoàn toàn xa lạ với lý tính. Lực này dẫn tôi tới chỗ tập trung chú ý của tôi vào sự kiện rằng,  giống như hằng trăm người khác thuộc giai cấp tôi, tôi không phải là toàn bộ nhân loại, và rằng, tôi vẫn không biết cuộc sống của nhân loại (nói chung)  là cái gì.

Khi tôi nhìn xung quanh vào cái tầng lớp nhỏ hẹp của những bậc đàn anh của tôi, tôi chỉ thấy những loại người như sau: những người không hiểu vấn đề đó, những người hiểu nó nhưng nhận chìm nó trong sự say sưa mê muội của họ với cuộc đời, những người hiểu nó và chấm dứt cuộc sống, và những người hiểu nó, nhưng vì sự yếu đuối, vẫn tiếp tục sống một cuộc sống tuyệt vọng. Đó là tất cả những gì mà tôi có thể thấy. Tôi đã nghĩ rằng, cái tầng lớp nhỏ hẹp này (những người có học thức, giàu có, và nhàn rỗi, mà tôi thuộc về) bao gồm toàn bộ nhân loại, và rằng hằng triệu người đã sống và tiếp tục sống bên ngoài cái vòng tròn này đều là những thú vật, chứ không phải là những con người.

 

Bây giờ, tôi thấy dường như thật lạ lùng và hoàn toàn không thể tin được, rằng trước đây, trong quá trình lý luận của tôi, có lẽ tôi đã bỏ qua cuộc sống của nhân loại xung quanh tôi; rằng tôi đã rơi vào trong một trạng thái quá sai lầm lố bịch, đến mức nghĩ rằng đời tôi và đời của Solomon hay Schopenhauer là cuộc sống đích thực, bình thường [59],  trong khi cuộc đời  của hằng triệu người khác thì không đáng kể; nhưng dù bây giờ điều đó có vẻ kỳ lạ với tôi thế nào đi nữa, thì vào thưở đó, quả thật tôi đã nghĩ như vậy. Bị dẫn đi lạc đường bởi sự kiêu ngạo về tri thức, tôi nghĩ – không có gì phải nghi ngờ –  rằng tôi cùng với Solomon và Schopenhauer, đã đặt câu hỏi này một cách quá chính xác, quá chân thành, đến nỗi không còn có cách nào khác nữa (hợp lý hơn); tôi nghĩ, không có gì phải nghi ngờ, rằng tất cả hằng triệu người này đều ở trong số những người mà chưa bao giờ xuyên thấu [60] tận chiều sâu của câu hỏi đó. Trong khi tôi truy tầm ý nghĩa của đời tôi, chưa bao giờ tôi từng tự hỏi, “ Hằng triệu người trên thế giới mà đã sống và bây giờ đang sống, họ đã gán cho cuộc đời họ loại ý nghĩa gì ?”

 

Trong một thời gian dài tôi đã sống trong cái tình trạng điên rồ này – cái tình trạng mà, nếu không phải trong lời nói, thì trong việc làm – được biểu lộ rõ nét, nhất là trong số những người có khuynh hướng tự do cấp tiến [61] nhất, và thông thái nhất. Tôi tự hỏi: phải chăng do một loại tình thương bẩm sinh kỳ lạ mà tôi đã có đối với nhân dân lao động, chính tình thương này đã buộc tôi phải hiểu họ, và thấy rằng họ không ngu xuẩn như tôi nghĩ ?  Hay phải chăng là do cái xác tín chân thành của tôi – rằng tôi không biết có gì tốt hơn để làm ngoài việc tự treo cổ – phải chăng chính cái xác tín ấy đã dẫn tôi đến chỗ nhận thức ra điều này: nếu tôi muốn sống và hiểu ý nghĩa cuộc đời, tôi phải tìm cái ý nghĩa này không phải trong số những người mà đã đánh mất nó và muốn tự hủy diệt mình, mà tôi phải tìm ý nghĩa cuộc đời trong số hằng triệu những con người, đang sống và đã chết, chính họ đã sáng tạo ra cuộc sống và nhận lấy cho mình gánh nặng của đời họ cũng như  đời của chính chúng ta? Bởi vậy, tôi nhìn quanh vào khối quần chúng khổng lồ, bao gồm những con người mộc mạc, đang sống hay đã chết – họ không có học thức, cũng không giàu có – và thấy một cái gì đó hoàn toàn khác. Tôi thấy rằng, tất cả hằng triệu con người này mà đã sống và vẫn đang sống, họ không rơi vào trong cái phạm trù của tôi, với chỉ vài ngoại lệ hiếm hoi. Tôi không thể xem họ như là những người không hiểu câu hỏi, bởi vì chính họ đã đặt câu hỏi với sự minh bạch khác thường, và đã trả lời nó. Tôi cũng không thể nhìn họ như là những người theo chủ nghĩa Epicurus[62], bởi vì nét đặc trưng của đời họ là sự thiếu thốn và khổ đau hơn là lạc thú. Tôi càng ít có thể xem họ như những người đang  tiếp tục sống một cuộc đời vô nghĩa trong một thể cách phi lý, bởi vì họ có thể giải thích mọi hành vi của đời họ, ngay cả chính cái chết. Và họ xem việc tự vẫn như là điều xấu lớn nhất trong tất cả mọi điều xấu. Hóa ra, tất cả nhân loại đều có một loại hiểu biết [63] nào đó về ý nghĩa cuộc đời mà tôi đã bỏ qua và xem thường, khinh bỉ. Sự kiện này dẫn tới hệ luận là, kiến thức thuần lý [64] không mang đến ý nghĩa cho cuộc đời, rằng nó khai trừ cuộc đời; cái ý nghĩa mà hằng triệu con người trao cho cuộc đời thì được đặt nền móng trên một loại kiến thức nào đó, một loại kiến thức vốn bị khinh bỉ và xem là giả dối, sai lầm.

 

Như được trình bày bởi những kẻ thông thái và khôn ngoan, kiến thức thuần lý phủ nhận ý nghĩa của cuộc đời, nhưng khối quần chúng khổng lồ này thừa nhận ý nghĩa thông qua một kiến thức phi lý tính. [65] Và cái kiến thức phi lý tính này là đức tin [66], một điều độc nhất mà tôi đã không thể chấp nhận. Đức tin này bao gồm vị Thượng đế vừa là một, vừa là ba [67], việc sáng thế trong 6 ngày, quỷ sứ, thiên thần và mọi thứ khác mà tôi đã không thể chấp nhận mà không rời bỏ những giác quan của tôi.

 

Cái vị trí của tôi thật là khủng khiếp. Tôi biết rằng tôi không thể tìm thấy cái gì trên con đường của kiến thức thuần lý ngoài sự phủ nhận cuộc sống; và trong đức tin, tôi không tìm thấy cái gì ngoài sự phủ nhận lý tính, và việc này thì càng bất-khả hơn là một sự phủ nhận cuộc sống. Nếu chấp nhận  kiến thức thuần lý, thì cũng phải chấp nhận rằng cuộc sống là xấu xa, [68] và người ta biết điều đó. Họ không cần phải sống, thế mà họ đã sống, và họ đang thực sự sống, y như chính tôi đã sống, cho dù tôi đã biết từ lâu rằng đời là vô nghĩa và xấu ác. Nếu chấp nhận đức tin, thì để hiểu cái ý nghĩa của cuộc sống, tôi sẽ phải quay mặt khỏi lý tính – chính là cái cần thiết để mang lại ý nghĩa.

 

 
CHƯƠNG 9

Tôi rơi vào một mâu thuẫn mà từ đó chỉ có 2 lối ra: hoặc là cái mà tôi nói đến như là lý tính thì không hợp lý [69] như tôi đã nghĩ, hoặc là cái mà tôi xem là phi lý [70] thì không phi lý như tôi đã nghĩ. Và tôi bắt đầu xem xét cái tiến trình  của những luận cứ mà đã bắt nguồn từ kiến thức thuần lý của tôi.

 

Khi tôi nhìn kỹ hơn vào tiến trình lý luận này, tôi thấy nó hoàn toàn đúng. Cái kết luận rằng đời không là gì cả, là một kết luận không thể tránh được; nhưng tôi phát hiện ra một sai lầm. Cái sai lầm đó là, tư duy của tôi không tương ứng với câu hỏi mà tôi đã nêu ra. Câu hỏi là: “Tại sao tôi nên sống ?”  Hay: “Có chăng một cái gì đó thật [71] và không thể hủy diệt mà sẽ phát sinh từ cuộc sống hư ảo [72] và có thể bị hủy diệt [73] của tôi?” Hay: “Sự tồn tại hữu hạn của tôi trong cái vũ trụ vô hạn này có thể có loại ý nghĩa nào ?” Để trả lời câu hỏi này, tôi đã nghiên cứu [74] cuộc sống.

 

Thật hiển nhiên là sự giải đáp cho tất cả mọi câu hỏi khả hữu [75] về cuộc sống đã không thể thỏa mãn tôi,  bởi vì câu hỏi của tôi, dù thoạt nhìn có vẻ đơn giản tới đâu chăng nữa, nó đưa tới một yêu sách cần giải thích cái hữu hạn bằng phương tiện của cái vô hạn, và cái vô hạn bằng phương tiện của cái hữu hạn.

Tôi hỏi, “ Ý nghĩa của đời tôi là gì, bên kia [76] không gian, thời gian và mối quan hệ nhân quả [77] ?”  Và tôi trả lời, “ Ý nghĩa của đời tôi là gì, bên trong [78] không gian, thời gian và mối quan hệ nhân quả?” Sau một thời gian dài trải qua trong lao nhọc của suy tưởng, kết quả tiếp theo là, tôi chỉ có thể trả lời rằng, đời tôi không có ý nghĩa gì cả.

 

Qua suốt quá trình lý luận của tôi, tôi thường trực so sánh cái hữu hạn với cái hữu hạn và cái vô hạn với cái vô hạn; quả thật, tôi không thể làm khác được. Tôi kết luận, và phải kết luận rằng lực [79] là lực, vật chất là vật chất, ý chí là ý chí, vô hạn tính [80] là vô hạn tính, hư vô [81] là hư vô, và tôi không thể vượt qua cái kết luận đó.

 

Nó là một cái gì đó tương tự như cái xảy ra với toán học khi chúng ta đang cố tìm cách giải một phương trình và tất cả những gì mà chúng ta có thể có là một sự đồng nhất [82]. Phương pháp để giải cái phương trình thì đúng, nhưng tất cả những gì mà chúng ta có thể đạt tới cho một câu trả lời là :  a = a, hay x = x, hay 0 = 0. Cái tương tự thì đang xảy ra với quá trình lý luận của tôi về vấn đề liên quan tới ý nghĩa của đời tôi. Những câu trả lời mà tất cả những khoa học cung cấp cho câu hỏi này chỉ là những phương trình đồng nhất [83]. Và trong thực tế, một kiến thức thuần lý nghiêm xác bắt đầu, trong thể cách của Descartes[84], với một sự nghi ngờ tuyệt đối về mọi sự. Kiến thức thuần lý nghiêm xác gạt sang một bên bất cứ kiến thức nào đặt nền trên đức tin, và xây dựng lại từ đầu theo những qui luật của lý tính và thí nghiệm; nó không thể cung cấp câu trả lời nào cho câu hỏi về cuộc sống khác hơn là câu trả lời mà tôi đã thu nhận được – một câu trả lời bất định [85]. Thoạt tiên, chỉ thoạt tiên thôi, tôi thấy rằng, dường như kiến thức thuần lý cung cấp một câu trả lời rõ ràng, dứt khóat, câu trả lời của Schopenhauer: đời không có ý nghĩa nào, nó là một điều xấu. Nhưng khi tôi đi sâu hơn nữa vào trong vấn đề này, tôi nhận thức rằng, đây không phải là một câu trả lời rõ ràng dứt khoát, và rằng, chỉ có những cảm xúc của tôi mới cho rằng nó là như vậy. Diễn tả một cách chặt chẽ, như nó được diễn tả bởi những Brahmins[86], bởi Solomon, và bởi Schopenhauer,  đó chỉ là một câu trả lời mơ hồ hay chỉ là một đồng nhất thức : 0 = 0, cuộc sống mà tự trình diện với tôi như là hư vô,  là hư vô. Như vậy, kiến thức triết học không phủ nhận cái gì cả,  mà chỉ đáp rằng, nó không thể có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này; và rằng, theo quan điểm của nó, thì bất cứ giải đáp nào cũng vẫn là bất định.

 

Sau khi đã hiểu điều này, tôi nhận thức rằng, tôi không thể truy tầm một câu trả lời cho câu hỏi của tôi trong kiến thức thuần lý. Câu trả lời được cung cấp trong kiến thức thuần lý chỉ cho thấy rằng, một câu trả lời chỉ có thể được đạt tới chỉ bằng cách công thức hóa câu hỏi một cách khác – có nghĩa là, chỉ khi nào mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn được đưa vào trong câu hỏi. Tôi cũng nhận thức rằng, cho dẫu những câu trả lời được cung cấp bởi đức tin có phi lý và thiếu hấp dẫn đến mấy đi chăng nữa, thì chúng có cái thuận lợi là đã mang đến cho mọi câu trả lời một mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, mà không có nó thì không thể có câu trả lời nào cả. Dù tôi có thể đặt câu hỏi “Tôi phải sống như thế nào?” bằng cách nào đi nữa, thì câu trả lời vẫn là: “Theo qui luật của Thượng đế.” Hỏi: “Có chăng một cái gì chân thực [87] mà sẽ xảy đến cho đời tôi ?” Trả lời: “Sự thống khổ vĩnh cửu, hay hạnh phúc vĩnh cửu.” Hỏi: “ Có ý nghĩa nào mà không bị hủy diệt bởi cái chết?” Trả lời: “Sự hợp nhất với vị Thượng đế vô hạn, thiên đường.”

 

Như thế, thêm vào cái kiến thức thuần lý, mà trước đây đối với tôi là thứ kiến thức duy nhất, tôi  tất yếu bị dẫn đến chỗ phải thừa nhận một loại kiến thức khác, một loại phi thuần lý, mà tất cả nhân loại đều có: đức tin, là cái cung cấp cho chúng ta khả tính của sự sống. Đối với riêng tôi, thì đức tin vẫn phi thuần lý như bao giờ, nhưng mà tôi không thể không nhận thức rằng, chỉ có một mình nó mới cung cấp cho nhân loại một câu trả lời cho câu hỏi về cuộc sống, và như thế, khiến cho người ta  có thể sống được.

 

Kiến thức thuần lý đã dẫn tôi đến cái kết luận rằng đời là vô nghĩa; đời tôi đi tới chỗ bế tắc, và tôi đã muốn loại bỏ chính mình. Khi tôi nhìn quanh, vào những con người, tôi thấy rằng họ đang sống và tôi xác tín rằng họ biết cái ý nghĩa của cuộc đời. Rồi tôi quay lại nhìn vào chính mình; chừng nào tôi hiểu ý nghĩa của cuộc sống, tôi sống. Như với những người khác, với tôi cũng vậy: đức tin cung cấp cho tôi ý nghĩa của cuộc sống và khả tính của sự sống.

 

Khi xem xét thêm về những con người tại những nước khác, về những kẻ đồng thời của tôi, và về những người mà đã qua đời, tôi thấy cùng một điều tương tự. Bất cứ nơi nào có cuộc sống, (nơi đó) có đức tin; từ khởi thủy của nhân loại, đức tin đã khiến cho chúng ta sống được, và những đặc tính chủ yếu  của đức tin thì có mặt khắp mọi nơi và luôn giống nhau.

 

Bất luận câu trả lời nào mà một đức tin nhất định có thể cung cấp cho chúng ta, thì mọi câu trả lời của đức tin đều mang đến ý nghĩa vô hạn cho cái sự tồn tại hữu hạn của con người, cái ý nghĩa không bị hủy diệt bởi sự đau khổ, sự thiếu hụt [88] và cái chết. Bởi thế, ý nghĩa của cuộc sống và cái khả tính của sự sống chỉ có thể được tìm thấy trong đức tin thôi. Tôi nhận thức rằng, cái ý nghĩa cốt tủy của đức tin không chỉ nằm trong “ sự hiển thị của những điều không thấy được”, [89] và vân vân, hay trong sự mặc khải (đây chỉ là một mô tả về một trong số những dấu hiệu của đức tin); nó cũng không phải chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa con người và Thượng đế (đức tin phải trước tiên được qui định và sau đó Thượng đế, chứ không phải ngược lại); đức tin cũng không phải là sự đồng ý với cái mà người ta được nói cho biết – cho dẫu đức tin rất thường được người ta hiểu như vậy. Đức tin là sự nhận biết về ý nghĩa của nhân sinh, nhờ đó mà con người tiếp tục sống, chứ không tự hủy diệt chính mình. Đức tin là lực của cuộc sống. Nếu một người sống, thì y phải có đức tin vào một cái gì đó. Nếu y không tin rằng y phải sống cho một cái gì đó, thì y sẽ không sống. Nếu y không thấy và không hiểu bản chất hư ảo của cái hữu hạn, thì y tin vào cái hữu hạn; nếu y hiểu bản chất hư ảo của cái hữu hạn, thì y phải tin vào cái vô hạn. Không có đức tin, thì không thể nào sống được. [90]

 

Tôi nhìn lại cái tiến trình của cuộc sống nội tâm của tôi và tôi kinh hãi. Bây giờ tôi thấy rõ rằng, để cho một người có thể sống, y phải hoặc là không thấy cái vô hạn hay y phải có một giải thích về ý nghĩa của cuộc sống mà nhờ đó cái hữu hạn và cái vô hạn sẽ được làm cho cân bằng [91] với nhau. Tôi đã có một giải thích như thế, nhưng tôi không cần nó bao lâu mà tôi còn vào cái hữu hạn, và tôi bắt đầu dùng lý tính để trắc nghiệm nó. Và trong ánh sáng của lý tính, mọi mảnh nhỏ của lời giải thích trước kia của tôi tan thành tro bụi. Nhưng rồi đến một lúc mà tôi không còn tin vào cái hữu hạn được nữa.Và rồi, dùng những nền tảng của lý tính, tôi bắt đầu dựa vào những gì mà tôi biết để ráp những mảnh ấy lại thành một lời giải thích mà sẽ ban cho cuộc sống ý nghĩa; nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu. Cùng với những trí óc kiệt xuất nhất mà nhân loại đã từng sản sinh ra, tôi đạt tới câu trả lời  0 = 0, và tôi hoàn toàn kinh ngạc trước một giải đáp như thế; kinh ngạc khi phát hiện ra rằng không có câu trả lời nào khác.

 

Và tôi đã làm gì khi tôi truy tầm một câu trả lời trong những khoa học thực nghiệm? Tôi đã muốn khám phá ra tại sao tôi sống, và để làm việc đó, tôi đã nghiên cứu mọi thứ nằm bên ngoài  chính tôi. Chắc chắn là tôi đã học được nhiều, nhưng về những cái mà tôi cần (biết), thì tôi lại không học được một cái gì cả.

 

Và tôi đã làm gì khi tôi truy tầm một câu trả lời trong lãnh vực triết học? Tôi đã nghiên cứu những tư tưởng của những người mà tự thấy chính họ rơi vào cùng một tình huống tương tự như tình huống của tôi; và họ không có câu trả lời nào cho câu hỏi tại sao tôi sống. Tại đây tôi đã không thể học bất cứ cái gì mà tôi đã không biết rồi – cụ thể, điều tôi học được, là: không thể biết một cái gì cả.

 

Tôi là cái gì? Một phần của cái vô hạn. Quả thật, toàn bộ vấn đề nằm trong những lời này. Có thể nào mà con người chỉ bây giờ mới nêu ra cái câu hỏi này ? Và có thể nào mà không có ai trước tôi đã đặt câu hỏi này cho chính y, một câu hỏi quá đơn giản, đến nỗi nó nằm trên chót lưỡi của mọi đứa trẻ thông minh?

 

Không, câu hỏi này đã từng được đặt ra từ khi có những con người để nêu nó ra; từ khởi thủy, con người đã hiểu rằng, giải quyết vấn đề bằng cách làm cân bằng [92] cái hữu hạn với cái hữu hạn thì chỉ là thiếu sót như việc làm cân bằng cái vô hạn với cái vô hạn; từ khởi thủy, con người đã tìm cách phát biểu rõ ràng khúc chiết về cái mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn. [93]

 

Chúng ta đặt dưới sự điều nghiên logic tất cả những khái niệm vốn đồng hóa cái hữu hạn với cái vô hạn và thông qua đó, chúng ta thu nhận cái ý nghĩa của cuộc sống và những ý tưởng về Thượng đế, tự do, và điều thiện. Và những khái niệm này không đứng vững trước những phê phán nẩy sinh từ lý tính.

 

Nếu không là khủng khiếp, thì sẽ là đáng nực cười khi nhìn thấy cái sự kiêu hãnh và thỏa mãn của chúng ta: giống như những đứa trẻ, chúng ta tháo rời cái đồng hồ ra, loại bỏ cái lò xo và biến nó thành một đồ chơi, chỉ để mà ngạc nhiên khi thấy nó ngừng chạy.

 

Việc  giải quyết sự mâu thuẫn giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, một câu trả lời cho câu hỏi về cuộc sống mà khiến cho người ta có thể sống – một câu trả lời như vậy thì cần thiết và thân thiết với chúng ta. Và một giải đáp độc nhất mà chúng ta tìm thấy khắp nơi, vào mọi thời điểm, và trong tất cả mọi dân tộc, là cái giải đáp đã được lưu truyền từ một thời đại xa xưa, mà trong đó toàn bộ sự sống con người thì đã chìm khuất đối với chúng ta. Nó là một giải đáp quá khó khăn, đến mức chúng ta không gặp phải một cái gì giống như nó, một giải đáp mà chúng ta xoá bỏ một cách không suy nghĩ, bằng cách một lần nữa nêu ra câu hỏi này – cái câu hỏi vẫn hằng xuất hiện với mọi người – cái câu hỏi, mà câu trả lời cho nó, chúng ta không có.

 

Những khái niệm về một vị Thượng đế vô hạn, cái tốt và xấu về đạo đức, sự bất tử của linh hồn, và một mối quan hệ giữa Thượng đế và những công việc của con người – đó là những khái niệm đã được phát triển dần trong quá trình lịch sử qua cuộc sống của nhân loại, mà đã bị chìm khuất khỏi chúng ta. Chúng là những khái niệm mà nếu thiếu đi, thì sẽ không có cuộc sống, không có chúng thì chính tôi không thể sống; và thế nhưng, gạt sang một bên tất cả cái lao động tinh thần của nhân loại, tôi đã muốn làm lại mọi thứ từ đầu, một mình, và theo cách riêng của tôi .

 

Vào thời đó, tôi đã không nghĩ như vậy, nhưng ngay cả lúc bấy giờ, những hạt giống của những tư tưởng này đã được gieo trồng vào bên trong tôi. Tôi nhận thức trước hết rằng, mặc dù sự khôn ngoan minh triết của chúng tôi,[94] cái lập trường của Schopenhauer, Solomon, và của chính tôi, là phi lý  : Chúng tôi xem đời là xấu ác, và thế nhưng chúng tôi vẫn sống. Điều này rõ ràng thật phi lý, bởi vì nếu cuộc sống là vô nghĩa, và nếu tôi quá yêu lý tính, thì tôi phải hủy diệt cuộc sống để không còn có ai để phủ nhận nó. Thứ hai, tôi nhận thức rằng, tất cả những luận cứ của chúng tôi cứ mãi đi vòng quanh, trong một cái vòng lẩn quẩn, giống như một cái răng cưa không khớp vào trong cái bánh xe. Cho dẫu cái lý luận của chúng tôi có tinh tế đến mấy đi chăng nữa, chúng tôi không thể tìm ra một câu trả lời; nó luôn đưa tới đáp số : 0 = 0, và cái phương pháp của chúng tôi, do vậy, thì hẳn là nhầm lẫn. Sau cùng, tôi bắt đầu nhận thức rằng, cái minh triết sâu xa nhất của con người thì có gốc rễ trong những câu trả lời được cung cấp bởi đức tin; và rằng, tôi không có quyền phủ nhận những câu trả lời này trên những cơ sở của lý tính; trên hết, tôi nhận thức rằng,  chỉ có những câu trả lời này mới có thể tạo thành một lời đáp, một câu trả lời cho câu hỏi về cuộc sống.

 



[1] Why does everything that is exists.

[2] Trả lời như vậy, thà đừng trả lời còn hơn! ( ĐTN).

[3] Species.

[4] Alterations.

[5] Decompose.

[6] Fall apart.

[7] Every possible meaning.

[8] This mysterious, inscrutable whole.

[9] Ballast.

[10]  Profesional philosophy.

[11] Socrates ( 470 – 399) thảo luận điều này trong tíết mục 62 – 69 trong tác phẩm Phaedo của Plato, khi các bạn ông đến thăm ông lần cuối cùng trước ngày ông bị hành quyết.

[12] Evils.

[13] Inner essence.

[14] The free denial and self-annihilation of will.

[15] Form : hình thể, hình tướng, sắc tướng (ĐTN).

[16] Nothingness.

[17] Our nature.

[18] Will to live.

[19] Desire to live.

[20] Fulfilled.

[21] Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) : có một ảnh hưởng sâu xa trên tư duy của Tolstoy, nhất là trong suốt thời gian khi ông đang viết Chiến tranh & Hòa bình. Những khái niệm được trình bày ở đây được tìm thấy trong tác phẩm Paregrga and Paralipomena của Schopenhauer.

[22] Vaniy of vanities.

[23] What have been, will be.

[24] Remembrance.

[25] The sons of men.

[26] A languishing of the spirit.

[27] Folly.

[28] Foolishness.

[29] What does it do? Tôi dịch sát nguyên văn, nhưng chưa rõ ý của câu này. ( ĐTN).

[30] Repulsive.

[31] Đoạn này được Tolstoy trích dẫn từ The Book of Ecclesiates, thực sự không phải do Solomon viết; ông này mất khoảng năm 920 trước Chúa Giáng Sinh. Đúng ra, sách này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên.

[32] Có lẽ, dùng từ “Siddharta” thì sẽ thích hợp hơn. ( ĐTN).

[33] Lúc ấy là thái tử Siddartha. (ĐTN). 

[34] A lie.

[35] A passage into nothingness.

[36] Life.

[37] Possibility.

[38] Powerful.

[39] Những dòng chữ đầy bi quan! Có lẽ, trên đường đi tìm chân lý, Tolstoy đã gặp những người “ bi quan” như Schopenhauer, Solomon… Ông có nhắc đến đức Phật, nhưng ông không hiểu đúng giáo lý của Ngài… ĐTN nghĩ rằng, Tolstoy rất “ phiến diện” khi viết những dòng này. ( ĐTN).

[40] Chúng ta có đang “ chạy trốn” không? Và đang chạy trốn bằng cách nào? ( ĐTN).

[41] Gladness.

[42]  Your vain days.

[43] Đây chỉ là ý nghĩ riêng của Tolstoy. Tôi tôn trọng và dịch đúng ý của tác giả, và dành sự phán đoán cho bạn đọc. ( ĐTN).

[44] Intellectual faculties.

[45] Phải chăng, chỉ có 4 cách chạy trốn đó? Còn cách nào khác nữa không? ( ĐTN).

[46] Cần phần biệt thái tử Siddhartha và Phật Thích ca. Thái tử Siddhartha là một người bình thường như tất cả mọi chúng sinh, nhưng Phật là danh hiệu dành cho người đã giác ngộ. Cũng cần biết, do thiếu điều kiện để tiếp cận với đạo Phật một cách thấu đáo, nên Tolstoy có những nhận định phiến diện và sai lạc về Thích ca, về đạo Phật. Thực ra, đạo Phật khẳng định chân lý “ đời là khổ”, nhưng cũng đưa ra con đường diệt khổ - chứ không hề bi quan yếm thế như Tolstoy đã nghĩ. ( ĐTN).

[47] Active.

[48] Disgusting.

[49] Unquestionable.

[50] My reason.

[51] Điều kiện.

[52] Vanity.

[53] Rationality.

[54] Our wisdom – có lẽ Tolstoy muốn nói đến chính ông và những người như Schopenhauer… (ĐTN).

[55] Theo cách nhìn của đạo Phật, thì có lẽ Tolstoy còn nặng “ sở tri chướng”, ông chưa thoát ra khỏi quỹ đạo của những cái đã “ quy định” ông. ( ĐTN).

[56] Formulation.

[57] This point.

[58] Consciousness of life.

[59] Normal.

[60] Penetrate.

[61] Liberal.

[62] Epicurism:  Một chủ thuyết do Epicurus, triết gia Hy Lạp cổ đại, chủ xướng.  Thường được gọi là “chủ nghĩa hưởng lạc.” Theo chủ nghĩa này, thì mục đích của cuộc sống là hưởng khoái lạc càng nhiều càng tốt. Nhưng, thực ra, Epicurus phân biệt “khoái lạc vật chất” và “ khoái lạc tinh thần”, và ông ưu tiên cho khoái lạc tinh thần. Do vậy, đa phần những người mệnh danh là “ theo chủ nghĩa Epicurus”, họ chỉ nhấn mạnh khoái lạc vật chất – đi ngược lại hoàn toàn với chủ nghĩa Epicurus đích thực. (ĐTN).

[63] Knowledge.

[64] Rational knowledge.

[65] Irrational knowledge.

[66] Faith. Đúng là “ đức tin” vượt lên lý tính, nhưng có nhiều loại “ đức tin” , chứ không chỉ có đức tin Kytô giáo. Chẳng hạn, đức tin vào Đạo của Lão Tử cũng “ phi lý tính”, nhưng nó không hề xung đột với lý tính. ( ĐTN).

[67] Chúa 3 ngôi: Chúa Cha, chúa Con và chúa Thánh thần. ( ĐTN).

[68] Thực ra, cũng chưa hẳn như Tolstoy nghĩ. ( ĐTN).

[69] Rational.

[70] Irrational.

[71] Real.

[72] Illusory.

[73] Perishable.

[74] Study.

[75] Possible questions.

[76] Beyond.

[77] Causation.

[78] Within.

[79] Force.

[80] Infinity.

[81] Nothing.

[82] Identity.

[83] Identities.

[84] Réné  Decartes (1596 – 1650) : thường được nói tới như là cha đẻ của triết học hiện đại. Ông bắt đầu một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Những Suy niệm siêu hình, từ một lập trường hoài nghi tuyệt đối, một nguyên tắc mà ông cũng thảo luận trong Phương pháp luận ( Discourse on Method).

[85] Indefinite.

[86] Brahmins: người Bà La Môn, là những người thuộc giai cấp cao nhất của Ấn Độ; theo truyền thống, họ thuộc về giai cấp tăng sĩ.

[87] Real.

[88] Deprivation.

[89] The manifestations of things unseen.

[90] Câu này đúng. Nhưng  “tin” vào cái gì, đó mới là điều quan trọng. Đức tin có phải là “đặc quyền” của tôn giáo? Chúng ta cần biết, những “ nhà nhân bản chủ nghĩa [ humanists], họ không tin vào tôn giáo, vào Thượng đế, nhưng họ có “ đức tin” vào con người. ( ĐTN).

[91] To be equated.

[92] Equate.

[93] Cái hữu hạn có quan hệ như thế nào với cái vô hạn? Đây là một câu hỏi cốt tủy, nhưng đã có mấy ai trả lời được? ( ĐTN).

[94] Our wisdom: “của chúng tôi” - ở đây, Tolstoy chỉ muốn nói đến Schopenhauer, Solomon, chính ông, và những người cùng quan điểm với ông, chứ không phải nói chung chung. (ĐTN).

 

 

Đỗ Tư Nghĩa
Số lần đọc: 1977
Ngày đăng: 02.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Mộng Giác, Trong Tình Thân & Nỗi Thương Tiếc! - Mang Viên Long
Tự Thú 1 - Đỗ Tư Nghĩa
Có phải cuối đời là. . . vậy vậy ! - Nguyễn Đông Nhật
Phạm Nhã Dự : Thơ Và Hoài Niệm Một Thời Tuổi Trẻ - Trần Văn Sơn
Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích 1891-1978 - Nữ Tu Mai Thành
Người Làng Hà Thượng [1919-2011] - Phan Bá Thụy Dương
Hành Trình & Thi Ca Tịch Liêu Của Một Kẻ Tài Hoa, Vướng Lụy. - Phan Bá Thụy Dương
Viết Về GS Nguyễn Văn Thành - Nguyễn Đăng Trúc
G.S. Nguyễn Văn Thành và cuốn sách “Trong Đức Kitô” viết cho Phong Trào Cursillo - Nguyễn Đức Tuyên
Tác Giả “Mùa Biến Động” Đã Qua Đời. - Ban Mai
Cùng một tác giả
Tự Thú 1 (chân dung)
Tự Thú 2 (chân dung)
Tự Thú 3 (chân dung)