Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
795
116.011.893
 
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 7
Đỗ Tư Nghĩa

 

PHẦN V: LÀM VIỆC

 

41. CHỌN MỘT NGHỀ

 

Tôi bối rối không biết nên theo nghề nào.

 

Nhà thơ Nhật Bản Takuboku Ishii – thơ ông ông xuất hiện vào giai đoạn bước ngoặt của thế kỷ 20 – đã một lần viết bài thơ này, mà tôi ghi lại trong nhật ký khi tôi còn trẻ:

 

Ước gì tôi có một thiên chức

để thành tựu với niềm vui.

Một khi tôi đã chu toàn nó

tôi ước mong được chết.

 

Ông đang nói về sứ mệnh của ông, công việc mà vì nó ông sinh ra đời. Tuy nhiên, ít người đủ may mắn để biết sứ mệnh của họ ngay từ đầu. Tôi thường hay nghe những học sinh nói những điều như, “Bố mẹ tôi muốn tôi trở thành bác sĩ, nhưng tôi không chắc là tôi muốn làm cái gì,” hay, “ Tôi đã muốn là một nhà báo, nhưng tôi không nghĩ rằng tôi có điều kiện để trở thành,” hay, “ Những chọn lựa của tôi thì bị giới hạn bởi vì những môn học mà tôi đã chọn,” hay, “Tôi không đặc biệt thích cái gì cả, nhưng tôi muốn nổi tiếng,” hay,  “Hễ cứ gặp một người mới, là những giấc mơ của tôi lại thay đổi.” Một vài người cũng đã nói với tôi, “Đôi khi tôi đâm ra sợ hãi, bởi vì tôi không có ý niệm nào về cái tôi muốn làm trong tương lai.”

 

Ờ, đời thì dài. Kết quả thực thụ của những phấn đấu hằng ngày [của bạn] để tìm ra sứ mệnh của bạn, có thể nó sẽ không được tiết lộ ra với bạn cho đến khi bạn bước vào tuổi 40, 50, và 60. Do vậy, điều hệ trọng, là mỗi người trong các bạn tìm thấy một cái gì đó – bất luận là cái gì – để thử thách chính mình trong khi bạn còn trẻ. Hãy xem tuổi trẻ của bạn như là thời gian để học tập và rèn luyện bản thân.

 

Mỗi người có một sứ mệnh – hay mục đích – độc đáo mà chỉ riêng người ấy mới có thể chu toàn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên ngồi yên và không làm gì cả, đợi câu trả lời đến với bạn,  hay đợi một ai đó nói với bạn nó là cái gì. Bằng cách thử thách chính mình, sau cùng, bạn sẽ có thể tự mình khám phá ra sứ mệnh của bạn.

 

Bạn giống như một ngọn núi chôn giấu một viên ngọc quý. Viên ngọc quý ban đầu bị chôn sâu dưới đất. Và nếu nó không được mài giũa khi nó được đào lên, thì nó sẽ cứ mãi còn thô ráp. Thật đáng tiếc nếu cho đến hết đời, mà bạn vẫn chưa khai quật được viên ngọc bên trong của bạn. Bởi vậy, khi những bậc bố mẹ hay cô thầy bảo bạn nên học chăm chỉ, thực ra họ đang nói, bằng cách dấn thân vào trong lãnh vực mà bạn quan tâm, bạn có thể khai quật cái viên ngọc trong đời bạn và tìm thấy sự thỏa mãn bằng cách làm cho nó sáng lấp lánh.

 

Tính kiên trì là tối hệ trọng. Bạn không thể làm cho viên ngọc bên trong bạn chiếu sáng với những nỗ lực nửa vời.

 

Bạn có quyền quyết định loại công việc mà bạn muốn làm; những chọn lựa thì rộng mở. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, nhiều công việc đòi hỏi một trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trường lớp nào đó. Một số người bắt đầu làm việc ngay sau khi rời trung học, hoặc do tự chọn hoặc do hoàn cảnh gia đình. Những người khác đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, những người khác trở thành nội trợ, ở nhà chăm sóc gia đình. Một số người phấn đấu để trở thành công chức, và những người khác,  [phấn đấu]  để đạt năng lực kỹ thuật trong lãnh vực nào đó. Về cơ bản, có nhiều tùy chọn, tất cả trong số đó bạn đều có tự do chọn lựa.

 

Nếu bạn không thể quyết định loại công việc mà bạn muốn làm, tại sao không bắt đầu với công việc mà bạn kiếm được một cách dễ dàng, một cái gì đó mà bạn quen thuộc với? Bằng cách đó, bạn có thể đạt được kinh nghiệm thực tiễn và phát hiện ra cái mà bạn có sở trường. Trong bất cứ trường hợp nào, đừng lo lắng.

 

Kiếm một việc làm chỉ là khởi điểm trong việc khai mở cái năng lực của bạn; nó hoàn toàn không phải là mục đích cuối cùng. Không cần phải mất kiên nhẫn. Điều hệ trọng là bạn leo lên ngọn núi cuộc đời một cách vững chắc, mà không vội vàng và không bỏ cuộc.

 

Khi bạn quyết định cái mà bạn sẽ làm trong tương lai, hãy dũng mãnh tiến về phía trước một cách có chủ đích. Đừng nửa vời. Khi bạn theo đuổi một cái gì đó với quyết tâm mạnh mẽ, bạn sẽ không có gì phải hối tiếc ngay cả nếu rủi bị thất bại. Và bất luận bạn thất bại hay thành công, những nỗ lực đều đặn sẽ dẫn bạn tới con đường kế tiếp.

 

42. TÌM RA SỨ MỆNH CỦA BẠN.

 

Làm thế nào tôi khám phá ra sứ mệnh của tôi trong đời?

 

Trước hết, tôi muốn lặp lại rằng, bạn sẽ không tìm ra nó bằng cách đứng im. Điều quan trọng là bạn thử thách chính mình trong một cái gì đó, bất luận là cái gì. Rồi, bằng cách nỗ lực đều đặn, kiên định, cái hướng mà bạn nên theo sẽ mở rộng ra trước mắt bạn một cách tự nhiên. Do vậy, thật quan trọng để mà tự hỏi mình :  tôi nên đang làm cái gì bây giờ, chính khoảnh khắc này?

 

Nói khác đi, cái chìa khóa của vấn đề, là leo lên ngọn núi nằm ngay trước mặt bạn. Trong khi bạn đi lên những sườn núi của nó, bạn sẽ phát triển những bắp thịt của bạn, tăng cường sức mạnh và sức chịu đựng của bạn. Sự rèn luyện như thế sẽ khiến cho bạn có thể thử thách với những ngọn núi cao hơn. Điều tối quan trọng là bạn tiếp tục làm những nỗ lực như thế.

 

Hãy trèo lên ngọn núi ở trước mặt bạn. Khi bạn lên tới đỉnh, những chân trời bát ngát sẽ trải dài ra trước mắt bạn. Từng chút một, bạn sẽ hiểu sứ mệnh của mình.

 

Những ai nhớ rằng họ có một sứ mệnh độc đáo, là những người mạnh mẽ. Bất luận những vấn đề của họ là gì, họ sẽ không bao giờ bị đánh bại. Họ có thể chuyển hóa tất cả những vấn đề của họ thành ra những chất xúc tác cho sự tăng trưởng hướng về một tương lai đầy hy vọng.

 

Mục đích của cuộc đời là leo lên một ngọn núi, rồi đối mặt với ngọn kế tiếp, và cứ tiếp tục như vậy. Những ai kiên trì và sau cùng thành công trong việc chinh phục ngọn núi cao nhất, họ là những kẻ chiến thắng trong cuộc đời. Ngược lại, những ai trốn tránh những thử thách như thế và đi theo lộ trình dễ dàng – đi xuống thung lũng – họ sẽ kết thúc trong sự bại trận. Nói một cách đơn giản, ta có hai lựa chọn trong đời: hoặc leo lên ngọn núi trước mặt mình hoặc đi xuống thung lũng.

 

 

43. TÀI NĂNG

 

Tôi cảm thấy mình tầm thường, như thể là tôi không có khả năng hay tài năng nào đặc biệt.

 

 

Điều đó không đúng. Vấn đề nằm ở chỗ là người ta tự giới hạn cái năng lực của mình. Mọi người đều có một loại năng khiếu nào đó. Có tài năng không chỉ đơn giản có nghĩa là bạn phải là một nhạc sĩ, nhà văn hay nhà điền kinh giỏi – có nhiều loại tài năng. Chẳng hạn, bạn có thể là một người nói chuyện tuyệt vời, kết bạn dễ dàng, hay có tài làm cho mọi người thoải mái dễ chịu. Hoặc bạn có năng khiếu về điều dưỡng, có tài kể chuyện khôi hài, bán hàng hay tiết kiệm. Có thể là bạn luôn đúng giờ, kiên nhẫn, đáng tin cậy, nhân ái hay lạc quan. Có thể bạn yêu những thử thách mới, hoặc tận tụy cho hòa bình, hoặc mang lại niềm vui cho người khác.

Như Nicheren đã nói, mỗi người trong chúng ta thì độc đáo như một bông hoa anh đào, hoa mận, hay hoa lan. Mỗi bông hoa thì tuyệt vời một cách độc đáo; bởi vậy, mỗi bông hoa nở trong cách mà chỉ nó mới có thể nở.

 

Không nghi ngờ gì nữa,  mỗi người có một tài năng bẩm sinh. Câu hỏi là: Làm thế nào bạn khám phá ra tài năng đó? Cách duy nhất là tự nỗ lực tới cùng giới hạn trong bất cứ cái gì ở phía trước bạn. Tiềm năng thực thụ của bạn sẽ hiện lên khi bạn dành hết mọi thứ mà bạn có cho việc học tập của bạn, cho những môn thể thao của bạn, những sinh hoạt ngoài chương trình của bạn, hay bất cứ cái gì mà bạn dấn thân vào.

 

Điều quan trọng là, bạn hãy tập thói quen tự thử thách mình cho tới hết giới hạn khả năng mình. Trên một phương diện nào đó, những kết quả mà bạn đạt được thì không quan trọng. Những điểm số thực sự mà bạn nhận được tại trung học, chẳng hạn, sẽ không quyết định phần còn lại của đời bạn. Nhưng cái thói quen tự thúc đẩy mình tới cùng giới hạn, không sớm thì muộn sẽ mang lại hoa trái. Nó sẽ phân biệt bạn với kẻ khác một cách không sai chạy. Nó sẽ khiến cho tài năng của bạn tỏa sáng.

 

44. VIỆC LÀM PHÙ HỢP.

 

Tôi nên tìm kiếm cái gì khi cố tìm công việc phù hợp?

 

Tsunsaburo Makiguchi, vị chủ tịch đầu tiên của Soka Gakkai, nói rằng có 3 loại giá trị: cái đẹp, cái lợi, và cái thiện. Trong lãnh vực lao động, thì việc tìm một chỗ làm mà bạn thích,  tương ứng với giá trị về cái đẹp; có một công việc đem lại tiền lương mà có thể chu cấp cho cuộc sống hằng ngày của bạn thì tương ứng với giá trị của cái lợi; giá trị của cái thiện có nghĩa là tìm một công việc có thể giúp những người khác và đóng góp vào xã hội.

 

Không mấy ai có thể tìm thấy công việc hoàn hảo ngay từ đầu. Một số người có thể có một công việc mà họ thích, nhưng nó không mang lại lợi ích vật chất; hoặc, công việc của họ có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng họ ghét nó. Đôi khi, đó là cách những sự việc diễn ra. Một số người cũng phát hiện ra rằng, họ đơn giản không được sinh ra để làm cái nghề mà họ đã mơ ước.

 

Vị cố vấn tinh thần của tôi, Josei Toda, nhấn mạnh rằng, điều tối quan trọng là: trước tiên,  bạn phải trở nên một nhân vật cần thiết không thể thiếu, bất cứ nơi nào mà bạn có mặt. Thay vì than vãn rằng, công việc đó không đúng với cái mà bạn đang muốn làm, ông nói, hãy trước hết, hãy trở thành một cá nhân hạng nhất ở công việc đó. Điều này sẽ mở ra lối đi dẫn đến giai đoạn kế tiếp trong đời, và trong giai đoạn đó bạn cũng nên tiếp tục làm việc hết sức. Những nỗ lực liên tục chắc chắn sẽ đưa bạn tới một công việc mà bạn thích, nó nuôi sống bạn, và cho phép bạn đóng góp vào xã hội.

 

Rồi, khi sau này bạn nhìn lui, bạn sẽ thấy tất cả những nỗ lực của bạn đã trở thành những tài sản quý giá như thế nào đối với lý tưởng của bạn. Bạn sẽ nhận thức rằng, không có nỗ lực và khó khăn nào của bạn đã bị uổng phí.

 

 

45. ĐỔI NGHỀ.

 

 

Nếu ban đầu ta theo đuổi một ước mơ, nhưng rồi đổi ý, và muốn theo một con đường khác, thì sao?

 

Cái đó hoàn toàn không sao cả. Chỉ có một ít người sau cùng làm được cái mà họ đã hoạch định hay mơ được làm, từ lúc ban đầu.

Trong trường hợp của tôi, tôi đã muốn trở thành một phóng viên nhật báo, nhưng do sức khỏe kém, tôi không thể theo đuổi nghề đó. Hôm nay, tuy vậy, tôi trở thành một nhà văn.

 

Có một dạo tôi làm việc cho một công ty xuất bản. Vì tại đó quá ít nhân viên, tôi phải làm việc rất vất vả – nhưng, vì thế, tôi đã có được nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

 

Sau chiến tranh, tôi làm việc cho một cơ sở nhỏ khác, nhưng cái kinh nghiệm đó đã cho tôi một cơ hội để thực sự nhìn vào chính mình. Khi nhìn lại, thì mọi sự thuở đó rất có giá trị với đời tôi hiện nay. Điều quan trọng là tự phát triển chính mình trong tình huống hiện tại của bạn và kiểm soát sự tăng trưởng của bạn.

 

Một khi bạn đã quyết định làm một công việc nào đó, tôi hy vọng rằng, bạn sẽ không là loại người dễ dàng bỏ việc khi gặp một trở ngại bé nhỏ, hay luôn cảm thấy bất an  và ưa than vãn. Tuy nhiên, nếu sau khi bạn đã dành cho nó tất cả, bạn quyết định rằng, công việc này không phù hợp với bạn và tiếp tục thay đổi, thì cũng không sao cả.

 

Tìm một chỗ đứng trong xã hội, là một thử thách; để sống còn, là một cuộc phấn đấu. Nhưng dù bạn ở đâu, đó chính xác là nơi mà bạn cần phải có mặt; bởi vậy, hãy phấn đấu ở đó, tới mức tốt nhất của khả năng bạn.

 

Một cái cây không cao lên và trở nên mạnh mẽ trong một hai ngày. Cũng tương tự như vậy, những người thành đạt, họ phải mất nhiều thời gian mới có được sự thành đạt, chứ không chỉ sau một vài năm. Điều này áp dụng cho mọi sự.

 

 

46. KHÔNG LÀM VIỆC.

 

Nếu được chọn lựa, tôi thích đừng phải làm việc hơn.

 

Một số người xem lao động như là một công việc vặt vãnh không thú vị, mà họ phải làm để kiếm tiền chi tiêu cho những sinh hoạt nhàn rỗi của họ. Nhưng một nhân vật trong tác phẩm Dưới Đáy, của Maxim Gorky,  đã nói,  “Khi lao động là một thú vui, đời là một niềm vui! Khi lao động là một bổn phận, đời là một sự nô lệ.” Thái độ của bạn đối với công việc – ngay cả công việc học hành của bạn ở đại học – chi phối một cách quyết định chất lượng đời bạn.

 

Một người bạn của tôi, giáo sư triết học quá cố David Norton, đã có lần nói:

“ Nhiều sinh viên bị vướng trong khái niệm rằng, mục đích duy nhất của nghề nghiệp là kiếm tiền, rằng hạnh phúc có nghĩa là có tiền để thoả mãn những dục vọng của họ. Nhưng bởi vì những dục vọng này là vô hạn, họ sẽ không bao giờ có thể cảm thấy thỏa mãn. Hạnh phúc thực thụ được tìm thấy trong chính công việc. Qua công việc, ta có thể phát triển, hiện thực hóa mọi tiềm năng của mình, và đem ra ngoài cái giá trị độc đáo vốn nằm bên trong – và chia sẻ cái giá trị đó với xã hội. Công việc mang lại niềm vui – niềm vui đến từ việc sáng tạo ra một cái gì đó có giá trị.

 

Ông nói đúng. Công việc của một ngươì cần phải mang lại hạnh phúc cho người khác. Cuộc đời là thực sự tuyệt vời khi bạn được cần đến ở một nơi nào đó. Đời sẽ tẻ nhạt và trống rỗng biết bao, nếu chỉ vì ta có những phương tiện, mà ngày nào ta cũng chỉ theo đuổi những trò giải trí nhàn rỗi, và không làm gì khác nữa.

 

 

47. KIẾM TIỀN.

 

Tôi nên quan tâm như thế nào với lương tiền?

 

Nhất là với những người trẻ, điều hệ trọng là đừng đặt quá nặng về mức lương. [1] Bên cạnh làm việc hết sức mình ở nơi mà bạn đang làm, tốt nhất là có cái tinh thần của câu nói này, “Tôi sẽ làm nhiều hơn so với mức lương!” Đây là cách mà bạn có thể tự rèn luyện mình.

 

Dĩ nhiên, có lương cao thật là tốt, nhưng 100 Mỹ kim kiếm được qua công việc vất vả và nỗ lực, là một kho bằng vàng – trái lại, ăn cắp Mỹ kim hay thu được nó qua những phương tiện phi pháp, thì không có giá trị gì hơn là rác rưởi hay phân động vật. Đồng tiền ăn cắp hay trấn lột là dơ bẩn. Nó sẽ không mang đến hạnh phúc. Như một câu cách ngôn, “của phù vân để ngoài ngõ.” Những quan chức chính phủ mà đã một lần có uy tín lớn, nhưng bị bắt quả tang nhận hối lộ,  họ phải sống phần đời còn lại của mình trong ô danh, bị liệt vào hàng tội phạm.

 

Sau cùng, hạnh phúc lớn nhất thì được tìm thấy trong việc dốc hết sức mình – với lòng tự tin và sự khôn ngoan – tại nơi làm việc,  như là một thành viên gương mẫu của xã hội, làm việc chăm chỉ để đạt tới một cuộc sống viên mãn  và hạnh phúc của gia đình bạn. Những ai làm như thế, là những kẻ chiến thắng trong đời.

 

 

48 . LÀM VIỆC VÌ

      CHÍNH NGHĨA.

 

 

Có phải làm việc cho một lý tưởng cao cả thì tốt hơn là chỉ có một chỗ làm nào đó?

 

Có nguyện vọng hiến mình cho một lý tưởng vì con người,  xiển dương quyền con người và hành động dựa trên ước muốn làm việc cho hạnh phúc và an vui của kẻ khác, đó thực sự là một hoài bão đáng ca ngợi.

 

Tuy nhiên, nó không hề có nghĩa là bạn không thể đóng góp vào nền hòa bình và sự cải thiện xã hội nếu bạn không ở trong một nghề nghiệp hay tổ chức đặc biệt. Trong khi tôi đánh giá cao bất cứ ai làm việc cho một hội từ thiện hay trở nên một kẻ tình nguyện, [tôi biết] có nhiều người phấn đấu cho hòa bình trong khả năng khiêm nhường của riêng họ.

 

Tôi đã gặp nhiều người như thế, giống như Rosa Parks, người mẹ của phong trào dân quyền Mỹ, bà là một người bán hàng trong một cửa hàng may mặc; sau đó, bà khởi xướng cuộc tẩy chay xe buýt nổi tiếng tại Montgomery, Alabama, vào năm 1955. Và Adolfo Pérez Esquivel của Argentina, một nhà điêu khắc và kiến trúc sư, người đã đoạt giải Nobel Hòa Bình về những hoạt động bảo vệ nhân quyền.

 

Điều chính yếu, là tự hào về công việc mà bạn làm, sống trung thực với chính mình. Hoạt động là một tên gọi khác của hạnh phúc. Cái quan trọng, là bạn để cho những tài năng độc đáo của bạn được tự do biểu hiện; rằng bạn sống với sự toả sáng trọn vẹn của hiện hữu mình. Sống một cách đích thực  có nghĩa là như vậy.

 



[1] Trong câu này, cần nhấn mạnh chữ “ quá.” Có nghĩa, mức lương cũng quan trọng, nhưng đừng  quá” chú trọng đến nó và đặt nó lên ưu tiên hàng đầu. Chẳng hạn, nếu có thể chọn giữa một công việc có lương rất cao, nhưng không phù hợp với khuynh hướng và sở thích của bạn, và một công việc có lương tương đối thấp hơn, nhưng lại phù hợp với khunh hướng và sở thích của bạn, thì bạn  nên chọn công việc thứ hai. Bạn cũng nên biết, nếu phải làm một công việc mà bạn cảm thấy chán, bạn sẽ dễ bị stress; nếu lâu ngày, thì stress sẽ gây ra nhiều bệnh tâm thần – đó là điều mà các nhà tâm lý học đã khẳng định với những bằng chứng cụ thể, khoa học.

 

Đỗ Tư Nghĩa
Số lần đọc: 1854
Ngày đăng: 24.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 6 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 5 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 4 - Đỗ Tư Nghĩa
“Nhà thơ Xuân Ly Băng – Cuộc đời và Tác phẩm” - Nguyễn Văn Hoà
Thể Loại Và Cấu Trúc - Mai Bá Ấn
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 3 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 2 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 1 - Đỗ Tư Nghĩa
Thanh Thảo - Ông Hoàng Của Trường Ca - Mai Bá Ấn
Chợ Tết Trong Tâm Thức Vũ Bằng Qua Thương Nhớ Mười Hai - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Tự Thú 1 (chân dung)
Tự Thú 2 (chân dung)
Tự Thú 3 (chân dung)