Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
785
116.662.387
 
Khúc Cỏ
Mai Thanh Vinh

Tháng tư, gió ngúng nguẩy, le te, lạnh lùng len qua từng khe cửa khem khép, lùa vào tóc thiếu nữ, phơn phớt trên đôi má ửng hồng. Lạ thiệt, tháng tư lạnh đột ngột  làm người ta ngẩn ngơ, không hiểu vì sao thời tiết trở chứng thất thường, mà thôi, biết đâu người ta cũng chẳng quan tâm bởi cuộc sống hằng ngày có quá nhiều điều đang đối mặt, nào là chuyện cơm áo gạo tiền, vật giá leo thang từng ngày  vắt kiệt sức con  người trong cuộc mưu sinh,  lòng trắc ẩn, thương cảm, lo lắng trước những thảm họa thiên nhiên đâu đó trên trái đất đổ ập vào con người, và không ít văn minh tiến bộ của loài người  đang từng ngày hủy diệt con người …nhưng có thế nào thì con người vẫn  sống, phải sống, lăn lộn với mớ ý nghĩ chằng chịt không đâu vào đâu, chẳng đầu chẳng cuối,  thì việc nóng, lạnh, mưa, nắng… của đất trời cũng bình thường, không đáng phải suy nghĩ vẫn vơ, lạnh- mặc áo ấm, nóng- mặc phong phanh, thế thôi, đơn giản là vậy.

 

Còn chị, có thể khác hơn chăng? Cứ mỗi tháng tư về, chị lại quay quắt, tần ngần về một điều gì đó, vừa ngòn ngọt, mằn mặn, chan chát…tất cả như trộn lẫn trong chị làm khóe mắt rưng rưng…

Mới đó đã ba sáu năm, kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng,  Nam Bắc nối liền, cũng là ngày chị biết mình có một tên tuổi khác, thêm một lý lịch  khác với thực tại bấy giờ.

 

Thì ra, chị có người cha đi tập kết, vậy mà suốt 21 năm, không một ai nói cho chị biết, thậm chí chị không hiểu hai từ  tập kết là gì, mãi khi bộ đội vào thành phố, ba chị là một trong những cán bộ đầu tiên  tiếp quản thành phố, ngoại và các cô, dì mới cho biết ba chị đã trở về.

 

Có lẽ không bao giờ chị quên  cảm giác- không- cảm- giác đầu tiên khi gặp lại ba mình,  người đàn ông mà ngay trong giấc mơ cũng chưa hề có mặt ! Trên đường vào Thanh Quýt, nơi ba cùng đồng đội dừng chân, chị tưởng tượng ra nhiều  hình ảnh  cảm động, chị sẽ chạy ào tới, ôm chặt lấy ba và khóc như mưa, nào là con nhớ ba, sao ba đi lâu quá, con tự hào có một người cha tham gia cách mạng, ba thật vĩ đại, biết gát tình riêng để thực hiện  lý tưởng …rồi  ba sẽ ôm chặt chị, vuốt ve mái tóc con gái, nước mắt giọt ngắn giọt dài, ba- con , kể lể, sướt mướt trong vòng tay của nhau như trong… truyện chị từng xem, nhưng khi gặp lại cha mình, thật lạ, chị lặng lẽ cúi đầu chào người đàn ông trước mặt, rồi chọn một chỗ ngồi có khoảng cách,   mọi cảm xúc tê lạnh, dửng dưng, không buồn, không vui, không một giọt nước mắt… , chị  lắng nghe người lớn nói chuyện, trả lời câu hỏi của mọi người như cái máy,    không  nhớ ai nói gì, hỏi gì và mình trả lời ra sao, lúc ấy, trong chị - trống rỗng mọi ý nghĩ, bây giờ nhớ lại chị vẫn không hiểu vì sao như thế ?

 

Ba  tập kết ra Bắc vào năm 1955, lúc ấy chị chào đời khoảng hai tháng, (còn quá nhỏ nên không  thể đi cùng ba chăng ?) hẹn hai năm sẽ về, mẹ bồng chị về quê chờ đợi .Hai năm trôi qua, cứ thế biền biệt, không  tin tức của chồng, năm chị sáu tuổi, mẹ đi bước nữa.

 

Cuộc đời  chị trôi  theo ngày tháng, lúc ở với nội, khi ở với mẹ , mẹ  vất vả vì chị hay ốm đau quặt quẹo, nghe đâu rất khó nuôi,  những đứa con của mẹ chào đời từng  năm một, chị bồng em chai cả hông, mẹ  bận rộn buôn bán, giao nhà cho người giúp việc. Dượng hằng ngày đi làm và lao vào chiếu bạc, cứ mỗi lần dượng thua bạc là mỗi lần chị  nhận những cái tát  nẩy lửa, hoặc cú đá trời giáng, xiểng liểng, chỉ vì nhìn thấy  khuôn mặt…hãm tài của chị (đôi khi dòm vào gương, bắt gặp mình với đôi mắt buồn rười rượi, tìm cả ngày chưa thấy nụ cười, lẽ nào, đây, đúng là khuôn mặt hãm tài ? nếu thế thì dượng nói đúng, bị đánh cũng đáng, không oan ức, nên ăn đòn không phải chuyện lạ, bình thường thôi mà ).Vì thế có lúc,  trước khi  dượng ra khỏi nhà, chị khôn ngoan hơn,  tìm cách tránh mặt, nhưng nếu dượng  thua bạc, chị lại tiếp tục… ăn đòn! Vì cái tội : “ Khi sáng đi mô, ham chơi, không ngó nhà ”, (họa hoằn lắm mới có ngày dượng huề vốn, hoặc thắng, trong tháng nhiều lắm là một hai lần, đó là những ngày chị không bị sưng mặt).Thôi thì, đằng nào cũng bị đòn, bị đánh riết thành quen , không còn cảm giác đau rát,  nước mắt khô quánh,  cứ trơ trơ lì lợm, (  không biết khóc cũng là cái tội ! mặt trơ trơ, trân tráo  nên  bị đánh nhiều hơn, có khi ráng hết sức ép   nước mắt chảy ra, để bị đòn ít hơn, nhưng con mắt chẳng  chịu nghe ,  ráo hoảnh, khô khốc, vắt cạn kiệt vẫn không có giọt nào, khuôn mặt lì lì lạnh tanh,  đáng ghét, bị đòn là đúng ! ) bị đạp, ngã thì lồm cồm ngồi dậy,bị túm tóc thì lấy lược chải, bị sưng mặt thì xức dầu, mẹ về có hỏi thì bảo : Bị té. (dượng cấm không cho nói là bị đánh, thật oan, ngày nào cũng bầm mày bầm mặt, không chỗ này thì chỗ kia), mẹ lại mắng : “Con gái mà nghịch nhợm, ham chơi, hết té lại đánh lộn, đồ hư hỏng, cái mặt bư bư, lì…”chị đứng trơ trơ nghe mẹ chửi, không khóc, đến khi mẹ quát: “Còn đứng ì ra đó hả, có nghe em khóc không, đi chùi đ…cho em”….Luôn đối mặt với đòn roi, quát mắng, thì lấy đâu thời gian để tìm hiểu cha mình là ai, ở đâu, làm gì, mà có hỏi thì cũng chẳng để làm gì, chị nghĩ, liệu hỏi ra rồi thì người cha ấy có trả lại cho chị nụ cười tuổi thơ ? có xóa đi những  đòn roi khốc liệt mà chị nhận suốt thời thơ ấu ? có trả cho chị những  xúc cảm -  người - của con- người bị đánh mất ?

 

Nhiều lúc chị muốn nhảy xuống dòng sông chảy xiết để kết thúc nhọc nhằn, đơn độc, bơ vơ, nhưng rồi chị nghĩ đến cỏ, cỏ luôn xanh tốt đó thôi, cỏ hát ru miên man với chính mình giữa bão giông, nắng gió, dù tơi tả đến mấy cỏ vẫn ngữa mặt sống với đời, lẽ nào chị không bằng  cỏ ?

 

Chị học hành không suông sẻ, thường bị thầy giáo đánh vì cái tội không học thuộc lòng nổi bảng cửu chương, cho nên  nhiều lần chị bỏ học,( một đứa bé bị đánh mắng hằng ngày, khi mẹ vắng nhà, bị người giúp việc sai bảo trông em, quét nhà … thì làm sao có đủ minh mẫn, thời gian để học hành cho tốt ? ), còn dượng thì bảo : ‘Con gái học chi nhiều, học lắm cũng chỉ viết thư cho trai thôi”, mẹ lại bảo: “Nghỉ học trông em để mẹ đi buôn,  bớt người làm, đở tốn kém, thời buổi ni kiếm người làm khó khăn quá”, nhưng chị  nghĩ: “Nếu lỡ không còn mẹ thì ai nuôi mình, cố học để sau này tự kiếm sống”, vì thế chị  nghỉ học, thấy tiếc rồi lại đi,   tìm cái chữ thật trầy trật, cho tới ngày thống nhất đất nước,  chị  đang học lớp mười hai. Nhớ có lần, nửa đêm, đang ngon giấc mẹ gọi dậy hỏi : “Năm ni mi học lớp mấy ?”.Chị mắt nhắm mắt mở,dụi mắt, ngạc nhiên: “Mẹ hỏi chi rứa? con học lớp đệ tứ (lớp chín)”. “ Ừ, hôm qua  có một bạn hàng  hỏi, con gái lớn của chị học lớp mấy, tau đâu biết để trả lời .” Lúc ấy chị thấy mẹ thật tội nghiệp, lao vào cuộc mưu sinh, không biết ngay cả điều đơn giản nhất.Còn chị thì nhói lòng, người mẹ không biết con  học lớp mấy, thì làm sao mẹ biết con mình nghĩ gì, muốn gì, sống chết ra sao ? chị bỗng thấy mình hóa cỏ thật sự, chị lớn lên như cỏ, thản nhiên sống, thản nhiên xanh tốt trước sự thờ ơ của mọi người.

 

Ngày giải phóng, ba về, chị biến thành người… giàu có, dư thừa, vì có hai người cha, hai người mẹ , nhiều đứa em, và có những hai ngôi nhà để trú ngụ, giàu quá phải không ?

 

Ngôi trường chị học, ở ngay thành phố, nhưng chị lại chọn kí túc xá để ở, vì khi đứng trước không gian êm ấm  từng ngôi nhà của cha và  mẹ, chị biết rằng nơi đây không phải  chỗ của chị, bởi trong lòng luôn mang cảm giác người có tội,  sự hiện diện của mình biết đâu sẽ phá vỡ sự yên tỉnh của mỗi gia đình, cho nên chiều cuối tuần chị thường lang thang tìm đến những con đường đầy bóng râm để đếm những bước chân mệt nhoài,  vu vơ thương cảm những chiếc là rơi, lăn lóc cô đơn trên vỉa hè đầy bụi bặm, hoặc vuốt mặt bởi  cơn mưa se lạnh, tê tái buốt lòng và thầm gọi mình hãy dũng cảm, đừng bao giờ  bỏ cuộc, không bao giờ đầu hàng cái gọi là số phận, ( chị nghĩ, số phận của ta do chính ta quyết định, trời cũng không cứu được ta nếu ta bỏ cuộc )  vững vàng sống thật tốt để chứng tỏ không một trở ngại nào có thể hủy diệt được chị, và để sống mạnh mẽ hơn,  chị thường chọn đi dưới cơn mưa để có được cảm giác vỗ về, ôm ấp, che chở từ đầu đến chân, thấm đẩm buốt giá,  nhưng cho chị sức mạnh diệu kì. Chị viết vào nhật kí :

 

Tôi lang thang chiều nay dưới mưa

không biết về đâu dưới hai mái nhà cửa mở

một nhà của cha, một nhà của mẹ

nhưng nhà tôi cần thì đã mất từ lâu

tôi lang thang đón từng cơn mưa bụi

nhạt nhòa ướt đẫm mặt tôi

trong lòng tôi có cơn mưa ai biết

một mình một bóng một trời thu…

 

Ừ, một mình một bóng… lẻ loi trong cái rộng mênh mông phận người, đời người, đời cỏ…

Chị ra trường, làm cô giáo ở vùng quê xa xôi, nơi có dòng sông Thu chảy trên đất Quảng Nam hiền hòa với những cánh đồng bạt ngàn xanh vàng,  nắng gió, nơi con người chân chất thân tình, bao bọc, che chở chị như người thân, nơi học trò cho chị  mái nhà ấm áp…dù nơi ấy còn quá nhiều khốn khó, bửa đói bửa no, nhưng họ đã yêu thương chị như người thân, sẻ chia những buồn vui đời thường, dù sao cuối cùng cỏ cũng được yêu thương ?

 

Ngày chị lấy chồng, trời  lất phất mưa trong cái lạnh se se.  Tổ chức cưới tại nhà mẹ, vì  chị  lớn lên từ ngôi nhà của mẹ, tiền mừng cưới  hai họ nội ngoại cho,  có thể ít nhiều giúp mẹ  trả  nợ , vì từ ngày ba về, dượng đi cải tạo, mẹ buồn, không thiết tha buôn bán làm ăn, sinh ra túng thiếu, nợ nần, phải chăng đây là dịp duy nhất chị có thể trả phần nào ơn nghĩa sinh thành, cưu mang ? nhưng chính vì việc tổ chức cưới nhà mẹ đã vô tình phủ nhận vai trò người cha ? ba không thể ngồi chung bàn cùng dượng trong cuộc gả chồng cho con gái ? ( bởi  làm sao ba có thể ngồi với một người đã lấy vợ  mình ? một  cảnh sát ngụy vừa đi cải tạo về ? ) Vì thế ,ba và các bác không dự đám cưới của chị, ngày đưa dâu, chị lặng lẽ đi bên chồng, cha mẹ không tiễn đưa, không của hồi môn, không một bộ áo quần mới mà chị từng mơ ước… Mưa, cơn mưa mọi ngày, lạnh , cái lạnh mọi ngày nhưng sao nghe  buốt thấu tim,  chị nhìn đâu đó ở làng quê, nơi chị về làm dâu cỏ  hồn nhiên xanh trong khúc ru mưa, cỏ thầm thì giữa thẳm sâu sũng ướt,  không gian vòi vọi như bắt đầu một đời mưa dai dẳng không thôi .

 

Ngày con trai đầu lòng gần sáu tuổi, chị dắt con về thăm ông ngoại, bảo: “ Chào ngoại đi con”, ngoại nói: “Làm gì có ngoại mà chào”. Ba chị còn giận. Cỏ đau rưng rức,  chị từng không có cha, nhưng con cần có ngoại phải không ? chị thương con cháy lòng…

 

Thời bao cấp, lương giáo viên không đủ sống, con đau ốm triền miên, mái nhà tranh đột nát, mỗi lần mưa bão mẹ con ướt sũng, tím tái trong cái rét cắt da,  có bửa quấn tròn trong tấm bạt để tránh gió và ướt, nước mắt cả nhà hòa lẫn cùng mưa, sự túng quẩn luôn đeo bám, có khi chị muốn bỏ nghề, buông xuôi, hất tung mọi thứ, đầu hàng số phận, nhưng lẽ nào chị gục ngã? Đêm,  nhìn hai đứa con  trong giấc ngủ nồng nàn, chị biết mình phải làm gì để vượt qua, vì con, chị  làm tất cả, cho nên,  hai vợ chồng ngoài việc  đi dạy, chụp ảnh dạo, trồng rau, nuôi heo, ...chị quyết không để tuổi thơ con nhọc nhằn, con  chị hóa thành chúa trong trái tim mong manh của chị. Chị ba lần  làm nhà , mái nhà tranh dột nát được thay thế bằng nhà vôi, rồi nhà ngói. Có người bảo, giáo viên làm gì xây được nhà, nghe đâu cô ấy có người cha đi tập kết về, cán bộ ngân hàng, đúng là có phúc ! Chị nghe nhói trong tim .Cỏ vẫn xanh tươi quanh hè nhà, mạnh mẽ. Tâm hồn cỏ hình như bình lặng hơn, dịu dàng hơn trước cuộc sống .

 

Bây giờ, nhìn lại đời mình, chị cảm thấy nhẹ nhàng, chị không còn đăm đắm về nỗi đau mơ hồ nào đó, có chăng chỉ là tiếng thở dài thỉnh thoảng thoát ra khỏi lồng ngực để đậu chốn bình yên .Tháng tư, mưa lất phất, chị bắt gặp những thảm cỏ đâu đó vươn lên xanh rờn, tràn đầy sức sống, bão tố và bàn chân mgười có làm nó  tơi tả, đau rát, thì cỏ vẫn tái sinh biêng biếc, lung linh, cuộc trường sinh của cỏ luôn có thật, như chị, nỗi buồn có làm chị oằn cong đau đớn, cô đơn làm chị rớt vào tận cùng sự trơ trọi, chị chưa một lần khuất phục, nhào ngã.

 

Ba chị, người đàn ông lìa bỏ chị để thực hiện lý tưởng của mình, điều ba chọn lựa là điều tất nhiên trong thời loạn, có gì sai đâu ?

 

Người đàn bà tràn đầy hương sắc, lấy chồng ở tuổi đôi mươi, làm sao có thể chờ đợi một tình yêu thăm  thẳm, không biết ngày trở về, năm năm, mười năm, hay năm mươi năm ? làm sao có thể ngóng đợi một điều mù tăm phía trước ? mẹ đi bước nữa cũng là việc đương nhiên của một người bình thường, chuyện cơm áo và cuộc sống mới có làm mẹ quên đi đứa con riêng bên cạnh thì cũng là chuyện tự nhiên, có gì đáng trách đâu ?

 

Và dượng, người đàn ông không sinh chị ra, buộc cho chị cái ở, cái ăn, cái mặc, thì việc chị thường xuyên bị đòn roi có gì to tát lắm đâu, so với thiệt thòi mà dượng phải gánh chịu bằng sự hiện diện của chị ?( làm sao có thể xem như không có một con người- nhân chứng cho một mối tình trước đó, dù nó đã đi qua ? ).

 

Còn chị, người đàn bà không có tuổi thơ, không biết cười,  biết khóc suốt những tháng năm thơ ấu, chai lì mọi cảm xúc,  giãy chết khi chưa kịp nẩy mầm, chị lớn lên như cỏ, trơ trọi, tự ru mình dưới mưa nắng cuộc đời  .Có khi, chị giật mình thản thốt, muốn đòi lại sự công bằng, hãy trả lại tuổi thơ bình yên cho chị, trả lại nụ cười và cả dòng nước mắt mà chị từng thèm khát thưở ấu thơ, khi bị đánh chị từng thèm cảm giác được đau, vậy mà, dù dượng đánh nhiều đến mấy chị cũng không có được cái-cảm –giác- đau ấy…!vậy, chị đi đòi ai đây ? ai trả cho chị ? ai ?...

 

Ba mươi sáu năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, thời gian thật diệu kì, có thể làm ta quên đi  bao nỗi đau, bởi cuộc sống tiếp diễn với nhiều điều tốt đẹp, thì nỗi buồn thoang thoảng của chị chỉ là một kí ức nhỏ nhoi, trong khi còn biết bao người  đang từng ngày chịu ảnh hưởng từ chiến tranh, di chứng chất độc da cam đã cày xới trên da thịt con người đau đớn từng ngày,  biết bao giờ dừng lại ? những thảm họa thiên tai đột ngột đổ xuống, tàn phá và hủy diệt loài người, mất mát và đau thương…nỗi đau ấy làm sao nói hết ?...

 

Chị  nghĩ đến cỏ, cỏ không bao giờ lên tiếng, cỏ bình thản nhận chịu,  tươi tốt để thách thức, bởi sương mai, bình minh, nắng, gió…và đêm nữa, luôn ôm ấp, vỗ về cỏ với những khúc ru…biển thăm thẳm xanh, bầu trời đêm luôn có những vì sao, mưa  nhiều đến mấy thì nắng vẫn lên, và chị rồi cũng tìm được chốn yên bình…/.

Mai Thanh Vinh
Số lần đọc: 1699
Ngày đăng: 03.05.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Bà Mệnh Phụ Nổi Tiếng Nước Tôi - Thụy Vi
Về Cà Mau, Nhớ… - Nguyễn Thị Hậu
Con cái của Nữ thần và con cái của Lũ vượn - Kahlil Gibran
Đường Kiến: Một ví dụ của chung và riêng. - Trần Hoài Thư
Thời Của “Tùy Chọn” - Đỗ Hồng Ngọc
Một Khoảng Trời Riêng - Trần Dzạ Lữ
Để Dành Kỷ Niệm - Thụy Vi
Người Du Ca Chính Hiệu - Tô Thùy Yên
Bài Tình Ca Nhỏ - Khánh Ly
Đi cũng là về ! - Đỗ Hồng Ngọc
Cùng một tác giả
Gío (thơ)
Muộn (thơ)
Mưa (thơ)
Giêng (thơ)
Giấu (thơ)
Đêm (thơ)
(thơ)
Ta về (thơ)
Có khi (thơ)
Khúc Cỏ (tạp văn)
Xưa (thơ)
Nắng (thơ)
Lạc (thơ)
Sớt (thơ)
Mùa (thơ)