Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
473
116.427.873
 
Những Bà Mệnh Phụ Nổi Tiếng Nước Tôi
Thụy Vi

 

Hoàng Hậu NAM PHƯƠNG [ 1914 – 1963 ]

 

Bà là vợ của Hoàng Đế Bảo Đại, vua của nước Việt Nam, khuê danh bà là Nguyễn Hữu Thị Lan ( còn có tên khác là Maria Therese Nguyễn Hữu Hào ) là ái nữ của nhà đại điền chủ phú hào Phước Mỹ Quận Công Nguyễn Hữu Hào, người xứ Gò Công miền tây nam phần. Bà cũng là cháu của ông Lê Phát Đạt tức ông Huyện Sỹ một trong những người giàu nhất Nam Kỳ vào thế kỷ XX.

 

Ông Bảo Đại có cho biết trong cuốn Con Rồng An Nam: Cô Nguyễn Hữu Thị Lan học tại trường Couvent des Oiseaux tại Pháp, và trở về nước vào năm 18 tuổi. Dịp này, do sự sắp đặt cố ý của nhà toàn quyền Pasquier, ông bà Hào và bà Charles ( mẹ đở đầu của ông vua tại Pháp ) bà gặp vua Bảo Đại tại Đà Lạt.

 

Trai tài gái sắc hạp ý mến mộ rồi yêu nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Ngày 20 tháng 3 năm 1934, một lễ cưới uy nghi diễn ra tại hoàng cung, và trong ngày trọng đại này, cô tiểu thư Nguyễn Hữu Thị Lan được vinh dự hưởng một biệt lệ lần đầu tiên trong triều đình nhà Nguyễn. Bà được tấn phong là Nam Phương Hoàng Hậu  ( với ý nghĩa tôn quý là hương thơm của miền Nam ) Ngoài ra bà cũng được phép mặc phẩm phục màu vàng da cam, là màu sắc chỉ dành cho Hoàng Đế ( Trong triều đình nhà Nguyễn. Hoàng Hậu chỉ được phép tấn phong sau khi nhà Vua đã băng hà )

 

Theo như tài liệu của ông Nguyễn Văn Lục, bà Hoàng Hậu là người phụ nữ đầu tiên có tân học, ảnh hưởng nếp sống nếp suy nghĩ phương Tây. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên ở nước ta cùng vua tiếp khách ngoại quốc như tiếp Thống chế Tưởng Giới Thạch, Quốc trưởng Shianouk… Trong những lễ lạc tiếp kiến, bà đóng vai trò đệ nhất phu nhân.

 

Bà cũng là Hoàng Hậu đầu tiên xuất cung, tham gia các sinh hoạt xã hội như đi thăm cô nhi viện, trường học hoặc những cơ sở xã hội ..v..v.. Ngày Chủ Nhật, bà đi lễ nhà thờ Phú Cam như mọi người dân bình thường.

 

Toàn quyền Decoux đã hết lời khen ngợi bà là một người đức hạnh, nề nếp hài hoà giữa hai nếp sống Đông Tây. Về phía quốc tế, Hoàng Hậu nhận được những bằng khen của Hàn Lâm Viện Y khoa Pháp và của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.

 

Trong những năm tháng hạnh phúc, bà sinh hạ được 2 Hoàng tử và 3 Công chúa. Đến tháng 9 năm 1945 triều đình đến hồi mạc vận quốc phá gia vong, vua Bảo Đại do sự thúc ép của Việt Minh buộc phải từ chức thoái vị và hạnh phúc của bà mỏng dần trong những mối tình trăng hoa của chồng.

 

Càng ngày ông Vĩnh Thụy ( tên tộc của Bảo đại ) càng sa đà trác táng thì bà Vĩnh Thụy càng im lặng nghiêm trang, có lẽ vì muốn giữ uy tín cho Hoàng tộc và cho cả con cái mình cho nên bà cứ cam chịu theo cái cách của người vợ có học và có nhân cách.

 

Vào năm 1950 bà Vĩnh Thụy quyết định mang các con sang Pháp, chấm dứt những liên hệ dây dưa với những tai tiếng của chồng. Trong những năm dài cuối đời, bà sống trong sự lẽ loi nhưng kiêu hảnh. Bà là một vị mệnh phụ uy nghi, đẹp trang trọng quý phái, nhưng trên hết, dù trong bất hoàn cảnh nào, bà vẫn sống một cách đàng hoàng đúng bậc mẫu nghi của một bà hoàng hậu.

Ngày 14 tháng 9 năm 1963. Bà đột ngột nhẹ nhàng lặng lẽ qua đời tại làng Chabrignac cách thủ đô Paris khoảng 500 km.

 

Trong một cuốn sách có đoạn thật buồn bã mà ông Bảo Đại đã kể về bà trong ngày cưới như sau: Vâng, bây giờ, chung quanh đầy văn võ bá quan, Bà vẫn cô đơn, và cả đời bà sau này cũng cô đơn. Trong suốt mười năm sống ở Huế, bà vẫn cô đơn như thế giữa đám thị nữ, quan thần, dòng tộc, giữa những sắc thái dị biệt, miền, tiếng nói, tôn giáo, nếp sống, văn hoá, học vấn. Chỉ những sự khác biệt đó thôi cũng đẫy bà vào tư thế một mình. Và đã theo đuổi suốt đời còn lại của bà.

 

 

BÀ NGÔ ĐÌNH NHU: 1924 - 2011

 

Bà tên Trần Lệ Xuân, là thứ nữ của ông bà luật sư Trần Văn Chương đại sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn

 

Chồng bà là ông Ngô Đình Nhu, vừa là phụ tá ( Cố Vấn ) vừa là bào đệ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm nền đệ nhất Cộng Hoà miền Nam VN.

 

Trong lịch sử của nền Dân Chủ nước Việt Nam, chưa có một mệnh phụ nào bị mang nhiều tiếng xấu bởi những lời thêu dệt vô cùng ác ý như bà.

 

Có lẽ vào thời gian phôi thai đó, người ta chưa chấp nhận một phụ nữ ra tham chính. Khi bà là một dân biểu vì muốn cải tổ xã hội, bà vận động quốc hội ban hành bộ luật gia đình cấm ly dị và chỉ một vợ một chồng. Bà gặp không ít rắc rối trong vấn đề này, vì bị dân chúng sống trong một xả hội đầy rẩy phong kiến và đa thê ngầm chống đối. Bà còn là chủ tịch phong trào Phụ nữ Liên đới, lập ra Thanh nữ Cộng Hoà, tập cho phụ nữ biết xử dụng súng ống phòng khi giặc tới. Bà cũng là một phụ nữ dám nói, có tham vọng và dám dấn thân. Có lẽ vậy mà bà không được cảm tình của nhiều người ( Bà được liên tưởng như hình ảnh Hillary Clinton của nước Hoa Kỳ )

 

Tổng Thống Ngô Đình Diệm không có vợ, vì thế những nghi lễ ngoại giao, bà Nhu được phép hành xử như một cương vị Đệ Nhất Phu Nhân. Bà là một phụ nữ đẹp, dáng vẽ mềm mại, theo tân học, nói thành thạo hai ngôn ngữ Anh Pháp. Nhưng có lẽ hình ảnh mà người ta nhớ về bà nhiều nhất là chiếc áo dài cổ thuyền thật đặc biệt do chính tay bà vẽ kiểu. Trong dân gian gọi “ áo dài bà Nhu”.

 

Bà cũng bị người ta thù ghét với câu nói trịch thượng làm tổn thương hàng Phật tử và giáo phẫm " Monk' s barbecue” khi bà bị quá nhiều áp lực không dằn được do phe đảng chính trị dùng các nhà sư tẩm xăng tự thiêu để tấn công nền Đệ Nhất Cộng Hoà.

 

Sau khi sang Hoa Kỳ với nhiệm vụ giải độc dư luận thì tại Việt Nam, gia đình bà xảy ra cuộc gia biến. Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Nhu, ông Ngô Đình Cẩn bị giết một cách thê thãm do quân đội cách mạng lật đổ chính quyền.

 

Tháng 4 năm 1967 tai họa lại giáng xuống đời bà. Trong khi bà với các con chiu chít, bơ vơ lưu vong… con gái lớn Ngô Đình Lệ Thủy bị tử thương trong một tai nạn xe hơi tại Longjumeau vùng Essonne ngoại ô Paris. Từ đó hình như không ai có những tin tức chính xác về bà.

 

Thế sự thăng trầm, vận nước đảo điên. Năm 1975 miền Nam VN mất vào tay cs. Đồng bào trốn chạy chế độ độc tài, bỏ nước ra đi sinh sống tản mác khắp nơi trên thế giới…

 

Cho đến những năm tháng gần đây, người ta được biết về đời sống của bà Ngô Đình Nhu, do một bài viết thật cảm động của ông Trương Phú Thứ. Ông Thứ được bà Nhu cho phép phỏng vấn và chụp ảnh.

 

Nhìn dáng dấp mỏng manh nhưng khoẻ mạnh tinh anh của một bà lảo bát tuần, có lẽ chúng ta không thể nào hiểu nỗi tại sao bà sống qua được những ngày tháng oan nghiệt và bi thương như vậy? Nhưng chắc chắn có một điều bà đã chứng tỏ cho người ta thấy bà là một người phụ nữ nhân cách vẹn toàn, thờ chồng nuôi con, trung trinh tiết liệt.

 

Tôn giáo và những đứa con, đứa cháu ngoan ngoãn thành tài hữu dụng đối với xả hội của bà là những đặc ân mà Thiên Chúa đã bù đắp cho cuộc đời còn lại của một mệnh phụ mà thời tuổi trẻ gặp quá nhiều cay đắng.

 

Bà Ngô Đình Nhu đã trút hơi thở cuối cùng thanh thản và an bình với tất cả các con và cháu nội ngoại quây quần bên giường bệnh. vào hồi 02 giờ sáng lễ Phục Sinh, Chúa nhật 24 tháng 4 năm 2011 tại một bệnh viện ở thủ đô La Mã , nước Ý.

 

Bà đã nhận lãnh các phép bí tích cuối cùng với tràn đầy ân sủng của Chúa Phục Sinh. Bà xứng đáng nhận niềm thương tiếc của rất nhiều người.

 

 

BÀ NGUYỄN VĂN THIỆU:

 

Thật là hiếm hoi khi kiếm tài liệu, hình ảnh để viết về bà. Nhờ chút năm tháng sống tại Mỹ Tho mà người viết cho chút ít tư liệu qua những lời kể của ông Tân văn Công, giáo sư dạy trường Nguyễn Đình Chiểu và qua những cư dân lớn tuổi sống trong thành phố Mỹ Tho, hầu như ai cũng có những lời đẹp về người thiếu nữ tên Mai Anh hiếu thuận vẹn toàn đối với bà con thân tộc, khiêm hoà đối với chòm xóm láng giềng.

 

Bà Nguyễn Văn Thiệu, khuê danh Nguyễn Thị Mai Anh, con gái một gia đình gia thế gốc người Mỹ Tho. Chồng bà là Tổng Thống thời Đệ Nhị Cộng Hoà miền Nam VN. Mặc dù trong thời gian chồng là Tổng Thống, bà có chút điều tiếng mà hiện nay thực hư chưa rỏ ràng, tuy nhiên điều mà khiến người ta nhớ về bà, khen thầm bà, bởi vì ngoài một vóc dáng sang, đẹp, đôn hậu lẫn qúy phái bà còn là một mệnh phụ đức hạnh cho đến ngày hôm nay.

 

 

BÀ ĐẶNG TUYẾT MAI:

 

Bà tên Đặng Tuyết Mai, thời Đệ Nhị Cộng Hoà bà là vợ của ông Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.

 

Bà là một người phụ nữ thật đẹp mà ai cũng phải công nhận. Trước khi thành hôn với ông Kỳ, bà là một tiếp viên phi hành, làm việc tại hảng Hàng Không Việt Nam.

 

Thời còn vai trò là phu nhân của ông Phó Tổng Thống. Bà chưa có một cuộc cống hiến nào đặc biệt cho quốc dân, ngoài việc xuất hiện cùng với chồng trong những bộ quần áo hào nhoáng.

 

Sau năm 1975 ông bà Nguyễn Cao Kỳ sống lưu vong tại Hoa Kỳ. Nhưng chỉ vài năm sau đó ông bà ly dị.

 

Bà Đặng Tuyết Mai là một thiếu phụ sống một đời sống hết mình, vì thế lâu lâu lại nổ bung lên những thị phi, do những khoe khoang không cần thiết. Điều này khiến cho uy tín ( ? ) của bà dường như càng lúc càng suy giảm. Gần đây, bà tiếp tục tự nổi đình nổi đám bằng những câu trả lời trong những bài phỏng vấn linh tinh từ trong nước ra ngoài nước. Thật ra, suốt mấy chục năm nay, với tư cách khá ồn ào như thế, không ai chờ đợi những điều gì ở bà. Tuy nhiên trong những câu trả lời với các phóng viên bà càng chứng tỏ cho người ta thấy bà như đoá hoa hữu sắc vô hương./.

 

Các bà mệnh phụ nước tôi đẹp lẫy lừng một thời. Trong số còn sinh tiền, các vị ấy cũng đã vào tuổi thất thập. Bà Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn là biểu tượng của sự quý phái - Một vẽ đẹp để kính trọng chiêm ngưỡng từ xa.

 

Bà Đặng Tuyết Mai vẫn còn đẹp não nùng, là một thiếu phụ đình đám, ồn ào, ác liệt....

 

( Hầm Nắng, lễ Phục Sinh 2011 )

Thụy Vi
Số lần đọc: 2713
Ngày đăng: 27.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Cà Mau, Nhớ… - Nguyễn Thị Hậu
Con cái của Nữ thần và con cái của Lũ vượn - Kahlil Gibran
Đường Kiến: Một ví dụ của chung và riêng. - Trần Hoài Thư
Thời Của “Tùy Chọn” - Đỗ Hồng Ngọc
Một Khoảng Trời Riêng - Trần Dzạ Lữ
Để Dành Kỷ Niệm - Thụy Vi
Người Du Ca Chính Hiệu - Tô Thùy Yên
Bài Tình Ca Nhỏ - Khánh Ly
Đi cũng là về ! - Đỗ Hồng Ngọc
Nơi Nghìn Trùng Con Gió Bay - Lữ Quỳnh
Cùng một tác giả
Tình Rụng (truyện ngắn)
Ghi…vụn! (tạp văn)
Rừng câm (truyện ngắn)
Mê khúc (truyện ngắn)
Chim hót bên trời (truyện ngắn)
Tình Ơi! (truyện ngắn)
Miền Chim Hát (truyện ngắn)
Tình Xanh (tạp văn)
Di Chúc (thơ)
Ô mê ly (âm nhạc)
Trước, Sau (tạp văn)
Phố Nhạc Xanh (tạp văn)
Nói Hay Không Nói? (đối thoại)
Thả Tình (tạp văn)
PHÍA CUỐI CHÂN TRỜI (truyện ngắn)