Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
748
116.677.026
 
Thế Kỷ Nào
Đặng Kim Côn

Chiếc xe khách Daklak- Đà Nẵng bất chợt chết máy trườn vào lề, hơn bốn mươi hành khách uể oải bước xuống ngơ ngác làm quen với cảnh quan chung quanh. Bác tài và phụ xe sau khi xem xét máy móc báo với mọi người, thôi bà con tìm chỗ ngủ nghỉ  qua đêm đi, khi nào chạy được thì chúng tôi gọi. Tôi bế con đang ngủ bước sang bên kia đường hỏi một bác gái đang ngồi trước cửa nhà :

- Bác ạ, xe bị hỏng máy, cháu có con nhỏ bác làm ơn cho cháu nghỉ nhờ đêm nay.

Bác đon đả chào và dẫn tôi vào nhà, chỉ một chiếc giường trống :

- Cô cho cháu nằm tạm đây đi. Người đầy bụi thế kia, tắm rửa rồi coi ăn uống chút gì. Xe Ban Mê hỡ cô ?

Tôi dạ, cảm thấy yên lòng trước sự nhiệt thành này. Tôi tắm rửa, thay quần áo, Bác dọn cơm lên :

-Nhà ăn rồi, còn gì dùng nấy lót dạ, nhà quê khó khăn. Lát nhớ dỗ con bé dậy cho nó ăn gì chút rồi ngủ.

- Dạ.

Một người thanh niên, dắt tay một bé gái từ ngoài bước vào, chào tôi, Bác gái giới thiệu tôi với anh ta :

- Xe nằm đường, mấy người khách nghỉ nhờ. Sớm giờ con đi đâu ?

Tôi chào anh ta :

- Em là Uyên.

- Tôi là Duy.

Và tỉnh bơ như chủ nhà, tôi mời anh ta ăn cơm. Bác cũng nói thêm với anh " chưa ăn gì thì sẵn ăn luôn đi" và Bác lấy thêm thức ăn. Thấy bé gái tròn mắt nhìn người lạ, anh bảo bé :

- Chào cô đi con.

Con bé bước đến bên tôi vòng tay, bẻn lẻn cúi đầu :

- Cô ạ.

Tôi ôm bé, kéo sát vào người vuốt tóc bé :

- Con tên gì ?

- Dạ, cháu tên Duy Thục

- Mấy tuổi ?

- Dạ bốn tuổi.

Tôi nhìn anh :

- Cháu cùng tuổi với con gái em. Mẹo anh hả ?

Anh ngồi vào bàn ăn. Duy Thục ngồi bên tôi và bắt đầu có vẻ muốn nũng nịu. Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện, biết cũng là “phe ta” với nhau, anh là sĩ quan mới ra trại được mấy tháng, vợ anh chết bệnh từ ba năm trước để lại cho Bà nội trông hai cháu thơ, anh trai của Duy Thục bảy tuổi đang học nhóm bên nhà bạn. Tôi cũng “thật thà khai báo trích ngang” của mình, gia đình bắc di cư, mười tám tuổi lấy chồng quan, một đại úy trưởng đồn quân cảnh tư pháp ở Ban Mê Thuột, đang còn nghỉ phép trăng mật ở phía chồng thì Đà Nẵng di tản, anh ấy bị bắt và chết trong “trại cải tạo” năm 75, trước khi đứa con gái của anh ra đời. Không về lại Ban Mê được, đắp đổi qua ngày với một gánh chè, nuôi con, nuôi Bố Mẹ chồng già.

- Sao không trở về Ban Mê sống ?

- Thứ nhất là gia đình ở Ban Mê đi kinh tế mới, cũng thở chẳng ra hơi. Chỉ có thể thỉnh thoảng về thăm kiếm chút ít ngô đậu trái cây thôi. Thứ hai là lúc đầu lấy hộ khẩu Quảng Nam Đà Nẵng để gần gũi thăm nuôi anh ấy, sau kẹt, họ không cho chuyển khẩu. Thứ ba nếu bỏ ông bà già chồng già yếu thì tàn nhẫn quá.

- Ông Bà không con cái gì sao ?

- Dạ có nhưng mà cũng chỉ lo đủ thân mình. Con cái của họ 7, 8 tuổi đã đi moi móc nhôm nhựa kiếm sống rồi. Tất nhiên nếu bắt họ lo thì họ cũng phải lo.

 

Bữa ăn không đủ dài cho những câu chuyện trên trời dưới đất. Bác gái đã đi ngủ sau khi dặn lát nữa cu Tèo anh trai Duy Thục về nói nó lên gác ngủ giường chú, hình như chú nó cũng đang đi chơi đâu đó, và dặn anh trải chiếu ngủ trước cửa phòng, tức là dọn cái bàn ăn này đi. Tôi dọn bàn và rửa bát đũa xong, tắm Duy Thục rồi đưa cháu vào nằm bên cạnh con gái tôi, nói chuyện con cò con cuốc cho cháu ngủ. Đúng ra sau một ngày đường mỏi mệt tôi phải lăn kềnh ra "bất tỉnh nhơn sự", nhưng sao tôi lại không thấy buồn ngủ. Chiếc giường lạ, một chút hơi hướm lạ, ánh mắt xa xôi buồn buồn của anh, những ngày tháng bơ vơ lạc lõng của chúng ta. Tôi thấy buồn, chợt thấy căn phòng, chiếc giường như quyến luyến, thân thuộc và cả với anh, ngay giờ phút này tôi thấy như đã có một sợi dây vô hình buộc những mảnh vụn đời lại với nhau. Tôi mở cửa ra ngoài, bên ngọn đèn dầu anh đang nằm đọc sách. Tôi bỗng trở nên dạn dĩ :

- Làm bộ đọc sách hả ?

- Sao biết hay vậy ?

- Em cũng muốn có cuốn sách. Tèo về chưa anh ?

Tôi ngồi xuống chiếu và anh cũng trở dậy :

- Về rồi. Ngủ trên gác. Sao không ngủ đi ?

- Em sợ anh đọc sách tới sáng. Em giành mất giường anh, phải không ?

- Ngàn năm một thủa mà, không dễ gì có cơ hội để nhường.

- Mồm miệng kinh quá. Không ấy anh vào ngủ với con đi, em nằm đây.

- Đọc sách hả ? Em còn phải 400 cây số đường nữa đấy.

- Thì lên xe ngủ. Ngủ trên xe chóng đến nơi hơn. Anh mới cần ngủ, không lẽ mai nằm trên đám ruộng nước ngủ được. Vào ngủ đi.

- Có thật là em muốn anh vào ngủ ?

Tôi lúng túng :

- Ơ , dạ, thì là ...vậy thôi em ngồi đây.

- Nhường tới nhường lui rồi không ai nằm giường hết. Chiếc chiếu này lãnh đủ .

- Sao gọi là lãnh đủ ? Nó đau khổ hả ? Em tưởng nó vui. Thôi em đi ngủ đây.

Anh lính quýnh :

- Ồ anh nói vui mà, tưởng mình văn vẻ, hoa lá cành một chút hóa ra trật đường rầy rồi. Có cho xin lỗi không ?

- Dẹp.

- Cho anh xin địa chỉ viết thư đi.

- Không được đâu anh, nhà quê nhiều chuyện lắm, vả lại có khi thư gia đình viết cho em chưa đến tay em thì người ta đã mở ra đọc toáng lên cả rồi, em chịu không nổi tiếng đờn tiếng quyển của mấy tám nhà quê, với những ánh mắt  dè bỉu, những lời nói châm chọc của mấy cha nội mất nết đã không tiếc lời trêu ghẹo em bao năm qua, chịu khó đi.

- Nghĩa là sao ?

- Nghĩa là khi nào em đi Ban Mê nữa thì em lại ghé giành chiếc giường của anh.

- Anh muốn khác. Nhường nhau thảm quá.

Và anh đùa:

- Nếu không cần phải nhường nhau nữa có tốt hơn không ? Ừ, mà cứ ngồi đây lát nữa mấy nhỏ khóc không biết con ai, hai mình ùa vào đụng nhau tùm lum, nguy hiểm.

Mười tám tuổi đã bị làm bà lớn, mười chín tuổi trở thành góa phụ ở một vùng quê mà đa số đàn ông nói năng vừa cộc cằn vừa tục tĩu, phần lớn thời gian chìm nổi trong nồi chè, đôi vai chai lì như đôi bàn chân bôn ba đầu làng cuối xóm, cái nhẹ nhàng, ân cần ở anh mà tôi chưa từng gặp, cái êm đềm quyến rủ của bóng đêm, tôi bỗng nhẹ dạ quên mất mình là ai, chỉ nóng bỏng một khao khát vô duyên được nằm trong tay anh mà khóc, khóc cho hết những nhục nhằn, những cam chịu, những gồng gánh quá sớm trong cuộc đời. Nhưng không khóc được, nước mắt chỉ chực lừng lững muốn trào ra, để môi vẫn gượng nhếch lên cười, nói lì :

- Nguy hiểm thì ở đâu không nguy hiểm được.

Anh rón rén cầm lấy bàn tay tôi, như không chờ anh kéo, tôi đã muốn dựa hẳn vào người anh. Tôi muốn nằm xuống. Tôi muốn môi anh gắn lên môi tôi, nuốt cho hết những ngọt mặn mà tôi đã giành giụm, nhưng chỉ là muốn, làm sao anh biết tôi đang nghĩ gì, không biết có phải là cũng may hay không. Có tiếng bác gái từ phòng nhà trên gọi tôi, như gọi tên con gái, có lẽ biết ý anh con trai đa tình, và muốn nhắc nhở Má còn thức đây :

- Uyên sao không ngủ đi con ? Thức rồi ngủ quên xe nó bỏ bây giờ.

Tôi giật mình, “dạ” và riu ríu đứng dậy, bàn tay rất ngoan trong bàn tay nóng bỏng của anh chừng như không muốn rời, và anh, cũng chừng như muốn níu cả người tôi ngã xuống.

Khuya, tôi dậy, bế con ra phía sau cho nó đi vệ sinh thì gặp bác gái đang cho bầy lợn ăn, Bác nói con cứ ngủ đi, lát nhà xe gọi bác đánh thức cho. Tôi dạ mà biết là tôi sẽ trở vào nằm thôi, không thể ngủ được nữa, mà cũng muốn xe nó quên mình đi. Anh đã tắt đèn ngủ say, đến gần sáng tiếng xe nổ máy và tiếng người lao xao gọi nhau bên ngoài, tôi bật dậy bế con chào bác, vờ như gọi anh vào giường ngủ, nói nhỏ :

- Em đi anh nhá, nếu mong thì em sẽ về.

Tôi thấy nghèn nghẹn. Rồi sẽ gặp lại phải không anh ? Nụ hôn trông mong vẫn còn lơ lửng trong giọt nước mắt không cần che đậy của tôi đang lăn vội xuống tay anh.

 

*

 

Hai năm sau tôi lại về Ban Mê Thuộc, ghé lại thăm anh. Bé Duy Thục đã đi học, vẫn còn nhớ tôi, hai anh em bé lại sống dưới sự nuôi dưỡng chăm sóc của nội, còn anh thì lại bị “tái tập trung” vì biến động ở biên giới phía bắc. Bố anh bị “ta diệt”, anh lại là sĩ quan, có ra trại thì cũng chỉ là con cá lờ đờ trong chậu thay vì ngắc ngư trên thớt, có gì thì sẽ là ưu tiên một cho vào bếp. Tôi ở lại nhà anh mấy ngày, muốn đi thăm anh nhưng bác nói giấy phép thăm nuôi xin khó khăn lắm. Mấy đêm tôi nằm nơi chiếc giường của anh, không còn phải nhường nhịn, không còn để cho cuốn sách trở trăn, không còn cớ gì để lý sự, để bóng gió, em lại tủi thân, em không tin chút hy vọng nhỏ nhoi của em cứ mãi như chiếc giường chờ đợi, cứ mãi tìm một bên gối xa xôi, cứ mãi là những giòng nước mắt lạc điệu trong đêm vắng. Duy Thục ngủ say, thỉnh thoảng tôi khẻ hôn bé như muốn tìm một chút anh còn sót lại.

 

Anh thì không sao biết được ngày về, mà về thì cũng chỉ là thay đổi cái hàng rào kẽm gai của cái trại tập trung bằng “lệnh quản chế” của nhà tù mênh mông ngoài đời, như sợi thòng lọng tròng vào cổ người. Tôi muốn được nghe anh nói chuyện, muốn nghe anh khen tôi đẹp, nghe một lời anh yêu em, một câu trách yêu đầy lo lắng, em gầy quá, không chịu giữ gìn sức khỏe cho anh…Tôi thì chỉ thấy còn là một người đàn bà trẻ trung, dõng dạc còn là con người với anh, ngoài ra với chung quanh chỉ là một cái xác đớn đau, cỗi cằn, nghèo nàn biết đi đứng. Còn đi đứng để phải gánh nặng cái gánh chè thêm những năm sau, con đi học phải gánh thêm nhiều khoản ngoài kế hoạch, gánh thêm cái cơn tai biến mạch máu não của Bố chồng đã gần 80 tuổi, nằm một chỗ mấy năm trời và Mẹ chồng thì bệnh già cứ viếng tới viếng lui. Nhiều người nói ác, nợ nần gì mà phải khổ thế. Cuộc sống mỗi ngày một bó siết tôi với giá cả leo thang thậm chí tôi không còn được cái cơ hội nào về Ban Mê thăm Bố Mẹ. Tôi có còn cơ hội gặp lại anh không ? Chỉ một thoáng  ước mơ thôi đã thấy mong manh. Yêu và lấy nhau như một bài toán 1 cộng 1 dễ ợt vậy mà...hạnh phúc không bắt phải mua bằng tiền cũng phải được đồng tiền cho phép. Còn anh, trong đày đọa nhục nhằn kia, tình yêu nếu có, và nếu anh biết được cũng chỉ là một xa xí phẩm, một giấc mơ tật nguyền tội nghiệp. Chuyến xe nằm đường hôm ấy chỉ là một định mệnh oái oăm. Nếu anh quên em thì cũng không phải là một điều để trách. Nhưng mà, cho em không quên anh. Có thể người khác không tin ở tiếng sét nhưng mà không có một lý giải nào khác hơn cho nỗi khắc khoải của em, họa chăng như con chim sớm ở trong lồng chợt được trở lại rừng thấy thiên đường xanh ngát giữa những lá cành héo úa, thấy như mình đã gặp được cái tổ ấm của mình.

 

[]

 

Tôi đang sống ở thế kỷ nào đây ? Những bước chân xiêu vẹo như những chuyến xe đi hoài không tới bến. Cái thế kỷ nào mà mấy trăm cây số thôi còn khó hơn cả lên mặt trăng, mà một cái thư cũng không dám viết. Hai năm, năm năm, mười mấy năm, mọi thứ chung quanh tôi vẫn vậy, vẫn gánh chè kẽo kẹt đi về, vẫn đôi chân không dám mỏi, yên phận ngược xuôi.

 

Khác chút, kẻ có quyền giàu cứ giàu hơn và người nghèo cứ phải nghèo hơn. Khác chút là khi bố mẹ chồng tôi mất, để lại tôi cái tuổi ba mươi đằm thắm, ngọt ngào đầy thấm thía, xót xa trong cái thế giới không anh mà tôi nghĩ lúc nào anh cũng đang đợi tôi đâu đấy.

 

Nhưng mà, một lần ghé thăm anh, trước khi mẹ con tôi chuẩn bị đi Mỹ theo tiêu chuẩn chồng chết trong trại, thì không ai biết gia đình anh ở đâu, –dĩ nhiên rồi, ngôi nhà anh lớn thế, đẹp thế, ở cái mặt tiền thuận lợi thế, thì tránh thế nào được chuyện phải xảy ra - hàng xóm nói, gia đình anh kinh tế mới đã lâu lắm rồi. Và giống như là không muốn nhìn lại cái ốc đảo thân yêu giữa mênh mông sa mạc máu lệ hận thù, nên không thấy ai trong gia đình anh quay về thăm chốn cũ. Khổ nỗi anh nào biết em ở đâu, phải không ? Và chắc gì anh biết em vẫn nhớ mong anh, vẫn mong ước một ngày...

Anh cũng hơn ba năm ở trại, anh có được đi không ?./

 

1994

 

Đặng Kim Côn
Số lần đọc: 1949
Ngày đăng: 29.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi Nhà - Võ Tấn Khanh
Good-bye days - Vũ Lập Nhật
Mùa Nước Nổi - Nguyễn Minh Phúc
Ông Bầu - Nguyên Minh
Thầy Thích - Kinh Dương Vương
Những mảnh vỡ (23) - Nguyễn Thị Hậu
Chùa Cô Ba - Mang Viên Long
Không Tìm Thấy Biển - Hồ Việt Khuê
Tu luật, hay sự nhẫn tâm? - Nguyễn Vĩnh Căn
Chuyện Tình Của Má Tôi - Lâm Bích Thủy
Cùng một tác giả
Một Phút (tạp văn)
Sông Núi Trở Màu (truyện ngắn)
Trăng Lý Bạch (truyện ngắn)
Thế Kỷ Nào (truyện ngắn)
Vượt Ngục (truyện ngắn)
Vỡ Tổ (truyện ngắn)
Kinh Kha (truyện ngắn)
Thiền Tăng Và Tôi (truyện ngắn)
Đã Tạnh Mưa Chưa? (truyện ngắn)
Vĩnh Cửu (tạp văn)
Tình Xưa (truyện ngắn)
Mộng Du Chiều (truyện ngắn)
Qua Sông (truyện ngắn)
Chiếc Răng Giả (truyện ngắn)
Quên. (truyện ngắn)