Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
683
116.700.393
 
Ông Bầu
Nguyên Minh

Nói đến đội bóng đá hiện tại người ta thường nhắc tới huấn luyện viên. Đó là người thầy đã dẫn dắt và đào tạo lối đá cho các cầu thủ hầu tranh giải mang chiếc cúp vàng. Đội tuyển quốc gia cũng phải thuê huấn luyện viên nước ngoài, một vài năm rồi cũng xách vali về nước chỉ vì đội bóng ông ta dẫn dắt thua cuộc. Lại một ông Tây khác đến. Cứ thế, khi đội bóng thắng trận báo chí ca tụng ông ta, nhưng khi thua trận ông ta cũng bị báo chí chất vấn.

 

Trở lại thời xưa cũ ở Sài Gòn, Hà Nội, bóng đá còn phôi thai, huống hồ gì tại một thị trấn nhỏ nhất nước lại có một đội bóng tuyệt vời đã để lại trong lòng các người mộ điệu thể thao những ấn tượng khó quên. Những cầu thủ được ca ngợi không tiếc lời như thủ môn Tỵ, hậu vệ Chín, tiền vệ Thành, trung phong Thương, nhưng còn một nhân vật chính, đứng phía sau, đạo diễn cuộc chơi mà mọi người trong thị trấn này vẫn thường yêu mến. Ông bầu. Đối với tôi ông còn là người đã tạo ra tôi và đã để lại trong tâm hồn biết bao nhiêu điều muốn nói.

 

Về tuổi thơ của ông, tôi đã nghe những người O, chị của ba tôi kể lại trong dịp tôi về quê nội tiếp tục học lên bậc trung học ở trường Quốc học, Huế. Ông nội tôi làm quan trong triều đại Tự Đức, thanh liêm. Khi chết vì bệnh lao phổi để lại cho bà nội tôi một đàn con đông đảo. Gần 12 người. Ba tôi áp út. Gia đình bà nội sa sút từ khi ông nội qua đời, nên ba tôi đành phải bỏ học sau khi đậu bằng Primaire và theo chân ông anh ruột đang làm đốc học ở Tuy Hòa.

 

Các anh của ba tôi lúc bấy giờ như những thanh niên cùng thời còn mặc áo dài thâm đen mang đôi guốc vong, tóc búi. Và họ chết vì bệnh khi tuổi đời không quá 40. Riêng ba tôi và bác Hân cùng mặc quần tây áo sơ mi thẳng tắp, tóc hớt ngắn và chải rẻ một bên. Ba tôi và bác Hân giống nhau như hai giọt nước vì họ là anh em sinh đôi. Nhưng sở thích mỗi người lại khác nhau.

 

Ba tôi ham mê những môn thể thao như bóng đá, quần vợt. Ngay từ thuở còn bé thơ, ba tôi cùng  bạn bè trong xóm vào mỗi buổi chiều thường kéo nhau ra bãi cát rộng mênh mông sau làng cùng nhau chơi bóng đá. Những cặp giò đen đuốc, khẳng khiu, những bàn chân nhỏ bé, còn trái banh thì to như trái dưa hấu và nặng trịch như quả dừa tươi còn bọc vỏ. Ngược lại, bác Hân chỉ thích thổi sáo và thả diều.

 

Một buổi chiều mùa hè, hai anh em đều ra chơi ở Bãi dâu. Cậu bé cầm cái lon quấn sợi nhợ màu đỏ như người O già đang ngồi quay tơ, quay tròn quay tròn. Con diều bằng giấy bay cao, gặp

 

 

cơn gió mạnh, như mái nhà tranh lật úp khi gặp phải cơn bão đi qua, cậu bé cố ghì xuống, níu lại. Cậu la lên cầu cứu, mong rằng thằng em sinh đôi bỏ cuộc chơi chạy đến ôm sau lưng mình tiếp sức để hạ cánh diều xuống.

 

Còn người em, trái banh đang ở trong chân mình mà trước mặt là cung thành chỉ còn thằng bé thủ môn đang luống cuốn không biết hướng đi của đường banh. Tiếng kêu của đồng đội phía sau: “Sút mạnh vào, nhanh lên Đạt. Dzô. Dzô”. Trái banh bay thẳng vào khung thành, thủ môn ngã nhào té xuống. Trái banh đã lọt lưới.

 

Vừa lúc ấy ở đằng kia sân bãi, người anh sinh đôi đang nhảy cởn lên như đang chơi lò cò, tay cầm chặt sợi nhơ đỏ căng cứng, trên bầu trời con diều giấy lùng bùng theo từng cơn gió, và dưới đất chú bé hoảng hốt thấy mình như sắp bị bay lên nhưng lại chỉ hỏng mặt đất giây phút ngắn rồi chân lại chạm lên đám cỏ hoang. Người em như nhận ra hình như có một điều gì không may sẽ xảy đến cho anh mình, mơ hồ nghe tiếng gọi, ngừng cuộc chơi, nhìn thấy người anh như trái banh đang tưng vòng, cậu ta chạy đến thật nhanh, nhào tới như thủ môn đã đón được đường đi của trái banh, chụp lấy ôm vào lòng. Cả hai anh em đều té lộn nhào. Người em nằm trên người anh. Sợi dây nhợ quấn vào tay người em. Con diều bị giật xuống bất thình lình quá mạnh, cái đuôi dài như đuôi con công bị đứt làm đôi, bay bùng theo gió, còn con diều mất thăng bằng, như chiếc tàu bay giấy chúi mũi đâm đầu thật nhanh xuống bãi cát cạnh giòng sông của cồn Hến. Cả hai cậu bé anh em sinh đôi lò bò ngồi dậy, còn lũ trẻ vỗ tay cười ròn rả.

 

Lớn lên, mỗi người vẫn mỗi sở thích khác nhau như ngày còn thơ ấu, nhưng họ giống nhau ở tính hào hoa phong nhã, phóng khoáng. Mấy O tôi thường kể các cô gái tuổi mới dậy thì ở trong xóm hay mon men bên cối xay lúa nhà ông bà Nội tôi ngẩn ngơ nghe giọng hò điệu Nam Ai Nam Bình của ba tôi, chàng thanh niên bảnh trai, chân vừa đạp lên cần giả gạo, mắt nhìn đâu xa.

 

Rồi ba tôi bỏ cái cối xay, bỏ mấy O gái Huế đó để vào Tuy Hòa, mang theo giọng hò buồn ai oán đó làm nao lòng cô gái láng giềng nơi mới đến. Nhà Bác tôi và nhà ông bà ngoại tôi cùng ở dưới chân ngọn núi Tháp Nhạn và đều xây tường gạch lợp mái ngói đỏ, rộng rải, khang trang, khác với những dẫy nhà trong xóm còn vách đất, mái tranh. Ranh giới giữa hai nhà là hàng rào bằng cây dâm bụt, xanh um, dầy đặc, cao tới đầu người, nên hai bên chỉ thoang thoáng nghe được tiếng cười, tiếng nói mà thôi, muốn nhìn thấy mặt nhau, phải nhảy lên, hoặc đứng trên bậc cấp của nhà mình, nhưng chỉ thoáng qua vì khoảng cách là hai khu đất vườn cây ăn trái. Cây xoài. Cây mít. Bụi chuối.

 

Mỗi buổi chiều tàn sau khi từ sở làm trở về, chàng thanh niên như muốn trút ra hết nỗi nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ qua vài câu hò, nhưng chàng ngưng lại khi nghe phía nhà bên kia có tiếng kêu của người con gái. Lúc đầu nhỏ giọng nhưng sau to dần. Lại có vẽ như muốn cầu cứu ai đó. Sau cùng có tiếng guốc dồn dập trên lối đi ngoài sân giáp giới nhà chàng.

- Đừng, đừng đến gần. Ái! Ái!

Chàng thanh niên đứng khuất bên này tưởng tượng đến cảnh cô gái đó đang bị ai đó hiếp đáp. Chàng sốt ruột cất tiếng hỏi. Giọng đặc sệt Huế chay:

- Cái chi rứa?

Giọng người con gái cũng đặc sệt Phú Yên:

- Đồ khỉ nà?

- Tui hỏi cô có sao không. Tui chạy qua. Sao lại mắng tui?

Bên kia, tiếng cô gái lập bập như đang xô đuổi ai?

- Im đi, đồ khỉ?

Chàng thanh niên ngơ ngác trong bụng nghĩ thầm: Con gái gì mà mất lịch sự, hàng xóm láng giềng mình sợ họ gặp tai ương chi, hỏi để biết đường cứu, lại chưởi mình là con khỉ. Chập nữa những người anh của nàng về chàng sẽ mắng vốn. Nhưng cho chắc chắn phải như vậy không, chàng thanh niên vào nhà lấy chiếc ghế cao, đứng lên nhìn qua. Chàng thấy một cô gái mặc bộ đồ bà ba màu đen đang ôm lấy mặt úp vào thân cây. Trước mặt cô là một bày khỉ năm sáu con đang bao vây. Chúng giơ tay, giơ chân, mặt nhăn nhó, phát ra những tiếng gầm gừ, doạ nạt. Nhớ lại những ngày đầu tiên đến đây, chị dâu chàng chỉ lên trên núi Tháp Nhạn mà nói: Chốn này rừng thưa có nhiều bày khỉ sống và thường kéo xuống phá phách nhà người dân ở đây lắm. Giờ chàng mới thấy. Được rồi, tao sẽ trị chúng mày.

 

Chàng vào nhà lấy trái banh da mà chàng đã mang từ Huế vô, chàng lấy khăn ướt vỗ vào mặt trái banh và rắt ớt bột dính lên đó. Đứng trên ghế cao chàng nhắm vào con khỉ đầu đàn, quăng trái banh vào mặt nó. Con khỉ đón được tiếng gió hướng đi trái banh, hai tay nhỏ xíu cũng đưa lên bắt lấy. Bỗng dưng nó kêu thét lên, đưa hai bàn tay dụi vào mắt lia lịa. Hai chân dẫm đành đạch lên sân vườn. Mấy con khỉ khác chí chóe xoay quanh con đầu đàn. Bỏ lại trái banh, chúng cùng nhau nắm hai tay hai chân con khỉ bị thương, kéo nhau chạy như điên về phía núi.

Chàng thanh niên cất tiếng cười hả hê. Người con gái chỉ nghĩ là con khỉ bị trái banh trúng vào đầu đau quá mà bỏ chạy thôi. Nàng phục tài ném banh của chàng thanh niên. Nàng nói nhỏ một lời cám ơn. Chàng thanh niên thấy người con gái tiến về phía trái banh định cầm lên quăng qua hàng rào cho chàng. Người thanh niên nhắc nhở:

- Cô nhớ rửa tay cho sạch. Chứ không rủi dụi mắt thì khốn đó.

- Sao vậy?

- Thì ớt đó.

Tiếng ớt đó như nhắc đến một kỷ niệm ngày còn thơ ấu của người con gái đã làm nàng hoảng hồn. Cảnh hai nhóm bạn gái khác xóm, tuổi mới lên mười, ganh nghét nhau vì những chuyện không đâu, rồi thách đố nhau, gay nên ấu đả. Không biết ai mách nước cho con bạn xát ớt vào bàn tay bé bỏng của mình mà tát thẳng vào mặt đối phương. Kết quả là con bé tóc xỏa lung bung, mặt đỏ rần, nước mắt chảy ròng, miệng mếu máo, khóc la. Hai tay ôm lấy mặt, ngã xuống đất. Những đứa con gái khác không biết cái tát kia mạnh thế nào mà gây hậu quả ghê gớm như thế. Tiếng kêu gào thảm thương làm động lòng bọn trẻ hai bên. Người con gái nghĩ mình là kẻ đồng lỏa vì biết trước sự việc, nhưng nàng nghĩ chỉ cay mắt một lát rồi thôi. Thấy cảnh đôi mắt đỏ hoe và chân tay con bé kia run cầm cập, mồ hôi toát ra. Bọn bạn vì sợ hãi và thương bạn mình bị nạn, không biết cách chữa trị đều bu quanh mà khóc theo. Cô bé chợt nghĩ cách, như đã thấy mẹ mình mỗi lần bị bụi văng vào mắt, úp mặt vào thau nước đầy, nháy mắt lia lịa để hạt bụi trôi ra theo dòng nước. Cô bé chạy về nhà xách thau nước, đến vổ về, dìu dắt và bày cách chữa trị cho địch thủ. Mấy ngày sau đôi mắt của con bé kia vẫn đỏ hoe, phải đi nhà thương chữa trị. Bác sĩ dọa không khéo sẽ mù lòa làm bọn trẻ càng sợ hãi, nhưng cũng từ đó hai nhóm trẻ đó lại thân nhau, cùng chơi đùa, bắt óc trên bải cát của dòng sông Ba ngang qua cây cầu sắt mang tên Đà Rằng dài thườn thượt, cùng ca hát líu lo.

 

Tiếng ớt đó làm cô gái buột miệng thốt lên:

- Ác quá. Con người chịu không được, huống hồ con khỉ.

Nói xong cô gái khóc thút thít và đứng giậy bỏ vào nhà để mặc chàng thanh niên đứng ngẩn ngơ.

 

Đó là giây phút đầu tiên ba mẹ tôi quen nhau. Sau đó một thời gian hai bác tôi mặc áo dài mang sính lễ qua nhà hàng xóm đó hỏi vợ cho ba tôi.

 

Ba mẹ tôi sống ở Tuy Hòa đến mười năm sau mới kéo nhau vào lập nghiệp tại thị trấn bé nhỏ này. Nơi đây tôi được sinh ra và lớn lên. Anh Thương và chị Miên sinh ra ở quê ngoại, và lớn hơn tôi cả 10 tuổi. Ba tôi sau một cuộc cãi vã với viên quan chức người Pháp, lý do đơn giản là ông ta xúc phạm đến người dân bản xứ, có lần ông mắng ba tôi là đồ annammist, đồ mọi. Ba tôi không dằn được cơn giận nên đã thoi vào mặt ông là và gọi: Đồ thực dân.

 

Hai bác tôi khuyên Ba mẹ tôi không nên sống ở đây nữa ngại sự trả thù của viên quan đó. Vào thị xã nhỏ này Ba tôi lại gặp người anh sinh đôi đang làm Y sĩ ở bệnh viện Tỉnh. Trong thời gian thất nghiệp Ba tôi học nghề y do bác tôi truyền lại. Vừa học vừa thực hành, bệnh nhân của bác tôi đến nhà riêng để chũa bệnh, bác tôi đi vắng nhường lại cho ba tôi, bệnh nhân không nhận ra đúng người.  Không ngờ bác tôi chết sau một trận dịch tả. Từ từ ba tôi có uy tín và mọi người cho là ba tôi mát tay. Từ đó người dân trong thị xã này gọi ba tôi là Thầy Đào. Hàng ngày ba tôi xách cập đựng thuốc đạp xe đạp đi về mấy làng quanh thị xã chữa bệnh cho dân.

 

Với bác tôi, ba tôi đã học được nghề Y của ông. Còn làm thế nào mà ba tôi trở thành một trong những trọng tài bóng đá và hơn nữa là ông bầu huấn luyện một đội banh tư nhân bài bản như thế, cứ làm tôi thắc mắc.

 

Ban đầu những người anh chú bác của tôi và vài thanh niên trong xóm, vào buổi chiều kéo nhau ra khoảng đất trống cùng nhau đá banh. Họ mang chân đất nên sau buổi chơi trở về nhà suýt xoa vì những vết sướt hoặc bầm tím của những lần va chạm với trái banh da căng cứng. Họ phải mua cốc rượu đế phun vào những bàn chân và hai tay bóp mạnh cho đến khi tan vết bầm. Ba tôi, tình cờ  nghe mấy anh em bàn tán cuộc chơi có vẻ hào hứng và họ mong có người nào đó đứng ra làm ông bầu thì hay biết mấy. Bỗng dưng ba tôi nói:

-Tụi mày có muốn tao làm ông bầu không?

Cả đám nhìn nhau tưởng như mình nghe nhầm, đều đưa những cặp mắt sững sốt về ba tôi và họ đồng thanh thốt lên hai tiếng: Hoan hô.

 

Việc đầu tiên là ba tôi cho tiền và bảo các anh ra tiệm tạp hóa mua mỗi người một đôi giày bata vừa chân họ. Tập đá banh bằng những đôi giày này trước khi mang chính thức đôi giày đinh chính hiệu.

 

Sau đó ba tôi tuyển lựa cầu thủ. Lúc đầu chỉ đủ 11 người sau lên đến hơn hai mươi người chia thành hai đội A và B. Thường vào buổi chiều ba tôi dẫn họ ra sân chơi. Đó là một khu đất trống rộng thênh thang, chung quanh lưa thưa vài ngôi nhà tranh, nhà ngói. Ba tôi mặc quần sọc trắng, áo sơmi màu xanh đậm ngắn tay cầm còi làm trọng tài. Ba tôi chạy theo bám riết để theo dõi từng cử chỉ nhất là những cú va chạm hai đội mà phạt cho đúng luật.

 

Từ một đội bóng nghiệp dư tầm thường ba tôi đã biến nó thành một đội bóng chuyên nghiệp. Đội bóng mang tên Thanh Long. Đồng phục quần sọc xanh, áo thun xanh và biển số màu trắng to tướng gắn sau lưng.

 

Ba tôi phải đi chiêu mộ từng cầu thủ xuất sắc từ các đội tuyển các tỉnh thành khác. Tôi không hiểu bằng cách nào mà chú Vĩnh, một tiền vệ với những cái đánh đầu đưa banh vào khung thành làm bó tay thủ môn, bỏ đội tuyển Sài Gòn - Gia Định về đầu quân một đội bóng chưa có tiếng tăm và lại ở một cái thị xã bé nhỏ này. Tận các tỉnh miền Nam, anh Thành, anh Chín…cũng nhập đội. Ngoài Bắc vào, đội bóng có thêm anh Mai, một cầu thủ xuất sắc của Hà Nội, tướng to lớn, lanh lẹ, có những cú sút mạnh như vũ bão. Anh Hải từ Huế kéo theo vài người bạn nữa, họ cũng là những cầu thủ có tiếng của Kinh thành.

 

Nói tóm lại, đội bóng của ba tôi tập hợp nhiều danh thủ khắp cả nước. Trong nhà tôi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười của những người thanh niên cầu thủ bóng đá. Sau mỗi trận ra quân, buổi tối ông tập họp các cầu thủ lại, ông chỉ những khuyết điểm cần phải tránh. Ông ghét nhất lối chơi xấu, thô bạo trong lúc giành bóng như thúc cùi chỏ vào hông đối phương, dẫm giầy lên chân đối phương, xô đẩy để đối phương té lăn cù trên sân gây thương tổn cho họ, nên ông gay gắt cảnh cáo, và cuối cùng nếu tái phạm ba tôi loại hẳn họ ra khỏi đội. Thường các cầu thủ trong đội Thanh Long, ban đầu chỉ chơi banh thuận ở chân mặt, riêng chú Vĩnh, anh Mai hai chân đều sút banh mạnh vũ bão như nhau. Ba tôi nhờ hai người ấy tập lại cho các cầu thủ khác. Qua bao nhiêu ngày tháng tập dợt họ rất nhuyễn không còn luốn cuốn phải né mình đưa chân phải ra đón banh. Còn một việc tuy là dễ, ai cũng hứa với ba tôi trước khi ra quân là tránh lối chơi cá nhân chỉ một mình lừa banh qua đối thủ rồi khăng khăng giữ banh không chịu chuyển banh liền cho đồng đội để cuối cùng bị đối phương giành lấy, lúc ấy họ chỉ nghe tiếng vỗ tay hoan nghênh của khán giả tưởng lầm mình như một “anh hùng”. Nhiều khi ba tôi phải ra đứng bên lề sân bóng đá để nhắc nhủ về lối chơi đồng đội ăn khớp với nhau, như một bài học trong những buổi chiều ba tôi vẽ trên tấm bảng đen.

Ba tôi thường nhắc nhở như một điều cấm kỵ đối với các cầu thủ trước khi lâm trận quyết đấu tranh giải với các đội ở Tỉnh khác là các cầu thủ có vợ tuyệt đối không được ngủ chung với vợ. Ông cười nói nhỏ: “Ráng nhịn, để giành khi chiến thắng mà mặc sức.” Lý do đơn giản, không phải ông tin dị đoan mà ông sợ cầu thủ đó mất phong độ, sức lực giản đi. Các cầu thủ còn độc thân thì nên tránh gặp người yêu, để tâm tư thoải mái, để trí óc sáng suốt. Tất cả đều giành cho trận đấu. Sức lực và tinh thần phải đi đôi với nhau.

 

Đội bóng Thanh Long càng lúc càng trở nên có tiếng tăm. Chỉ trong vòng hơn năm năm đã trở thành một trong những đội banh mạnh nhất của miền Nam. Sau đó đội banh Thanh Long bị rã đám, vì các cầu thủ và ông bầu lần lượt bị tù đầy.

 

Lần thứ nhất. Ba tôi bị mật thám Tây bắt với những tội danh chứa chấp Việt Minh. Đơn giản là chú Vĩnh đã chỉ huy một toán Vệ Quốc Quân vừa trấn thủ dinh Phủ sứ của Pháp vừa chiếm được, vừa ca “Đoàn Vệ Quốc Quân một lòng ra đi.” Trong lần phản công chiếm lại bọn Tây đã nhắm bắn vào đầu chú Vĩnh. Sau đó một năm, tiếp đến là anh Mai, một cầu thủ ở hàng tiền vệ cũng bị Tây bắt và xử tử bằng một loạt súng trường. Dồn dập, kế đến anh Chín, một hậu vệ mà ba mẹ tôi đi cưới vợ cho anh ấy, bị một tên mật thám cướp vợ anh bằng cách bảo anh là một trong những người lãnh đạo của bộ đội Bình Xuyên ở tận rừng U Minh đang lánh nạn. Cùng lúc đó, anh Thành vội vàng vào chiến khu. Sau cùng, anh Thương bỏ lại người yêu, lìa xa cha mẹ thân yêu, bỏ cuộc đời trưởng giả, lên núi sống vất vả, dầm sương giải nắng. Bọn mật thám tra tấn ba tôi một cách dã man để chỉ được một câu trả lời thích đáng: “Tổ chức là ai? Tiền của đâu mà nuôi nấng cả một đội banh. Bọn nó toàn dân tứ xứ. Bại lộ rồi kéo nhau vào chiến khu. Cả thằng con ông cũng đi theo Việt Minh.” Ba tôi chỉ lắc đầu, ngậm câm.

 

Kết quả là ba tôi bị trục xuất khỏi tỉnh, buộc trở về sống nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Huế. Đó là vào năm 1949, các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam thuộc Liên Khu 5 của Việt Minh, từ thị xã của chúng tôi muốn ra Huế chỉ đi đường thủy hoặc máy bay mà thôi. Còn đường bộ, xe hơi xe lửa thì đứt hẳn. Việt Minh và Quốc Gia có lính viễn chinh Pháp, Tây đen rạch mặt, Tây trắng mũi lỏ đánh đấm nhau chí chóe. Chiến tranh lan rộng từ đồng bằng đến núi cao, từ thôn giả đến thị thành. Tưởng chẳng bao giờ chấm dứt. Mãi đến năm 1954 mới đình chiến và đất nước bị chia đôi. Ranh giới là chiếc cầu Hiền Lương, Bến Hải. Vùng liên khu 5 giao lại cho Quốc Gia. Mẹ tôi mừng rỡ đến rơi nước mắt. Chuyến xe đò đầu tiên thông suốt từ Nam đến Đồng Hà, mẹ tôi là người hành khách đầu tiên. Nhưng bà chỉ xuống xe, ngừng lại quê hương bà có chiếc cầu Đà Rằng dài nhất nước cùng con sông Ba uốn lượng qua bao nhiêu xóm làng, mùa hè nước cạn, giơ lên bãi cát trắng tinh hai bên bờ, trong veo; mùa thu đông nước dâng cao lấp bờ chảy cuồn cuộn, đục ngầu màu phù sa. Núi Nhạn vẫn đứng trơ trơ như đá hòn vọng phu giữa trời trên ngọn đồi, bày khỉ năm xưa, thời không có tiếng súng sinh sôi nẩy nở, qua chín năm kháng chiến, máy bay của Pháp thường ra oanh tạc thả xuống bao nhiêu bom napal đốt cháy núi rừng, bày khỉ đã biệt tăm.

Khi trở về, mẹ tôi dắt theo những người anh em con cậu, con dì, áo quần chấp vá, mặt mày xanh úa như tàu lá chuối xác xơ. Mẹ tôi vội mua vải và chị Miên đo kích thước từng người, thức đêm may cho xong để nhìn các chị em mình tươi tắn trong bộ quần áo mới tinh, cười nói rộn ràng.

 

Những ngày sau đó, mẹ tôi chuẩn bị cho một chuyến đi về quê nội của tôi không ngoài ý định là thu xếp đưa ba tôi cùng vợ con của ông về sống trong cùng chung một mái nhà. Mẹ tôi thường bảo với các chị tôi: “Phải thông cảm cho nỗi cô đơn của ba tôi”. Ông không bao giờ nghĩ đến ngày chính quyền trả lại tự do cho ông. Trong bốn năm xa quê đó ông lập gia đình với một người thiếu phụ, tuổi xấp xỉ với chị tôi. Và tôi lại có thêm hai đứa em cùng cha khác mẹ. Được tin ấy Mẹ tôi chỉ buồn đôi chút, nhưng Mẹ tôi nghĩ các cháu chắc, có khi người dưng khác họ, như những cầu thủ đội banh của ba tôi bà còn vui vẻ, ân cần nuôi nấng với tất cả tấm lòng thương yêu thì huống hồ gì mấy đứa trẻ, máu mủ của chồng mình, và người đàn bà kia phải khổ đau nếu mẹ tôi buộc họ phải chia tay.

 

Nhà tôi bắt đầu đông vui trở lại. Vẻ bở ngở ban đầu của dì tôi tan đi rất nhanh. Mọi người trong nhà không phân biệt giữa mẹ tôi và dì tôi. Ngay cả tôi cũng không thấy có khoảng cách, thế nào là dì ghẻ con chồng, hay vợ cả hành xách vợ bé, hoặc bà nhỏ tỉ tê với chồng để chồng ghét bỏ bà lớn, còn con cái thì bên vực mẹ mình, ngúyt ngắc, hổn hào với mẹ kế, mẹ lớn. Gia đình chúng sống trong cảnh hòa thuận, êm ấm.

 

Lúc này, thời đệ nhất cộng hòa phong trào thể thao lên cực độ nhất là môn bóng đá, chính quyền Tỉnh thiết tha mời ba tôi về làm huấn luyện viên cho đội banh vừa mới tuyển. Tất cả cầu thủ đều ăn lương nhà nước, riêng ba tôi lương đặc biệt, rất hậu. Nhưng ba tôi lắc đầu từ chối vì ông biết chẳng bao giờ ông có được một đội banh tuyệt vời như thuở nào. Ông chỉ tặng những chiếc cúp đoạt giải ngày xưa cho họ để chưng trong phòng khách của Ty Thanh niên vừa mới thành lập.

Không còn đội banh, không còn những cầu thủ bóng đá, ba tôi chuyển qua chơi đá gà. Trong nhà ông nuôi cả chục con, cũng tuyển lựa từ các tỉnh thành. Nghe nơi nào có gà nòi chính cống với những cú đá độc đáo ông tìm đến mua về. Cả cái sân nhỏ hẹp, từng hàng một những chiếc lồng đan tre nhốt mỗi con gà đá. Ba tôi đặt tên từng con để khỏi lầm lẫn và tôi là kẻ thường phạm lỗi hay bỏ đi chơi theo lời mời gọi của lũ bạn trong xóm để lũ gà xổ lồng đá nhau tơi tả đến nỗi ba tôi giận dữ đem tôi ra trước sân nhà nhốt trong lồng chuồng để bọn trẻ diễu cợt. Khi Mẹ tôi biết được, bà không bằng lòng với cách trừng phạt đó, dù là đối với trẻ con nhưng đó là cách hạ nhục nhân cách của một con người. Dì tôi cũng đồng ý. Cả hai tỏ thái độ phản kháng. Ba tôi nhận lỗi nhưng ông cũng xuýt xoa tiếc nuối về mấy con gà chiến đã bị tổn thương nặng. Còn tôi hết ấm ức sau khi ba tôi đưa tay vỗ lên tóc tôi, những lần sau ba tôi nhờ việc gì tôi tôi tập trung chu toàn.

 

Ngày xưa trong nhà rộn ràng tiếng huýt gió, tiếng hát oan oan, tiếng nói chuyện ồn ào vào mỗi buổi sáng của các chàng thanh niên, cầu thủ của ba tôi, giờ đây thế vào đó là những tiếng gà gáy vang trời, điếc cả tai nhưng thét rồi cũng quen và nhớ giờ dậy sớm để học bài.

 

Vì đội banh ba tôi bị tù tôi. Bây giờ lại vì chơi đá gà ba tôi lại bị tù lần thứ hai. Lúc bấy giờ chơi chọi gà không bị chính quyền cấm đoán, nhưng ba tôi hay mang gà đi đến các tỉnh khác, phải tìm kiếm nơi xuất phát những con gà nòi xuất sắc ba tôi phải tìm người rành điệu hướng dẫn. Trong giới mê đá gà xem ba tôi thành một thần tượng.

 

Lúc bấy giờ miền Nam im bặt tiếng súng, nhưng chỉ được vài năm, những xóm làng hẻo lánh xuất hiện lại du kích từ trên núi trở về, và tin từ đài phát thanh loan tin về Mặt trận Giải Phóng Miền Nam ra đời. Ba tôi bị mật vụ của Ngô Đình Nhu theo dõi, lấy cớ là ba tôi thường liên lạc, mốc nối với Việt Cộng. Những gia đình có con theo Việt Minh ngày nào đã đi tập kết ra Bắc đều bi làm khó dễ.

 

Ba tôi không thể trả lời được những buổi thẩm vấn, hỏi cung của bọn mật vụ: Có phải ông lấy cớ chơi gà chọi để đi về nông thôn, bặt liên lạc từ trên núi với thằng con trai tên Thương từ Bắc trở về Nam không? Tiền bạc đâu mà hết lập đội bóng đá rồi lại đội gà chọi? Phải có ban kinh tài VC tài trợ? Về sau, tôi mới biết, lý do đơn giản là tên Tỉnh trưởng muốn có tiền của cống hiến cho ông cố vấn Ngô Đình Cẩn ở Huế bằng cách lợi dụng bắt những gia đình giàu có mà lý lịch đã vào sổ đen để tống tiền. Khi biết rõ ý đồ đó, Mẹ tôi vội vàng vơ vét của cải bán ra để chuộc ba tôi về, thì ông cũng đã bị đòn thấu xương. Thân tàn ma dại.

 

Ba tôi được thả về nhà, cả mẹ tôi và dì tôi săn sóc, bồi dưỡng chu đáo, sức khỏe ông từ từ trở lại. Nhưng mẹ tôi lại mang chứng bệnh nan y là ung thư và bà mất đi sau đó vài năm hết chữa trị từ bệnh viện này qua bệnh viện khác ở Sài Gòn.

 

Trong thời gian này, tôi cũng từ giả ngôi nhà số 11 vào Sài Gòn rồi trở về quê nội, Huế, tiếp tục việc học hành, xong đến Qui Nhơn vào trường Sư Phạm, ra trường cầm sự vụ lệnh đến nơi mình phải công tác. Về lại nơi mình đã xuất phát ra đi.

 

Tôi ngở ngàng ngay những ngày đầu tiên. Ngôi nhà vắng tanh. Tất cả những người anh em bà con đã ra ở riêng và tản mác. Chỉ còn lại dì tôi, chị Miên, và ba tôi.

 

Làm sao tôi không xót xa khi tôi đứng trước một ông già, thân tàn ma dại, co ro trong bộ đồ bà ba lụa trắng, tay chống chiếc gậy trúc, lê từng bước chân nặng nhọc từ ngoài nhà vào. Tôi ấp úng, giọng nói như muốn tản vào không khí: Thưa Ba, con đã trở về.

 

Đôi mắt ba tôi không còn sáng quắc như ngày nào, bây giờ nó đờ đẩn, ba tôi chỉ gật đầu tỏ vẽ vui mừng đón tiếp.

 

Chị Miên suốt ngày tám tiếng đến sở làm. Tôi được bổ nhiệm về một ngôi trường trong thị xã. Ngày thứ năm và chủ nhật tôi chỉ biết giam mình trên căn gác gỗ vừa mới cất thêm trên gian nhà dưới, với một thế giới riêng biệt, bé nhỏ, nhưng thoải mái, tránh không khí ngộp ngạp, nặng nề.

 

Từ khi Mẹ tôi chết, từ khi ba tôi tàn tạ với căn bệnh lao phổi ở giai đoạn cuối, căn nhà trên ngày nào là phòng khách tấp nập người quen, vẫn bộ ghế sa lông bằng gỗ gỏ bệ vệ chiếm giữa căn phòng, hai bên là hai cái lục bình sứ tàu cao to đặt trên hai cái đẩu gỗ màu đen bóng có chạm khắc hoa văn. Bây giờ vẫn còn đó nhưng chẳng có ai đến ngồi vào chuyện trò vui vẻ.

 

Căn nhà sau kế tiếp dành riêng cho ba tôi. Một chiếc tủ thờ luôn luôn có ngọn đèn dầu leo loét ánh sáng mù mờ, một tấm ảnh thờ mẹ tôi, một lư đồng nhỏ lúc nào cũng đốt cháy một cây nhang. Cạnh đó là chiếc ghế xích đu bằng vải bố, và ba tôi thả người trên đó hằng ngày. Chỉ vào ban đêm ba tôi mới nằm trên chiếc giường nệm ở một góc phòng. Từ ngoài muốn vào phòng chị Miên, trước kia là của mẹ tôi, xuống nhà dưới Dì tôi và hai đứa em nhỏ, hoặc lên căn gác - gian sơn - của tôi, tất cả đều phải bước qua chỗ ba tôi nằm như một cửa ngỏ âm u, buồn bả. Đến nỗi bốn mươi năm sau tôi gặp lại Tuyên, nhắc về ba tôi, nàng nói ngày ấy mỗi lần đến thăm tôi, lên căn gác nhỏ nàng lấy hết can đảm, bình tỉnh để bước qua chỗ ba tôi nằm. Có một lần tôi đưa nàng ra về, tôi đi bên cạnh để nàng bớt lo sợ, ba tôi đã kêu dừng lại với giọng nói từng tiếng một, rời rạc: “Các con cố gắng vượt qua”. Tôi nắm chặt tay Tuyên. Tôi hiểu. Tôi tưởng lời nói đó Tuyên cũng nghe được. Ngờ đâu, khi chúng tôi tuổi đã già cả rồi, nhắc lại Tuyên hỏi tôi chứ hồi đó ba anh nói gì vậy?

 

Con trai để trể một vài năm lấy vợ chưa muộn. Sợ con gái không đợi được ngày mãn tang cha, hơn nữa chị Miên tuổi đã xấp xỉ ba mươi, nên ba tôi lo lắng, trước khi mình nhắm mắt xuôi tay ông muốn được nhìn thấy chị Miên có chồng.

 

Những ngày cuối cùng của ba tôi thật bi đát. Ông biết mình không thể kéo dài cuộc sống bệnh hoạn, những cơn ho xé ruột, những ngụm máu trào ra, những khuôn mặt người thân đã khuất cứ chập chờn hiện ra trong giấc ngủ ngắn ngủi của ba tôi để sáng mai ông kể lại cho dì tôi nghe như một điềm gở.

 

Một buổi sáng không ai nghe tiếng ho, như mọi ngày, của ba tôi. Dì tôi mới khám phá ra ba tôi đã chết từ hồi khuya. Khi liệm xác ba tôi, dưới chiếc gối ở đầu giường có một tuýt thuốc ngủ chỉ còn sót lại một viên./.

 

Ngày 18 tháng 4 năm 2009

 

 

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1809
Ngày đăng: 27.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những mảnh vỡ (23) - Nguyễn Thị Hậu
Chùa Cô Ba - Mang Viên Long
Không Tìm Thấy Biển - Hồ Việt Khuê
Tu luật, hay sự nhẫn tâm? - Nguyễn Vĩnh Căn
Chuyện Tình Của Má Tôi - Lâm Bích Thủy
Bầu Trời Cảm Lạnh - Đỗ Mai Quyên
Cánh Cửa Đóng - Mường Mán
Con Ngựa Đen Đốm Trắng - Ngô Thị Ý Nhi
Trứng … - Phạm Toàn
Đường Kiến - Kinh Dương Vương