Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
352
116.591.232
 
Thư từ Miền Nam,
Đặng Kim Côn

Anh Nguyễn Xuân Hoàng thân mến,

 

Thế là tôi đến Naples đã một tháng, một tháng lọt thõm vào cơn lạnh bất thường của Florida, mà Đài CNN thông báo, một thành phố cách nơi này 2giờ xe, Fort Lauderdale, đã lạnh xuống 40 độ F, cơn lạnh thấp kỷ lục tính từ 1841, (một nơi mà quanh năm có khí hậu gần giống với quê nhà tới nửa vòng trái đất bên kia).

 

Anh ạ,

Đôi khi tôi nghĩ là ở xứ tạm dung, đâu cũng chả phải là quê hương gì, vậy mà khi đến đây rồi, mới thấy nhớ thấy thương cái xứ San Jose mình làm sao ấy!

 

Đúng bốn tuần. Thứ ba, bốn tuần trước hạ cánh xuống phi trường Fort Myers, phi trường báo là 41 độ F, con đường về nhà ở Naples như cũng bất ngờ với cơn mưa lạnh, trông vắng vẻ. Đám thông hai bên đường có vẻ như không hân hoan dưới cái lạnh lạ lùng, đứng nép mình vào nhau, không rì rào nhỏ to, không vẫy chào một người bạn cũ như mọi lần tôi đến trước. Bà xã lái xe, nói, lạnh quá ít người ra đường. Trời mưa lay bay, chừng hơn nửa giờ, cũng từ North về South giống như phi trường San Francisco về San Jose vậy. (Sáng đi, San Jose cũng mưa).

 

Nói đến thông, tôi bảo đảm với anh, ai đến Florida này, nhất là vùng Naples chắc đều phải chú ý trước thảy mọi thứ khác (kể cả Disney World hay NASA) như tôi: thông ngút ngàn, thông đến nỗi, tôi nghĩ, trước khi cư dân phát triển ở đây, thì chắc nguyên cả mấy trăm miles rừng, chỉ toàn là thông với thông. Naples bây giờ không còn là một thành phố hoang vu, vắng vẻ, nơi hoạt động của các mafia gốc Ý (gốc Ý như cái tên của một Thành phố ở Ý), như Mario Puzo mô tả hơn 40 năm trước trong God Father (Việt Nam dịch là Bố Già), tôi muốn nói tới cái tốc độ phát triển của thành phố, hai năm trước tôi đến, ở lại thành phố này ba tháng, đi đâu cũng kẹt cứng xe vì người ta đang sửa, và làm đường mới, những con đường chắc cũng làm cho cư dân lâu năm ở đây ngỡ ngàng, đến ba bốn, năm lanes mỗi bên, mà thậm chí ngoài Freeway dẫn vào thành phố vẫn đang còn khép nép mỗi bên 1 lane khiêm tốn.

 

Tôi nói tới sự phát triển của thành phố vì cũng muốn nói tới sự đổ nát trong tôi, những cánh rừng thông mộng mơ kia, hai vợ chồng tôi đã từng chạy xe chầm chậm qua hàng chục miles đường rừng vắng vẻ, bỏ xe đi bộ suốt hàng mấy tiếng đồng hồ liền… “nghiên cứu”, say mê, thèm thuồng, chả là vì, hồi còn ở Việt Nam, tôi mê đi rừng để tìm những gốc cây cằn cỗi, u nần, hốc hang, quằn quại, bị tàn phá vì chiến tranh, trâu bò, sấm sét, để bứng về nuôi trồng, “huấn luyện” rồi vào chậu làm cây kiểng bonsai, ở đây, rừng thông đã đập vào mắt tôi những cây thông đủ điều kiện, mà lại nhiều, nhiều vô kể. Đặc biệt, nếu như thông Cali anh thấy có nhiều giống Redwood, thì ở đây trùng trùng điệp điệp giống Cypress, cây cao gầy, lá xanh mướt, và trong rừng cypress ấy, loại tôi mê, và tôi cũng thấy các vườn bonsai ở Mỹ khai thác là giống white pine, black pine, nhất là giống bald cypress, giống thông có gốc phình ra thật to, lên cao chừng nửa mét thì nó chuốt ngọn nhỏ lại như cái bầu rượu, mà rừng thông ở đây, có những cây hàng trăm năm, gốc phình to bằng cái mình người lớn, hang hốc, lên chừng gần mét là có nhánh ẻo lả, thuận lợi cho việc cắt bỏ đầu, giữ nhánh, tạo ngọn thành cây lùn. “Nghiên cứu”, là nghĩ không biết cách nào đào trộm, hay làm sao để hỏi mua, xin gì đó trước khi người ta phá bỏ!

 

Người ta phá bỏ, đó là sự đổ nát trong tôi mà tôi mới nói, anh có tin, trong vòng 3 tháng ở đây, tôi đã chứng kiến cả hàng mấy trăm hec-ta rừng thông đã bị tàn phá dễ dàng, nhanh gọn, cưa rạp xuống hàng loạt, xe móc đất xúc gốc lên, máy xay nghiền cây vụn ra, là không bao lâu sau đó, từng khu chung cư, thương xá, hãng xưởng, cao ốc, công sở hí hửng mọc lên. Nếu dễ quên đi những rặng thông thơ mộng, tình tứ nọ, thì anh cũng sẽ thấy ngồ ngộ với hình ảnh những cụm thông, hàng thông người ta còn cố tình chừa lại theo bản vẽ, để những công trình mới kia được đứng lấp ló sau những cây thông rải rác lưa thưa trước “sân” êm đềm như tranh thủy mặc.

 

Anh Hoàng thân,

Trở lại cơn lạnh Florida, thấy thương cho người Việt ở các tiểu bang Miền Đông Bắc, vào thời điểm này, nơi nào cũng lạnh dưới độ âm, mà mình ở San Jose, lâu lâu mới thấy được cái độ 31, 32! Mấy ngày trước khi tôi đi, San Jose cũng lạnh xuống 34, 35 độ, sáng sớm tôi vẫn lái xe đưa mấy đứa cháu đến trường mẫu giáo, trường tiểu học có sao đâu. Vậy mà hôm thứ ba, 40 độ ở một số các thành phố Florida, hàng trăm trường học đã đóng cửa! Theo CNN, Rob Brown, một cư dân tMichigan thường đến Florida, nói vui: “ở cái xứ này, buổi sáng người ta thức dậy, mà thấy nhiệt độ xuống 35 độ F, là họ tưởng… đã đến ngày tận thế”.

 

“35 độ F là bao nhiêu độ C vậy nhỉ?” Nhiều bạn bè ở Việt Nam hỏi tôi vậy, tiện đây,  nhờ anh Hoàng nhắc luôn giùm tôi đến mấy ông bà bạn tôi có đọc được để nhớ (nhớ cách tính và cũng nhớ đến tôi): độ F trừ (-) 32 nhân 5 chia 9 là ra độ C (nhiệt độ bách phân đo theo VN). Ví dụ, Fort Myers Florida hôm tôi đến là 41 độ, ta tính (41- 32) x 5 = 45 / rồi 45 : 9 = 5. Là 5 độ C. Nghĩa là, như hôm nay, tại Hà Nội rét đậm, học sinh phải nghỉ học vì nhiệt độ xuống 10 độ C, mình tính ngược lại, (10 độ C : 5) x 9 =  18 rồi 18 +32 =  50F (nhớ là ngược lại theo thứ tự, không nên lấy độ C công 32 trước).

 

Mưa cũng thế, suốt mấy tuần nay mưa lai rai, làm nhớ San Jose quá, nhất là những buổi anh em  với anh Lữ Quỳnh ngồi trong tiệm Starsbuck nhìn mưa ngoài cửa kính để nghe một chút lạnh len vào từng giọt cà-phê nâu, nóng hổi. Mùa này không nghe có sấm chớp đi theo những cơn mưa, tôi nhớ cuối hè và đầu thu năm ngoái, những đợt sấm chớp như muốn bứng cả trời xanh mà từ bé đến lớn tôi chưa từng thấy, mà có lẽ, chỉ có ở đây, tiếng sấm mới vang dội khủng khiếp đến vậy. Cũng ở đây, Tôi cũng đã ôm mấy trận bão lớn nhỏ, mà bão Florida thì chắc anh đã nghe, nổi tiếng nước Mỹ mà! Có điều, nói vậy thôi, TV, radio thông báo tránh đường này, đóng đường kia vì nước lụt, chúng tôi vẫn ra đường (để thăm tiệm xem có cần lo liệu gì không), đến những con đường phải tránh thì nước cũng chưa phải là lên đến nửa bánh xe, giỏi lắm nước chỉ băng qua đường. Cảnh sát thì đứng đầy đường để giữ đường và hướng dẫn dân chúng đi lại (Cảnh sát ở đây, người ta nói đùa là nhiều hơn dân, vì là thành phố có nhiều người giàu có, nghỉ hưu và cũng là thành phố du lịch). Bão lớn đấy! Chưa đến Florida, mấy người quen tôi cứ khuyên không nên đi, qua đó không khéo bão cuốn mất”. Nổi tiếng bão là vậy, vẫn chỉ là chuyện cỏn con so với bão trên quê hương tôi, anh biết, Phú Yên đó, năm nào cũng gồng mình gánh những cơn lũ hung hãn, năm nào cũng hàng chục người chết, chưa nói là năm ngoái, trận lũ lịch sử, đã cướp đi cả trăm sinh mạng, cuốn theo hàng triệu đô la tài sản của người dân. (chưa kể là chỉ mưa thôi, mà tôi thấy hình chụp ở Saigon, Huế, Hà Nội người ta bơi thuyền trên phố). Sau những cơn bão ở Naples, tôi thấy, mọi sinh hoạt lại bình thường, đường sá lại sạch sẽ, và cũng chả thấy báo chí  đăng một tấm hình có mặt mày méo xẹo nào. Hình như Naples không có công trình thủy điện!

 

Mùa này thì mưa đẹp lắm, mà buồn. Buồn, thấy San Jose như gần lại. Cali như gần lại, thấy nơi nào của Cali cũng như nằm trong Thung Lũng Hoa Vàng (chừng hơn tháng nữa là hoa vàng bắt đầu rựng lên khắp thung lũng mình, anh nhỉ?), nghe Sacto có bắn nhau, chết người, sao thấy xốn xang lo lắng như ngay ở thành phố mình, chả bù là cách Naples 300miles (chưa bằng 1/10 về San Jose), một vụ nổ súng ở một trường học, nghe, mà như đâu ở ngàn trùng.

 

Naples vẫn đang mưa, buồn và nhớ. Thì ra không phải ở đâu cũng là xứ người, phải không anh?

Không biết có dịp nào mời anh qua… đi câu cá trong một chiều nắng đẹp?./.

 

Naples, Tháng 01/2011

Đặng Kim Côn
Số lần đọc: 1842
Ngày đăng: 09.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Thời Chưa Xa - Nguyễn Thị Hậu
thôi nôi - Du Tử Lê
Chiều Cuối Năm... - Lê Lộc
Khi đã là quá khứ - Võ Thụy Như Phương
Cao Nguyên - Nguyễn Thị Hậu
Về lại Sorrento - Trương Vũ
Mái Nhà Năm Xưa - Khuất Đẩu
Bài ca Giáng sinh: Trái Tim Đẹp Nhất - Nguyễn Hồng Nhung
Tản Mạn Chữ Tình - Trần Minh Nguyệt
Sài gòn và em - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Một Phút (tạp văn)
Sông Núi Trở Màu (truyện ngắn)
Trăng Lý Bạch (truyện ngắn)
Thế Kỷ Nào (truyện ngắn)
Vượt Ngục (truyện ngắn)
Vỡ Tổ (truyện ngắn)
Kinh Kha (truyện ngắn)
Thiền Tăng Và Tôi (truyện ngắn)
Đã Tạnh Mưa Chưa? (truyện ngắn)
Vĩnh Cửu (tạp văn)
Tình Xưa (truyện ngắn)
Mộng Du Chiều (truyện ngắn)
Qua Sông (truyện ngắn)
Chiếc Răng Giả (truyện ngắn)
Quên. (truyện ngắn)