Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
820
116.679.234
 
Mộng Du Chiều
Đặng Kim Côn

 

Chẳng qua, tôi cần ở thành phố này một vài điều chuyên môn cần thiết có liên quan đến công việc của gia đình tôi định thực hiện, ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi, nên có người quen đã giới thiệu Chấn cho tôi. Ông ta là một người học cao, hiểu rộng, ít nhiều thành công trong thương trường và có vai vế trong xã hội. Vậy là mail qua mail lại thăm hỏi nhau đâu chừng năm bảy lần trong khoảng hai năm nay.

 

Đã nhiều năm, mỗi năm tôi đều trở lại sống trong thành phố này vài ba tháng theo ý con gái tôi muốn, nó có nhà riêng, và các con nó cứ muốn bà ngoại về sống luôn với chúng. Tính ra, dồn nhiều năm lại, tôi cũng đã sống hơn ba chục tháng với con gái tôi, từ khi đứa con đầu của nó mới sinh, cho tới nay,cháu đã hơn mười tuổi.

 

Dù là vậy, thành phố vẫn quá là xa lạ với tôi, một phần, tôi không lái xe được, phần nữa, vợ chồng con gái tôi quá bận rộn, mỗi tuần chỉ có một ngày Chúa Nhật để đưa tôi đi lòng vòng chút, mà ăn uống, chợ búa cũng đã mất nửa ngày. Vả, ở cái tuổi hơn sáu mươi này, tôi chỉ thích quanh quẩn trong nhà, đọc sách, nghe nhạc, rồi đi bộ loanh quanh ngọn đồi thấp cạnh nhà, để ngắm bình minh lên, hoàng hôn xuống, với nắng mưa, suối reo, chim hót quanh cuộc đời người.

Tôi có cái thú từ thuở còn son trẻ, vẫn đeo đẳng tôi bao năm qua, là được xem các cuộc triển lãm tranh ảnh, nghệ thuật, mà (thuở đó) có xa xôi, trở ngại mấy tôi cũng tìm đủ mọi cách. Và cũng chính cái thú này, có lần, chừng đâu cũng đã hơn năm, tôi có trao đổi với Chấn, như là hỏi thăm, ở nơi ông có cuộc triển lãm nào đại loại như thế không. Hỏi vậy thôi, không có nghĩa như tôi muốn đến đây để được xem tranh, nên rồi ngày tháng trôi qua, tôi quên bẳng đi điều đó, cũng giống như tôi không nhớ tôi còn có một người bạn vong niên nơi đây, mà ngoài ra, sau khi hỏi thăm ông ta cho biết việc tôi cần, thì giống như, tờ báo kiến thức kia đã coi như gấp lại, nhất là cái công việc tôi định kia đã không thể thực hiện được.  

 

Bất ngờ, tôi nhận được mail thăm hỏi của Chấn, nói “nếu chị có về thăm con gái, Chấn muốn được đến thăm chị, sẵn mời chị đi xem bảo tàng…” gì đó. Ừ, biết nhau nhiều năm, gặp mặt nhau cũng là điều tốt thôi mà.

 

Trước khi trả lời mail, tôi trao đổi với con gái và cùng đồng ý với nhau là mời bác đến nhà vào hôm sau, ngày đầu tuần. “Con về sớm lo cho mấy đứa nhỏ, mẹ có thể nhờ bác đưa đi thăm viếng loanh quanh!”

 

Anh, em đang ngồi ở một quán café Việt Nam với Chấn, một anh bạn khá nổi tiếng ở nơi anh ở này. Với Chấn, anh nghe em nói không? Chấn, chứ không phải là anh, người mà em khao khát đến cháy lòng cho một lần có được bên nhau, dạo quanh ngọn đồi thấp với chút sương lành lạnh, chầm chậm len giữa những tảng đá hai bên bờ suối, ngồi thả hồn nghe nhạc trong một quán café, mà cả đời em, như là chỉ có trong trí tưởng tượng.

 

Bất chợt em thấy có chút giận dỗi, chút mơ ước nhỏ nhoi đó có gì là khó, mà anh (em) đã  để cho người khác vô tình đánh cắp mất chiều nay.

 

Lần đầu tiên em đặt chân vào quán café, lại bất như ý đến vậy, không có anh, không có những bản nhạc nhẹ trong mong đợi, không có sự êm ả trong veo cho từng giọt café chảy ngọt giữa tim nhau, mà, một không khí ồn ào xập xình những âm thanh cuồng loạn của những bản nhạc sến, và chung quanh, khói thuốc lá làm em buồn ngộp. Em gọi một ly cam vắt, để cố dành lại cho chúng mình, hai ly café lặng lẽ cho một lần nào có thể.

 

Chấn nói chuyện với tôi về dưỡng sinh, kể tôi nghe những việc ông ta làm ở đây, và cũng hỏi sơ về sinh hoạt của tôi từ nào giờ, nghĩa là những câu chuyện mà hơn hai năm qua hầu như chả ai buồn bận tâm đến, có lẽ cũng cần có chuyện nói để không khí đỡ tẻ nhạt trong lần gặp đầu tiên này.

 

Tôi uống nhanh ly nước cam, để ông ta thấy không còn gì để nhâm nhi, vậy là tôi thoát ra khỏi bốn bức tường ngột ngạt kia. Lại tiếp tục nghe ông ta giảng giải về những gì là lạ trên đường đi, một tấm bảng quảng cáo, một sân banh, một khu chợ người Việt đông đảo hay những nơi mà trước kia đã có lúc ông ghé qua.

 

Anh, em sẽ không cho anh chạy miên man thế đâu, em sẽ bắt anh đậu xe lại dưới một tàng cây nào, chúng ta hôn nhau, em vùi đầu vào ngực anh, khóc. Khóc cho mặn xuống mấy mươi năm kiếm tìm, mong đợi, nhớ thương. Để những bàn tay lạnh tìm nhau, đan nhau, như muốn dính cứng vào nhau…

 

Buổi triển lãm bảo tàng mà ông Chấn muốn mời tôi xem, bất ngờ (có lẽ bất ngờ thật), hôm nay đóng cửa. Sẵn bãi đậu xe cũng nằm trong khu công viên, ông ta đưa tôi dạo một vòng, điều mà đã rất nhiều lần, con gái tôi giới thiệu nơi này, và cứ hẹn lần hẹn lữa mà chưa có dịp.

 

Có điều, vui gì khi em phải lướt qua những lối nhỏ đang muốn tắt nắng, vội vội, vàng vàng. Vội vàng cả những nhớ mong và hờn trách, vì nếu em không lầm, em đã từng gửi đến anh niềm mong ước đơn sơ mà cháy bỏng này. Anh ở đâu?

 

Và vội hơn, tôi nhắc ông Chấn, con tôi đợi cơm chiều.

 

Vậy là, thay vì trả tôi về nhà, ông ta mời tôi đi ăn. Tôi từ chối, như ông nài “Chị điện thoại về nhà, nói với cháu, mẹ về trễ các con ăn cơm trước”. Thì đi, có sao. Những con đường sẽ dài hơn với anh mà anh đã hẹn, những con đường cứ là mộng du trông mong. Thành phố không lớn, nhưng buổi chiều thì quá dài, để đi đâu cũng không cùng nỗi nhớ. Nỗi nhớ chông chênh trên từng bước chân chiều, bên một người đàn ông trong dáng vẻ trịnh trọng, khệnh khạng, cố khỏe khoắn hơn cái tuổi cổ lai hy. Buổi chiều mà nếu không bước ra khỏi nhà để mà ước phải chi người này là anh, là anh của những hẹn hò mây gió, thì có lẽ đỡ xót xa, buồn bực hơn.

 

Những buồn thương ấy kéo buổi chiều dài hơn. Bữa cơm lâu hơn, đường về xa hơn. Cái vẻ đạo mạo, đàng hoàng của ông Chấn, khiến tôi có được chút mừng vui là đã gặp được một người bạn tốt bụng, dù trong cách nói chuyện ngập ngừng với những câu đứt khúc, cho tôi có cảm tưởng đang, hoặc sẽ, còn có điều gì đó chưa nói hết. Ừ, một người cao thâm như ông thì bao giờ lại không thể để lại trong lòng người khác những điều gì đó phải khắc khoải!

 

Định bụng, mai mốt cuối tuần con cháu ở nhà, tôi sẽ nấu nướng chút gì, mời ông lại nhà trả lễ. Có phải trong bữa cơm hôm ấy sẽ có thể cũng có cả anh nữa không?

 

Xe dừng lại, tôi quay sang Ông Chấn định nói lời cám ơn, cũng vừa lúc ông nghiêng người, choàng tay qua lưng ghế:

-Tuyết có biết...?

Tôi ngạc nhiên:

-Dạ… Có gì không anh?

-Ồ không, tôi…

-?

-Tôi đã… tha thiết yêu Tuyết từ lâu…

 

Tôi bàng hoàng. Hoàn toàn không một chút nào nghĩ tới diễn biến bất ngờ tới chỗ này. Không kìm được hai con mắt trợn tròn, nhưng tôi kịp lái ánh mắt tránh không nhìn vào ông Chấn, nhưng có lẽ, tôi đã tránh không kịp cái vẻ mặt ngỡ ngàng “À, ra thế, điều gì đó chưa nói hết là  đây, cái giá không mong bất ngờ của một buổi chiều cho mượn”. Tôi bật tay nắm của cửa xe:

-Ồ, anh! Không phải là anh cũng biết tôi vẫn còn có gia đình sao? Mà anh cũng vậy. Tôi cứ ngỡ chúng ta vẫn có thể có một tình bạn tốt. Hơn nữa… nào phải đầu hôm sớm mai cuộc đời… lại có thể có tình yêu thiết tha ngay trong lần gặp đầu tiên?

 

Có vẻ không lạ với phản ứng của tôi, ông Chấn đặt tay lên vai tôi:

-Tôi xin lỗi, mong là…

-Ở tuổi nào thì đàn ông các anh mới thấy mình hoàng hôn?

-Có thể coi như tôi chưa nói gì, được không?

Tôi bước xuống xe:

-Dạ, không sao anh! Cám ơn anh những điều mới mẻ tôi học hỏi được nơi anh.

 

Tôi bước vôi vào nhà. Chỉ có anh mới hiểu được điều em nói “có gia đình” của em là thế nào. Tôi vuốt ngực, sửa soạn một nụ cười, nhẹ nhàng bước lên thềm nhà. Một chút buồn giận lờ mờ giăng ngang buổi chiều như đám sương mù đang chực lạnh quanh tôi, anh trẻ hơn Chấn nhiều, có phải phía trước anh vẫn còn mênh mông những bình minh? Hay đàn ông thì phải thế?

Tôi bước vào nhà.

 

Có lẽ tôi cũng có chút bối rối chiều qua, nên trong đầu chỉ kịp có chút buồn cười, thấy khôi hài thay mấy chữ yêu thiết tha kia. Nhưng sau khi trả mình về lại sự bình tĩnh cô đơn trong căn phòng khuya vắng, tôi thấy buồn, chưa nói cái tình bạn vừa nhen sớm sụp đổ, mà, thật không hiểu ông ấy nghĩ sao về tôi? Quá giang một nỗi buồn đi, cho mượn một buổi chiều lang thang ấy là lẳng lơ ư? Có xúc phạm không khi thả lời hoa nguyệt với một người đàn bà, mà, rõ ràng là, không hiểu gì mấy về người ấy, và khoảng cách giữa nhau vẫn không hơn một cái bắt tay? Tôi không tiếc là tôi đã không tát tai ông ấy, hay là chửi nặng hơn. Tôi nghĩ tôi đã nói đủ. Một người tinh tế như ông ấy, tôi tin là ông hiểu ánh mắt hốt hoảng của tôi đã thoáng lên lúc ấy.

 

Tất nhiên là ông không biết con gái tôi đi làm buổi chiều, nên việc ông đến bấm chuông nhà, gặp con gái tôi mở cửa, chắc cũng làm ông hơi ngỡ ngàng. Đúng là một cao thủ, chắc nhiều em trong cộng đồng của ông cũng đã khó xử với sự dày dạn của ông. Ông vui vẻ, thản nhiên như không có gì xảy ra, nói với con gái tôi, chú đến để tặng cháu mấy cuốn sách (của chú). Con gái tôi cám ơn, nó tủm tỉm cười, thừa biết mấy cuốn sách Việt ngữ ấy chỉ có mẹ nó đọc.

 

Chưa kịp ngồi vào bàn, tôi đã tỏ vẻ không vui, nói nhỏ:

-Sao anh không báo trước? Lỡ gia đình có việc gì thì sao? Lần sau như vậy, Tôi… xin lỗi…

Ông ta làm như đang có gì rất vội, gấp gáp đứng dậy, cười tỉnh bơ, làm như tôi đang rất cần ông ở lại:

-Lúc khác tôi ghé chơi lâu, xin lỗi, tôi đang bận công việc chút.

Ông ta chào mẹ con tôi, ra xe.

 

Gần ba tháng qua, không có một email nào tạ tình, thăm hỏi gì của ông ta./.

 

 

Đặng Kim Côn
Số lần đọc: 1494
Ngày đăng: 15.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái Chết Về Như Lá Mùa Thu - Nguyễn Trung Dũng
Vợ Hiền - Phan Ngọc Danh
Truyện ngắn chưa đặt tên - Phạm Thị Xoàn
Mong Manh Đường Về - Ngô Văn Cư
Quá khứ - Phan Bích Thủy
Nơi Bắt Đầu - Hồ Thị Ngọc Hoài
Chạm Vào Giấc Mơ - Văn Công Mỹ
Ngụm cháo lú - Nam Dao
Dạo Bước Vườn Thiền, các truyện số 9,10, và 332 - Đỗ Đình Đồng
Cầm Đồ - Phan Ngọc Danh
Cùng một tác giả
Một Phút (tạp văn)
Sông Núi Trở Màu (truyện ngắn)
Trăng Lý Bạch (truyện ngắn)
Thế Kỷ Nào (truyện ngắn)
Vượt Ngục (truyện ngắn)
Vỡ Tổ (truyện ngắn)
Kinh Kha (truyện ngắn)
Thiền Tăng Và Tôi (truyện ngắn)
Đã Tạnh Mưa Chưa? (truyện ngắn)
Vĩnh Cửu (tạp văn)
Tình Xưa (truyện ngắn)
Mộng Du Chiều (truyện ngắn)
Qua Sông (truyện ngắn)
Chiếc Răng Giả (truyện ngắn)
Quên. (truyện ngắn)