Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
671
116.674.699
 
Rượu đắng
Bích Ngân

Chủ đề chuyển hoàn toàn sang lĩnh vực văn chương khi bàn rượu còn lại năm người. Túy Quỳnh, người đàn bà duy nhất của tiệc rượu buông lời bình:

- Maugham (1) đúng là bậc thầy tâm lý. Ông viết về một phạm nhân can tội giết vợ nhưng thật ra, đó là một người có lương tâm…

 

Nói đến đây, Túy Quỳnh bắt gặp thoáng bối rối của Trương Lễ, giám đốc một nhà xuất bản, người được coi là tâm điểm của tiệc rượu, ngồi đối diện với Túy Quỳnh qua mặt bàn salon. Thoáng ửng đỏ lan từ khuôn mặt vành vạnh đến bối rối vì biết mình lỡ lời.

 

Với Trương Lễ, câu nói làm ông giật mình. Hình như không phải vô tình, càng ngày họ càng siêng sục sạo mọi ngõ ngách cuộc đời mình. Ông không thích cách cảm thông trần trụi này. Chỗ đau dễ lan nếu không biết cách san sẻ, khi ấy, cô đơn sẽ gấp trăm lần. Nhưng với Túy Quỳnh, người đàn bà còn son có ánh mắt đau đáu này, ông luôn dành một ưu ái đặc biệt. Ông thấy mình yếu đuối, vô lý trước sức mạnh giới tính của nàng. Mặc dù ông biết rõ là chưa bao giờ mình được tiếp cận với con người thật của nàng. Dường như lúc nào, và ở đâu nàng cũng đang sắm những vai kịch. Sau lưng, nàng chê bai, công kích tất cả nhưng trước mặt lại phù hợp và làm thân với tất cả. Nàng luồn lách khéo léo như một con lươn đồng thời cũng biết thu mình, rụt rè nếu trước mặt là con hổ, biết hùng hổ, giương vuốt nếu trước mặt là con thỏ. Còn đối với Trương Lễ, nàng coi ông không phải là con hổ cũng chẳng phải là con thỏ mà là chiếc phao lượn lờ trên mặt sông danh vọng còn nàng thì hụp hưởi, đang cố bươn, cố bíu vào chiếc phao ấy để cùng được ngoi lên mặt sông khuấy động vì như luôn gặp bão giông…

 

Không nỡ để Túy Quỳnh thêm áy náy, Trương Lễ vụt chồm người về phía trước chai rượu rót đầy ly và nâng chiếc ly sóng sánh màu hổ phách:

- Xin cạn ly vì tất cả những người có lương tâm trên hành tinh này!

 

Tiếng va chạm lanh canh trong trẻo của thủy tinh, tiếng lặp lại: “Vì những người có lương tâm” nồng nhiệt và ồn ào vẫn không níu giữ được không khí tự nhiên, rôm rả lúc đầu.

 

Để cứu vãn không khí gượng gạo này, Minh Thượng – phụ trách một tờ văn nghệ địa phương, nheo nheo đôi mắt sáng quắc với vẻ bí mật xin phép vắng mặt một lát. Nguyễn Tú, người vừa nhận chức trưởng phòng biên tập, và là người tổ chức bữa tiệc “rửa lon” này có khuôn mặt hồng hào, no đủ và điệu bộ tất bật của người đầu bếp cũng xin vắng mặt với lý do: bổ sung rượu và thức nhắm. Ngồi bên trái Trương Lễ là Hồ Trung, nước da dãi nắng nằm sương, tóc lù xù dài, khoác chiếc áo Jean bạc phếch, anh ta có truyện được đăng đều đều ở tờ văn nghệ của Minh Thượng, Hồ Trung kéo chiếc túi bằng vải Jean cũng bạc như chiếc áo khoác của anh treo sau ghế và móc từ trong túi ra gói Caraven “A” mới nguyên. Anh rút một điếu mời Trương Lễ đang ngồi lặng lẽ, đăm chiêu. Trương Lễ hờ hững gắn điếu thuốc lên môi rồi nghiêng người mồi thuốc từ chiếc bật lửa ga màu vàng chóe trong bàn tay khum khum che gió của Hồ Trung. Hồ Trung rút một điếu thuốc cho mình. Khi cả hai cùng phả ra những làn khói trắng xoắn xuýt, Hồ Trung ưỡn người ra thành ghế, mắt nheo nheo đầy ngụ ý:

- Hít sâu thuốc này mới hiểu tại sao người đời lại tặng biệt danh mèo cho các ả nhân tình.

 

Cả hai cùng hướng về Túy Quỳnh lúc này đang nửa quỳ, nửa ngồi, dịu dàng dùng hai tay áp lấy chậu hoa đặt trang trọng giữa chiếc bàn ba chân kê cạnh cửa sổ, đầu nàng nghiêng nghiêng ngắm nghía. Túy Quỳnh bỏ ngoài tai lời nói bóng gió của Hồ Trung để tập trung tất cả cho đóa hoa mảnh mai sắp bừng nở chỉ trong khoảnh khắc nữa. Khi cúi xuống nụ hoa, một ý nghĩ lóe sáng trong óc nàng, không phải ngẫu nhiên mà Trương Lễ chọn loại hoa mang tên nàng – một loại hoa quý hiếm ở xứ sở này. Ý nghĩ ấy khiến bộ ngực ở tuổi ra “hàng ba” được trợ giúp nhờ kỹ nghệ chất dẻo đang căng phồng, run run qua làn áo mỏng…

 

Nguyễn Tú trở lại bàn, khệ nệ nào rượu, hột vịt lộn, khô mực nướng… với nét mặt của một người mong muốn lời khen ở công việc nhanh chóng và chu đáo này. Trương Lễ ban một cái nhìn và nụ cười mà Nguyễn Tú chờ đợi. Nhưng khi nhìn những cơ bắp giãn ra trên khuôn mặt ngồn ngộn của Nguyễn Tú ông lại tự trách mình về việc đề bạt chức vụ mới cho anh ta. Rõ ràng đây không phải là người trợ giúp ông trong chuyên môn mà chỉ là người giỏi phục tùng và chăm phục dịch… Minh Thượng cũng quay lại với gương mặt tươi rói của cậu học trò ngổ ngáo vừa lừa được ông thầy khó tính, anh lo le tờ Văn Nghệ trên tay:

- Quý vị đọc số mới này chưa?

 

Nguyễn Tú tước tờ báo từ tay Minh Thượng để xuống khoảng trống còn lại của mặt bàn, dằn chai rượu lên:

- Làm tiếp! Mỗi người phải đủ độ để thưởng thức cho đã!

 

Thái độ nhiệt tâm gần như quá khích của những người chung quanh làm Trương Lễ tăng thêm cảm giác nghiêng ngả giữa tin và ngờ. Mái tóc lòa xòa rũ xuống che mất vầng trán, khiến gương mặt Hồ Trung như ngắn lại, tối sầm. Bất giác, Trương Lễ liên tưởng đến tập bản thảo dày cộm, ken đầy chữ, viết lấn ra lề của Hồ Trung đang nằm trong ngăn bản thảo đã được đưa vào kế hoạch xuất bản năm nay. Khi lật xem những trang bản thảo chi chít những chữ của Hồ Trung, ông có cảm giác như lạc vào khu rừng rậm âm u, ông định gấp lại nhưng bất ngờ một tia sáng dọi vào khu rừng ấy – Hai câu thơ của ông được trích nắn nót trên trang bản thảo của một truyện ký xếp đầu tiên. Tên tác giả câu thơ được chua trang trọn như người ta thường làm khi trích những câu văn, câu thơ của những nhà văn, nhà thơ tên tuổi. Tức thì, một cảm giác vừa thẹn, vừa ngỡ ngàng, vừa ngạc nhiên xâm chiếm, ông đỏ mặt dằn bản thảo xuống bàn, miệng lầu bầu: “Lại một mưu mẹo!”. Cùng với ý nghĩ này là một luồng gió thoảng nhẹ vừa đủ để lật những trang bản thảo ra. Mắt ông lại dán vào câu thơ… Bỗng, như một bàn tay thật mát, thật dịu dàng vuốt đi, vuốt lại sống lưng rịn mồ hôi của ông và với cái lạ kỳ của sức ma sát da thịt, bàn tay ấy chuyển sang xoa vuốt ngực ông… Như những lần trước, ông biết mình không sao cưỡng được nỗi thèm khát được vuốt ve, được mơn trớn của tính tự ái cố hữu của mình. Với đà nhân nhượng này, ông đã cho in những tác phẩm không hề có cuộc đời. Những đầu sách khoác chiếc áo bụi bặm hoặc những đầu sách viết vội in vội và chưa kịp ráo mực đã không còn trên các giá sách đều làm ông ái ngại mỗi khi ông bước qua các quầy sách. Ông thường tần ngần với vẻ mặt tai tái rồi bước đi chầm chậm nặng nề, giày vò trong suy nghĩ: tại sao mình dành chỗ cho những quyển sách như thế?

 

Ấy vậy, nhưng khi ngồi trên chiếc ghế cố định, quen thuộc và bằng những tiếp xúc, tiệc tùng… tất cả, đã ngốn ngấu những suy nghĩ tốt đẹp của ông. Ông lại cho in tiếp những bản thảo mà ông biết trước số phận  của nó. Ông lại giao hảo với những người mà lẽ ra họ chuyên làm ảo thuật chứ không phải làm văn chương. Nhờ họ, ông luôn ngự cao hơn tầm của mình. Chính ở vị trí được nâng cao này, ông được coi như một người gieo hạt, nhưng chính ông lại thấy tối mắt nếu những hạt mầm vượt lên xanh tốt. Một lần, ông vô cớ vứt bản thảo của một người viết trẻ vào ngăn tủ “những bản thảo không sử dụng” chỉ vì anh ta bộc lộ quá sớm năng khiếu của mình và cũng còn vì khi tiếp xúc với ông, đầu anh ta cứ ngẩng cao và mái tóc bồng bềnh như những gợn mây ngông nghênh, thách thức. Ngay lúc đó ông lại thấy bực tức vì sự thiếu công bằng của mình – cách xử sự này chỉ có ở những kẻ ti tiện, tầm thường. Ông lại kéo ngăn tủ… nhưng chiếc bìa màu xanh da trời của tập bản thảo làm ông nhớ ngay những gợn mây thách thức… Ông đóng sầm tủ lại. Nỗi dày vò ở ông chỉ tan biến nhanh khi được giải khuây với những người thân cận. Thậm chí ông còn phấn chấn vì lúc nào họ cũng sẵn sàng làm ông vui lòng. Ông tự an ủi rằng: sống với những người đi bằng đầu gối bao giờ cũng thấy yên lòng dù có đứng trên quả núi đang phụt lửa. Nhưng, suy cho cùng, sự dễ chịu và yên lòng ấy đâu phải do chính con người ông đem lại mà do địa vị của ông. Nên thay vì xem thường chức tước, bổng lộc (không phải không có những lúc ông muốn vứt bỏ nó để trở về với chính mình!) ông lại ky cóp từng chút công lao. Ông ngồi hằng giờ tỉa tót từng chữ, từng câu trên bảng thành tích chẳng khác kỳ công sáng tác những câu văn, câu thơ. Rồi ông cũng biết so đo, kỳ kèo để được khen, được thưởng. Ông không đủ sức làm khác đi vì địa vị hiện tại đã mang đến cho ông khá nhiều đặc ân mà thiếu nó, biết đâu, không có tiệc rượu vui vẻ này…

Minh Thượng xoáy tia nhìn thấu suốt với đầu óc phán đoán tinh nhanh, có lẽ đoán được lý do im lặng của nhà thơ và bao giờ anh cũng biết lái câu chuyện làm hài lòng Trương Lễ. Anh nói to với Nguyễn Tú:

- Cho tôi thêm một ly nữa và đề nghị im lặng!

 

Tức thì không khí lắng ngay. Mọi người hướng đăm đăm về Minh Thượng, chờ đợi. Âm thanh duy nhất của phòng tiệc là tiếng vù vù chém vào không khí của những cánh quạt trần. Vẫn chưa hài lòng, Minh Thượng đề nghị tiếp:

- Xin vặn quạt nhỏ lại!

 

Khi mọi yêu cầu được đáp ứng, Minh Thượng đứng thẳng lên bên cạnh bàn. Bàn tay nhớp nháp của anh khéo léo gập tờ văn nghệ làm đôi. Anh chăm chú vào bài thơ in ở góc của trang báo:

- Tôi xin đọc cho quý vị nghe bài thơ mới nhất của anh Trương Lễ!

 

Một câu nói – một điệp khúc thường không thiếu được trong các buổi gặp gỡ tiếp xúc. Nghe điệp khúc quen thuộc ấy, Trương Lễ lắc đầu, đưa hai tay pha phả vào không khí như chối từ. Ngược lại, Minh Thượng cho cử chỉ đó như một lượng men nồng bỏ thêm vào ly rượu anh đang kề môi. Cử chỉ từ chối ngượng nghịu quen thuộc, đáng yêu đó như khích lệ, làm Minh Thượng hưng phấn thêm. Anh đọc vang và ấm. Rõ ràng giọng đọc toát ra không phải từ thanh quản mà từ trái tim. Tờ báo trong tay anh như chỉ còn là một đạo cụ để diễn xuất. Anh ngước mặt lên cao hay ngó mông lung xa vắng hoặc cúi đầu trang nghiêm, và không quên từng lúc kiểm tra nét mặt từng người nghe. Anh vừa đọc, vừa bình, khi nhặt, khi khoan đã truyền vào ý thức người nghe mọi ý tưởng, tình cảm của bài thơ. Giọng đọc hoàn toàn chinh phục người nghe đến nỗi chính tác giả bài thơ phải ngạc nhiên. Rồi từ ngạc nhiên chuyển sang ngờ vực. Thật vô lý và bất công khi hoài nghi một người quá nhiệt tâm với sự nghiệp của mình. Nhưng… tính đa nghi đã cắm rễ trong ông từ lâu lắm. Có lẽ, từ lúc cay đắng nhận rằng mình bị cuộc đời chơi khăm. Ngay hồi đôi mươi, người bạn mà ông trao trọn niềm tin đã cuỗm trên tay ông cô gái mà ông yêu da diết, để rồi thay vào đó ông phải chịu đằng đẵng một cuộc hôn nhân không tình yêu. Nỗi mất mát, cay đắng cùng với thời gian đã phủ lên trái tim ông một lớp băng. Với mọi người, ông không thờ ơ, lơ đễnh mà chăm chú bằng ánh mắt lạnh lùng. Ông đâm dè dặt và hoài nghi với tất cả, ngay chính bản thân mình. Ông thầm trách Minh Thượng lẽ ra không cần phải bỏ nhiều công phu để thuộc lòng và diễn xuất như vậy. Vì với những đầu sách đã được in với những phép tính đo lòng người tỉ mỉ, chính xác của mình, vào làng văn. Ôi, hào quang của nghệ thuật cám dỗ, mời gọi làm sao!

Đọc xong, Minh Thượng lấy khăn mùi xoa lau mồ hôi tương trên mặt, trên cổ, trên đôi tay và đưa cặp mắt rực sáng nhìn mọi người chờ đợi…

 

Như sực tỉnh, anh trưởng phòng biên tập hấp tấp kéo chai rượu về phía mình và rót vào ly. Có lẽ, vì quá xúc động nên anh để rượu tràn ra ngoài. Anh nâng ly rượu bằng hai tay phốp pháp, hồng hào mời giám đốc:

- Xin uống với thủ trưởng. Thật không ngờ! Công việc bừa bộn như vậy mà thủ trưởng còn thì giờ làm bài thơ… thật hết ý.

Vẻ linh lợi trở lại trên gương mặt Hồ Trung, anh đón chai rượu từ tay Nguyễn Tú.

- Nghe bài thơ tôi muốn nốc hết chai rượu này quá mấy cha! Đã thiệt! Nó hơi buồn nhưng kiểu buồn đượm đầy triết lý…

 

Nói xong câu này, Hồ Trung ực cạn ly rượu. Anh nghiêng chai rót thêm nhưng bị bàn tay ngọc ngà của Túy Quỳnh chặn lại:

- Rượu còn ít lắm, cha nội!

Túy Quỳnh giằng chai rượu tự rót vào ly cho mình rồi nâng ly rượu hướng về nhà thơ, cất giọng ngọt như mật:

- Em xin uống với anh!

 

Nàng uống nửa ly và đưa mời Trương Lễ. Khi đón ly rượu, bàn tay nhà thơ khẽ chạm vào tay Túy Quỳnh. Chút va chạm ấy làm gương mặt Tuý Quỳnh như bắt lửa. Và không giấu nổi nhu cầu bộc lộ sự am hiểu của mình, nàng tiếp:

- Vẫn là đề tài muôn thuở nhưng qua thể hiện, anh đã đặt cho con người biết bao suy nghĩ, khơi gợi cho người nghe nhiều ý chứa ngoài lời…

Không đợi Túy Quỳnh nói hết, Minh Thượng đứng lên:

- Chúng ta hãy nâng ly vì bài thơ, vì tình bạn và vì tất cả những người có lương tâm trên trái đất này.

 

Mọi người cùng chạm ly nhưng chưa kịp đưa lên môi thì cửa phòng xịch mở. Từ cửa, Hai Nhơn – chủ tịch một huyện miền biển và là anh vợ của Trương Lễ, đường bệ bước vào. Âm thanh oang oang thường thấy ở những người sống lâu với biển cả, cất lên:

- Linh tính kéo tôi đến đây thiệt đúng.

Trương Lễ nhắc thêm một chiếc ghế mời Hai Nhơn và quay sang các bạn – chúng ta hãy làm quen với một ông quan rất mê văn chương…

Tức thì những ánh mắt đổ về phía Hai Nhơn tỏ vẻ thân thiện, gần gũi. Minh Thượng chồm tới Hai Nhơn, Hai Nhơn đưa tay cho anh, bàn tay anh lọt thỏm trong đôi tay to, khỏe của Hai Nhơn. Vẫn giữ cái bắt tay đó, Minh Thượng quay về các bạn:

- Tôi có may mắn được gặp anh Hai đôi lần. Gần đây nhất là chuyến đưa đoàn nhà văn Trung ương đi tham quan. Anh Hai đã làm các vị ấy mê tít – Anh quay lại Hai Nhơn – Anh chẳng những là người hùng của rừng, của biển mà còn là người bạn chí cốt của văn nghệ nữa – Minh Thượng đưa ly rượu lên – Đúng ra ly rượu này dành cho bài thơ rất tuyệt của anh Trương Lễ. Nhưng khách đến bất ngờ vào giờ này là khách quý nên anh Trương Lễ muốn nhường phần diễm phúc ấy cho anh.

 

Hưởng ứng lời nói của Minh Thượng là một tràng pháo tay khá giòn.

Hai Nhơn đón ly rượu. Ông đưa ánh mắt thân thiện nhìn mọi người và không nói một lời, uống cạn ly. Ông trao ly lại cho Minh Thượng.

- Cậu vẫn thích mê hoặc người khác bằng cách nói của mình – Rồi ông vỗ vỗ vào cái cặp công tác căng phồng để bên cạnh – Trong này có quyển trường ca mới của cậu tôi vừa chộp được ở nhà sách hồi chiều nay.

 

Hồ Trung vụt đứng lên xin bắt tay Hai Nhơn:

- Phải thêm nhiều quan chức như anh Hai thì đỡ cho bọn này biết chừng nào.

Hai Nhơn đáp lại câu nói của Hồ Trung bằng câu hỏi:

- Dạo này cậu viết gì mà không thấy xuống tôi? – Ông hướng tiếp về Túy Quỳnh – Cả cô nhà văn kiêm nhà báo này nữa? Các cô, các cậu chắc ớn muỗi, ớn mòng?

Hồ Trung lúng búng trả lời:

- Tôi… đang trụ lại để viết tiểu thuyết.

 

Vẫn giọng vừa to, vừa khỏe của Hai Nhơn:

- Viết tiểu, viết đại gì cũng phải đi chớ, nếu không, coi chừng tác phẩm bị liệt. Như cái ký “Rừng cháy” nếu cậu sát thực tế và dũng cảm hơn thì đâu cần phải lách như vậy. Vì nguyên nhân đưa đến cháy rừng phải nói thẳng là do chúng tôi.

- Chúng tôi đã tách rừng ra khỏi nhân dân…

 

Không biết có phải do sức nóng của những đám cháy rừng lan đến cùng hơi nóng của rượu Bình Đông tỏa ra mà không khí trong phòng như nung. Gương mặt mọi người trở nên căng thẳng, chỉ trừ gương mặt của Hai Nhơn vẫn kiên nghị, rắn rỏi như vẻ mặt một ngư ông, lại vừa chất phác, hồn nhiên như một đứa trẻ. Ông nói tiếp như sợ mất cơ hội, và xúc động thật sự khi hướng về Trương Lễ:

- Ngay sau vụ cháy rừng, những bài thơ của dượng đến, chúng tôi coi đó là một bản án dành riêng cho mình. Nó tra tấn, dày vò làm chúng tôi mất ăn mất ngủ, nhưng chính nó lại mở mắt cho chúng tôi…

 

Đôi mắt rân rấn dưới ánh đèn, Hai Nhơn dừng lại một lát và bất ngờ ông tiếp:

- Nhưng gần đây, thú thiệt… đọc thơ dượng tôi cảm không vô được. Nó rối rắm quá, gút mắc quá...

Câu nói chân tình của Hai Nhơn như một trận mưa đột ngột ập xuống đám cháy. Một không khí lạnh lẽo như dưới nhà mồ trùm xuống tiệc rượu. Họ cảm thấy mình bị xúc phạm và nhất là xúc phạm tới nhà thơ – Giám đốc, cũng như đụng đến văn chương của họ – đến chuyên môn của họ – Nó như sự phạm thánh trước con mắt của các tín đồ…

 

Minh Thượng bật dậy như cái lò xo, điệu bộ vung văng như một con rối huy động đến âm sức hùng hồn: - Xin lỗi ông chủ tịch! Văn chương chúng tôi có lẽ không phải để cho những người tối ngày chỉ biết chúi mũi vào hội họp, vào các chỉ tiêu, các con số…

Hòa theo thái độ của Minh Thượng là một chuỗi cười đồng tình, đồng ý vang lên từ tiệc rượu. Chuỗi cười với một áp lực cực mạnh đẩy gọn con người vạm vỡ của miền biển bật khỏi tiệc rượu…

 

Những diễn biến trên diễn ra quá nhanh, đến khi Trương Lễ kịp định thần thì đã muộn. Chỉ còn lại quanh ông giọng cười mỉa và lời nói cay cú chĩa ra phía cửa. Ông muốn chạy theo níu giữ Hai Nhơn lại…

 

Nếu Hai Nhơn không trở thành anh vợ, thì có lẽ tình bạn của họ khăng khít như đã từng khăng khít, từng ngủ chung một mùng, từng chong đèn sáng đêm để tập làm thơ và cũng bằng con mắt của tình bạn họ đã vạch lối đi đúng cho mỗi người. Chỉ có lối vào trái tim của Trương Lễ thì Hai Nhơn đã vạch sai. Khi không cầm lòng được trước nỗi đau quá lớn của bạn, Hai Nhơn đã mang đứa em gái khá xinh, biết phục tùng của mình lấp vào chỗ mất mát trong tình yêu của bạn. Phải một thời gian chậm chạp trôi, đôi bạn ấy mới nhận rằng: Tình cảm con người không có chỗ cho trò đền bù, đặc biệt, sự ban ơn và hàm ơn càng không thể sinh ra được tình yêu. Nhưng oái oăm thay, mọi nhận thức đúng đắn thường đến sau hành động vội vã của con người. Tuy vậy trong thâm tâm Trương Lễ không hề trách bạn thậm chí ông rất nể tính khí cương trực, thẳng thắn của Hai Nhơn…

 

Thế nhưng Trương Lễ vẫn không rời được tiệc rượu. Những ánh mắt chung quanh ghì chặt ông lại. Ông ngồi phịch xuống ghế. Tâm trạng thắc thỏm như đứa trẻ bị người lớn phạt và buộc ngồi trong một vòng tròn đã vạch sẵn. Chỉ khác là chiếc vòng của ông không phải vạch bằng viên phấn trắng hay hồng mà được vạch bằng con dao hai lưỡi  của lòng tự ái. Một lưỡi mải miết chuốt mỏng lớp tiếp xúc làm ông nhạy cảm cực kỳ với thái độ đồng tình hay phản đối. Lưỡi thứ hai tỉ mẩn cứa dần sợi dây lý trí buộc mọi hành động của ông thường tuân theo mệnh lệnh của bản năng. Chiếc vòng không hình khối, không màu sắc nhưng có sức mạnh quái ác đang khép ông dần trở thành một người bất lực với chính mình, bất lực cả trước con mắt của người khác. Lợi dụng chỗ yếu này, đã không ít kẻ quanh ông đang đẩy ông vào lối cùn, dẫn dắt ông lạc lối. Cái lầm lạc dễ nhận ra trên con đường này là ông không dung nạp được sự thật – dù một liều lượng rất nhỏ (nếu sự thật đó làm tổn thương đến lòng tự ái của ông). Ông thường vồ ngay tác phẩm mới của bạn bè nhưng không để thưởng thức mà để xem “viết như thế nào?”. Ông dè sẻn lời khen như thói bủn xỉn của người keo kiệt. Khi ngóng nghe có người ủng hộ tác phẩm nào đó thì với thái độ như rất dửng dưng, ông phán:

- Hãy chờ xem, thời gian là nhà phê bình công minh nhất!

 

Tuy vậy, ngực ông vẫn còn cảm giác nhói đau khi nhận ra khoảng cách tụt lại của mình. Cái gì đã tạo ra khoảng cách này? Trên con đường mà ông đã chọn nó gay go như vượt sa mạc bằng đôi chân bỏng rát mà không có nguồn nước nào mầu nhiệm hơn tình yêu. Ông luôn cảm thấy thiếu nó và ông gần như hoảng sợ như lúc nào mình cũng khát, khát, khát cháy lòng vì nguồn nước đó nhưng lại không chịu kề môi uống lấy.

 

Sau khi tự dày vò về thái độ im lặng gần như đồng lõa của mình đã đẩy Hai Nhơn đi, Trương Lễ lại rút chiếc khăn lau mồ hôi trên mặt, rồi như thành thói quen, ông giữ nó trên tay và săm soi rất kỹ. Bắt gặp cử chỉ này, Túy Quỳnh ép nhẹ giọng như làn gió thoảng:

- Anh Lễ đưa mùi xoa em đi ướp lạnh để anh lau cho tỉnh táo!

Trương Lễ chống chế:

- Vậy Quỳnh cho tôi say?

- Anh thì có bao giờ say, nhưng… em, em muốn trông vẻ mặt anh tươi tỉnh hơn kia.

Khi Trương Lễ chà xát khắp mặt mình bằng chiếc khăn mát lạnh thì cũng là lúc Minh Thượng khệ nệ rinh đến từ nhà chiếc cassette. Anh ấn nút, từ chiếc máy phát ra một bản nhạc mà Trương Lễ thích. Họ cùng im lặng lắng nghe như cố ghi nhận vào tim, vào óc tiếng nhạc ấy. Từ lâu cái tai thính nhạc của Trương Lễ đã trở thành cái tai chung của những người xung quanh. Tất cả những bản nhạc thu và phát từ chiếc cassette này cũng đều theo ý thích của Trương Lễ. Tiếng nhạc, hơi men, và cũng để xua tan lời nói của Hai Nhơn, họ đứng lên và nhảy. Họ nhảy từng đôi một. Duy chỉ có Trương Lễ vẫn ngồi, chỉ nghiêng người một tý để ngắm những bước đi rất say tuy hơi vụng về của họ. Dù vậy ông cảm thấy tiếc là với điệu nhạc trang trọng, trong sáng này, Túy Quỳnh không nên có điệu bộ quá ưỡn ẹo, mời mọc như vậy và ông cũng hơi giận mình vì không sao dứt ra được ý nghĩ: Ngay trước mắt ông, Túy Quỳnh bộc lộ rõ cốt cách của một vũ nữ phòng trà quá tương phản với đóa quỳnh mảnh mai kia, dù cuộc đời của nó quả là ngắn ngủi. Ông chăm chắm nhìn đôi chân nhún nhảy của Túy Quỳnh lướt trên nền gạch và ông chợt nhói đau khi bàn chân ấy bị bàn chân to bè dưới khối người nặng nề của Nguyễn Tú giẫm lên. Tuy đôi bạn vẫn thản nhiên và nhảy say hơn như để lấp đi cái lỡ đà vừa rồi nhưng cái nhói đau của Trương Lễ chưa tan đi mà tụ lại thành mũi đau nhọn hoắt. Mũi đau càng châm chích khi ông nhận ra: bước giẫm lên nhau của đôi chân ấy là do họ không biết tuân theo điệu luân vũ cuộc đời – người này lùi lại là để người kia tiến tới. Trời ơi! Sao mình không chạy theo Hai Nhơn.

 

Mũi đau trong lòng ông như cùn lại, mềm ra khi tiếng nhạc vừa dứt và Túy Quỳnh sà vào nệm ghế cạnh ông. Mỏi mệt và phấn khích nàng như vô ý nghẻo mái đầu óng mượt sang một bên ghế và có lẽ cũng vô ý, mái đầu ấy đè lên một bên vai Trương Lễ. Ông vừa bối rối vừa muốn làm chỗ tựa cho người đàn bà mà lúc nào cũng muốn bíu vào mình. Nàng từ từ hạ thấp đôi mi. Nàng lim dim đôi mắt và khem khép lại trên vai ông. Với Trương Lễ, hình như cùng với cái khép nhẹ của hàng mi ấy là khép cả những nhận thức tỉnh táo của ông, đồng thời lại mở lối cho nỗi đê mê của bản năng xâm chiếm. Ông ngượng đỏ mặt vì trái tim yếu đuối của mình và còn vì ông chợt thấy giờ đây cả ông nữa chứ không chỉ riêng nàng đang hụp hưởi trên dòng sông nhục cảm…

 

Vợ Trương Lễ xuất hiện đột ngột. Ông không tin vào mắt mình. Từ lâu ông coi bà là một gánh nặng nhưng ông không đủ sức trút bỏ gánh nặng ấy. Ông thường trút lên bà nỗi bực tức vô cớ, lòng thương hại, vẻ ghẻ lạnh pha ít nhiều khinh bạc…

 

Cảnh tượng làm bà quá đỗi ngạc nhiên và cũng như ông, bà không tin vào mắt mình. Từ khi về với ông, trái tim bà không còn chỗ dành riêng cho mình. Bà thường đứng ngồi không yên mỗi khi vắng ông. Đêm nay, mang bụng đói chờ chồng bà càng bị cồn cào hơn khi thấy vẻ mặt thiểu não của Hai Nhơn trở về. Bà gạn hỏi anh trai chuyện gì đã xảy ra, nhưng bà chỉ nghe giọng nói buồn buồn hiếm thấy ở người anh:

- Cô nên đi đón dượng về, kẻo dượng say!

Chỉ nói bấy nhiêu rồi ông lặng lẽ hút liên tiếp mấy điếu thuốc – thái độ này giúp bà đoán được một điều gì đó rất không bình thường đã xảy ra giữa chồng mình và người anh trai. Điều tiên đoán này được khẳng định thêm khi bà nghe lỏm được câu nói nghe như tiếng thở dài của người anh: “Ôi! Văn với chương…” và trông đôi môi run run của người anh bà sợ hãi. Linh tính báo cho bà một điều gì đó vượt quá giới hạn chịu đựng đã xảy đến hai người. Bà rúm người lao đi như một mũi tên và xộc vào phòng tiệc cũng với tốc độ đó…

 

Trương Lễ sững sờ nhìn vợ. Bà bỗng giật lùi như chạm phải lửa. Ngọn lửa trong mắt ông phụt lên cao và đột ngột tắt lịm nhưng bà vẫn cảm thấy từ đôi mắt ông bắn về phía bà luồng hơi lạnh của khí giới. Bà tê tái. Giá những mũi tên nhằm về bà tẩm bằng thuốc độc bà sẵn sàng ưỡn ngực ra đón lấy, đằng này nó được tẩm bằng nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn đeo đẳng được giải thoát. Không thốt một lời, câm lặng bà bước đi, đột ngột như khi bà xuất hiện trước hàng chuỗi âm thanh: “Ha ha, maugham đúng là bậc thầy tâm lý”… chập chờn, đứt nối sau lưng bà.

 

(1) Maugham: Nhà văn Anh

Bích Ngân
Số lần đọc: 2494
Ngày đăng: 16.09.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gỗ và đá - Trezza Azoopardi
Sông xa - Nguyễn Lệ Uyên
Nà Bò cỏ ống - Hoa Ngõ Hạnh
Chị và em - Hội An
Biển xanh sâu thẳm.1 - Peter Hobbs
Biển xanh sâu thẳm.2 - Peter Hobbs
Nhân quả - Trương Hoàng Minh
Mật đắng - Đổ Thị Hồng Vân
Hài nhi không biết cười - Trần Văn Bạn
Một Buổi Chiều - Ian Ranking
Cùng một tác giả
Với con (tạp văn)
Hai chấm sao xa (truyện ngắn)
Đất không cưu mang (truyện ngắn)
Cầu thang dốc đứng (truyện ngắn)
Cõi riêng (truyện ngắn)
Giọt đắng (truyện ngắn)
Thần tượng (truyện ngắn)
Ba người đàn bà (truyện ngắn)
Đứa con không về (truyện ngắn)
Trái tim bướng bỉnh (truyện ngắn)
Những chiếc lông cò (truyện ngắn)
Mặt trời ký ức (truyện ngắn)
Ám ảnh dòng sông (truyện ngắn)
Bồng bềnh thiên sứ (truyện ngắn)
Tin chiều (truyện ngắn)
Hoa cốc kèn (truyện ngắn)
Bóng tối (tạp văn)
Chị em ruột thịt (truyện ngắn)
Giọt nắng (truyện ngắn)
Thần sông (truyện ngắn)
Trăng bạc (truyện ngắn)
Những chiếc lá thu (truyện ngắn)
Trong im lặng (truyện ngắn)
Hồi kết (tạp văn)
Rượu đắng (truyện ngắn)
Hồ đêm thăm thẳm (truyện ngắn)