Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
759
115.994.321
 
Thằng Tài đậu đại học
Bích Ngân

Lá thư mỏng nằm trên bàn, nơi có giỏ đựng trầu, hũ đựng vôi, khay nhôm đặt mấy cái tách và một vỏ dừa ủ bình trà. Út Dự cầm lá thư, thấy người nhận đúng mình, liền xé bao thư. Một tờ giấy bằng bàn tay, mấy hàng chữ, không phải chữ viết mà là chữ đánh máy, chắc máy chữ còn mới nên nét đậm, chữ rõ.

 

Út Dự đọc lá thư lần nữa, rồi một lần nữa. Lúc này thì anh tin mình không mụ mẫm, không loáng choáng hơi men và cũng không chiêm bao, cho dù giấc mơ ít khi đến, chưa kể trong mộng mị thường vẫn hình ảnh cũ, khói lửa, tiếng rền rú và những đôi chân, vô số đôi chân, lúc di chuyển theo đội hình, lúc rượt đuổi, lúc lại rạp xuống im lìm như những bụi rạ ngập nước.

Người đầu tiên Út Dự muốn báo cái tin vui động trời này là mẹ anh. Út Dự móc gói thuốc rê, vấn vội một điếu và lẽ ra phải gắn lên môi, anh lại vắt nó lên vành tai. Anh rót nước, uống hết ly thứ hai vẫn khát mà trong bình chỉ còn một ít nước. Mẹ anh phật lòng nếu bình hết nước, bà sẽ càm ràm như những khi anh tham công tiếc việc, giấu đau giấu bệnh hoặc khi anh không ăn hết phần bà nhường để, dù đó chỉ là cái trứng chiên, con tôm luộc hay trái ổi vàng uổm còn sót lại trong vườn mà bà bẻ được.

 

Để chiếc nạng gỗ dựa vào vách, Út Dự vịn bàn vịn ghế, nhấc đến giường mẹ. Bà Hai đang ngủ, mắt khép hờ, nhịp thở nằng nặng. Út Dự ngồi gá vào mép giường. Bà Hai trở mình, nằm nghiêng, lưng quay về phía con trai. Nhìn lằn vải vá nhằng nhịt như mạng nhện trên lưng áo mẹ, Út Dự nuốt mạnh nước bọt xuống ngực… Dẫu biết tính bảo thủ của người già, tuổi già thường vón lại thành một khối u ác khó cắt bỏ nhưng anh không chịu nổi cái tính tằn tiện khổ sở của mẹ. Bà chỉ chịu mặc chiếc áo lành lặn vào dịp lễ tết, cúng giỗ, đầy tháng hay thôi nôi mà những dịp như thế đâu nhiều. Bà Hai xoay người lại. Út Dự nghe mẹ thở khò khè giống tiếng thở của thằng Tài mấy lần nó sưng phổi. Út Dự bóp nhè nhẹ cổ tay mẹ:

- Má, má ơi… thằng Tài đậu rồi!

Bà Hai ngầy ngật:

- Cái gì vậy bây?

Út Dự kề miệng sát tai mẹ:

- Thằng Tài đậu đại học!

Bà Hai chống tay nhổm dậy:

- Bây nói cái gì?

 

Biết mẹ nặng tai, Út Dự nói to:

- Thằng Tài vào được đại học!

Bà Hai ngồi dậy, bỏ chân xuống đất quờ tìm đôi dép, đôi mắt mờ đục không biểu lộ vui mừng. Bà hỏi:

- Vậy nó học ở đâu?

 

Út Dự đọc tờ giấy báo một lần nữa:

- Nó học ở Nha Trang!

- Vậy chỗ đó có xa hôn?

Bà Hai xỏ được chân vào dép, như chực bước đi. Út Dự níu bà lại:

- Nha Trang không xa đâu, má đừng lo!

 

Nói để trấn an mẹ, chứ thực ra Út Dự mới nghe thằng Tài ước lượng khoảng cách từ Sài Gòn ra Nha Trang bằng Cà Mau lên Sài Gòn. Quãng đường Cà Mau – Sài Gòn, Út Dự đã đi ba lần và dĩ nhiên cũng ba lần quay về, tuy lần nào cũng chỉ biết có mỗi nơi là bệnh viện và lần nào cũng phải bỏ lại nơi ấy một ít xương thịt của đoạn chân thương tật. Út Dự nhắc đến chỗ bàn nước, rót đầy tách, mang lại cho mẹ:

- Má uống nước, uống thuốc, đừng đi đâu, con đi kiếm thằng Tài đây!

Út Dự ra đến ngõ liền thấy vợ tay xách cái xô nhựa lem luốc bước tong tả trên đường. Út Dự chống nạng, chặn vợ lại:

- Bà hay gì chưa? Thằng Tài đậu đại học rồi!

Sáu Phấn khựng lại:

- Ông nói thiệt chớ?

Út Dự móc tờ giấy báo đậu đại học của thằng Tài ra dứ dứ trước mắt vợ:

- Chữ nghĩa ghi rành rành ra đây!

Sáu Phấn đặt xô xuống đất, định đón lấy mảnh giấy nhưng Út Dự đã rụt lại, cho vào túi:

- Tay chân bùn đất đừng rớ vào!

Sáu Phấn chùi hai tay bẩn vào vạt áo:

- Ông coi kỹ coi có lộn tên hay trùng tên…

Út Dự nổi nóng:

- Bà nói tui nổ tròng rồi chắc?

 

Từ trong chiếc xô lấm lem bùn đất, con cá lóc áo một lớp bùn phóng cái rột, trườn ra mặt đường. Phải một hồi trật vuột, vợ Út Dự mới bắt được nó, bỏ vào xô. Chị lật đật xách xô cá vào nhà rồi quày quả trở ra và tất tả chạy theo chồng:

- Ông đi chầm chậm chờ tui với!

Chạy một hơi, Sáu Phấn đuổi kịp Út Dự:

- Ông biết thằng Tài ở đâu hôn?

Biết chắc thằng Tài đang tụ tập với đám bạn trong một cái quán nào đó đằng ngã ba sông nhưng Út Dự làm thinh. Anh dừng lại, nhìn vợ từ đầu tới chân rồi xẵng giọng:

- Bà làm ơn xổ giùm hai ống quần xuống!

 

Lúc bấy giờ Sáu Phấn mới chực nhớ hai ống quần còn xắn cao tới bắp vế. Chị lom khom kéo hai ống quần xuống tận mắt cá chân và khi ngẩng lên thì thấy chồng đã bỏ đi trước. Chị không dám bước nhanh. Cứ lẽo đẽo theo sau. Không phải Sáu Phấn sợ chồng chê cái dáng đi lật đật của mình mà chị cố giữ cái khoảng cách quen thuộc. Bằng yêu thương, tần tảo, nhường nhịn và chịu đựng, Sáu Phấn muốn rút ngắn, muốn xóa đi khoảng cách ấy nhưng không thể. Đó là khoảng cách mất mát, đeo đẳng như chiếc nạng gỗ bóng ngời trong tay chồng chị.

 

Xóm Dừa, xóm Chuối và xóm Cá gặp nhau ở ngã ba sông. Ba nhánh sông không còn mang phù sa nuôi vườn chuối, vườn dừa và nuôi những cánh đồng. Tuy vậy, nó vẫn giữ vị trí huyết mạch của cái sự sống không ngừng thay đổi dù cho sự đổi thay đó vừa mang lại sự sung túc lại vừa tước mất cái hơi thở trong trẻo của một vùng quê. Hàng quán mọc nhanh như nấm, chen chúc. Dãy nhà cất vội gie ra bờ sông với các kiểu bảng hiệu chói chang màu sắc khiến liên tưởng tới những hàm răng bịt vàng bịt bạc sáng lóa. Ngã ba sông thành cái chợ và là một cái chợ ồn ĩ cả chiều cả tối. Con nước lớn lờ đờ mơn man những xuồng, những ghe, những chiếc vỏ lãi mình hẹp mũi dài mà chủ nhân của chúng đang mải mê những trò chơi điện tử, những ván bài, những bài hát ủ ê và những điệp khúc tán tỉnh mấy cô thợ uốn tóc, thợ làm móng tay, thợ may và những cô bưng bê má hồng môi đỏ… Lưỡng lự vài giây, Út Dự bước vào quán cà phê kiêm luôn quán nhậu và hát karaoke. Mới chiều xế mà bàn nào cũng có khách. Hình như trai tơ, gái tơ của xóm Dừa, xóm Chuối, xóm Cá đều có mặt ở đây. Còn chói mắt nên Út Dự chưa nhìn rõ đứa nào. Chúng căng mắt tròn môi trước màn hình. Chúng đánh bài. Chúng hút thuốc. Chúng cụng ly. Chúng cãi vã. Út Dự hỏi lớn:

- Thằng Tài có ở đây hôn?

Sáu Phấn cũng tới nơi:

- Tài ơi, Tài…

Một cái đầu nhô cao từ chiếc bàn nhựa bày ê hề khô cá, cóc ổi, rượu trắng và trà đá. Thằng Tài mặt đỏ rần, miệng lắp bắp:

- Dạ… dạ… con đây!

 

Nó đứng không thẳng, lúm khúm như kẻ biết tội. Đã hai lần, Út Dự suýt nện thằng Tài cũng tại đây. Dẫu biết thú vui dễ dãi lôi kéo tụi mới lớn còn lẹ hơn đi vỏ lãi, nhưng Út Dự không chấp nhận được cái tính nhẹ dạ của thằng Tài. Mới hai tháng nằm nhà chờ kết quả thi mà nó đã lén lút tập tành… Hai thằng anh nó thất học, thiệt thòi có thể lân la bài bạc rượu chè. Còn thằng Tài thì không thể, cho dù việc nhà có rỗi rãi hơn kể từ khi đồng ruộng nơi này biến thành những trảng nước mặn nuôi tôm. Trong thâm tâm, Út Dự còn kỳ vọng ở thằng Tài một đứa con không chỉ không bị di hại bởi cái chất morphin chết tiệt đã ngấm quá nhiều vào cơ thể thương tật của mình, mà còn là đứa con lành lặn khỏe mạnh về thể xác, cường tráng về tâm hồn, minh mẫn về trí tuệ; một đứa con mà anh hãnh diện và ít nhiều tìm thấy sự đền bù. Út Dự gõ phồm phộp chiếc nạng gỗ lên sàn ván, đến sát bên thằng Tài. Thấy thằng Tài lấm lét cúi mặt, bực mình Út Dự hét:

- Về!

*

Hôm sau, cái tin thằng Tài đậu đại học lan đến làng trên xóm dưới. Ngôi nhà lá ba gian một chái của Út Dự tấp nập khách. Cũng có những người đến để xác nhận nguồn tin, đến vì tò mò nhưng hầu hết đến để chung vui, một niềm vui ít ai ngờ tới. Xóm Dừa, xóm Chuối và cả xóm Cá nằm dọc theo những nhánh sông chảy ra cửa lớn, nơi xuôi về chợ huyện bằng xuồng chèo chỉ độ một giờ đồng hồ, ngoại trừ thằng Tài, con của một thương binh loại nặng; chưa có đứa nào học hết cấp ba. Thành ra, thằng Tài mới ngày hôm qua đầu tóc bù xù, ho sặc sụa khi tập hút tập uống và suýt bị đòn nhừ tử thì hôm nay bỗng trở nên quan trọng như một vị anh hùng. Ai cũng muốn được nhìn ngắm nó. Nó cao lớn, sạch sẽ trong chiếc áo sơ-mi sọc bỏ vào quần. Trước bụng nó miếng bạc vuông vuông bịt đầu sợi dây nịt như được phát sáng. Nó đĩnh đạc đi tới đi lui. Nhà cửa bỗng sáng trưng dù chưa có một bóng đèn điện. Út Dự uống khá nhiều, anh chủ động cụng ly với những người lớn tuổi và cả mấy đứa bạn loi choi của thằng Tài. Chiếc nạng gỗ di chuyển liên tục trên nền đất. Chưa lúc nào Út Dự hạnh phúc như lúc này. Anh thấy mình có tất cả. Mẹ anh mặc áo mới, ngồi ngoáy trầu, càm ràm vì chuyện bà con làng trên xóm dưới mang đến quá nhiều gà vịt, cá tôm, gạo nếp. Hai thằng anh của thằng Tài và con chị của nó thì biết công biết việc, lẹ làng chu đáo bưng rượu bưng thịt. Sáu Phấn tóc búi cao, rạng rỡ trong chiếc áo màu xanh đọt chuối, lăng xăng nói nói cười cười. Út Dự bỗng lên tiếng. Anh đề nghị mọi người yên lặng. Nhưng khi tất cả sẵn sàng lắng nghe thì Út Dự ấp úng. Khi hết ấp úng, mặt Út Dự đỏ bừng như lên cơn sốt. Anh lập bập mấy tiếng rồi không nói được nữa. Anh cố ghìm, nhưng nước mắt, cứ trào ra…
Bích Ngân
Số lần đọc: 2809
Ngày đăng: 04.09.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Anh Rễ - Đào Phạm Thùy Trang
Tình Dỏm Làm Sao Quên - Đoàn Thạch Biền
Sông xưa - Nguyễn Một *
Qua sông - Trần Lệ Thường
Mùa xuân đầu tiên - Lê Hoài Lương
2 truyện dịch trong cuốn " Người Trung Quốc xấu xa" - Nữ Lang Trung
Con ngựa - Hồ Tĩnh Tâm
Pho tượng tình yêu - Nguyễn Một
Giọt nắng - Bích Ngân
Đêm hoang - Đông La
Cùng một tác giả
Với con (tạp văn)
Hai chấm sao xa (truyện ngắn)
Đất không cưu mang (truyện ngắn)
Cầu thang dốc đứng (truyện ngắn)
Cõi riêng (truyện ngắn)
Giọt đắng (truyện ngắn)
Thần tượng (truyện ngắn)
Ba người đàn bà (truyện ngắn)
Đứa con không về (truyện ngắn)
Trái tim bướng bỉnh (truyện ngắn)
Những chiếc lông cò (truyện ngắn)
Mặt trời ký ức (truyện ngắn)
Ám ảnh dòng sông (truyện ngắn)
Bồng bềnh thiên sứ (truyện ngắn)
Tin chiều (truyện ngắn)
Hoa cốc kèn (truyện ngắn)
Bóng tối (tạp văn)
Chị em ruột thịt (truyện ngắn)
Giọt nắng (truyện ngắn)
Thần sông (truyện ngắn)
Trăng bạc (truyện ngắn)
Những chiếc lá thu (truyện ngắn)
Trong im lặng (truyện ngắn)
Hồi kết (tạp văn)
Rượu đắng (truyện ngắn)
Hồ đêm thăm thẳm (truyện ngắn)