Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.427 tác phẩm
2.747 tác giả
378
117.048.563

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sôi động "Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian TP.HCM 2005"
TTO - Tại công viên 30-4, "Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian TP.HCM 2005" kéo dài trong suốt 3 ngày (từ đêm 30-4 đến 2-5-2005) đã khai mạc rộn rã với nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc của các đoàn nghệ thuật đến từ 24 tỉnh thành trong cả nước...

Sáng 1-5, Liên hoan đã thu hút nhiều người quan tâm đến xem và cổ vũ cho các lễ hội, hội thi và nhiều trò chơi dân gian diễn ra tại các điểm sân khấu được thiết kế trong công viên.

Tại sân khấu Sân Đình (góc Phạm Ngọc Thạch - Alexandre de Rhodes), đoàn nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã mang đến những âm sắc độc đáo của dân tộc Tày trong phần tái hiện hội Then Kỳ Yên. Trong khi đó, lễ hội Rước đất, rước nước của dân tộc Tày, tỉnh Lào Cai diễn ra tại khu sinh hoạt văn hóa dân gian (khu B) đã kéo nhiều người xem cùng hòa mình vào tiết mục múa vòng xòe của lễ hội.

Thu hút đông đảo người xem nhất là hội thi "Người đẹp trong trang phục dân tộc" diễn ra ở sân khấu Chim Lạc (góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Alexandre de Rhodes). Những nét đẹp độc đáo của trang phục truyền thống các dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Dìu, H'mông, Xá Phó, Pa Dí, Dao Tuyển, Tày, Dao đỏ, Thái, Mường, Chăm Hơ Roi...đã được chính các nam thanh nữ tú người dân tộc từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Yên, Hòa Bình, Đồng Nai... trình diễn. Nền văn hóa đặc sắc thể hiện qua trang phục mà các dân tộc đã bảo tồn, gìn giữ gây nhiều thích thú và cả ngỡ ngàng cho khách tham dự.

Trò chơi đi cà kheo đánh đu, múa võ của đoàn nghệ thuật quần chúng Nam Định tạo nên không khí vui nhộn cho cả khu trò chơi dân gian. Hội mang đúng sắc thái của "hội" khi thu hút được cả du khách cùng tham gia trò chơi vốn không dễ này. Đặc biệt, cũng diễn ra tại khu trò chơi dân gian, những tiết mục lân sư rồng của các bạn trẻ đoàn Lâm Minh (Q.11, TP.HCM) rất được đông đảo các em thiếu nhi yêu thích.

Chiếm được cảm tình của nhiều người tham dự liên hoan trong buổi sáng đầu tiên của lễ hội còn là những hình ảnh mộc mạc, gần gũi tái hiện các hoạt động làng nghề truyền thống như đan lát mây tre, làm đồ mỹ nghệ gỗ, dừa, xếp giấy nghệ thuật, vẽ truyền thần, viết thư pháp...Cũng tại khu Làng nghề truyền thống (khu C), người xem cũng được giới thiệu nhiều làng nghề nổi tiếng qua những gian trưng bày của làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), làng dệt thổ cẩm, làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh).

Cùng với những hoạt động nghệ thuật dân gian sôi nổi, hình ảnh lu nước, thúng rổ tre, nón lá, gánh hàng hoa...được xếp đặt trong không gian lễ hội cũng góp phần gợi nên phong vị đồng quê của mọi miền dân tộc giữa lòng thành phố. Tuy nhiên, không gian quá rộng và cách tổ chức thiếu tính kết nối giữa các điểm sân khấu làm cho không khí chung của liên hoan có phần hơi loãng...

Chiều nay, 1-5, từ 17g đến 23g, liên hoan sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật và giao lưu múa hát cộng đồng của các đoàn nghệ thuật đến từ 17 tỉnh thành trong cả nước và đoàn nghệ thuật quốc tế Indonesia. Khách tham dự liên hoan cũng sẽ có dịp xem lễ hội Xuống đồng (dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình), lễ Mừng cơm mới (dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai), lễ hội Katê (dân tộc Chăm, Ninh Thuận), lễ Kỳ Yên (dân tộc Kinh, TP.HCM); thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ, nghe ca Huế và xem những trang phục độc đáo khác của hội thi "Người đẹp trong trang phục dân tộc"....

M.PHÚC - L.THOẠI - TTO